Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Trái chuối Mỹ

Collapse
X

Trái chuối Mỹ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Trái chuối Mỹ

    Trái chuối Mỹ
    Sean Bảo

    Ở Hội chợ quốc tế Philadelphia năm 1876 nhân dịp kỷ niệm 100 năm lập quốc, khán giả chú ý nhất 2 sản phẩm được xem như là phát kiến đã thay đổi lịch sử nước Mỹ: điện thoại của Alexander Graham Bell và chuối. Chuối được bọc sang trọng trong giấy kiếng từng trái, giá xa xỉ là 10 xu, tương đương 1 giờ lương làm việc lúc bấy giờ. Lần đầu tiên người Mỹ thấy loại trái cây màu vàng, lột vỏ dễ dàng, bên trong ngọt mềm, thơm dẻo và đầy chất dinh dưỡng.



    Những trái chuối nhiệt đới đắt đỏ và hiếm quý đó chỉ bán ở những bến cảng. Nước Mỹ không trồng được chuối mà phải nhập. Ngày nay chuối đã tràn ngập khắp chợ Mỹ với giá rẻ bèo, 50 xu nửa ký. Làm thế nào mà một trái chuối to dài, thơm ngon như thế mà chỉ 10 xu, qua bao ngàn dặm đường sông biển, từ xứ nhiệt đới xa xôi, đến tận tay người Mỹ với cái giá gần như cho không ấy?

    Người Mỹ gọi chuối là banana, có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập là banan (ngón tay.) Năm 1516, người Tây Ban Nha đã đem giống chuối đến Caribbean và đầu thế kỷ 17 đã cố trồng ở Florida nhưng thất bại, do mùa đông giá rét. Năm 1870 Lorenzo Baker, một thuyền trưởng Mỹ đã mua 160 buồng chuối ở Jamaica và bán lại ở Boston, lời 1,000% sau 11 ngày. Chuối nhập vào Mỹ bán có lời hơn các trái cây trồng ở Mỹ. (Ví dụ năm 1913 với 25 xu, tương đương 7 đô thời giá hiện nay, có thể mua được 12 trái chuối trong khi chỉ mua được 2 quả táo.) Sau đó Lorenzo hùn với Andrew Preston, thành lập công ty Boston Fruit đầu tiên nhập cảng chuối vào năm 1885. Trước đó, Minor C. Keith một thương gia ở New York đã đến Costa Rica, giúp chính phủ Costa Rica để xây dựng đường hỏa xa từ thủ đô đến cảng Limon, nhằm mục đích chuyên chở cà phê và khách. Minor cho trồng chuối dọc theo đường hỏa xa để có thêm thức ăn rẻ cho nhân công. Bệnh dịch, khí hậu rừng rú khắc nghiệt đã làm hơn 4 ngàn nhân công thiệt mạng trong 25 dặm đường sắt đầu tiên, làm đình trệ xây dựng. Chính phủ Costa Rica vỡ nợ, để tiếp tục đường hỏa xa đành dành cho Minor hợp đồng béo bở: hơn 3 ngàn cây số vuông đất dọc theo đường rầy, miễn thuế và 99 năm thuê đất để trồng chuối. Minor lấy con gái cựu Tổng thống Costa Rica và lại có thêm nhiều đất đai. Sau đó Minor cùng với Boston Fruit Co. thành lập United Fruit Co. thống trị thị trường xuất nhập chuối toàn nước Mỹ. Với 100 tàu thủy trang bị hệ thống ướp lạnh, Great White Fleet của United Fruit là đội tàu buôn tư nhân lớn nhất thế giới.

    Trùm chuối Samuel Zemurray

    Trong thời gian United Fruit tung hoành khắp bến cảng của Mỹ, thì Samuel Zemurray, một di dân Nga có con mắt tinh đời và óc kinh doanh, Sam. “Banana Man – ông trùm chuối” ở New Orlean lên ngôi. Thoạt đầu khi thấy những đống chuối gần chín vàng, xem như là bỏ đi vì không kịp vận chuyển, Samuel tìm cách mua lại giá rẻ, sau đó dùng xe lửa tốc hành, điện tín cho đại lý đến nhà ga đón hàng chuối kịp thời. Có vốn, Samuel mua tàu thủy, mua đất ở Honduras và thành lập công ty Cuyamel Fruit. ông bắt đầu nhúng tay vào khuynh đảo, thay đổi chính quyền Honduras cũ, bằng Bonilla vị tổng thống thân thiết. Cuyamel Fruit được nhiều đất trồng chuối và miễn thuế trong 25 năm, cùng nhiều đặc quyền kinh tế trên đất nước. Hai công ty United và Cuyamel bắt đầu cạnh tranh giá cả ác liệt. Samuel quyết định bán Cuyamel cho United Fruit, nắm giữ phần lớn cổ phiếu và về hưu. Khi nước Mỹ đi vào cuộc Ðại khủng hoảng, cổ phiếu United Fruit sút giảm, Samuel trở lại thương trường kiểm soát và điều hành United Fruit năm 1938.

    United Fruit đã mua thêm đất đai, phá rừng ở Trung Mỹ để trồng chuối xuất cảng. Các đường hỏa xa được xây dựng, tiền bạc, phân bón và hạ tầng cơ sở được đầu tư cho chính quyền địa phương, dựng nên một chính phủ theo Mỹ để có được độc quyền trồng chuối và xuất cảng chuối với thuế rẻ mạt. Chuối xuất cảng sang Mỹ mang lại lợi nhuận khổng lồ, trong khi lương của công nhân xứ bản địa được trả thấp hơn chục lần ở Mỹ. Năm 1946, United Fruit nắm giữ hơn 1 triệu mẫu đất trồng chuối ở Trung Mỹ. Chuối được đưa vào đời sống dân Mỹ hàng ngày từ bữa ăn sáng trong các tô cereal đến tráng miệng sau bữa ăn tối.

    Xe bán chuối trên đường phố Mỹ 1902

    Quyền lợi kinh tế đã lôi kéo chính quyền Mỹ tham gia và ảnh hưởng chính trị đến các quốc gia xuất chuối ở Trung Mỹ. Trong suốt 50 năm sau đó, chính quyền và lãnh đạo ở các nước Trung Mỹ liên tục thay đổi. Nhưng không thể thoát ra gọng kìm của United Fruit, được xem là “vòi bạch tuộc”. Khi nhà văn O. Henry trở về từ Honduras, ra đời tuyển tập truyện ngắn đầu tiên Cabbages and Kings (Bắp cải và vua chúa) đã ám chỉ các nước Honduras và Guatemala là Banana Republic – Cộng hòa Chuối. Bởi toàn bộ nền kinh tế phụ thuộc vào chuối.

    Standard Fruit thành lập năm 1924 và cạnh tranh ráo riết với United Fruit. Công ty này có trên các nhãn chuối hiệu Dole ngày nay. Từ năm 1946 Công ty United Fruit trở thành tập đoàn đa quốc gia, làm chủ cả triệu mẫu đất trồng chuối ở các nước Trung Mỹ, từ Colombia, Panama, Costa Rica, Nicaragua, Hunduras, Cuba và Guatemala. Ðiển hình như cơn bão chính trị ập đến khi Jacobo Arbenz lên làm Tổng thống Guatemala năm 1951, ông tranh đấu cho quyền lợi của công nhân trong đồn điền chuối. Ba năm sau, Công ty United Fruit dưới sự hỗ trợ ngầm của CIA đã lật đổ Arbenz và đưa Carlos Castillo Armas lên làm Tổng thống Guatemala, từ đó dấy nên cuộc nội chiến suốt 36 năm.

    Nông dân trồng chuối ở Costa Rica 1890

    Trong số ngàn loại chuối trên thế giới hiện nay, chỉ có một loại được ưa chuộng vì trái to, dài, cơm dày, mềm dẻo và thơm ngậy, ngọt ngào khi chín vàng, vỏ cứng khi xanh giúp vận chuyển dễ dàng, đó là giống chuối Cavendish (một loại chuối già hương) mang tên Công tước xứ Anh William Cavendish. Người đã gây giống chuối theo phương pháp cấy mô (clone) năm 1834 làm chuối không có hột. Trước 1950, loại chuối khác mang tên Big Mike phổ biến trên thị trường. Giống chuối này trái lùn hơn như chuối mốc, rất ngọt, dẻo và cứng cáp khi còn xanh. Chuối này rất phù hợp dễ dàng cho vận chuyển đường xa, không bị giập nát… Năm 1903, Dịch Panama (Panama disease) phát triển ở Trung Mỹ, các gốc chuối Big Mike bị nấm làm thúi mục, không có thuốc trừ sâu nào hữu hiệu, hàng ngàn mẫu đất trồng chuối bị phá hủy và toàn bộ giống chuối này được thay thế bằng Cavendish từ năm 1970. Ðây là chuối cấy mô từ phòng thí nghiệm, cao 3m, không hột, 9 tháng ra buồng, mỗi cây có chừng 170 trái, lớn quanh năm. Giống chuối Cavendish này thống trị thế giới từ 1970, nhờ clone nên trái chuối ở Mỹ cũng giống như trái chuối ở Châu Âu.

    Chuối bán ở Walmart

    Người Mỹ đã tiêu thụ chuối nhiều nhất trong các loại cây trái, vượt qua cả táo, nho và cam. Chuối trở thành thức ăn giá trị đứng hàng thứ 4 trên thế giới, chỉ sau lúa mì, gạo và sữa. Chuối là sản phẩm bán chạy hàng đầu ở Walmart, hàng năm bán ra hàng trăm tấn. Bởi ngon, bổ và rẻ.

    Người Việt mình quá quen thuộc với chuối. Cây chuối là hình ảnh quê nhà, man mác câu ru trưa hè:”Ầu ơ! Gió đưa bụi chuối sau hè. Anh theo vợ bé bỏ bè con thơ…” Chuối quê mình có nhiều loại xấu xí hơn Cavendish nhưng ngon vô cùng. Người viết vẫn nhớ hoài trái chuối Thanh Tiêu, nhỏ, dài, cong hơi vuông, chín mà xanh, vỏ dày, nhưng thật dẻo, thật thơm. Nhớ quê nên trồng chuối.

    Ăn chuối và nhớ hình ảnh:”Mẹ già như chuối ba hương / như xôi nếp một, như đường mía lau.”

    SB

    Source:http://baotreonline.com/trai-chuoi-my/


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X