Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tướng Nguyễn Hữu Hạnh đang sống trong nghĩa trang

Collapse
X

Tướng Nguyễn Hữu Hạnh đang sống trong nghĩa trang

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tướng Nguyễn Hữu Hạnh đang sống trong nghĩa trang

    Tướng Nguyễn Hữu Hạnh đang sống trong nghĩa trang
    Nhật Bình/Người Việt


    Cựu Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh cùng vợ, bà Trần Thị Hiệp, trước ngôi nhà trong nghĩa trang. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

    TIỀN GIANG, Việt Nam (NV) – Chuẩn Tướng Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) Nguyễn Hữu Hạnh, người từng là phụ tá tổng tham mưu trưởng Quân Lực VNCH, đang sống những năm tháng cuối đời tại một căn nhà tuềnh toàng trong khu nghĩa trang ở tỉnh Tiền Giang, cùng với người vợ sau, nhỏ hơn ông 33 tuổi, trước đây làm nghề bán vé số.

    Không chỉ là tướng VNCH, ông Hạnh, năm nay 95 tuổi, còn là “cơ sở nội tuyến chiến lược của Ban Binh Vận Trung Ương Cục Miền Nam” của Cộng Sản. Trong ngày 30 Tháng Tư, 1975, ông từng ra lệnh cho sĩ quan, binh sĩ án binh bất động, thuyết phục Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi binh sĩ buông súng đầu hàng.

    Đã lập được công trạng với chế độ Cộng Sản như vậy, ông Nguyễn Hữu Hạnh nay bị bỏ rơi như thế nào?

    Gian nan tìm nhà Tướng Hạnh

    Phóng viên báo Người Việt tìm về “nhà” của ông Nguyễn Hữu Hạnh vào một ngày cuối Tháng Mười Một, năm 2018, với “vốn liếng” chỉ là một địa chỉ khá mơ hồ: “Ở thôn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ngôi nhà được cất bên cạnh một nghĩa trang.”

    Từ Sài Gòn, chúng tôi đến Bến Xe Miền Tây để bắt xe đi xuống Tiền Giang. Sau khi xem địa chỉ mà chúng tôi muốn đến, cô bán vé xe bảo: “Không có chuyến xe nào về chỗ Tân Hiệp này đâu. Chỉ có xe đi Sóc Trăng sẽ đi ngang khu vực này, rồi lên xe em dặn bác lơ xe khi tới vòng xoay Lương Phú thì cho xuống. Rồi từ đó bắt xe ôm thêm 10 km mới tới Tân Hiệp.”

    Khi nghe chúng tôi thắc mắc: “Không còn đường nào khác nhanh hơn hả chị?” Cô bán vé lắc đầu: “Chỉ có cách này là nhanh nhất rồi. Vì chỗ đó là vùng quê, không xe nào chạy ngang đó đâu?”

    Chúng tôi đành mua vé rồi lên xe.

    Ngã tư vòng xoay Lương Phú thuộc tỉnh Tiền Giang, cách Bến Xe Miền Tây ở Sài Gòn tầm 70km. Tới đây chúng tôi xuống xe và đón xe ôm về ấp Me, thôn Tân Hiệp, huyện Châu Thành.

    Lên xe ôm chạy được một đoạn, tôi mới hỏi người chạy xe ôm là có biết nhà ông “Nguyễn Hữu Hạnh, khoảng hơn 90 tuổi, trước làm tướng cho chế độ cũ không?” Bác xe ôm lắc đầu, bảo: “Tôi làm nghề này ở đây chắc cũng 40 năm rồi mà chưa nghe đến cái tên như vậy?”

    Ông Hạnh và tấm bằng ghi nhận công lao trong ngày 30 Tháng Tư, 1975, do chính quyền Cộng Sản trao tặng. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

    Chúng tôi hỏi tiếp: “Bác có biết có nghĩa trang nào ở khu vực ấp Me đó không? Vì con biết nhà ông Hạnh bên cạnh nghĩa trang.”

    “Thật ra người dân ở đây gọi là ‘gò’ chứ không ai gọi là nghĩa trang cả? Vì hầu hết khu vực miền Tây, nghĩa trang không được qui hoạch tập trung, mà mạnh nhà nào nhà đó tự chôn cất người thân khi mất ở đất nhà mình, hoặc đất công cộng nào đó mà không có ai ở là họ tự chôn mà thôi.” Bác tài xế xe ôm cho biết.

    Quả thật, đoạn đường từ vòng xoay Lương Phú tới ấp Me, Tân Hiệp có rất nhiều nghĩa trang nhỏ lẻ. Người dân nơi đây tự chôn cất người thân của mình.

    Khi đến nơi, tôi hỏi nhiều người dân xung quanh khu vực ấp Me này, về ngôi nhà của “ông Hạnh, đã hơn 90 tuổi sống bên cạnh một nghĩa trang” nhưng không ai biết hết.

    Chạy đến khu vực nào có mồ mả là chúng tôi đều dừng lại hỏi, nhưng tất cả đều lắc đầu không biết. Tìm mãi không ra, tôi bèn kêu bác xe ôm chạy ngược ra lại quán nước đầu hẻm, ngõ vào ấp Me, ngồi uống nước.

    Chúng tôi đem câu chuyện về ông Hạnh để hỏi cô chủ quán, cô cũng lắc đầu bảo “chắc em tìm lộn địa chỉ, chứ tôi bán quán ở đây hơn 20 năm cũng chưa nghe ông Hạnh nào hơn 90 tuổi ở khu vực này cả. Chỉ có một ông Hạnh, khoảng 80 tuổi, nhưng đã mất cách đây cũng hơn 2 năm rồi.”

    Trong lúc đang tuyệt vọng thì có một ông bán vé số vào mời mua. Chúng tôi vội mua tờ vé số ủng hộ ông nhưng chủ yếu để hỏi nhà ông Hạnh, thì lập tức ông trả lời ngay: “Có phải ông Hạnh lớn tuổi, trước ở Sài Gòn làm lớn lắm phải không?” Tôi vui mừng gật đầu “đúng rồi!”

    Lập tức ông chỉ đường, bảo cứ chạy vào hẻm này đến gần cuối đường có một cái “gò” (nghĩa trang) lớn lắm. Hỏi nhà bà Tư Bóng là mọi người biết, chứ hỏi nhà ông Hạnh không ai biết đâu.”

    Ông giải thích thêm: “Bà Tư Bóng lúc trước bán vé số như tui, nên tui biết. Bà bây giờ cũng hơn 60 tuổi rồi, bà có 5 đứa con, một đứa bị bệnh cũng tội nghiệp lắm. Chồng mất sớm nên bà một tay bán vé số nuôi con. Từ ngày bà gặp ông Hạnh và kết thành vợ chồng thì bà không còn đi bán vé số nữa. Có lẽ ông chồng bả lương cũng khá nên gia đình thấy đỡ lắm rồi.”

    Hai vợ chồng ông Hạnh và căn nhà có một ngôi mộ tọa lạc ngay trước cửa nhà. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

    Như cánh cửa bị đóng và nay đã có chìa khóa trong tay, quả thật hỏi nhà bà Tư Bóng thì người dân ở đây biết và chỉ dẫn cặn kẽ. Đến gần cuối con đường ấp Me, một nghĩa trang to hiện ra với nhiều ngôi mộ đã được chôn cất. Bên cạnh là một ngôi nhà cấp 4 (loại nhà mái tôn, xây gạch rẻ tiền), khá cũ.

    Tiếp chung tôi là một người phụ nữ tầm hơn 60 tuổi. Khi được hỏi “có phải bà là Tư Bóng?’ bà liền xác nhận và bảo “các chú đến tìm anh Hạnh phải không?” Tôi hơi bất ngờ về câu hỏi này, liền được bà cười bảo: “Tìm đến nhà tôi thì chỉ có gặp anh Hạnh, chứ bán vé số như tôi thì ai mà tìm.”

    Rồi bà vừa chỉ vào ngôi nhà, vừa bảo: “Ổng mới ngủ dậy đó. Bây giờ già rồi cũng lẫn, không nhớ được gì hết. Mới 3 tháng trước ông phải vào bệnh viện vì bị cao huyết áp.” Bà dẫn chúng tôi đi ngang một ngôi mộ nằm ngay chính giữa cửa chính của ngôi nhà, khiến ai lần đầu bước vào cũng thấy rợn người.

    Sống khép kín, ít giao tiếp bên ngoài

    Trong nhà không có vật dụng gì quý giá. Trên tường có treo tấm “bằng khen” của chính quyền Cộng Sản trao tặng. Cùng với tấm bảng ghi dòng chữ “Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, sáng ngày 30/4/1975, cơ sở nội tuyến chiến lược của Ban Binh Vận Trung Ương Cục Miền Nam, phụ tá tổng tham mưu Ngụy đã lệnh cho sĩ quan, binh sĩ án binh bất động, thuyết phục Tổng Thống Dương Văn Minh đầu hàng quân giải phóng.”

    Trước mặt chúng tôi là ông Nguyễn Hữu Hạnh, dáng người ốm, tay chống gậy. Mặc dù ông đang ngồi trên ghế để uống cà phê, nhưng mắt vẫn lim dim mơ màng. Mái tóc lưa thưa bạc trắng, răng rụng hết, nước da sạm với nhiều chấm đồi mồi, đuôi mắt đầy những vết chân chim.

    Bà Tư Bóng ghé sát tai ông Hạnh bảo: “Có nhà báo trên Sài Gòn xuống thăm anh.” Ông gật đồng ra vẻ biết chuyện.

    Khi chúng tôi hỏi: “Ông năm nay được bao nhiêu tuổi rồi?” – Bà Tư ghé sát tai ông nói lại. Ông liền trả lời rất nhanh “Tôi tên Nguyễn Hữu Hạnh, năm nay 95 tuổi.” Rồi như chắc ăn thêm, ông quay sang hỏi vợ: “95 rồi bà nhỉ?” Bà Tư liền trả lời: “Ừ, đúng rồi!”

    Rồi bà Tư quay sang bảo tôi: “Tai ông nặng lắm, nói gì phải ghé sát tai nói mới nghe. Chứ nói chuyện bình thường ông không nghe được đâu.”

    Những ngôi mộ xung quanh nhà ông Nguyễn Hữu Hạnh. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

    Bà nói thêm: “Cách đây 2 năm thì ông còn nhớ nhiều, chứ bây giờ dường như ông chẳng nhớ gì hết. Mới 3 tháng trước ông phải vào bệnh viện vì cao huyết áp. Bây giờ ông đi lại rất khó khăn, ăn uống cơm nước một tay tôi lo thôi.”

    Ông tướng nên vợ nên chồng với bà bán vé số

    Nói về cuộc hôn nhân với ông Hạnh, bà Tư kể: “Tôi tên thật là Trần Thị Hiệp, dân đây gọi là Tư Bóng. Hồi đó nhà nghèo không đất đai gì. Nên về cái ‘gò’ này để tự làm chòi để ở. Vì nghĩ đất nghĩa trang thì không ai đuổi đi. Chồng tôi mất sớm để lại 5 đứa con, nên một tay tôi phải đi bán vé số nuôi con.”

    “Tôi gặp ông Hạnh vào năm 2010. Hồi đó ông từ Sài Gòn về ở nhà ông Bảy Rết, là anh em họ hàng với ông Hạnh, nhà cũng sát bên cạnh đây thôi. Ông Hạnh thường hay mua vé số giúp tôi. Gặp nhau vài lần tôi mới biết vợ ông cũng mới mất, nên ông buồn, tìm về quê cho thanh thản, kiếm người hủ hỉ tuổi già. Hồi đó không biết ông là tướng lãnh gì ngày xưa đâu.”

    “Tôi lúc đó cũng 53 tuổi rồi. Mới nhìn ông cứ tưởng là cỡ 75 thôi, ai ngờ ông cũng đã 86 tuổi, hơn tôi đến 33 tuổi. Con đầu ông còn lớn tuổi hơn cả tôi. Mới đầu chúng phản đối dữ lắm, vì cho rằng tôi lấy ông là vì tiền bạc, chứ ông già vậy ai mà đi bước nữa với ông. Nhưng bây giờ thì tụi trẻ đã hiểu chuyện, biết cảm ơn tôi, bảo: ‘không có chị chắc ba không sống đến ngày hôm nay?’”

    “Hồi đó ở đây chỉ là nhà tranh vách đất. Nhờ ông vay mượn được 30 triệu VND (khoảng $1,300) để xây căn nhà này. Tiền lương của ông lúc đó được 8 triệu, nên ông vừa trả dần một tháng 2 triệu và giúp tôi trả các khoản nợ cũ. Bây giờ thì lương ông đã hơn mười mấy triệu rồi (khoảng $600/tháng, so với thu nhập của người dân là khá cao).”

    Chúng tôi hơi bất ngờ về chi tiết này, vì nghĩ ông đã về hưu thì làm sao có mức lương được chính quyền trả như vậy? Thắc mắc thì được bà Hiệp bảo: “Thật ra khoảng 3 năm nay ông không còn đi họp hành gì nữa, nhưng vẫn có tên trong thành viên ‘Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc’ nên mới được mức lương như vậy. Hiện 2 vợ chồng sống dựa vào đồng lương đó thôi.”

    Hỏi bà là chính quyền có hay cử người tới thăm ông không? Bà trả lời: “Không, chỉ lâu lâu đến dịp 30 Tháng Tư thì có vài nhà báo xuống thăm trò chuyện mà thôi. Ở đây, ông cũng ít khi ra ngoài nên hàng xóm cũng ít biết đến ông.”

    Tới đây chúng tôi mới hiểu lý do vì sao mà lúc tìm nhà ông lại khó khăn như vậy, vì hàng xóm không biết có ông Hạnh nào ở xóm mình cả.

    Gần cuối đời sống ở nghĩa trang

    Chúng tôi quay sang hỏi ông Hạnh: “Ông có nhớ gì ngày 30 Tháng Tư, 1975 không?” Bà Hiệp kề tai ông nói lại như phiên dịch. Ông trả lời: “Có cái nhớ, có cái không?” Nghe đến đây chúng tôi cũng mừng thầm, vì nghĩ biết đâu ông sẽ kể được chi tiết về biến cố này.

    Cựu Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh trước căn nhà trong nghĩa trang. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

    Nhưng khi hỏi tiếp: “Lúc đó ông làm gì?” Thì ông chỉ trả lời: “Lúc đó ở trong mặt trận, tôi là giám đốc miền Nam…”

    Rồi ông im lặng, người đơ ra như đang “nghiệm” điều gì đó mà không nhớ ra. Bà Hiệp bên canh nói thêm như giải thích, “ổng quên hết rồi!”

    Biết là không thể hỏi thêm được điều gì, nên tôi quay sang nói chuyện tiếp với bà Hiệp.

    Thế mấy con của ông có hay từ Sài Gòn xuống thăm không? Bà Hiệp nói như thở dài: “Không, lâu lâu có đám cưới hỏi gì của mấy cháu trong nhà thì cũng có gọi điện báo tin và mời ông về Sài Gòn thì tôi đưa ông lên thôi. Chứ con cái không thấy xuống thăm ông. Có lẽ tụi nó bận công việc.”

    Về con cái và nhà cửa của ông Nguyễn Hữu Hạnh, báo Tiền Phong ở Việt Nam trong bài “Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh bây giờ…” xuất bản ngày 26 Tháng Tư, 2017, có đoạn: “…Ngôi biệt thự (của ông Hạnh) ở đường Phan Kế Bính sau khi người bạn đời của 14 người con mất đã bán đi, mua mảnh đất ở ấp Tám, Tân Phú Trung, Củ Chi, Sài Gòn để ở, rồi lại khóa cửa để đấy, ông Hạnh về đây quanh quẩn vui thú điền viên với bạn bè…”

    Báo này kể có chi tiết trùng với lời kể của bà Trần Thị Hiệp: “Mươi năm trước, Mặt Trận Tổ Quốc thành phố cho mượn 30 triệu làm 30m2 nhà cấp 4 này, trừ dần vào lương tháng, ông đã trả hết. Mới rồi ông lại mới vay được 10 triệu xây thêm căn bếp.”

    Trở lại thực tại, nhìn những ngôi mộ bên cạnh nhà, đặc biệt ngôi mộ ngay chính cổng ra vào, chúng tôi e ngại hỏi: “Sống gần mồ mả vậy có sợ không?” Bà Hiệp nói “thấy cũng bình thường, vì ở đây riết cũng quen rồi. Nghĩa trang này hiện nay họ vẫn tiếp tục chôn. Cứ có người mất thì họ lại đem tới chôn thôi. Không vấn đề gì cả.”

    Chúng tôi hỏi nước uống mà gia đình bà đang dùng được lấy từ đâu? Bà bảo: “Thì nước giếng thôi!” Vừa nói bà chỉ ra cái giếng nước bên ngoài, sát bên cạnh những nấm mồ. Nghĩ mà nổi da gà vì nãy giờ cũng đã uống một ly nước ở nhà bà, nguồn nước có thể bị ô nhiễm khi bên cạnh là những nấm mồ.

    Câu chuyện giữa chúng tôi và bà Hiệp lâu lâu lại bị ngắt quãng bởi những tiếng ho hay khạc nhổ của ông Hạnh. Dường như ông không còn tự chủ trong các hành động của mình. Nhìn ông, ít người ở đây biết rằng “ông già lẩm cẩm” ở trong căn nhà nhỏ xíu, xung quanh toàn mồ mả này trước đây từng là một vị tướng VNCH quyền uy, một nhân vật quan trọng trong biến cố 30 Tháng Tư 1975, khiến miền Nam rơi vào tay Cộng Sản.

    Chào ông ra về mà trong đầu chúng tôi băn khoăn về một kiếp người. Phải chăng đây là số phận của một người làm tướng Việt Nam Cộng Hòa nhưng lại nằm vùng cho Cộng Sản, những ngày tháng cuối đời phải sống trong nghĩa trang, làm bạn với những nấm mồ. (Nhật Bình)


    Ông Nguyễn Hữu Hạnh, sinh năm 1924, là chuẩn tướng Bộ Binh của Quân Lực VNCH. Ông thường được biết đến với vai trò là phụ tá tổng tham mưu trưởng cuối cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, người đã tác động để Tổng Thống Dương Văn Minh sớm đi đến quyết định kêu gọi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa buông vũ khí đầu hàng quân đội Bắc Việt vào ngày 30 Tháng Tư, năm 1975.

    Năm 1946, ông gia nhập quân đội Pháp dưới quyền Thiếu Úy Dương Văn Minh, người sau này trở thành tổng thống cuối cùng của VNCH.

    Ông Nguyễn Hữu Hạnh từng kinh qua các chức vụ: Tham mưu trưởng Phân Khu Sài Gòn-Chợ Lớn (1952). Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 30 Việt Nam Biệt Lập (1954). Du học lớp Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp tại trường Fort Leavenworth, tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ (1958). Tham mưu trưởng Quân Khu Thủ Đô, sau đổi thành Biệt Khu Thủ Đô (1960). Đại tá tham mưu trưởng Quân Đoàn IV do Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao làm tư lệnh (1963). Ủng hộ Tướng Dương Văn Minh lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm (1963). Trở thành cơ sở của Ban Binh Vận Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt (1970) trong cùng năm được thăng làm chuẩn tướng của Quân Lực VNCH. Phó tư lệnh Quân Đoàn II (1972). Chánh thanh tra Quân Đoàn I (1973).

    Ngày 15 Tháng Năm, 1974, ông Hạnh bị Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho về hưu khi mới 48 tuổi. Ngày 28 Tháng Tư, năm 1975, sau khi Đại Tướng Dương Văn Minh lên tổng thống, ông Hạnh giữ chức phụ tá cho tân tổng tham mưu trưởng, Trung Tướng Vĩnh Lộc. Sáng 29 Tháng Tư, Tướng Vĩnh Lộc đi di tản, vì vậy, nhân danh tổng tham mưu trưởng, ông đã ra tuyên bố kêu gọi binh sĩ VNCH buông súng.

    Cùng với Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, ông Hạnh là một trong 2 vị tướng bên cạnh Tổng Thống Dương Văn Minh trong giờ phút cuối cùng của VNCH.

    Sau năm 1975, được ghi nhận công lao trong tác động đến buông súng của Quân Lực VNCH, ông Hạnh không bị đi tù cải tạo, mà còn được giữ chức vụ tổng thư ký Hội Nhân Dân Bảo Trợ Nhà Trường, sau được bầu “ủy viên Mặt Trận Tổ Quốc thành phố” với tư cách là “nhân sĩ yêu nước” và giữ chức vị đó cho đến nay.


    Source:https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/...g-nghia-trang/

  • #2
    “cái chết” của những ông tướng

    “CÁI CHẾT” CỦA NHỮNG ÔNG TƯỚNG
    - LÃO MÓC -


    Dẫn nhập: Hai chữ “cái chết” trong tựa bài viết này được để trong ngoặc kép (“”). Cựu Chuẩn Tướng “nằm vùng” Nguyễn Hữu Hạnh, theo tôi, là vị Tướng “đã chết nhiều lần” do những nhà báo VC… giết chết bằng những bài báo.
    Mới đây, có vị gửi email cho tôi bài viết “Vị Tướng già trong nhà dưỡng lão” của nhà văn Huy Phương và hỏi tôi: “Ông HP này có ý gì khi viết bài viết này?” Xin có vị nào có cao kiến xin trả lời dùm tôi câu hỏi này. Cám ơn trước.
    Trong bài viết này, tôi xin gửi đến nhà văn Huy Phương câu hỏi: Vì sao cách đây mấy năm, khi cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm lên đài SBTN, khi Việt Dzũng (đã chết) phỏng vấn thì Đại Tướng TTK đã tuyên bố: "VC có công thống nhất đất nước, công hay tội hãy để lịch sử phán xét” và kêu gọi: "Giới trẻ ở hải ngoại hãy góp ý với đảng CSVN”, không thấy nhà văn HP lên tiếng, lên tăm gì về những lời tuyên bố của Đại Tướng Khiêm dù ông Huy Phương là cộng tác viên của đài SBTN và nhật báo Người Việt. Nay, ông lại cất công đi Dallas, Texas để phỏng vấn Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai và viết bài “Vị Tướng già trong nhà dưỡng lão”? (Xin xem Phụ đính 2 ở cuối bài viết này).
    *
    “Vào thập niên 60, Bảy Lương được Ban Binh vận Trung ương Cục giao nhiệm vụ làm đội trưởng đội vận động sĩ quan chế độ Sàigòn. Với hai bộ quần áo và một căn cước giả, Bảy Lương nhảy vào Sàigòn hoạt động đơn tuyến, không nhà cửa, không thân thích.
    Người được chọn lúc đó là Đại tá Nguyễn Hữu Hạnh (NHH), Tư lệnh phó Vùng IV chiến thuật, một người rất có thế lực trong quân đội. Mục tiêu có vẻ rất khó vận động vì Đại tá Hạnh là một sĩ quan chuyên nghiệp, có bề dày kinh nghiệm chống Cộng sản và được đào tạo về tình báo ở Mỹ. Gia đình ông đông con, cuộc sống đầy đủ, không dễ gì chấp nhận sự thay đổi đầy rủi ro.
    Bảy Lương đặc biệt chú ý tới chi tiết quê quán của Đại tá Hạnh: xã Phú Phong, huyện Châu thành, tỉnh Mỹ Tho, một vùng giải phóng lõm, xôi đậu.Tìm đến xã Kế Sơn kế cận, Bảy Lương tiếp xúc được với một số bà con của Đại tá Hạnh để tìm hiểu chi tiết về con người này.
    Dù là sĩ quan cao cấp nhưng khi gặp bà con, cô bác ở vùng giải phóng ra Sàigòn, ông Hạnh vẫn ân cần, niềm nở. Khi cụ thân sinh mất, Đại tá Hạnh xin phép xã ủy Phú Phong cho ông đem thi hài cha về quê an tang. Xả ủy Phú Phong chấp nhận. Đại tá Hạnh tiếp tục xin xã ủy cho phép ông, nhân ngày mở cửa mả cha, được dùng máy bay trinh sát lượn ba vòng quanh mộ. Xã ủy trả lời: đồng ý! Và bảo đảm an toàn với điều kiện Đại tá Hạnh phải bay độc lập bằng máy bay trinh sát và không có máy bay hộ tống. Đại tá Hạnh thực hiện đúng và bay về Sàigòn an toàn. Những tin tức tình báo khác cho thấy Đại tá Hạnh khi xử lý công việc thường rất tự chủ và rất ghét sự can thiệp của người Mỹ. Nhắc lại chuyện cũ, ông Bảy Lương cho biết:
    -Con người anh Hạnh không thể thuyết phục bằng những khái niệm lớn như quốc tế vô sản, cách mạng, đấu tranh giai cấp… mà phải đi bằng con đường tình cảm gia đình, làng xóm và có thời gian.
    Bảy Lương chọn ông Tám “vô tư”, một thầy thuốc có họ hàng với Đại tá Hạnh, rất được Hạnh kính phục vì thuở nhỏ ông Tám “vô tư” đã từng dạy i tờ cho Hạnh…
    … Quyết định của Bảy Lương không sai. Chuẩn Tướng NHH đã nhận lời hợp tác với cách mạng…
    … Những ngày cuối tháng 4 -1975, quân Giải phóng áp càng sát Sàigòn. Lúc đó Tướng NHH đóng vai trò xử lý Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH vì Tướng Vĩnh Lộc bận việc và là trợ lý cho Tổng thống Dương Văn Minh (DVM). Chính Tướng Hạnh đã phát những quân lệnh rất có lợi cho quân giải phóng…
    Tướng Hạnh khéo léo từ chối đề nghị phá cầu Sàigòn để tử thủ của một đơn vị:
    -Quân ta còn cơ động, chưa được phép phá cầu, khi nào cần tôi sẽ huy động Không quân bỏ bom. Nếu phá cầu chúng ta sẽ gặp khó khăn.
    Điều quan trọng hơn là bản báo cáo tình hình chiến sự của NHH đã khiến Tổng thống DVM đi đến quyết định đầu hàng. Tướng Hạnh cũng chính là người đã ra lệnh trên đài phát thanh cho quân đội Sàigòn buông vũ khí vào lúc 9 giờ ngày 30 ngày 30-4-1975…
    … Đã hơn 20 năm trôi qua, nhắc lại chuyện cũ ông Hạnh nói:
    -Tôi vốn là người đứng phía bên kia chiến tuyến với Cộng sản. Tôi trở về với Cách mạng là cả một quá khứ đấu tranh tư tưởng và tình cảm, tôi cũng cảm nhận được người phía sau lưng ông Tám “vô tư” phải là một nhà tình báo lớn, mưu trí, khéo léo, nhạy bén. Sau giải phóng tôi mới được biết và tiếp xúc với ông Bảy Lương…”
    *
    Trên đây là một phần bài viết của Hoàng Linh, đăng trên báo Tuổi trẻ Xuân, xuất bản trong nước.
    Thổi phồng và tự đề cao một cách quá đáng là một thủ thuật của các cây viết lãnh lương của nhà nước xã nghĩa. Nhưng dù sao, qua bài viết này chúng ta cũng thu lượm được một vài điều. Giữa bài viết có hình ông Hạnh… đang làm vườn với câu chú thích: “Tướng Hạnh giờ đây đã có thể vui thú điền viên.”
    Quả bồ hòn nó đắng lắm. Bị bắt buộc phải ngậm một quả bồ hòn, đã là một cái khổ. Khổ hơn nữa là khi người ta nhét vào mồm mình cái quả bồ hòn áy, tay nó lăm lăm một thanh củi tạ, nó hỏi: “Sao, ngọt không?” mà phải trả lời theo ý nó: “Dạ, ngọt lắm!” thì ấm ức là dường nào. Đó là tình cảnh của ông Chuẩn Tướng NHH vào năm 1995.
    Vào giờ thứ 25 của cuộc chiến, ông Hạnh mới lẽo đẽo chạy theo con voi Cộng sản Bắc Việt để mong kiếm ít bả mía mà hít cho quãng đời còn lại. Con voi này nó có nhả ra một cái bả mía. Cái bả mía này là chức vụ “Thành viên trong phái đoàn miền Nam” trong hội nghị hiệp tương thống nhất Nam Bắc.
    Ngày 21 tháng 11 năm 1975, báo Nhân Dân loan tin “Hội nghị Hiệp thương Thống nhất Nam Bắc” đã “thành công tốt đẹp”. Cái tên nước “Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” ra đời. Con voi thôi không nhả thêm bả mía ra nữa. Và thuận chân, thuận vòi, nó gạt phắt cái đám vẫn lúp xúp chạy theo đuôi nó từ trước đến giờ.
    Đâu phải đến năm 1995 ông Hạnh mới được “vui thú điền viên” như tay nhà báo xỏ lá Hoàng Linh đã viết. Ông Hạnh đã được “vui thú điền viên” từ lâu rồi, ngay sau khi con voi cộng sản nuốt được miền Nam kia. Mấy chữ “vui thú điền viên” là mấy chữ văn vẽ để chỉ tình trạng của cái vỏ chanh đã bị vắt hết nước. Và nếu nói một cách bình dân hơn, dễ hiểu hơn, hơi tục một chút nhưng rất chính xác thì đó là tình trạng của những người bị người ta “đá đít” sau khi xong việc.
    Miếng vỏ chanh vắt hết nước bỏ mốc meo, lâu lâu lại bị người ta lôi ra để tuyên truyền cho chế độ. Như cứ lâu lâu vào những ngày 30 tháng Tư, người ta lại thấy “cái võ chanh mốc” NHH lại được “lôi” lên đài Việt ngữ của Bọn Bọ Chét kết tội là “Nguyễn Văn Thiệu đánh nhau với Trung Cộng làm mất Hoàng Sa, Trường Sa”; trong khi chính trong thâm tâm ông ta biết là “thằng Đồng vẩu” đã theo lệnh của “Bác Hồ của ông ta” dâng Trường Sa, Hoàng Sa cho Trung Cộng qua công hàm 14-9 năm 1958.
    Mới đây, chúng nó lại lôi “cái vỏ chanh mốc” NHH ra mà bêu rếu:
    40 năm sau ngày giải phóng cựu Chuẩn tướng NHH - người đã tác động để Tổng Thống DVM phát đi lời kêu gọi binh sĩ VNCH hạ vũ khí tránh gây thêm đổ máu – đang có cuộc sống an nhàn, thảnh thơ tuổi xế chiều ở một ngôi nhà nhỏ tại Tiền Giang” (xin xem ở phần phụ đính).
    Ai sao không biết chứ Lão Móc đọc xong bài báo: chua xót lắm!
    Một ông Tướng của chế độ miền Nam, nằm vùng hoạt động cho VC. Hết xôi, rồi việc! Bị nó đá đít. Ngay cả cái bả mía cũng không được hít mà chỉ được “hưởng” tí phân voi là “có chức” “nhân sĩ thành viên của Mặt trận Tổ Quốc (sic!)”.
    Càng chua xót hơn, khi đọc xong bài báo kể lại “chuyện lương duyên” của “ông Tướng cải lương” Nguyễn Hữu Hạnh với “bà Trần Thị Hiệp” bán vé số”.
    Không biết độc giả đọc bài báo đính kèm sẽ nghĩ như thế nào, chứ tôi thấy đây là một đòn vô cùng thâm độc là “giết ông Tướng nằm vùng NHH” một lần nữa!
    Như đã trình bày ở phần trên, tay nhà báo xỏ lá Hoàng Linh nó đã vẽ ra cái cảnh “ngậm bồ hòn làm ngọt” của “ông Tướng nằm vùng” NHH khi cho in cái hình và viết mấy chữ “vui thú điền viên”!
    Bài báo đính kèm vì lấy từ internet (không thấy tên tác giả) được viết vào 20 năm sau, kể về chuyện tình của “một anh già không nên nết” là ông Tướng Hạnh 90 tuổi với người phụ nữ bán vé số tên Trần Thị Hiệp, 60 tuổi mà ông Hạnh đặt tên là “người phụ nữ khổ nhất thế gian” ở ấp Me, thị trấn Tam Hiệp!
    Đây đúng là chuyện tình cải lương mà một bản nhạc “sến” đã diễn tả:
    “Năm anh ba mươi, em mới sinh ra đời
    Ngày anh chín mươi, em cũng vừa sáu mươi…”

    Chua xót cách gì khi bài báo viết:

    “Người cầm súng đối đầu với nhau còn chưa giết nhau, còn ngồi được với nhau thì mình sống gần người chết cũng đâu có hề gì. Tôi cảm thấy vui…”.
    *
    “Nhất Tướng công thành, vạn cốt khô!”

    Có lẽ trên đời này ông Tướng nằm vùng NHH là một kẻ “độc nhất, vô nhị” dám tuyên bố “cầm súng đối đầu với nhau còn chưa giết nhau”!

    Một kẻ làm Tướng như ông há chẳng biết câu “nhất Tướng công thành…”?

    Không biết thằng nhà báo nó có thêm thắt gì không chứ nếu mà ông – chính ông tên Tướng nằm vùng cho VC Nguyễn Hữu Hạnh mà tuyên bố như thế, thì đúng ÔNG LÀ MỘT THẰNG TƯỚNG KHỐN NẠN nhất của QLVNCH!

    Phải mượn tiền của VC để cua gái nhỏ tuổi hơn cả con mình;

    Phải mượn tiền của VC để cất nhà ở nghĩa địa để cùng nhau “nhảy sol, đố mì” ca bài: “Ngày anh 90, em cũng vừa 60…” “để được hạnh phúc nhỏ nhoi” mà VC đã ban phát!

    Vậy mà vẫn nhắm mắt, nhắm mũi để hưởng cuộc sống an nhàn, thảnh thơi ở tuối xế chiều!

    Thiệt đúng là “bótoànthân.com”!
    *
    “Old soldier never; they just fade away!”.

    Câu nói của danh tuớng Hoa Kỳ Mac Arthur mà đem áp dụng vào một số Tướng lãnh của QLVNCH – như ông NHH– hoàn toàn sai bét!

    Nếu không phải là đòn độc của VC thì đúng là tên Tướng nằm vùng Nguyễn Hữu Hạnh đã tự nguyện làm người chết hai lần:

    -Lần thứ nhất vào năm 1995;
    -Lần thứ hai vào năm 2015
    qua bài báo đính kèm.


    LÃO MÓC
    tieng-dan-weekly.blogspot.com

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X