Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chân dung Kiều Chinh

Collapse
X

Chân dung Kiều Chinh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chân dung Kiều Chinh

    Chân dung Kiều Chinh

    Phan Ni Tấn




    Kiều Chinh và tác giả tại Toronto
    (Ảnh do Trần Thái Lực chụp ngày 30/7/2017)

    Khi vào lính tôi mới “phát hiện” một điều khá thú vị. Không riêng gì tôi mà hễ là lính ưa thích nghệ thuật thứ bảy thì hầu như ai cũng ngưỡng mộ nữ minh tinh Kiều Chinh khả ái, xinh đẹp nổi tiếng của nền điện ảnh miền Nam Việt Nam trước 1975 đến nay.

    Nhớ có lần đóng quân ở Pleiku, nhóm sĩ quan trẻ tụi tôi, tự phong là “Tứ Kỳ” gồm Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ và Cao nguyên… kỳ. Cả bốn thằng “kỳ” tụi tôi đều mến chuộng nữ minh tinh màn bạc Kiều Chinh. Đi đâu, làm gì, lan man chuyện gì một hồi rồi cũng lộn hồn về với Kiều Chinh. Rốt cuộc tên nào cũng giành: “Xin lỗi. Kiều Chinh là của tôi” cho bằng được.

    Trong một cuộc rượu cuối tuần ở cuối doanh trại, bàn về phim “Người Tình Không Chân Dung” do Hoàng Vĩnh Lộc đạo diễn, Kiều Chinh trong vai chính Mỹ Lan, bốn thằng vừa khề khà ba lít đế vừa gân cổ bình loạn. Đến hồi sanh tử lửa, rượu vào lời ra, cách xưng hô lịch sự “anh anh, tôi tôi” thường ngày bị lật nhào thành “mầy, tao” tuýt suỵt.

    Tôi vừa thò đũa gắp miếng mồi đưa cay, bổng trự Nam kỳ sặc mùi rượu ngầu ngầu tuyên bố: “Kiều Chinh là của tao à nghen tụi bây. Elle est à moi!”.

    Tôi ngẩn ngơ chưa kịp nói gì, lập tức trự Bắc kỳ dằn ly xuống chiếu trợn mắt nhanh nhẩu lên giọng thẳng thừng:

    – Vớ vẩn! Xin lỗi! Kiều Chinh nào của mầy? Kiều Chinh mới là của tao. Elle est ma nouvelle! Này nhá! Bà ấy… à không. Chị ấy sinh tại Hà Nội nhá. Nữ sinh trường Tây Saint Paul, Hà Nội nhá. Tao cũng dân Bắc kỳ Hà Nội chính cống đấy nhá. Thế có đủ để “Kiều Chinh là của tao” không hở mông-xừ Nam kỳ ăn giá sống kia!?

    Anh giá sống chồm lên định đợp lại anh Bắc kỳ ăn rau muống luộc thì chàng mắm ruốc Trung kỳ đã xua tay lia lịa, can:

    – Ốt dột chưa tề! Răng hai ôn tào lao xịt bộp rứa. Ngồi yên như thằng Tấn có phải hơn khôn hỉ. Chừ các ôn banh tai ra mà nghe cho rõ nì. Thí dụ chị Kiều Chinh dắt ôn (chỉ anh Bắc kỳ) đi dạo 36 phố phường bộ ôn (chỉ anh Nam kỳ) chịu ngồi yên được hè? Ngược lại thì răng? Thì ôn (cũng chỉ anh Bắc kỳ) cũng lộn hồn lộn vía chớ răng. Hàhà!

    Nói tới đây anh mắm ruốc Trung kỳ vốn có máu thi sĩ (làm thơ dở ẹc) tợp lẹ một tợp rượu, rồi lim dim, rung đùi ngâm: Ta ngồi ở giữa cân trời đất. Khối ngọc không nghiêng một cõi nào…

    Riêng tôi, dân nhà quê núi, mặt mũi vốn điêu đứng, xấu xí, bộ dạng lại lù đù như cái lu nên tôi “im lặng là vàng”. Vừa nhâm nhi ly rượu tôi vừa cười thầm “ba cơn mơ đầy hoang tưởng” kia, lúc tỉnh rượu, lúc tàn canh sẽ thấy cơn mơ của mình tanh bành té bẹ như tàu lá chuối sau trận bão giông mù đời.

    Rồi chiến tranh ngày càng leo thang khốc liệt. Ban ngày lính tráng, súng ống, xe nhà binh ngược xuôi khắp các nẻo đường gió bụi. Ban đêm đoàn trực thăng rì rầm bay về hướng dẫy Trường Sơn. Tới lúc đó bốn thằng tôi mỗi thằng một ngã (riêng tôi còn ở lại).

    Cuộc chia tay nào mà không buồn. Buồn nhất là chưa đầy bốn tháng cả ba thằng bạn ba miền của tôi đều lần lượt hy sinh đến cả trời và đất còn ngơ ngác huống hồ là tôi. Tin tình hình chiến sự và cấp số binh sĩ thương vong dồn dập bay về Bộ Chí Huy Quân Đoàn đúng lúc tôi được lệnh thuyên chuyển về Ban Mê Thuột.

    Thằng Trung kỳ hy sinh trước tiên ở chiến trường Pleime. Rồi tới phiên thằng Bắc kỳ ở Dak Pet. Cả hai thằng bạn đáng thương nghe nói không tìm được xác. Còn thằng Nam kỳ sau hai lần bị thương đưa về quân y viện Ban Mê Thuột điều trị tôi đều vô thăm. Khi nó ôm súng trở lại mặt trận Đức Lập tuần trước tuần sau đã bị đốn ngã trong rừng tre lồ ồ. Lúc xác thằng Nam kỳ chở về hậu cứ Pháo binh Ban Mê Thuột, tôi (và anh tôi, lúc chưa tử trận) đi viếng nó ngay. Chiếc hòm kẽm quàn xác nó để ở cuối doanh trại phình lên một cách oan khiên đến tội nghiệp. Không bà con thân thích, không bóng dáng đồng đội, không một ngọn đèn cầy, không cả hương khói. Nguyên bó nhang anh em tôi đem theo đốt lên cũng không xua nổi mùi tử khí trùm phủ khắp căn phòng.

    Sự hy sinh của tụi nó tuy cao cả nhưng nhanh đến nỗi lòng tôi cứ ngẩn ngơ. Lúc sống thì ồn ào bát nháo giành cho được người tài sắc cả thế giới đều trọng vọng. Giành để mà giành cho vui, cho thỏa mãn ước vọng nhất thời của mình, rồi mạnh thằng nào thằng nấy ôm bụng cười hi ha. Ngây ngô, vô tội vạ đến trong trẻo vậy đó. Vậy mà lúc chết tụi nó cũng không hề biết trong âm thầm vài lần tôi cũng muốn “tranh giành” Kiều Chinh của tụi nó, cũng như say mê Kiều Chinh của tôi như thế nào. Lúc ngã xuống, giấc mơ hồn nhiên của bạn bè tôi cũng ngã chúi vào lòng đất mẹ.

    Trong chiến tranh, đôi khi tôi cũng phải ngạc nhiên trước cái chết rất trẻ của những người lính trẻ. Họ sinh ra để sống vô danh và chết cũng vô danh trên đất nước mình và trên cả đất nước người. Sự hy sinh của những người lính trẻ đầy nhiệt huyết mà cũng đầy mộng mơ sao mà quá đỗi ngậm ngùi.

    Từ đó, theo đà chiến cuộc tôi đi từ cao nguyên lộng gió lần xuống miền duyên hải sóng cồn. Nhiều đêm nằm nghe súng nổ đạn bay lòng buồn vô hạn.

    Rồi mất nước, tôi đi tù Cộng sản. Tù ngục âm u, nhục nhằn, bệnh tật, đói khát, không ngày mai làm tôi quên hẳn Kiều Chinh của tôi từ bao giờ. Lúc thoát ra khỏi nhà tù nhỏ. mượn trớn tôi thoát luôn ra khỏi nhà tù lớn đến dược thế giới tự do mừng như vừa chết đi sống lại.

    Đời thường có những cái bất ngờ. Nhớ lại hai năm trước, tháng 9-2015, lần đầu tiên anh chị em Toronto ân cần đón tiếp nữ minh tinh Kiều Chinh, nhân dịp chị ghé qua thăm lại thành phố này, thành phố chị đã đến tỵ nạn Cộng sản đúng vào ngày 30 tháng 4 -1975.

    Thấy mọi người vây quanh chị ân cần hỏi han thật vui, tôi chỉ biết đứng xa mà nhìn. Từ lâu lắm, ước mơ vô tội của tôi và của cả bạn bè tôi ngày xưa lại thức dậy đua nhau trở về. Những kỷ niệm vui buồn đã trở thành hoài niệm đang lấp ló trong tâm hồn cằn cỗi của tôi.

    Kiều Chinh đó sao? Lúc trước chị yêu kiều, diễm lệ bao nhiêu, về sau chị càng đằm thắm, thanh nhã, quí phái bấy nhiêu. Một vẻ đẹp Đông phương mượt mà, hiền diệu qua trang phục màu nâu sồng chị mặc. Đặc biệt hình ảnh Phật giáo từ bi thánh thiện tỏa ra từ những xâu chuỗi bồ đề chị đeo trên cổ áo và trên cổ tay vẫn không làm chị xa cách. Khác với những giọng nói không biết rót mật ngoài đời kia, chị luôn tươi cười, niềm nở hòa nhập với mọi người. Nhìn dáng vẻ an nhiên, tự tại, từ tốn qua phong thái và cách phục sức của chị, tôi cảm nhận được thời gian như hoa sen lúc mãn khai vẫn còn vị trong trẻo dịu dàng qua ánh mắt hiền hòa và nụ cười ấm áp luôn nở trên môi chị.

    Về thân thế và sự nghiệp điện ảnh của nữ minh tinh Kiều Chinh thì cả thế giới đều nghiêng mình trọng vọng. Nhưng có lẽ cũng có người đã nghĩ như tôi, rằng cuốn phim đầu tiên Kiều Chinh đóng trong Hồi Chuông Thiên Mụ (1957) đã là một duyên lành mở ra con đường hành hương của Phật để chị tìm đến sau này. Nhắc đến những tên tuổi điện ảnh gạo cội đến với Phật giáo, ngoài Richard Gere, Lý Liên Kiệt, Benedict Cumberbatch, Lưu Đức Hòa, Trần Khôn…, kể cả cựu tổng thống Bill Clinton, không thể không nhắc đến minh tinh Kiều Chinh nổi tiếng của chúng ta. Chị không phải là ni cô ngoài đời nhưng cách xử thế, cách sống đời và trang phục của chị đã nói lên cái duyên của người con của Phật.


    Kiều Chinh và thân hữu Toronto
    (Ảnh do Trần Thái Lực chụp ngày 30/7/2017)

    Hai năm sau, cuối tháng 7 -2017 vừa qua, nhân có chút việc nữ minh tinh điện ảnh Kiều Chinh lại trở về đây. Một lần nữa anh chị em Toronto và tất cả các đài truyền thông Việt Nam tại thủ phủ này lại xôn xao nao nức đến với chị.

    Căn nhà của Tôn Thất Hùng nằm hiền hòa bên bờ hồ êm đềm và thơ mộng. Cái hồ lớn như một tấm gương trời gợn nước xanh trong, phản chiếu những cây rừng phủ xuống xung quanh, những cánh chim trời vỗ cánh bay qua từ những đám lau sậy ven hồ. Mùa hè có nắng trải vàng, có muôn hoa khoe sắc, có thảm cỏ xanh tươi, có tiếng chim hót líu lo, nay có sự trở lại của chị Kiều Chinh làm cho không khí buổi gặp gỡ tăng thêm phần sinh động.

    Nhìn vẻ hân hoan trên mặt mọi người, tôi biết chắc ai trong chúng ta cũng chứa chan hạnh phúc, được sống an bình, hòa nhã, vui tươi. Trong niềm vui đó, tôi xin gởi lại đây lòng kính trọng và yêu thương đến một tài năng, một nhan sắc với lòng từ ái dịu dàng. Một người chị sống trọn đời, tận tụy cho nền nghệ thuật điện ảnh, một nghệ thuật được chị dàn trải trên màn ảnh thế giới nỗi mê đắm lẫn u hoài. Đặc biệt trong những năm tháng gần đây – qua tinh thần Phật giáo – chị luôn nuôi dưỡng Tình Yêu, Quê Hương, Dân Tộc như quà tặng cho mỗi chúng ta trong thân phận làm người xa quê cha đất tổ.

    Cũng như mọi người, như nhân loại, tôi luôn luôn trọng vọng và quí mến Kiều Chinh, “Người Tình Không Chân Dung” muôn thuở của tôi.

    Phan Ni Tấn
    Toronto August 01-2017


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X