Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Trung Tâm 2 Kiểm Báo - Panama - KBC 6526

Collapse
X

Trung Tâm 2 Kiểm Báo - Panama - KBC 6526

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Trung Tâm 2 Kiểm Báo - Panama - KBC 6526





    Trung Tâm 2 Kiểm Báo-Panama-KBC 6526
    Sơn Trà, Đà Nẵngvà Tôi
    Kính Tặng: Niên Trưởng Dupont Nguyễn Cầu,
    Niên Trưởng Nguyễn Anh,
    Cố Niên Trưởng Trần Văn Môn &
    Các chiến hữu Kiểm Báo từng phục vu nơi đây


    Sau khi thụ huấn xong khóa Weapons Controller ở Tyndall AFB, Florida, tôi về Việt Nam vào tháng 7, năm 1970, cùng đợt về với tôi là một anh bạn đồng khoá 7/68 KQ tên HPC.

    Sau mười ngày nghỉ phép, chúng tôi trình diện Phòng Nhân Viên Bộ Tư Lệnh để nhận đơn vị. Tôi nhớ hôm đó, HPC và tôi gặpTrung úy tên TKPV và Chuẩn úy lớn tuổi tên M… để bắt thăm chọn đơn vị. Ông M… đưa tôi xem hai cái thăm và nói “trong này có một cái thăm phục vụ ở Sơn Trà, Đà Nẵng và một cái thăm phục vụ ở Tân Sơn Nhất, Sàigòn.”

    Ông đề nghị cho tôi được ưu tiên bắt trước, tôi chần chờ một lúc, sau đó tôi yêu cầu ông lấy hai miếng giấy viết chữ Đà Nẵng và Sàigòn, xong xếp lại trước mắt tôi thì tôi sẽ bốc. Ông ta ra vẻ giận dữ và nói tôi phải bốc ngay, không có chuyện khiếu nại, thắc mắc và lôi thôi gì hết!

    Mặc dù, đeo quai chảo như ông ta, nhưng tôi cũng hơi ngán. Do đó, tôi trả lời ngay với ông là tôi không cần bốc thăm nữa! Mất thời giờ vô ích.

    Tôi tự xin tình nguyện đi Đà Nẵng vì tôi nghĩ trong đầu hai cái thăm đó đều viết sẵn chữ Đà Nẳng? Tôi không có hy vọng gì tỷ lệ 50%, hay năm ăn, năm thua. Nếu tôi có thò bàn tay vàng bốc bất cứ thăm nào tôi cũng đều được hân hạnh ra Đà Nẵng. Tôi chỉ nghi nghi thôi!

    Sau đó ông M... hỏi tôi còn gì để nói hay có ý kiến, ý cò gì không? Tôi trả lời tôi đã tình nguyện xin đi Đà Nẵng thì đâu cần gi để nói nữa! Thế là, tôi theo ông ta làm thủ tục để nhận sự vụ lệnh ra phục vụ vùng địa đầu giới tuyến. Tôi được cho nghỉ phép mười ngày để tìm phương tiện đi nhận đơn vị mới.

    Nhận sự vụ lệnh đi Trung Tâm 2 Kiểm báo, tức Panama, Monkey Mountain (vì trên núi này rất nhiều khỉ, bà con địa phương gọi là con Vá Hoàng) mà tôi hoàn toàn không biết ở chỗ nào của Đà Nẵng, chỉ nghe nói là nằm xa Đà Nẵng và ở trên đỉnh núi Sơn Trà mà thôi!

    Đường đi từ Đà Nẵng sang Sơn Trà phải qua đò Sông Hàn hoặc đi qua cầu Trịnh Minh Thế.

    Đầu tháng 8/1970, phi cơ C-123 đáp xuống Đà Nẵng giữa cơn nắng chang chang, thời tiết nóng nực vô cùng. Nhìn những tấm vỉ sắt giữa trưa đang bốc khói mà tôi muốn rơi hai hàng nước mắt. Người ướt đẫm mồ hôi, tôi lê Sac Marin tà tà đi bộ vô trạm Hàng Không để hỏi thăm có ai biết nơi tôi sắp đến, để nhờ họ giúp đỡ, hướng dẫn.

    Tình cờ, tôi gặp môt anh bạn cùng khoá tên PTD đang làm ở trạm HKQS/ Đà Nẵng. Anh hỏi tôi làm gì mà trôi sông, lạc chợ ra đây? Tôi trả lời trôi với lạc gì, bạn ơi! Tôi đưa anh tờ Sự Vụ Lệnh thuyên chuyển ra Trung Tâm 2 Kiểm Báo, Sơn Trà và hỏi anh về đơn vị mà tôi sắp đến phục vụ. Anh nắm tay tôi và kéo tôi ra khỏi trạm, rồi đưa ngón tay trỏ chỉ về phía mờ mờ xa “Sơn Trà của bạn là hai cái bầu tròn màu trắng đang ngự trị hiên ngang trên đỉnh núi đó!”Sang bên đó bạn tha hồ tu tiên, thiền hành, làm bạn với khỉ, với sương mù bao phủ quanh năm. Khi nào đắc đạo hãy hạ san giúp đời.

    Tôi đang buồn mà anh bạn lại thiếu thông cảm, lại dùng những lời lẽ không có một chút gì gọi là an ủi, động viên tinh thần.

    Tôi tự than thở “mới cách đó mấy tiếng đồng hồ còn ở Sài gòn hoa lệ, vui vẻ bên gia đình, bạn bè mà bây giờ tôi chuẩn bị tu tiên, nghĩ mà tủi thân, tủi phận. “Chắc kiếp trước thiếu tu hành, hoặc ăn ở không phải với Trời Đất, thiên hạ, nên kiếp này tôi được lên núi tu Tiên?”

    Anh PTD bảo tôi chờ anh hết giờ làm việc sẽ giúp phương tiện cho tôi sang bên đó. Đến chiều, sau khi giải quyết xong mọi việc. Anh lấy xe Pick Up màu xanh dương chở tôi ra phố thưởng thức “Bún Bò Bà Đào” mà anh cho biết không nơi nào ngon hơn. Sau đó, chở tôi đi dạo một vòng thành phố để cho tôi biết khái niệm về Đà Nẵng. Anh nói “khi bạn sang Sơn Trà thì sẽ ít có dịp ra Đà Nẵng. Nhất là, những hôm mưa gió, bão bùng.”

    Vậy mà, sau này khi xuống phiên trực, tôi thường ra Đà Nẵng thưởng thức Bún Bò Bà Đào. Ăn hoài không chán. Ăn riết thành ghiền. Khi thì đi theo các quân nhân có nhà ở ngoài phố Đà Nẵng, khi thì đón xe Lam ra bến đò Sông Hàn, rồi tiếp tục đi lô ca chân đến quán ăn cho bằng được. Nhiều khi trong túi không đủ tiền. thì Bà Đào cho thiếu, tới tháng lãnh lương trả.

    Trình diện Chỉ Huy Trưởng Dupont tức NT Nguyễn Cầu. Một vị chỉ huy được tất cả thuộc cấp kính mến. Ông ra lệnh cho Thượng Sĩ VQN lo cho tôi chỗ ở và làm các thủ tục cần thiết. Nơi ở là cư xá Sĩ Quan của Hoa Kỳ để lại, nên có đầy đủ tiện nghi.

    Sau một thời gian phục vụ. Tôi cảm thấy thương quý và quyến luyến đơn vị vì các cấp chỉ huy đều tư cách, đạo đức và thương yêu thuôc cấp. Tình cảm các chiến hữu trong đơn vị rất chan hoà. Chiều chiều thường có những trận đấu bóng chuyền, đánh bóng bàn hay xem chiếu phim. Lâu lâu, có chương trình văn nghệ đặc biệt do các ca sĩ từ Sàigòn ra trình diễn giúp vui. Các Sĩ Quan sống trong cư xá độc thân khi tới ngày Sinh Nhật thì được Phu Nhân của CHT làm một ổ bánh nhỏ chúc mừng.

    Bây giờ, tôi mới thầm mừng cho mình được may mắn phục vụ ở đây!

    Sơn Trà phong cảnh rất hữu tình. Những ngày đẹp trời, đứng dưới chân núi nhìn lên sẽ thấy những con suối nhỏ chảy xuống với những cái tên không biết ai đặt từ bao giờ: Suối Mơ, Suối Mộng, Suối Đa Tuyền… Mùa hè hai bên sườn núi: hoa Sim tím ngút ngàn và hoa Trang đỏ nở rộ tạo nên một bức tranh thủy mạc thiên nhiên tuyệt vời!. Có những hôm hết phiên trực theo xe GMC do Hạ Sĩ Báu lái xuống núi, thấy cả một đàn khỉ mấy chục con đang gãi lưng cho nhau, hay đang ăn những trái Sim chín. Khi xe sắp chạy ngang qua, chúng kêu la inh ỏi, báo động rồi cùng nhau ùa chạy vào nấp trong vách núi. Khi xe qua khỏi, chúng lại kéo ra trở lại. Dân địa phương không ai dám săn loại khỉ này vì họ sợ gặp chuyện không may, hay gia đình sẽ gặp tai nạn thảm khốc nếu như sát hại chúng.

    Theo qui định, trừ trường hợp có gia cảnh đặc biệt, các quân nhân Kiểm Báo sẽ được cứu xét cho phục vụ gần nguyên quán, còn ngoài ra tất cả cứ hai năm là phải luân phiên thuyên chuyển đi đơn vị khác. Tính ra tôi ở Trung Tâm 2 Kiểm Báo được hai năm và sáu tháng.

    Tôi rời đơn vị ngày 27/01/1973, đúng ngày Hiệp Định Paris có hiệu lực, để thuyên chuyển về Trung Tâm 1 Kiểm Báo, tức Paris. Đơn vị này nằm trong khu vực phi truờng Tân Sơn Nhất. Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn Kiểm Báo cũng trú đóng nơi đây. Đây là một đơn vị biệt lập, trực thuộc Bộ Tư Lệnh Không Quân.

    Liên Đoàn Kiểm Báo được tổ chức như sau:

    - Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn

    - 2 Trung Tâm Kiểm Báo:
    . TT1KB ở Tân Sơn Nhất, danh hiệu Paris Control.
    . TT2KB ở Sơn Trà, Đà Nẵng, danh hiệu Panama Control.

    - 3 Đài Kiểm Báo:

    . Đ11KB ở Bình Thủy, Cần Thơ,danh hiệu Paddy Control.
    . Đ12KB ở Ban Mê Thuột, danh hiệu Pyramid Control.
    . Đ21KB ở PleiKu, danh hiệu Peacok Control.

    - 3 Đài Hướng Dẫn (BOBS) ở Biên Hòa, Đà Nẵng và PleiKu.

    Khi được thuyên chuyển về Sàigòn trong lòng tôi cứ bịn rịn không muốn rời xa Sơn Trà. Làm sao quên được những tình cảm thân thương của cấp chỉ huy và đồng đội. Nhớ núi Sơn Trà với nhiều cảnh đẹp, nhớ những con đường thân quen, quán xá ở Đà Nẵng. Đặc biệt, Bún Bò Bà Đào. Bà có nét lai Ấn, các con gái bà đều duyên dáng và dễ thương. Quán mở trước nhà năm 1966 tại đường Trần Bình Trọng. Nghe đâu, sau 30/04/1975 vẫn còn tiếp tục bán. Bà mất vào ngày 28/02/2001, nhằm mùng 6 tháng 2, năm Tân Tỵ. Con gái út của bà vẫn tiếp tục sự nghiệp cho đến năm 2014 thì quán đóng cửa vĩnh viễn.

    Tất cả đều là những kỷ niệm đẹp của một thời hoa mộng và sôi nổi.

    Tôi tự nhủ, sau thời hạn làm việc ở Trung Tâm 1Kiểm Báo, tức Paris. Tôi sẽ xin trở lại Trung Tâm 2, tức Panama tiếp tục phục vụ.

    Nhưng tất cả chỉ là giấc mơ vì sẽ không bao giờ xảy ra trong thực tế! Thấm thoát mà đã gần 50 năm. Một số Niên Trưởng và các chiến hữu KB lần lượt đi về chốn hư không, rồi cũng sẽ đến phiên những ai còn lại. Tất cả đã cầm trên tay vé xe một chiều, chỉ còn chờ lên xe để đi về miền miên viễn.

    Vài hàng để nhớ và không thể nào quên!

    Trần Đình Phước
    (San José, California -Tháng 09/2018)

    - Hình 1: Dưới chân núi Sơn Trà
    - Hình 2: Các Sĩ Quan Trẻ của Trung Tâm 2 KB

  • #2
    Cảm ơn Anh


    Thân chào anh Phước,

    Anh và gia đình có khoẻ không ạ?
    Thưa anh, khi tôi đọc xong bài viết của anh: TTKB PANAMA, tả về Đà Nẵng... Sơn Trà, rừng sim với những chú khỉ... thì dĩ vãng trong đời tôi phơi phới đã ùa về... (tưởng như mới xảy ra ngày hôm qua) và nghiêng mình trên hiện tại.
    Khiến tôi cảm thấy vẫn còn có nhiều xôn xao luyến nhớ và hy vọng "sống thêm ít nữa" trong tương lai...
    Cám ơn anh đã cho tôi thưởng lãm phong cảnh hữu tình, ý niệm về tình đồng đội... tư tưởng trong lành cùng quê hương cẩm tú ngút ngàn xa; Ngoái nhìn lại bao điều... tôi vẫn ngỡ như mơ.
    Tình thân,

    T Hoài Hương
    Last edited by Tinh Hoai Huong; 09-29-2018, 04:38 PM.
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

    Comment


    • #3
      Tôi rời đơn vị ngày 27/01/1973, đúng ngày Hiệp Định Paris có hiệu lực, để thuyên chuyển về Trung Tâm 1 Kiểm Báo, tức Paris.
      Cám ơn NT Trần Đình Phước đã gợi nhớ một thời Đà Nẵng. Vào khoảng cuối năm 1973 khi chúng tôi đang theo học bay tại Phi Đoàn 233, Phi Đoàn có tổ chức một chuyến thăm đài Kiểm Báo Panama trên ngọn núi Sơn Chà nhân đang học đến môn không hành, không trợ gì gì đó... Một chuyến xe bus chở hơn 40 mạng ì ạch leo dốc lên đỉnh núi muốn ... ná thở, đôi khi nhìn qua cửa sổ xe, đường dốc ngược một bên là núi đá, một bên là biển xanh vời vợi, sâu thẳm phía dưới, cho dù hằng ngày đã được bay trên trời, mọi người không khỏi rùng mình ớn lạnh.


      Đến tận đỉnh trời, trước tiên là 2 trái cầu trắng đồ sộ đập vào mắt, lâu nay anh em nhìn thấy chập chờn từ xa nhưng không biết là thứ chi trong đó, bên cạnh là khu văn phòng làm việc.
      Một vị Tr/U (chắc không phải là anh Phước lúc đó đã về Sài Gòn) hướng dẫn anh em vào văn phòng, cho xem phòng làm việc của đài kiểm báo. Phòng tối om, các chuyên viên đang chăm chú trên những màn ảnh xanh chi chít tìn hiệu dọc ngang, đường radar quét vòng từng nhịp, một người chuyên viết chữ ngược đang ghi chú ký hiệu phi cơ di chuyển lên một bảng kính trong suốt lớn để người ngồi phía bên kia đọc và theo dõi. Anh giả thích:"Từ Panama, mình có thể theo dõi tất cả các hoạt động của không quân bắc Việt tại Hà Nội, Hải Phòng..." Tiếp theo là màn tham quan 2 nhà tròn. Bước vào trong khối hình tròn, một thiết bị antene khổng lồ đang quay tròng theo nhịp quét radar được nhìn thấy trên màn hình trước đây, một nhà tròn kế bên chứa dàn antene chay theo chiều thẳng đứng lên xuống, dành để theo dõi cao độ thì phải. Không biết có đúng không, nhưng anh Tru/u hướng dẫn giải thích thêm, vì ảnh hưởng tia vô tuyến cực mạnh của radar, thường những người làm nghề nầy phần nhiều sinh con gái.
      Một thời Đà Nẵng.


      Last edited by chimtroi; 10-17-2018, 11:02 PM.

      Comment


      • #4
        ...vì ảnh hưởng tia vô tuyến cực mạnh của radar, thường những người làm nghề nầy phần nhiều sinh con gái.

        - Please explain, ducquany!
        (Thiên Lôi Miệt Dưới)
        Last edited by Nguyen Huu Thien; 10-24-2018, 01:23 AM.

        Comment


        • #5
          Trước hết cho gỡi lời chúc sức khõe đến tất cả các NT, HT cùng các bạn hữu trên DĐPD ,và cho hỏi bạn Chim trời lúc bạn ở PĐ 233 (Thiên Ưng ?) Th/tá Chính PĐ Trưỡng ,anh nào là IP của bạn (Tăng Phát ,Lưu ,Phước..?) Tôi có 1 bạn quen là Trọng cũng học bay ở đó cùng thời với bạn ,sau 75 kẹt lại VN ,bây giờ không biết có qua Mỹ chưa?
          Kính NT Nguyễn hữu Thiên ,DQY không rỏ là tia vô tuyến của radar như thế nào mà ảnh hưỡng đến chuyện sinh trai hay gái.., nhưng chắc không đúng vì nếu vậy thì các anh em trên Đài không lưu cũng chịu ảnh huỡng như thế. Như chúng ta đã biết là tinh trùng(sperm) có 2 loại :con ĐỰC to ,nặng ,di chuyễn chậm ,ngược lại con CÁI nhỏ hơn ,nhẹ và bơi nhanh hơn .Nếu NT cầm 2 cục đá thả xuống thì cục nặng hơn sẽ rớt xuống trước và do đó có thể sinh con trai( tinh trùng đực nặng hơn??), và nếu bắn lên trời thì cục đá nhẹ sẽ lên cao hơn ( tinh trùng cái nhẹ ), do đó có lẻ số anh em trên đài kiểm báo PANAMA thời đó vì xa cách gia đình , bồ bịch..?? nên quen bắn súng phòng không do đó sinh con gái nhiều là dzậy !!!
          Last edited by Nguyen Huu Thien; 10-18-2018, 09:58 PM.

          Comment


          • #6
            Một khi bác sĩ đã phán thì phải đúng. Rút kinh nghiệm, muốn sinh con trai phải tấn công mục tiêu trong tư thế “dive bombing”! (Thiên Lôi Miệt Dưới)




            YES!


            NO!
            Last edited by Nguyen Huu Thien; 10-29-2018, 07:34 PM.

            Comment


            • #7
              Thưa quý bạn.
              Cảm ơn quý bạn đã góp ý cho bài viết tôi càng thêm phong phú. Tôi cũng có nhận xét là các quân nhân Kiểm Báo khi lập gia đình đều sinh con gái, hay nhiều con gái hơn con trai, hoặc không sinh được con. Có lẽ vì phải tiếp xúc với điện cao thế (High Voltage)thường xuyên???
              Xin chúc quý bạn cùng gia đình một cuối tuần bình an.
              tdp

              Comment


              • #8
                Thân gửi bạn T Hoài Hương
                Cho tôi xin lỗi vì trả lời quá trễ. Cảm ơn bạn đã góp ý cho bài viết của tôi.
                Cũng như bạn. Sơn Trà là một phần lớn của thời tuổi trẻ mà tôi không bao giờ quên được. Tôi đã có một thời gian tuyệt vời ở đây. Tôi có dịp khám phá nơi đây có nhiều loài thú, nhưng nhiều nhất là Khỉ hay còn gọi là Vá Hoàng. Những hôm mưa bão theo xe GMC xuống núi vừa ngồi trên xe vừa sợ xe rơi xuống vực hay va vào thành núi. Tài xế phải nhìn theo lằn vôi trắng trên mặt đường để lái rất chậm.
                Xin chúc sức khoẻ và bình an đến bạn cùng gia đình,
                tdp

                Comment


                • #9
                  Xin cám ơn NT Phước đã xác nhận một phần thắc mắc trên đây. Anh nhắc tôi mới để ý là khóa tôi nếu kiểm lại thì sinh con gái nhiều hơn con trai, không biết có phải do lần viếng thăm nầy mà cả khóa bị "dính chấu" hay không? .
                  Xin phép NT Phước để trả lời anh Ducquany ngoài đề tài một chút.
                  Anh Đức ơi, tôi học bay tại PD 233 lúc Th/Tá Bùi Quang Chính làm Phi Đoàn Trưởng, một đàn anh đáng kính và mẫu mực. Thầy dạy tôi là Tr/u Hùng được biệt phái từ Biên Hòa ra, người Bắc, rất hiền dễ thương và nhất là rất kiên nhẫn. Khóa tôi có bạn Nguyễn Đ. Trọng 72H không biết có phải là bạn của anh không. Trọng hiện còn ở VN. Cuối tháng Tư 1974 tôi ra trường về 213, được PD cấp cho một phòng trong khu Main Compound, dãy nhà đầu tiên trước cổng gác Quân Cảnh, bên trên là dãy phòng của anh thì phải. Tôi ở đầu ngoài, đầu trong là quán Thiên Hương của các em gái NT Tạ Nhất Chí. Quán rất đẹp, kể các cô em nhưng tụi tui ít khi dám bén mãn tới vì quán bị các đàn anh phản lực và gunship cover kỹ quá trời, chết như chơi...
                  Ít hàng nhắc lại chút kỷ niệm xưa, chúc anh luôn vui khỏe.

                  Comment


                  • #10
                    Cám ơn bạn Chim trời ,năm 73 tôi cũng có 1 căn trên Main Compound dãy trên lầu ở giữa ,dưới là quán Thiên Hương của anh T.N.Chí ,cuối năm 73 giao căn phòng lại cho Trọng ,có lẻ đúng nó rồi vì sau khi 6 năm tù về có gặp lại Trong ngoài đường Tự Do( Đồng Khởi ),nó có 1 căn phòng ngay góc Tự do-Lê thánh Tôn ,không biết sao nó không đi Mỹ được ,hình như nó là cháu của xếp Minh Tư lịnh KQ.Qua đây tôi có gặp lại Th/tá Chính ,gặp lại Đ/tá Phước( răng vàng ) K.Đ Trưỡng 51 ,gặp nhau ông mừng lắm vì dù chênh lệch cấp bực ,tuổi tác nhưng ông khoái tôi từ hồi đó do ông tưởng tôi là anh của cô ca sỉ Kim Vui( mà ông ưa thích lắm )đi nhảy đầm chung từ hồi ông còn là Tr/tá ,khi ông lên Đ/tá thì ông khao tôi 1 chầu trước ai hết.
                    Anh T.N.Chí qua đây bay lại rồi gặp tai nạn rớt ngoài biển không tìm được xác !!!,mấy cô em của anh Chí ngồi thu ngân Thiên Hương cứ thắc mắc sau có 1 ông không thấy bay bổng mà ngày nào cũng xuống quán uống cà phê ,ăn sáng là tôi( quân y mà bay cái gì!! ), trong diển đàn này có người em ruột của anh T.N.Chí đó.

                    Comment



                    Hội Quán Phi Dũng ©
                    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




                    website hit counter

                    Working...
                    X