Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cuộc chiến và Mẹ

Collapse
X

Cuộc chiến và Mẹ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cuộc chiến và Mẹ

    Cuộc chiến và Mẹ
    MX Lâm Tài Thạnh


    Buồn lắm Mẹ ơi đêm trường viễn xứ
    Con nhớ nhung hoài tiếng Mẹ hiền ru
    Thương Mẹ lắm giờ đây xa cách mãi
    Chuyện tao phùng biền biệt cõi thiên thu.


    Cha tôi vốn là một công chức của Ty Công Chánh Tỉnh Ba Xuyên (Khánh Hưng – Sóc Trăng) đã từ giã cõi đời rất sớm sau một cơn bạo bệnh, để lại người vợ trẻ với 05 con thơ nhỏ dại, khờ khạo, lúc bấy giờ anh tôi lớn nhất chỉ mới 9 tuổi. Mẹ tôi với Công, Dung, Ngôn, Hạnh được hướng dẫn dạy dỗ từ Bà Ngoại vốn là một gia đình có chút tăm tiếng ở chợ Rạch-Giá. Mẹ tôi đã gượng dậy sau mất mát to lớn bằng tự sức mình với sự hỗ trợ, tiếp tay phụ giúp của các cô tôi. Mẹ tôi đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc sống của một góa phụ trẻ để hòa mình vào công việc của một bậc thầy chuyên hướng dẫn dạy dỗ môn Nữ Công Gia Chánh cho các nữ sinh của hầu hết các trường trung học tại tỉnh lỵ, đồng thời Mẹ tôi cũng là người luôn được sự ưu ái, tiếp đón nồng nhiệt của các phu nhân tỉnh trưởng khi cần thiết vài buổi tiệc khoản đãi quan khách từ Trung Ương đến thanh tra hay mở các phòng triển lãm liên quan đến sự phát triển của Tỉnh nhà hoặc tổ chức hoạt cảnh, thi đua nấu ăn nhân Ngày Lễ Hai Bà Trưng v.v

    Anh em chúng tôi được nuôi sống, dạy dỗ, trưởng thành trong sự hy sinh, cần cù, chắt chiu, chịu đựng với tuổi xuân thì của Mẹ, hiểu một cách khác anh em chúng tôi chưa bao giờ cảm nhận được câu tục ngữ: “Con không cha như nhà không có nóc”.

    Góa phụ trẻ, Mẹ tôi ba mươi bốn
    Khóc thương ngày vĩnh biệt đấng lang quân
    Khăn tang trắng dẫu đau tình xót
    Hạt lệ sầu gượng tiếp bước nuôi con
    Trên bục giảng phấn buồn không nét
    Mực nghiêng tràn khép tuổi nửa chừng xuân
    Lời phụ mẫu Mẹ ghi lòng nhớ
    Đuốc soi đường dung hạnh quyết không quên
    Câu tứ đức, tam tòng dạ tạc
    Tháng năm dài hết Hạ đến Xuân sang
    Thân cò lả kiếp tầm Mẹ nhả
    Nguyện Đất Trời dạy trẻ sớm thành nhân


    Sau cuộc Cách Mạng 1/11/1963, trong khí thế chung của một đổi đời mang nhiều di hận về sau cho toàn dân tộc Việt Nam Cộng Hòa. Buổi cơm chiều đã mất hẳn đi sự vui tươi như thường lệ, với trang báo được xếp góc cẩn thận, để thấy rõ một thông báo của Bộ Quốc Phòng với nội dung kêu gọi thanh niên tình nguyện ghi danh vào lớp Sĩ Quan Trừ Bị Khóa 17 tại Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, tôi thưa với Mẹ:

    - Con tính ghi danh tình nguyện đi Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.

    Mẹ tôi vội buông đũa:

    - Không được, muốn đi lính thì phải hỏi ý kiến Anh Hai con.

    Mẹ tôi quan niệm: “Quyền Huynh Thế Phụ”. Lúc bấy giờ Anh Hai tôi đã tốt nghiệp Trường Canh Nông Thực Hành đi làm công chức với ngạch trật là Huấn Sự Kiểm Lâm tại Hạt Hà Tiên, độc thân nên thường hay gởi tiền về phụ Mẹ tôi. Câu chuyện đi lính thế là tạm thời không bàn đến để chờ ý kiến Anh Hai tôi. Hôm sau Mẹ tôi cấp tốc gởi điện tín đi và Anh Hai tôi trả lời:

    - Không.., học lấy Tú Tài 2 xong rồi mới đi, Thủ Đức hay Đà Lạt cũng được

    Tôi hiểu ý Anh Hai tôi muốn học thêm và ít ra cũng còn được gần Mẹ một thời gian nữa, nhưng chí đã quyết, lòng đã chọn tôi cố gắng thuyết phục Mẹ tôi:

    - Sĩ Quan Đà Lạt thì phải ở trong quân đội suốt đời còn Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức chỉ phục vụ có 4 năm sau đó sẽ được cho giải ngũ về đi học lại hoăc chọn ngành nghề khác có tương lai hơn.

    Ngày 20/12/1963, Mẹ tôi ký giấy cho tôi tình nguyện gia nhập Khóa 17 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Năm ấy tôi vừa tròn 18 tuổi vào Quân Trường không chút vướng bận, bâng khuâng lại còn mang tâm trạng nhẹ nhàng, thư thái vì từ nay không còn cảnh hồi hộp lo sợ những khi vào lớp học bài vở biết ta mà ta lại không biết nó, đứng ngẩn măt trước tấm bảng đen sau lưng là các bạn học gái thì quả tình chẳng đẹp mặt và xấu hổ biết bao. Chưa bao giờ tôi đặt cho mình một câu hỏi sẽ có những gì chờ đợi ở phía trước nơi đầu sóng ngọn gió với những cảnh tử biệt, sinh ly mất mát. Chưa một lần thắc mắc hoài nghi, bất mãn khi nhìn quanh cảm nhận được vẫn còn nhiều tuổi trẻ chưa nhập cuộc. Trong khi đó tôi nào có biết Mẹ tôi đã lặng lẻ mang hoa quả, nhang đèn đến các Chùa trong tỉnh cúng bái, cầu nguyện xin ơn trên che chở cho tôi được an bình trong cuộc chiến đầy gian khổ hiểm nguy nơi chiến trường.

    Lần tay chuỗi hạt nguyện kinh cầu
    Quan Âm, Phật Tổ luôn che chở
    Mũi đạn hòn tên vượt thoát nguy
    Đêm nay tóc trắng càng thêm trắng
    Mẹ tiển con đi luống chạnh long
    Quan hà chia cách thương con trẻ
    Đếm bước đường xa tấc dạ đau
    Mai này ai thức khi con trễ
    Tiếng giận lời yêu hóa gió bay
    Quê hương Đất nước con tìm bến
    Mẹ nhủ lòng tin có Thánh, Tiên.


    Tám tháng nơi Quân Trường, mưa nắng của đồi Tăng Nhân Phú đã biến tôi từ một thư sinh thành một thanh niên chững chạc, dày dạn, tự tin hơn với chính mình.

    Là một cư dân của một tỉnh lỵ nhỏ vùng đồng bằng sông Cửu Long và ở cách xa Sài Gòn hơn 200 cây số, việc đi lại thăm viếng vào lúc bấy giờ rất vất vả, mất rất nhiều thời gian vì thế suốt trong giai đoạn 1 khi chưa được đi phép cuối tuần và chưa có diễm phúc, hạnh ngộ quen biết với các em gái hậu phương, tôi không kỳ vọng có được bất kỳ sự thăm viếng nào như các bạn cùng một Trung Đội nên thường lãnh phần trực báo tin cho bạn đồng khóa khi họ có thân nhân đến. Một buổi chiều Thứ Bẩy đang ngồi nhâm nhi ly nước ngọt trong câu lạc bộ sau nhiều giờ tới lui báo tin thăm viếng, tôi bỗng giật thót người khi nghe trên loa phóng thanh nhắn tin tôi ra gấp khu thăm viếng để gặp thân nhân. Thì ra cũng lại là Mẹ tôi.

    Đường xa chân mỏi bước đường xa
    Lộng gió chiều buông bóng Mẹ hiền
    Thương con đâu quản vài trăm số
    Xá chút gì sông nước cũng qua
    Run run tay chuyển quà nhung nhớ
    Mẫu Tử thâm tình nặng thiết tha
    Thành đô hoa lệ con ghi nhớ
    Sớm đạt công thành mộng ước mơ
    Mai đây vai nặng tình Non Nước
    Cất chút tình riêng Mẹ xót xa.


    Trong bóng chiều của buổi hoàng hôn, hình ảnh nhỏ bé Mẹ tôi khuất sau cổng Quân Trường bề thế, hiên ngang với hàng chữ “Liên TrườngVõ Khoa Thủ Đức”. Năm ấy Mẹ tôi đã ở tuổi trung niên và hình như có một điều gì tôi còn thiếu sót..., đúng rồi, chưa bao giờ tôi nói thành lời: “Con thương Mẹ” kể từ khi tôi trưởng thành.

    Chiều hôm ráng đỏ mây đùn thấp
    Tăng Phú cao đồi bụi cát bay
    Khúc nhạc quân hành chân rộn bước
    Bốn Một Không Không mộng chí trai (KBC 4100)
    Đưa tiển chi lời chưa kịp nói
    Dáng nhỏ thân gầy bóng Mẹ trôi
    Có ai thả bến con thuyền giấy
    Chở giúp dùm ta tiếng luyến thương
    Một nửa ghi tình ơn Sông Núi
    Nửa mảnh hồn kia gửi Mẫu thân


    Từ những bước đi dọ dẫm ngập ngừng đầy ái ngại của buổi ban đầu xen lẫn mặc cảm sĩ quan trẻ mới ra trường, mặt còn búng ra sữa đối với thuộc cấp những người lính đã thường vào sanh ra tử, chạm mặt với tử thần như cơm bửa hằng ngày của một đơn vị Tổng Trừ Bị với nhiều chiến công hiển hách, oai hùng mà tôi đã có lần mơ ước được phục vụ ngay khi còn là học sinh trung học, nhưng rồi chẳng bao lâu sau tôi thực sự hòa mình vào cuộc sống mới ở đơn vị tác chiến.

    Nhờ vào sự hướng dẫn của các bậc đàn anh đi trước cộng thêm tánh ham học hỏi tìm tòi những điều mà chắc chắn rằng không thể nào tìm thấy được trong các bài học ở Quân Trường. Các đàn anh bình dân cởi mở những khi cần thiết, bao dung độ lượng hợp lý hợp tình, oai nghiêm dũng khí đúng nơi đúng chốn, tiên liệu phán đoán nhạy bén trên chiến trường, công bằng trong thưởng phạt phân minh, Tất cả đấy là kim chỉ nam dẫn lối soi đường trong bước đường binh nghiệp giữa lúc chiến trường ngày càng thêm khốc liệt với máu đổ thịt rơi, mất mát chia xa, kẻ còn người mất.

    Thỉnh thoảng đón nhận thư từ do hậu cứ chuyển đến, Mẹ tôi cũng như bao nhiêu bà Mẹ Việt Nam khác khi có con đang xông pha trong hiểm nguy lửa đạn, lời thư dặn dò bao giờ cũng là cầu nguyện để được che chở, bình an. Niềm tin tôn giáo sau cùng là cứu cánh duy nhất để các bà Mẹ tự an ủi, tự bình tâm trong những đêm dài trằn trọc mất ngủ đầy âu lo khi nghe tiếng súng từ xa vọng về.

    Thư Mẹ đến buồn chiều Thu xám nhạt
    Chiến trận tàn lưu dấu cảnh tan hoang
    Dăm chiến hữu vội đi không từ biệt
    Poncho buồn phủ kín liệm đời trai
    Bụi mù bốc chuyến tải thương lần cuối
    Biết mai này ai đến bến bờ kia?
    Lần tay mở quà xa nơi hậu tuyến
    Chứa chan tình hiền mẫu thức canh thâu
    Đây tượng quý Mẹ xin nơi linh hiển
    Câu chú thần thuộc dạ chứ lãng quên
    Thần linh đấng đêm đêm luôn cầu nguyện
    Mọi vuông tròn che chở kiếp chinh nhân.


    Tôi thực sự trưởng thành trong chiến cuộc cùng đơn vị hành quân trên khắp chiến trường của Bốn Vùng Chiến Thuật cả Kampuchia lẫn Hạ Lào. Có một điều đôi khi ngồi nghĩ lại thì quả tình chính tôi cũng không thể hiểu tại sao trong rất nhiều trường hợp giữa cảnh lửa đạn mịt mờ của hàng ngàn các loại đạn pháo kích cuả đại bác 130 ly, hỏa tiển 122, 107 ly, súng không giật bắn thẳng 82 ly, súng phòng không 12. 8 ly, 37 ly, 57 ly hạ nòng bắn thẳng cuả địch tôi lại có thể thoát chết trong đường tơ kẻ tóc cũng như có thể trở về được an toàn, lành lặn không một thương tích sau hai lần thực sự lâm vào cảnh hung hiểm khôn lường: Hạ Lào và Đà Nẵng. Phải chăng đấy là nhờ vào sự cầu nguyện vô cùng linh thiêng và thành tâm khấn bái cùa Mẹ tôi. Người Mẹ với trái tim đầy thương yêu và bao dung.

    Hòa bình đến trong cái Hiệp Định quái gở, trói buộc, bán đứng Miền Nam mà người bạn một thời là Đồng Minh đã ưu ái đặt tên thật là chính xác như những đồng tiền họ đã bỏ ra đúng với câu dân giả thường nói: “bỏ của chạy lấy người”. Đó là: Việt Nam hóa chiến tranh (Có nghĩa trước đó, chúng tôi, những người Lính Việt Nam Cộng Hòa đã chưa từng chống Cộng Sản để bảo vệ quốc gia? Cuộc chiến đấu trước đó chỉ đơn độc của người Mỹ?) để rồi vội vã rút quân trong danh dự kiểu cao bồi Mỹ và muối mặt lạnh lùng vứt bỏ mọi cam kết mang tính chất Quốc Tế cũng như niềm tự hào thuở nào trong vai trò lãnh đạo Thế Giới Tự Do để ngăn chặn làn sóng đỏ.

    Trong một bức thư Mẹ tôi viết gởi có nội dung: “Những gì Mẹ cầu nguyện trong suốt 9 năm (1964 –1973) con xông pha nơi lửa đạn dấn thân vào chốn tử sanh bây giờ đã có hòa bình không còn đánh nhau đây là lúc con phải thực hiện lời nói năm xưa với Mẹ và gia đình”. (Ý Mẹ tôi nhắc đến việc xin giải ngũ).

    Mẹ tôi cũng như tất cả những người yêu chuộng tự do , muốn sống no ấm trong thanh bình, không chiến tranh tàn phá, nhằm xây dựng một đất nước Việt Nam phú cường phồn thịnh đều đã “lầm”, tất cả chỉ là hư ảo trong cái hòa bình giả tạo, đầy nham hiểm, man trá của lũ người vô thần với chủ nghĩa ngoại lai tàn độc cho tham vọng xâm chiếm Miền Nam và làm bá chủ Đông Dương trong vai trò tay sai cho Nga Xô và Trung Quốc của Cộng Sản Bắc Việt.

    Là một cấp chỉ huy tác chiến trung cấp đã trải qua một thời gian dài khổ đau, chết chóc, trực tiếp chiến đấu với bọn Cộng Sản xâm lược, thực sự đối diện với kẻ thù từng giờ, đặc biệt trong những ngày tháng sau khi Hiệp Định Ngưng Bắn có hiệu lực thi hành (27/01/1973) tôi đã thấy rõ mối nguy hại khôn cùng, ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần toàn thể chiến binh nơi tuyến đầu. Đó là:

    “Không ai muốn trở thành Anh Hùng vào giờ Thứ 25”.

    Điển-hình là trận đánh giải tỏa và trục xuất một Trung Đoàn Cộng Sản Bắc Việt vào trung tuần tháng 02 năm 1973 (chưa đầy 2 tháng sau khi ký Hiệp Định) tại vùng sông Vĩnh Định (Quảng Trị) khi địch lợi dụng đêm tối nương theo kẽ hở giữa hai đơn vị nơi chạm tuyến, cũng như thiếu cảnh giác, thiều đề phòng, quân CS Bắc Việt đã lén lút chui qua và thọc sâu vào lãnh thổ trách nhiệm cùa Lữ Đoàn 258/TQLC, tạo thành một lõm da beo ngứa mắt, cần phải tiêu diệt.

    Lúc đó tôi là TĐP/TĐ 7 Hùm Xám, tôi nhận lệnh chỉ huy Cánh B gồm 2 Đại Đội 4 và 1, đến khu vực hành quân, sau khi Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn được tin báo từ Địa Phương Quân Quảng Trị và dân chúng về sự xuất hiện bất ngờ của một số cán binh Bắc Việt. Cuộc hành quân có tính cách thăm dò và trinh sát không ngờ trở thành một cuộc chạm trán dữ dội sau khi phía Bắc Việt quyết định tử thủ, chúng dùng đủ loại hỏa lực cá nhân và cộng đồng chống trả, chận đứng đơn vị tiền sát của ĐĐ4, gây một số thương vong cho Trung Đội thám sát. Sau khi lên tuyến đầu trực tiếp quan sát , nắm vững tình hình , tôi quyết định cho ngưng tấn công chờ đêm tối và báo cáo xin tăng viện để có thể mở thêm một mũi đột phá vào cánh phải của địch quân. Cuộc đột kích đêm đầu tiên không mang lại kết quả và địch phản ứng lại mạnh mẽ với súng cối và không giật 82 ly.

    Mờ sáng hôm sau lực lượng tăng viện gồm 02 Đại Đội còn lại của Tiểu Đoàn 7 và một Chi Đội M 113 trong đó có một phân đội được cải tiến, gắn thêm mỗi xe một khẩu đại bác không giật 106 ly. Nhằm tránh những khiếu nại từ phía Cộng Sản với Ban Quân Sự Liên Hợp Quốc Tế Bốn Bên đang trú đóng trong thành phố Quảng Trị từ khi có Hiệp Định Ngưng Bắn, lệnh cấp trên không cho xử dụng hỏa lực của phi cơ và pháo binh. Trong cương vị là chỉ huy trực tiếp cuộc hành quân “giải tỏa và trục xuất” ở vào thời điểm “tế nhị và khó khăn của giờ Thứ 25”, đồng thời để hoàn thành nhiệm vụ với mức thiệt hại tối thiểu cho thuộc cấp, một kế hoạch “lôi hỏa tự biên, tự diễn” được xúc tiến nhanh chóng, được trình báo, được chấp thuận theo hệ thống chỉ huy. Đầu tiên tôi tập trung toàn bộ hỏa lực cơ hữu của Tiểu Đoàn gồm 04 súng cối 81 ly và 08 súng cối 60 ly cùng tác xạ tiêu diệt mục tiêu trong khoảng thời gian nhứt định, kế tiếp xử dụng súng không giật 106 ly và đại liên 50 ly của thiết vận xa M 113, tạo sự kinh hoàng và hạn chế khả năng chống trả của địch quân. Nhờ Trời thương và do địa hình vị trí nơi quân Bắc Việt đang phòng thủ dọc theo con sông Vĩnh Định quá mỏng, không có chiều sâu và quân Bắc việt không có thời gian để tổ chức đào công sự, hầm hố kiên cố chịu được các loại hỏa lực tập trung như đã nói trên. Sau ba ngày giằng co với hò hét lẫn thuyết phục cuối cùng chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ sau khi tên Trung đoàn Trưởng Bắc Việt đích thân giương cờ trắng xin thương thuyết để TĐ7/ TQLC mở một lối thoát cho đơn vị hắn.

    “Dĩ hòa di quý”: Lệnh trên cho phép mở một lối nhỏ để địch trở về bên kia chạm tuyến. Tôi không bao giờ quên được giọng nói mang nặng âm hưởng của người miền Nghệ Tỉnh, dù rằng lúc đó hắn ta mặc quân phục và mang phù hiệu của Mặt Trận Giải Phóng Việt Cộng. Khi đi ngang qua mặt tôi theo đơn vị rút ra hắn nói:

    -“Thế nào cũng có ngày chúng ta gặp nhau Thiếu Tá hỉ?” (Khi được dẫn vào gặp tôi để xin thương thuyết thì vị Đại Đội Trưởng trách nhiệm tuyến đầu đã vô tình tiết lộ cấp bậc của tôi ) Tôi cười nhẹ và nói:

    -“Lần sau chắc không dễ dàng đi ra như thế nầy!”

    Đâu đó vang lên những tiếng chửi thề, đầy vẻ bực bội của một số sĩ quan và binh sĩ đang làm nhiệm vụ canh phòng. Các vị Đại Đội Trưởng thuộc Tiểu Đoàn 7 TQLC vào thời điểm giờ thứ 26 là Đại Úy Hoàng Văn Hạp (cùng Khóa 17 Thủ Đức), Đại Úy Tăng Kim Phụng, Đại Úy Đoàn Lưu. Cái giá phải trả cho giờ thứ 26 không phải là ít. Biết sao?

    Cũng từ đó tôi nhận thức được trong tương lai sẽ có nhiều khó khăn trở ngại, trăn trở suy nghĩ cho các cấp chỉ huy các đơn vị nhỏ, trực tiếp đối diện với địch quân nơi tuyến đầu khi phải điều động binh sĩ chống trả lại những vi phạm cố tình giành dân, lấn đất cuả Cộng Sản Bắc Việt do cái hiệp định ngưng bắn kỳ quái, bán đứng Đồng Minh vì quyền lợi chiến lược chung toàn cầu của người Mỹ.Việc gì đến thì phải đến, chỉ có vấn đề là thời gian.

    Trưa ngày 29/3/1975, tôi nhìn lên trời, cánh chim sắt cuối cùng vừa cất cánh rời khỏi phi trường Đà Nẵng, bay lượn một vòng để lấy cao độ hay để gĩa từ thành phố trái tim miền Trung thân yêu trong hỗn loạn, bi thảm, một thành phố đột nhiên bị bỏ ngỏ đến độ bàng hoàng ngơ ngác. Tôi nhìn đoàn quân của tôi, TĐ.9/TQLC đang di chuyển đội hình hàng dọc, trật tự, sẵn sàng tác chiến không một chút nao núng, trên đường đi đến điểm hẹn để thực hiện công cuộc phòng thủ Đà Nẵng theo lệnh hành quân trực tiếp từ Niên Trưởng 216 vào lúc 1800 giờ chiều ngày 28/3/1975, thay thế cho lệnh cũ là tử thủ tại vị trí đóng quân chung quanh vùng đồi núi Sơn Trà chạy dài tiếp nối đến cao độ 1062 chế ngự thung lũng Thường Đức.

    Một thoáng hãnh diện không nói nên lời đến với tôi nhưng đồng thời nhận rõ trách nhiệm nặng nề trước gần 700 sinh mạng thuộc cấp vào thời điểm “tái phối trí” không hợp lý này. Vai trò chỉ huy trung cấp như tôi trong hoàn cảnh khắc nghiệt, bó tay như thế này chắc hẳn không thế nào chuyển đổi được “thế cuộc”.

    Công điện cuối cùng tôi gửi về cho hậu cứ vào xế chiều 29/3/75 trong lúc vòng vây của kẻ thù phương Bắc bắt đầu khép kín, nhằm xác định “giờ sống còn” của đơn vị và cũng là lời chào vĩnh biệt Miền Nam quê hương yêu dấu.

    Anh đứng đó súng ghìm trong quyết chiến
    Dáng kiêu hùng uy dũng tựa Trường Sơn
    Nếu phải chết đậm tô trang quân sử
    Xin một lần sống mái Bắc phương quân
    Giòng thác đổ địch quân trùng vây phủ
    Bóng chiều dần, chiến hạm khuất bờ xa
    Đường lui bước nẻo về ngăn lối thoát
    Chiến trận tàn không báo tử hồi chuông
    Tim sắt đá phát ban lệnh tử chiến
    Máu xương người đâu thể hóa trò chơi
    Không hàng giặc “tẩu vi là thượng sách”
    Lệnh “tan hàng” “cố gắng” tìm về Nam
    Hạng Võ đó nhục “trôn lòn” dựng nước
    Ai mang thắng bại mà luận anh hùng? .


    Giữa khuya đêm 29/3/75 toàn bộ chúng tôi đều bị bắt và trở thành tù binh! Phép lạ nào đưa đẩy tôi đi đến quyết định nhanh chóng phải vượt thoát khỏi trại giam giữ tù binh ở Hòa Cầm, trốn lẩn vào dân và ra khỏi thành phố Đà Nẵng chỉ trước một ngày khi bọn quân quản địa phương bắt đầu siết chặt, kiểm soát sự ra vào bằng rất nhiều chốt chặn gồm cả quân chính quy Bắc Việt, du kích và cả bọn nằm vùng.

    Đường dong ruổi thật dài, thật gian nan vất vả và trắc trở nhưng đồng thời cũng để lại trong tôi nhiều cảm xúc nghẹn ngào, cảm động không thể nào quên, từ những đồng tiền trao vội vã, bọc gạo sấy chia đôi, chai nước mát lạnh đầy tình thầy trò từ những thuộc cấp cũ của Trâu Điên và Mãnh Hổ dành cho tôi vào lúc hỗn quân, hỗn quan bấy giờ thật là một an ủi vô cùng đã giúp tôi thêm quyết tâm tìm về phương Nam.

    Làm sao quên được sự giúp đỡ tận tình của một mẹ già không quen biết trong căn nhà lá ven Quốc Lộ 1 vùng Tam Quan, Qui Nhơn, vào buổi chiều ngày thứ 9 của cuộc vượt thoát. Tôi đột nhiên bị nóng sốt do cảm nắng, cố gắng ghé vào xin ly nước thì ngã quỵ, vị ân nhân này chẳng những cho tá túc, cho thuốc uống, mà còn cho một bữa ăn sáng hôm sau với những con cá lòng tong xen lẫn những con tép mòng, được kho chung với dừa khô thái nhỏ và sau cùng là một gói cơm vắt lớn với bình đựng nước để tôi tiếp tục lên đường.

    Ngày thứ 11 tại Phường Sài thành phố Nha Trang, tôi được một buổi cơm nóng và tắm rửa sạch sẽ nhờ vào lòng tốt bụng, thương người của một bà Mẹ có con cũng phục vụ trong Quân lực VNCH.

    Tại Phan Rang, thêm một phép lạ đến với tôi khi đang lang thang trước Tòa Hành Chánh Tỉnh vừa mới thất thủ đêm trước, bỗng có tiếng gọi tôi với cấp bậc cũ ở phìa sau lưng, do cảnh giác đề phòng, tôi giả bộ không nghe và vội vã rảo bước đi nhanh, nhưng tôi nghe có tiếng chân đuổi theo và câu nói: “Tụi em đây mà Thiếu Tá”. Xoay người lại thì tôi nhận ra đó là hai binh sĩ ở Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn làm việc cho Ban 3 và Ban 2, tôi thở phào nhẹ nhõm. Sau những lời thăm hỏi chân tình, khi biết được tôi có ý định tìm về Sài Gòn thì Hội, một trong hai người, đã nhanh chóng quyết định đưa tôi về nhà không một chút e-dè, sợ-sệt. Toàn thể gia đình Hội đã tiếp đãi tôi thực chu đáo và hứa trong vài ngày tới sẽ tìm phương tiện cho tôi về Sài Gòn.

    May mắn cho tôi lúc bấy giờ Phan Rang vừa mới mất và quân Bắc Việt đang cố gắng dồn mọi nồ lực di chuyển bộ đội, quân trang, vũ khí của chúng thực nhanh trên Quốc Lộ 1 và hệ thống quản lý địa phương chưa được chặt chẽ nên mọi việc gia đình Hội lo cho tôi tìm đường về Sài Gòn không gặp nhiều trở ngại.

    Ngày thứ 14 trên đường đào thoát tôi được Ba của Hội đưa đến bến sông có tên Tân Thành (một điềm báo hiệu nhiều may mắn và thành công), lẫn lộn vào dân chúng, cùng nhau giả bộ hồi cư về lại Qui Nhơn. Sau khi thuyền ra đến cửa biển thì đổi hướng trực chỉ về phương Nam. Bộ đội BắcViệt tuổi 16, 17 đóng chốt có bắn theo nhưng vô hại.

    Can qua chưa khởi sao tàn sớm
    Tráng sĩ chưa mài gươm nhũn tan
    Khi xưa sông Dịch, Kinh Kha bước
    Nay mất Đà Thành khóc, hận, đau
    Đường xa dong ruổi tìm thoát nẻo
    Lệ tủi buồn vương, vấn tội ai?
    Hoang vắng đêm về không chăn chiếu
    Trở giấc nghe hồn chấp cánh bay
    “Con nhớ đừng quên lời cầu nguyện
    Vạn ngã vuông tròn phận, chí trai”.
    Linh thiêng đây phút giây tìm đến
    Giữ chút niềm tin bước lạc loài..


    Ngày thứ 15, tôi về đến Bải Dâu, Vũng Tàu mà cứ ngỡ như vừa qua một giấc chiêm bao, không tin đó là sự thật, cho đến khi mặc lại bộ quân phục, trình diện Tư Lệnh Sư Đoàn, trình bày những điều mắt thấy tai nghe trên chặng đường vượt thoát và nhận lệnh nhanh chóng thành lập lại đơn vị, Tiểu Đoàn 9 TQLC, sau 3 ngày phép. Lúc này mới thực sự biết rằng “mình trở về từ cõi chết”.

    Ngày thứ 16, ngồi trên xe do sĩ quan chỉ huy hậu cứ mang ra Vũng Tàu đón tôi thoát hiểm trở về.. Một tình cờ và hãn hữu lại đến với tôi:

    Tôi gặp Mẹ tôi đứng ngay bên đường tại Ngã Ba Vũng Tàu...

    Bà cùng anh tôi chờ đón xe để ra Bộ Tư Lệnh Hành Quân tại Vũng Tàu hòi thăm thêm về tin tức của tôi. Đây là lần thứ hai Mẹ tôi xin nghỉ dạy học, đi từ Tỉnh Ba Xuyên để lên Sài Gòn rồi ra Vũng Tàu thăm hỏi tin tức tôi từ khi Bà hay tin đơn vị tôi bị ghi nhận là mất tích sau ngày 29/3/1975.

    Gian nan vất vả con về bến
    Bóng nắng bên đường thoáng dáng ai
    Tóc trắng lưng còng chân vẹo bước
    Dỏi mắt đường xa lệ đắng môi
    Tâm tư chìm lắng lời kinh cứu
    Nạn khỏi tai qua trọn kiếp người
    Măng non những tưởng tre già khóc
    Tương phùng chợt đến tựa chiêm bao
    Xin Me lau nốt khô giòng lệ
    Cất tiếng cười vui buổi họp xum. .


    Cuộc chiến sau cùng đi vào ngõ cụt với cái mất và chết đầy oan khiên, tức tưởi, nghẹn ngào, uất hận của toàn thể Dân Quân Miền Nam, đặc biệt là đối với các chiến sĩ trực tiếp cầm súng chiến đấu gìn giử từng tấc đất, ngọn cỏ của Tổ Quốc. Những người lính chiến nằm bờ ngủ bụi, đối diện với tử thần trên từng đoạn đường, bỏ lại sau lưng ánh đèn màu với những thú vui vật chất, với những tiếng cười thâu đêm suốt sáng của đám người làm giàu nhờ vào chiến tranh.

    Hạnh phúc cá nhân và gia đình của bao chiến sĩ nơi trận tuyến bị quên lãng, sự hy sinh ngoài tiền tuyến như là một thứ “xa hoa” dành cho lớp người hậu phương “trên trước” hưởng thụ thì hậu quả tất yếu không thể tránh được cái ách Cộng Sản phủ trùm lên quê hương, đất nước.

    Lịch sử sang trang trong vội vàng bất chợt với đảo điên, ánh sáng đời tôi đã khép lại và từ đó là màu đen tang tóc. Năm 1980 sau 5 năm lưu đày, khổ sai, biệt xứ nơi đất Bắc với tội danh chưa từng có trong lịch sử loài người: “Can tội Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Lính Thủy Đánh Bộ” và đã lần lượt trải qua nhiều trại giam khắc nghiệt trong các vùng rừng sâu, nước độc, sinh mạng tù nhân được tính từng ngày.

    Khi “đàn anh” Trung Cộng vĩ đại dạy cho “đàn em” Việt Cộng 1 bài học thì chúng tôi được di chuyển về gần các khu vực trong nội địa và do Công An trại giam Bộ Nội vụ quản lý và canh giữ thì một bất ngờ đến với tôi:

    “Cải tạo viên Lâm Tài Thạnh chuẩn bị ra thăm nuôi ngày mai”.

    Tiếng báo gọi của tên từ hình sự, phụ trách thông tin của trại tù Hà Nam Ninh (Trại A) vang lên khi tù đang điểm danh để vào phòng giam sau 6 giờ tối.

    Buổi sáng ngày hôm sau, tôi vẫn phải đi lao động đào đất đắp đê, đến trưa mới tôi được gặp Mẹ và anh tôi, thật là một điều “không tưởng. Năm ấy Mẹ tôi đã 62 tuổi.

    Mẹ già chạy tảo khắp muôn phương
    Tìm tiền kiếm bạc mưu nuôi sống
    Trẻ bước sa cơ cá chậu lồng
    Chẳng nệ trần gian nhiều sương gió
    Hòa với đêm Đông xứ lạ người
    Chẳng kể đèo cao mây trùng phủ
    Trăng mờ núi nhạn Bắc phương xa
    Chẳng màng uy thế loài vô lại
    Chiến thắng gì bây “kẻ lọc lừa”
    Tim hồng đây máu còn luân chuyển
    Cắt đứt được sao? Mẫu tử tình!


    Đây là chuyến thăm nuôi duy nhất trong suốt thời gian tôi bị lưu đày nơi miền Bắc “XHCN”. Năm 1982 khi tôi được chuyển từ miền Bắc vào miền Nam, trại Z30A Xuân Lộc Tỉnh Long Khánh thì cũng là lúc Mẹ tôi với sự giúp đỡ của cô và chú tôi đã cho tháp tùng vượt biên trên chiếc ghe nhỏ của gia đình do dượng Mười tôi (gốc Hải Quân) làm tài công và nhờ Ơn Trên đã đến bến bờ Tự Do, bình yên và trọn vẹn. Năm ấy Mẹ tôi đã 64 tuổi. Phải mất 10 năm sau đó (1992) tôi mới thực sự đoàn tụ, sống gần Mẹ, khi tôi được định cư theo chương trình HO.

    Sau mất mát bất ngờ với sự ra đi vĩnh viễn của cô con gái út do căn bịnh ung thư, tinh thần và thể xác Mẹ tôi bị suy giảm nhanh chóng! Ước nguyện sau cùng của Mẹ tôi là được trở về miền đất quê hương, nơi chôn nhau cắt rún mà suốt cả cuộc đời Mẹ đã bôn ba, chịu đựng, chắt chiu, lo lắng để các con trẻ đuợc nên người. Sau khi bàn bạc, trao đổi ý kiến trong gia đình, cuối cùng Mẹ tôi đã được đưa về lại Việt Nam năm 2000, sống chung với gia đình anh Hai tôi ở Long Khánh, nhờ có các cháu nội gái bên cạnh chăm lo, săn sóc, trò chuyện, đưa đi các chùa ở chung quanh, dần dà Mẹ tôi cũng nguôi ngoai nổi buồn mất con gái.

    Mùa Xuân cuối cùng năm Quý Mùi 2003, Mẹ tôi đã từ giã cõi đời trở về cùng miền viên mãn, hưởng thọ 85 tuổi.

    Ơn cao quá Núi, đo muôn trượng
    Nghĩa nặng hơn Sông, vạn tinh cầu .
    Trần thế phủi rồi câu danh lợi
    Non Tiên toại nguyện chữ an nhàn
    Mẹ đi siêu thoát thân thư thái
    Con ở dương gian dạ ngậm ngùi.


    MX Lâm Tài Thạnh

    Source:http://www.tqlcvn.org/dsst2018/113-1...oc%20chien.pdf


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X