Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tê đến đầu ngón chân

Collapse
X

Tê đến đầu ngón chân

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tê đến đầu ngón chân

    Tê đến đầu ngón chân
    Ara Phat

    Viết bài này nhớ tới mấy bạn tù của tôi quá, từ Trảng Lớn qua Đồng Ban đến Cây Cày A bao nhiêu là kỷ niệm trong những lúc quây quần bên chiếc điếu Cày, có lúc hết thuốc, cắt nửa bánh xà phòng thơm “cô Ba” đem đổi lấy một nắm thuốc lào để tối nay còn say với nhau, cái say này còn thú vị hơn cái say của nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Nói đến ông chợt nhớ lại bài Phương xa:

    Lũ chúng ta, lạc loài, dăm bảy đứa,
    Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh,
    ...

    Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ,
    Một đôi người u uất nỗi chơ vơ,
    Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,
    Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ.
    ...

    Những ngày mới vào nam, bắc kỳ 8 nút hay 9 nút như bọn nhỏ chúng tôi luôn phải đối mặt với đám trẻ con trong nam, bị tụi nó trêu chọc bằng những câu ca, nào là “Bắc kỳ ăn cá rô cây... dân rau muống luộc, nào là dân thịt chó mắm tôm, dân răng đen mã tấu, dân điếu cầy... những bài hát cũng bị chế lại để bỡn cợt...” quê hương tôi, cái “mùng” mà kêu cái “màn”... “Bắc kỳ con, bỏ vô lon, kêu chút chít”..., dĩ nhiên những thằng bắc kỳ con như chúng tôi cũng tìm đủ cách để chống lại, có đôi lúc đi đến xắn tay áo lên giải quyết; khi có bài hát “Nối vòng tay lớn” xuất hiện điệu nhạc được biên cải thành “Từ bắc vô nam tay cầm bó rau, đi bên con chó cùng cái điếu cầy...” mà công nhận tụi nhóc nam kỳ chọc cũng có chứng cứ, thử làm một vòng ở khu ngã ba ông Tạ, xứ Bùi Phát, xứ Tân Sa Châu, và hễ có xứ đạo nào mà “dân rau muống” sinh sống là có hàng thịt chó, các dòng kinh nước đọng đen ngòm là có dân bắc kỳ thả rau muống, các hiệu bán thuốc lào mọc lên, ngay cả khu quận nhì tôi ở, ngay trung tâm Sài Gòn, bên cạnh tòa báo Tự Do cũng có hiệu bán thuốc lào mà thường thấy dân ký giả gốc bắc ngồi hút bên cạnh ấm trà, những nơi khác các ông cụ Bắc Kỳ ngồi khề khà tách “thiết quan âm” nói chuyện bên cạnh một bát tròn bằng sành, nhìn thấy các cụ châm lửa rít một hơi nghe sòng sọc, rồi từ từ mơ màng nhả khói, lúc sau này mới hiểu ra là hút thuốc lào, trước cửa tiệm có ghi hiệu thuốc lào Vĩnh Bảo với 3 con số 8, thuốc lào 888 có hình vẽ một ông cụ khăn đống áo dài ngồi trên sập vịn cành tre gắn vào cái bát sành, cái bát này còn được đặt trong một cái bô đựng cho vững vàng bằng nhôm hay bằng sành loe miệng, kế bên còn đặt một bó lạt tre để châm lửa, bó lạt này được gọi là đóm, vậy đó mới có từ “điếu đóm”, nghĩa bóng của chữ “điếu đóm” dùng để chỉ hạng người nịnh bợ, xum xoe bên những người tai mắt, giàu có, thế lực hầu mong được ban phát cho chút bả vinh hoa, cũng vì thế tục ngữ cũng có câu “Theo đóm ăn tàn”, đóm khi hút hết chỉ còn dư lại tàn thuốc mà cũng hí hửng nâng niu.



    Để quảng cáo cho thương hiệu này có hai câu thơ mà các đệ tử khói thuốc lào đều thú vị:

    Ông đây đã bỏ thuốc lào
    Thấy ba số 8 lại đào điếu lên.



    Đây được gọi là điếu bát, các bạn đã nghe cô Hồ Xuân Hương diễn tả cái điếu bát này bằng một bài tứ tuyệt với vần “ao” chưa? Tôi chép lại tặng nếu ai chưa nghe:

    “Mình tròn vành vạnh đít bảnh bao
    Mân mân mó mó nhét ngay vào
    Thủy hỏa tương giao sôi xình xịch
    Âm dương nhị khí sướng làm sao”.

    Một tuyệt tác vừa tả chân cái điếu bát vừa diễn tả cung cách hút, câu đầu nhìn cái điếu và lời tả chân không sai lệch, chưa nhìn thấy cũng hình dung ra dung nhan tròn trịa vòng số 3 của em, câu thứ nhì nói đến nghệ thuật hút, véo một miếng thuốc mân mê cho tròn trịa rồi nhét vào nõ thuốc, nõ thuốc được đặt trong phần nước chứa khoảng 1/3 bát, nước dùng để lọc khói, châm lửa nơi đầu nõ và hút, khói đi theo nõ điếu được đặt trong nước, nước xem như một thứ đầu lọc dùng để lọc những nhựa thuốc, lọc qua nước còn tốt hơn là lọc qua đầu lọc gắn trên điếu thuốc, và người hút, hút hết những khói thuốc này thông qua xe điếu của điếu bát hay miệng ống của điếu cầy, vì được lọc qua nước nên khi hút nghe tiếng như nước sôi sòng sọc tiếng kêu dòn hay không tùy theo cách đặt nõ điếu, đến câu cuối diễn tả “phê” thuốc lào, sướng làm sao! Sướng tê đến đầu ngón chân út, nhiều khi ngã lăn ra mặt chiếu.

    Trên kệ còn có những ống tròn bằng tre, có gắn một cái nõ trên thân ống tre, cái này được gọi là điếu cày; nếu điếu bát dành cho những bậc tao nhân mặc khách thì điếu cày dành cho những người lao động dễ dàng đem theo trong công việc đồng áng khi đi cày đi cấy, có lẽ chữ điếu cày có tên từ những điều này.

    Gọi là thuốc lào Vĩnh Bảo hay Tiên Lãng chắc chỉ là “tiếm danh” cái xuất xứ nơi trồng thuốc, vào cái thời trước năm 75 ai mà nhập được nguồn thuốc từ hai vùng đất nổi tiếng trồng thuốc lào ngon ở Vĩnh Bảo và Tiên Lãng, cả hai vùng này thuộc phạm vi của tỉnh Hải Phòng, những nông dân Hải Phòng khi di cư vào nam có đem theo giống thuốc lào, khi được tổng thống Ngô Đình Diệm lập khu dinh điền Cái Sắn, những người này lúc đó mới gieo trồng loại thuốc lào, những hiệu bán thuốc lào ở khu ông Tạ họ ghi nhãn hiệu là thuốc lào Cái Sắn hoặc kèm theo cái tên Cái Sắn Say, hút thuốc lào mà không say thì còn gì là thú vị nữa.

    Khi về khu dinh điền, việc chia đất cho dân di cư thì, mỗi gia đình được cấp một khu đất bề ngang 30 mét, bề sâu 1km, tính ra là ba hectare (ha). Lúc tôi đi làm ở Rạch Giá có đi qua vùng Cái Sắn, khi qua bắc Vàm Cống đến ngã ba lộ tẻ, có ba hướng tẻ ra ba vùng khác nhau:

    - Hướng đi Long Xuyên, Châu Đốc và Hà Tiên

    - Hướng đi Cần Thơ

    - Hướng đi Rạch Giá, theo tỉnh lộ này là ngang vùng Tân Hiệp có con kinh Cái Sắn, còn có các kinh ngang, các kinh này được đánh số từ 1 đến 9 và các kinh từ kinh A đến kinh O. Đây là vùng đất thích hợp cho việc trồng thuốc lào, cũng vì vậy mới có nguồn thuốc để người ta “đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”.



    Hàng năm, sau khi thu hoạch vụ mùa xong, những chân ruộng trũng để cấy lúa vụ chiêm, các chân ruộng cao chọn trồng thuốc lào, cùng một diện tích mà hoa lợi trồng thuốc lào nhiều gấp 2, 3 lần trồng thứ khác.

    Lá thuốc được cắt khi đúng độ, được bó thành những bó dài có đến gần 2m, được buộc lạt tre như kiểu bó giò. Công đoạn cuộn lá thuốc thành cuốn cũng đòi hỏi kinh nghiệm và khéo léo để cuộn thuốc không quá mềm rỗng hoặc quá cứng, sau đó được ủ từ 3 đến 5 ngày khi thấy vàng thì thái lá thuốc, phải thái thật mỏng; bó thuốc được đặt trên một cái giá giống như cái cầu tuột trẻ con chơi ở công viên, bó thuốc trôi từ từ xuống và người thái làm công việc này, rồi đem phơi khô sợi thuốc, sau đó là chuyện tẩm ướp như thế nào là bí mật pha chế của từng hiệu thuốc.



    Khu vực nào có nhiều người di cư thì những người miền nam dần dần cũng đi khỏi, bán đất lại cho người di cư vì thế không lạ khi đến Cái Sắn, Hố Nai, Gia Kiệm hầu như 99% là người miền bắc, nơi này nhiều nhà thờ vì toàn theo Thiên Chúa giáo, mà cũng phải nói là những giáo dân này chống cộng rất tích cực, Tết Mậu Thân hình như vùng nào cộng quân cũng nổ súng chỉ những vùng đạo như Cái Sắn, ở Tây Ninh có vùng Cao Xá hoàn toàn không có tiếng súng, toàn do giáo dân bảo vệ làng xã. Lúc tiểu đoàn biệt động của chúng tôi đóng quân ở Trảng Lớn, gần làng Cao Xá nên tôi biết, họ chống cộng kịch liệt, đã di cư một lần họ quá hiểu con người cộng sản như thế nào.

    Tôi có bạn bắc kỳ sống ở khu dinh điền Cái Sắn nên được nghe kể lại, dân di cư vào đến vùng đất lành chim đậu này, họ chí thú làm ăn không ngơi tay, khác hẳn với tính cách phóng khoáng của dân miền nam, những người miền nam được ưu tiên nhận những phần đất phía ngoài con kinh giáp với đường lộ, còn những người di cư nhận phần đất ở những kinh ngang, tôi cũng đi qua Tân Hiệp vài lần khi đi làm việc ở Rạch Giá và biết đến những con kinh này là do một học sinh đưa đi, khi xe đò đi ngang những vùng đất này là bên đường chất đầy những đặc sản địa phương đưa lên Sài Gòn, những cần xế cà pháo, rau đay, cá khô và nhất là lúc nào cũng có thuốc lào.

    Người miền nam không có thói quen hút thuốc lào, họ hút thuốc lá, sang một chút thì hút thuốc thơm, những người ảnh hưởng chân chất ruộng đồng thì hút thuốc rê, thuốc gò; là những lá thuốc trồng trong nương rẫy, được phơi khô cắt nhuyễn; xé một mảnh giấy quyến, mỏng, véo một miếng thuốc đặt vào tờ giấy rồi xe xe, vê vê thành hình dáng điếu thuốc mà hút, có lúc tôi còn được nghe là hút kiểu “bốc, lăn, xe” hay còn gọi là “bốc, lăn, le” có nghĩa là bốc một miếng thuốc gò đặt trên giấy xe cho tròn rồi le lưỡi liếm để dán cho dính lại.

    Chúng tôi vào thời này có ai chịu hút loại thuốc lào đâu, ngồi hút thuốc bên cạnh bạn gái, đôi lúc còn bị chê là hôi thuốc, có lúc tôi đùa lại “Ừ thuốc thơm như thế này mà bảo hôi, mai kia vớ được ông chồng kéo điếu cày cho bõ ghét”; vậy đó, thời cuộc đưa đẩy phải đi tù, nghe là 10 ngày đã phòng xa đem theo cây thuốc 10 gói, hút dè sẻn chắc cũng được 1 tháng, có ai ngờ...

    “Bao giờ cọc sắt nở hoa,
    Bà Đen hết đá may ra mới về”...

    Anh Phú, người anh ruột ở dãy nhà bên cạnh, biết thằng em nghiện thuốc xoay sở ở đâu được vài gói thuốc và một nắm thuốc rê, anh tôi chưa có thói quen hút thuốc, vậy mà sau khi tốt nghiệp “cao học cải tạo” đã lấy được thêm văn bằng “cử nhân thuốc lào”, tôi cũng “y chang” đồng hội đồng thuyền.

    Trong trại cải tạo dân tù từ từ thay đổi thói quen hút thuốc điếu, bắt buộc thôi, làm gì có thuốc mà hút nữa và chuyển qua cung bậc khác là thuốc lào, ông đạo trưởng đạo “hồ hởi”, còn nói đùa cho vui:

    “Hút thuốc lào nâng cao sĩ diện-
    Thơm mồm bổ phổi lắm em yêu”.

    Lúc đó tôi chưa thấy được cái văn hóa thuốc lào, nét văn hóa trong sự giao tiếp hàng ngày của dân tộc, gặp nhau mời nhau miếng trầu để khởi đầu câu chuyện, có nghe cụ Tam Nguyên bứt rứt khi khách đến nhà mà thiếu cơi trầu điếu thuốc:

    “... Đầu trò tiếp khách trầu không có
    Khách đến chơi đây ta với ta”

    Miếng trầu đã khởi đầu, nhưng câu chuyện muốn được rôm rả hơn, nồng ấm hơn thì phải cần có điếu thuốc để giữ lửa, tâm tình được cởi mở hơn.

    Trong các buổi bình văn của những thầy khóa chuẩn bị lên kinh ứng thí, thầy ngồi trên sập nhâm nhi chén trà, nghe các học trò cất giọng, thỉnh thoảng cậu tiểu đồng lại dâng lên thầy điếu thuốc lào, những điều này được nhà văn Ngô Tất Tố từng viết trong quyển “Lều chõng” đấy thôi. Tôi có lần đọc một bài thơ vui, tả những dân “phê thuốc lào”:

    Một thằng hút, bốn thằng say
    Hai thằng châm đóm ngã quay ra nhà
    Bà già đi chợ đường xa
    Hít phải mùi thuốc say ba bốn tuần
    Thêm chú gà trống ngoài sân
    Mổ nhầm bã thuốc cánh chân... cứng đờ
    Lại còn chị mái hoa mơ
    Hơi thuốc bay đến bơ phờ cả... lông
    Khói thuốc cứ toả vòng vòng
    Say hết tất cả nước trong, nước ngoài.

    (nguồn internet)

    Hút thuốc lào mà không thưởng thức được cái say thì không hưởng được cái “thú vị tình thâm” đâu. Khi tôi vừa dây dưa với ả thuốc lào trong trại tù Trảng Lớn, mỗi sáng khi vừa thức dậy là đã ồn ào, khi ống hút đến phiên mình, châm lửa kéo vừa hết “bi” thuốc là miệng cười cười, tay chân bắt chuồn bắt chấu ngã ngửa ra sau... “phê”, không lâu nhiều lắm là một phút đã lồm cồm ngồi dậy là mở miệng nói thánh nói tướng, lúc tôi làm “anh nuôi” trong trại tù, nơi đây cũng chứng kiến nhiều tay hút xong điếu thuốc chúi đầu vào lò lửa cháy cả tóc, bỏng cả tay.

    Đi tù về, lấy vợ nhưng cái điếu vẫn đeo đuổi một thời gian, có lần ngồi hút say làm đổ vỡ cả cái đèn dầu, vợ chịu không nổi cằn nhằn mãi, kể ra cũng thấy mình bệ rạc thật, thôi thì “vợ ta ta nể” nên đem chôn điếu khấn kèm theo bài văn tế vĩnh biệt ba số 8.

    Không hút thuốc lào nữa, cái chứng bịnh suyễn của tôi cũng thuyên giảm từ từ, bỏ luôn thuốc điếu thì gần như không bị, trừ khi gió bấc thổi về, bị dị ứng với cái lạnh, vào tháng 12 là tháng giao mùa thu đông, đang cơn suyễn, xấu hổ với người chung quanh, vậy mà vừa bước xuống Tân Sơn Nhất nó biến lúc nào không biết, hai đứa con đi chung nói đùa là “cá gặp nước”. Ở đây năm nào cũng phải xịt cái thứ corticoïd một lần bằng không nửa khuya lại thổi Harmonica cho vợ thưởng thức./.

    Liège 06/10/2018
    Ara Phat

    Source:https://nhayduwdc.org/bv/tn/2018/ted...8OCT07_sun.pdf


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X