Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những Điệp Khúc Còn Dang Dở… - Trần Ngọc Nguyên Vũ

Collapse
X

Những Điệp Khúc Còn Dang Dở… - Trần Ngọc Nguyên Vũ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những Điệp Khúc Còn Dang Dở… - Trần Ngọc Nguyên Vũ

    Những Điệp Khúc Còn Dang Dở….

    Trần Ngọc Nguyên Vũ


    Ngồi trên chiếc xe díp tuần phòng căn cứ, Trung Tá Tựu thấy chiếc C130 bay lướt qua đầu mình đáp xuống phi đạo, anh ra lệnh cho người tài xế ngừng xe lại để quan sát, chiếc phi cơ đang ngừng lại ở cuối phi đạo sát với vòng đai phi trường. Cửa hậu của phi cơ được mở ra, một đám đông khoảng ba bốn chục người tay mang hành lý tràn qua bãi cỏ phóng lên phi cơ. Cửa phi cơ được đóng lại, bốn cánh quạt cùng với hệ thống bán phản lực rít lên, phi cơ lao về phía trước rồi bốc minh rời khỏi phi đạo. Tựu đứng thẳng người, cánh tay giơ lên ra lệnh cho người xạ thủ vào vị thế chờ khi phi cơ vào đúng tầm đạn của khẩu đại liên. Nét mặt người xạ thủ đanh lên, anh cắn chặt môi đến bật máu, trên trán lấm tấm những giọt mồ hôi, ngón tay run run đặt lên cò súng sẵn sàng nhả đạn. Phi cơ bay ngang qua đầu nhưng Tựu vẫn đứng bất động, người xạ thủ ngước mắt nhìn “Ông Thầy” đợi lệnh để khai hỏa. Phi cơ bay lên như cố gắng nâng cao độ “climb” rồi từ từ biến mình sau đám mây mù dầy đặc trên bầu trời của quê hương vào lúc những dòng sử bi hùng của cuộc chiến đang từ khép lại…. Tựu buông một tiếng thở dài, vỗ vai người tài xế nói: “- Thôi mình đi về”.

    Sau bao năm theo “Thầy” đi hành quân ngoại biên, anh tài xế hiểu rõ “Ông Thầy” của mình hơn ai hết. Từ những cuộc hành quân vượt đỉnh Trường Sơn, tới những lần xâm nhập mật khu của địch, anh luôn luôn để toát ra một phong độ hào sảng của một tráng sỹ nơi biên cương quan tái chốn xa trường. Cuộc sống của anh là cuộc sống của những người con yêu sẵn sàng hy sinh thân mình cho đại cuộc. Mỗi bước chân của anh in đậm những dòng thơ đầy tính nhân bản, trên những trang quân sử bi hùng và lãng mạn của dân tộc…Sự quyết định của anh ngày hôm nay có thể là đúng và cũng có thể là sai, nhưng chắc chắn đó không phải là sự quyết định của lý trí mà là sự quyết định của con tim…C130 một cái tên nghe quen thuộc và cũng rất thân thương. Trong những lần làm việc với C130, anh ít tiếp xúc với phi hành đoàn mà chỉ biết họ qua “tần số”. Từ những phi vụ thả toán, đến những phi vụ “bốc” thông điệp và bốc “hàng sống”. anh coi chiếc C130 như một người bạn thân thiết nhất của anh, làm thế nào anh có thể bắn hạ nó, cho dù có phải đánh đổi lấy những hình phạt nặng nề nhất của quân đội dành cho anh. Nghĩ như vậy anh thấy lòng mình thanh thản hơn…Cuộc chiến này rồi cũng có lúc phải kết thúc, kết thúc như thế nào thì anh chưa biết, lệnh từ Nha Kỹ Thuật là phải bảo vệ sân bay để sẵn sàng cho cuộc triệt thoái toàn bộ của quân đội...

    Ngày 30 tháng 4 năm 1975 miền Nam thất thủ, quân đội miền Bắc tràn qua vĩ tuyến 17 tiếp thu miền Nam và thủ đô SàiGòn. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa tự giải thể, nhân dân miền Nam tìm đường thoát ra nước ngoài xin tị nạn chính trị đẻ tránh sự trả thù tàn độc của Cộng Sản …Sau 20 năm nội chiến, một cuộc chiến tàn bạo nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại ở thế kỷ thứ 20 này. Lằn ranh chia cắt đã được xóa bỏ, và Việt Nam trở thành một nước theo chế độ Cộng Sản. Nhưng cũng kể từ đó người dân miền Nam sống trong cảnh tối tăm , u ám với một tương lai mù mịt…Hàng trăm những trại tù, những vùng kinh tế mới được dựng lên để giam giữ hành hạ và cướp bóc vơ vét tài sản của dân miền Nam. Thảm cảnh vợ con của Nguỵ Quân, Nguỵ Quyền ( tiếng của cộng sản ) bị cưỡng bức bởi những kẻ có quyền thế của chế độ mới đã làm cho người dân miền Nam càng thêm tủi hổ…Vết thương đời ngày đêm rỉ máu. ..Bây giờ thì đã hơn nửa thế kỷ trôi qua , cuộc nội chiến đầy hận thù tàn bạo cũng đã chấm dứt, không còn những tiếng bom nổ đạn bay, những xác người gục ngã giờ đậy cũng đã tan biến vào với cát bụi để biến thành chất tố để vun xới cho rừng cây xanh lá cho những khóm hoa trổ sắc vàng tươi và cái còn lại là cái “hào khí” của những anh hùng liệt nữ, những người đã nằm xuống mà không bao giờ được thấy cái thành bại của cuộc chiến mình đã tham dự, cái hào khí đó đang nằm trong những trang “Quân Sử” để tấu lên những “Điệp Khúc” cho bản “Trường Thiên Anh Hùng Ca” bất hủ của dân tộc…

    Bây giờ thì đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, những người “Tị Nạn” tham dự cuộc chiến ngày nào cũng đang kề cận với những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, nhưng mỗi lần lật qua những trang chính sử của dân tộc thì cái hào khí “Đông A” của những người trai thế hệ “ Mầu Tím Hoa Sim” của một thời chinh chiến ấy lại bùng lên để dệt thành những dòng sử mới cho thế hệ ngàn sau chiêm ngưỡng…

    20 năm sau ngày 30 tháng Tư oan nghiệt, tôi tất bật ngược xuôi làm kiếp chim trời xa tổ trên những nẻo đường xa lạ, tôi có dịp ghé thành phố San José, tôi điện thoại cho Tướng Minh xin được đến thăm ông. Nhận ra tôi ông mừng lắm, ông nói ông rất thích những bài viết của tôi trong mục “Đem tâm tình nói chuyện với lịch sử”, rồi ông nói với tôi để ông gọi cho Phan Vũ Điện tổ chức một tiệc rượu bỏ túi và mời một số anh em Không Quân đến nhà Điện để hàn huyên tâm sự…Trong lúc nói chuyện Điện kể lại chuyến bay nghẹt thở trong lúc cất cánh từ phi trường Long Thành, Chiến nói: “ Trong cuộc đời bay bổng, bao nhiêu lần vào sanh ra tử, nhưng chưa bao giờ anh cảm thấy hồi hộp và căng thẳng như lúc bay ngang tầm súng đại liên trên chiếc xe díp phòng vệ phi trường, lúc bấy giờ toàn thân anh như tê dại, miệng thầm đọc kinh “Đức Mẹ” hằng cứu giúp và “Quan Thế Âm Bồ Tát”…Khi phi cơ lên đến cao độ bình phi, thẳng đường lấy hướng đi Singapor anh mới hoàn hồn…Tướng Minh ngồi trầm ngâm nói: “ĐM…Cuộc đời thật là “Vô Thường” không biết đâu mà lường trước được…”

    Bẵng đi một khoảng thời gian sau, tôi có dịp gặp lại Tựu, người bạn cũ từ thủa còn mài đũng quần trên ghế nhà trường. Chung nhóm với Trịnh Đức Tự, Đào Văn Năng…Chúng tôi cùng xin đầu quân vào Quân Chủng Không Quân. Tôi và Tự qua khỏi vòng khám tổng quát, được đi tiếp, còn Tự và Năng phải ở lại để đi theo con đường “định mệnh “ riêng của đời mình…Vì tính đa năng của Không Quân, thỉnh thoảng tôi vẫn được gặp họ, nhất là Tựu, trong những lần hành quân trên Bắc Thái…Chúng tôi yểm trợ cho Tựu “bốc” những toán Biệt Kích Dù trên đất Bắc…Ngồi nói chuyện trong buổi tiệc cưới của cô cháu gái Thanh Hà, nữ ca sĩ duyên giáng nổi tiếng nhất của cộng đồng người Việt tại hành phố Raleigh, thuộc tiểu bang North Carolina. Sau khi nâng ly mừng cho Cô Dâu và Chú Rể được bay cao và bay xa trong vòm trời của yêu đương hạnh phúc, Tựu nói với tôi : “- Trong cuộc sống hiện tại, có những chuyện ngày xưa mà bây giờ nghĩ lại tôi vẫn tưởng chừng như mới xẩy ra ngày hôm qua…Gương mặt Tựu chùng xuống chìm vào một vùng ký ức nhạt nhòa những hình ảnh của một thời…Tựu nói :’- Nếu sáng hôm ấy tôi ra lệnh cho người xạ thủ khai hỏa thì chắc chắn chiếc C130 sẽ bốc cháy và nổ tung trên bầu trời, thì suốt cuộc đời tôi sẽ không lúc nào được hưởng những giây phút thanh thản như ngày hôm nay…và biết đâu tôi lại chẳng theo hai người bạn trong một tai nạn xẩy ra cho 3 người chúng tôi trong toán kiểm tra chương trình xây cất của tập đoàn “Trump Tower” ở Miami, FL. về một cõi vô hình nào đó rồi…Tôi nói với anh :”- Cuộc đời thật là vô thường, nếu nói theo tinh thần “Thập Nhị Nhân Duyên” trong Phật Giáo thì đó là cái nghiệp của chúng sinh, không ai thoát khỏi…Tôi biết người lái chiếc C130 ngày hôm ấy, anh ta đang định cư ở San José, người đầu sông, kẻ cuối sông, nay bắc nhịp cầu “Ô Thước” để nhâm nhi ly rượu “tri kỷ tương phùng như sương khói…” chắc là sẽ thú vị lắm đấy. Tựu trầm ngâm, giọng nói như tan loãng vào khoảng không vô tận :”- Thôi…cứ để chuyện đó nằm yên trong qúa khứ, nhắc đến chỉ làm cho cuộc sống càng thêm sáo trộn…” Tôi nâng ly ngửa cổ uống cạn ly rượu như cảm thông cùng câu nói đầy chất “thiền” của Tựu.


    Trần Ngọc Nguyên Vũ
    (Những Điệp Khúc Còn Dang Dở…)

  • #2
    Những Điệp Khúc Còn Dang Dở… - Trần Ngọc Nguyên Vũ

    Những Điệp Khúc Còn Dang Dở…

    Trần Ngọc Nguyên Vũ

    *****

    Vào chưyện…

    Người Chép Sử!
    (Trần Ngọc Nguyên Vũ)

    *****

    Phong tiêu tiêu hề Dịch Thủy hàn
    Tráng sỹ nhất khứ hề bất phục hoàn.

    Tư Mã Thiên

    Lịch sử là những dữ kiện đã xẩy ra được ghi lại một cách trung thực. Thiếu sự trung thực “lich sử” sẽ trở thành những tài liệu vô giá trị. Tư Mã Thiên một nhà viết sử có uy tín nhất của Tầu, ông đã để lại một pho sử giá trị để những nhà nghiên cứu có đủ tư liệu để tham khảo. Nhưng làm thế nào mà Tư Mã Thiên, một người sống giữa một triều đại quân chủ chuyên chế độc tài đời nhà Tần, có thể thoát khỏi lưỡi gươm của Tần Thủy Hoàng. Sau khi bị Kinh Kha ám sát thì những ai chỉ cần nhắc đến hai tiếng Kinh Kha cũng đủ để Tần Thủy Hoàng chu di tam tộc. Vậy làm thế nào mà Tư Mã Thiên đã hết lời ca tụng Kinh Kha như một người hùng “thế thiên hành đạo” mà lại thoát được đường gươm của bạo chúa. Đó là ông đã giấu Tráng Sỹ vào những dòng chữ của thơ văn. Thay vì chép sử ông viết chuyện dã sử, ông không tả Kinh Kha sang Tần mà chỉ tả cảnh Thái Tử Đan và cả nước Yên chít khăn tang ra bờ sông Dịch Thủy qùy lạy tiễn đưa, bầu trời vần vũ đám mây tang, trong lúc “tráng sỹ” lạnh lùng quay lưng bước xuống thuyền, dòng Dịch Thủy gào thét mộ khúc bi ai, tiếng sáo Cao Tiệm Ly văng vẳng vọng lên như một luồng âm phong lạnh buốt lòng người…” Phong tiêu tiêu hề Dịch Thủy hàn – Tráng sỹ nhất khứ hề bất phục hoàn.”

    Đến đoạn viết sử, ông ung dung viết những dòng chính sử mà không sợ phải bẻ cong ngòi bút…Lệnh của Tần bạo chúa là phải chặt đầu kẻ phản Tần là Phàn Ô Kỳ đem dâng trước bệ của Tần Thủy Hoàng, và Kinh Kha được chọn để làm chuyện này. Trước khi được bước lên chin bệ, quân hổ bôn lột quần áo Kinh Kha ra khám xét, ngoại trừ con dao “Trủy Thủ” dấu trong chiếc đầu lâu của Phàn Ô Kỳ. Người đi cùng Kinh Kha đứng trước cảnh đó đã run sợ đến đứt mạch máu mà chết. Kinh Kha bình tĩnh bước lên qùy dâng chiếc hộp đựng đầu Phàn Ô Kỳ cho bạo chúa. Tần Thủy Hoàng vẫy Kinh Kha lại, Tráng sỹ đứng lên thò tay móc con dao trong đầu của Ô Kỳ ra phóng tới Tần Thủy Hoàng, lưỡi dao chệch qua một bên ghim vào chiếc cột rồng, quân hổ bôn sấn tới băm nát Kinh Kha, thân xác người tráng sỹ chỉ còn là một đám thịt nhầy nhụa…

    Cái chết của Kinh Kha đã trở thành biểu tượng của hào khí của tráng sỹ và đã làm hao tốn bao nhiêu bút mực cho người đời sau khi bàn về Kinh Kha…Để khi nhắc đến Kinh Kha người ta không còn nhớ đến Kinh Kha là người nước Yên , Hàn, Tần hay Sở, và Kinh kha thành công hay thất bại…mà hai chữ Kinh Kha đã được coi như là cái hào khi trong thơ văn…Thi Bá Vũ Hoàng Chương cũng đã tả cảnh Kinh Kha sang Tần qua bài thơ “Bài Ca Sông Dịch”:

    “Ai Tráng Sĩ bao năm mài gươm dưới nguyệt”
    “Còn tưởng nghe hồn thép réo sông sâu”
    “Kinh Kha hề Kinh Kha”
    “Vinh cho người hề ba ngàn tân khách”
    “Tiễn người đi tiếng trúc nhịp lời ca”
    “Biên thùy trống dục”
    “Nẻo Tần sương sa”
    “Gió thê lương quằn quại khói chiêu hà”
    “Tám phương trời khói lửa”
    “Một mũi dao sang Tần”
    “Ai trách Kinh Kha rằng việc người để lỡ”
    “Ai khóc Kinh Kha rằng thềm cao tang thân”
    “Ai tiếc đường gươm tuyệt diệu”
    “Mà thương cho cánh tay thần”
    “Ta chỉ thấy”
    “Tơi bời tráng sĩ”, thây ngã hai bên”
    “Một triều rối loạn, ngai vàng ngả nghiêng”
    “Áo rách thân run hề ghê hồn bạo chúa”
    “Hùng khí nuốt sao Ngâu hề nộ khí xung thiên”
    “Một cánh tay đưa mà danh lừng vạn cổ”
    ”Hiệp sĩ Kinh Kha hề người thác đã nên”.

    Vũ Hoàng Chương
    (Bài Ca Sông Dịch)

    *****


    Ngồi thu mình trong chiếc ghế của phòng hành quân để nghe. “Lão Bá” Nguyễn Văn Sỹ thuyết trình chi tiết về phi vụ vô cùng quan trọng và nguy hiểm này. Đại Tá Sỹ vừa dứt tiếng thì tất cả các “Phi Công Nghênh Cản” oai phong lẫm liệt trong bộ đồ “flying gears” được trang bị từ đầu đến chân, trông hùng và đẹp như những “Hiệp Sĩ” thời trung cổ, đồng loạt đứng lên giơ tay chào Đại Tá Sỹ và nói “ – Chúng tôi sẵn sàng đợi lệnh cất cánh. “…

    Gấp tấm bản đồ hành quân lại, Đại Uý Phan Đình Hùng liếc mắt đảo qua những khuôn mặt lạnh lùng của những người trai thuộc thế hệ “Mầu Tím Hoa Sim” của một thời ly loạn…Họ cũng như anh, sinh ra và lớn lên để hy sinh cho đại cuộc. Tất cả đều dán mắt vào chiếc điện thoại đỏ đặt trên bàn…Ngoài phi đạo những chiếc F5E trong tư thế sẵn sàng, dàn hỏa tiễn Side Winder ngão nghệ nằm trên cánh phi cơ đợi được khai hỏa…Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu anh khi hình ảnh chập chờn của đứa con đầu lòng và người vợ trẻ đang dậy con bập bẹ gọi hai tiếng “Bố Mẹ” thân thương đầu đời rồi anh liếc nhìn những người trai trẻ chung quanh, họ cũng như anh, ai cũng đều có gia đình con cái, hay người yêu, anh em bố mẹ, nhưng giờ đây trước những giờ phút căng thẳng này họ đều tạm gác tình riêng lại một bên để lo chu toàn đại cuộc…coi núi Thái Sơn nhẹ như chiếc lông hồng…Tiếng chuông điện thoại vang lên như muốn chọc thủng cả bầu trời tinh đẩu…Mọi người đồng loạt đứng dậy…Gương mặt của Đại Tá Sỹ đanh lại, ông bốc điện thoại lên nghe rồi từ từ bỏ xuống nhìn mọi người nói: “ – Phi vụ được huỷ bỏ!”…

    …Ngồi trong phòng lái của chiếc C130 đang bình phi ở cao độ 25,000 bộ, Đại Uý Phan Đình Hùng lơ đãng ngắm những giải mây trắng bồng bềnh trôi quanh thân tầu trông như những giải lụa vờn trên giòng sông thiên hà, anh nghĩ đến người vợ trẻ, chắc giờ này nàng đang bồng con đứng đợi anh về…Bỗng có tiếng âm thoại vô tuyến vang lên trong ống nghe: “ – Có phải Đại Bàng Phan Đình Hùng đó không? Chúng tôi vừa thi hành xong phi vụ huấn luyện, xin được hộ tống Đại Bàng một đoạn đường.”Anh bấm nút vô tuyến cất tiếng cười sảng khoái: “- Ha…ha…ha…Thật là vinh hạnh khi được bay cùng những người hùng Khu Trục Nghênh Cản” của vùng trời hỏa tuyến.” Hai chiếc F5E bay luồn qua dưới bụng chiếc C130 rồi bất thần kéo vút lên làm một vòng “vertical roll” tuyệt đẹp, bốn vệt khói trắng từ cánh phi cơ quấn lấy nhau trông như những con rồng hút nước…Trong khoảng không gian cao rộng trên vòm trời bao la bát ngát của miền Nam vang lên những tiếng nói, và giọng cười vô tư của những người trai khói lửa…


    Trần Ngọc Nguyên Vũ
    (Những Điệp Khúc Còn Dang Dở…)
    Last edited by khongquan2; 02-19-2019, 06:43 PM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X