Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Mậu Thân hưu chiến

Collapse
X

Mậu Thân hưu chiến

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Mậu Thân hưu chiến

    Mậu Thân hưu chiến
    Vương Mộng Long


    Ðứng trên đỉnh Ngô-Sơn, tôi xoay người một vòng ba trăm sáu mươi độ, nhìn bao quát vùng đồi núi dưới chân mình. Dưới kia chỉ là rừng xanh chập chùng.

    Ông Lạc, thường vụ đại đội, vừa loay hoay, tay cời bếp lửa, vừa ngoạc miệng, nghêu ngao câu sấm lưu truyền từ đời tám kiếp nào đó: “Thân, Dậu niên lai… kiến thái bình…”

    Tôi chợt nhớ ra, chỉ còn hai ngày nữa là bước sang năm Thân, nếu đúng như sấm truyền thì, năm mới Mậu Thân (1968) có lẽ quê hương tôi sẽ thấy thái bình?

    Ðêm Hai Mươi Chín tháng Chạp, ngồi buồn, tôi mở cái máy PRC 10 rà những tần số lạ. Tay tôi ngừng xoay cái núm chỉnh tần số, khi nghe trong ống liên hợp có tiếng ai đó đang réo hụt hơi:

    “Hồng-Lĩnh có nghe không? Ðây Sa-Thầy gọi!”

    “Hồng-Lĩnh có nghe không? Ðây là một đầu năm đuôi!”

    “Báo cho Hồng-Lĩnh biết ‘xê’ đi đầu của tôi lạc đường rồi! Tôi không biết nó đang ở đâu! Bây giờ tôi phải làm sao đây!?”

    Tôi ngẫm nghĩ, “Một (1) đầu, năm (5) đuôi là 15! Chắc Sa – Thầy là danh hiệu truyền tin của đơn vị mang số 15 nào đó!”

    Tôi nghe tiếng Sa-Thầy rất rõ; chắc nó cũng ở gần đâu đây thôi! Còn Hồng-Lĩnh thì không nghe được. Trong máy chỉ có tiếng “xẹc! xẹc!” Hình như cái đài Hồng-Lĩnh này ở xa lắm, nên máy của tôi không bắt được sóng của nó?

    Thuở ấy tôi chưa có ý niệm gì về tình báo chiến trường, chẳng biết các đài vô tuyến đang gọi nhau kia là của địch hay của ta.

    “Thôi! Thây kệ họ!” Tôi gác máy, không thèm nghe tiếp nữa.

    Mai là Ba Mươi Tết rồi! Ăn Tết trong rừng thì buồn, nhưng cũng may là năm nay có ba ngày hưu chiến, cũng đỡ lo! Chúng tôi nhận được lệnh, sẽ không bắn chúng nó! Việt-Cộng cũng thế, họ sẽ không bắn chúng tôi! Tôi chắc mẩm trong lòng, chắc ăn như bắp là, sẽ không có chiến tranh dịp Tết này. Có Ủy Hội Quốc Tế đứng ra bảo đảm mà! Mậu Thân sẽ là Tết hòa bình trên toàn lãnh thổ của đất nước ta!

    Hôm qua, trong lúc di chuyển đổi vùng, một con hoẵng (con mễn) đã chạy đâm sầm vào đoàn quân của tôi. Vài anh lính nhào vào ôm con hoẵng tính đè nó xuống, bắt sống nó để làm thịt, nhưng không xong, con hoẵng nhảy tưng tưng rồi luồn lách trốn mất.

    Cứ như tin dị đoan thì, đi rừng mà gặp con hoẵng, không bắt được nó, không giết được nó, không ăn thịt được nó, thì sẽ gặp điều không may. Nhưng tôi nghĩ chỉ còn hai ngày nữa là hết năm; năm mới sẽ thái bình; chắc cái vụ bị con hoẵng đâm vào cũng không đến nỗi nào!

    Sáng sớm tinh mơ Ba Mươi tháng Chạp ông tiểu đoàn trưởng cho tôi một tin mừng:

    “Sẽ có đơn vị khác tới nhận vùng trách nhiệm của cậu. Nhớ bàn giao cẩn thận! Ðại đội của cậu được về giữ hậu cứ ba ngày Tết!”

    Tôi thầm nhủ,

    “Cứ tưởng phải đón Xuân trong rừng! Nào ngờ! Ðúng là mừng hết lớn luôn!”

    Một đại đội của Tiểu Ðoàn 22 Biệt Ðộng Quân tới. Công việc bàn giao suôn sẻ.

    Ðại đội tôi về tới hậu cứ Biển Hồ vào lúc đồng hồ tay chỉ đúng mười giờ. Bộ chỉ huy tiểu đoàn và ba đại đội kia đi đâu tôi không được thông báo.

    Anh tống thư văn của tiểu đoàn chuyển cho tôi một công điện trao tay xác nhận, trong thời gian này Ðại Ðội 1/11 đặt dưới quyền điều động trực tiếp của liên đoàn trưởng, giữ nhiệm vụ phòng thủ doanh trại Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân và là thành phần trừ bị sau cùng của liên đoàn.

    Lau súng ống xong xuôi thì có khẩu lệnh của trung tá liên đoàn trưởng cho các đơn vị trực thuộc:

    “Cấm nổ súng trong thời hạn ba ngày Mùng Một, Mùng Hai và Mùng Ba Tết. Nếu vi phạm, đơn vị trưởng sẽ bị phạt nặng!”

    Vừa cơm trưa xong, lại thêm lệnh mới:

    “Tất cả súng ống vào kho! Ai nổ súng trong ba ngày Tết sẽ bị nghiêm trị!”

    Tôi thắc mắc:

    “Vậy chứ canh gác bằng gì? Chẳng lẽ gác bằng gậy, hay gác tay không?”

    Lệnh bèn đổi lại:

    “Chỉ có một khẩu súng tại vọng gác.”

    Vậy là tôi cấp cho bốn vọng gác bốn khẩu súng.

    Ðại đội tôi chỉ có hai sĩ quan, mà ông đại đội phó lại bận đi phép đặc biệt thăm vợ đẻ dưới Cần Thơ. Nghe hậu cứ nói có ông chuẩn úy mới ra trường vừa về bổ sung, tôi mừng quá.

    Xế trưa, ông chuẩn úy trình diện, tôi hỏi:

    – Anh có thân nhân, bà con gì ở Pleiku?

    -Thưa không!

    -Vậy thì ở lại trong đồn, ăn Tết với anh em.

    Tôi tập họp đại đội, ưu tiên cho những quân nhân có gia đình được miễn canh gác; số còn lại bốc thăm: nửa ở nhà, nửa đi chơi tới trưa Mùng Hai phải về.

    Tới chiều tôi gọi ông chuẩn úy vào phòng,

    -Có đi phố không? Muốn đi thì lấy xe tôi mà đi, tôi ở nhà coi đồn cho!

    -Dạ không! Trung úy có đi thì đi! Tôi muốn ở nhà ngủ cho khỏe.

    Chắc mẩm có người thay mình giữ đồn rồi, tôi liền leo lên xe, dông ra Pleiku.

    Xe đi ngang Ðồi Ðức Mẹ thì bị chặn lại. Một ông đại úy cố vấn bị nổ lốp xe giữa đường, xin quá giang. Ông cho tôi biết tên ông ta là Donald Allen Evans. Ông ta mới về đáo nhậm liên đoàn. Sẵn đang rảnh rang, tôi rủ ông bạn Mỹ ghé nhà vài người quen, mời ông ăn bánh chưng, bánh tét, thịt đông, củ kiệu, dưa hành, cho biết người dân Việt mừng Xuân như thế nào. Chúng tôi đảo qua nhà thờ nghe các cô con chiên của Chúa hát thánh ca, rồi tấp vào chùa Pleiku xem Phật tử xin xăm, xổ quẻ.
    Mới gặp nhau đó mà tôi và ông Donald đã thấy thân mến nhau. Nhìn thân hình ục ịch, ánh mắt thật thà, ông Donald có vẻ hơi quê mùa một chút, nhưng ông đúng là mẫu người hiền lành ra mặt. Mặt ông đầy đặn và miệng ông thì lúc nào cũng như sẵn một nụ cười. Ông đi lính đã lâu, và lớn hơn tôi gần chục tuổi. Chúng tôi kết thành đôi bạn vong niên.

    Ông Donald hứa rằng, kỳ hành quân sắp tới, ông sẽ đi theo đại đội tôi.

    Ðường phố lên đèn, tôi quẹo lên dốc Holloway. Tới hội quán của trại, tôi ngừng xe. Ông Donald kéo tay tôi xuống tản bộ, rồi nhờ một anh lính Mỹ lái chiếc Jeep của tôi ra bãi chứa nhiên liệu, bơm một bình xăng đầy.

    Camp Holloway nằm trên cao độ hơn bảy trăm năm mươi mét, nên từ đây tôi có thể nhìn thấy một vùng rộng lớn xung quanh.

    Ngay dưới chân đồi Holloway, gần hơn cả, là Khu Dưỡng Quân Trà-Bá 2, suốt ngày đêm, nhạc nổ “Xập! Xình!…”

    Từ hơn năm nay, Tướng Vĩnh Lộc đã ra nghiêm lệnh cấm các quán bar hoạt động trong khu cư dân trong thành phố. Quán bar và nhà chứa gái làng chơi phục vụ quân đội Ðồng Minh đã bị dời ra Trà Bá 2, tập trung thành một khu giải trí. Cũng từ đó mà những chuyện lính tráng say sưa, phá phách, đánh lộn đánh lạo đã không còn xảy ra trong phố Pleiku nữa.

    Bên trái, đàng xa là phi trường Cù-Hanh lấp lánh ánh đèn. Xa về Nam là một khu hào quang rực rỡ, bao quanh chân núi Hàm Rồng, nơi đặt bản doanh của Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 4 Hoa-Kỳ. Tít mù hướng Tây Bắc là Ðồi Ðức Mẹ. Ðồi này nằm trên Ngã Tư Quốc Lộ 14 và Xa Lộ Vĩnh-Lộc, trên đỉnh đồi có tượng Ðức Mẹ màu trắng. Sở dĩ tôi có thể nhận biết ngọn đồi này dễ dàng, vì cứ cách năm, mười phút, giàn đèn pha chống pháo kích lại quét một vòng bán kính bảy cây số quanh chân núi. Ánh đèn chói lóa, làm hoa mắt người nhìn. Trên đồi có mười sáu khẩu 105 ly của Mỹ, lúc nào cũng đặt trong tình trạng sẵn sàng. Cách Ðồi Ðức Mẹ một bàn tay xoè về bên phải là doanh trại của đơn vị tôi, Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân, cạnh đó là khu doanh trại của Trung Tâm Huấn Luyện Trường Sơn.

    Ðêm Trừ Tịch, bầu trời cao nguyên một mầu tím sẫm, đầy sao. Trong tiếng gió rì rào, tôi nghe Donald khe khẽ hát:

    “Twinkle, twinkle little star. How wonder I know what you are!”

    (Lấp lánh, lập lòe vì sao nhỏ bé. Thật là diệu kỳ, ta biết mi là ai!)

    Có lẽ ông Donald đang nhớ nhà? Tiếng hát của ông ấy nghe buồn lạ!

    Ông mời tôi một điếu Pall Mall, rồi giơ tay chỉ cho tôi một ngôi sao đang lấp lánh trên vòm trời đen ngòm hướng Bắc.

    – Kia là ngôi sao của tôi! Mỗi khi nhớ nhà, tôi thường ra ngoài trời đứng nhìn vì sao đó hằng giờ, tự hát “The Star” cho mình nghe, để mong vơi đi nỗi nhớ!

    Tôi thắc mắc,

    – Sao ông lại lựa vì sao này làm ngôi sao của riêng mình?

    – Vì nó là ngôi sao sáng nhứt trên vòm trời Bắc Bán Cầu. Ngôi sao đó là nước Mỹ, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Nhìn thấy ngôi sao này, tôi cảm như đang nhìn thấy quê hương, thấy người thân.

    Nghe Donald giải thích, tôi gật gù cảm thông.

    Với người dân Âu Mỹ thì bài thơ “The Star” đã trở thành khúc hát dân gian hàng trăm năm nay rồi. Nhưng khi hát nó lên, mỗi người lại mang một tâm trạng khác nhau.

    Cái bệnh nhớ nhà, quả là một bệnh dễ lây.

    Nghe ông Donald than thở nhớ quê, lòng tôi bỗng thấy nhớ mẹ. Mẹ tôi ở ngoài Hội-An. Tôi biết, Tết này, thế nào sau khi cúng Giao Thừa xong, mẹ tôi cũng mở radio chờ nghe bài “Xuân này con không về” và chắc chắn mẹ tôi sẽ khóc.

    Vì nhiệm vụ, ông Donald phải xa quê hương nửa vòng trái đất; cũng vì nhiệm vụ mà tôi phải xa Hội-An một chiều dài bằng nửa nước Việt-Nam Cộng-Hòa.

    Chiếc Jeep quay trở lại với bình xăng đầy. Ông Donald vào quầy rượu, ký tên mua một chai Johnnie Walker. Ông gói nó lại cẩn thận, rồi trao nó cho tôi, cùng với câu chúc Tết bằng tiếng Việt trọ trẹ:

    “Chúc mừng năm mới! Chúc Trung úy một năm mới an khang thịnh vượng!”

    Tôi cười, đưa tay nhận món quà.

    – Cám ơn Ðại úy nhiều lắm. Tôi cũng chúc đại úy một năm mới bình an.

    Sau khi từ giã ông Donald, tôi tàng tàng xuống phố, tản bộ một hồi, rồi chui vào nhà Trung sĩ Sửu, ăn Tết ké với Ban Quân Xa Liên Ðoàn.

    Giao thừa chưa tới, tôi đã say mèm, lăn quay ra chiếu ngủ như chết.

    Nửa đêm anh Sửu dựng tôi dậy,

    – Trung úy ơi! Dậy đi! Súng nổ như bắp rang! Hình như có đánh nhau trong phố, hướng dinh Tướng Vĩnh Lộc? Chắc có đảo chánh!

    Tôi nghe rõ có tiếng “Cắc! Cắc!… Bùm! Bùm!…” ròn rã, lúc gần, lúc xa, nhưng cứ đoán mò:

    “Có khi là pháo Tết!”

    Lúc lâu sau, một tràng AK “Toác! Toác!Toác!” từ đâu đó bắn sang hướng xóm nhà tôi đang ở. Tôi vội bật dậy mặc áo quần, mang giày vớ. Khoác lên vai cái dây nịt có khẩu Colt 45, tôi nói với Trung sĩ Sửu và hai anh lính:
    “Các anh hé cửa sổ canh gác, thấy gì báo cho tôi. Mình chỉ có một khẩu súng Colt này thôi. Tôi sẽ giữ súng và di động bảo vệ hai cái cửa.”

    Sau đó chúng tôi ngồi chờ trời sáng. Sửu mở máy thâu thanh. Ðài Phát Thanh Sài-Gòn và Ðài Quân-Ðội chỉ có nhạc quân hành. Mãi sau mới nghe được tin Sài-Gòn đang loạn, Việt-Cộng xâm nhập thủ đô và đang đánh phá lung tung!

    Mờ sáng, tôi bước ra sân. Bên kia sân là nhà Ðại úy Voòng Lập Dzếnh, Tiểu Ðoàn Phó Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân. Ông Ðại úy cũng đang quần áo súng ống dềnh dàng, thập thò trước ngõ.

    – Á! Cái ông Long cũng ở đây há? Ðánh nhau lung tung trong phố, mình biết làm sao mà vào đồn bây giờ?

    Ông Dzếnh là người Nùng, nói tiếng Việt không lưu loát lắm. Gọi tôi, thay vì “Long ơi! Long à!” ông ta cứ “Cái ông Long!”

    Xe của tôi và xe của ông Dzếnh đều đậu trên đường Phan Ðình Phùng. Mặt lộ cao hơn xóm nhà bốn năm mét. Xe vào xóm không được, phải đậu trên lề đường. Tự bao giờ, bốn bánh chiếc xe của tôi đã bị bắn bể, xẹp lép! Xe của ông Dzếnh cũng cùng chung số phận!

    Tôi và ông Dzếnh đành men theo bờ đường đi về hướng Trường Nữ Trung Học Pleime.

    Tới Ngã Ba thì một chiếc Jeep Willy trờ tới, anh tài xế ngừng xe, một ông Mỹ nhảy xuống dang tay chờ.

    – Hey! Long! What are you doing here? (Ê! Long! Anh đang làm gì ở đây vậy?)

    Tôi nhào tới, ông ta ôm tôi vào lòng, ông ta là Ðại úy Donald A. Evans.

    Donald nắm hai tay tôi, lắc lắc vài cái,

    – Ðánh nhau khắp chốn! Ðại đội của anh đâu? Sao anh lại ở đây?

    – Ðại đội còn ở trong đồn.Tôi ngủ ngoài phố. Xe tôi bị bắn hư.

    Ông Donald và Ðại úy Dzếnh chỉ bắt tay chào nhau, chứ hai người không hề nói chuyện qua lại.

    – Thôi! Lên xe đi! Chúng ta về đồn! Hôm qua anh cho tôi quá giang, hôm nay tôi cho anh quá giang.

    Ông cố vấn đưa tay ra dấu cho chúng tôi lên ghế sau. Ghế sau có cái túi quân trang của Donald và chiếc áo Field Jacket của ông.

    Tôi ngồi một bên, ông Dzếnh một bên, cái túi quân trang “ngồi” ở giữa.

    Chúng tôi tới Biển Hồ, quang cảnh vắng lặng. Từ Chợ Chồm Hổm tới khu gia binh, nhà cửa đóng kín mít.

    Tới sân tiểu đoàn tôi nhảy phóc xuống đất để quan sát tình hình.

    Văn phòng đại đội tôi (1/11) bị bộc phá của Ðặc-Công Việt-Cộng đánh lủng một miếng vách, bàn ghế gãy nằm ngổn ngang, giấy tờ bay lung tung. Căn buồng sát vách văn phòng là nơi tôi để cái giường bố dùng ngủ qua đêm mỗi khi không xuất trại cũng lãnh nhiều trái bộc phá, chiếc giường vải rách tả tơi, đầy máu me. Ông Chuẩn úy mới ra trường và Binh nhứt Phạm Công Cường ngủ trong phòng này đêm Ba Mươi Tết. Không biết hai vị này chết sống ra sao?

    Văn phòng của bộ chỉ huy tiểu đoàn cũng bị bộc phá đánh sập, sổ sách, giấy tờ tung toé khắp chốn. Trên mặt đất, bên phải cửa chính của văn phòng tiểu đoàn, nơi đặt cái giá gỗ treo cái kẻng sắt có một vũng máu lớn đầy ruồi nhặng. Như vậy là đã có ai đó mới bị giết ở đây đêm qua, thi thể đã được mang đi.

    Một đoàn người trang bị súng ống, nón sắt, dây đạn đầy đủ, do ông Thượng sĩ trưởng trại gia binh dẫn đầu, mới từ khu gia binh theo cổng sau vào sân tiểu đoàn. Gặp tôi, ông Thượng sĩ nói,

    -Nửa đêm Ðặc-Công đã vào đồn. Thấy đồn bỏ trống nên chúng nó ném bộc phá lung tung. Ông Thượng sĩ Du, Thường vụ Tiểu đoàn ngủ trong văn phòng, nghe tiếng nổ, bèn chạy ra đánh kẻng báo động. Không ngờ chạm mặt Ðặc-Công Việt-Cộng, và ông đã bị chúng đâm chết.

    Hạ sĩ Truyền, tài xế xe Dodge của đại đội tôi thì kể rằng,

    – Hôm qua, sau khi Trung úy lái xe đi, ông chuẩn úy cũng cho tất cả anh em còn lại ra khu gia binh chơi, vọng gác Ðông và vọng gác Tây bỏ trống, chỉ để lại một người gác cổng sau, cổng trước đã có ông Hạ sĩ Nghết tình nguyện trực suốt ba ngày, không cần người thay. Nửa đêm, nghe tiếng nổ, anh em vào tới nơi thì Ðặc-Công đã rút. Ông chuẩn úy cận thị bị thương nặng, máu me cùng mình, Binh nhứt Phạm Công Cường vỡ đầu, Thượng sĩ Du bị đâm chết. Bác sĩ của liên đoàn đã cho xe cứu thương di tản người chết và bị thương về Quân Y Viện Pleiku.

    Sau này tôi cũng nghe ông Hạ sĩ Nghết kể lại rằng, ông ở đây một mình, vợ con ông ở ngoài Huế, mỗi năm ông đi phép về thăm nhà một lần thôi, vì thế ông tình nguyện trực pháo đài cổng chính suốt ba ngày Tết. Giờ Giao Thừa, lúc Việt-Cộng chui rào vào đánh bộc phá thì ông đang ngồi cầu nguyện, ông theo đạo Chúa. Sợ Việt-Cộng xông vào tấn công nên ông leo lên nóc lô cốt, thủ khẩu đại liên ba mươi. Cho đỡ sợ, ông cứ bóp cò súng liên tục, bắn loạn xạ lên trời. Ông bắn gần hết mười thùng đạn mới ngừng tay, nghe ngóng. Lúc ấy Ðặc-Công đã rút đi hết!

    Chờ tình hình thật yên, ông Nghết mới xách khẩu Carbin M1 chạy vào văn phòng tìm ông Chuẩn úy. Thấy văn phòng tan hoang, ông hạ sĩ hoảng hồn, mở cổng chính, chạy thục mạng ra khu gia binh tìm Thượng sĩ Em. Ông Em là chỉ huy hậu cứ của đại đội.

    Thượng sĩ Em tập họp anh em rồi kéo nhau vào đồn. Ông Em gọi điện thoại cho liên đoàn báo cáo tình hình. Nghe xong, ông Liên đoàn trưởng nổi cơn thịnh nộ, dọa sẽ đưa Trung úy Vương Mộng Long ra tòa án quân sự lột lon, vì bỏ đồn đi chơi, để địch tấn công. Rồi ông ra lệnh cho Trung úy Lưu Danh Rạng phải lập tức trở về hậu cứ Tiểu Ðoàn 11 để chỉ huy Ðại Ðội 1/11. Lúc đó tất cả quân nhân các cấp của đại đội đã tề tựu trong sân để chờ hạ sĩ quan tiếp liệu mở kho cho anh em nhận lại súng đạn.
    Anh Rạng nguyên là Ðại đội trưởng Ðại Ðội 4/11. Anh ta đang thụ huấn khóa Chiến Tranh Chính Trị ở Ðà-Lạt sau khi bàn giao đại đội cho một sĩ quan khác tạm thời chỉ huy. Nhân dịp nghỉ Tết, Rạng “dù” về Pleiku chơi, vì ở Ðà-Lạt không quen, buồn quá! Tối Ba Mươi Tết, Rạng ngủ trong nhà người tài xế của Ðại Ðội 4/11, trong khu gia binh. Giao Thừa, súng nổ, anh theo chân một nhóm quân nhân hậu cứ của Tiểu Ðoàn 23 chạy vào bộ chỉ huy liên đoàn lánh nạn.

    Hai giờ sáng, Trung úy Rạng được lệnh đem Ðại Ðội 1/11 đi tảo thanh địch trong phố Pleiku. Ðại Ðội 1/11 đi rồi thì đồn bị bỏ trống vì không có ai canh gác.

    Tôi ra lệnh cho ông trưởng trại gia binh thu gom tất cả quân nhân còn lại ở hậu cứ vào canh gác và quét dọn những chỗ bị hư hại.

    Bước vào văn phòng tiểu đoàn, tôi quay điện thoại gọi phòng trực của liên đoàn. Vừa nghe tôi xưng danh, bên kia đầu máy đã có tiếng giọng Bắc kỳ nạt nộ:

    “Trung úy Long đấy hả? Trung úy đi đâu suốt đêm qua? Trung úy có nhiệm vụ giữ đồn mà để cho Việt-Cộng nó vào, nó đánh phá tan hoang nhà cửa, giết chết cả thường vụ tiểu đoàn mà Trung úy không hay. Kỳ này nếu Trung úy có bị lột lon thì cũng đừng kêu oan đấy nhé!”

    Tôi vội hỏi,

    – Xin lỗi! Ai đầu dây? Có phải Thiếu tá Thi Liên Ðoàn Phó đó không?

    – Không! Tôi là Tính, hạ sĩ quan an ninh đây!

    Thì ra, người vừa quát tháo ra oai với tôi không phải Thiếu tá Ðoàn Thi, Liên Ðoàn Phó, mà là anh Hạ sĩ nhứt Tính, phụ tá hạ sĩ quan an ninh liên đoàn! Anh Tính này trước đây là xạ thủ SKZ 57 ly của Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân. Anh ta mới được biệt phái về Ban An Ninh của liên đoàn cách nay vài tháng.

    Nghe biết người đầu dây bên kia là ai, tôi giận quá, quát lên,

    – Vậy thì anh câm cái mồm lại ngay! Anh đừng có hỗn hào! Nếu tôi có lỗi thì cấp trên tôi sẽ khiển phạt tôi. Còn anh chỉ là một hạ sĩ nhứt mà dám ăn nói như vậy với tôi thì liệu hồn! Tôi muốn gặp Trung tá liên đoàn trưởng hoặc Thiếu tá liên đoàn phó ngay bây giờ! Nghe rõ chưa!

    Giọng của người đầu dây bên kia có vẻ hơi run,

    – Dạ! Trình Trung úy! Em chỉ lặp lại lời Trung tá liên đoàn trưởng thôi! Chứ em đâu dám hỗn với Trung úy.

    – Câm đi! Tôi ra lệnh cho anh đi tìm Trung tá Dõng hay Thiếu tá Thi cho tôi nói chuyện gấp! Rõ chưa?

    – Trình Trung úy! Ông trưởng và ông phó đều ra Pleiku rồi. Giờ này chỉ còn ông Chuẩn úy sĩ quan trực. Trung úy nói chuyện với ông ấy có được không ạ?

    Ông Chuẩn úy sĩ quan trực cho tôi hay hai ông trưởng và phó đang ở chỗ Ban Kiểm Soát Biệt Ðộng Quân trên đường Hoàng Diệu Pleiku. Giao tranh đang diễn ra trong khu vực gần đó.

    Tôi về văn phòng đại đội, mở tần số liên đoàn để nói chuyện với Trung tá Dõng. Nghe tiếng tôi, Trung tá Dõng hét lên,

    – Ð! M! Mi còn sống đó hả? Ra đây mau! Cả ông Donald và ông Dzếnh cũng ra đây luôn! Nghe rõ chưa!

    Tôi bước ra sân tìm ông Donald và ông Dzếnh; hai vị còn đang đi vòng vòng quanh doanh trại để quan sát sự thiệt hại do cú đánh phá vừa qua của Ðặc- Công.

    Tôi chuyển lệnh của liên đoàn trưởng cho hai ông, rồi nhờ Thượng sĩ Em thảy lên xe một thùng lựu đạn khói màu, một thùng M 26 và một thùng MK 3, đánh nhau trong đường phố thì rất cần những thứ này.

    Trước khi rồ máy, ông Donald vác cái túi quân trang và cái Field Jacket của ông ta vào văn phòng đại đội tôi, giao cho Thượng sĩ Em cất giữ dùm.

    Chúng tôi chạy tới dinh Tướng Vĩnh Lộc thì đường bị dây kẽm gai rào kín, phải quẹo trái sang phía nhà thờ, rồi vòng sang Hoàng Diệu.

    Trước Trạm Biệt Cảnh có nhiều người đứng lố nhố. Thiếu tá Ðoàn Thi đang điện đàm với một cánh quân nào đó, còn Trung tá Dõng thì ngồi trên bực cửa của Trạm Biệt Cảnh, miệng phì phà một điếu xì gà. Tôi chưa kịp đứng nghiêm chào kính thì ông Dõng đã oang oang,

    – Ông nội đi đâu suốt đêm qua vậy ông nội? Canh gác gì mà để Ðặc-Công vào phá nát hậu cứ, giết chết lính của mình mà không biết gì thì tôi cũng phục ông luôn!

    Tôi nghiêm giọng trả lời,

    – Tôi nhận lỗi đã vắng mặt đêm qua. Nhưng nếu tôi ở nhà, và ra lệnh cấm trại tất cả anh em của đại đội trong khi súng ống bị nhốt trong kho, chắc tôi cùng nhiều người nữa đã không toàn mạng. Và chắc gì giờ này tôi còn được nhìn thấy Trung tá?

    Nghe tôi nói vậy, Trung tá Dõng như chợt nhớ ra, chính ông đã ra lệnh cho tôi cất súng vào kho. Nếu như đêm qua cả trăm người lính bị cầm chân trong trại, tay không tấc sắt, chắc chắn số người chết bởi Ðặc-Công Việt-Cộng sẽ không lường được là bao nhiêu.

    Ông cười làm lành,

    – Thì ta cũng la ó cho có lệ vậy thôi, chứ ai không biết rằng lệnh cấm nổ súng là do quân đoàn ban ra! Chỉ tại thằng Việt-Cộng vi phạm chứ chú mi đâu có lỗi gì?

    Sau đó Trung tá Dõng ra lệnh cho Trung úy Rạng trao lại quyền chỉ huy Ðại Ðội 1/11 cho tôi. Tôi được anh Rạng trả lại quyền chỉ huy đại đội vào lúc mặt trời lên cao cỡ nửa con sào. Anh em trong đơn vị thấy tôi trở về bình an đều mừng vui ra mặt.

    Lúc này Ðại Ðội 1/11 đang bố quân dọc hai bên đường Hoàng Diệu trước Khách Sạn Bồng-Lai. Trung tá Dõng tới tận hàng hiên của Quán Kim-Liên ra lệnh cho tôi phải cấp tốc chuyển quân tái chiếm Lao Xá Pleiku và đặt một nút chặn tại đó. Vì con dốc từ Lao Xá Pleiku và khu Cây Ða Xà nơi chân Dốc Lò Heo chính là điểm xuất phát các mũi tiến công của Việt-Cộng.

    Tôi gọi ba ông trung đội trưởng vào mái hiên Kim-Liên để phân chia nhiệm vụ. Vì Trung sĩ nhứt Ngọ, Trung Ðội Trưởng Trung Ðội 1, nằm bên kia đường nên không nghe rõ lệnh triệu tập của tôi, nên Hạ sĩ Dương Lô hiệu thính viên đại đội phải chạy sang thông báo miệng cho ông Ngọ.

    Bỗng đâu! “Xoẹt! Oành!” Từ trên trời, một trái rocket phóng xuống cắm ngay giữa phố.

    Trái rocket chỉ điểm cắm giữa lòng đường, toé lửa, khói trắng tuôn cuồn cuộn. Bụi bay mù mịt, cát đá rào rào đập vào tường, vào cửa nhà hai bên đường. Sức ép do trái rocket vừa nổ đã đánh văng toàn thân hình, kèm với ba lô, súng đạn, cùng chiếc PRC 10 của Hạ sĩ Dương Lô từ giữa đường bay vào sạp báo của tiệm Phở Kim-Phượng.

    Trái khói nổ chỉ cách bộ chỉ huy liên đoàn và toàn ban cố vấn Mỹ chưa đầy một trăm mét!

    Tôi không cần khiếu nại, hay báo cáo, cố vấn liên đoàn cũng đã thấy tận mắt cảnh tượng quái đản vừa xảy ra. Chỉ cần nhích một chút xíu nữa thì ban cố vấn Mỹ cũng “đi đoong!” Loa khuếch đại của máy truyền tin trên xe cố vấn đồng loạt rộ lên om sòm những tiếng chửi thề: “F! You! F! You! Check air! Check air! F! You!…”

    Chắc đã nhận biết dưới chân mình là quân bạn, nhưng chiếc L.19 vẫn còn đảo thêm một vòng tròn trên đầu tôi, rồi mới lừng lững bay đi.

    Tôi tiến tới bên ông Lô thì thấy cả người ông Hạ sĩ bị nám đen. Ông nằm ngoẹo đầu trên nền đất. Hai mắt ông mở trừng trừng: Phi cơ Ðồng Minh của tôi vừa giết oan một đồng ngũ của tôi!

    Tôi vuốt mắt cho người quá cố, nhưng hai mi mắt ông không chịu khép lại!

    Thấy thế, tôi bèn xoa hai bàn tay vào nhau cho ấm lên, rồi xòe rộng bàn tay phải, phủ mặt cho người chiến binh già. Miệng tôi lẩm nhẩm : “Cầu xin Ðức Chúa Trời cứu rỗi!”

    Phút sau tôi rút tay ra. Ðôi mi mắt người lính già đã khép lại! Da mặt ông như vừa sáng lên, rạng rỡ, hết nhăn nheo.

    Có thể là, hơi ấm từ lòng bàn tay tôi đã kích thích dịch thủy trong mắt ông tiết ra khiến da mi mắt ông mềm đi, dãn nở, nên mắt ông nhắm lại được. Cũng có thể giờ phút đó Chúa Cứu Thế trên đường vân du, đã nghe lời nguyện của tôi, nên dừng chân ghé ngang, vớt linh hồn người lính già ngoan đạo Dương Lô về quê hương La Vang?

    Tôi cho một trung đội thận trọng men theo đường rãnh thoát nước tiến xuống cổng Lao Xá.

    Ðầu cầu lập xong, cả đại đội ào xuống núp quanh nhà dân. Tới lúc này tôi mới nhìn ra, ông Donald và cả Trung úy Rạng cũng có mặt trong đoàn quân của tôi.

    Tôi nắm vai ông Donald,

    – Ông đi theo tôi làm gì? Ông có nhiệm vụ gì ở đây mà theo tôi?

    – Thì tôi đã hứa với anh rằng, kỳ hành quân này tôi sẽ đi theo anh. Anh không nhớ sao?

    Thường thì một toán cố vấn phải gồm hai hoặc ba người. Giờ này ông Donald đơn độc đi theo tôi, không có máy truyền tin, không người hộ vệ. Trong lúc gấp gáp, tôi cũng không có thì giờ để hỏi rằng, ông làm chuyện này là tự nguyện hay đã có sự đồng ý của cố vấn trưởng.

    Quay qua Trung úy Rạng, tôi hỏi,

    – Toa đi theo moa làm gì?

    – Sĩ quan đại đội chỉ có mình cậu, mình theo cậu để có gì cần, mình giúp cậu một tay. Có hai thằng đại đội trưởng, chết đứa này còn đứa kia, đơn vị không sợ mồ côi!

    Trước lòng tốt của hai người bạn, một Việt, một Ðồng Minh, tôi cảm động không nói nên lời. Tôi nắm tay các bạn tôi, bóp một cái thật chặt, để thay lời cám ơn.

    Trong cái thung lũng nhỏ, nhà dân toàn là loại lợp lá, vách phên. Không có gì dùng để che đạn, nên chúng tôi áp dụng chiến thuật tác chiến di động. Từng tốp ba người, súng chĩa ba hướng khác nhau, tiến chiếm từng căn nhà.

    Bỗng từ dưới dốc, một người cầm gậy, đầu gậy treo một cái áo mayor trắng, vừa chạy lên dốc, vừa phất cờ. Một thanh niên hổn hển,

    – Các anh lính Cộng- Hòa ơi! Các anh lính Cộng-Hòa ơi!

    Trung sĩ Có giơ tay chặn anh ta lại,

    – Có gì đó!

    – Việt-Cộng! Việt-Cộng nhiều lắm! Chúng nó chiếm nhà em! Nhà em nằm dưới chân dốc!

    Theo hướng tay anh thanh niên chỉ, tôi thấy, ngay dưới dốc là một căn nhà tranh, xung quanh có vườn cây um tùm.

    – Trong nhà còn ai không?

    – Dạ không. Ba má em và mấy đứa em về Quy- Nhơn ăn Tết nên chỉ có mình em giữ nhà thôi. Nửa đêm Hai Mươi Chín Tết mấy ông Giải-Phóng gõ cửa, ào vào, nhốt em trong buồng, cấm ló mặt ra. Sáng nay em nghe các anh lính Cộng-Hòa la hét trên dốc Bưu Ðiện, em bèn rút phên vách ra thành một lỗ hổng to rồi chờ đợi. Ðến khi các anh xuống tới nơi, em vội chạy lên báo cho các anh hay.

    Chắc chắn trong căn nhà dưới kia không còn người dân nào, tôi quyết định diệt gọn số Việt-Cộng đang trú ẩn trong đó, không cho tên nào chạy thoát.

    Tôi ra dấu cho người thanh niên lui về phía sau, rồi ra lệnh,

    – Hai khẩu trung liên BAR của ông Ngọ và ông Khôi bắn xéo cánh sẻ sát hai đầu hồi căn nhà. Khẩu đại liên 30 quét ngay giữa nhà. Nhớ là phải quét sát đất! Tất cả súng tay còn lại đều nhắm vào căn nhà bắn thả giàn!

    Chưa tới ba mươi giây sau,

    “Ðùng! Ðùng! Ðùng! Cành! Cành! Cành! Ðoàng! Ðoàng! Ðoàng! Ùm! Ùm! Ùm!…” Gần năm mươi khẩu súng đủ loại, đua nhau nhả đạn nhằm vào cái nhà tranh dưới dốc. Vách phên toác ra từng mảnh, bay như bươm bướm. Mái tranh tung ra từng mảng, bay như bươm bướm. Thoáng chốc căn nhà đã tả tơi, biến dạng, có lẽ những cây cột chính đã bị bắn gãy, nên nó ngả nghiêng, chao qua, chao lại, như muốn đổ sụp. Không có ai từ trong nhà chạy ra. Không nghe một tiếng súng đáp trả!

    Chờ năm, bảy phút sau, không thấy gì lạ, tôi ra lệnh ngừng bắn, rồi cho Trung Ðội 2 tràn qua mục tiêu, bố trí dọc con suối để giữ an ninh, còn Trung Ðội 1 thì lục soát mục tiêu.

    Sau khi chiếm giữ căn nhà tranh và khu vườn dưới dốc, Trung sĩ nhứt Ngọ báo cáo,

    – Trong nhà có khoảng hai mươi cán binh Cộng-Sản. Tất cả đã chết hết! Ta tịch thu được 22 khẩu AK47!

    Tôi rút quân lên bố trí quanh Cây Ða Xà. Trung Ðội 1 dùng dây dù cột vào chân những tử thi địch, rồi kéo chúng về tập trung trên một bãi đất trống bên cổng chính của Lao Xá Pleiku. Xe của Quân Vận sẽ đem xác chúng đi chôn. Trong khi chuyển tải các tử thi, anh em phát giác ra một cán binh còn sống! Anh ta nằm giả chết! Trên lưng anh ta có khẩu K54! Anh ta là cấp chỉ huy!

    Hai Biệt Ðộng Quân áp tải tên Việt-Cộng tới trước mặt tôi. Anh ta là người Miền Bắc, anh ta cũng cỡ tuổi tôi, hăm nhăm, hăm sáu là cùng. Tôi chỉ chỗ cho anh ta ngồi, rồi mồi cho anh ta một điếu thuốc lá Lucky không đầu lọc. Tôi không ra lệnh trói tay, bịt mắt anh ta, vì tôi nghĩ, chút nữa đây, chắc chắn sẽ có những phóng viên ngoại quốc tìm tới lấy tin vùng giao tranh, và họ sẽ chứng kiến cách đối xử với tù binh của Quân Ðội Việt-Nam Cộng-Hòa.

    “Anh tên là gì? Quê quán ở đâu? Bao nhiêu tuổi? Cấp bậc gì? Chức vụ gì? Ðơn vị nào?” Tôi từ tốn hỏi.
    Tôi vừa dứt lời, anh cán binh Việt-Cộng đã vội vàng nhanh miệng, lễ phép trả lời:

    – Thưa thủ trưởng, em là người Hà Nam Ninh, em tên Lê Hữu Phòng, hăm nhăm, hàm thiếu úy, thủ trưởng xê một, hát mười lăm.

    Không ngờ anh chàng này lại có vẻ liến thoắng và bạo dạn quá, tôi thắc mắc,

    – Vậy chứ “xê” là gì? “Hát” là gì?

    – Dạ xê (C) là đại đội, hát (H) là tiểu đoàn đấy ạ!

    Chợt nhớ ra mẩu điện đàm nghe được đêm Hai Mươi Chín Tết, tôi vội hỏi,

    – Có phải Sa-Thầy là H 15 không? Còn Hồng-Lĩnh là ai vậy?

    – Dạ Sa-Thầy là phiên hiệu của Tiểu Ðoàn H 15, còn Hồng Lĩnh là phiên hiệu của Tỉnh Ðội Gia-Lai.

    – H 15 có đại đội đi đầu bị lạc. Có phải C 1 bị lạc từ đêm Hai Mươi Chín Tết không?

    Tên cán binh trố mắt:

    – Thì ra thủ trưởng cũng biết chuyện đơn vị của em bị đi lạc ư?

    Tôi gật gù,

    – Biết chứ! Bây giờ anh phải khai cho rõ, C1 ở đây từ lúc nào? Thành phần còn lại của H 15 hiện nay ở đâu?

    Nghe tôi hỏi, tên Việt-Cộng chợt ngẩn người ra có vẻ suy nghĩ, băn khoăn. Một phút sau, y chậm rãi kể, với bộ điệu rất thành thực,

    – Ðêm Hăm Chín tụi em đi đầu theo anh giao liên dẫn đường. Vừa vượt qua xa lộ Vĩnh Lộc thì có một đoàn xe Mỹ chạy tới, đoàn quân bị cắt ngang, đại đội em đã vào tới Chợ Mới, nhưng toàn bộ đại đơn vị còn bị kẹt trong ruộng khoai mì và đồng cỏ tranh. Chúng em bị mất liên lạc với tiểu đoàn từ đó. Anh giao liên dẫn tụi em tới điểm tập kết nơi lòng một con suối, rồi giao tụi em cho một cán bộ nằm vùng. Ông này dẫn tụi em vào căn nhà dưới dốc để ém quân chờ, căn dặn tụi em không được tự ý nổ súng, không được đi đâu, nếu ông ta chưa quay lại đón. Tụi em cứ chờ mãi cho tới sáng nay thì bị tập kích. Quân Cộng-Hòa bắn rát quá, không chừa một tấc đất nào. Tụi em không chống đỡ kịp. Tất cả quân số của C 1 là hai mươi ba người, chết hết, còn lại mình em thôi! Em nhờ có cái cối xay bằng đá che chở mà sống sót. Ðến lúc quân Cộng-Hòa vào lục soát, em chỉ còn cách giả chết để chờ cơ hội thoát thân. Không dè bị buộc chân kéo lê trên gạch đá, đau quá em đành phải ngồi dậy tự thú!

    Nghe xong lời khai của tên tù binh, tôi mới thấy mình quả là quá ơ hờ với cái vụ tìm hiểu trận liệt, biên chế của địch. Ðâu ngờ, mẩu điện đàm ngắn ngủi mà tôi tình cờ nghe được lại là cuộc đàm thoại của đơn vị chủ công địch nhắm vào thành phố Pleiku nhân dịp ngưng bắn đầu năm. Chắc không ai biết chuyện chuyển quân này của Việt-Cộng đâu! Mà dù có biết cũng chẳng ai thèm để ý đề phòng! Vì ai cũng tin Tết này sẽ hưu chiến, Tết này sẽ hòa bình. Ta không bắn địch, địch cũng không bắn ta. Có Ủy Hội Quốc Tế đứng ra bảo đảm, khỏi lo lắng gì.

    Rồi tôi lại nghĩ, nếu tình báo của ta không quá ơ hờ, thượng cấp không quá ngây thơ tin tưởng vào những lời hứa cuội của kẻ thù, thì tôi đã không nhận được lệnh phải tập trung vũ khí của đại đội, bỏ vào kho, khóa cứng lại!

    Khẩu đội cối 60 ly của Trung sĩ Tánh vừa tới, còn đang loay hoay kiếm vị trí đặt súng. Binh nhứt Ngẫu, xạ thủ cối, hai tay ôm cái bàn tiếp hậu trước ngực chờ lệnh. Binh nhì Nguyễn Sang chậm chạp dang hai chân lấy thế, rồi từ từ hạ cái đòn gánh tám quả đạn 60 ly xuống trước mặt tôi.

    Ngay lúc ấy tôi chợt thấy ánh mắt người tù binh như rực sáng. Rồi nhanh như cắt, anh ta bật người dậy, chồm lên, lao vào giựt khẩu Garant M1 trên vai Binh nhì Sang!

    Tôi sững người, vài giây sau mới kịp rút khẩu Colt ra khỏi vỏ. Thật là khó can thiệp khi hai người này cứ liên tục di động! Tên Việt-Cộng và Binh nhì Sang ra sức giằng co, giành giựt khẩu súng. Giờ này thằng Việt-Cộng đã trở nên vô cùng hung hãn, nó nhe răng cắn lia lịa vào tay Sang, khiến anh này la lên “Oai oái!”

    Bất ngờ, một tiếng “Rốp!” vang lên, cuộc vật lộn chấm dứt!

    Sẵn trên tay cái bàn tiếp hậu, Binh nhứt Ngẫu, đã nhanh trí, thẳng cánh nện một phát ngay đỉnh đầu tên cán binh, cứu nguy cho Binh nhì Sang! Thuở đó cối 60 chưa có bàn tiếp hậu bằng nhôm. Bàn tiếp hậu cối 60 được đúc bằng sắt ròng nên rất nặng, mặt sau thì lồi lõm. Vì vậy, chỉ với một cú đập, tên Việt-Cộng đã vỡ óc, lìa đời.

    Sự việc diễn biến nhanh tới mức không thể tưởng tượng được! Tôi bị bất ngờ đã đành, ông Donald còn sững người hơn tôi. Ông ta cứ đứng ngớ ra như vừa sực tỉnh một cơn mê lạ lùng.

    Binh nhứt Trần Ty đưa cái ống liên hợp cho tôi. Có lệnh của ông liên đoàn trưởng:

    “Rút quân gấp! Coi chừng bị đánh chặn ở cổng trại Ðịa Phương Quân!”

    Tôi lấy làm ngạc nhiên vì, rõ ràng tôi vừa xuất phát từ căn nhà sập, ở ngay trước cổng cái trại Ðịa Phương Quân ấy để tràn xuống dưới này, nay lại nói trong doanh trại đó có địch? Chẳng lẽ cái trại ấy đã bị Việt-Cộng chiếm rồi?

    Thế là chúng tôi lại men theo đường cống thoát nước trở lại khu nhà sập trên Ngã Tư Bưu Ðiện.

    Ðại úy Dzếnh đang lấp ló sau một gốc cây, thấy tôi ông bèn ra dấu,

    – Coi chừng! Trong đồn Bảo An có Việt-Cộng. Chúng nó vừa bắn ra làm hai anh Thiết Giáp bị thương.Trung tá liên đoàn trưởng đang chờ ông bên hàng hiên đàng kia!

    Cái đồn Bảo An này từ lâu là nơi đồn trú của Ðại Ðội Yểm Trợ và Công Vụ Tiểu Khu Pleiku, sau này nó mang tên Trung Tâm Yểm Trợ và Tiếp Vận Tiểu-Khu cho tới ngày Pleiku bị di tản, tháng Ba năm 1975.

    Trung tá Dõng và nhóm cố vấn Hoa-Kỳ đang đứng lố nhố sau mấy chiếc M113 đậu dọc lề đường Hoàng Diệu, trước rạp hát. Trong lúc tôi nói chuyện với Trung tá Dõng thì Ðại úy Donald cũng trao đổi đôi điều gì đó với nhóm cố vấn Mỹ.

    Trung tá Dõng cho tôi biết, Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Pleiku vừa xác nhận rằng, doanh trại của Ðại Ðội Yểm Trợ và Công Vụ Tiểu Khu Pleiku đã bị Việt-Cộng chiếm giữ từ Giao Thừa. Từ đây, chúng đã bắn B 40 ra đoạn đường Hoàng Diệu trước mặt Tòa Hòa Giải, làm cháy hai chiếc M 113 của ta. Ông ra lệnh cho tôi phải tái chiếm doanh trại này càng nhanh càng tốt.

    Cơ ngơi của trại lính Ðịa Phương Quân này rất rộng, nó được bao quanh bằng hai lớp rào và một hệ thống công sự phòng thủ kiên cố. Phần đối diện với Ty Bưu Ðiện là văn phòng, cơ xưởng, kho tàng. Phần đối diện với Tòa Án Hòa Giải là cư xá sĩ quan và hội quán. Tôi đã có dịp ăn, nghỉ ít lâu ở nhà một người quen trong cư xá này nên rất thông thuộc đường đi nước bước trong khu doanh trại này.

    Chỉ có một con đường duy nhất để tiến vào doanh trại là cổng chính. Hai bên cổng chính là hai pháo đài, hiện đang bỏ trống.

    Tiểu đội của Trung sĩ Nguyễn Hữu Có vừa ào vào làm chủ cái lô cốt bên phải thì tiểu đội của Trung sĩ Ðoàn Văn Lụa cũng chiếm xong vọng gác bên trái, vọng gác này có một khẩu đại liên 30.

    Tôi chỉ nhảy vài bước là đã tới cái ụ súng đại liên.

    Thường ngày thì khẩu súng cộng đồng này hướng ra Ngã Tư Bưu Ðiện trên đường Hoàng Diệu. Giờ này tôi cho nòng súng quay ngược vào sân cờ. Ông Ðại úy Donald theo sát bên tôi. Ông đang lên cò khẩu AK 47. Lúc còn ở dưới dốc Lò Heo, tôi và ông Donald lựa cho mình mỗi người một khẩu AK chiến lợi phẩm, vì chúng tôi chỉ có súng ngắn. Tấn công mục tiêu mà có súng liên thanh thì vững tâm hơn nhiều. Lúc này thì sau lưng ông Donald có một hiệu thính viên Mỹ đi theo. Anh lính Mỹ trẻ này được trang bị một máy PRC 25 và một khẩu AR 15. Ði trận mà bộ dạng chàng ta lại rất thong dong, thảnh thơi như đang đi dạo phố.

    Hiện thời tôi không biết địch nằm chỗ nào, cứ đi lớ ngớ trong sân, có khi chết oan. Tôi cho trung đội súng nặng và hai chiếc máy truyền tin nằm lại cổng chính vì sợ rằng kéo nhau “bầu đoàn thê tử”, cần câu, ăng ten, dềnh dàng thì chỉ tổ làm mồi cho B40! Vả lại, đánh nhau trong khu nhà cửa, doanh trại, cứ dùng thủ lệnh, khẩu lệnh, vừa nhanh lại vừa tiện. Thấy tôi làm thế, ông Donald cũng ra dấu cho anh hiệu thính viên Mỹ ôm cái máy PRC 25 ngồi lại trong vọng gác bên cổng chính.

    Tôi phân nhiệm vụ cho Trung Ðội 3 vừa là thành phần trừ bị, vừa trấn giữ con đường xuống dốc Lao Xá Pleiku. Trung Ðội 1 và 2 sẽ là lực lượng chủ công.
    Ðất được chia cho hai cánh quân, theo trục tiến Bắc Nam, lấy trụ cờ làm ranh. Trung úy Rạng đi cùng Trung sĩ nhứt Khôi của Trung Ðội 2, chỉ huy cánh bên phải chiếm các văn phòng, hội trường và những lô cốt sát rào bên Hoàng Diệu. Tôi và ông Donald đi theo cánh bên trái của Trung sĩ nhứt Ngọ tiến chiếm khu kho chứa hàng, và khu cơ xưởng bảo trì quân xa.

    Mặt trời đã lên cao, nhưng toàn cảnh của doanh trại như còn chìm trong một giấc ngủ sâu. Im lặng tới lạnh gáy, rợn người.

    Sau mỗi ô cửa, sau mỗi lỗ châu mai có thể là một họng RPD hay AK47 sẵn sàng nhả đạn. Chúng tôi nhướng mắt, dỏng tai, thận trọng từng bước, đi tìm Thần Chết.

    Bất ngờ, “Oạch!” Binh nhì Ngô Sanh vì cứ phải liên tục ngỏng cổ canh chừng những ô cửa, những lỗ châu mai, đã vô tình đạp nhằm một cục đá nên ngã bổ nhoài về phía trước, chúi đầu vào bức vách tôn gây nên một tiếng “Ầm!”

    Sanh không mang nón sắt, mà đội nón đi rừng, nên cú té đập đầu đã làm anh ta đau ngất ngư!

    Trung sĩ nhứt Ngọ vừa đưa tay đỡ Ngô Sanh, vừa càm ràm,

    “Tổ cha mày! Cái thằng ăn hại!”

    Ngô Sanh vừa xuýt xoa “Á! Á! Ðau!” vừa lồm cồm đứng lên, giơ tay phủi bụi dính áo quần. Rồi lớ quớ làm sao, ngón tay của chàng ta lại móc ngay vào cò khẩu Thompson đang đeo trước ngực!

    Thế là “Pằng! Pằng! Pằng!…” đạn nổ liên thanh! Thompson là thứ súng nhạy cò nhứt, nhiều khi chỉ cần nện mạnh báng súng trên nền đất là cơ bẩm đã thụt xuống, đạn tuôn ra cả tràng. Cũng may, mười mấy viên Thompson của Ngô Sanh đã bay hết vào tường mà không trúng ai!

    Ông Ngọ chưa kịp la hét, đá đít anh lính bất cẩn thì bất thình lình, súng đạn nổ ran tứ phía!

    “Bùm! Bùm! Ðùng! Ðùng! Oành! Oành! Chíu! Chíu!…”

    Ðủ mọi thứ tiếng nổ! Ðại liên, trung liên, AK, thủ pháo, chớp nhóa, chói lòa, bụi khói khét lẹt, chỗ nào cũng có địch!

    Ðâu ngờ tràng đạn cướp cò của Binh nhì Ngô Sanh đã vô tình trở thành hiệu lệnh cho địch khai hỏa!

    May mắn là chúng tôi mới xuất phát, chưa lún sâu trong vùng địch kiểm soát nên thiệt hại chưa có gì đáng kể.

    Vì địch đã lộ diện, nên tôi quyết định cho quân mình khoanh vùng, tiến chiếm từng phần của mục tiêu, thay vì ào lên một lượt. Hai cánh quân của ông Ngọ và ông Khôi giữ hàng ngang, rồi thận trọng tiến chiếm từng nhà, từng ụ súng.

    Hướng Ðông với nhiều lô cốt có mái che nên việc tiến quân rất vất vả và nguy hiểm. Vừa chiếm xong cái lô cốt đầu tiên, Trung Ðội 1 đã bị chận lại bởi một khẩu thượng liên đặt trên vọng gác Tây Nam của doanh trại; ít nhứt cũng năm, sáu Biệt Ðộng Quân đã bị cây súng liên thanh này đốn ngã.
    Tôi nghĩ rằng cái chòi gác này rất cao, người ngoài đường cũng trông thấy, nên chạy ra cổng chính nhờ chiếc M113 có khẩu 106 ly giúp một tay.

    Quả đúng như tôi dự trù, người nào đứng tại Ngã Tư Bưu Ðiện đều có thể nhìn rõ mồn một những tia lửa phát ra từ khẩu RPD trên vọng gác kia. Chỉ cần hai quả 106 ly là cái chòi gác biến mất.

    Muốn tiến chiếm các lô cốt và khu cơ xưởng, chúng tôi phải di động liên tục. Vào tới đây rồi thì ai cũng phải đánh nhau, bất kể là quan hay lính. Tôi, ông Donald và Trung sĩ Có hợp thành một tổ ba người. Ông Donald giữ nhiệm vụ ghìm khẩu AK 47 bảo vệ cho tôi và Có luân phiên đánh lựu đạn.

    Thanh toán xong cái lô cốt giữa sân cờ, cả đại đội hò reo xung phong lên khu cơ xưởng sửa chữa quân xa và hội quán.
    “Ùm! Ùm!…Oành! Oành!…” Lựu đạn của ta, thủ pháo của địch đua nhau ném qua, ném lại; trung liên, tiểu liên thì nổ đùng đùng không dứt! Hai lỗ tai tôi lùng bùng như sắp điếc đặc tới nơi!

    Tới đầu dãy nhà chứa xe, trong đám bụi khói mù mịt, thay vì chạy theo tôi về bên trái, thì ông Donald lại chạy theo Trung úy Rạng rẽ sang bên phải, nơi đây có cái cổng sắt dẫn sang cư xá sĩ quan.

    Bất ngờ, tôi thấy B 40 phụt lửa chói lòa, cùng tiếng súng liên thanh “Cành! Cành!” phát ra từ nóc một lô cốt lộ thiên nơi đầu nhà chứa vật liệu xây dựng. Ðây là một ổ đại liên 30 và B 40! Tai tôi nghe tiếng đạn B 40 nổ, cùng lúc mắt tôi nhìn thấy Trung úy Rạng và ông Donald loạng choạng, chúi người vào nhau, gục trên nền đất. Phải nhảy hai bước dài, tôi mới tới sát cái bờ tường chất bằng bao cát có họng súng đang nhả đạn liên thanh. Một quả MK3, tiếp theo là một quả M26 được rút chốt.
    Không cần kiểm soát lại kết quả của hai trái lựu đạn, tôi phóng tới bên ông Donald và Trung úy Rạng. Ông Donald nằm gục mặt trên sân, cái nón sắt bị bắn toác nửa phần sau gáy, mặt ông đầy máu, ngực ông đầy máu, vai ông đầy máu, người ông chỗ nào cũng có máu!

    Tôi lắc lắc vai ông,

    “Donald! Donald! Donald!”

    Bạn tôi không nghe được tiếng tôi gọi! Bạn tôi nằm bất động! Bạn tôi đã chết rồi!

    Tôi cố gắng lật mặt ông, nhìn ông lần cuối. Mắt ông nhắm nghiền, miệng ông mím chặt, chiếc nón sắt nghiêng một bên, máu trong nón sắt trào ra lênh láng.

    Bên cạnh Ðại úy Donald Allen Evans, Trung úy Lưu Danh Rạng nằm co quắp như một con tôm. Nửa mặt anh cùng với cái nón đi rừng đã bị bắn bay đi đâu mất, ngực anh máu còn phun phì phì! Anh Rạng và ông Donald, mỗi người ít ra cũng lãnh trên mười vết thương!

    Tôi đau buồn từ từ đứng dậy, giơ tay ra dấu gọi Trung sĩ Có, tính chuyện cho người đỡ xác ông Donald và xác anh Rạng ra ngoài. Ðâu ngờ, “Toác! Toác! Toác!…” tai tôi vừa nghe tiếng nổ thì bên sườn phải của tôi đã bị vật gì đó xuyên vào! Viên đạn AK 47 không trúng cái báng súng mà tôi đeo bên hông, viên đạn không chạm chiếc áo giáp mà tôi đang mặc, viên đạn chui vào ngay cái khe nằm giữa hai mảnh giáp hộ thân!

    Người tôi bỗng nhẹ tênh! Không thể giữ nổi thăng bằng trên đôi chân, tôi đành gục xuống! Trung sĩ Có nhảy tới đỡ tôi. Rồi Có cũng ôm ngực, gục xuống theo tôi!

    Một toán người ào tới. Có tiếng Trung sĩ Nhứt Nguyễn Nhơn, Trung Ðội Phó Trung Ðội 1,

    – Trung úy bị thương rồi! Thằng Có cũng bị thương rồi! Tụi bay vác Trung úy và thằng Có ra ngoài đường mau lên! Mau lên!

    Súng tiếp tục nổ ran cùng tiếng la “Xung phong! Xung phong! Biệt Ðộng Sát! Biệt Ðộng Sát!…” vang vang, ồn ào, hỗn loạn…

    Một người lính vừa dìu tôi vừa chạy, gần tới cổng thì quỵ xuống; anh ta bị trúng đạn vào lưng!

    “Long! Long! Don’t worry! Don’t worry! I’ll help you!”

    (Long! Long! Ðừng lo lắng! Ðừng lo lắng! Tôi sẽ giúp anh!)

    Người mới la lên là Trung úy Bailey, Cố Vấn của Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân. (Tôi không nhớ First Name của Trung úy Bailey.)

    Bailey đã có mặt kịp thời, anh dang hai tay đỡ tôi dậy, rồi phóng thật nhanh ra đường. Sau lưng anh, đạn đại liên của địch “Chíu! Chíu! Chíu!…” đuổi theo!

    Ra tới chỗ an toàn, Bailey đặt tôi xuống vệ đường. Tôi thấy ngực mình nặng vô cùng, không thể thở. Bailey cởi cái áo giáp của tôi ra, vứt bên vệ đường, rồi xé luôn cái áo hoa tôi đang mặc để tìm vị trí viên đạn đã chui vào. Anh quỳ bên tôi, hai bàn tay xòe rộng. Anh để hai tay trên ngực tôi, rồi nhấn xuống, nhả ra, làm hô hấp nhân tạo, giúp tôi thở dễ hơn. Mỗi khi tay Bailey đè xuống, máu tôi lại phun ra, khi Bailey nhả tay ra, máu lại chạy ngược vào lồng ngực!

    Lúc sau tôi đã thở dễ dàng trở lại. Bailey trao tôi cho Ban Quân Y của liên đoàn. Y tá không dám bịt miệng vết thương lại, vì sợ máu ứ trong lồng ngực. Tôi nằm nghiêng bên phải, máu tiếp tục tuôn ra, máu tràn xuống mặt đường.

    Nghe tin tôi bị thương, Trung tá Dõng vội chạy tới. Ông quỳ xuống bên tôi, cầm tay tôi, ông dịu dàng,

    – Long ơi! Long ơi! Em không sao chứ?

    Trung tá Hồ Hữu Dõng xưa nay thường nói năng cộc lốc, không văn hoa, không tình cảm. Vậy mà hôm nay, lần đầu thuộc cấp nghe ông gọi một sĩ quan dưới quyền bằng đại danh từ “Em”, thiết tha như thể là ông ta đang gọi đứa em ruột thịt của mình.

    Sau khi mồi cho tôi một điếu xì gà, Trung tá Dõng gọi Thiếu tá Thi tới và ra lệnh,

    – Thằng Long mà vào không được thì không ai vào nổi đâu! Ông bảo “già” Dzếnh rút toàn bộ Ðại Ðội 1 ra chốt mấy cái pháo đài ngoài cổng, rồi kêu “cha” Tánh đốt cái trại Ðịa Phương Quân này cho tôi.

    Lúc Ðại úy Tánh (Thiết Giáp) bắt đầu công tác phun lửa đốt khu doanh trại Ðịa Phương Quân thì tôi được xe cứu thương đưa về Quân Y Viện Pleiku.

    Người ta đưa thẳng tôi vào Phòng Chụp X Quang mà chẳng qua thủ tục nhập viện nào cả. Sau đó tôi được chuyển về Ngoại Thương 2.

    Người chỉ huy Ngoại Thương 2 là Trung úy Y sĩ Lê Văn Thới. Ông xem xét tấm hình chụp viên đạn rồi gật gù,

    – Không mổ được! Viên đạn nằm sát trái tim. Mổ láng quáng chạm phải trái tim thì phiền! Cứ để viên đạn nằm đó, ít lâu sau mỡ sẽ bọc quanh nó như cái kén của con tằm. Thế là yên!
    Phòng sĩ quan có bốn cái giường. Tôi nằm ở giường số 3. Giường số 4 còn để trống. Có hai ông Thiết Giáp nằm sẵn trong phòng này trước khi tôi nhập viện, đó là Trung úy Triết Chi Ðoàn Trưởng 1/3 Chiến Xa và Thiếu úy Tài Chi Ðoàn Trưởng 2/3 Thiết Vận Xa. Ðêm qua hai ông Thiết Giáp này đều bị Việt-Cộng bắn cháy xe, một ông gãy tay, một ông phỏng nặng. Ðại đội trưởng Biệt Ðộng Quân và Chi đoàn trưởng Thiết Giáp cùng trực thuộc lực lượng trừ bị của Vùng 2 thì chẳng lạ gì nhau, nên ba chúng tôi gặp nhau mà chẳng cần phải tự giới thiệu dài dòng.

    Nằm trong phòng dành cho sĩ quan được một ngày, tôi thấy ngột ngạt khó thở quá, nên xin Bác sĩ Thới cho tôi ra phòng ngoài.

    Sáng Mùng Hai tôi nhờ hai y tá chuyển chiếc giường bệnh của tôi qua khu dành cho hạ sĩ quan và binh sĩ. Phòng này tuy ồn ào, lộn xộn, nhưng rộng rãi, thoáng đãng và vui vẻ hơn.

    Binh nhứt Phạm Công Cường nằm trong Ngoại Thương 3 đã nghe tin tôi bị thương nên tìm tới thăm. Cường cho tôi hay số người bị thương nhập Quân Y Viện Pleiku đã quá mức chứa, do đó phải chia sẻ bớt cho Quân Y Viện Qui Nhơn, và Chinook Mỹ đã đem ông Chuẩn úy đi từ chiều Mùng Một Tết rồi.

    Ngày đó, tôi chỉ tiếp xúc với ông Chuẩn úy Khóa 25 Thủ Ðức này có vài phút, tên tuổi của ông ấy tôi quên mất rồi! Tới nay, tôi chỉ còn nhớ rằng ông ta bị cận thị nặng, cặp kính trắng hơi dầy. Ông ấy có phong thái của một nhà mô phạm hơn là một ông Biệt Ðộng Quân. Tôi hy vọng rằng, bài viết này sẽ tới tay ông; hy vọng hiện nay ông còn sống, và còn nhớ tới cái đơn vị Biệt Ðộng Quân mà ông đã phục vụ trong thời gian vừa đúng một ngày.

    Tết Mậu Thân có ba ngày hưu chiến, vậy mà tính từ Giao Thừa cho tới trưa Mùng Một, thời gian chưa qua một ngày, mà đơn vị tôi đã có gần hai chục người vừa chết, vừa bị thương, cả Trung úy Rạng và tôi đều bị loại ra ngoài vòng chiến, chỉ còn ông Thượng sĩ Nguyễn Em là người mang cấp bậc cao nhứt; đại đội tôi thực sự đã thành một đơn vị “mồ côi”.

    Tổng Công Kích Tết Mậu-Thân 1968 của Việt-Cộng đã gây nên biết bao cảnh chết chóc, hoang tàn, đổ nát khắp Miền Nam. Dã man nhứt là cuộc thảm sát ở Huế, nơi đây Việt-Cộng đã xử tử hàng ngàn người dân vô tội rồi chôn vùi thân xác họ trong những ngôi mồ tập thể.

    Trong cuộc chiến tranh Việt-Nam Thế Kỷ 20 vừa qua, quân dân Miền Nam đã quá nhân từ, cả tin, dễ dãi và ơ hờ, trong khi đó người Cộng-Sản lại vô cùng gian manh, dã man và xảo trá.

    Chúng ta đã bị địch lừa gạt, nên cứ tin tưởng vào những viễn ảnh hòa bình của Hiệp Ðịnh Geneve năm 1954, rồi Hiệp Ðịnh Paris năm 1973; kết quả sau cùng, chúng ta phải trả giá là ngày Ba Mươi tháng Tư năm 1975 Miền Nam hoàn toàn sụp đổ.

    Thấm thoắt đã nửa thế kỷ trôi qua, trong lồng ngực của tôi, cái đầu đạn AK 47 vẫn nằm yên bên cạnh trái tim, và mỗi khi trở trời, tôi lại cảm thấy râm ran cả một vùng da bụng quanh nơi viên đạn chui vào.

    Mộ bia của anh Rạng thì không biết có còn không? Vì sau ngày Ba Mươi tháng Tư năm 1975 nghĩa trang của những người thua trận đã trở thành hoang phế.

    Còn ông Donald, sau lần hát “The Star” cho tôi nghe trên đồi Holloway, đã không còn hằng đêm ngóng về một vì sao, nhớ quê. Ông đã yên giấc nghìn thu trên đất nước của ông rồi.

    Ðêm đêm, trong khu Vietnam Veterans Memorial ngay giữa lòng thủ đô Washington D.C của Hoa-Kỳ, bức tường đá đen nhìn giống như một khung trời sâu thăm thẳm, trên đó những cái tên sơn màu trắng, cũng lập lòe, lấp lánh như những vì sao trên trời. Tên ông đã được khắc sâu trong lòng đá. Với người dân Hoa-Kỳ thì cái tên Donald Allen Evans đã thành bất tử!

    Và riêng tôi, mỗi năm vào dịp Xuân về, tôi đều nhớ tới người bạn vong niên của mình, nhớ câu chúc Tết trọ trẹ, lơ lớ bằng tiếng Việt:

    “Chúc mừng năm mới!…”

    Tiếp đó là hình ảnh ông nằm sõng soài trên nền đất, máu đỏ đầy mình, lặng thinh không trả lời tôi réo gọi bên tai, “Donald! Donald! Donald!”

    Có những chuyện xảy ra trong đời, vì quá bi thương, nên người ta muốn quên đi, nhưng không làm sao quên được! Có những điều, người ta muốn kể lại, nhưng vừa mở miệng, đã nghẹn lời!

    Mãi năm mươi năm sau ngày ấy, tôi mới viết lại chuyện này được trọn vẹn, vì trước đây, mỗi lần bắt đầu câu chuyện, tôi lại thấy mắt mình cay cay, không biết làm cách nào để có thể ngăn đôi giòng lệ tuôn rơi, nên đành gác bút.

    VML-K20
    Seattle một ngày đầu Xuân 2018

    Source:http://baotreonline.com/mau-than-huu-chien/


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X