Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Người y tá

Collapse
X

Người y tá

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Người y tá

    Người y tá
    ~~~





    Câu chuyện này tôi muốn viết đã lâu, nhưng không hiểu sao cứ đắn đo, vì nó có vẻ cá nhân quá. Viết ra, mọi người có thể hiểu lầm là muốn tự mình ca tụng mình. Hôm nay, viết lại để trả một món nợ mang nặng trong lòng. Mục đích của bài viết này chỉ để ghi lại tấm thảm kịch của những người sống cùng thời với tôi, cùng là nạn nhân của cuộc chiến Việt Nam thế kỷ 20 và cùng đau đớn hứng chịu những hậu quả của nó. Chiến tranh đổ xuống những thường dân không trông mong gì hơn là được sống một cuộc sống an bình. Tóm lại, đây là một truyện thực, người thực ngoài đời.

    Tôi hành nghề y khoa đã hơn năm chục năm nên dĩ nhiên có rất nhiều người y tá đã giúp tôi trong khoảng thời gian dài này, y tá Việt có, y tá ngoại quốc có, nam có, nữ có, già có, mà trẻ có, nhưng trong số những người này, duy nhất chỉ có một người mà tôi gắn bó nhiều nhất, chia sẻ nhiều nhất những kỷ niệm vui buốn. Đã trên 40 năm kể từ ngày chúng tôi gặp nhau. Khi ấy, tôi mới ra trường và bước chân vào quân đội. Trong cuộc đời nhà binh của tôi, tôi chỉ phục vụ trong duy nhất một đơn vị. Đó là quân y viện Phan Thanh Giản tại thành phố Cần Thơ. Tôi ở đây gần 10 năm, chỉ vào U Minh trong những tháng năm tù tội 1975-1977 và năm sau cùng bị đưa vào tỉnh Vị Thanh dậy học (trung học Y Tế Hậu Giang) trước khi vượt biên nên có thể nói, với tôi, vùng 4 và nền văn minh sông nước, tôi rành sáu câu.

    Cuộc đời, nói theo Phạm Duy, lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt, nên từ một trai trẻ chưa tới 25 tuổi, thoáng một chớp mắt đã trở thành một ông y sỹ hồi hưu già ngồi ở Montréal viết những hàng chữ này, rất hâm mộ khi nghe người bạn nối khố Nguyễn Thanh Bình than rằng: Cuộc đời sao chỉ giống như một giấc mơ thôi. Nguyễn Thanh Bình cũng vừa rửa tay gác ống nghe như tôi. Trong số bạn bè, có lẽ chúng tôi là một trong những người gắn bó với nghề nghiệp lâu hơn cả. Về hưu không có gì làm, thời gian trở thành trống vắng khi người ta quen làm việc mỗi ngày, lúc nào cũng túi bụi với những việc cần giải quyết. Nay bỗng nhiên không còn gì để tính toán nữa, nên hụt hẫng trong những ngày đầu, không biết làm gì cho hết ngày giờ. Khi ấy, những kỷ niệm hiện về, với những ân hận, những hối tiếc và những câu hỏi: Sao hồi đó mình lại làm như vậy? Sao hồi đó mình không làm như vậy?

    Những ngày đầu tiên trong cuộc đời y sĩ của tôi là một trại bệnh khoảng 80 bệnh nhân nằm chen chúc với nhau, một vài khi 2 người một giuờng khi quá nhiều bệnh nhân. Giúp việc, có một ông thượng sĩ già và 4, 5 người y tá trẻ. Từ một sinh viên miệng còn hơi sữa, tôi rất mắc cỡ khi thượng sĩ Hiền luôn miệng hỏi mỗi buổi sáng trước khi tôi bắt đầu đi khám bệnh, có ông và các y tá khác đi theo, giống như hồi tôi thực tập tại trường y khoa:

    – Thầy uống cà phê không, để trò pha.

    Ông ta đáng tuổi cha tôi nhưng ông có thói quen nói như thế với các đồng nghiệp của tôi, không sao sửa được và sau đó, nghe mãi thành quen, tôi cũng không phản đối gì nữa. Thượng sĩ Hiền sống rất tội nghiệp với đồng lương ít ỏi và một bầy con. Ít năm sau, trước khi đất nước rơi vào tay kẻ thù, đứa con trai trưởng của ông cũng nối nghiệp cha và cũng trở thành y tá trong quân đội miền Nam. Sau này, khi mất nước và đi tù CS trở về, tôi nghe người ta nói ông kiếm ăn bằng việc vá xe tại đâu đó trên một góc phố của Cần Thơ nhưng không gặp lại ông. Cả thầy, cả trò đều túng quẫn khi vận nước đổi thay.

    Trong quân y viện (QYV), giúp việc cho tôi ngoài thượng sĩ Hiền còn có những người y tá trẻ hơn trong đó phải kể đến anh Đến. Sau khi tôi đi học tập trở về, Đến có tìm đến tôi và bóng gió nói là có thể giúp tôi vượt biên nhưng lúc đó, tôi rất sợ, không tin ai, biết đâu CS lừa mình, sai lầm và quá tin người có khi mang họa, nên tôi không dám nhận lời ngay, chỉ ỡm ờ nói để suy nghĩ lại. Nay y tá Đến đã sang được Úc và nghe đâu làm ăn khá giả, và thành công bên xứ người. Về các nữ quân nhân, có hai cô đều mang lon trung sỹ là các cô Hường và Thiện, Miên lai. Hai cô này uống rượu rất giỏi. Sau 1975, khi ấy tôi còn ở Cần Thơ, hai cô có đến nhà, mua cá, tôm, rượu trắng. Ba thầy trò uống với nhau một bữa đã đời rồi từ biệt nhau, đời ai nấy lo sau cơn quốc biến. Từ đó đến nay, tôi không được biết tin tức về các cô.

    Những năm ấy, Cục Quân Y cho phép các y sĩ mở thêm phòng mạch bên ngoài để kiếm thêm tiền và đồng thời cũng để trợ giúp ngành Y tế tỉnh Cần Thơ đang thiếu y sĩ. Các bác sĩ làm việc tại phòng mạch rất sớm về buổi sáng, sau đó vào QYV làm việc. Buổi chiều, sau việc công, lại trở về phòng mạch lo khám cho bệnh nhân tư của mình. Khi bận trực, tùy ý thay đổi giờ khám bệnh tư nhưng công vụ là quan trọng. Tóm lại, nếu hoàn thành tốt đẹp bổn phận của mình trong QYV, thì không ai quở trách ai. Vì những lý do đó, đời sống người y sĩ có thể nói là sung sướng.

    Khi mới xuống QYV, tôi một thân một mình, không chịu một gánh nặng về gia đình nào, tôi không nghĩ đến việc mở phòng mạch để kiếm tiền. Tôi chỉ làm việc trong QYV, ở trại sĩ quan độc thân không tốn tiền, ăn cơm tháng không bao nhiêu, còn lại là cà- phê, ăn nhậu, đá gà, thảnh thơi thơ túi rượu bầu. Có điều chiến tranh lan tràn, và nhiều ngày thương binh chở về QYV sau mỗi trận đánh khiến mình không sao có thể thờ ơ với cuộc chiến. Nhân khi Cục Chiến Tranh Chính Trị mở khóa căn bản về Chiến Tranh Chính Trị (CTCT) tại Đà Lạt, tôi xin với anh chỉ huy trưởng, bác sĩ HNT, một đàn anh rất khả kính và thương đàn em, được tham dự khoá này, đặt tên là Khoá 7 căn bản CTCT. Anh Tùng chấp nhận.

    Tôi lên Đà Lạt và vào ở trường CTCT. Tôi là người y sĩ độc nhất vào thời điểm đó quan tâm đến vấn đề CTCT, về những Lý Thuyết Duy Tâm, Duy Vật, về Karl Marx, về Lenine, về Engels, về Hengel… nghĩa là về những vấn đề không liên quan gì đến y khoa hết. Trường đại học CTCT nằm đối diện với trường trung học Bùi Thị Xuân của Đà Lạt. Những ngày học tập tại đây đã để lại trong lòng tôi những kỷ niệm khó quên về Đà Lạt, về Đồi Cù, về Hồ Than Thở, về những nàng kiều nữ mà thời cuộc đưa đẩy, đa số đều trở thành ý trung nhân của các chàng trai hùng, vì ở Đà Lạt, còn có quân trường Võ Bị Quốc Gia danh tiếng mà vài năm trước, tôi đã trải qua giai đoạn quân sự gian khổ trong nhiều tháng trời. Chính nhờ các quân trường này mà tôi, vốn chỉ là một thư sinh, yêu mến đời quân nhân và sự kỷ kuật của quân đội.

    Sau khoá 7 CTCT, tôi trở lại QYV, và được bổ nhiệm làm trưởng khối CTCT của QYV, phụ tá cho tôi là anh Nguyễn Văn G., trước có theo học dược khoa, nay trở thành một sỹ quan hành chánh quân y. Anh G. sau tình cờ gặp lại tại Montréal. Anh làm cho một nhà thương cho người già, Hopital Chinois, nay chắc cũng về hưu rồi. Như vậy tôi kiêm nhiệm 2 nhiệm vụ, coi trại bệnh nhưng cũng phụ trách mọi việc về CTCT, đón tiếp các phái đoàn nghệ sĩ, ca sĩ xuống trình diễn giúp vui, ủy lạo thương bệnh binh, trong đó có các người nổi danh như Vân Hùng, Kim Xuyên (hay Kim Tuyến?), Tú Trinh, v.v… tổ chức các lớp học đào tạo y tá cho quân đội, người ta gọi là lớp CC1. Nói cho ngay, mọi việc do anh G. lo phần lớn. Công việc chánh của tôi vẫn là điều trị.

    Sau khi ổn định rồi, và thấy quen việc, tôi nghĩ tới việc làm thêm ngoài giờ. Lúc bấy giờ, Cần Thơ đã đủ các phòng mạch của các đồng nghiệp dân y cũng như quân y rồi, rất khó chen chân, tôi xuống Trà Nóc thuê một căn nhà làm phòng mạch. Muốn tới Trà Nóc, từ Cần Thơ phải đi về hướng Bình Thủy. Khi tới Bình Thủy rồi, phải tiếp tục đi nữa, khoảng 10, 15 phút sau nếu chạy xe Honda, sẽ tới Trà Nóc. Tại Trà Nóc, có phi trường quân đội. Tiếng là như vậy nhưng Trà Nóc nghèo nàn, trái với Bình Thủy. Dân Trà Nóc phần lớn là gia quyến của các quân nhân, nghèo nàn, rách rưới, nhiều khi khám bệnh không nỡ lấy tiền, cho nên có thể nói tôi mất nhiều thời gian và sức lực nhưng chẳng thu lại những kết quả về tài chánh mà mình mong muốn gì. Sau gần một năm làm việc tại Trà Nóc, tôi không nhớ trong trường hợp nào, có người giới thiệu cho tôi một người y tá kỳ cựu tại Bình Thuỷ, nơi trù phú hơn nhiều. Người y tá tôi muốn nhắc ở đây là anh Đinh Công Nhã.

    Bình Thủy chỉ là một quận lỵ thuộc ngoại ô Cần Thơ, trên con đường từ Cần Thơ đến Long Xuyên. Lúc bấy giờ tại Bình Thủy, người dân khi có bệnh ít khi đi khám bác sĩ. Họ tin cậy vào hai người mang danh y tá chích dạo nhưng không biết có bằng cấp thực thụ hay không. Hai người y tá đó là Ba Mãnh và Hai Nhã. Hai Nhã chính là người nói trong bài viết này. Trong hai người y tá đó, Ba Mãnh có nhiều thân chủ hơn Hai Nhã, có lẽ vì gia đình anh kỳ cựu ở đây, hay lý do chính là anh ta là Việt Cộng nằm vùng. Sau 1975, người ta mới biết là Ba Mãnh là cán bộ Việt Cộng, lúc đó quá muộn rồi.

    Hai Nhã, tên trên giấy tờ là Đinh Công Nhã khi đó chưa tới 40 tuổi nhưng đã có vợ và hai con, một đứa gần 10 tuổi tên Đinh Công Giao và một đứa khoảng 4 hay 5 tuổi tên Lộc, mà anh ta gọi là Lộc xinh, có lẽ vì cháu trông rất xinh. Việc bất hạnh là Lộc bị chứng tê liệt của trẻ em nên không đi đứng được. Suốt ngày tôi thấy Lộc lê lết trên nền đất, dùng hai tay chống để di chuyển. Hai Nhã không phải dân Bình Thuỷ cố cựu. Ông nội anh từ ngoài miền Trung lưu lạc vào trong Nam và làm nghề thuốc Bắc, thuốc Nam gì đó nên tính đến anh, mới được 2 đời. Anh ta ngoài việc làm y tá kiếm ăn, rất nghệ sĩ, chơi đàn ghi ta, hát những bài ca mà chúng ta quen gọi là nhạc vàng. Hai Nhã rất tức tối vì không có nhiều thân chủ bằng Ba Mãnh nên từ khi được biết tôi, anh mời tôi về Bình Thủy mở phòng mạch, anh sẽ làm y tá cho tôi khi tôi khám bệnh. Anh ta tìm thuê cho tôi một căn nhà tại chợ cá Bình Thủy và lo đủ mọi chuyện, tôi không phải mất công, mất sức gì. Làm với tôi, Hai Nhã có được lợi thế là chỉ phải làm độ 2 giờ buổi sáng và 2 giờ buổi chiều, khi tôi khám bệnh, ngoài ra anh đánh đàn, nhậu nhẹt. Có được Hai Nhã, tôi khỏi phải tìm thân chủ vì họ biết anh từ trước, nay lại có tôi thì họ càng tin tưởng hơn. Tóm lại, một cuộc hợp tác win-win cho hai chúng tôi. Hai Nhã có bệnh lao từ nhiều năm về trước, nay đã lành nhưng khi chụp hình phổi, hình quang tuyến đầy những vết nám.

    Mùa Hè đỏ lửa 1972, chiến sự lan tràn. Những trận đánh trên chiến trường Miền Trung làm hao hụt quân số trầm trọng. Chính quyền Miền Nam lúc đó tăng tuổi quân dịch nên dù đã gần 40, Hai Nhã vẫn còn ở trong tuổi bị trình diện nhập ngũ. Anh lo lắng hỏi tôi là anh có phải đi lính hay không. Vì đã biết trước là với hình phổi của anh, dù anh có tình nguyện, anh vẫn bị quân đội từ chối. Tôi cười nói với anh:

    – Anh thì lo gì, anh thuộc thành phần lính chê. Cứ trình diện đi, người ta sẽ cho về.

    Nghe lời tôi, anh trình diện nhập ngũ và được đưa về Trung tâm 4 Tuyển Mộ Nhập Ngũ. Vào thời điểm này, trung tâm đầy nghẹt người được tập trung về đây để làm hồ sơ, phân loại, ai bị bệnh sẽ được đưa ra hội đồng Miễn Dịch, ai đủ sức khoẻ sẽ được đưa ra các quân trường. Các tân binh vì chật chội đông người, lại lo lắng vì lệnh động viên, nên ai nấy trông bèo nhèo thấy thảm. Vệ sinh và ẩm thực lại thiếu thốn, ở trong trung tâm, dĩ nhiên rất khổ. Hai Nhã nói với tôi:

    – Ông có bảo lãnh cho tôi về nhà trước khi ra hội đồng Miễn Dịch hay không?

    Việc bảo lãnh để anh ra khỏi Trung tâm Miễn Dịch đối với tôi không khó. Tôi làm tại QYV nên những sỹ quan tại đây đều biết tôi, kể cả ông trung tá Chỉ huy trưởng Trung tâm. Tôi lại quen thân với nhiều đồng nghiệp làm y sỹ bên đó. Vấn đề là tôi không muốn nhờ vả. Nhờ họ chuyện này, họ sẽ nhờ lại chuyện khác, lúc đó khó ăn khó nói, nhất là tôi có chân trong các hội đồng y khoa, hội đồng miễn dịch. Tôi nói với Hai Nhã:

    – Anh chịu khó ở trong ít ngày, thế nào cũng được về mà.

    Cái mà tôi không ngờ được là vì những điều kiện vệ sinh không được tốt, Trung tâm 4 Nhập Ngũ năm đó xẩy ra nạn nhiễm trùng do méningocoques hay cầu trùng đau màng óc. Bệnh này nếu tập trung tại màng óc thì còn hy vọng nhưng nếu lan ra tổng quát, gọi là septicémie à méningicoques thì chết chắc. Khi đó tôi đang làm tại trại Bệnh Nặng và chịu trách nhiệm điều trị những bệnh nhân này. Tôi làm việc túi bụi với sự cố vấn tích cực của một sĩ quan quân y Mỹ cố vấn. Anh này đem về cho tôi những tài liệu y khoa mới nhất và can thiệp để phòng thí nghiệm một bệnh viện quân y Mỹ chịu làm cho chúng tôi những thử nghiệm mà phía Việt Nam chưa làm được. Tôi chọc vào tủy sống và lấy ra những nước tủy sống, có khi đục như nước vo gạo trong đó đầy những con vi trùng. May mà tôi không bị lây vì hồi đó, điếc không sợ súng, bác sỹ, y tá, y công không đeo khẩu trang, không thay áo choàng, không có găng tay như ở bên này mỗi khi có cơn dịch. Tôi nhận thấy nếu các bệnh nhân chuyển đến tôi, thân thể đầy những vết tím bầm (purpuras), thì họ đã bị septicemie, và họ sẽ chết rất mau sau đó, cho dù chúng tôi cố gắng đến thế nào. Công việc làm tôi quên rằng người y tá cánh tay mặt của tôi đang nằm tại nơi xẩy ra bệnh dịch.

    Hôm đó tôi trực. Vào hồi tám hay chín giờ buổi tối, xe Hồng Thập Tự của Trung tâm 4 chở sang QYV một số các tân binh bị bệnh. Tôi ra nhận bịnh. Hỡi ơi, trong số các người này, có Hai Nhã. Tôi chạy vội đến anh, vạch áo ra xem, thất kinh khi thấy đầy những vết purpuras. Anh Nhã cũng nhận ra tôi và còn tỉnh táo. Tôi còn nhớ câu sau cùng anh nói:

    – Găp bác sĩ ‘mình’, sống rồi.

    Bác sĩ ‘mình’ là tiếng ưu ái anh dùng để gọi tôi. Ý của anh là tôi sẽ cứu anh thoát chết trong khi trong đầu tôi chỉ là tiếng than:

    – Thôi rồi, mình hại anh ấy rồi! Bây giờ đã quá trễ, làm sao cứu được anh ta.

    Quả thực, anh mất khi trời gần sáng.

    Cái chết của Hai Nhã là một cú sốc nặng cho tôi. Lúc nào, khi nhớ lại chuyện này, tôi cũng bị lương tâm cắn rứt. Đã nhiều lần tôi tự an ủi mình, là không phải tôi gây ra chiến tranh, không phải tôi ban hành luật động viên và về việc vệ sinh, việc phòng ngưà bệnh tật thì hoàn toàn do bên Trung tâm 4 Tuyển Mộ Nhập Ngũ. Tuy vậy, câu hỏi tại sao tôi không lãnh anh ra ngoài khi trình diện vẫn dằn vạt tôi là đã quá do dự, đã quá e dè, đã quá nghĩ đến tai tiếng của cá nhân mình mà bỏ rơi anh, ngay cả khi anh cần tôi nhất!

    Hai Nhã chết, Tôi có đến đưa đám. Sau khi người ta chôn cất anh, tôi nói với vợ anh:

    – Tôi rất ân hận. Chị cho tôi biết tôi có thể làm gì để giúp chị.

    Vợ Nhã nói với tôi:

    – Bác sĩ có thể giúp tôi nuôi cháu Giao được không.

    Tôi đem Đinh Công Giao, đứa con côi cút của anh về ở với tôi. Mọi người ngạc nhiên không hiểu tại sao tôi lại làm thế nhưng tôi thấy không cần giải thích gì hết. Đó là thời gian những năm đầu của thập niên 70, khi tôi ở trong một căn nhà tại Lộ 20. Giao tuy nhỏ tuổi, vẫn có thể nấu cơm, giặt quần áo, quét dọn nhà cửa. Sống với tôi, Giao được sung sướng hơn, ngược lại, tôi dậy cho Giao biết chích thuốc, và nhận biết các bệnh thông thường. Những năm cuối trước khi mất nước, Giao theo tôi ra phòng mạch, làm những việc mà ngày trước cha nó làm.

    Vận nước nổi trôi, năm 1975, mất nước. Tôi còn ở tại Cần Thơ và chờ đợi xem người ta sẽ đối xử với mình ra sao.

    Người cán bộ CS tiếp thu QYV tên Tám Thiện. Lúc đấy mới lòi ra là trong QYV có người nội tuyến. Anh ta là một nhân viên phòng quân lương, rất lù đù, không ai để ý đến. Anh này nói với chúng tôi: Các anh bị nhiễm độc quá nhiều vì bọn thực dân Mỹ. Cách Mạng sẽ khoan hồng cho các anh Học Tập Cải Tạo coi như giúp các anh trở lại làm người lương thiện. Nghe mà ứa gan. Trong khi chờ đợi, tôi vẫn làm việc tại trại bệnh nhưng các bệnh nhân đã bị đuổi ra ngoài hết rồi, còn việc gì để làm.

    Tôi về nhà nói với Giao:

    – Thể nào tôi cũng không còn được ở đây lâu nữa nhưng trước khi tôi đi, cháu mang giấy bút ra đây.

    Giao nghe lời. Tôi viết trên tờ giấy trắng những dòng chữ này:

    “Tôi, bác sĩ Trần Mộng Lâm, chứng nhận đã huấn luyện và đào tạo Đinh Công Giao thành một người y tá. Đinh Công Giao có sự hiểu biết và có khả năng hành nghề y tá một cách an toàn cho người bệnh với những chứng bệnh thông thường.”

    Viết xong, tôi đưa cho Giao và dặn nó khi cần đưa ra như một văn bằng. Sau này, khi tôi đi cải tạo trở về, Giao có đến thăm tôi và cho biết nhờ vào cái giấy chứng nhận thổ tả tôi viết, Giao kiếm được một chỗ làm trong tổ Y Tế của Bình Thủy và có việc làm. Tôi dặn Giao sau này đừng đến tìm tôi nữa, lịch sử đã sang trang, tôi không muốn cái dĩ vãng ngụy quân của tôi sau này sẽ di hại đến đời cháu. Điều an ủi tôi là, một phần nào, tôi đã trả nợ cho Đinh Công Nhã tuy tôi chẳng có một trách nhiệm trực tiếp nào về cái chết của anh. Bi kịch của Đinh Công Nhã chỉ là một phần rất nhỏ trong cái bi kịch lớn của toàn thể Miền Nam.

    Sau khi đi học tập cải tạo về, năm 1978 tôi xuống thuyền và đi khỏi cái phần đất đã để lại cho tôi những kỷ niệm không thể nào quên. Tại Canada, tôi làm lại cuộc đời và may mắn được làm việc lại trong lãnh vực quen thuộc: y khoa. Phụ giúp với tôi có rất nhiều người y tá khác nữa, da trắng, da màu, nhưng không có ai liên lạc mật thiết như người y tá của tôi, một thời nào khi tôi còn trẻ tại Bình Thủy Cần Thơ. Những đứa con lớn lên tại Montréal hoàn toàn không biết gì đến dĩ vãng của bố. Chúng cũng có những người y tá khác giúp chúng làm việc. Nhìn những hình ảnh chúng và những y tá quây quần chung quanh trong facebook, tôi thấy lại tôi của những ngày xưa thân ái, nhưng đó lại là những chuyện khác, của một thời xưa xa vắng lắm rồi. Tôi không muốn các con tôi biết nhiều về những câu chuyện đau thương này. Khơi lại chuyện xưa, nào có ích gì, chỉ làm phức tạp thêm cuộc sống, vốn đã phức tạp lắm rồi. Tôi muốn các con tôi, như là cô gái con của Doctor Zhivago trong cuốn phim cùng tên, lao vào đời sống mới của chúng, làm những việc chúng muốn, và giữ được sự lạc quan, yêu đời mà chúng may mắn có được trong một mảnh đất không hề biết đến chiến tranh nhờ vào những cá nhân không mang tham vọng trở thành cha già của dân tộc mình như tên Hồ Chí Minh của Việt Nam… Hồ Chí Minh, tên không bao giờ đáng nhớ tới, nói tới.

    Chiến tranh Việt Nam sau cùng nghĩ lại cũng chỉ là một tấn bi hài kịch mà đoạn kết chỉ là một mối đe doạ bị mất nước, bị tiêu diệt của một dân tộc tự coi mình là con Rồng, cháu Tiên, nhưng khờ khạo đem kẻ thù vào nhà. Âu cũng là định mệnh.

    Mây bay theo gió, gió cuốn mây đi, thời gian như một dòng sông, nước chảy không bao giờ ngừng, mới đó mà đã mấy chục năm. Tết năm nay là cái Tết thứ 40 của tôi tại Montréal. Tất cả rồi sẽ mờ đi, sẽ biến mất, nhưng hình ảnh của Hai Nhã vẫn còn mãi trong trí nhớ của tôi, hình ảnh của một người yêu đời, với cây đàn ghi ta trong tay, và những buổi ăn nhậu của chúng tôi, cùng những người dân Bình Thủy khác, rượu nếp than, những con gà nòi trong trường gà… tóm lại, với Miền Tây, không biết bây giờ ra sao.

    Tết Montréal lạnh, rất lạnh, khác hẳn ngày xưa, khi tôi còn trẻ, với những cái Tết Tây Đô, muôn đời khó quên.


    Trần Mộng Lâm
    Nguồn

  • #2
    Mất Gốc - Bs Trần Mộng Lâm

    MẤT GỐC
    Trần Mộng Lâm
    Nhiều khi thành thực quá cũng gây cho mình những bực mình. Trước đây ít lâu, tôi có viết một bài ngắn mang tựa đề : Tôi không phải dân Bắc. Tuần vừa qua, tôi lại viết bài : Hai nỗi cô đơn. Với 2 bài viết này, tôi nhận được khá nhiều điện thơ góp ý kiến, có người đồng ý, có người không đồng ý, nhưng cũng không có vấn đề gì quan trọng. Khi mình đã đưa ra một ý kiến, thì phải chấp nhận các lời phê bình.
    Mới đây, khi đi ăn cưới cô cháu gái, tôi gặp anh Lâm Văn Bé, anh cười nói với tôi : Tôi hiểu ý anh, nhưng tôi nghĩ anh sẽ bị phản đối nhiều đó. Một lúc sau, gặp một ông bạn khác, ông này cũng nhã nhặn, nhưng hỏi móc tôi : Anh không sợ bị kết án là mất gốc ??
    Tôi hỏi lại ông :
    – Theo anh, gốc của tôi là gì?
    – Thì anh người miền Bắc. Tuy anh ở trong Nam lâu, lấy vợ miền Nam, nhưng gốc của anh là người Bắc.
    Tôi nản quá, nói với ông ta :
    – Anh trật lất rồi. Gốc của tôi là Việt Nam Cộng Hòa.
    Tôi là công dân của Việt Nam Cộng Hoà.
    Những công dân VNCH có người sanh tại Miền Bắc, có người sanh tại Miền Trung, có người sanh tại Miền Nam, nhưng họ đều có chung một nền văn hóa, tôi gọi văn hóa Miền Nam.Gọi như vậy là để phân biệt với các công dân của Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, ngày xưa gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngày nay, trong nước, còn sót lại những công dân cũ của VNCH. Tại Hải Ngoại, đa số là người của VNCH. Tại Việt Nam, những người sống tại Miền Bắc trước 1975 là công dân của CHXHCNVN.
    Hiện nay, đại đa số người Việt Nam trong nước là các công dân của CHXHCNVN. Người Việt Nam, nói chung, có cùng một tiếng nói, nhưng nói cùng một thứ tiếng không có nghĩa là cùng một tổ quốc. Người Anh, người Úc, người Mỹ, cùng nói Tiếng Anh, nhưng họ không cùng một tổ quốc. Cũng vây, người Việt Nam Công Hòa và người của CHXHCNVN không cùng một tổ quốc.
    Với tôi, người của CHXHCNVN rất xa lạ : Họ nói khác tôi (tiếng Việt Cộng), họ suy nghĩ khác tôi, sống khác tôi, thậm chí lái xe, chưởi thề, ăn mặc, hát, đóng kịch, mọi thứ đều khác. Họ có một lá cờ khác, một bài quốc ca khác, những anh hùng khác, những thần tượng khác. Những người đó là gốc của tôi hay sao ??? Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là tổ quốc của tôi hay sao??
    Không, gốc của tôi là VNCH, tổ quốc của tôi là Việt Nam Cộng Hòa.
    Công dân của VNCH là công dân VNCH và công dân của CHXHCNVN là công dân của CHXHCNVN. Hai khối người, nhưng cũng là hai nỗi cô đơn. Hai nỗi cô đơn này hiện hữu tại trong nước, nhưng cũng hiện hữu tại Hải Ngoại.
    Bây giờ, giả thử có một ông đảng viên CS nào kêu gọi nới rộng tự do một chút, cởi mở hơn một chút, sửa sai chế độ của họ một chút, thì đó là việc của họ. Riêng tôi, Cộng Sản phải được xóa bỏ toàn bộ. Sửa nó? Đúng là nằm mơ giữa ban ngày.
    Trần Mộng Lâm

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X