Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Truyện về HÀ LỘI !!

Collapse
X

Truyện về HÀ LỘI !!

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Truyện về HÀ LỘI !!

    Bún Ốc Hà Nội Việt Nam

    Năm 90, tôi có dịp về Hà nội, tội nghiệp cậu em họ cứ hỏi chị muốn ăn gì em dẫn đi ăn. Lúc đó sao thèm bún ốc, từ nhỏ tới lớn vẫn nghe người ta ca tụng chưa bao giờ được ăn bún ốc Hà nội, nhất là ở Úc về lại thèm món này dữ dội. Thế là một hôm, mới 6g sáng, đã thấy cậu em xuất hiện. Cậu ta mượn xe gắn máy của người bạn, năm giờ sáng chạy từ nhà ở ga Hàng Cỏ lên tận khách sạn Thắng Lợi tuốt trên hồ Tây để đón bà chị đi ăn bún ốc. Trời hôm đó lạnh, mưa lắc rắc. Cậu ta chở ra một góc đường đâu đó gần hồ Hoàn kiếm. Chỉ ngay một bà bán bún đang ngồi ở góc đường, chung quanh thiên hạ đứng ngồi lố nhố Cậu em nói: Đây là hàng bún ngon nhất Hà nội đó chị ạ. Bán trong chợ Đồng xuân nhưng chợ vừa bị cháy phải sửa lại nên bán ngoài này. Chị ăn đi.

    Nhìn quanh thấy người thì đứng người thì ngồi ... xổm, không thấy chỗ nào có thể gọi là an toàn để bưng tô bún mà ăn. Mặt đất thì rải rác bún, cà chua, hành và ớt. Dưới lề đường thì nước mưa, bùn, rác cứ thong thả chảy loanh quanh. Bà bán hàng chắc nhìn bộ mã lớ nga lớ ngớ, tử tế rút ngay cái ghế nhỏ của bà đưa cho tôi, thuận tay kéo cái khăn vắt trên vai để mà chùi ghế. Sau đó cũng chính cái khăn đó bà ta lau cái tô và lấy tay bốc bún bỏ vào, còn tử tế múc tặng thêm cho 2 muỗng café bột ngọt. Cầm cái tô mà rợn cả người, chưa kịp ăn, thì thấy một người khác trả tô. Bà ta hắt luôn chỗ nước còn lại trong tô ra đường, bắn tung tóe lên cả khách hàng, mà ai nấy đều thản nhiên như không. Bà ta nhúng cái tô vào một xô nước nhỏ khoảng chừng 3 lít để rửa. Nước trong xô và nước trong nồi nước lèo gần như cùng một màu, cũng nổi lều bều những miếng cà chua và hành ngò như vậy. Rồi chẳng tráng nước sạch gì cả, cứ thế, với cái khăn trên vai bà ấy lấy xuống lau tô và lại bỏ bún vào cho người khác.

    Trời vẫn mưa lâm râm, những hạt nước mưa từ trên trời, những hạt nước bắn lên từ quang gánh, từ nón, rớt hết vào tô bún. Cậu em họ lại ân cần, chị ăn đi không nguội hết. Những người xung quanh chăm chăm nhìn cái cô Vịt kìu. Không ăn thì sợ cậu em buồn, công lao mượn xe dậy sớm, lội mưa gió đi đón bà chị để giới thiệu món ngon Hà nội. Mà ăn thì, bao nhiêu đôi mắt chĩa vào chằm chặp, giá có cái nón lá vừa che mưa, vừa che mặt không có mấy đứa Úc cùng sở và đám ngoại quốc khác cùng về đi ngang thấy đang ngồi lê la ngoài lề đường ...ăn bún. Rồi lại nhìn thấy cái khăn của bà lau tô thoăn thoắt và cái xô nước rửa hết tô nọ đến tô kia ... eo ơi, đúng là tiến thoái lưỡng nan.

    Bà hàng lại còn tử tế, thò tay bốc thêm vài con ốc cho thêm vào tô bún của cô Vịt kìu. Cơ khổ, thật là cơ khổ. Thấy để cậu em dục mãi cũng kỳ, nhắm mắt cắn răng nuốt đại, chẳng biết nó ngọt nhạt mặn cay chua thế nào, cứ nghẹn ngào nuốt; lại còn phải gật đầu lia lịa và toét miệng cười mỗi khi cậu em hỏi: ngon không chị.... Cậu em mặt mày tươi hơn hớn, đấy em đã bảo đây là hàng bún ngon nhất Hà nội mà. Bà hàng cũng hỉ hả, những người xung quanh cũng hể hả, còn người ăn thì.... trong héo ngoài tươi...

    Bây giờ vẫn nhớ câu nói của cậu em, ngon phải không chị. Ừ, ngon thật, ngon quá nên tới bây giờ, đã bao nhiêu năm, vẫn nghĩ tới tô bún hôm đó, nghĩ đến mà rùng rợn, rởn cả tóc gáy, nổi cả da gà và vẫn còn cảm giác nhờn nhợn.

    Các bạn tôi nếu có dịp qua Úc, ghé nhà tôi sẽ nấu mời một tô bún ốc, không biết có ngon được bằng tô bún Hà nội lúc đó không nhưng phần rùng rợn bảo đảm sẽ thua xa.


    Railway Hà Nội!


    Nếu ai đã từng đi hỏa xa ở Việt Nam thì có lẽ đều chẳng lạ lẫm gì cảnh những đoàn tàu chạy chen chúc qua những không gian đô thị, nơi mà trên những toa tàu, người trên tàu có thể thấy chuyện ăn uống, tắm rửa, phơi đồ hay là nằm kềnh ra sàn xem tivi của những xóm nhà ven đường ray. Thực tế, ngay cả những quán xá nơi này cũng chỉ là trạm dừng chân tạm thời giữa những cảnh vật xung quanh mặc nhiên nhếch nhác, chật chội. Cái tuyến đường ray được gọi là “hành lang đường sắt siêu hẹp” hay “dịch vụ tàu hỏa tận nhà”- cụm từ thú vị của những tay nhà báo xứ Anh, Ấn khi đến Hà Nội để du lịch. Railway Hanoi còn xuất hiện trên cả tờ Daily Mail của Anh. Thế nên, cái không gian sinh hoạt mà cái gì cũng chìa ra hết ngoài đường ray này trở thành lạ lẫm thu hút khách thập phương Tây, Tàu khi đến Hà Nội.

    Lạ lẫm là bởi cái nhịp sống thường nhật ở đây vẫn điềm nhiên trước những đoàn tàu cũ kỹ luôn thét còi rất ư dọa dẫm từ xa…

    Một đoàn Tây trước Trạm Café đang rất hào hứng bởi hình ảnh con tàu sắt lù lù bò tới.

    Những nhóm khách du lịch khác nhau chờ ở đây đã từ sáng sớm. Chỉ có hai ngày cuối tuần là có tàu chạy qua đây vào ban ngày những lúc 9 giờ sáng, 12 giờ trưa hay hơn 3 giờ chiều. Còn lại những ngày trong tuần thì chuyến tàu đi về Hải Phòng hay Lào Cai rẽ qua ngả này chỉ chạy từ 6 rưỡi tối trở đi. Các quán café ăn theo cái lịch trình của những con tàu hỏa cũ kỹ này, ở cuối tuần là doanh thu “vượt trội” hơn ngày thường. Đồ uống ở đây khá rẻ dù chỉ bán cho du khách, từ 15.000-20.000 đồng/cốc café hay nước trái cây.

    “If our coffee won’t wake you up, the train will” – Nếu café của chúng tôi không đánh thức bạn dậy, nhưng đường tàu thì có đấy!” Dân Tây thì háo lạ và có máu phiêu lưu nên cái slogan khẩu hiệu thương mại ở đây là quá ư tâm lý!
    “Dán lưng” vào tường rồi selfie chờ tàu trườn tới! Lần đầu cảm giác sức ép của âm thanh tàu hỏa chỉ cách mình một cánh tay trần. Rất cool!

    Báo chí Việt Nam cũng cứ vậy mà giật tít “Khách Tây liều mạng ở đường sắt sát nhà dân!”
    Cặp đôi Hàn Quốc với hậu cảnh chẳng mấy ngoạn mục. Thực tế thì đời sống nhếch nhác của xóm đường ray này cũng chẳng hơn gì cảnh phim Triệu phú Ổ chuột phiên bản Việt. Khi tôi chỉ buột miệng hỏi một cụ bà là cư dân thâm niên đường ray rằng, “Bác sống ở đây có cảm thấy phiền hà khi tàu chạy ngang không?” Đáp trả lại là một câu la sảng “Sống ở cái đất này thì có đéo gì mà phiền!” Rồi thì, bà phóng lời oang oang sang một lão ông hàng xóm đang cởi trần với cái tà lỏn màu cháo lòng “Nó hỏi tôi sống ở đây có phiền không?” Đúng là người bị phiền là tôi chứ không phải họ!

    Một du khách Tây thích chơi chiêu độc đặt camera giữa đường ray để quay đoàn tàu khi trườn tới. Tay bạn tôi đứng ngoài quan sát, cười ha hả rằng may là đường ray nằm trong nội đô nên những toilet trên tuyến đường sắt còn chưa mở. Haha! Có thể hiếm tay khách du lịch nào biết là những đoàn tàu đường sắt Việt Nam vẫn dùng toilet kiểu ngẫu hứng nhất thế giới. Nó là một cái lỗ xả ngoằn ngoèo nhưng được tuôn thẳng xuống đường ray! Theo thống kê của cục đường sắt, một ngày có 6 tấn phân và 40.000 lít nước tiểu được trút xuống đâu đó trên lớp đá giữa những thanh tà-vẹt.

    Chân dung của tay chủ quán trẻ của Trạm café, Đức. Anh kể với tôi rằng ý tưởng biến cái chỗ “quá ư nguy hiểm này” thành chốn cà phê, cà pháo xuất hiện cách đây hai năm, khi Đức thấy đám Tây ba lô lố nhố trong cái hành lang đường sắt này mà ồ à selfie, quay phim bàn tán.

    Đức từng là du học sinh ở Bắc Kinh vào đầu những năm 2000, khi tổng số sinh viên người Việt ở Bắc Kinh chỉ có vài trăm người. Học ở trường đại học ngoại ngữ Hà Nội ở phía cuối quận Thanh Xuân, lúc ấy du học Trung quốc thì cũng chẳng có gì đáng tự hào, chẳng bằng cái mác du học Anh, Mỹ, Pháp như cậu chủ quán tâm sự. Cái quán Trạm café ra đời từ tháng 12 năm ngoái, và sau đấy cũng hơi ầm ĩ vì mấy cánh nhà báo liên tục giật tít nổi bật về chuyện mấy cái bàn café bày ra cả giữa đường ray. Cái địa chỉ quán café con con ở ngõ 10 đường Điện Biên Phủ này tưởng đã bị xóa sổ. Hóa ra, cư dân ở đây toàn là dân cố cựu của ngành, thứ nhất là của ngành đường sắt, thứ hai là người của ngành công an. Chứ chẳng phải là dân xóm liều “chân trắng” ở xa mà nhảy vào được. Hành lang an toàn đường sắt thế này, ai mà dám chứ? Nhưng những ngôi nhà ở đây tuy nhảy vào dựng tạm, rồi lợp mái amiăng, lên nhôm kính, rồi đổ bê tông cứ thế dần dà kiên cố cũng chẳng có sổ đỏ, sổ hồng xác nhận quyền sử dụng đất. Đúng là những người sống ở đây đều có một dạng sở hữu nằm dưới dạng sơ đồ địa chính của quận và vĩnh viễn sẽ không bao giờ được cấp sổ hồng. Mua bán trao tay thì có đó, giá cũng chừng 40-50 triệu/m2 là ít nhất.
    Trưa Hà Nội nóng như cái lò, tôi gọi thử ly Café Chuối. Cô vợ sắp cưới của Đức đang lúc vắng khách ngồi nặn mụn. Em nói với tôi bằng thứ tiếng Anh vỡ lòng, có lẽ, vừa ngờ ngợ về cái quốc tịch ba-rọi của tôi, lại thêm cái lý do là người Việt mình thì chỉ thích những quán café sang chảnh mà hiếm khi tạt ngang nơi này. Thực chất chỉ có khách bộ hành mới có thể lê la sâu xa vào những cái góc xó café đường ray không chỗ đậu xe, chưa kể vài ki-lô-mét dẫn bộ vespa hộc xì dầu trên sỏi đá.

    Có lẽ chỉ có những du khách bận khám phá mới thò mặt ra đường, còn không mọi nhà đều đóng cửa nghỉ trưa, đôi ba chị dân quê đội nón lá dắt xe đạp cọc cạch rao hàng trên đường đá ba lát lọc xọc. Ai đó la lên vì chốn này không phải là nơi của những đôi dép tông slippers đi lẹt xẹt. Không tiếng chó sủa, gà gáy hay mèo kêu.
    Tác giả giữa cơn nắng trưa Hà Nội ở đầu xóm đường ray.
    Ngay cả trong một xó đường ray, chẳng ai ngờ thì cũng mọc lên một boutique thời trang. Đúng là ngộ thiệt, như tay thầy giáo tiếng Anh Dan Hauer nổi tiếng online ở Việt Nam đã phát biểu, là cứ do mật độ dân số cao, bạn chỉ cần mở ra một cửa hàng thì cũng có lai rai khách qua lại.

    Cũng với các dịch vụ thường nhật, xóm đường ray còn có cả một tiệm cắt tóc, gội đầu. Nhưng những con mèo thì không được chạy rông, đều bị cột dây xích. Cô chủ Quán Trạm café chỉ cho tôi phía mạn trên thì gà bị nhốt trong lồng và miễn thả rông. Ở đây, chỉ là những tiếng thau, chậu, chảo nhanh chóng bị dập tắt bởi âm thanh của đoàn tàu đang rầm rầm di chuyển trên những thanh tà vẹt rít óc.

    Hai bên mé đường ray đều thuộc sở hữu quán Trạm Café này. Mái nhà amiăng tồi tàn phía bên kia đường ray là thuộc quận Ba Đình, mé bên này – nhà cấp 4 dựng tạm chờ bồi thường – nơi tôi và Đức đang đứng “tám chuyện” lại thuộc quận Hoàn Kiếm. Khách ghé quán chủ yếu là khách du lịch. Tây với nón lá giữa đường ray, đôi khi là cả sự liều lĩnh khi tàu đang hụ còi tiến tới đằng xa. Thật đúng là nhập gia tùy tục. Ngay cả Tây đến từ xứ văn minh nào đi nữa hòa nhập đất này cũng quen dần với phong cách sống mạo hiểm “living dangerously”! Có thể là chạy xe không nón bảo hiểm, giả vờ ngây ngô khi vượt đèn đỏ, hay là thậm chí trêu ngươi với dàn ngựa sắt đang lù lù tiến tới.

    Cùng theo trào lưu với quán Trạm Café mở từ tháng 12 năm ngoái, dọc đường ray đi về phía đường Trần Phú, Café Railway Hanoi mở ăn theo. Có thể nói tay Đức đã mở đầu trào lưu café đường ray ở Hà Nội và không chỉ ở khúc quanh này mà trên nữa, đi về phía cầu Long Biên cũng bắt đầu rải rác mọc ra những quán café ngay giữa đường tàu. Nó quả thực là sự hỗn sinh kỳ dị ở cái xứ sở này.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X