Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Báo Mỹ lần theo lá thư bí ẩn trong chiếc túi Trung Quốc

Collapse
X

Báo Mỹ lần theo lá thư bí ẩn trong chiếc túi Trung Quốc

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Báo Mỹ lần theo lá thư bí ẩn trong chiếc túi Trung Quốc

    Báo Mỹ lần theo lá thư bí ẩn trong chiếc túi Trung Quốc

    Một lần nữa, một lá thư kêu cứu của tù nhân Trung Quốc đã được một người mua sắm ở Mỹ tình cờ phát hiện, hé lộ sự thật về một nền sản xuất sử dụng “nô lệ thời hiện đại” của Trung Quốc.
    Tờ The Epoch Times cho hay, sau khi nhận được thông tin phản ảnh từ người vô tình phát hiện bức thư, phóng viên của kênh truyền thông Vox, Hoa Kỳ, đã lần theo địa chỉ nhà tù trong bức thư để tìm hiểu câu chuyện về những tù nhân đang bị ngược đãi ở đó và chuỗi cung ứng các sản phẩm gia công xuất khẩu của Trung Quốc.

    Vào tháng 3/2017, bà Christel Wallace ở Arizona đã phát hiện một lá thư gấp nhỏ giấu kín dưới đáy chiếc túi xách màu hạt dẻ mà cô mua từ một cửa hiệu của nhà cung cấp sản phẩm túi da Walmart vài tháng trước đó.


    Bà Christel Wallace, người tìm thấy bức thư cầu cứu của tù nhân Trung Quốc trong túi xách mua tại chuỗi cửa hàng túi da Walmart. (Ảnh: Amomama)
    Bức thư được viết bằng tiếng Trung, với nội dung: “Các tù nhân tại nhà tù Yingshan ở Quảng Tây, Trung Quốc phải làm việc 14 tiếng một ngày và không được phép nghỉ trưa. Chúng tôi phải làm thêm giờ cho đến nửa đêm. Mọi người bị đánh đập nếu không hoàn thành công việc được giao. Không có muối và dầu trong bữa ăn của chúng tôi. Tất cả đồ thăm nuôi bị các cai ngục ăn chặn. Các tù nhân mắc bệnh bị khấu trừ tiền thuốc vào lương. Tù nhân ở Trung Quốc bị đối xử không bằng ngựa, bò, dê, lợn hay chó ở Mỹ”.

    Một tháng sau khi bức thư được phát hiện, con dâu của bà Wallace, chị Laura Wallace, đăng hình ảnh chụp bức thư kèm ghi chú lên Facebook, thông tin này đã nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng. Sau đó các cơ quan truyền thông địa phương đã cử phóng viên tìm hiểu về câu chuyện có phần ly kỳ này.


    Ảnh chụp bức thư nói về điều kiện lao động khổ sai trong nhà tù Trung Quốc. (Ảnh: Facebook của Laura Wallace)
    Vào thời điểm đó, phát ngôn viên của Walmart nói với KVOA, một cơ quan truyền thông trực thuộc hãng truyền thông NBC, rằng công ty không thể đưa ra bình luận vì “không có cách nào để xác minh tính chân thực của bức thư”. Vì điều này, nữ nhà báo Rossalyn A. Warren đã tới Trung Quốc để tìm tới nhà tù, nơi sản xuất các túi da mà Walmart nhập, nhằm làm sáng tỏ mọi chuyện. Những phát hiện của cô được ghi lại trong bài báo đăng trên Vox ngày 10/10/2018.

    Kết quả điều tra của Vox
    Theo thông tin trên bức thư, và nhờ sự giúp đỡ của tổ chức Laogai (LRF), chuyên nghiên cứu về các nhà tù và trại cưỡng bức lao động ở Trung Quốc, nhà báo Warren đã tìm tới Quế Lâm, một thành phố thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc để khám phá sự thật.

    Khi tới nơi cô nhận được thông tin nhà tù Yingshan đã đóng cửa trước đó. Nói chuyện với cư dân xung quanh nhà tù, mọi người đều xác nhận đã từng tồn tại một nhà tù ở đó. Nhiều người nói rằng đã từng hoặc có người thân làm việc cho nhà tù này.

    Một người dân tên Zhenzhu cho biết chồng bà đã từng là công nhân tham gia xây dựng nhà tù. Và thường xuyên quay lại sau khi nhà tù đã xây xong để thực hiện công tác bảo trì.

    Các xe tải từ tỉnh Quảng Đông thường xuyên ra vào nhà tù này để lấy hàng, chồng của bà Zhenzhu nói với Warren.

    Khi Warrren liên lạc với công ty Walmart thì được biết công ty này sau khi tổ chức một cuộc điều tra nội bộ đã thấy rằng ví da được cung cấp từ đối tác Trung Quốc không đáp ứng được các tiêu chuẩn của mình vì thế đã ngừng hợp tác với họ.

    Walmart đã từ chối trả lời câu hỏi rằng công ty này có biết các ví da nhập từ Trung Quốc được sản xuất bởi các tù nhân của nhà tù Yingshan hay không.

    Lá thư từ nhà tù
    Câu chuyện này tương tự câu chuyện được kể trong bộ phim tài liệu “Lá thư từ Mã Tam Gia”.

    Vào năm 2011, một phụ nữ có tên Julie Keith, cư dân vùng Oregon (Hoa Kỳ), đã phát hiện một lá thư trong món đồ chơi mà cô mua về trong dịp Halloween. Nội dung bức thư được viết bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh, mô tả điều kiện sống khủng khiếp trong trại cải tạo Mã Tam Gia, một trại lao động mà giới chức Trung Quốc dùng để bức hại các học viên Pháp Luân Công.

    Tác giả của bức thư mà cô Keith phát hiện được là Tôn Nghị, một học viên Pháp Luân Công bị giam giữ tại Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia.

    Không những phải chịu đựng nhiều cuộc tra tấn tàn độc và kéo dài, ông Tôn còn bị ép làm việc trong chế độ khổ sai khoảng 20 tiếng mỗi ngày. Công việc mà ông phải thực hiện là sản xuất đồ chơi, trong đó có các đồ chơi dùng cho dịp Halloween.

    Một lần, ông Tôn đã thực hiện một kế hoạch liều lĩnh khi bí mật bỏ 20 bức thư vào trong các sản phẩm mà các tù nhân của Mã Tam Gia sản xuất. Những đồ chơi này sau đó được xuất sang Hoa Kỳ và cô Keith là người đã mua một trong số đó.



    Ông Tôn Nghị và bức thư ông viết khi còn là tù nhân ở trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia.
    Sau khi bộ phim về trại cải tạo Mã Tam Gia được công chiếu, dưới sức ép của quốc tế và giới truyền thông, vào năm 2013 nhà chức trách Trung Quốc đã buộc phải tuyên bố xóa bỏ các trại cưỡng bức lao động trên toàn quốc.

    Nhưng theo The Epoch Times, nhiều tù nhân tại các trại cải tạo không được phóng thích mà bị chuyển tới những nhà tù khác.

    Chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu “Made in China”
    Sự cố nhà tù Yingshan và những nhà tù khác cho thấy một phần không nhỏ các sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc được sản xuất trong các nhà tù, và cách các công ty phương Tây vô tình đã trở thành nhân tố hỗ trợ nền kinh tế nô lệ của Trung Quốc.

    “Ở Trung Quốc, tất cả các số liệu thống kê liên quan tới các trại lao động cưỡng bức đều thuộc về ‘bí mật quốc gia’, thị trường quốc tế rất khó thẩm tra được nguồn gốc của các sản phẩm sản xuất bởi các nhà tù ở quốc gia này”, LRF viết trong một báo cáo vào tháng 8/2018.

    Quan chức Hoa Kỳ đều bị nhà cầm quyền Bắc Kinh từ chối khi đưa ra đề nghị cho thăm những cơ sở sản xuất các mặt hàng có xuất xứ Trung Quốc.

    Báo cáo của LFR cũng cho thấy các công ty Trung Quốc khi xuất khẩu hàng hóa của mình sang thị trường nước ngoài, để che dấu nguồn gốc sản phầm từ các nhà tù, đã sử dụng tên các công ty khác thay thế.

    Trong một số trường hợp, các công ty Trung Quốc đã không giấu giếm việc sử dụng lao động là các tù nhân để sản xuất các sản phẩm của mình, theo một điều tra của Tổ chức thế giới điều tra về cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) công bố hồi tháng 4/2018.

    WOIPFG nắm trong tay rất nhiều tài liệu ghi nhận câu chuyện về nhiều học viên Pháp Luân Công bị kết án vô lý và bị tra tấn trong các trại cải tạo ở khắp Trung Quốc.

    nhà tù
    Anh Tôn Nghị (Sun Yi) không ngờ có một ngày anh sống sót ra khỏi nhà tù Mã Tam Gia và cầm lại chính bức thư cầu cứu mà anh đã viết khi còn bị tra tấn và cưỡng bức lao động tại cơ sở này.

    Công chúng toàn cầu có cơ hội biết đến toàn cảnh lá thư cầu cứu gây chấn động thế giới năm 2012 thông qua một bộ phim tài liệu mới công bố gần đây mang tên Letter from Masanjia (Lá thư từ Mã Tam Gia).

    Báo Vancouver Courier (vancourier.com) hôm 30/4 đã có bài viết giới thiệu về bộ phim này của đạo diễn Leon Lee, người Canada.

    Lá thư cầu cứu bằng tiếng Anh từng trở thành chủ đề nóng trên các trang báo vào năm 2012 sau khi được phát hiện trong một hộp trang trí Halloween được sản xuất tại Trung Quốc.

    Khi đó, cô Julie Keith đang sắp xếp lại đồ đạc để chuẩn bị cho lễ Halloween năm 2012 thì phát hiện ra một lá thư viết tay có vẻ khác thường trong một hộp đựng bia mộ bằng nhựa.

    Bức thư đến từ một tù nhân vô danh trong Trại lao động Mã Tam Gia ở Trung Quốc, nơi sản xuất tấm bia mộ này. Người viết thư mô tả sự ngược đãi và tra tấn tàn bạo mà anh và các tù nhân còn lại đang phải trải qua, đồng thời cầu xin người phát hiện lá thư hãy nói với thế giới rằng có các tù nhân đang bị đối xử tàn tệ ở trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia, Trung Quốc.

    Keith đã chuyển bức thư tới giới truyền thông để gây áp lực lên nhà cầm quyền Trung Quốc phải đóng cửa các trại lao động – và cuối cùng họ đã thành công, trong năm 2014, có hơn 160.000 tù nhân đã được trả tự do.

    Nhưng ai đã viết lá thư đó? Các tù nhân đã phải trải qua những gì trong Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia? Những câu hỏi này đã tạo động lực cho nhà làm phim Leon Lee thực hiện bộ phim “Lá thư từ Mã Tam Gia”, được khởi chiếu vào ngày 5/5 tại Liên hoan phim tài liệu DOXA 2018.


    Đạo diễn Leon Lee cho biết anh không thể tới Trung Quốc vì các bộ phim của anh đã phơi bày những sai phạm của chính quyền Trung Quốc đối với nhân dân, trong đó có hoạt động mổ cướp nội tạng do chính quyền bảo trợ
    Đạo diễn Leon Lee, người Canada, đã có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc. Nhiều bộ phim tài liệu về vấn đề nhân quyền của ông đã được trao những giải thưởng lớn, trong số đó, bộ phim có tên: Human Harvest (Thu hoạch Nhân thể), một bộ phim giành giải Peabody phơi bày hoạt động mổ cướp nội tạng của chính quyền Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công.

    Pháp Luân Công hay Pháp Luân Đại Pháp là môn khí công tu luyện theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, thu hút hàng triệu người tập từ Canada và hơn 100 quốc gia trên thế giới.

    “Tại Canada, chúng ta có đặc ân để có thể tận hưởng đầy đủ các giá trị của một xã hội dựa trên sự cởi mở và tự do, chúng ta nhận thấy tầm quan trọng của các nguyên lý trong Pháp Luân Đại Pháp; Chân, Thiện và Nhẫn”, Nghị sỹ Canada Nathaniel Erskine-Smith cho biết trong lá thư của ông gửi Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Toronto.

    Riêng tại Trung Quốc, các học viên Pháp Luân Công bị đàn áp đẫm máu từ năm 1999 đến nay theo lệnh của cựu Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Giang Trạch Dân.

    Các bộ phim phơi bày những vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh đã khiến đạo diễn Lee không thể tới Trung Quốc để thực hiện bộ phim “Lá thư từ Mã Tam Gia”.

    “Không có lệnh cấm chính thức nào, nhưng tôi biết nếu tới Trung Quốc thì rất có thể tôi sẽ không có cơ hội quay trở về”, ông nói.

    Tuy nhiên, những bộ phim trước kia đã tạo tiền đề cho đạo diễn Lee thực hiện bộ phim mới từ Canada.

    “Nhờ những bộ phim trước tôi đã có được những mối quan hệ thân thiết với nhiều phóng viên và các nhà bất đồng chính kiến ở Trung Quốc, họ đã giúp tôi tìm được tác giả của bức thư”, ông Lee nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại gần đây.

    Người viết bức thư đó có tên là Tôn Nghị (Sun Yi), anh là một kỹ sư và là một học viên Pháp Luân Công, đã bị giam giữ trong trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia. Tôn Nghị đã được thả tự do ở thời điểm anh liên lạc với đạo diễn Lee, tuy nhiên anh luôn phải sống trong trạng thái lo sợ sự trả thù của chính quyền Trung Quốc. Mặc dù vậy, anh đã không ngần ngại giúp đỡ đạo diễn Lee thực hiện bộ phim.

    “Anh ấy hiểu điều đó, lá thư của anh ấy đã góp phần dẹp bỏ các trại lao động cưỡng bức, nên nếu câu chuyện của anh được kể thì có thể sẽ tạo ra sức công phá lớn đối với các hành vi đàn áp nhân quyền”, đạo diễn Lee nhớ lại.

    Thông qua liên lạc bằng Skype, anh Lee đã hướng dẫn Tôn Nghị sử dụng các camera giấu kín để ghi lại các hình ảnh ở Trung Quốc. Cuối cùng, Tôn Nghị “đã làm được rất tốt, anh ấy gửi kết quả cho tôi các file mã hóa thông qua internet”, Lee nói.


    Anh Tôn Nghị (Sun Yi) là tác giả của bức thư gửi đi từ trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia
    Ekip của đạo diễn Lee đã dựng hình ảnh hoạt hình dựa trên các bản phác họa của anh Tôn Nghị để khán giả có thể cảm nhận rõ hơn những điều kinh hoàng mà anh đã phải trải qua trong trại lao động cưỡng bức, cũng như quá trình anh viết và tìm cách đưa bức thư ra ngoài,

    “Khi chúng tôi bắt đầu dự án, anh ấy gửi cho tôi các bức phác họa mà anh ấy đã làm và chúng đã làm tôi thực sự chấn động”, Lee nói. “Sau khi ra khỏi Mã Tam Gia, anh ấy muốn ghi lại những gì đã phải trải qua nên đã phác họa lại tất cả”.

    Anh Tôn Nghị (Sun Yi) đứng trước trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia, nơi anh và các tù nhân khác đã bị đối xử vô cùng tàn tệ
    Anh Tôn Nghị đã bị tra tấn nhiều lần khi còn ở Mã Tam Gia. Đạo diễn Lee hỏi Sun Yi rằng làm thế nào mà anh có thể sống sót được trong những tình huống mà nhiều người đã lựa chọn việc tự tử như một sự giải thoát. “Sun Yi nói rằng, mọi người bỏ cuộc vì nghĩ rằng không còn lựa chọn nào khác, nhưng ở những thời điểm khủng khiếp đó tôi thường tự hỏi rằng mình đã chết chưa ? Câu trả lời là chưa. Tôi sẽ cố thêm một giây, cứ như vậy cuối cùng tôi đã vượt qua được”.

    “Tôi rất xúc động với câu trả lời của anh ấy”, đạo diễn Lee nói.

    lá thưAnh Tôn Nghị (Sun Yi) đã trốn thoát khỏi Trung Quốc và có cơ hội gặp cô Julie Keith, người tình cờ phát hiện lá thư cầu cứu của anh trong hộp trang trí Halloween. Cô Julie chia sẻ cuộc hội ngộ này trên trang Facebook cá nhân.
    Bộ phim Lá thư từ Mã Tam Gia không có một kết thúc có hậu, điều mà chúng ta không thể chờ đợi trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên đạo diễn Lee cho rằng câu chuyện của anh Tôn Nghị truyền đi một thông điệp rằng hãy kiên định và dũng cảm trong những tình huống tưởng như vô vọng. “Bất cứ những điều bất công nào mà bạn chứng kiến, hãy hành động để loại bỏ nó. Cho dù lúc đó bạn cảm thấy chỉ còn một tia hi vọng mong manh thì hãy cứ làm, vì mọi thứ tốt đẹp có thể đang chờ bạn”.

    Trí Dũng


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X