Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Rượu Mận và Thơ

Collapse
X

Rượu Mận và Thơ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Rượu Mận và Thơ

    Rượu Mận và Thơ
    Trần Mộng Tú





    Hình như một thi sĩ Nhật nào đó đã nói: Rượu là thơ đóng vào chai hay tôi có thể nói: Thơ là rượu rót vào chai.

    Thi sĩ Tản Đà khẳng định rất rõ ràng trong thơ ông: rượu và thơ do trời đất sinh ra, còn quý hơn cả công danh sự nghiệp. Thiếu rượu và thơ thì tất cả đều vô nghĩa.

    Trời đất sinh ra rượu với thơ
    Không thơ không rượu sống như thừa
    Công danh hai chữ mùi men nhạt
    Sự nghiệp trăm năm nét mực mờ

    Muốn có rượu Mận uống vào dịp Tết, ít nhất phải làm trước sáu tháng.

    Mỗi độ cuối Xuân, đầu Hạ về thành phố, khi hoa Diên Vỹ, hoa Đỗ Quyên, hoa Hồng Mộc, hoa Tử Đằng, hoa Tử Đinh Hương thi nhau nở rộ trong vườn nhà ai, nở tràn trề dọc theo hai bên đường, chính là lúc chợ của người Nhật bán mơ xanh.

    Mơ xanh có tên Nhật là Ume (phát âm là ‘u mê’). Những quả mơ nho nhỏ, quả to nhất chỉ bằng quả táo Tàu hay bằng đầu ngón tay cái của người đàn ông, nằm chen chúc trong một hộc gỗ bên cạnh cam vàng, táo đỏ. Trông chúng ngây thơ, hồn nhiên như đám trẻ con lớp mẫu giáo đang chơi ở sân trường, chỉ khác chúng không gây tiếng động.

    Tháng năm đầu hạ, tôi vào chợ Nhật tìm Ume như thi sĩ đi tìm một đề tài để viết xuống những câu thơ, như họa sĩ tìm màu lạ để vẽ lên một bức tranh mới. Những quả mơ xanh (Ume) này rất nhỏ nếu so sánh với quả mận (Plum) tím, đỏ, vàng ở chợ Mỹ.

    Làm Rượu Mận cần mơ xanh non. Mơ chín vàng như trong thơ Nguyễn Bính không dùng làm rượu mận Nhật được, mặc dù mơ chín rất nên thơ:

    Hỡi cô con gái hái mơ già
    cô chửa về ư đường còn xa
    mà nắng hoàng hôn giờ đã tắt
    hay cô ở lại về cùng ta. (Cô Hái Mơ-NB)

    Mua mơ xanh mang về, rửa sạch, ngắt cuống, phơi qua nắng cho thật khô, khăn bông trắng mới tinh mang ra lau lại từng quả một, rồi đường phèn trắng, rượu trên 35 độ cồn, tất cả cho vào một cái hũ thủy tinh đã được rửa rất sạch và phơi nắng cho tinh khiết. Mang hũ rượu mơ để vào chỗ tối và mát nhất trong nhà (Nhà tôi có basement trữ rượu vang, tôi mang rượu mơ cất vào đó). Ít nhất từ sáu tháng trở lên rượu mới ngấm, mới lấy được hết tinh chất của những quả mơ xanh.

    Khi ngửa cổ nếm ngụm rượu đầu tiên trôi xuống, khà một tiếng mới bật ra được câu thơ của Bùi Giáng:

    Uống xong ly rượu cuối cùng
    Bỗng nhiên chợt nhớ đã từng đầu tiên
    Uống như uống nước ngọc tuyền
    Từ đầu tiên mộng tới phiền muộn sau (Thơ -Uống Rượu-BG)

    Chàng thi sĩ tài hoa này có lối dùng chữ rất đặc biệt, thi sĩ luôn luôn bỏ lửng câu thơ ở cuối dòng, ai muốn suy luận thế nào tùy ý. “Bỗng nhiên lại nhớ đã từng đầu tiên.” Chàng chẳng cho biết đã từng đầu tiên là đầu tiên gì, phải đợi tới câu thứ bốn chàng mới cắt nghĩa tiếp, đó là: đầu tiên mộng.

    Thấy rượu là thấy thơ. Uống rượu mận trong một ngày đầu xuân vùng Tây Bắc khó lòng mà không nghĩ đến Thơ của các thi sĩ viết về rượu.

    Uống xong ly rượu cuối cùng
    Bỗng nhiên chợt nhớ đã từng đầu tiên.
    Uống như uống nước ngọc tuyền
    Từ đầu tiên mộng tới phiền muộn sau
    Uống xong ly rượu cùng nhau
    Hẹn rằng mai sẽ quên nhau muôn đời
    Em còn ở lại vui chơi
    Suốt năm suốt tháng suốt nơi lan tràn
    Riêng anh về suốt suối vàng
    Trùng phùng Lý Bạch nghênh ngang Tản Đà
    Em còn ở với sơn hà
    Anh còn mất hút gần xa mất hoài
    (Uống rượu-BG)

    Búi Giáng sẽ gặp Tản Đà cũng là một thi sĩ cả ngày ngất ngưởng với rượu. Ông biết say sưa hư lắm nhưng là một cái hư mà trời đất cùng đồng điệu với mình.

    Say sưa nghĩ cũng hư đời!
    Hư thời hư vậy, say thời cứ say!
    Đất say, đất cũng lăn quay
    Giời say, mặt cũng đỏ gay, ai cười

    Thi sĩ Omar Khayyam ở thành phố Nishapur xa lắc xa lơ thuộc phía Bắc Iran ngày nay, không những say khướt mỗi ngày khi còn sống mà còn mong khi mình chết xác cũng được rửa bằng rượu, quan tài được cột bằng những sợi dây nho và người tới viếng mộ chàng cũng phải say túy lúy.

    Hãy rót nữa, rót cho tôi, rót nữa,
    Cho mặt tôi đỏ bừng lên như lửa.
    Khi tôi chết, quan tài xin cứ cột dây nho,
    Còn xác tôi – lấy rượu vang mà rửa
    Tôi sẽ say cho tới ngày xuống mộ,
    Cho mộ tôi cũng bốc mùi rượu đỏ,
    Cho anh say đến viếng mộ thăm tôi.
    Trở thành say gấp mấy lần trước đó. (Omar Khayyam-Thái Bá Tân dịch)

    Trong thơ, rượu và tình yêu liên quan mật thiết với nhau đến như thế nào? Khi yêu nhau người ta hay cùng nhau thưởng thức đời sống như thế nào? Hãy nhìn bức tranh vẽ bằng hai câu thơ dưới đây:

    Khi chén rượu lúc cuộc cờ
    Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên (Kiều-Nguyễn Du)

    Như vậy khi chơi cờ, ngắm hoa, thưởng trăng, không thể thiếu rượu được. Rượu giúp cho nước cờ tinh vi hơn, hoa đẹp hơn, trăng sáng hơn và cuối cùng hai người sẽ yêu nhau hơn qua men rượu.

    Để rồi khi tình yêu vì một lý do nào đó bị thất lạc nhau có người hốt hoảng bật lên, thả một câu thơ vào trong bình rượu cạn:

    Em ơi lửa tắt bình khô rượu
    Đời vắng em rồi say với ai (Vũ Hoàng Chương)

    Chao ôi! Khi thi sĩ thất tình đã để lại cho hậu thế một câu thơ rượu thật tuyệt vời!

    Nhà Thơ Lý Bạch của Trung Hoa được biết là chết vì nhẩy xuống sông vồ ôm bóng trăng khi say rượu. Qua thơ, người ta cũng biết thi sĩ khi buồn hay mang rượu xuống thuyền, vừa uống rượu vừa dùng gươm rạch nước trên mặt sông, hy vọng cắt được nỗi buồn như cắt đôi dòng nước, như uống trôi một ngụm rượu:

    Trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu
    Cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu (Lý Bạch)

    Gươm chém nước, nước vẫn trôi
    Giải buồn nâng chén buồn ôi vẫn buồn (tmt-dịch)

    Nhưng rượu cũng không giải được sầu cho thi sĩ nên buồn ôi vẫn buồn.

    Thi sĩ Xuân Diệu không mê rượu, chỉ mê tình nên khi người yêu cho một chén nước lạnh chàng cũng say nghiêng ngửa

    Em cho anh chén nước
    Anh biến thành rượu nho
    Rượu triền miên mộng ước,
    Rượu nồng nàn thơm tho.
    Cái men trong mắt em
    Anh để vào chén nước;
    Hương hơi thở của mình
    Đã hóa thành rượu chuốc. (Chén Nước-Xuân Diệu)

    Tết nhất cô nào mời người yêu chén nước cũng cần phải để ý kẻo chàng bắt chước Xuân Diệu, ngã ngay dưới chân mình thì hơi phiền đấy.

    Trong những thập niên đầu xa xứ, mỗi độ Xuân về, lái xe đi sắm sửa cho mấy ngày Tết, dù chẳng phải người nghiền rượu, câu thơ của Nguyễn Bính đọc lên khe khẽ trong xe, một mình mình nghe, một mình mình chẩy nước mắt.

    Chị ơi, Tết đến em mua rượu
    Em uống cho say đến não lòng
    Uống say cười vỡ ba gian gác
    Ném cái chung tình xuống đáy sông (Xuân Tha Hương-NB)

    Những quả mơ xanh ngâm trong rượu đã hóa thân, mầu xanh ngọc đã đổi sang màu vàng nâu, thịt da mơ co lại, rút hết tinh túy của kiếp hoa quả ra hòa vào rượu. Khi ngâm thì ngâm những quả mơ, khi mơ hóa thân đã thành Rượu Mận (Plum wine).

    Buổi chiều cuối năm đứng ở lan can nhìn xuống hồ Sammamish, cầm chung rượu mận, mời hồ:

    Em đỏ hay là rượu đỏ
    em say hay rượu say em
    cả dòng sông cũng túy lúy
    cứ đòi nắm lấy tay em
    chao ôi dòng sông say rượu
    dắt tay em đi tìm anh
    thế nào cả hai cũng lạc
    vì tình yêu ở khúc quành. (Say-tmt)

    Có phải không anh? Rượu, Thơ và Tình Yêu, nói bao nhiêu cũng chỉ đi tới khúc quành.





    tmt

    Xuân Đinh Dậu- 2017


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X