Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tết ơi

Collapse
X

Tết ơi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tết ơi

    Tết ơi


    Chung Dao


    Chẳng hiểu tại sao mỗi độ Xuân về con lại nhớ tới bà ngoại và bố mẹ một cách tha thiết.

    Con nhớ mỗi độ Xuân về là ngoại lại làm món chè kho, món của BK mà các hạt đậu xanh vẫn còn lợn cợn trong chè, mang sang cho mẹ con trước cúng giao thừa, sau cho lũ cháu ăn vì chúng yêu thích món chè kho đó.

    Chẳng cứ ngày tết ngoại mới cho tiền lũ cháu mà hầu như lần nào ngoại sang chơi, sau khi mẹ biếu ngoại tiền, ngoại thế nào cũng dúi cho mấy đứa cháu một ít trước khi về.

    Ngày xưa ngoại ở bên kia sông Saigon, con cháu khi đó mỗi khi sang ngoại chơi đều phải ra bến đò Thủ Thiêm, lúc đó vẫn còn cột cờ Thủ Ngữ. Những cái ghe tròng trành, có khi có hai người, một người chèo và một người ngồi tạt nước ra.

    Con thích ngồi nhìn mái chèo rẽ nước đưa con đò lướt đi nhẹ nhàng trên sông, cứ thế mà sang bờ bên kia lúc nào không biết. Những con đò tuổi thơ luôn đưa con về những kỷ niệm êm đềm bên ngoại.

    Những buổi tối được ở nhà ngoại, ngủ cùng ngoại, ngoại vẫn thủ thỉ kể cho con nghe chuyện ngày xưa ở ngoài Bắc. Ngoại vẫn ngậm ngùi vì phải bỏ ‪quê hương‬ mồ mả cha ông để xuôi Nam.

    Ngoại vẫn không hiểu tại sao một buổi tối, khi đó chưa có chúng con, ông ngoại được người ta mời đi và đã không bao giờ trở về, chẳng bị kết tội cũng chẳng ra tòa, nhưng chắc chắn đã bị xử một cách êm thắm, ra đi mà không biết được mình sẽ o bao giờ trở về. Mà buồn chi ngoại ơi, hồi đó trường hợp này đâu phải hiếm, đâu chỉ xảy ra với nhà mình.

    Ngoại cứ thế ôm 4 người con, ba gái một trai bươn chải kiếm sống qua ngày. Ba cô con gái trong đó có mẹ con, tất cả đều tâm hồn bay bổng lãng mạn, chắc chắn cũng làm cho ngoại buồn nhiều nhưng ngoại không nói gì.

    Con chỉ biết ngoại luôn canh cánh bên lòng nỗi nhớ thương người con gái giữa, chỉ vì theo tiếng gọi của tình yêu, đã từ chối tản cư vào Nam theo anh chị mình.

    Con vẫn nhớ sau này ngoại luôn nhắc mẹ con phải gởi tiền hay vải vóc quần áo cho dì vì dì rất thiếu thốn, gởi qua trung gian bên Pháp vì lúc đó hai miền Nam Bắc chia cắt không liên lạc được.

    Ngoại vẫn kể con nghe chuyện tản cư về quê tránh chiến tranh khi nó đã lan tới Hà Nội, chuyện nạn đói năm Ất Dậu, người chết đói nằm la liệt trên ‪phố vì‬ quân phiệt Nhật đốt hết các kho lúa gạo của dân mình.

    Ngoại nói lúc đó ai có tiền vào tiệm mua thịt quay, đi ra là bị vồ ngay và người cướp họ ăn ngấu nghiến ngay trước mặt mình vì quá đói. Mỗi ngày có những xe bò lặng lẽ vào thành phố lượm xác người chết, chất đầy đem chôn trong những hố tập thể.

    Rồi khi Việt Minh về, sao hồi đó ngoại không dùng chữ cộng sản nhe, nhà có tiền cũng phải làm như nghèo khó, mua con gà về luộc ăn mà lông gà cũng phải đem chôn chứ không dám bỏ vào thùng rác vì sợ bị ghép là tư sản hay tiểu tư sản gì đấy. Đời sống khổ sở từ đây.

    Vào đến miền Nam, ngoại cũng vẫn tiết kiệm thắt lưng buộc bụng. Mẹ cho tiền ngoại không dám xài, quần áo mới không dám mặc, cái gì cũng để dành, có lẽ ngoại vẫn bị ám ảnh bởi cái thời khổ sở khi Việt Minh chiếm chính quyền Hà Nội chăng?

    Cứ nghe tiếng xích lô máy bình bịch trước nhà là biết ngoại sang chơi. Khi ngoại về cũng nhờ các cháu kêu chiếc xích lô máy, trả giá giùm ngoại, trước khi leo lên xe đi về, ngoại lại dúi tiền vào tay lũ cháu.

    Khi ngoại mất lúc liệm ngoại, mẹ con vừa lấy áo phin nõn trắng và quần satin đen mới tinh ra thay cho ngoại, vừa đầm đìa hai hàng nước mắt khóc ngoại “cụ ơi, con mua sắm đầy đủ cho cụ sao cụ cứ vá đằng vá đụm quần áo để mặc. Bây giờ cụ mất đi còn cả valise quần áo mới, ai mặc cụ ơi, sao cụ khổ thế này…” con thấy mẹ con gọi ngoại là cụ và khóc than như vậy.

    Nhờ ngoại, con biết về những câu chuyện chua xót ngày xưa của riêng gia đình mình và của chung đất nước. Con biết chuyện đấu tố địa chủ của những tá điền, con biết ăn con gà cũng phải dấu đi, con biết chuyện ngấm ngầm thủ tiêu xảy ra như cơm bữa và con biết địa chủ bị chôn sống như thế nào….

    Dù những chuyện ngoại kể con nghe, chỉ là những mảnh vụn rời rã không thể ghép lại thành câu chuyện trơn tru, nhưng con biết ơn ngoại đã cho con biết về những dĩ vãng đau buồn của dân tộc mình.

    Thôi thì chúng con không còn ông bà nội và ông ngoại, nhưng ít nhất còn có ngoại để chúng con biết tình cảm bà dành cho cháu cũng bao la không khác gì cha mẹ dành cho con.

    Không chỉ nhớ ngoại, con còn nhớ những cái tết thanh bình khi còn đủ cha mẹ. Những ngày xôn xao gia đình chuẩn bị tết. Bố con hay mang về những tờ giấy đỏ để quấn quanh cây mai, những câu đối tết bố mua của ông cụ ngồi viết trên đường Lê Lợi gần nhà sách Khai Trí.

    Những bộ quần áo mới, những đôi giầy xịn mẹ mua cho chúng con từ cửa hàng Bata bền đẹp. Có khi mẹ còn mang hai đứa con gái ra tiệm uốn tóc, khi về bị bố la bài hải là con nít mà uốn tóc làm gì cho hại da chúng.

    Nhà cửa được bố mẹ thuê người quét vôi, sơn phết thật đẹp mắt. Lư đồng trên bàn thờ phật và ông bà được đem ra đánh bóng loáng.

    Trong nhà cái gì cũng phải mới và đầy đủ từ hũ gạo đến lu nước trong sân nhà. Ngày mồng một không được quét nhà, không được sang nhà hàng xóm, mồng hai quét nhà phải hướng rác vào trong nhà, bố tin như thế là của cải không ra ngoài.

    Tết nào, ngoài cây mai mẹ còn mua nào quất, nào hoa cúc, hoa mòng gà đỏ chưng dọc lối đi vào nhà. Rồi chúng con bắt đầu mặc cả tiền lì xì với bố mẹ, tiền lì xì cũng tính trượt giá và đòi thêm.

    Xong tết dù mẹ có nói thế nào cũng không đứa nào trong 4 anh em nhờ mẹ giữ hộ tiền lì xì vì gởi vào khó lấy ra, nên đứa thì để dành mua gà, mua vịt, mua chó về nuôi thêm, đứa thì may quần áo, mua giầy dép mới….

    Chuẩn bị Tết cũng cả tháng trời, nhưng đến mồng 6 là coi như Tết đã xong. Bố trở lại sở làm, chúng con trở lại trường học, mẹ lại bù đầu với việc nội trợ của mình.

    Ở đây nơi đất khách quê người, người VN đón tết hời hợt. Riêng con, tết hình như đã hết kể từ 3 năm trước khi mẹ là người cuối cùng bỏ chúng con ra đi mãi mãi, có chăng giờ chỉ là những phút hoài niệm nhớ về những cái tết xưa cũ, khi vẫn còn đầy đủ cha mẹ và gia đình. Tết ơi, đến làm chi nữa!


    Cali Jan 10th 2019
    Chung Dao


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X