Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nhạc Phim - Eternally (Terry’s Theme, Limelight), Chaplin & Parsons, Turner, Ánh Đèn

Collapse
X

Nhạc Phim - Eternally (Terry’s Theme, Limelight), Chaplin & Parsons, Turner, Ánh Đèn

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nhạc Phim - Eternally (Terry’s Theme, Limelight), Chaplin & Parsons, Turner, Ánh Đèn

    NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (80 – phần I) – NHẠC PHIM – Eternally (Terry’s Theme, Limelight), Chaplin & Parsons, Turner, Ánh Đèn Màu
    Hoài-Nam



    Bài thứ nhất trong phần viết về những ca khúc trong phim, hoặc từ nhạc phim được đặt lời Việt, chúng tôi xin giới thiệu bản Eternally, một ca khúc do Charlie Chaplin soạn nhạc, Geoffrey Parsons và John Turner đặt lời hát, được Nguyễn Xuân Mỹ, Phạm Duy và nhiều tác giả khác đặt lời Việt với tựa Ánh Đèn Màu, Tình Tôi, Đời Ca Nhi…

    Thực ra, theo sự phân định trong bài Dẫn Nhập về Nhạc Phim của chúng tôi, ca khúc đầu tiên trong phần này lẽ ra phải là bản Les Feuilles Mortes, do Joseph Kosma phổ thơ Jacques Prévert, được Yves Montand trình bày trong cuốn phim Pháp Les Portes de la Nuit (1946), sau đó được Johnny Mercer đặt lời Anh với tựa Autumn Leaves, đã được ít nhất năm tác giả đặt lời Việt (Những chiếc lá úa, Lá mùa thu, Lá rụng, Tình như lá rụng, Tình khúc mùa thu).

    Tuy nhiên, vì tính cách bất hủ cũng như mức độ phổ biến của Les Feuilles Mortes/ Autumn Leaves, chúng tôi đã giới thiệu ca khúc này ngay trong phần đầu của loạt bài, xem đó như một trong những ca khúc điển hình nhất của đầu thời kỳ hiện đại, cùng với La Paloma, Besame Mucho…

    Eternally nguyên là nhạc khúc Terry’s Theme trong cuốn phim Limelight của Charlie Chaplin, được Geoffery Parsons và John Turner đặt lời hát.

    Limelight được thực hiện năm 1952 nhưng mãi tới năm 1973 mới được dự tranh Oscar, và đoạt giải cho phần nhạc phim bi kịch (best original dramatic score).

    Tại sao phải đợi hơn 20 năm sau ngày phát hành Limelight mới được dự tranh giải Oscar?

    Để trả lời câu hỏi này, thiết nghĩ cũng cần sơ lược về cuộc đời ly kỳ, sự nghiệp rực rỡ, và mối quan hệ cay đắng với người Mỹ của Charlie Chaplin – mà người Việt thường gọi là “Vua hề Charlot”, một trong những tên tuổi lớn nhất, và cũng gây tranh luận nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh.


    Sir Charles Spencer Chaplin, KBE, thường được gọi là Charlie Chaplin, ra chào đời ngày 16 tháng 4 năm 1889 dưới một ngôi sao xấu. Không ai nhớ đích xác nơi sinh của ông, chỉ biết đó là một vùng ngoại ô phía nam thủ đô Luân-đôn.

    [Cách viết tên họ chính thức “Sir Charles Spencer Chaplin, KBE” cho biết Charlie Chaplin đã được Hoàng gia Anh phong tước hiệp sĩ (knighted) và ân thưởng huân chương KBE (Knight Commander of the Most Excellent Order of the British Empire), huân chương cao quý hạng nhì trong số năm huân chương của Đế quốc Anh, gồm GBE, KBE (DBE cho nữ giới), CBE, OBE, và MBE]

    Vào lúc Charlie Chaplin ra chào đời, cha mẹ ông đều là nghệ sĩ “music hall” (ngày nay gọi là “variety” – tạp lục): bà mẹ Hannah là một nữ kịch sĩ không tên tuổi, ông bố Charles Chaplin Sr. là một nam ca sĩ khá ăn khách.

    Khi Charlie Chaplin lên 2 tuổi, cha mẹ ông chia tay (mặc dù hai người không bao giờ chính thức ly dị). Trước khi lấy Charles Chaplin Sr., Hannah đã có một con trai ngoại hôn, Sydney John Hill, và một năm sau khi chia tay chồng, bà lại có thêm một con trai ngoại hôn khác, George Wheeler Dryden, với nam đồng nghiệp Leo Dryden; mấy tháng sau, bé George được ông bố Leo đem về nuôi, còn người anh Sydney thì gắn bó với Charlie Chaplin suốt đời.

    Vì không được ông Charles Chaplin Sr. chu cấp, Hannah và hai con trai (Sydney, Charlie) sống trong nghèo khổ. Từ năm Charlie lên 7, cậu và người anh trai Sydney đã được mẹ gửi vào viện tế bần nhiều lần.

    Tháng 9/1898, do hậu quả của bệnh hoa liễu và thiếu dinh dưỡng, tình trạng rối loạn tâm thần của Hannah trở nên trầm trọng, phải đưa vào nhà thương điên Cane Hill Asylum ở Luân-đôn. Sydney và Charlie được cơ quan hữu trách đưa tới sống với ông Charles Chaplin Sr. (cha ruột của Charlie), nhưng vào thời gian này, ông ta đã trở thành một tay nghiện rượu nặng, đối xử tàn tệ với hai cậu bé khiến cơ quan bảo vệ trẻ em (National Society for the Prevention of Cruelty to Children) đã có lần phải can thiệp.

    Hai năm sau, ông Charles Chaplin Sr. qua đời vào tuổi 38 vì xơ gan, Sydney bỏ đi đăng lính Hải Quân, còn Charlie về sống với mẹ, lúc này đã được xuất viện, sống trong một “workhouse”.

    [Tại Anh quốc và xứ Wales, “workhouse” có nghĩa chung chung là “cơ sở an sinh xã hội do nhà nước thiết lập để cung cấp chỗ ở và việc làm cho những người không thể tự lực cánh sinh”]

    Nhưng tới năm 1903, bệnh tâm thần của Hannah tái phát và bà bị đưa trở lại nhà thương điên Cane Hill Asylum. Charlie Chaplin, khi ấy mới 14 tuổi, phải sống một thân một mình cho tới lúc Sydney, người anh cùng mẹ khác cha đã đăng lính Hải Quân, trở về. Tám tháng sau, bà Hannah được xuất viện, nhưng tới đầu năm 1905 lại bị tâm thần trở lại, và lần này là vĩnh viễn; bà sống trong nhà thương điên cho tới cuối đời (1928).

    Tuổi niên thiếu bi thảm của Charlie Chaplin về sau đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới khuynh hướng sáng tạo, xu hướng xã hội và lập trường chính trị của một tài năng xuất chúng. Khuynh hướng ấy là khôi hài cay đắng, xu hướng, lập trường ấy là thiên tả.

    * * *

    Charlie Chaplin tỏ ra có năng khiếu kịch nghệ từ nhỏ. Sau này ông hồi tưởng có lần được mẹ đưa lên sân khấu vào năm mới lên 5. Với sự khuyến khích của mẹ, Charlie Chaplin ôm mộng trở thành một diễn viên hài kịch, nhưng không có người hướng dẫn, giới thiệu. Năm 10 tuổi, qua sự quen biết của ông bố, Charlie Chaplin trở thành một thành viên của nhóm nhảy “clog-dancing” Eight Lancashire Lads, trình diễn tại các music hall trong 2 năm 1899, 1990.

    Mặc dù nhóm Eight Lancashire Lads khá ăn khách, Charlie Chaplin cũng không bỏ mộng diễn viên hài kịch. Năm 13 tuổi, cậu rời nhóm này đồng thời bỏ học, vừa làm đủ mọi thứ nghề vừa tìm cách tiến thân trên sân khấu West End của Luân-đôn (tương đương Broadway ở Nữu Ước).

    Năm 14 tuổi, sau một số vai trò không đáng kể, Charlie Chaplin được trao vai cậu bé giúp việc Billy trong vở (thám tử) Sherlock Holmes khi lưu diễn ở các tỉnh lẻ. Sau ba chuyến lưu diễn, nhờ tỏ ra xuất sắc, Charlie Chaplin đã được cho thủ vai này trên sân khấu West End cho tới khi vở này chấm dứt 2 năm rưỡi sau đó…

    Tới năm 18 tuổi, Charlie Chaplin đã được xem là một diễn viên hài kịch đầy khả năng, và được Sydney Chaplin, người anh cùng mẹ khác cha lúc đó là một diễn viên trong đoàn kịch nổi tiếng Fred Karno, giới thiệu.

    Chẳng bao sau, Charlie Chaplin đã trở thành một trong những diễn viên chính của đoàn kịch này, và tới năm 1910 đã được tuyển chọn vào nhóm lưu diễn Bắc Mỹ, trong đó có cả chàng Stan Laurel của cặp bài trùng “Laurel and Hardy” sau này.

    [Các độc giả cao niên hẳn còn nhớ “Laurel and Hardy”, cặp hài nổi tiếng nhất thời tiền chiến, gồm Stan Laurel (1890–1965) của Anh quốc và Olivier Hardy (1892–1957) của Mỹ quốc. Hai người đã đóng chung trong 107 cuốn phim dài và phim ngắn. Sau này, cặp Dean Martin và Jerry Lewis của Mỹ đã bắt chước Laurel and Hardy, tuy có đạt thành công thương mại nhưng về mặt nghệ thuật, không thể sánh với “Laurel and Hardy”]

    Qua chuyến lưu diễn này, Charlie Chaplin đã được ca tụng là “một trong những diễn viên kịch câm (pantomime) tài ba nhất xưa nay”!

    Chuyến lưu diễn kéo dài 21 tháng, và sau khi trở về Luân-đôn vào tháng 6/1912, tới tháng 10 cùng năm đã trở lại Bắc Mỹ theo yêu cầu của người ái mộ.

    Chính trong chuyến lưu diễn thứ hai này, cánh cửa điện ảnh đã mở rộng đón chào Charlie Chaplin.Trước hết, Charlie Chaplin được hãng phim New York Motion Picture Company mời ký hợp đồng với thù lao 150 Mỹ kim một tuần (tương đương 3,714 Mỹ kim hiện nay).

    Tháng 12 năm 1913, chàng diễn viên 24 tuổi tới phim trường Keystone Studios (của hãng phim New York Motion Picture Company) ở Los Angeles, và trong thời gian chờ đợi vai trò đã tự học hỏi cách làm phim.

    Tháng 2/1914, Charlie Chaplin đóng cuốn phim đầu tiên trong sự nghiệp của mình, Marking a Living, một cuốn phim câm (silent movie) dài 13 phút, mà ông không thích một chút nào, nhưng qua đó đã được một nhà bình phim ca tụng là “nhà hài kịch đầu tiên của thế hệ mới”!

    Khi chuẩn bị đóng cuốn phim thứ hai, Mabel’s Strange Predicament, dài 17 phút, Charlie Chaplin nảy sinh sáng kiến tạo cho mình một hình ảnh độc đáo mà sau đó đã trở thành “cầu chứng” của ông: cái quần rộng thùng thình nhàu nát, cái áo khoác chật ních, cái mũ quả dưa quá nhỏ, đôi giày thật rộng, cái gậy chống có thể uốn cong, vẽ mặt như một tay hề, và đeo bộ ria mép giả giống như cái bàn chải đánh răng.

    Thế nhưng, cuốn phim thứ ba của Charlie Chaplin, một cuốn phim dài 6 phút dành cho nhi đồng tựa đề Kid Auto Races at Venice lại ra ra mắt khán giả trước cuốn phim Mabel’s Strange Predicament hai ngày.

    Trong Kid Auto Races at Venice, Charlie Chaplin thủ vai nhân vật “the Tramp” (có người gọi là “Little Tramp”), vì thế hình ảnh độc đáo của ông đã được mọi người gọi là “the Tramp”, còn ở các quốc gia nói tiếng Pháp, chịu ảnh hưởng văn minh Pháp gọi là “Charlot”.

    [“Tramp” trong tiếng Anh nghĩa đen là một người đi chân đất lang thang khắp nơi để kiếm việc làm, hoặc ăn xin. “Charlot” tiếng Pháp danh từ riêng là tên phái nam, bắt nguồn từ tên con trai Hoàng đế Charlemagne: (Charles + ot = Charlot, cậu Charles nhỏ), phái nữ là “Charlotte”; trường hợp là danh từ chung có nghĩa là thằng hề]

    Cuốn phim kế tiếp, Caught in the Rain, dài 16 phút, thực hiện vào tháng 4/1914, do chính Charlie Chaplin đạo diễn, đạt thành công rực rỡ. Từ đó, Charlie Chaplin được trao công việc đạo diễn tất cả mọi cuốn phim ngắn của ông ở phim trường Keystone Studios, trung bình mỗi tuần một cuốn.

    Tháng 11 năm, đó, Charlie Chaplin đóng cuốn phim dài đầu tiên, rất thành công về mặt tài chính và tạo thêm tên tuổi cho chàng diễn viên trẻ. Nhưng vì Keystone Studios không chịu tăng lương, tới cuối tháng 12, Charlie Chaplin đầu quân cho hãng phim Essanay Film Manufacturing Company.

    Tại hãng phim mới, Charlie Chaplin được trao phần lớn trách nhiệm trong việc thực hiện các cuốn phim của mình; đồng thời việc khám phá ra “nàng thơ” (muse) Edna Purviance đã thay đổi chiều hướng sáng tạo của chàng diễn viên hài kịch.

    Nguyên trong lúc đang tìm một nữ diễn viên trẻ cho cuốn phim A Night Out, Charlie Chaplin tình cờ gặp cô thư ký văn phòng Edna Purviance 20 tuổi trong một quán cà-phê, và mặc dù cho rằng cô quá nghiêm chỉnh để trở thành một diễn viên hài kịch, Charlie Chaplin đã bị nhan sắc của cô chinh phục.

    Trong thời gian thực hiện A Night Out, Charlie Chaplin và Edna Purviance bắt đầu quan hệ tình cảm. Dù cuộc tình chỉ bền được 2 năm, Edna Purviance đã trở thành “nàng thơ” trên màn bạc của Charlie Chaplin trong suốt 8 năm trời qua 35 cuốn phim.

    Cùng thời gian, Charlie Chaplin bắt đầu chuyển hướng từ thể loại hài kịch bị phê bình là “độc ác, thô bạo, thiếu nhân bản” chuyển sang thể loại êm đềm, lãng mạn hơn.

    Từ năm 1915, Charlie Chaplin đã trở thành một hiện tượng, cửa hàng nào cũng bày bán hình nộm “the Tramp”, và chàng diễn viên 26 tuổi được ghi nhận là “ngôi sao quốc tế” đầu tiên của kỹ nghệ điện ảnh.

    Khi hợp đồng với hãng phim Essanay chấm dứt vào cuối năm 1915, Charlie Chaplin đã được hãng Mutual “mua” với thù lao 10,000 Mỹ kim một tuần, cộng với 150,000 bonus khi ký hợp đồng, vị chi một năm Charlie Chaplin bỏ túi 670,000 Mỹ kim (tương đương 15.1 triệu ngày nay) và trở thành diễn viên điện ảnh có thù lao cao nhất thế giới!

    Năm 1919, thời gian đã mãn hợp đồng với Mutual Film Corporation và đang đầu quân cho hãng First National, Charlie Chaplin đã cùng với ba tên tuổi lớn của điện ảnh thời bấy giờ là diễn viên kiêm nhà sản xuất phim Douglas Fairbanks, đạo diễn kiêm nhà sản xuất D. W. Griffith, nữ diễn viên kiêm nhà sản xuất phim Mỹ gốc Gia-nã-đại Mary Pickford đứng ra thành lập hãng phim độc lập United Artists, về sau quy tụ một lực lượng nghệ sĩ hùng hậu bậc nhất.

    [Mary Pickford (1892-1979), được mệnh danh là “America’s Sweetheart”, là một trong 36 thành viên sáng lập Hàn làm viện Nghệ thuật và Khoa học Điện ảnh (Academy of Motion Picture Arts and Sciences) vào năm 1917]

    Việc thành lập hãng phim độc lập United Artists là một bước ngoặt trong sự nghiệp của Charlie Chaplin, đồng thời manh nha một sự đối nghịch giữa chàng diễn viên kiêm nhà làm phim gốc Anh với kỹ nghệ điện ảnh Hoa Kỳ.

    Cùng khoảng thời gian nói trên, Charlie Chaplin trải qua một cuộc hôn nhân bất đắc dĩ với nàng tiểu minh tinh Mildred Harris xinh đẹp.

    Viết là bất đắc dĩ bởi Charlie Chaplin chỉ muốn cặp kè chứ không muốn tiến tới hôn nhân, nhưng sau khi Mildred Harris cho biết nàng đã có thai, Charlie Chaplin đã phải âm thầm kết hôn với cô bé 16 tuổi để tránh rắc rối với pháp luật. Sau đó mới biết mình bị Mildred Harris “xí gạt”, nhưng rồi cô cũng có thai thật và tới tháng 9/1918 cho ra chào đời một bé trai bị dị tật, Norman Spencer Chaplin, chỉ sống được ba ngày. Charlie Chaplin và Mildred Harris chia tay tháng 4/1920.

    Cái chết của đứa con trai đầu lòng cùng với hồi ức về tuổi ấu thơ bất hạnh của bản thân đã thúc đẩy Charlie Chaplin thực hiện cuốn phim The Kid đầy tính chất nhân bản, trong đó “the Tramp” trở thành người bảo vệ một cậu bé lạc loài 4 tuổi.


    Đây là cuốn phim bi hài kịch đầu tiên và cũng là cuốn phim dài nhất của Charlie Chaplin (68 phút) tính tới lúc đó. Trình chiếu vào tháng 1/1921, tới năm 1924, The Kid đã được chiếu tại trên 50 quốc gia – một kỷ lục vào thời phim câm.

    Năm 1922, không còn bị ràng buộc bởi hợp đồng với các hãng phim,

    Charlie Chaplin quyết định thực hiện một cuốn phim tình cảm lãng mạn tựa đề A Woman in Paris, nội dung nói về một cuộc tình sớm tan vỡ.

    Mục đích của Charlie Chaplin khi thực hiện cuốn phim là để lăng-xê “nàng thơ” Edna Purviance, người tình cũ của ông; vì thế ông đã không xuất hiện trong cuốn phim này, sợ Edna Purviance bị lu mờ.

    A Woman in Paris được giới bình phim ca tụng, nhưng lại thất bại thê thảm về mặt tài chính, bởi chẳng ai muốn đi xem “một cuốn phim của Charlie Chaplin mà không có Charlie Chaplin”!

    Thất bại này khiến Charlie Chaplin vô cùng chán nản bởi vì đã từ lâu ông chỉ mong ước thực hiện một cuốn phim bi kịch qua đó hậu thế sẽ nhớ tới tên tuổi của mình. Vì thế ông quyết định thu hồi tất cả mọi ấn bản của A Woman of Paris, xem như không có cuốn phim này trong sự nghiệp của mình!



    Charlie và Edna Purviance

    Thất bại với A Woman of Paris, Charlie Chaplin trở lại với thể loại hài kịch, và quyết định cuốn phim sắp tới của mình sẽ là một cuốn phim để đời. Cuốn phim đó chính là The Gold Rush (1925), trước năm 1975 chiếu tại Sài Gòn dưới tựa đề tiếng Pháp La ruée vers l’or (Đổ xô tìm vàng).

    Charlie Chaplin nảy sinh ý định thực hiện The Gold Rush khi thấy một tấm hình chụp “Klondike Gold Rush”, tức cuộc di dân ồ ạt của hơn 100,000 người Mỹ ở Seattle, San Francisco tới vùng Klondike ở tây bắc Gia-nã-đại sau khi vàng được khám phá tại đây. Kết quả, trong khi một số nhỏ trở nên giàu có thì đại đa số dở sống dở chết, thậm chí bỏ mạng nơi vùng băng tuyết buốt giá.

    Cảnh để đời trong phim The Gold Rush, như nhiều độc giả có thể còn nhớ, chính là cảnh “the Tramp” đói quá phải luộc đôi giày của mình để… ăn, được gợi ý từ câu chuyện lịch sử bi thảm The Donner Party, kể về cuộc hành trình gian khổ đầy bất trắc của đoàn di dân từ Missouri tới California vào giữa thế kỷ 19, bị kẹt trong vùng núi tuyết Sierra Nevada trong mùa đông buốt giá; trong số 87 người tham gia cuộc hành trình chỉ có 48 sống sót, trong đó có những người đã phải ăn thịt xác chết đồng loại.

    The Gold Rush là cuốn phim thực hiện mất nhiều thời gian nhất (15 tháng) và cũng là một trong những cuốn phim tốn kém nhất (1 triệu Mỹ kim) của thời phim câm. Đồng thời cũng là một trong những cuốn phim có số thu cao nhất (5 triệu), và quan trọng hơn cả, trở thành cuốn phim đi liền với tên tuổi của Charlie Chaplin như ông đã mong ước.

    Trong thời gian thực hiện The Gold Rush (1924), Charlie Chaplin, lúc đó 35 tuổi, kết hôn lần thứ hai; cô dâu cũng là một nàng tiểu minh tinh mới 16 tuổi, Lita Grey, được chọn để thủ một vai phụ trong phim, nhưng phim chưa kịp thực hiện thì cô có đã có bầu với Charlie Chaplin. Để tránh bị truy tố về tội “hiếp dâm trẻ em” theo luật tiểu bang California, Charlie Chaplin đã phải đưa Lita Grey sang Mễ-tây-cơ để làm thủ tục kết hôn vào cuối năm 1924.

    Đầu tháng 5/1925, bé trai Charles Spencer Chaplin Jr. ra chào đời; và cuối tháng 3/1926 tới lượt cậu em Sydney Earl Chaplin.

    Tám tháng sau, Lita Grey đem hai con bỏ nhà ra đi. Tiếp theo là cuộc ly dị cay đắng và đầy tai tiếng. Chẳng hiểu bằng cách nào mà báo chí biết được nội dung đơn ly dị của Lita Grey, trong đó Charlie Chaplin bị cô vợ trẻ tố cáo ngoại tình, hành hạ vợ, và “có những khao khát tình dục phản đạo đức” (perverted sexual desires).

    Vụ xì-căng-đan này đã khiến Charlie Chaplin bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng, phải ngưng công việc thực hiện cuốn phim The Circus trong tám tháng trời; đồng thời nhiều tổ chức gia đình ở Mỹ lên tiếng kêu gọi tẩy chay phim của ông.

    Sau đó, để tránh việc bị báo chí, dư luận đào bới thêm, các luật sư của Charlie Chaplin đã phải dàn xếp trả cho Lita Grey 600,000 Mỹ kim, số tiền bồi thường ly dị lớn nhất trong lịch sử tòa án Hoa kỳ, tính tới lúc đó.

    Mặc dù bắt đầu bị nhiều người Mỹ tẩy chay, phản đối, trong giải Oscar lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 5/1929, Charlie Chaplin đã được trao tặng giải Oscar Danh dự (Honorary Oscar) qua việc diễn xuất, viết kịch bản, đạo diễn, và sản xuất cuốn phim The Circus. Rất có thể nhờ ảnh hưởng của nam diễn viên kiêm nhà sản xuất phim Douglas Fairbanks, một người bạn của Charlie Chaplin, lúc đó đang giữ chức Chủ tịch Hàn làm viện Nghệ thuật và Khoa học Điện ảnh, tổ chức sáng lập giải thưởng Oscar.

    Sau đó, sự bất đồng và bất hòa giữa Charlie Chaplin và người Mỹ càng gia tăng khi ông ra sức chống lại việc thực hiện phim có đối thoại (talking pictures, talkies).

    Xin được nhắc lại, vào ngày 21 tháng 6 năm 1929 tại Luân-đôn, đạo diễn Anh Alfred Hitchcock đã trình chiếu Blackmail, cuốn phim đầu tiên có đối thoại, tạo tiếng vang lớn và đạt thành công rực rỡ về mặt tài chính.

    Charlie Chaplin chống phim có đối thoại vì cho đó là hình thức phim kém nghệ thuật diễn xuất, và, cho dù ông không nói ra điều này, nếu nhân vật “the Tramp” của ông mà nói trong phim (tiếng Anh dĩ nhiên), mức độ phổ biến trên thế giới chắc chắn sẽ bị suy giảm!

    Vì thế, cuốn phim tiếp theo đó của Charlie Chaplin, City Lights (Ánh đèn đô thị), vẫn được ông thực hiện dưới hình thức phim không có đối thoại, nhưng có nhạc phim.

    Nội dung City Lights là một “hài kịch làm rơi lệ”, trong đó “the Tramp” yêu một cô gái mù bán hoa ở góc phố, đồng thời kết bạn với một tay triệu phú lúc say lúc tỉnh, đã tìm cách lợi dụng tiền bạc của ông ta (vào những lúc ông ta say) để giúp cô gái giải phẫu mắt; sau khi cô được sáng mắt thì lại không biết ai là ân nhân của mình…

    Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, Charlie Chaplin đảm trách việc soạn nhạc phim. Cũng nên biết, Charlie Chaplin say mê âm nhạc từ nhỏ, và đã tự học dương cầm, vĩ cầm và trung hồ cầm (cello). Khi soạn nhạc, vì không biết ký âm pháp, Charlie Chaplin đã phải nhờ các nhà soạn nhạc chuyên nghiệp giúp đỡ. Với phương thức đó, Charlie Chaplin đã soạn nhạc phim cho City Lights và tất cả mọi cuốn phim sau này của ông.

    Theo các nhà phê bình, phần nhạc phim trong City Lights phải được đánh giá là bất hủ. Tuy nhiên, vì phương tiện thưởng thức tại Việt Nam ngày ấy còn rất hạn chế, đã không có mấy người biết tới tài soạn nhạc của Charlie Chaplin.

    Vừa trình chiếu, City Lights đã được các nhà bình phim hết lời ca tụng, thu vào 5 triệu Mỹ kim. Hiện nay, City Lights đang được trang mạng bình phim IMDb xếp hạng 25 trong danh sách 500 cuốn phim hay nhất xưa nay, và trang mạng The Greatest Films (tổng hợp mọi danh sách) xếp hạng 46.

    Riêng Viện Phim Ảnh Hoa Kỳ (AFI: American Film Institute) vào năm 2007 đã xếp City Lights đứng hạng 11 trong danh sách Những cuốn phim Mỹ hay nhất xưa nay. Trước đó, vào năm 1991, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ đã liệt City Lights vào danh sách di sản văn hóa.

    Về phần Charlie Chaplin, cho tới cuối đời, City Lights vẫn là cuốn phim ông ưng ý nhất.



    City Lights

    * * *

    Mặc dù City Lights đạt thành công rực rỡ, Charlie Chaplin cũng cảm thấy lo ngại cho những cuốn phim (không có đối thoại) sắp tới của mình. Một mặt ông cho rằng hình thức phim có đối thoại không thích hợp với chiều hướng làm phim của mình, một mặt ông lại lo sợ bị khán giả chê cười là người lạc hậu!…

    Trong tâm trạng hoang mang ấy, Charlie Chaplin tạm ngưng mọi công việc để làm một chuyến nghỉ hè vô hạn định, du lịch nhiều quốc gia Tây Âu, lâu nhất là ở Pháp và Thụy-sĩ, nơi ông gặp gỡ những nhà tư tưởng (thinkers) cấp tiến, và bắt đầu chịu ảnh hưởng khuynh tả của họ.

    Sau khi trở về Los Angeles, Charlie Chaplin có ý định giải nghệ vĩnh viễn và tới sống ở Trung Hoa, nhưng tất cả đã thay đổi khi ông gặp gỡ nữ diễn viên Paulette Goddard vào tháng 7/1932; tuy đã qua một đời chồng nhưng chỉ bằng nửa số tuổi của ông (21/42).

    [Paulette Goddard (1910-1990) tên thật là Marion Levy, xuất thân là một người mẫu trẻ con kiêm diễn viên thần đồng trên sân khấu kịch nghệ Broadway. Paulette Goddard lấy chồng bốn lần và ly dị đủ bốn lần; đời chồng thứ tư của bà là văn sĩ Đức Erich Maria Remarque, tác giá cuốn truyện nổi tiếng được dựng thành phim: All Quiet on the Western Front – Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh]

    Ngay sau khi cặp với Paulette Goddard, Chaplin Charlie bắt tay vào việc thực hiện một cuốn phim hài kịch để nàng thủ vai chính: Modern Times (chiếu tại Việt Nam dưới tựa tiếng Pháp Les Temps Modernes).

    Cốt truyện của Modern Times kể về cuộc mưu sinh vất vả của “the Tramp” và nữ nhân vật chính trong cuộc Đại khủng hoảng (Great Depression) thập niên 1930, mà Charlie Chaplin quy trách cho chế độ tư bản và phương pháp sản xuất dây chuyền đã gây ra nạn thất nghiệp trầm trọng.

    Cũng giống City Lights, Modern Times được Charlie Chaplin thực hiện dưới hình thức phim không có đối thoại, nhưng có nhạc phim, trong đó có một ca khúc do “the Tramp” hát; đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất “the Tramp” cất tiếng.

    Modern Times là một trong những cuốn phim thực hiện lâu nhất của Charlie Chaplin; mãi tới đầu năm 1936 mới được trình chiếu. Về sau, Modern Times cũng được các nhà phê bình đánh giá rất cao, chỉ đứng sau City Lights, tuy nhiên ngày ấy cuốn phim đã nhận được những khen chê lẫn lộn. Những người chê cho rằng Charlie Chaplin đã cường điệu trong việc đả kích chế độ tư bản, và đi quá xa trong việc châm biếm những tiến bộ kỹ thuật.

    Cho nên cũng là một điều dễ hiểu khi Modern Times không được công chúng Mỹ đón nhận nồng nhiệt như những cuốn phim trước của Charlie Chaplin.

    Một chi tiết thú vị về Modern Times là 18 năm sau ngày trình chiếu, cuốn phim mới được nhiều người biết tới, hoặc yêu thích hơn nhờ một nhạc khúc trong phim nay được đặt lời hát. Đó là nhạc khúc “chủ đề lãng mạn” (romance theme) do Charlie Chaplin sáng tác từ cảm hứng khi nghe vở opera Tosca của Puccini.

    Năm 1954, nhạc khúc này được Geoff Parsons và John Turner đặt lời hát với tựa đề Smile.

    [Geoff Parsons (1910-1987) và John Turner (1932- ) là hai nhà đặt lời hát của Anh quốc; hai ông thường hợp soạn lời hát cho những ca khúc ngoại quốc nổi tiếng, trong số này có bản Hymme à l’amour (If You Love Me, Really Love Me) của Édith Piaf, và O Mein Papa (Oh! My Papa) của Paul Burkhard]

    Sức thu hút của ca khúc Smile, và cũng là biệt tài của Geoff Parsons và John Turner là hai ông đã đặt lời hát dựa theo đối thoại và chủ đề trong cuốn phim thực hiện 18 năm về trước, ngụ ý khuyên người nghe hãy vui lên, bởi vì ngày mai sẽ luôn luôn tươi sáng hơn, một khi chúng ta biết cười (smile).

    Smile được Nat King Cole thu đĩa năm 1954, đứng hạng 10 trên bảng xếp hạng Billboard ở Hoa Kỳ và hạng 2 ở Anh quốc.

    VIDEO:

    Nat King Cole ft Nelson Riddle’s Orchestra – Smile (Capitol Records 1954) Video

    <iframe width="937" height="527" src="https://www.youtube.com/embed/xZvMJ188o3Y" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>

    Hoài Nam

    (Còn Tiếp Bài 80 -Phần II)







    ©T.Vấn 2018

  • #2
    NHẠC PHIM – Eternally (Terry’s Theme, Limelight), Ánh Đèn Màu

    Hòai Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (80 – phần II) – NHẠC PHIM – Eternally (Terry’s Theme, Limelight), Chaplin & Parsons, Turner, Ánh Đèn Màu

    (Tiếp theo phần I và Hết)




    Sau khi Modern Times được trình chiếu, Chaplin Charlie cùng Paulette Goddard chu du một vòng Viễn Đông, và kết hôn tại Quảng Đông. Tuy nhiên tới năm 1938, cuộc chung sống trở nên lạnh nhạt dần, dù vậy, Charlie Chaplin vẫn để Paulette Goddard thủ vai chính trong The Great Dictator (1940), một cuốn phim có nội dung chế nhạo Adolf Hitler, lãnh tụ Đức Quốc Xã có bộ ria mép “bàn chải đánh răng” giống hệt Charlie Chaplin!


    Trong giải Oscar năm 1941, The Great Dictator được đề nghị tranh năm giải thưởng: phim hay nhất, kịch bản, nam diễn viên chính, nam diễn viên phụ, và nhạc phim nhưng không đoạt giải nào.


    Năm 1942, Paulette Goddard đệ đơn ly dị tại Mễ-tây-cơ.


    Tới đây, bắt đầu một loạt diễn tiến khiến Charlie Chaplin cuối cùng đã phải quay lưng lại với nước Mỹ. Nguyên nhân xa là lập trường chính trị thiên tả của Charlie Chaplin, nguyên nhân gần là quan hệ ái tình khá phức tạp của ông mà nhiều người lên án là “thích gái trẻ”, “thiếu đạo đức”.


    Bắt đầu vào tháng 6 năm 1941, tức là trước khi Paulette Goddard đệ đơn ly dị, Charlie Chaplin đã bắt đầu một quan hệ tình dục sôi nổi với cô đào trẻ Joan Barry kém ông 30 tuổi. Quan hệ này chấm dứt vào mùa thu 1942, nhưng qua năm 1943, Joan Barry loan tin cô đã có thai với Charlie Chaplin trước khi hai người chia tay, nhưng ông ra sức bác bỏ.


    Joan Barry còn tiết lộ trước khi có bầu lần này, trong thời gian thân mật với Charlie Chaplin, cô đã từng phá thai hai lần.


    Trước tin giật gân này, những tờ báo Mỹ vốn không ưa Charlie Chaplin đã không bỏ lỡ cơ hội. Họ lên án ông đã dụ dỗ Joan Barry, hứa sẽ biến nàng thành một minh tinh màn bạc với mục đích lợi dụng tình dục.


    Cùng lúc, FBI nhập cuộc. Về sau, không ít người tin rằng đích thân ông John Edgar Hoover, Giám đốc FBI, người từ lâu đã nghi ngờ lập trường chính trị của Charlie Chaplin, đã nhân cơ hội này ra tay triệt hạ.


    FBI buộc Charlie Chaplin vào bốn tội danh, nhưng Công tố viện đã bác ba tội danh đầu để chỉ giữ lại tội danh thứ tư, cũng là tội danh nặng nhất: vi phạm đạo luật Mann Act “nghiêm cấm việc đưa phụ nữ từ tiểu bang này sang tiểu bang khác với những mục đích tình dục” (which prohibits the transportation of women across state boundaries for sexual purposes). Án phạt tối đa dành cho tội danh này là 23 năm tù!


    Trên thực tế, Mann Act thường chỉ được áp dụng trong việc truy tố các đường dây gái mại dâm. Trong trường hợp Charlie Chaplin, ông bị buộc tội vì đã “trả tiền cho Joan Barry đi theo mình để quan hệ tình dục”.


    Theo lời biện hộ của luật sư, ngày ấy Charlie Chaplin với tư cách giám đốc hãng phim Chaplin Studios, đã cho ký với Joan Barry một “hợp đồng có thể kéo dài” với tiền lương 75 Mỹ kim một tuần (tương đương 1.750 Mỹ kim hiện nay), và ông có ý định sẽ cho cô đóng một vai trong cuốn phim Shadows and Substance dự trù sẽ thực hiện vào năm 1942, nhưng rất tiếc công việc bị đình trệ.


    Phiên tòa xử Charlie Chaplin về tội danh vi phạm đạo luật Mann Act diễn ra trong tháng 3/1944. Sau hai tuần xét xử, ông đã được trắng án.


    Tới tháng 10 năm đó, Joan Barry sanh bé gái Carol Ann, và đệ đơn kiện Charlie Chaplin đòi tiền cấp dưỡng đứa bé.


    Tòa bắt đầu xử vào tháng 2/1945. Charlie Chaplin đòi thử máu đứa bé. Kết quả cho thấy nó không phải con của ông nhưng truyền thông và dư luận lại “tố giác” ông đã dùng tiền bạc mua chuộc chuyên viên thử máu để che dấu sự thật. Trong số những người lên tiếng “tố giác” có cả cô vợ cũ Lita Grey, người trước đây đã tố cáo Charlie Chaplin ngoại tình, hành hạ vợ, và bạo dâm!


    Rốt cuộc, cũng như trong vụ ly dị Lita Grey, để báo chí khỏi bơi móc thêm, Charlie Chaplin đồng ý cấp dưỡng bé Carol Ann cho tới năm 21 tuổi.


    Nhưng xì-căng-đan tình dục liên quan tới Charlie Chaplin không chỉ có bấy nhiêu.


    Hai tuần lễ sau khi Joan Barry đệ đơn kiện Charlie Chaplin để đòi tiền cấp dưỡng bé gái Carol Ann, người ta được biết ông đã kết hôn với Oona O’Neil, một cô gái 18 tuổi đang được ông đỡ đầu trên đường sự nghiệp. Mặc dù sau này Charlie Chaplin đã khẳng định đây là cuộc hôn nhân hạnh phúc nhất của mình, có với Oona tám người con, và chung sống cho tới khi ông qua đời, nhưng trước đó, trong bối cảnh bị kiện đòi tiền cấp dưỡng, cùng với thành tích hai lần lấy gái 16 tuổi, việc một “bố già 54 tuổi” lấy một nàng tiểu minh tinh 18 xuân xanh (Oona O’Neil) bị dư luận lên án cũng là điều dễ hiểu.


    * * *


    Xì-căng-đan liên tục đã ảnh hưởng tai hại tới nghề nghiệp của Charlie Chaplin. Tháng 4/1946, gần hai năm sau ngày bị Joan Barry kiện, ông mới bắt tay vào việc quay cuốn phim Monsieur Verdoux mà ông đã chuẩn bị từ năm 1942.


    Monsieur Verdoux là một “hài kịch đen” trong đó Charlie Chaplin chỉ trích chủ nghĩa tư bản và nhận định rằng thế giới đang cổ súy giết chóc qua việc gây ra chiến tranh với các vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt.


    Trong buổi trình chiếu Monsieur Verdoux, Charlie Chaplin đã bị la ó, tiếp theo là những lời kêu gọi tẩy chay cuốn phim. Lần đầu tiên, một tác phẩm của Charlie Chaplin bị thất bại về cả mặt tài chính lẫn nghệ thuật. Trong giải Oscar năm 1947, Monsieur Verdoux chỉ được một xướng danh duy nhất cho kịch bản. Tuy nhiên Charlie Chaplin lại rất hãnh diện, cho đây là tác phẩm nhiều chất sáng tạo nhất trong cả sự nghiệp của mình!


    Nhưng với dư luận nói chung, cuốn phim Monsieur Verdoux là một sự khẳng định lập trường thân cộng của Charlie Chaplin, vốn trước đó đã được thể hiện qua việc kêu gọi hỗ trợ Liên Xô trong thời gian Đệ nhị Thế chiến, việc giao kết với những thành phần bị tình nghi là cộng sản, việc tham dự các buổi tiếp tân của các giới chức ngoại giao Liên Xô tại kinh đô điện ảnh. Việc Charlie Chaplin sau hơn 30 năm thường trú và làm việc tại Hoa Kỳ vẫn không chịu gia nhập quốc tịch Mỹ cũng bị đặt dấu hỏi.


    Vì thế, FBI đã tìm mọi cách để trục xuất Charlie Chaplin, và tới năm 1947, đã chính thức cho mở cuộc điều tra. Charlie Chaplin trong khi bác bỏ cáo buộc mình là một người cộng sản, đã công khai phản đối các cuộc xét xử các thành viên Đảng Cộng Sản Mỹ. Sau đó mấy năm, khi đã định cư tại Thụy-sĩ, Charlie Chaplin còn gặp gỡ các lãnh tụ cộng sản quốc tế như Thủ tướng Trung Cộng Chu Ân Lai, Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô Nikita Khrushchev, và vào năm 1954 đã nhận lãnh Giải thưởng Hòa bình Quốc tế (International Peace Prize) của Hội đồng Hòa bình Thế giới (World Peace Council), một tổ chức tự nhận là phi chính phủ nhưng thực chất do Đảng Cộng Sản Liên Xô thành lập và chi phối.


    * * *


    Trở lại với sự nghiệp điện ảnh của Charlie Chaplin, sau thất bại của cuốn phim Monsieur Verdoux với nội dung thiên tả, ông quyết định cuốn phim kế tiếp sẽ hoàn toàn không mang màu sắc chính trị. Đó chính là Limelight (chúng tôi sẽ trở lại với nội dung cuốn phim này ở phần cuối bài viết).


    Sau khi hoàn tất Limelight vào giữa năm 1952, Charlie Chaplin quyết định sẽ trình chiếu tại Luân-đôn, bởi vì, theo lời ông, bối cảnh không gian của cuốn phim là thủ đô Anh quốc. Tuy nhiên, không ít người tin rằng Charlie Chaplin không trình chiếu tại Los Angeles để tránh việc bị truyền thông và các thành phần hữu khuynh “phá đám”.


    Khi rời Los Angeles, Charlie Chaplin có linh cảm ông sẽ không quay trở lại. Ngày 18/9/1952, ông cùng toàn bộ gia đình rời cảng Nữu Ước trên du thuyền RMS Elizabeth.


    Qua ngày hôm sau, Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ James P. McGranery ký quyết định vô hiệu hóa giấy phép tái nhập cảnh của Charlie Chaplin, theo đó, muốn trở lại Hoa Kỳ, ông phải làm đơn để được phỏng vấn về lập trường chính trị và tư cách đạo đức.


    Khi nhận được điện tín báo tin này, Charlie Chaplin đã quyết định sẽ không bao giờ trở lại Hoa Kỳ.


    Sau này ông viết trong cuốn hồi ký tựa đề Chaplin (1964):


    “Trở lại hay không trở lại xứ sở chán chường ấy chẳng mấy ảnh hưởng tới tôi. Từ lâu, tôi đã muốn nói thẳng vào mặt họ rằng thoát được cái bầu không khí đầy hận thù ấy càng sớm càng tốt cho tôi…”


    Nhưng ngày ấy, Charlie Chaplin đã không dám nói thẳng ra như thế vì toàn bộ tài sản của ông còn nằm ở Hoa Kỳ, ông không muốn chọc giận dư luận, truyền thông Mỹ.


    * * *


    Tới đây, viết về cuốn phim Limelight do Charlie Chaplin viết kịch bản, đạo diễn, thủ vai chính, và soạn nhạc phim.


    [Limelight nghĩa đen là luồng ánh sáng trắng xanh chiếu xuống sân khấu nhắm vào nghệ sĩ chính, được phát minh vào thập niên 1830 (khi chưa có đèn điện), sử dụng hỗn hợp khí oxyhydrogen để đốt một khối calcium oxide (lime, vôi). Nghĩa bóng là khoảng thời gian nổi bật trong sự nghiệp của một nghệ sĩ, tương đương chữ “spotlight” hiện nay]


    Như chúng tôi đã viết ở một đoạn trên, Limelight là một cuốn phim hoàn toàn không mang màu sắc chính trị mà là một bi hài kịch về những phũ phàng của kiếp nghệ sĩ lúc hết thời. Tuy nhiên, không ít người vẫn cho rằng qua cuốn phim này, Charlie Chaplin muốn ám chỉ việc ông bị người Mỹ quay lưng sau hơn 30 năm đem lại niềm vui, tiếng cười cho họ.



    Claire BloomCharlie Chaplin


    Limelight lấy bối cảnh Luân-đôn năm 1914, lúc thế chiến thứ nhất sắp bùng nổ. Calvero (Charlie Chaplin), một tay hề sân khấu hết thời, lúc nào cũng say mèm, tình cờ cứu được nàng vũ công ballet trẻ Thereza “Terry” Ambrose (Claire Bloom) đang tính tự tử. Sau đó, nhờ sự khuyến khích, nâng đỡ tinh thần của Calvero, Terry trở lại với nghề vũ và đạt thành công, nổi tiếng quốc tế. Nhân đó, Calvero cũng noi gương Terry để trở lại sân khấu hài kịch nhưng bị thất bại thê thảm.


    Lúc này Terry đang được nhà soạn nhạc trẻ Neville theo đuổi, nhưng cô lại muốn kết hôn với Calvero để trả ơn, bất chấp tuổi tác cách biệt. Calvero khước từ và khuyên Terry nên tiến tới với Neville. Để cô không còn sự lựa chọn nào khác, Calvero âm thầm ra đi.


    Nhưng cuối cùng, Terry cũng tìm được Calvero khi ông đang làm hề trên hè phố để kiếm sống. Lúc này Terry đã trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng và có show riêng; cô thuyết phục Calvero trở lại sân khấu để cùng cô xuất hiện trong một buổi trình diễn gây quỹ từ thiện. Calvero không có lý do để từ chối.


    Trong đêm diễn, Calvero xuất hiện ngay trong màn đầu và được hoan hô nhiệt liệt như thuở vàng son của mình. Nhưng tới khi Terry ra sân khấu trình diễn màn hai, Calvero đang đứng sau cánh gà chăm chú theo dõi, bỗng lên cơn đau tim và gục chết…


    Sau khi phát hành, Limelight nhận được những lời khen chê lẫn lộn, trong đó hầu hết những người chê đã nhấn mạnh tới hai điểm: cuốn phim quá dài (137 phút) và đối thoại tràng giang đại hải!


    Về mặt nghệ thuật, nếu xem đây là một cuốn phim mang tính cách tự thuật (autobiographical), Charlie Chaplin đã thành công trong việc trình bày triết lý sống của mình.


    Nhà bình phim nổi tiếng John McCarten của tờ The New Yorker nhận xét:


    “Bỏ qua mọi nhược điểm, Limelight là một cuốn phim đầy chất sáng tạo và nổi bật. Rất tiếc, ông Chaplin đã không đạt tới cái đích nhanh chóng cho bằng Shakespeare”.


    Thời gian phát hành Limelight cũng là lúc giấy phép tái nhập cảnh của Charlie Chaplin đã bị thu hồi vì lập trường thân cộng, đại đa số các rạp chiếu bóng ở Hoa Kỳ đã tẩy chay cuốn phim này, trừ một số rạp ở các thành phố miền Đông.


    Mãi tới năm 1972, Limelight mới được phát hành trên toàn quốc Hoa Kỳ, trong đó có kinh đô điện ảnh Hồ-ly-vọng. Tuy nhiên, với số thu chưa tới một triệu Mỹ kim trên toàn quốc, Limelight phải được xem là một cuốn phim “ế khách”, trong khi ở các nơi khác thế giới, đặc biệt là Âu châu và Nhật Bản, Limelight đã được nồng nhiệt đón nhận. Hiện nay, Limelight đang được trang mạng bình phim Rotten Tomatoes ghi nhận số điểm 96% (do các nhà bình phim trên thế giới chấm), nghĩa là thuộc vào hàng bất hủ.


    Sở dĩ Limelight được tái phát hành tại Hoa Kỳ vào năm 1972 là vì tình hình và bầu không khí chính trị lúc đó đã thay đổi 180 độ, các tổ chức cấp tiến, các thế lực thiên tả thao túng mọi mặt trong đời sống kể cả kỹ nghệ giải trí, cho nên người Mỹ muốn “làm hòa” với Charlie Chaplin – một người bị xem là có lập trường thân cộng.


    Cùng với việc Limelight được chiếu trên toàn quốc Hoa Kỳ, Hàn làm viện Nghệ thuật và Khoa học Điện ảnh còn mời Charlie Chaplin trở lại kinh đô điện ảnh để vinh danh. Tại giải Oscar năm 1972, Charlie Chaplin đã được trao tặng giải Oscar Danh dự (Honorary Oscar) thứ hai trong sự nghiệp vì “những ảnh hưởng không thể so sánh mà ông đã tạo ra trong việc đưa điện ảnh trở thành một bộ môn nghệ thuật”.


    Ông được cử tọa đứng dậy hoan hô (standing ovation) suốt 12 phút – cho tới nay vẫn là một kỷ lục trong giải Oscar.


    Tới giải Oscar lần thứ 45 tổ chức vào đầu năm 1973, Limelight đã được dự tranh với lý do tuy phát hành năm 1952, nhưng mãi tới năm 1972, mới được chiếu tại Los Angeles.


    Kết quả Limelight đã đoạt giải Oscar cho phần nhạc phim bi kịch (Best Original Dramatic Score). Đây là giải Oscar dự tranh (competitive Oscar) đầu tiên và duy nhất trong sự nghiệp của Charlie Chaplin; hai giải Oscar trước đó của ông đều là Oscar Danh dự.


    Nhạc phim của Limelight do Charlie Chaplin hợp soạn cùng Raymond Rasch và Larry Russell.


    Raymond Rasch (1917-1964) là một nhà soạn hòa âm phối khí kiêm nhạc sĩ dương cầm; Larry Russell (1913-1954) là một nhà soạn nhạc phim và cũng là một trong ba tác giả của ca khúc “Western” nổi tiếng Vaya Con Dios.


    VIDEO:


    “Vaya con Dios” Les Paul and Mary Ford


    Nhạc phim của Limelight gồm 15 ca khúc, nhạc khúc, trong đó nhạc khúc mở đầu (opening) là Terry’s Theme (Chủ đề Terry) nổi tiếng và phổ biến nhất.


    VIDEO:


    Charlie Chaplin’s Limelight theme (original)


    Phụ lục 1: Terry’s Theme (Limelight), Mantovani Orchestra




    Cùng thời gian phát hành cuốn phim Limelight, Terry’s Theme đã được hai tác giả Geoff Parsons và John Turner đặt lời hát với tựa Eternally (Vĩnh cửu), có khi còn được viết một cách chi tiết là Eternally (Terry’s Theme), hoặc Eternally (Terry’s Theme – Limelight).


    [Geoff Parsons và John Turner cũng là tác giả lời hát ca khúc Smile đã nhắc tới ở một đoạn trước]


    Eternally


    I’ll be loving you

    Eternally

    With a love that’s true

    Eternally

    From the start within my heart it seems I’ve always known

    The sun would shine when you were mine and mine alone


    I’ll be loving you

    Eternally

    There’ll be no-one new, my dear, for me

    Though the sky should fall remember I shall always be

    Forever true

    and loving you

    Eternally (bis)


    Eternally được nam ca sĩ Anh Jimmy Young thu đĩa năm 1953, lên tới hạng 8; cùng khoảng thời gian phiên bản do Vic Damone thu đĩa đã đứng hạng 12 trên bảng xếp hạng nhạc phổ thông ở Hoa Kỳ.


    VIDEO:


    Jimmy Young – Eternally ( 1953 )


    Khoảng cuối thập niên 1960, Eternally đã đem lại đĩa vàng cho nam ca sĩ Anh Engelberg Humperdink (chúng tôi đã nhắc tới trong bài viết về ca khúc The Last Waltz) và nữ ca sĩ Anh Petula Clark.


    Eternally cũng rất được các ca sĩ nhạc jazz, opera, classical ưa chuộng, trong số đó có “Nữ hoàng nhạc jazz” Sarah Vaughan (1924-1990) của Mỹ, nam danh ca tenor Plácido Domingo của Tây-ban-nha…


    VIDEO:


    Plácido Domingo “Songs” – Eternally (Charlie Chaplin’s Limelight)


    Về phần các danh ca của châu Á, người đầu tiên thu đĩa Eternally nguyên tác lời Anh, lời Nhật, lời Hoa không ai khác hơn là Li Xianglan (Lý Hương Lan), người mà đường đời và sự nghiệp đã được chúng tôi nhắc tới trong bài viết về ca khúc Shina No Yoru (Chiều Tô Châu).


    Li Xianglan (1920-2014), tên Nhật là Yoshiko Yamaguchi, sang Hoa Kỳ lập nghiệp vào đầu thập niên 1950 với nghệ danh Shirley Yamaguchi.


    Sau khi ca khúc Eternally ra đời, Li Xianglan có dịp gặp gỡ Charlie Chaplin tại Luân-đôn, và đã được ông chấp thuận cho độc quyền sử dụng ca khúc này tại toàn cõi Á châu. Li Xianglan liền nhờ một tác giả Nhật đặt lời để bà thu đĩa. Rất tiếc, chúng tôi không thể tìm ra một phiên bản nào của đĩa hát này.


    Sau đó, Li Xianglan đã nhờ Chen Shi (Trần Thức) đặt lời tiếng Phổ thông với tựa 心曲 (Heart Song, Tiếng hát con tim) và thu đĩa năm 1957 – một năm trước khi bà giải nghệ vĩnh viễn vào tuổi 38 để về nâng khăn sửa túi cho nhà ngoại giao Hiroshi Otaka.


    [Theo chú thích trên Internet, hình ảnh chàng trai trong video clip dưới đây là nam ca nhạc sĩ jazz Mỹ gốc Hoa Harry Haw, sinh năm 1897, nổi tiếng từ thập niên 1920]


    VIDEO:


    Li Xianglan – Heart Song (Eternally ) 李香兰-心曲 1957


    Về phiên bản lời Việt của Eternally, chúng tôi được biết có ít nhất năm (5) phiên bản của bốn (4) tác giả: Nguyễn Xuân Mỹ, Nguyễn Huy Hiển, Anh Hoa, và Phạm Duy.


    Chính vì có nhiều phiên bản do nhiều tác giả soạn, trong đó ba tác giả Nguyễn Xuân Mỹ, Nguyễn Huy Hiển, Anh Hoa tương đối ít được người thưởng ngoạn biết tới, cho nên ngay từ trước năm 1975 đã có những sự lẫn lộn, râu ông nọ cắm cằm bà kia, hết sức phi lý. Nay nhân dịp viết bài này, chúng tôi cố gắng tìm hiểu, đối chiếu các nguồn tài liệu cũ mới để làm sáng tỏ.


    Trước hết viết về phiên bản đầu tiên tựa đề Ánh Đèn Màu do nhạc sĩ Nguyễn Xuân Mỹ soạn năm 1955 (mà ông nói là “dịch), cũng là phiên bản phổ biến nhất.


    Nguyễn Xuân Mỹ sinh năm 1926 và qua đời tại Sài Gòn năm 2014. Ông là nhạc sĩ kèn saxo, clarinet và accordeon, chuyên chơi nhạc tại các nhà hàng, vũ trường và sau này tại các club của người Mỹ.


    Ánh Đèn Màu là tác phẩm duy nhất của ông, trước năm 1975 đã được Hà Thanh, Thanh Thúy, Khánh Ly, Thái Thanh, Lệ Thu, Julie, v.v… thu âm.



    Ánh Đèn Màu của Nguyễn Xuân Mỹ gồm hai phiên khúc (verses), và một điệp khúc.


    Ánh Đèn Màu


    (1)


    Đời ca hát ngày tháng cho người mua vui

    Đời son phấn làm mất bao ngày thơ ngây

    Cùng bên ánh mầu sắc lạc lõng trong tiếng đàn hát đêm khuya

    Rồi bao nếp nhăn về với tháng năm đời lãng quên rồi




    Buồn trong tiếng nhạc lắng cho đời mê say


    Cười trong ánh đèn sáng cho người mua vui

    Rồi khi ánh đèn tắt lặng lẽ cô đơn

    Chìm trong bóng đêm, người ta lãng quên bẽ bàng


    Điệp khúc:


    Giờ đây vắng tan rồi khách ra về ơi ánh đèn

    Nhìn cảnh vắng hoang tàn kiếp con ve khi cuối mùa

    Nào đâu phút huy hoàng phút say xưa theo tiếng đàn vui ca




    (2)


    Kìa khi ánh đèn tắt ơi đời vui ca

    Đời thương khóc làm mướn ánh đèn ban đêm

    Nào ai biết đời sống bạc bẽo sau tiếng đàn hát trong đêm

    Đời ca hát thuê Đời qua phấn son Đời sống không nhà




    Về theo nét tàn úa đâu còn duyên xưa

    Người năm trước nào nhớ bóng người đêm xưa

    Đời cam sống một bóng lặng lẽ cô đơn

    Đời xa tiếng ca nào ai tiếc thương bẽ bàng.


    Ngày ấy, Hà Thanh là người đầu tiên hát bản Ánh Đèn Màu của Nguyễn Xuân Mỹ; rất tiếc hiện nay chúng tôi không tìm được băng hay đĩa hát cũ của Hà Thanh.


    Còn trong số những băng nhạc thu âm trước năm 1975 hiện vẫn được phổ biến, cũng như những băng cassette, CD được thu âm sau này tại hải ngoại, chúng tôi không thấy có ca sĩ nào hát điệp khúc. Trong số này, Lệ Thu hát (trước và sau 1975) đủ 2 phiên khúc, trong khi Vũ Khanh chỉ hát phiên khúc 1.


    VIDEO:


    Ánh Đèn Màu (Charlie Chaplin) Lệ Thu (pre 1975) – VCH


    Phụ lục 2: Ánh Đèn Màu, Vũ Khanh



    Về phần Khánh Ly, trước cũng như sau năm 1975, không những chỉ hát phiên khúc 1, mà còn đổi lời hát của 4 câu cuối trong phiên khúc này; Kim Loan, trong một video thu năm 1992 tại hải ngoại, cũng hát giống Khánh Ly.


    Nguyên tác của Nguyễn Xuân Mỹ:


    Buồn trong tiếng nhạc lắng cho đời mê say


    Cười trong ánh đèn sáng cho người mua vui

    Rồi khi ánh đèn tắt lặng lẽ cô đơn

    Chìm trong bóng đêm, người ta lãng quên bẽ bàng


    thành:


    Về đâu hỡi người gái giang hồ đêm nay


    Đời như hoa tàn úa ai thèm mê say


    Và khi ánh đèn tắt lặng lẽ trong đêm


    Người ta lãng quên đời son phấn ôi bẽ bàng.


    Theo suy nghĩ của chúng tôi, việc đổi lời này (thêm nhân vật “người gái giang hồ”) có thể khiến nội dung ca khúc thêm phần lâm ly bi đát, nhưng vô lý và vô nghĩa. Chưa kể việc thay đổi lời hát trong nguyên tác là một việc dứt khoát không nên làm.


    Tuy nhiên, nếu đích thân Khánh Ly hay vị tác giả nào đó đã xin phép nhạc sĩ Nguyễn Xuân Mỹ cho đổi lời hát, chúng tôi xin miễn bàn thêm!


    Phụ lục 3: Ánh Đèn Màu, Khánh Ly



    Phiên bản lời Việt thứ hai của Eternally là của tác giả Anh Hoa, soạn năm 1957 với tựa đề Tình Tôi, gồm 2 phiên khúc.


    Tình Tôi


    (1)


    Tìm đâu những giờ phút êm đềm bên em,

    Ngồi bên nhau mà hát theo đàn thâu đêm.

    Trời về khuya vầng trăng lạc lõng nhìn em cặp mắt mơ màng,

    Lòng tôi xốn xang, dìu em bước sang bờ cõi thiên đàng.




    Tìm đâu thấy hình bóng yêu kiều năm xưa,

    Kề bên nhau mà lắng nghe đàn say sưa.

    Giòng thời gian lặng lẽ bạc bẽo, em ơi!

    Thời gian vẫn trôi, mà riêng lứa đôi lỡ làng.


    (2)


    Chiều hôm nay ngồi nhớ bao ngày xa xôi,

    Dạo vài cung đàn hát mơ màng trên môi.

    Để lòng mơ hình bóng người cũ giờ đây ở chốn xa vời.

    Người trinh nữ ơi! Còn chăng nét môi giọng hát yêu đời?




    Chiều hôm nay gửi đến phương trời xa xôi,

    Vài lời ca lả lướt, nỗi lòng của tôi.

    Dù thời gian tàn ác bạc bẽo, em ơi!

    Mà riêng có tôi tìm em khắp nơi, khuất rồi.


    Rất tiếc, chúng tôi không tìm được băng, đĩa nào thu âm phiên bảnTình Tôi của Anh Hoa.


    Khoảng năm 1960, phiên bản lời Việt thứ ba, cũng mang tựa đề Ánh Đèn Màu, của tác giả Nguyễn Huy Hiển, được thu băng với tiếng hát Ánh Tuyết.


    Ánh Tuyết (1935-2017)


    Ánh Tuyết (1935-2017) nhắc tới ở đây là Ánh Tuyết sinh ở Hải Phòng, nổi tiếng tại miền Nam trong hai thập niên 1950-1960, với những ca khúc như Trăng Sáng Vườn Chè, Giấc Mơ Hồi Hương, Ánh Đèn Màu… chứ không phải Ánh Tuyết sau này, sinh 1961 tại Hội An, chuyên hát nhạc Văn Cao.


    Ánh Đèn Màu của Nguyễn Huy Hiển gồm một phiên khúc và một điệp khúc; sau điệp khúc, ca sĩ sẽ hát lại đoạn hai của phiên khúc với một câu kết khác.


    Ánh Đèn Màu (Nguyễn Huy Hiển)


    (1)


    Màn đêm buông dần xuống ánh đèn bừng lên

    Là em đem điệu hát cho người vui thêm

    Đời em đã là món quà quý đẹp trong làn mắt của ai

    Mà khi nếp nhăn vùi theo tháng năm đời chóng quên dần


    Đàn buông khúc trầm lắng tâm hồn mê ly

    Người mơ theo nhịp bước quên thời gian đi

    Để mình em thầm tiếc ngày tháng xa xưa

    Nhìn theo bóng đêm niềm vui khó quên dáng hình


    Điệp khúc:


    Ngày ngày ấy muôn màu tóc huy hoàng còn rỡ ràng

    Mình em với tháng năm sắc hương hầu đã phai nhòa

    Còn đâu phút ban đầu tiếng ca u hoài nức nở muôn thương


    Đàn buông khúc trầm lăng tâm hồn mê ly

    Người mơ theo nhịp bước quên thời gian đi

    Để mình em thầm tiếc ngày tháng xa xưa

    Nhìn theo bóng đêm lòng em xốn xang lỡ làng.


    Trước khi giới thiệu Ánh Đèn Màu của tác giả Nguyễn Huy Hiển với tiếng hát Ánh Tuyết, chúng tôi cũng xin lưu ý độc giả về hai cái sai trong các video clip Ánh Đèn MàuÁnh Tuyết trên Internet hiện nay:


    Một số video clip đã ghi sai tên tác giả là Nguyễn Xuân Mỹ, trong khi một số khác không hề ghi tên tác giả; và một số đã sử dụng hình nữ ca sĩ… Giao Linh!


    Phụ lục 4: Ánh Đèn Màu (Nguyễn Huy Hiển), Ánh Tuyết



    Cuối cùng là hai phiên bản của Phạm Duy.


    Theo lời kể lại của chính ông, vào năm 1973, ông đã soạn lời Việt cho ca khúc Eternally với tựa đề Ánh Đèn Sân Khấu, do nhà xuất bản Bút Nhạc ở Sài Gòn ấn hành tháng 8/1973. Sau khi ra hải ngoại, cô cháu Ý Lan muốn thu đĩa bản này nhưng ông đã quên lời hát cũ, bèn đặt lời hát mới với tựa đề Đời Ca Nhi.


    Đời Ca Nhi gồm hai phiên khúc, không có điệp khúc, nhưng sau khi hát xong phiên khúc hai, Ý Lan đã nói mấy câu “Tôi hát cho đời, tôi hát cho người, tôi hát cho tôi…” trước khi kết thúc bằng bốn câu sau cùng của phiên khúc hai với một câu kết khác.


    Đời Ca Nhi


     


    (1)


    Màn nhung đen mờ với ánh đèn màu soi

    Để em tung mờ tiếng ca ngọt làn môi

    Đời thiêu thân thèm lao vào ánh đèn soi đầm ấm đêm nào

    Để đom đóm kia nhiều khi cháy tan cả xác lẫn hồn.




    Đời ca nhi mờ tối dưới mặt trời vui

    Chỉ bừng lên vào lúc ánh đèn màu soi

    Toả hào quang rực rỡ vào mắt môi ai

    Người ca sĩ mong đừng tan bóng đêm suốt đời


     


    (2)


    Màn nhung đen mờ với ánh đèn màu soi

    Để em tung mờ tiếng ca ngọt làn môi

    Đời thiêu thân thèm lao vào ánh đèn soi đầm ấm đêm đầu

    Để đom đóm kia nhiều khi cháy tan cả xác lẫn hồn.




    Còn xuân xanh để khiến cho đời mê man

    Rồi nhan sắc giọng hát phai cùng thời gian

    Người ca sĩ chờ khi đèn tắt trong đêm

    Màn buông xuống cho đời quên lãng mau dáng huyền


    (Người ca sĩ mong đừng tan bóng đêm suốt đời).


    LƯU Ý:


    Mặc dù tựa đề chính thức của ca khúc lời Anh là Eternally nhưng hầu hết phiên bản lời Việt đều chỉ ghi tên cuốn phim (Limelight); và tựa đề Đời Ca Nhi do Ý Lan hát cũng bị ghi là… Ánh Đèn Màu!


    Phụ lục 5: Đời Ca Nhi, Ý Lan



    Cuối cùng, theo một số người, trước đây nữ ca sĩ Thanh Lan cũng từng đặt lời Việt cho ca khúc Eternally; cách đây mấy năm còn thấy phổ biến trên YouTube, nhưng nay không còn nữa.


    HOÀI NAM


     




    ©T.Vấn 2018


    Last edited by Nguyen Huu Thien; 11-15-2018, 09:52 PM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X