Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chuyện trong tù

Collapse
X

Chuyện trong tù

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chuyện trong tù

    CHUYỆN TRONG TÙ
    NT4 Trương Xuân Hùng

    Đời lắm nỗi vui buồn lẫn lộn xoắn nhau nhưng khi qua rồi đôi khi nhớ lại tự nhiên bật cười sặc sụa nước mắt nước mũi tèm lem, ai nhìn vào tưởng gặp tên điên.

    Ừ! Để tui kể chuyện cho các bạn nghe chơi. Khúc dạo đầu anh em mình ai cũng y chang. Năm 1972 mùa hè đỏ lửa, tổng động viên, đi lính.

    Mùa xuân 1975 ra trường trong cơn binh lửa, quân phục tác chiến, quỳ xuống Sinh viên Sĩ quan, đứng dậy Tân Thiếu úy, mai vàng mai đen tùy ý thích của mỗi người mua ngoài chợ ngả ba Tam Hiệp Biên Hòa.

    Giặc rượt đến đít nên trường cho phép có 2 ngày. Có đứa lâm trận vào giờ thứ 24 như Nhảy Dù TTKhang, Biệt Kích 81 NNSơn...

    Rồi thì là giờ thứ 25: Hai trăm ông quan nhí Khóa 4 Thiếu úy được 7 ngày. Cũng còn hên không có ai tử trận trong giờ cuối cùng của hai mươi năm binh đao lửa hận. Chỉ một mình TQLC PHHuê bị thưong lòi ruột, phải tự nhét ruột vào bụng mình rồi ngậm ngùi rời bỏ Bệnh viện Lê Hữu Sanh tìm đường về quê hương miền trung vạn dặm sơn khê.

    Quân trường sống hai năm bảy tháng, Thiếu úy bảy ngày. Nợ nần bắt trả bốn năm sáu tháng cộng bảy ngày cho đủ trong tù gọi đẹp tên cải tạo.

    Vậy mà tui “cải tạo” hoài không sửa được chứng viết thư. Nó dai dẳng từ thuở quân trường, ông Hưng Đại đội trưởng kêu hệ thống tự chỉ huy xem chừng tụi nó làm sao. Giờ đây trong tù tui cũng viết, lại bị quản giáo trại tù kiểm điểm sao cứ “mơ mơ moàng moàng” không lo học tập giỏi giang tiến bộ mau về.

    Ờ hớ, nước đổ lá khoai. Dụ khị mà chi. Ngày về ơi xa lắc xa lơ. Nín thở qua sông. Vác cuốc lang thang rừng này rừng khác, Sông Mao, Lương Sơn, núi đá Tà Dzôn, rồi Hàm Trí.

    Mơ mình là Phạm Thái đời nay viết cho Chút Nhỏ mai mốt cha về với mẹ, một mái chòi tranh hai trái tim vàng một lu nước lạnh, con gái tên gọi Quỳnh Như.

    Như chuyện liêu trai, Quỳnh Như trong tranh bước xuống cuộc đời. Những giòng thư nắn nót như ôm hết yêu thương của người em gái hậu phương an ủi vỗ về kẻ tuyến đầu tù tội. Chút nhỏ kể rằng có cô bạn bên cửa hàng Dược thường qua Bệnh xá của Chút nhỏ chơi, cảm thư Phạm Thái gửi về và thương Chút nhỏ vò võ đợi chờ, cô nàng nhập vai Trương Quỳnh Như như thiệt.

    Cảm ơn Quỳnh Như. Cảm tạ đời.

    Cũng đôi khi còn nữa chuyện tưởng như đùa. Gặp Nam trong trại, chung tổ thành quen. Dân Thủ Đức, người cũng to tê, ít nói thường cười mím chi trông hiền lành, mà lại là dân chơi thứ thiệt. Một đêm khuya trại phát giác trong mùng của Nam chỉ có mền ngụy trang. Thế là báo động tập họp điểm danh. Chỉ thiếu có mỗi mình Nam. Là trốn trại mình ên không tổ chức. Mà cũng lạ, đồ đạc thực phẩm thăm nuôi cá nhân xem ra cũng còn y nguyên đó. Bên ngoài trại thế nào mà chẳng có bộ đội hành quân lùng xục. Canh tư gà gáy sáng anh em lại thấy Nam nằm ngủ trong mùng rất tỉnh queo. Như xuất quỷ nhập thần. Như người tàng hình đi mây về gió vậy.

    Nam bị kỷ luật, cùm sáu tháng rồi được thả ra cho về lại Khối lao động.

    Thì ra nhờ công việc hàng ngày của Nam là ra suối gánh mười đôi nước cung cấp cho nhà bếp nên tình bỗng dưng khi không mà có. Người con gái sống với mẹ già trong cái chòi bên bờ suối, chị Hai Khanh.

    Nam kể quản giáo hỏi cung:

    - Trốn trại lúc nào?

    - 12 giờ khuya.

    - Vượt hàng rào trại chỗ nào?

    - Tui hé cổng tui đi.

    - Cổng không khóa?

    - Không. Tui chỉ thấy sợi xích choàng hai ba bận thôi.

    Đã điếu chưa! Lụt lịt địt kêu, coi tầm ngầm vậy mà giỏi. Phải nghiên cứu địa hình hẳn hòi trước giờ hành động chớ! Đúng nghề của chàng: Thiếu úy Quyền ĐĐT Trinh Sát từng nhảy mật khu như đi chợ.

    - Anh đi đâu?

    - Tui ra nhà cô Hai Khanh bên bờ suối.

    - Ra đó làm gi?

    - Tui thương cổ. Cổ cũng thương tôi. Tôi ra thăm cổ.

    - Anh trốn trại ra thăm cổ mấy lần rối?

    - Dạ lần đầu thì bị phát giác.

    Nghe tao trả lời vậy quản giáo đập bàn rầm rầm lên mặt giảng huyên thuyên, đây là trại cải tạo, không phải ở nhà anh muốn đi đâu thì đi, quan hệ linh tinh v.v... Rồi hỏi tao vô trại lại lúc mấy giờ? 3 giờ sáng. Là 3 tiếng đồng hồ. Bao nhiêu giờ đó anh làm gì bên cổ? Vui nghe mậy! Cái khoảng này sáng sáng vệ binh mở cùm dẫn tao lên Khung làm việc bắt tao viết kiểm điểm có cả chục bữa.

    Mấy ổng muốn tao chiếu phim màu téc-ních-cơ-lo cho mấy ổng coi mà sức mấy, tao đâu có ngu đem bán đứng... chị Hai.

    Đầu tiên tao khai tao với chị Hai chỉ ngồi bên nhau nói chuyện tâm tình.

    Cán bộ không chịu, bắt phải ly kỳ hơn nữa. Tới ba tiếng đồng hồ, chuyện đâu nói dữ!

    Phải hai ngày sau tao mới viết thêm vào tờ kiểm điểm hôn má chị Hai.

    Cán bộ chưa tha, tao phải thêm hôn môi đằm thắm.

    Nhiêu đó thôi sao? Cán bộ muốn tao xuống nữa, nhưng đời nào, tao phải anh hùng bảo vệ chị Hai. Thà chết không khai. Thưa cán bộ, bàn tay tôi vừa đụng... nhũ hoa thì cô ấy gạt ra rồi ngồi ôm mặt khóc .

    - Nhũ hoa là cái gì?

    - Dạ, dạ, là, là... ti.

    - Ti là cái gì?

    - Là, là, là... vú.

    - Thì nói là vú đi, bày đặt nhũ này ti nọ. Rồi sao nữa?

    - Cổ khóc rấm rức hoài làm tôi sợ quá, lo dỗ dành cho cổ nín rồi vào lại trại.

    - Chỉ vậy thôi à? Anh phải thành thật khai báo hết để cách mạng khoan hồng...

    Cứ vậy hoài. Xạo mãi mà chi. Giờ sáng mắt rồi. Tự giác có mà tự sát! Chiếu phim X cho ông coi miễn phí thì chớ còn là cớ bắt tù tôi mọt gông thì có mà ngu.

    - Tội tôi làm có bao nhiêu đó cán bộ kỷ luật tôi thế nào tôi cũng chịu. Tôi khai ra hết rồi.

    Phải thêm vài bữa làm kiểm điểm nữa tao mới được ngủ yên trong cùm. Nghĩ lại tao phục thằng nào gác đêm đó phát giác ra tao ngụy trang mền ngủ. Cũng một đống dài dài như người đắp mền nằm ngủ chớ bộ. Chắc thằng này cũng dân trinh sát như tao, nó biết soi đèn coi guốc dép anh em để dưới đất đủ thiếu thế nào. Mà cũng tại tao khinh địch, bữa đó học làm sang đi guốc cho thành trí thức tiểu tư sản, chớ mọi hôm chân đất, cứ lo chị Hai chê dơ hỏi gia nhập giai cấp bần cố nông hồi nào? À ra thế, Nam mày giỏi à nha. Ông bà ta ngày xưa đã nói đi đêm hoài có ngày ma chận đường, trúng thiệt, mày hén. Nam cười.

    Ngày đó, khi nhập trại Sông Mao, vốn là khu gia binh của Trung đoàn 44 Sư đoàn 23 đời trước, nơi đây có một phi trường dã chiến, và với tầm nhìn chiến lược của quân quản đời sau, tường rào ri sắt là hàng rào giam tù kiên cố nhất. Thế là ngày ngày chỉ tiêu mỗi Khối trăm ri, Khu C Thiếu úy bốn khối bốn trăm ri, thêm Khu A Khu B nữa, tù xuất quân tiến ra phi trường đục chốt gỡ ri khiêng về dựng đứng, là chục ngày nửa tháng ở thị trấn Sông Mao này xuất hiện “vòng xiếc ô tô bay” vĩ đại. Ngày xưa còn bé đi coi xiếc mô tô bay vòng tường có cao nhưng nhỏ chút, giờ vòng tường Sông Mao này to hết biết, ô tô tha hồ bay.

    Chưa kịp ăn mừng thành tích thì có lịnh tài sản của ngành nào, ngành đó nhiệm thu. Không quân xuống nhận phi trường đâu chẳng thấy.

    Khiêng ri trả lại? Dễ thôi. Nước sông công tù mà. Nhưng chốt để kết ri lại với nhau còn đâu nữa, đã sáng kiến kỹ thuật thành rựa thành dao thành lưỡi cuốc hết rồi.

    Rút kinh nghiệm, chuyển tù đi Lương Sơn, rồi Tà Dzôn, rồi Hàm Trí, không khiêng ri theo nữa. Vận dụng tài nguyên tại chỗ, cây rừng có tỷ ta rào cũng gọi là rõ ràng ranh giới trong ngoài.

    Cho chắc một bề các anh không trốn trại, chúng tôi tính thế này, bộ đội tuần tiểu canh gác ngoài rào, phần ở trong trại các anh tự quản lý, các anh giúp nhau cùng lao động học tập tiến bộ nghe. Các anh cắt gác cho nhau nghe. Các anh nhất trí chưa nào. Ừ, nhất trí nhé. Cứ thế! Cứ thế!

    Ừ. Cứ thế! Cứ thế! Tự biên rồi ta tự diễn.

    Cứ thế là tù ta canh tù bạn, mỗi đêm một tổ chia nhau gác. Mắc võng giữa trời thấy anh em trở mình đi tiêu đi tiểu thì la lên ai đó cho bạn xưng danh. Thấy bộ đội loe loé đèn pin từ Khung đi xuống cũng hét thật to ai đó cho ra vẻ canh gác nghiêm chỉnh ngon lành.

    Thiệt tình tui ghi ơn. Mà không phải chỉ mình ên. Toàn Khối những ai - chỉ chừa lại tổ nhà bếp ngày đó gọi là anh nuôi do bạn Thiện Pôn làm xếp - đã một thời phải chịu cảnh ngộ cùng là tù mà ta phải gác ta, một khi nào nhớ lại chuyện xưa, nên dành một phút cảm thương con Mực, đã vì ta mà anh dũng hy sinh.

    Mực đã ở với tụi tui có hơn năm từ hồi còn là chú cún nhỏ một anh em nào đó đi “cải thiện” đem về. Thấy cún nhỏ dễ thương thì đem về nuôi vậy nhưng thực tế ta là tù ta nuôi ta chưa đủ có dư hột cơm nào đâu cho cún, thành ra giải pháp cuối cùng xem ra tốt đẹp nhất là đem cún cho Pôn nhà bếp. Ừ, cho dù thời nào, nay hay xưa, ông bà tổ tiên ta đã để lại điều chân lý: Giàu nhà kho, no nhà bếp. Nước cơm rửa chảo cũng đã là thịnh soạn cho cún lắm rồi. Cứ thế cún lớn lên. Cún lông đen tuyền nên cún được đặt tên là Mực.

    Mực “tham gia” vào quân số tù từ đó. Ban ngày anh em tù đi lao động thì Mực quanh quẩn nơi nhà bếp. Chiều anh em tù về Mực ve vẩy đuôi mừng. Tối tập họp cho quản giáo ba hoa bốn chuyện năm điều tù phải ngồi nghe, Mực hách xì xằng hơn, nó nằm cạnh mà nghe. Rồi tới phiên gác đêm khuya, nếu phải tới phiên tổ gác thì anh em chia nhau người một tiếng đồng hồ ôm mền ra võng nằm canh. Mà canh ai đây? Không biết anh em nào huấn luyện, hay do trực giác cao siêu của nó cũng nên, Mực phân biệt rành rõi địch, bạn, biết cả đặc lệnh truyền tin báo động, và tình nguyện cùng bạn gác suốt đêm hàng đêm, tháng hàng tháng. Có bạn gác nằm trên võng là có Mực nằm dưới chân. Bạn có quấn mền ngáy khò khò thì Mực vẫn tỉnh táo gác thế cho. Tù trong lán bước ra đi vệ sinh, Mực gừ gừ trong họng. Đèn pin loang loáng từ Khung xuống, Mực sủa to cho bạn ta giật mình thức giấc rồi phụ họa thật to: Ai đó! Ai đó! À há, cán bộ chớ ai trồng khoai đất này!

    Rồi chuyện gác thế bị lộ. Không biết do bên bộ đội điều nghiên hay ăng-ten trình báo kiếm điểm mau về. Mực bị án tử hình. Một đêm sinh hoạt lệnh tử ban ra: Đây là trại cải tạo chớ không phải là sở thú. Các anh không được nuôi con gì hết. Ngày mai chủ nhật nghỉ lao động các anh phải “xử ní” hết các con vật nuôi, ai nuôi chim nuôi két phải đem vào rừng mà thả, ai nuôi gà nuôi vịt thì làm thịt gà thịt vịt mà ăn, ai nuôi cầy thì làm thịt cầy, trại cho phép các anh “bồi dưỡng” ngày mai.

    Ai nói con vật không nghe không hiểu được tiếng người? Sinh hoạt tan hàng, dáng con Mực bước đi thiểu não, mọi người im lặng và nó hết ve vẩy cái đuôi. Nó cũng chẳng màng nghe lời vỗ về của chủ chính là anh Pôn bảo nó tối nay hãy ra đi. Mực ơi, mày không có trong quân số tù điểm danh, mày bỏ đi không ai kết tội mày trốn trại phải truy lùng bắt lại đâu.

    Mực đã không bỏ đi. Nó đã sẵn sàng nằm bên gốc cây chờ người cột cổ. Không vui không buồn, nó muốn cống hiến miếng thịt của nó cho những người lâu nay thiếu thịt. Nhìn khúc gỗ đang gia giá trước đầu Mực không thụt lui sợ hãi hay vồ tới phản ứng theo bản năng tự vệ, nó nhắm mắt nằm yên, chỉ á lên một tiếng kêu duy nhất khi cây đập trúng tam tinh, nước mắt ứa ra rồi êm thắm ra đi.

    Từ nhỏ đến giờ tui chưa từng thử một miếng thịt cầy nên đã khước từ quà tặng cuối cùng của Mực. Nhưng những đêm gác có Mực canh thay đã là những món quà lớn nhất. Tù thiếu ăn lấy ngủ bù vào, bấy nhiêu thôi tao đã ơn mày nhiều lắm Mực ơi!

    Hết 3 năm quân quản, những anh em học hành chưa giỏi - trong đó có tui - phải chuyển đi trường mới có tên A 30 ở Tuy Hòa, học tiếp. Đến chỗ mới, Nam không còn ở gần tui nữa. Lần gặp hiếm hoi Nam thông báo chị Hai Khanh nhắn muốn ra thăm nuôi, Nam nhờ tui “tùng long” cố vấn gỡ rối tơ lòng có nên để chị ra thăm. Thực thà tui chẳng biết trả lời sao, đành bảo tùy mày yêu chị nhiều hay ít, thành thực hay cho vơi ngày tháng loạn...

    4 năm rưỡi, đa phần Khóa 4 tui đồng loạt “tiến bộ” nên được cấp bằng tốt nghiệp - Lệnh Tha. Nam còn chưa học giỏi, hay thẳng thừng mà nói, phải trả thêm nợ cùm, thêm 1 năm nữa mới được thả ra. Nam với tui mất tăm nhau từ đó.

    NT4 Trương Xuân Hùng


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X