Thông báo

Collapse
No announcement yet.

"42 năm sống ở Mỹ: Được Gì, Mất Gì?"

Collapse
X

"42 năm sống ở Mỹ: Được Gì, Mất Gì?"

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • "42 năm sống ở Mỹ: Được Gì, Mất Gì?"

    Điểm sách "42 năm sống ở Mỹ: Được Gì, Mất Gì?"
    của GS Lê Thanh Hoàng Dân
    ~~~






    (Bài nói chuyện nhân buổi ra mắt sách "45 năm sống ở Mỹ: Được Gì, Mất Gì?" của GS Lê Thanh Hoàng Dân)

    Năm mươi lăm năm trước (1964), Lê Thanh Hoàng Dân và tôi, hai người bạn đồng nghiệp vừa mới bước chưn vào giáo giới, cùng chung lý tưởng viết lách đàng hoàng để giao truyền những kiến thức có ích lợi cho đời, cùng mục tiêu tranh đấu chánh trị (Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến), hầu tạo nên một xã hội tốt đẹp cho Miền Nam Việt Nam. Rồi cả hai đứa, cũng như cả nửa dân tộc phía Nam vĩ tuyến, bị cuốn hút vào ngã rẽ nghiệt ngã sau cơn lốc quốc biến 75. Chúng tôi cách xa nhau từ đó, sau nầy vì định cư ở xa nhau, vì nghề nghiệp khác biệt, mới gặp lại nhau chớp nhoáng 1, 2 lần vài năm trở lại đây.

    Chớp nhoáng vì thời gian gặp gỡ chỉ đủ cho một buổi ăn trong quán ăn nào đó, chớp nhoáng vì những câu đối thoại chỉ quanh quẩn ở thực tế về cuộc sống hiện tại nói chung chung của người Việt tha hương. Những lý tưởng, những mơ ước, những cách thế tranh đấu thời trẻ cả hai đứa đều có lý do riêng để bỏ qua không nhắc tới, kể cả không nhắc tới cuộc sống cá nhơn sau 75 mà mỗi người đối đầu theo mỗi cách.

    Tình bạn vẫn đẹp, nhưng những mục tiêu ngày xưa hình như mỗi người đi theo một phương thức do hoàn cảnh của từng người. Tôi bao nhiêu năm ở Mỹ viết nhiều truyện ngắn, những vấn đề văn học Miền Nam, phiên âm Chữ Nôm, góp phần trong việc làm Tự Điển Chữ Nôm… Lê Thanh Hoàng Dân, cũng thời gian đó học hành cực lực, bước qua sự khó khăn của những bước đầu với gia đình đông con nhỏ, với nỗi đau buồn nức thịt da mất đứa con yêu. Anh cố gắng học hành để có được học vị đủ khả năng bước vào dòng chánh của nước Mỹ tạm cư. Anh làm việc, làm việc, thập niên nầy qua thập niên khác. Anh xây dựng tương lai cho con cái dâu rể, anh hướng dẫn và giúp đỡ con cháu lập nghiệp. Thời gian qua, người bạn Lê Thanh Hoàng Dân của tôi như bị cuốn hút vào đời sống qua mau và nhìn về một hướng của xã hội nầy: tiến về phía trước để thoát cảnh nghèo cho các thế hệ sau của gia đình, tiến về phía trước để vững đường trên đất nước mới.

    Và chúng tôi tới tuổi hưu trí. Tôi tiếp tục mày mò, tẳn mẳn với những quyển sách xưa cũ nát. Bạn tôi bay tới bay lui hầu như thường xuyên khắp trời Âu Á Mỹ, đâu đâu cũng có vết chưn của bạn. Mọi người chỉ thấy được điều nầy. Tôi cũng vậy.

    Nhìn bề ngoài thì như vậy. Nhưng tâm sự thầy giáo Lê Thanh Hoàng Dân có những khuất khúc. Ông thổ lộ những khuất khúc của mình trong quyển sách mới nhứt sau thời gian tự nguyện xa lìa không dính dáng tới chuyện viết lách. Quyển sách mỏng mở đầu cho bộ sách dầy:

    ‘42 năm sống ở Mỹ: Được Gì mất Gì?’

    Sách gồm ba phần:


    I. Nỗi lòng người ra đi sau biến cố.

    Đó là tâm trạng một người sắp rời xa quê hương, biết mình sẽ tách biệt với nó rất lâu, có thể là vĩnh viễn. Cái quê hương mình mến yêu, mình sống thời hoa niên và có thể là có băn khoăn khi lựa chọn ra đi hay không.

    Để thực hiện nhiệm vụ với gia đình, Lê Thanh Hoàng Dân đã lên đường đến vùng đất mới, nơi đây trước thực tế của cuộc đời mới, quyết định quên quá khứ, đã tập quên những hoài bão, những tâm huyết của mình để thành con người mới phù hợp với hoàn cảnh mới. Ông nói: ‘Trong nhiều năm tôi cố gắng quên quá khứ để có thể tiếp tục sống với hiện tại và tương lai ở Mỹ. Cố gắng riết rồi tôi quên hẵn quá khứ của mình.’ Tâm trạng nầy là tâm trạng chung của nhiều người, nhưng biết bao người không làm được và họ sống ở giữa hai trạng thái hiện tại và quá khứ mà quên mất tương lai mới là con đường quan trọng để tồn tại trong cuộc sống mới, trong hoàn cảnh mới.

    Và ông thú thiệt đã trở thành người hoàn toàn khác để sinh tồn, để từ đáy xã hội Mỹ mà đi lên. Quên quá khứ ông thấy đời mình vui lại trong hoàn cảnh bơ vơ của những năm tháng mới đến xứ người.

    Tôi tâm đắc về vài chuyện nhỏ nhặt của tác giả khi mới tới Mỹ: Ăn buổi cơm nước mắm dầm hột gà luộc đầu tiên sao mà ngon quá. Khi dùng phải rất cẩn thận nhỏ ra vài giọt rồi đây nắp chai lại, rồi lau miêng chai để mùi khó chịu với Mỹ khỏi bay ra…vv... khiến cho người nhà của Host (sponsor) thắc mắc không hiểu thứ nước gì quí mà họ chắc chiu như vậy, chuyện vợ đi lạc vì ngủ quên trên xe lửa lúc đi làm về (Hai chuyện nầy thì lúc đó biết bao gia đình đã trãi qua, đã có kinh nghiệm dầu là người đến đất nầy một thập niên sau 1975…)

    Và rồi ta tự hỏi những khó khăn như vậy ông thoát ra bằng cách nào?

    Câu trả lời là tùy theo hoàn cảnh và sự suy nghĩ của từng người. Mỗi người có cách khác nhau. Người học Luật, học kỷ sư, học để trở thành thầy giáo, người đi vào thương trường, khai thác nhà hàng tiệm ăn, người làm bão hiểm… Lê Thanh Hoàng Dân với cố gắng của chính mình trong việc học và nhờ sự tận tâm giúp đỡ của những người bạn Mỹ với tinh thần hào phóng giúp đỡ người di dân mới đến anh đã đạt được mảnh bằng MBA và từ đó đã hoạt động trong lãnh vực tài chánh Mỹ.

    Lê Thanh Hoàng Dân đã thành công ở bên VN trước 75 với một lô sách bán chạy mấy chục cuốn, đã có chương trình ăn khách trên TV là Quê Hương Mến Yêu, qua đây ông cần một thời gian cần thiết để xây dựng lần nữa những gì mình đã đạt được và đã bỏ lại.

    Câu hỏi ông đặt ra là: Có thù hằn không Cộng Sản đã đẩy ông vào trường hợp nầy? Lê Thanh Hoàng Dân xác quyết ông không thù hằn mà còn thương hại họ, chính họ vì nghe lời đàn anh Cộng Sản Trung Quốc mà đưa dân tộc vào những trường hợp mất mác đất đai biển đảo, khiến cho đất nước ở vào trong thế yếu kém, vào thế lệ thuộc, phải chịu đựng những ức hiếp nhưng không dám một lời phản đối. Ông nói: Tôi không hận thù. Tôi chỉ thương (hại) họ thôi. Ý ông nói là tội nghiệp cho thân phận họ. Một thân phận của nước nhỏ mà lại ở vào vị thế hèn kém, lệ thuộc, không có thế giá gì với quốc tế.

    Chúng ta cần hiểu rõ Lê Thanh Hoàng Dân về điểm quan trọng nầy. Điểm mà ông nói ở giửa hàng chữ. Hận thù là đứng ở mặt cá nhân (bị đày ải, bịt bắt bớ, tịch thu nhà cửa…) ở mặt tổ quốc (cai trị nước bằng sự khủng bố, tù đày, đánh đập, phá hoại tài sản quốc gia..) Thương hại là đứng ở mặt con người với con người. Như ta nói tội nghiệp quá, họ chẳng nhúc nhích gì được, có miệng mà chẳng thốt nên lời. Mất đất mất biển phải ngậm câm chịu đựng. Tàu cá của dân bị tàu Trung Cộng đâm cho chìm cho bể họ chỉ dám nói là tàu lạ làm chuyện đó. Tôi nghĩ, chắc chắn rằng, để tránh hiểu lầm, Lê Thanh Hoàng Dân sẽ khai triển hơn ý nầy bằng một bài viết trong tương lai.

    Cuối chương ba của phần 1, Lê Thanh Hoàng Dân ghi một câu thiệt đáng chú ý cho người Việt, không phải chỉ ở Mỹ mà thôi mà ở khắp nơi, ở bất cứ quốc gia nào có người Việt định cư: ‘Chúng tôi là thế hệ đầu tiên đến đây. Chúng tôi có bổn phận sống ra hồn, cho thế giới nể phục chúng ta.’

    Lê Thanh Hoàng Dân không nói sống ra hồn là thế nào nhưng căn cứ vào toàn bộ quyển sách thì là quên quá khứ để rãnh trí mà tiến về phía trước như học hành, làm việc để thành công cho mình và cho gia đình. Sống tự lập và tự tin ở xã hội mới.

    Thiệt ra theo tôi (NVS), cố sống cho ra hồn còn cần thêm yếu tố như sống xứng đáng làm người công dân tốt, không lợi dụng những chương trình giúp đỡ của chánh phủ vì tham lam chớ không vì cần thiết, không gian lận để được hưởng thêm những quyền lợi, không chà đạp người không may mắn, nhứt là người đồng hương đến sau mà ta thường thấy ở các tiện ăn, tiệm nail… Đơn giản hơn, sống cho ra hồn là làm gương sáng cho con cháu để chúng trở thành người tốt mà hơn bốn mươi năm qua một số người Việt chúng ta chưa làm được lại còn rủ rê nhau sa đà vào con đường lợi lộc nhỏ nhen.


    II. Nước Mỹ đối với di dân và dân tỵ nạn.

    Đến nước Mỹ từ năm 75 bằng đôi bàn tay trắng nếu không có sự giúp đỡ của người Mỹ thì người di dân Việt lớp đầu tiên nầy khó lòng thoár ta khỏi giai cấp nghèo đói. Nước Mỹ đã cho người di dân cơ hội đồng đều để bất kỳ ai nếu cố gắng cũng sẽ thành công. Ông nói chính mình đã cố gắng ngay từ đầu là vừa đi làm vừa đi học, không nề hà khó nhọc đi làm tám tiếng, đi hai tiếng về hai tiếng… Học gì? Lê Thanh Hoàng Dân cho biết mình bắt đầu học Triết lại ngay từ khi mới qua nhưng vài năm sau đã bỏ môn học trừu tượng đó để chuyển sang học môn thực dụng là Quản Trị Thương Mãi (MBA), môn học thực dụng ở xứ nầy lúc đó.

    Trong lúc buồn, lúc khó khăn thì làm gì? Tác giả nói nên tìm bạn bè VN để ủng hộ tinh thần nhau. Ủng hộ nhau để tiến tới mục tiêu sống cho ra hồn thì sẽ thấy hạnh phúc. Còn muốn ăn nhậu sống đời ăn bám welfare thì sẽ khó thấy hạnh phúc. Sống với người Việt Nam thì sẽ hiểu văn hóa khác nhau của người Việt Nam ba miền, thưởng thức món ăn của người vùng khác, hiểu niềm tin của người tôn giáo khác… yểm trợ tinh thần nhau khi bạn bè có chuyện buồn, có hoạn hạn…

    Ông cũng nói muốn thành công phải biết người biết ta. Biết ta (Việt Nam) cần cù, giỏi chuyên môn biết người (Mỹ) dễ ăn nói, lưu loát vậy thì nép mình trong chuyên môn.

    Trong vài nhận xét về cách sống của người Việt Nam, Lê Thanh Hoàng Dân nói rằng không nên Việt Nam quá nghĩa là bô bô nói đến cái quá khứ hơn người của mình hay sống thu hẹp trong cộng đồng Việt với những tập quán thói quen đáng bỏ đi như đánh đập vợ con, ăn thịt chó. Tôi có thể thêm là chửi thề, là nói xấu nhau, là mặc quần áo lếch thếch ra đường, là ăn cắp bồ câu, ngõng vịt tại các ao hồ, ngay cả cho các con thú nầy ăn những thức ăn của người mà đến giờ ta cũng thường thấy…

    Tác giả thú nhận rằng trong cuộc sống của ông, ông là hai người khác biệt. Với bạn bè, ông là người Việt Nam hoàn toàn, khi đi làm việc, ông hành xử như người Mỹ trung bình. Điều nầy ai cũng biết nhưng thực hành không phải dễ dàng, nhứt là đối với người di tản năm 75, thường họ coi mình như người Mỹ và thường có thái độ xa lánh đồng bào mình.

    Thành công rồi về hưu rồi, có lúc ông du lịch xứ người có lúc ông về Việt Nam để tìm hiểu và đã thấy sự thật tuy rằng Việt Nam có tiến bộ nhưng chậm quá nhiều so với các nước lân bang. Và trong một lần về quê hương, ông đã được một người bạn khuyên ‘Mầy về chơi thì được nhưng đừng ở lại.’ Câu nói ngắn nhưng ai cũng hiểu có biết bao nhiêu điều tác giả nghĩ trogn lòng nhưng đã không muốn viết ra giấy.


    III. Nhìn về tương lai

    Phần ba nầy có thể nói là các ý đã rải rác trong những phần trước, tôi xin không nói nhiều, chỉ ghi nhận đại ý là theo tác giả thì dân Việt ở Mỹ có tương lai tươi sáng với sự phát triển các phố Việt càng ngày càng lớn ở nhiều nơi. Người sống ở Mỹ muốn thành công phải để quá khứ qua một bên mà nhìn về tương lai.

    Quan trọng nhất trong cuốn sách là ý trả lời cho câu hỏi của tựa sách:

    Đối với tôi được gì?

    Câu trả lời của tác giả thiệt rõ ràng:

    ‘Được một đời sống tự do, không sợ hãi. Được sự yên bình và bảo đảm tài sản tôi có, sẽ không có ai đến tịch thu. Không ai nói tôi bóc lột họ nên họ phải nổi dậy lấy tài sản của tôi chia cho người nghèo như Cộng Sản thường làm tất cả những nơi họ chiếm được chánh quyền.’

    Được gì ư nữa?

    Được hưởng tương lai tươi sáng cho con cháu, mặc dầu gốc Việt Nam nhưng bây giờ là công dân Mỹ, sẽ sống cuộc đời của một công dân Mỹ, không bị Tàu hay Nga gì bắt nạt cả.

    ***

    Tôi xếp sách lại. Quyển sách không làm tôi nhức đầu vì những lý thuyết xa vời. Cũng không làm tôi bực bội vì những lời tự khoe kiêu hãnh của người có may mắn thoát ra khỏi lưới chụp trước tiên và đã thành công nơi xứ người. Thành công (1) bằng sự cố gắng học hỏi, thành công (2) nhờ biết ưu khuyết điểm của mình và thành công (3) vì đi theo phương châm sống đời sống ra hồn để những di dân nước khác nể trọng.

    Quyển sách được viết với lời văn giản dị, điểm xuyết bằng những nhận xét thực tế. Tràn ngập trong quyển sách là lời khuyên hãy quên quá khứ của mình, quên con người cụ thể của mình ngày trước, quyết tâm lập cuộc sống mới ở đất nước người. Người đọc tinh ý sẽ thấy thấp thoáng trong quyển sách lời khuyên không quên quê hương, cái quê hương đau khổ triền miên lâu nay vì những người cầm quyền mê muội.

    Tôi thích quyển sách vì điều đó. Tôi thấy mình không đối lập với tác giả mặc dầu đi theo phương thức khác: Vẫn thao thức với quá khứ, cái quá khứ không phải là cuộc đời đã qua của tôi trước khi đến Mỹ mà là quá khứ của một mảnh đất Tự do có một nền giáo dục nhân bản, có tình người thân thiện với một nền văn hóa đa diện, phóng khoáng cho đến nay chỉ còn lại rất ít và hình như đã trên đường tiêu vong.

    Cuối cùng, tôi xin cám ơn người bạn Lê Thanh Hoàng Dân đã cho tôi nói chuyện về quyển sách của anh để nhân đó tôi có dịp trình bày một số suy nghĩ của mình.


    Nguyễn Văn Sâm
    (Victorville, CA, July 29, 2018)
    (https://sangtao.org)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X