Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Giành đất ruộng ở rừng cấm

Collapse
X

Giành đất ruộng ở rừng cấm

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Giành đất ruộng ở rừng cấm

    Giành đất ruộng ở rừng cấm
    Hoànglonghải

    Trên đường Rạch Giá – Hà Tiên, đoạn giữa hai cây cầu Lỳnh Quỳnh và Vàm Rầy, là ranh giới hai xã Tín Đạo và Đức Phương, cùng thuộc quận Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Ngay đây có một cái đồn, gọi là Đồn Giữa. Phía biển con đường nầy, theo địa bộ, ghi là rừng cấm.

    Thực ra, vùng nầy có rừng núi gì đâu! Đây là một vùng đất thấp, do phù sa sông Cửu Long bồi lên mà thành, thiếu nước ngọt, chỉ có mấy cái rạch cạn toàn là phèn nên không canh tác gì được. Có lẽ hồi xưa, có người Miên ở, nay họ cũng đã đi hết rồi, chỉ để lại những cái tên, như Lỳnh Quỳnh, tên nghe thì hay nhưng đó là tên Miên, không phải tiếng Hán Việt.

    Thời kỳ thực dân còn cai trị, sau khi khai thác vùng Cờ Đỏ ở Long Xuyên, vùng Nam Thái Sơn, vùng kinh Hãng ở Tà Keo, Rạch Giá, Tây cũng có dự tính làm ruộng ở vùng nầy, nên chúng khoanh vùng lại, gọi là rừng cấm, thuộc công thổ, không cho ai khai thác. Nói cho ngay, nếu không có thế giới chiến tranh thứ hai, Tây không đầu hàng Đức thì vùng nầy cũng có thể là vùng ruộng nương trù phú rồi.

    Sau hiệp định Paris 73, dân Xóm Mới (Gò Vấp) theo lời khuyên và đóng tiền cho Linh mục Nguyễn Thượng Uyển, vô làm ruộng ở Tà Keo, bị Việt Cộng giết hai người, bắt dẫn đi mất tích hai người. Nay họ cũng nghe lời cha Uyển, dựng chòi, cắm cọc giăng giây tính làm ruộng ở đây, nằm theo trục lộ Rạch Giá – Hà Tiên, vì vùng nầy an ninh hơn. Tất cả khoảng vài chục dân, phần nhiều là đàn ông.

    Tôi lái xe đi ngang qua, thấy quang cảnh, cũng đâm lo. Đây là đất “công thổ’, tự nhiên có người đến chiếm đất lập ruộng vườn. Ai chịu trách nhiệm? Hôm sau, tôi cùng ông Phó Đốc sự Nguyễn Đức Nghiêm”, Phó quận Trưởng, cùng xuống xem tình hình ra sao! Ông Phó Nghiêm nói rằng đồng bào chẳng được phép tắc gì cả, tự dưng nghe lời cha Uyển, đến đây “giành đất”, là không được. Ít ra, họ phải xin phép quận, cho làm ruộng tạm thời một hai mùa, sau đó, sẽ trả lại đất cho chính phủ hay xin hợp thức hóa.

    Từ Vàm Rầy, ngó lên phía Bắc, phía núi Cô Tô bên Châu Đốc, xa khoảng năm sáu chục cây số, là vùng hoang hóa. Hồi trước 1945, đất phần nhiều là ruộng ông Chủ Ri, ông Thầy Ban, nay bỏ hoang. Ai muốn vô đó xin làm ruộng một hai mùa, thì xin phép quận. Quận chấm tọa độ, cho ông X, ông Y nào đó tạm làm một hai mùa. Công việc rất dễ dàng, có thể mời ông quận, ông phó quận ly càphê là xong. Nếu trúng mùa, biếu hai ông mỗi ông một chai Henessy cổ đen (loại nầy ngon hơn cổ vàng, đúng “gout” dân nhậu Rạch Giá). Ấy là tôi nghe ông Phó Quận Nguyễn Đức Nhiêm kể lại như vậy. Đằng nầy, chẳng cần giấy tờ phép tắc chi hết, tới giăng giây giành đất, cất chòi, coi như đất ruộng của mình, là xong.

    Đang khi tôi và ông phó Nghiêm ngồi nghỉ mệt bên đường thì có một người đàn bà, trạc 30 tuổi đến hỏi tôi và ông Phó Quận là ai, xong, bà chìa ra một cái “bằng khoán”, cho biết rằng đất nầy của em bà, một ông Đại úy Hải Quân, đang bị đồng bào chiếm. Bà ta nhờ can thiệp.

    Ngạc nhiên về chuyện ấy, tôi hỏi ông Phó Nghiêm:
    – “Rừng cấm là thuộc quyền trung ương, bằng khoán thì bộ hay phủ thủ tướng cấp. Ông tỉnh trưởng địa phương đâu có quyền cấp bằng khoán nầy? Ông Phó học Quốc Gia Hành Chánh ra, chắc biết rõ hơn tui!”

    Phó Nghiêm cười, trả lời tôi:
    – “Ông hơi đâu mà lo! Cờ tới tay ai nấy phất. Mấy ông nhà binh biết hay không, cứ làm đại. Cái dù che cái cán là xong. Bọn tôi xuất thân trường hành chánh, nhưng chỉ làm phó, quyền hành gì đâu. Trình lên mà ông Tỉnh Trưởng, ông không nghe thì làm gì ổng?”

    Tôi nói:
    – “Biết vậy, nhưng không làm cũng không xong. Mấy ông xếp bên tôi cũng là quân đội biệt phái như tôi vậy. Nhiều ông ẩu lắm. Cơ quan thi hành luật pháp mà vi phạm luật pháp mới buồn cười.”
    Phó Nghiêm nói:

    – “Luật pháp là của giai cấp thống trị, của người có quyền. May ra, hết chiến tranh, quyền cai trị trả lại cho dân sự, cho hành chánh, có dân chủ thật sự, quyền hành thuộc về dân thì tình hình mới ổn định được.”

    Nhớ chuyện ông Chủ Ri, tôi hỏi:
    – “Việc bồi thường truất hữu cho ông già bà thủ tướng xong chưa?”
    – “Xong rồi!” Phó Nghiêm nói. “Tôi chỉ xác nhận trước 1945, đất của ông ta theo địa bộ thì chừng đó. Còn bồi thường là do bộ Cải Cách Điền Địa.”
    – “Tiền chắc khẳm. Ruộng ông ta nhiều lắm!” Tôi nói.

    Cách mấy tháng trước, tôi đến văn phòng quận thì gặp ông Chủ Ri từ Saigon về, đang ngồi với quận trưởng. Tôi hơi ngạc nhiên về cách phục sức của ông. Theo người ta nói thì ông là người gốc Tây Ban Nha lai Miên, trước làm ruộng ở kinh Xà Tón, còn gọi là Kinh 1. Kinh nầy nối dài từ Châu Đốc về tới kinh Rạch Giá – Hà Tiên. Nhờ con kinh nầy đem nước ngọt về, nên vùng đất của ông Chủ Ri ở Vàm Rầy thuộc xã Đức Phương làm ruộng được, đất rất tốt. Ông cho đào thêm một con kinh nữa, nối từ kinh 1 vô ruộng của ông, trong bản đồ ghi là Kinh Chủ Ri. Phía bên kia Kinh Xà Tón là đất của ông Thầy Ban, cũng có Kinh Thầy Ban, đối xứng với Kinh Chủ Ri. Tôi không rõ gốc gác ông Thầy Ban nầy.

    Ông Chủ Ri phải nuôi tới 200 con trâu để cầy ruộng cho ổng và cày thuê cho người ta. Tới “mùa nước nổi”, là nước lên khắp cả ruộng đồng, không có cỏ cho trâu ăn. Cũng như người ta, ông phải cho lùa trâu lên vùng Thất Sơn (Bảy Núi – nói theo Việt Cộng) để có cỏ cho trâu ăn. Tới khi nước rút, cỏ lại mọc, người ta lại lùa trâu về. Công việc nầy gọi là “len” trâu. Mùa nước nổi nầy gọi là “Mùa len trâu”. Len là tiếng Miên. Đây cũng là một truyện (Mùa len trâu) trong “Tìm hiểu đất Hậu giang” của Sơn Nam, truyện đã được quay thành phim.

    Hôm đó, ông Chủ Ri ăn mặc như một nông dân giàu có ở miền Tây, mặc dù ông đi xe Toyota Crown, có tài xế riêng. Nghe nói trước 1945, nhà ông cũng đã có xe hơi riêng và có tài xế rồi (1). Ông Chủ Ri mặc một bộ đồ bà ba trắng tinh, mang dép da, tóc hớt cao, chớ chẳng veston, cà-vạt, giày da gì cả như tôi nghĩ. Giữa chỗ ngồi ông Chủ Ri và ông quận trưởng là một cái bản đồ vùng Vàm Rầy, đặt trên một cái giá gỗ. Ông Chủ Ri đưa bàn tay khá to của ông chụp lên vùng kinh Chủ Ri mà nói với ông quận trưởng: “Ruộng của tôi là chỗ nầy. Ông quận xác nhận cho tôi.”

    Bàn tay hộ pháp của ông chụp lên vùng đó thì coi như ông có cả ngàn mẫu ruộng. Một ngàn mẫu ruộng bị truất hữu, lại có ông con rể là “Đại tướng Thủ tướng”, tôi nói ông ta lảnh khẳm tiền là do suy đoán như thế.

    Mấy ông chủ điền, năm 1945, sợ Việt Minh, bỏ chạy lên thành phố, ruộng giao cho tá điền muốn làm gì thì làm, có đóng tô cho ông chủ điền hay không, ông chủ điền cũng đành chịu, đâu dám về mà đòi tô, hoặc ruộng bỏ hoang hết rồi. Vợ đại úy Nguyễn Van Dưỡng, thường được gọi là “Dưỡng lèng èng” vì tính anh ta hay than phiền nầy nọ; bạn cùng “khóa tù cải tạo” với tôi, bà nầy là em gái bác sĩ Nhan Trừng Sơn ở Saigon, và ông Trung tá Pháo Binh Nhan Trừng Lâm của Sư Đoàn 21, kể rằng, trước 1975, đến mùa, bà về thu tô của tá điền, có người đóng chút ít, có người không. Đóng là vì thương tình ông hội đồng ngày trước biết thương nông dân, ai quên thì bà con gái ông chủ điền rán chịu. Nay bỗng có chương trình “Người Cày Có Ruộng”. Chủ điền thì được bồi thường bạc triệu. Nông dân thì được cái bằng khoán làm chủ mẫu ruộng mình đang canh tác, chẳng còn ngại ngùng gì tới ông chủ điền cả, thấy khỏe bụng nhiều.

    Nhưng đó là “đòn độc” của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

    Nông Dân đang làm chủ miếng ruộng của mình, có bằng khoán hẳn hoi. Sau 1975, Việt Cộng bắt vô “Hợp Tác Xã” hết. Nông dân mất ruộng, bằng khoán trở thành miếng giấy lộn mà cày cấy được bao nhiêu, chủ tịch xã, bí thư xã, chủ nhiệm hợp tác xã chia nhau ăn hết; “quá cha” ông chủ điền ngày xưa. Nông dân chỉ còn cái cọng lúa. Thành ra, người dân không muốn chống Cộng cũng phải chống, muốn yên thân cũng không yên được. Tôi nói đòn độc của ông Thiệu là nghĩa như vậy.
    Về điều nầy, tôi phải tự hào một chút mới được bởi vì mấy thầy, mấy quan lớn ngồi ở tỉnh, ở Saigon, đâu có lặn lội từng ấp, từng xã, từng quận như tôi mà biết dân tình như thế nào.

    Lại nữa, điều nầy cũng là nguồn gốc của phong trào dân oan đòi đất bây giờ đấy.

    Đất là nguồn sống bức thiết của nông dân. Có đất thì sống, có nơi để làm nhà che mưa che nắng. Hồi xưa, chủ điền có đất giao cho nông dân tá canh thì chủ điền có cơm mà ăn, nông dân có cháo mà húp, nôm na thì gọi là “Kẻ ăn cơm, người ăn cháo”. Nay đất thuộc về nhân dân, đất là của nhân dân, không ai có quyền có đất. Đó là nói theo luận điệu Việt Cộng. Khổ nỗi, đất của nhân dân nhưng “nhà nước quản lý” mà thực tế, nhà nước là cán bộ đang nắm quyền làm chủ đất, có nghĩa là cán bộ trở thành chủ đất, chủ điền. Cán bộ phần đông thuộc hàng “ba đời đi ở, bốn đời làm thuê”, hay còn gọi là “tam đại bần nông, tứ đại khố rách”. Nay cán bộ nắm quyền giữ đất trong tay thì xài cái quyền đó thả xăng cho thỏa mối hận ba đời không có miếng đất cắm dùi. Cán bộ muốn làm gì thì làm, làm cho dân oan điêu đứng cũng là cách “trả thù đời” của cán bộ vậy, đâu cần nhân đạo, từ bi, phúc đức gì như ông bà xưa cho rắc rối.

    Sự việc như thế, tâm lý cán bộ như thế, lòng tham như thế thì nếu như – tôi nói nếu như – Nguyễn Tấn Dũng có muốn đem công lý tới cho nông dân cũng không thể làm được. Nguyễn Tấn Dũng có mọc ba đầu sáu tay thì cũng thúc thủ trước những vụ dân oan khiếu kiện bây giờ.

    Như tôi có nói, Chủ Ry là tên gọi tắt ông chủ điền Henry. Thân sinh ông là người gốc Tây Ban Nha, lai Miên, mẹ là người Việt Nam. Cách sinh hoạt của ông y như một người Việt Nam, nhưng dân chúng địa phương nhiều người biết gốc gác ông như tôi vừa nói ở trên.

    Ông về làm ruộng ở đây từ lâu lắm, có thể từ đời thân phụ ông. Không ai biết rõ ông làm chủ điền từ lúc nào vì khi tôi về làm việc vùng nầy thì gia đình ông đã chạy trốn Việt Minh, lên ở ngay thị xã Rạch Giá từ 1945 hay 46 gì đó.

    Ruộng ông Chủ Ry nhiều lắm. Từ ngã ba kinh Tám Ngàn, còn gọi là Kinh 1 hay Kinh Xà Tón, ngó ngược lên phía Bắc, bên tay trái là ruộng của ông Chủ Ri, bên phải là ruộng của ông Thầy Ban. Hai ông nầy ruộng ngang ngữa bằng nhau. Bên phía ruộng Chủ Ri, thì có kinh Chủ Ri, lấy nước ngọt từ Kinh 1 vào để rửa phèn làm ruộng. Đối xứng bên kia Kinh 1 thì có kinh Thầy Ban. Giữa hai khu ruộng nầy là Kinh 1, kinh nầy lấy nước từ sông Bassac, tức là sông Hậu, ở ngang Châu Đốc dẫn về tới kinh Rạch Giá – Hà Tiên. Những năm chiến tranh, ruộng nầy bỏ hoang, kinh nầy cũng bị bỏ hoang, không nạo vét gì cả, nhiều chỗ đất bồi nên cạn xợt, Mùa nước cạn, ghe thuyền không qua được, chỉ chờ khi nước nổi, mực nước sông Hậu dâng cao, đổ về ghe mới qua được chỗ nông. Dĩ nhiên, mùa cạn, ghe tàu không còn theo đường nầy lên Châu Đốc, tình trạng cũng giống như kinh Vĩnh Tế, – kinh nối liền Hà Tiên, qua Giang Thành, tới Châu Đốc vậy.

    Kinh 1 cũng đụng với kinh Kháng Chiến, là đường giây di chuyển 1-C của Việt Cộng. Dân chúng sợ gặp Việt Cộng nên không dám đi. Việt Cộng cũng cấm dân chúng đi ngang, sợ bị lộ, nhất là những khi chúng chuyển quân đông hay vận chuyển quân dụng, vũ khí, v, v…

    Ruộng thì ở trong kinh, nhưng ông Chủ Ry làm nhà ở kế bên lộ 8-A, con lộ nối liền Rạch Giá – Hà Tiên, chỗ gần ngã ba Kinh 1 và kinh Rạch Giá – Hà Tiên gặp nhau. Khi gia đình ông Chủ Ry sợ Việt Minh chạy trốn lên thị xã Rạch Giá thì nhà cửa ông Chủ Ry hư hại, bị Việt Minh phá hay đốt cháy hết, chỉ còn lại những cái nền gạch, và những ngôi mộ chôn cất ông bà tổ tiên ở trong một cái nghĩa trang nhỏ nằm kế đường đi. Mộ nầy xây gạch, sơn trắng, có người chăm sóc. Đi ngang đoạn đường nầy, hướng đi Hà Tiên, người ta dễ thấy nghĩa trang nầy nằm bên trái, cạnh đường đi.

    Trước 1945, gia đình ông Chủ Ry ở đây, các con ông cũng học hành lớp 1, lớp 2 ở tại đây. Tôi đoán chừng vậy vì không biết hồi ấy, ở đây có trường tiểu học nào không. Có tên Tư Trạng, bị tôi bắt sau vụ Việt Cộng tấn công vào trụ sở xã và cảnh sát, phân chi khu xã Đức Phương nầy vào dịp sinh nhựt Hồ Chí Minh (19-5), khai rằng hồi nhỏ, (trước 1945) anh ta là bạn học với chị Tư Nết ở Vàm Rầy. Chị Tư Nết là tên gọi tắt cô Annette, con thứ Tư ông Chủ Ry. Sau nầy cô Tư Nết là vợ ông Đại Tướng Trần Thiện Khiêm.

    Tôi không rõ khu nhà tá điền của ông Chủ Ry ở đâu. Dọc hai bên trục lộ nầy, nếu nhà tá điền ở gần nhà ông, thì sau 1945, chắc chẳng còn gì nếu như là nhà tranh. Thực ra, vùng nầy không có nhà ngói, chỉ có vài cái nhà gạch lợp tôn, nhưng có lẽ mới dựng sau nầy, những năm hòa bình (sau 1954). Bây giờ, khu vực gần cầu Vàm Rầy và dọc theo trục lộ, gần ngã ba các kinh nói trên, chỉ toàn là nhà tranh của dân mới tới định cư. Ngay cả Xóm Biển cũng vậy. Xóm Biển là xóm nhà dân, nằm dọc kinh Vàm Rầy, là kinh nối liền kinh Rạch Gia – Hà Tiên với biển. Nhờ làm nghề biển, xóm nầy tương đối khá giả, nhiều nhà có TV chạy bằng bình điện, có ăng-ten TV chĩa lên trời. Có lần, tôi đến nhà ông Tư Sậm, chủ ghe biển ở đây, xin con cá chẽm khô cho ông anh bà con ở Saigon, nói đùa với ông ấy: “Hồi Tết Mậu Thân, ngoài Huế, nhà nào có ăng-ten TV đều bị Việt Cộng bắt. Họ nói nhà đó có điện đài liên lạc với địch. Ông và dân xóm ông nhiều “điện đài” như vậy, có sợ Việt Cộng không?” Ông ta cười, trả lời: “Việt Cộng ở đây khác với Việt Cộng ngoài đó. Ở đây là con Sáu Lánh chớ ai đâu!”

    Xin nói qua chuyện “Con Sáu Lánh” một chút.

    Con Sáu Lánh nhà ở ngã Ba kinh Xà Tón, tức là gần nhà ông Chủ Ry cũ. Con nhỏ ham coi cải lương, tối thứ bảy nào cũng vào Xóm Biển coi cải lương trên TV nhà Tư Sậm. Chương trình cải lương chấm dứt khuya lắm. Trên đường về, Sáu Lánh đi một mình. Khi ngang qua trường học, nó bị con trai Tư Sậm dụ vào trường học rồi hiếp dâm. Việc thưa ra tòa. Con trai Tư Sậm khai là con nhỏ đồng ý; con Sáu Lánh thì khai rằng có chống cự nhưng chống không lại vì con trai Tư Sậm mạnh quá! Cả hai đứa đều tuổi vị thành niên. Con Tư Sậm mà vị thành niên gì nữa. Nó đã trên 20, nhưng khai nhỏ tuổi, dùng giấy khai sinh giả để trốn quân dịch. Tư Sậm bỏ tiền lo cho con vì nó còn trẻ, mạnh khỏe, lái ghe và đánh cá cho cha mỗi ngày. Mất nó thì Tư Sậm như mất một cánh tay. Không biết tòa xử như thế nào mà con Sáu Lánh thua kiện. Ức tình, con nhỏ bỏ nhà thoát ly, theo Việt Cộng. Còn con trai Tư Sậm thì bỏ nhà trốn ra sinh sống ngoài Hòn Nghệ cho dễ trốn quân dịch.

    Hôm Việt Cộng đánh vào xã, con Tư Lánh có mặt trong đám du kích. Đại úy Danh Lon, trưởng ban 2 Chi Khu, hôm đó, chỉ huy trung đội nghĩa quân đóng ở đầu cầu Vàm Rầy, thấy rõ con Sáu Lánh đặt cây súng trung liên bar bên hông chợ bắn vào đồn của Danh Lon. Cây súng nầy nó lấy được của phân chi khu Đức Phương. Bắn xong, con nhỏ còn cười, nói lớn, nhiều người trong chợ cũng nghe: “Súng của ngụy bắn đã quá!” Kể lại chuyện đó cho tôi, đại úy Danh Lon còn nói đùa: “Súng của thằng con trai Tư Sậm bắn không đã nên con nhỏ mới theo Việt Cộng đó!” Nói xong, Danh Lon cười. Tôi hiểu ý đen trong câu nói của ông ấy, nên cũng cười theo.

    Cầu Vàm Rầy bắt ngang qua con kinh Vàm Rầy nầy. Những năm Việt Minh mới cướp chính quyền, gia dình ông Chủ Ry chưa chạy lên Rạch Giá, mỗi khi “Thổ dậy”; từ xóm Miên (người ta không gọi là Xóm Thổ, sợ lầm với nhà thổ chăng?), dân Miên cầm chà gạc xuống tấn công, giết chóc và đốt nhà người Việt Nam ở gần cầu Vàm Rầy, thì ông Chủ Ry đứng ra can thiệp. Nghe tin “Thổ dậy”, ông cầm cây súng dài – Ông là dân Tây, có quyền mua súng – ra đứng trước nhà ông, chờ người Miên tới gần, ông nói tiếng Miên, biểu họ lui.

    Xong, ông đưa súng lên trời bắn đùng một phát. Thế là dân Miên sợ, bỏ chạy lui hết. Xóm làng yên ổn trở lại. Người ta nói ông Chủ Ry, tuy gốc Miên lai Tây Ban Nha, nhưng ông cũng có máu lai Việt và bênh vực người Việt Nam. Cũng có thể ông thấy chuyện “Thổ dậy” là sai nên đứng ra can thiệp.

    “Thổ dậy” là hiện tượng xáo trộn ở thôn quê miền Tây Nam Bộ thời Việt Minh, khi quân Pháp chưa tái chiếm vùng nầy. Bấy giờ Việt Minh yếu thế lắm, không giữ được an ninh trật tự cho xóm làng. “Thổ dậy” cũng là hiện tượng trả thù của người Miên vì người Miên cho rằng người Việt, từ các đời chúa Nguyễn, đã cướp đất đai của họ. Trong dân chúng Miên, người ta đồn đãi nhiều về những việc ác của quan An Nam đã làm khi họ chiếm đất của Miên, tạo thành những mối thù dân tộc truyền kiếp đã có từ lâu lắm. Khi bọn Khmer Đỏ cai trị Kampuchia, để chống Việt Nam, mối hận thù dân tộc nầy cũng được khơi dậy, thêm thắt cho ly kỳ gay cấn. Những chuyện tàn ác như chuyện đào kinh Vĩnh Tế hồi ông Thoại Ngọc Hầu làm quan ở đây, được thêm thắt tô vẽ nhiều lắm. Khi tôi làm việc ở vùng nầy, tôi cũng cảm nhận được điều đó khi tiếp xúc với người Miên, mặc dù người Miên ở đây không ròng, có nghĩa họ là người Miên lai Tàu, địa phương thường gọi họ là “đầu gà đít vịt”.


    Khi Việt Minh tổ chức vận động “Toàn dân kháng chiến” chống Pháp, thì người em út ông Chủ Ry, thường gọi là chú Út, tham gia Việt Minh và bị Tây giết.

    Giữa năm 1974, khi tôi đang trên đường từ Hà Tiên đi Rạch Giá, thì Thiếu úy Nguyễn Minh Chiếu, trưởng cuộc Cảnh Sát xã Đức Phương, báo cho tôi biết có “Anh Hai Re” về thăm. Hỏi thêm mới biết “Anh Hai Re” là con trai trưởng ông Chủ Ry, tức anh bà đại tướng, thủ tướng. “Re” có phải tên tắt của Robert (hay André)? Tôi ghé lại Đức Phương, gặp anh ta đang ngồi uống càphê trong một tiệm hủ tiếu ở chợ xã. Anh nhờ tôi tìm giùm mộ chú Út. Anh ta cần đi gấp, ra Phú Quốc, bàn chuyện khai thác gỗ ngoài đó nên không có thì giờ. Tuy nhiên, thấy ông ta đã hơn 40 mà trên xe Jeep của ông có một cô gái đẹp lắm, mới khoảng 20 tuổi, thì tôi đoán chừng được tại sao ông ta không có… thì giờ. Cô ấy là “bạn gái” của ông, như ông giới thiệu.

    Sau đó, tôi hỏi mấy cụ già địa phương để tìm mộ chú Út giùm, theo lời “Anh Hai Re” nhờ. Ông Út bị Tây bắn năm ông khoảng ngoài 20 tuổi, hồi đầu kháng chiến chống Pháp. Lúc nầy gia đình ông Chủ Ry đã chạy trốn Việt Minh lên Rạch Giá rồi, nên khi “chú Út” chết thì dân địa phương lo việc chôn cất. Thay vì đem về chôn ở nghĩa địa chung của gia đình, dân chúng chôn ở bên kia kinh, ngay chỗ ông ấy bị Tây bắn, sát bờ đất, gần ngã ba Kinh 1 với kinh Rạch Giá – Hà Tiên. Ngôi mộ nầy bị mất dấu tích, không tìm lại được vì M-113 lên xuống ở bờ kinh nầy nhiều lần, bánh xích càn mất mộ. Mộ lại chẳng có bia hay làm dấu tích gì cả. Các cụ già chỉ cho tôi chỗ ngôi mộ ấy, đoán chừng ở một khoảnh đất trống bên bờ kinh, không chắc ở chỗ nào. Khi mất, ông Út chưa có vợ con gì.

    Những người như chú Út rất đáng thương tâm. Việt Minh thì cho rằng ông là em ông chủ điền đã trốn Việt Minh, theo Tây lên Rạch Giá, nên không ngó ngàng gì tới. Vả lại, ông ta chết sớm, còn nếu như không chết thì cũng không chắc ông ở với Việt Minh được. Ông đâu phải là gốc “tam đại bần nông, tứ đại khố rách”. Còn phía Quốc Gia thì cho rằng ông ấy theo Việt Minh, làm sao lập mộ, lập bia “Tổ Quốc Ghi Ơn” cho ông ta. Đó là cái oái oăm của lịch sử, cái trớ trêu của số phận, mà những người yêu nước, theo Việt Minh chống Pháp, hy sinh. Rồi dân tộc Việt Nam, hoặc vì bị bên nầy khống chế, bị bên kia cai trị, chẳng ai có chút công tâm để ghi ơn những người thực sự đã vì tổ quốc, dân tộc mà bỏ mình, không vì đảng phái hay phe nhóm nào cả, mồ mả không ai ngó ngàng, chăm sóc, đến nỗi không biết thân xác nằm ở chỗ nào, xiêu lạc nơi đâu. Đúng là “mồ xiêu mả lạc” như tục ngữ nói.

    Sao người ta vô ơn quá vậy!

    Công tâm mà xét, ông Chủ Ry và em ông, chú Út, là người Việt Nam chân chính. Rõ ràng lắm, khi Thổ dậy, ông Chủ Ry can thiệp để người Miên không giết chóc trả thù người Việt Nam được, giữ gìn an ninh cho họ. Khi Nam Bộ Kháng Chiến nổ ra thì em ông Chủ Ry đi theo Việt Minh đánh Pháp giành độc lập. Việc ông Chủ Ry đem gia đình chạy lên Rạch Giá, vùng Tây chiếm đóng cũng là việc bình thường. Ở lại, Việt Minh giết ông và vợ con ông ta sao!? Việt Minh đẩy ông ta vào cái thế theo Tây, chứ nếu ông ta muốn theo Tây từ đầu thì chú Út theo Việt Minh làm chi?

    Trên đường Rạch Giá – Hà Tiên, ngoại trừ xã Mỹ Lâm, quê hương Nguyễn Tấn Dũng có rất ít người Miên, còn những xã còn lại, hoặc người Miên đông hơn người Việt hoặc ngược lại. Những xã ấp có tên từ gốc Miên như Sóc Soài, Sóc Sơn, Lỳnh Quỳnh người Miên hoặc Miên lai Tàu chiếm tám chín mươi phần trăm, một ít người Việt làm nghề buôn bán. Người Miên không rành buôn bán, mặc dù có người Miên lai Tàu. Có máu lai Tàu mà chẳng có khiếu buôn bán như người Tàu chút nào cả.

    Trên con đường nầy, những ấp như Sóc Soài, Sóc Sơn, Lỳnh Quỳnh, Vàm (Dàm) Rầy, Xà Ngách, Bãi Chà Và, Ba Hòn, Hòn Chông, Cần Thăng, v.v… phần đông là người Miên, người Việt rất ít. Người Miên thật thà, chất phác, làm ruộng, làm rẫy, đánh cá, nuôi heo… Người Miên ở ấp Xà Ngách có thêm một nghề: Đập đá. Đá vôi, chủ lò vôi dùng thuốc nổ lấy từ trong núi, dùng ghe chở về lò vôi. Để đốt cho chín đều, vôi phải đập nhỏ, mỗi cục bằng nửa cái trứng gà. Một người đàn bà, còn đủ sức, mỗi ngày đập được hơn một khối đá, được chủ lò vôi trả cho mỗi khối 20 chục đồng tiền hồi đó, tính ra bằng giá hai tô hủ tiếu bán ở chợ. Vì nghèo nên rán mà làm thêm kiếm chút đỉnh tiền bạc, chớ chẳng giàu có gì được!


    Người Miên nuôi heo thả, không nuôi chuồng như người Việt. Con heo nái, khi sắp đẻ, nó vào rừng (rừng lau, sậy, cóc kèn, ô rô, v.v…) sinh con trong đó. Khi đàn heo con đã lớn, chạy quanh kiếm ăn được, heo mẹ đem heo con về.

    Trước chiến tranh (1945-75), vùng nầy rất nhiều cá, hầu hết là cá đồng, – người Miên ít ai làm cá biển – không ăn hết thì họ xây lò sấy cá cho khô. Lò sấy cá gọi là “lò bôm”. (Nay còn tên ấp Lò Bôm ở thị trấn Kiên Lương) để dành được lâu.

    Con trai lớn lên thì vào chùa tu, học kinh và học chữ Miên. Những người tu lâu, lớn tuổi được gọi là “ông lục”. Lên tới ông lục thì có thể ở tu luôn thành đại đức. Phần đông, khi tới 17 hoặc 18 tuổi thì về, không còn tu ở chùa nữa, trở lại đời sống bình thường, lấy vợ, lập gia đình, có con cái. Thời chiến tranh, khi tới tuổi đi lính thì họ trình diện vào quân đội hoặc xin vô cảnh sát, xây dựng nông thôn, v.v… ít ai trốn quân dịch hay đào ngũ. Những vùng xôi đậu, cũng có một số ít người “thoát ly”. Theo Việt Cộng, ít ai được làm ông lớn vì bản tính thật thà, không được Việt Cộng tin tưởng. Dương Nganh, tự Xà Rum, trước theo Việt Minh, sau theo Việt Cộng, nghĩa là theo Cộng Sản từ lâu, cũng chỉ làm tới bí thư xã Dương Hòa, được ít lâu cũng bị ra rìa. Hai Ngộ, tên đầy đủ là Nguyễn Văn Ngộ, người Việt lên thay.

    Người Miên xứ nầy cũng “làm biếng” như người Miên bên xứ Kampuchia, có nghĩa là khi có việc gì nặng nhọc, người đàn ông mới làm, như làm ruộng, đào mương, đào kinh, đắp đê, đánh cá… Còn thường ngày, không có việc gì nặng nhọc thì họ cứ tà tà, buổi sáng ngồi hút cần sa, chiều ra quán hay mua rượu đế về nhà uống. Mọi việc trong nhà, nuôi heo, nuôi gà, làm đường thốt nốt, nấu ăn, chăm sóc con cái thì người vợ cáng đáng cả.

    Người Miên hút thuốc lá, thường do họ tự trồng lấy, hút được rẻ. Họ không đủ sức mua thuốc làm sẵn cho vào bao, dù đó là thuốc Basto xanh hay đỏ.

    Hầu hết họ sùng tín đạo Phật, phái tiểu thừa. Họ không đi chùa thường ngày rằm và mồng một như người Việt. Nhưng mỗi năm vài ba lần đi chùa thì chăm lắm, bận việc mấy các cô các bà cũng đi. Họ gọi là đi “làm phước”. Không làm phước thì không được phước. Họ tin như vậy. Các tu sĩ ở chùa Miên thường không giàu có gì, như chùa ở các nơi khác hay ở Mỹ nầy vậy!

    Một năm, ông lục ở chùa Ba Hòn mời tôi tới ăn đồ cúng, nhân một dịp lễ nào đó, tôi không nhớ. Họ quí mình lắm mới mời ăn chứ thường ra, cuộc sống họ khép kín, ít quan hệ với người ngoài xứ sở của họ. Biết vậy nên tôi buộc lòng phải đi. Người Miên không ăn chay, cũng cúng mặn, cũng heo gà là món ăn thường, do họ tự nuôi lấy. Đang ngồi ăn, thấy ông lục ngồi tiếp tôi ở trước mặt, tay ông đầy ghẻ, khiến tôi nghẹn lại. Họ cũng như người Việt ở thôn quê, cuộc sống còn lạc hậu, thường ở dơ.

    Vùng nầy ít nghe nói bùa phép, nhứt là bùa cà-tha mà người ta nói rất thiêng. Tuy nhiên, cũng có vài nhà – phần đông là người Miên lai Tàu – dùng “thuốc”, nghĩa là bùa có chất độc, đụng nhằm thì chỉ có chết, không cứu cấp gì được vì không biết bệnh gì. Lính tráng đi hành quân, thấy có ớt ngon, hái một ít bỏ túi về ăn cơm. Có người Miên ở ấp Hòn Chông chơi độc, thuốc vào cây ớt, ai ăn nhằm “trúng thuốc” mà chết. Tôi hỏi một người Miên, lính của tôi, “thuốc” như thế nào thì anh ta giải thích: “Chặt đầu một con rắn độc chôn vào gốc ớt. Ai ăn nhằm, bị độc mà chết.” Việc “bỏ thuốc” như thế nầy, thường xảy ra ở vùng người Miên. Những chữ tôi viết trong ngoặc kép nói trên là tiếng địa phương nói về việc “thuốc” ấy.

    Cũng tại vùng nầy, người Miên lai Tàu thường có khuynh hướng theo Việt Cộng hoặc ghét Quốc Gia hơn là người Miên chính gốc. Tên Lâm Hải, trưởng ấp Rạch Đùng, xã Bình Trị (tên cũ là Hòn Chông), dẫn hầu hết đám Nhân Dân Tự Vệ ấp kéo vô rừng theo Việt Cộng. Hoặc ở ấp Cần Thăng, (xã Ba Hòn tức Dương Hòa), có tên Miên lai Tàu, phó trưởng ấp an ninh, làm địch vận, dẫn Việt Cộng vô tước hết súng của toán Nhân Dân Tự Vệ lúc người Miên đang ngủ.

    Ngược lại, ở xã Sóc Sơn, Nhân Dân Tự Vệ chống trả mãnh liệt khi Việt Cộng tấn công vào xã. Việt Cộng không những không chiếm được xã mà còn chạy trối chết, không kịp đem xác đồng bọn theo, bỏ lại không ít ngoài hàng rào trụ sở xã.
    hoànglonghải

    (1) Nhân đây cũng xin kể một chuyện tình 50 năm về rước để độc giả thấy phong cách sống của dân chủ điền Nam bộ ngày xưa.
    Khi vào trại tù cải tạo, tình cờ tôi ở chung đội với ông Năm Nho, Nguyễn Văn Nho. Ông già Nho đáng bậc tuổi cha chú tôi. Cũng vì tò mò, tôi hay tìm ông hỏi chuyện, những chuyện mà tôi có đọc trong các tiểu thuyết viết về Nam Bộ của ông Hồ Biểu Chánh như “Cha Con Nghĩa Nặng”, “Ngọn Cỏ Gió Đùa”, v.v… Ông già Nho, gốc là đại úy Cảnh Sát, biệt phái làm Trưởng phòng Công xa Hạ Nghị Viện, quê ở Sóc Trăng, cháu ngoại một ông chủ điền giàu lắm. Ông bà ngoại ông, mỗi năm được mùa, biểu ông lên Saigon hay Cần Thơ thuê gánh hát về hát cho tá điền coi chơi, khỏi mua vé.

    Ông Năm Nho ở với ông bà ngoại từ nhỏ, mẹ đi lấy chồng. Hình như ông ta tránh, không nói về cha ông hay bên nội ông là ai.

    Khi ông đã lớn, ông bà ngoại ông tính chuyện cưới vợ cho ông, bèn đánh tiếng với ông chủ điền ở Vàm Rầy. Bên đó bằng lòng. Mỗi năm vài lần, nhân dịp lễ tết xuân thu nhị kỳ, ông Năm lái xe hơi nhà – xe ông bà ngoại – từ Sóc Trăng qua Rạch Giá biếu quà cho ông bà già vợ tương lai. Ông Năm kể, giọng bùi ngùi: “Sau khi tìm hiểu gốc gác tôi, bên ông chủ điền xứ Vàm Rầy muốn từ chối, tỏ vẻ lạnh nhạt mỗi khi tôi mang quà qua thăm. Ông bà ngoại tôi biết họ chê gốc gác tôi không rõ ràng nên bèn thôi. Buồn tình, tôi đăng lính thủy, làm thủy thủ ngang dọc trên biển xa cho quên tình đời. Lâu lâu, tôi mới xin phép về thăm ông bà ngoại tôi. Thấy tôi bỏ quê, bỏ sự sản ra đi, ông bà ngoại tôi buồn lắm. Vì chiến tranh xảy ra, ông bà ngoại tôi lên Saigon, bỏ ruộng cho tá điền, chớ không thì không biết giao cho ai. Rồi tôi bỏ lính thủy, đi cảnh sát. Thấy người ta lấy chồng sĩ quan, rồi lên làm tướng, tôi cũng vui, cho rằng người ta có số cao, còn mình thì long đong. May lúc đó, ông bà ngoại tôi đã qua đời chớ không thấy tôi như vầy thì ông bà ngoại tôi buồn biết bao nhiêu!”.

    Viết thêm, nói lại cho đúng
    Sau khi cuốn “Hương Tràm Trà Tiên” được nhà Văn Mới xuất bản, (1054 West. Gadena Blvd Gardena CA 90248 tel: (310) 366-6867), tôi nhận được một cú điện thoại của cựu thiếu tá Đinh Văn Tuyền, ông là con trai của ông Chủ Ry, em “Chị Tư Nết”, tức bà cựu Đai tướng, Thủ tướng Trần Thiệm Khiêm. Ông Tuyền nói là ông được một người bạn đã đọc cuốn sách “Hương Tràm Trà Tiên” của tôi, rồi giới thiệu cho ông đọc cuốn đó. Ông ngõ lời cám ơn tôi đã viết về gia đình ông, và ông cho tôi biết thêm vài điều, nay tôi xin cải chính:

    Thân phụ ông Chủ Ry là một người Tây (Pháp), gốc ở đảo Corse, qua VN khi còn trẻ, điều khiển mấy chiếc xáng. Xáng là loại tàu có dụng cụ (gọi là xáng) để đào kinh. Chính ông là người đào kinh Long Xuyên – Rạch Giá (kinh nầy từ “Ngã ba lộ tẻ”, nối với sông Hậu (Bassac) với thị xã Rạch Giá, ra tới biển. Kinh dài gần 100km, rộng 30m. Nhờ kinh nầy mà việc giao thông từ Rạch Giá lên Cần Thơ, Saigon, v.v… được dễ dàng.

    Ông Tây nầy có vợ VN, là mẹ ông Chủ Ry. Khi về Tây, ông không đem vợ con theo.

    Còn một điều đang suy nghĩ nữa. Khi tôi hỏi cựu Thiếu Tá Đinh Văn Tuyền về việc bồi thường cho chủ điền, trong “Chương trình Người Cày Có Ruộng” của Tổng Thống Thiệu. Như tôi đã nói, ruộng ông Chủ Ry nhiều lắm, tiền bồi thường truất hữu chắc “khẳm”. Ông Tuyền cười (trong máy) rồi trả lời, “Không được đồng nào hết.” Tôi hơi ngạc nhiên nhưng chuyện dễ hiểu lắm. Ông Tuyền giải thích: Mấy thầy chú ở Bộ Canh Nông VNCH khi lập thủ tục bồi thường cho điền chủ, thường được các ông cựu điền chủ “lót tay” chút đỉnh. Chút đỉnh nhưng đủ mua nhà lầu xe hơi, có khi được ông cựu điền chủ gã con gái cho như ông bạn Bửu T. của tôi vậy.

    Ai dám nhận tiền “lót tay” của ông bố vợ Đại Tướng Thủ Tướng? Thế là hồ sơ “bồi thường truất hữu” của ông Chủ Ry bị “để đó”, cho tới 30 tháng Tư thì coi như “xong luôn”.


    Hoànglonghải


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X