Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chiến Trường Ngoại Biên Cambodia 1970 và Hạ Lào 1971

Collapse
X

Chiến Trường Ngoại Biên Cambodia 1970 và Hạ Lào 1971

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chiến Trường Ngoại Biên Cambodia 1970 và Hạ Lào 1971

    Chiến Trường Ngoại Biên Cambodia 1970 và Hạ Lào 1971
    Đại Đội 1 Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên


    Lâm Tài Thạnh

    <IMG SRC="https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1534201494-td.jpg" ALIGN="LEFT" hspace="5" WIDTH="140" HEIGHT="150"/>
    Hoàng hôn vừa tắt lịm ở chân trời, tia nắng cuối cùng của một ngày yên bình nơi xóm vắng, khuất dần sau các lũy tre làng cũng là lúc đoàn quân âm thầm lặng lẽ tiến vào đầu thôn. Âm thanh của các máy truyền tin qua các loa tăng âm, bỗng nhiên rộn ràng, sống động với các trao đổi của âm thoại viên đang truyền lệnh và nhận lệnh.

    Có một chút gì mang âm hưởng của tươi vui, thoải mái trước mặt, khi thấy dân làng đang nhìn ngắm đoàn binh “rằn ri” với sự thiện cảm, vài cô thôn nữ nép mình bên các hàng rào dâm bụt để nhường đường, đâu đó trong hàng quân, vang lên vài lời đùa cợt, vô hại, vui vẻ. Buổi họp dã chiến, nhanh chóng ở Bộ Chỉ Huy tiểu đoàn để phân chia khu vực đóng quân (trải dài dọc theo con Kinh Xáng Xà No thuộc tỉnh Chương Thiện với tỉnh lỵ có tên là Vị Thanh xã Hỏa Lựu) cùng với vài điều căn dặn, hứa hẹn của niên trưởng Nguyễn xuân Phúc (Tiểu đoàn Trưởng tiểu đoàn 2 Trâu Điên) về thời gian nghỉ dưỡng quân mà quân đoàn 4 có thể dành cho đơn vị. Trở về lại đại đội, trước khi các trung đội vào vị trí bố phòng được chỉ định, huấn lệnh về quân phong, quân kỹ khi đóng quân, trong khu vực có nhiều dân chúng đã được phổ biến đến mọi quân nhân. Theo thông lệ việc kiểm tra tuyến phòng thủ bao giờ cũng được thực hiện và hoàn tất do đích thân tôi và đại đội phó Nghĩa, tùy thuộc vào điều kiện, tình hình nơi khu vực đóng quân. Bữa cơm tối ngon miệng do sự “ngoại giao khéo léo” của Hạ sĩ Vinh và Hạ sĩ Diệp (2 đệ tử ruột đã theo tôi từ thời tôi còn là Trung đội Trưởng Trung đội 16 (Trung đội 3) và Đại đội Phó / ĐĐ1 / Tiểu đoàn 2) với một ít tiền ăn đã giúp chúng tôi cảm thấy thoải mái và trông đợi có được một thời gian “nghỉ xả hơi” quý báu, sau những ngày “lặn lội” chung quanh tỉnh Chương Thiện, nhằm giải tỏa áp lực nặng nề của các lực lượng chính quy địch đang muốn tạo một “bất ngờ” đối với QK 4, miền châu thổ sông Cửu Long. Kể từ khi nhận quyền chỉ huy đại đội 1 tiểu đoàn 2 Trâu Điên (từ niên trưởng mũ xanh Tô văn Cấp khóa 19 trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, 23 tháng 2 Năm 1969) sau thời gian bốn năm 3 tháng rèn luyện, “giỡn mặt với tử thần” qua các chức vụ trung đội trưởng tập sự, trung đội trưởng tác chiến chánh thức và đại đội phó với những ngày, tháng chiến trận không ngơi nghỉ của vùng 1 địa đầu giới tuyến từ cầu Hiền Lương bắc ngang sông Bến Hải chia đôi đất nước, qua Cồn Tiên xuôi về hướng Tây rặng Trường Sơn, Đông Hà, Cam Lộ, Khe Sanh. Vùng 2 Cao Nguyên đất đỏ Pleiku, KomTum, Ban mê Thuộc, Phú Bổn với các điạ danh Dakto, Daksut, Sông Dakla, Cheo Reo, Buôn Hô, Tam Quan, Bồng Sơn, An Lão. Vùng 3 với các đồn điền cao su bạt ngàn, săn đuổi Cục R MTGPMN qua các Chiến khu D, Dương Minh Châu với các đợt tổng công kích Tết Mậu Thân và sau đó vùng 4 sông nước, sình lầy là chặng đường trước mặt đang chờ đợi các mũ xanh Trâu Điên “tung hoành cho đúng với niềm hãnh diện mang trên vai phải”. Bấy giờ thời gian nghỉ dưỡng quân và vai trò trừ bị cho Bộ Tổng Tham Mưu của tiểu đoàn 2 Trâu Điên chấm dứt. Lệnh hành quân tăng phái cho Quân Đoàn 4 (sư đoàn 21 bộ binh) đến với mọi quân nhân trong đơn vị như một “tấu khúc quen thuộc không bàn cãi”.

    Rời hậu cứ ở Xã Tam Hà Quận Thủ Đức, trực chỉ về tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ nơi có Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4), nghỉ qua đêm ở thị trấn Cái Răng. Hôm sau từ Phi Trường Trà Nóc được trực thăng vận vào vùng chiến trận. Từ đó tiểu đoàn 2 được Sư Đoàn 21 bộ binh “sử dụng tận tình chiến thuật Tìm và Diệt địch” qua các cuộc hành quân “diều hâu” và “đổ bộ bằng giang đỉnh HQ” xuyên qua các liên tỉnh An Xuyên (Cà Mau ), Kiên Giang (Rạch Giá ), Chương Thiện, Phong Dinh (Cần Thơ ). Trong suốt khoảng thời gian nầy lực lượng CSBV tránh né giao tranh với Chiến Đoàn A / TQLC và rút về bên kia biên giới Cambuchia. Mọi thiệt hại của các đơn vị đều do mìn, bẫy, đôi khi có giao chiến với các thành phần chủ lực địa phương có nhiệm vụ canh giữ các cơ sở hậu cần, công binh. Các thắng lợi, tịch thu quân trang, quân dụng cùng các loại vũ khí thường không phải mất nhiều sinh mạng quân nhân. Đặc biệt trong thời gian nầy, khi trở lại đơn vị sau một thời gian ngắn trị thương (do sơ suất của một binh sĩ trong ban chỉ huy đại đội khiến cho cả ba thầy trò đều bị thương nhẹ do một quả lựu đạn nội hóa gài bên trong lối mòn của trục tiến quân) đại đội 1 đã khám phá được một kho vũ khí, dấu kín trong “đám lá tối trời” vùng U Minh Hạ, sau khi bất chợt “tao ngộ chiến” và tiêu diệt khoảng một tiểu đội Việt Cộng thuộc tỉnh đội Cà Mau có nhiệm vụ bảo vệ “kho tàng”. Ngày đi, đêm nghỉ, miệt mài xuôi ngược khắp vùng sông rạch chằng chịt, mịt mù rừng chàm nối tiếp bạt ngàn, không thấy ánh sáng mặt trời. Nước ngọt để uống là vấn nạn thường xuyên phải đương đầu, nhịn khát chờ trực thăng mang tiếp tế vào đã trở thành quen thuộc mỗi ngày, thức ăn ngoài gạo sấy, thịt hộp còn được cải thiện thêm với những con cá lóc có râu (chỉ tốn có một quả M26 xuống một mương nước trong khu vực đóng quân thì có cá ăn cho cả đại đội) trét bùn nướng chín hoặc nồi canh chua nấu với những trái khóm còn non. Đôi khi tạm dừng quân qua đêm, nơi mõm đất tận cùng của đất nước Mũi Cà Mau, đêm nằm nghe tiếng sóng vỗ vào bờ như lời ru của Mẹ để thấm thía bài ca “Trên bốn vùng chiến thuật” đồng thời phải luôn tay đối phó với các con bù mắc (loại sinh vật nhỏ tí có cánh, chích đau và ngứa như con muỗi) tấn công liên tục khi hoàng hôn buông xuống. Lúc tận mắt nhìn dòng nước đỏ ngầu của g sông Trèm Trẹm mà chợt nhớ về “Bên dòng sông Trẹm” của nhà văn Dương Hà thời còn đi học (đến tháng 4 Năm 2010 tác giả vẫn còn sinh sống tại đường Lương Tịnh Của, khu đô thị mới Quận 2 Sài Gòn. Sưu tầm từ Wikipedia). Qua Năm Căn, Đầm Dơi để nhớ về chiến công oai hùng, vang dội cả miền nam của tiểu đoàn 2 (1963 chưa có biệt danh Trâu Điên) một thời đã gây ấn tượng, ảnh hưởng đến quyết định tình nguyện gia nhập quân đội năm 18 tuổi của tôi , khi còn đang theo học bậc Tú Tài 2.

    “Trung úy! Trung úy! tiểu đoàn mời lên họp gấp”. Tiếng gọi hối hả, đánh thức giữa đêm của hiệu thính viên hạ sĩ Vũ văn Tám (hiện nay còn sống ở Sài Gòn, hằng năm đều có nhận quà biếu, tặng của tôi và ĐĐP Nghĩa) khiến tôi giật mình tỉnh giấc. Tôi lầu bầu, cằn nhằn với chính mình “Mẹ! chuyện gì nữa đây? Không lẽ lại “diều hâu” giải cứu cho một quận lỵ lẻ loi nào trong vùng 4 nầy, đúng là số con rệp”.

    Lệnh hành quân vượt biên cấp tốc qua đất Campuchia được phổ biến nhanh chóng trong sự ngỡ ngàng của mọi người với 2 giai đoạn:

    - Giai đoạn 1: Di chuyển đường bộ bằng quân xa của Quân Đoàn 4 từ Chương Thiện qua Châu Đốc.
    - Giai đọan 2: Tàu hải quân sẽ chuyên chở, đổ bộ lên bến phà Neakluong Campuchia.

    Campuchia 1970 - Xứ Chùa Tháp - Chiến thắng ngọt ngào
    Dưới ánh đèn tù mù của ngọn đèn dầu mượn được của chủ nhà nơi đóng quân những khuôn mặt đầy thất vọng, kém vui của các sĩ quan dưới quyền khi biết được lệnh hành quân bất chợt , trong khi ai cũng có chương trình “dạo phố” nơi thị xã “miền Tây gạo trắng với các thiếu nữ e ấp tuổi trăng tròn” vào ngày mai.

    Những ly cà phê nóng, pha chế vội vàng được hạ sĩ Diệp mang lên từ trước buổi họp, cũng không làm giảm đi sự “chán nản” của tình hình trước mặt “phố vắng anh rồi ”.


    Sau khi phổ biến lệnh hành quân và phân chia thứ tự đội hình xe di chuyển, trước khi kết thúc buổi họp, tôi cẩn thận căn dặn các trung đội trưởng lựa chọn các quân nhân có khả năng nói và hiểu tiếng Khờ-me sẵn sàng phụ trách việc thông dịch khi cần thiết. Tôi còn nói đùa để làm giảm bớt sự căng thẳng:
    - Kỳ này Tôi sẽ dạy cho mọi người mấy câu Khờ-me (ngôn ngữ Campuchia) để xử dụng khi qua bên đó như sau: Bòn ôi tâu na?(Cô ơi đi đâu đó ? ). Bòn ơi bòn si tầm lôn? (Cô ơi ăn khoai lang không?) Bòn ôi bòn sà lặng sà lặng bon tê ?(Cô ơi, cô có yêu tôi không?)

    Nguyên quán của tôi ở Sóc Trăng, nơi một phần ba dân số tỉnh lỵ là người Khờ-me nên có học được vài câu từ thời còn nhỏ. Mọi người trở nên vui vẻ, đùa cợt và bàn tán về chuyến hành quân vượt biên qua xứ Chùa Tháp lần này. Kể ra được là một “chứng nhân” trong quá trình sống và chiến đấu, phục vụ trong QLVNCH ở một chiến trường “ngoại biên” cũng là một điều đáng để ghi nhớ.

    Lúc bấy giờ toàn thể các sĩ quan trong đại đội 1 đều tốt nghiệp chung quân trường bộ binh Thủ Đức, gồm có rôi, đại đội trưởng khóa 17 tiểu đoàn , thiếu úy Trần Thành Nghĩa đại đội phó khóa 27 TD (sau có thời gian làm đại đội Trưởng ĐĐ 2 tiểu đoàn 2 trước khi chuyển về TTHL Rừng Cấm), thiếu úy Vũ Đình Sơn trung đoàn trưởng đội Súng Nặng cùng khóa 27 tiểu đoàn, thiếu úy Phạm Công, trung đội trưởng trung đội12 khóa 3 / 68, thiếu úy Nguyễn văn Nhân, trung đội trưởng trung đội16 khóa 6 / 68, thiếu úy Nguyễn kim Chung trung đội trưởng trung đội14 khóa 1 / 69 và chuẩn úy Lâm Thế Truyền Khóa 3 / 69 hiện còn đi thực tập OJT.

    Tôi, thật không biết niên trưởng Nguyễn xuân Phúc (Tiểu đoàn Trưởng tiểu đoàn 2) có hậu ý gì hay không, tuy nhiên tôi vẫn thường hay nhắc nhở các sĩ quan dưới quyền “phải cố gắng giữ uy tín cho Quân Trường, nơi đã đào tạo hơn 80% sĩ quan trung đội trưởng của QLVNCH và khoảng 75% sĩ quan tử trận là sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức vì chỉ với 8 tháng huấn luyện ở quân trường xong là ra đơn vị, giáp mặt với “thần chết” ngay, cũng như đối với các hạ sĩ quan và binh sĩ chỉ có thời gian thụ huấn ở các quân trường chỉ từ ba đến sáu tháng, thời gian quá ngắn so với một cuộc chiến quá dài.

    Điều đáng mừng cho tôi là các sĩ quan dưới quyền, thời bấy giờ, đều ý thức được vai trò chỉ huy nồng cốt của đơn vị, cho nên đại đội 1 chúng tôi đã nhiều lần góp công sức và xương máu trong các chiến thắng của tiểu đoàn 2 Trâu Điên (Biểu chương màu Tam Hợp sau trận chiến Preyveng nầy) điểm đặc biệt nhất của đại đội 1 lúc bấy giờ là từ đại đội trưởng cho đến sĩ quan tập sự đều "không uống rượu", "độc thân" và "chưa ai quá tuổi 25" nên sống chan hòa, chia sẻ trách nhiệm, hoàn thành việc chỉ huy hay tác chiến không thua kém các sĩ quan khác trong đơn vị tiểu đoàn 2 Trâu Điên với tôn chỉ "chơi cho ra chơi, làm việc cho ra làm việc".

    Bình minh vừa ló dạng nơi chân trời, mọi người trở dậy sau một ngày, đêm lênh đênh, vật vờ, bó gối trên chiến hạm HQ 405, kể từ rời thị xã Châu Đốc, ngược giòng sông Cửu Long, tiến vào thủy phận của Nước Cộng Hoà Kampuchia. Đốt điếu thuốc lá đầu ngày, tôi lơ đãng nhìn giòng nước đục ngầu, nhấp nhô những làn sóng nhỏ, khi con tàu rẽ nước tiếp tục cuộc hành trình với sứ mạng cao cả “chiến dịch di tản đồng hương Việt kiều đang bị chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trả thù, tàn sát tại Campuchia, đồng thời lại phải bảo vệ cho chính những người lãnh đạo chủ nghĩa bất nhân đó tồn tại trước hiểm họa Cộng Sản”. Thật là một sự mâu thuẫn không hiểu nổi và đáng chê trách. Trên trời từng cụm mây trắng lướt trôi, lờ lững kéo nhau về phía vô định, cơn gió nhẹ ngược chiều, lành lạnh khi mặt trời chưa hiện nguyên hình. Tôi kéo cao cổ áo saut nhảy dù (lúc nầy chưa có mốt mặc áo jacket may theo loại vải rằn ri TQLC) do T. tặng cho tôi sau trận Cầu Khởi Tây Ninh (mua ở Khu Dân Sinh Sài Gòn). Tôi để hồn mình trôi miên man trong suy nghĩ trưa hôm qua trên đường di chuyển, khi đoàn quân xa tạm dừng nơi Ngã Ba Lộ Tẻ (nơi chia hướng đường đi về ba tỉnh: Rạch giá, Long Xuyên và Cần Thơ) trung sĩ nhất Mai Chim (HSQ ẩm thực kiêm tiền trạm trưởng ĐĐ1) có chuyển thực phẩm tiếp tế và trao thư tín cho mọi người. Phần Tôi, bức thư của T. đang nằm trong túi áo với lời nhạc chép tay: Tà áo cưới của Hoàng thi Thơ. Một hình thức nhắc khéo tôi “Nếu không lo sớm thì: Ngày mai trong đám xuân xanh ấy. Có kẻ theo chồng bỏ cuộc vui ” (Mùa Xuân Chín thơ Hàn Mặc Tử ). Tôi và T. quen biết nhau trong mùa xuân chiến loạn Tết Mậu Thân 1968, đến nay cũng đã được hơn hai Năm, Tôi theo bài bản của các chàng lính trẻ thời chiến, cứ ca bài “hẹn lần” theo kiểu: Anh cứ hẹn nhưng anh đừng đến nhé! Tình chỉ đẹp khi còn dở dang thôi. Những cánh thư yêu đừng nên kết vội vàng. Những cánh buồm đừng nên dừng bến đỗ (Anh Cứ Hẹn nhạc Anh Bằng).

    “Có xác chết, có xác chết!”, tiếng kêu lớn, thảng thốt của một số quân nhân đang ngồi ngắm cảnh, dọc theo boong tàu, giúp tôi trở về với thực tại. Ngược hướng tiến chập chờn trong sóng nước, tôi nhìn thấy một – hai – ba – bốn! Không! Phải nói là “một bè xác người” đã sình trương có cái mất đầu, mất tay, chân, không hiểu vì bị ngâm nước quá lâu, hay là bị “hành hình man rợ” do sự “trả thù vô nhân tính”. Tôi có nghe nói trước kia, dưới thời Quốc Trưởng Shihanouk, người Việt định cư ở xứ Chùa Tháp, tương đối cũng được đối xử đàng hoàng nhưng kể từ khi Thủ Tướng Lon Nol tiến hành đảo chánh không đổ máu, khi Quốc Vương Shihanouk công du ngoại quốc, ngày 18 tháng 3 năm 1970 có sự đồng ý của chính phủ Mỹ(?) thì mọi việc trở nên xấu đi. Nạn “cáp duồn”(cắt đầu người Việt) trở thành “quốc sách” đến nổi chánh phủ VNCH phải “khiếu nại” với Chánh Phủ Mỹ Nixon (?). Hôm nay tận mắt chứng kiến cảnh xác chết trôi sông nầy Tôi cảm thấy thật vô lý nếu mai đây chúng tôi phải chết vì chiến đấu để “bảo vệ” một chế độ “độc ác” giết hại man rợ đồng bào ruột thịt của tôi. Nhưng biết sao được khi Quân Đội có câu: “Thi hành trước, khiếu nại sau ”. Tôi thầm đọc vài câu niệm Phật cho các vong linh đã chết thảm, sớm siêu thoát cực lạc vãng sinh.

    Tướng Westmoreland ban lệnh hành quân tiến vào Campuchia của Liên quân Việt - Mỹ suốt từ vùng 2 đến vùng 3 trong các cuộc hành quân toàn thắng 40, 41, 42 kể từ Ngày 13 tháng 4 năm 1970, sau đó là các cuộc hành quân Cửu Long 1 / Sóng Thần 5 / 70 của tiểu đoàn2 Trâu Điên với Lữ Đoàn 147 (thay thế LĐ 258 ) và lực lượng đặc nhiệm thủy bộ 211, khai diễn từ ngày 9 tháng 5 năm 1970 đến ngày 30 tháng 6 năm 1970. Đoàn tàu hải quân cập bến phà NeakLuong vào khoảng 12.00 trưa, tôi lên bờ họp và nhận vị trí đóng quân trong một khu vực trường học của người Khờ-me, khi chua ăn hết buổi cơm nóng sau gần ba ngày di chuyển bộ và tàu. Qua máy truyền tin, Tôi phải lên gấp BCH tiểu đoàn gặp Thái Dương (ám danh đàm thoại của niên trưởng Nguyễn Xuân Phúc thời điểm nầy, chưa xử dụng ám danh đàm thoại số sau này là 216, tôi là Tây Đô sau là 171). Lệnh trực thăng vận với đại đội 1 đổ bộ đầu, mục tiêu là giải tỏa áp lực quân chánh quy Bắc Việt đang vây hãm thành phố Preyveng của chánh phủ CH Campuchia. Đây là một thành phố quan trọng nằm trên quốc lộ 1, cách thủ đô PhnomPenh (Nam Vang) khoảng 60 km và cách bến phà NeakLuông khoảng 20 km. Quân của CH Lon Nol chỉ còn giữ được một phần nhỏ của thành phố. Nhận vài tấm bản đồ từ ban 3, tôi vội vã quay lại nơi đóng quân, ăn nốt chén cơm còn dang dở cũng là lúc tiểu đoàn ra lệnh tập trung ra bãi bốc, đến nơi mới biết quân đội Mỹ không được cho phép vào sâu trong nội địa Campuchia. Đại đội 1 chỉ có 6 trực thăng đổ quân (slicks) của sư đoàn 4 không quân, phi đoàn 211, không có Ttrực thăng võ trang (gun ship) và pháo binh yểm trợ dọn bãi đổ bộ (Landing Zone) Lý do: lời yêu cầu giải cứu thành phố Preyveng quá cấp bách của chánh phủ Campuchia Lonnol, trong khi chưa bố trí được trận địa pháo binh, trực thăng võ trang còn đang bận yểm trợ ưu tiên cho các cánh quân của quân đoàn 4 “Mẹ! đánh giặc kiểu nầy chắc là không còn sống sót để trở về!” tôi lầm bầm nói với đại đội phó Nghĩa và phân chia nhiệm vụ : trung đội 12 của Thiếu úy Công và trung đội 16 của Thiếu úy Nhân sẽ đổ bộ đợt đầu, đại đội trưởng và ban chỉ huy nhẹ cùng đi với trung đội 16 (đây là trung đội cũ của tôi khi còn là trung đội trưởng các hạ sĩ quan tiểu đội trưởng đều dày dạn kinh nghiệm và gan dạ). Tôi bảo với Thiếu úy Nhân Trung đội Trưởng 16 cho tiểu đội của hạ sĩ Phạm Cư đi theo tôi (nhờ thế mà tôi thoát chết trong đường tơ kẽ tóc khi bị quân Bắc Việt “độn thổ” bố trí, tác xạ ngay khi vừa ra khỏi trực thăng nơi đổ quân).

    Những chấm đen xuất hiện nơi chân trời, tiếng động cơ ầm ĩ vang dội cả một vùng, bụi bay mù mịt, trong khi những người dân Campuchia lần đầu tiên thấy trực thăng nên rủ nhau ra nhìn ngắm, chỉ chỏ, bàn tán thật đông đảo. Vì là trực thăng Việt Nam cho nên dù chỉ có 6 chiếc đổ quân, cũng dồn ép chứa trên 70 quân nhân với đầy đủ vũ khí và quân dụng. Tiếng của niên trưởng Phúc vang lên trong máy truyền tin báo cho biết niên trưởng sẽ bay Control & Command hướng dẫn và thông báo tình hình nơi bãi đổ quân. Chặng đường bay khoảng15 phút, đã đưa chúng tôi vào vùng mục tiêu. Từ trên nhìn xuống làng mạc và địa hình cũng tương tự với vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, có khác chăng là thỉnh thoảng thấy có những loại cây cao trông giống như cây dừa nhưng tàn lá thì thưa hơn, sau nầy mới biết đó là cây thốt nốt dùng để chế tạo loại đường có màu đen xám. Làn khói tím đánh dấu bãi đáp và tiếng của niên trưởng Phúc cho biết “bãi đổ” yên tĩnh không thấy dấu hiệu lạ, cũng là lúc hai xạ thủ đại liên M60 bắt đầu tác xạ dọn bãi trước khi đổ quân. Chiều cao thấp dần, thấp dần, mặt đất xám ngắt với những mô đất nhấp nhô trước mặt, xen lẫn những vũng lầy đầy nước, có một số đụn rơm nằm rải rác trong khu vực đổ quân, đó là những hình ảnh tôi ghi nhận được trước khi những tiếng nổ chát chúa, khô khốc, ngược chiều của loại AK 47 nổ rền vang, nhắm vào cả 6 chiếc trực thăng đang vừa hạ thấp, cách mặt đất khoảng 80 – 50 mét. Tiếng kêu lớn của phi công trưởng chiếc trực thăng chở tôi khi bị trúng đạn, cũng là lúc trực thăng chao đảo, mất thăng bằng, thay vì bình phi và hạ càng đáp thẳng xuống thì lại chúi mũi cắm đầu về phía trước, sự việc xảy ra chỉ trong tích tắc vài giây. Tôi nghe tiếng phi công phụ hét to “để tôi” đồng thời tiếng cánh quạt kêu “ầm ầm” trong cố gắng lấy lại cao độ, trực thăng lướt nhẹ về phía trước và bình phi khi còn cách mặt đất tầm 2 – 3 mét, xạ thủ đại liên ngưng tác xạ, ra dấu nhảy khỏi trực thăng. Tôi rời trực thăng sau hạ sĩ Cư và 2 hiệu thính viên, tiếng súng nổ rền vang, khắp chung quanh khu vực đổ quân, tiếng AK sắt, gọn, chen lẩn tiếng M16 ấm, thanh. Chụp vội ống liên hợp, tôi ra lệnh - 2 trung đội trưởng Nhân và Công cho các quân nhân bỏ “balô” tại chỗ, dùng đại liên M60 và M79 bắn tối đa vào các mô đất và các đụn rơm nghi ngờ là hầm hố của địch (mục đích không cho địch có thể tác xạ hữu hiệu) trong khi các tổ khinh binh tiến sát đánh lựu đạn, thanh toán các hầm hố bố trí sẳn của Việt Cộng. Thật ra trước khi tôi ban lệnh thì các toán quân khi vừa nhảy ra khỏi trực thăng đã tự động “cá nhân” tác chiến, dưới sự điều động của các tiểu đội trưởng kinh nghiệm như trung sĩ Môn, trung sĩ Toản, trung sĩ Tráng, trung sĩ Thọ, trung sĩ Sịa, trung sĩ Khánh đen và đã tiêu diệt, thanh toán xong một số địch trong các hầm hố sát cạnh nơi trực thăng đổ bộ.
    - Trung Úy coi chừng!

    Tiếng la lớn của Hạ sĩ Phạm Cư, đồng thời người tôi bị đẩy mạnh qua một bên, cũng là lúc những tiếng nổ chát chúa, tiếng đạn rít ngang qua mặt, âm thanh “chéo, chéo, chéo” của AK sắt lạnh, rồi tiếng M16 “bầm, bầm, bầm, bầm” liên thanh, bắn trả của hạ sĩ Cư, “ầm ục, ầm ục ”, tiếng lựu đạn M26 nổ vọng trong hầm do binh 1 Báu ném ra. Tôi thoát chết trong đường tơ kẽ tóc khi đang cầm ống liên hợp trả lời, báo cáo tình hình bị rơi vào “ổ kiến lửa” cho niên trưởng Phúc biết (dù rằng tôi biết là niên trưởng Phúc đã vào tần số nội bộ của ĐĐ). Kinh nghiệm chiến trường, phản ứng nhạy bén, nhanh chóng của hạ sĩ Cư và binh nhất Báu cũng như sự tin tưởng, đánh giá đúng khả năng tác chiến của tiểu đội, hạ sĩ Phạm Cư đã cứu tôi.(Sau cuộc HQ Campuchia, Tôi cho cả hai đi học Khóa B1 và CC1, khi tốt nghiệp cả 2 thuyên chuyển về tiểu đoàn 9 tân lập, nghe nói cả 2 đều hy sinh trong trận chiến Mùa Hè đỏ lửa 1972).

    Kết quả chỉ sau 30 phút giao tranh chúng tôi đã thanh toán toàn bộ các chốt “độn thổ, tiền đồn” nơi bãi đổ quân, mở rộng vòng đai an ninh cho đợt kế tiếp là thành phần còn lại của đại đội 1 và 1 trung đội của đại đội 5 (trung úy Phạm văn Tiền khóa 20 TVBQGĐL). Hơn một trung đội quân chánh quy Bắc Việt bị xóa sổ, vũ khí tịch thu, đa số bị phá hủy vì sức công phá của lựu đạn M26. Chúng tôi thì vô sự. Trong trận chiến “sự may mắn” cũng là một yếu tố quyết định cho chiến thắng của đơn vị. Sau khi bố trí, ổn định tình hình trong phạm vi làm đầu cầu an toàn. Báo cáo kết quả sơ khởi, nhận lệnh niên trưởng Phúc cho “dậm chân tại chỗ” chờ toàn bộ tiểu đoànhoàn tất cuộc đổ quân. Tôi và đại đội phó Nghĩa đi một vòng quan sát và trao đổi với các quân nhân dưới quyền, rút ra được kết luận như sau : Đơn vị chánh quy Bắc Việt vừa mới chuyển đến đêm qua, hầm hố, bố trí trận địa còn chưa hoàn chỉnh với các cán binh tuổi vào khoảng 15 – 17 không có kinh nghiệm chiến trường, vũ khí chỉ có AK 47 và B 40 mà không có các loại thượng liên Đông Đức hay phòng không 12 .7, lần đầu tiên đối diện với chiến thuật trực thăng vận, nên “hoảng sợ”, mọi tác xạ bắn ra chỉ có tính cách tạo tiếng nổ (bắn chỉ thiên) hơn là sát thương, cho nên đã không gây thiệt hại nào cho ĐĐ 1 chúng tôi (dù rằng bị đánh bất ngờ và không có bất kỳ một yểm trợ thông thường nào theo đúng bài bản của chiến thuật trực thăng vận. Nếu quân Bắc Việt có thì giờ củng cố và bố trí trận địa chống chiến thuật Trực thăng vận thì “1 phần của ĐĐ1 đã bị “sơi tái”).


    Thiếu úy Phạm Công, Trung đội Trưởng Trung đội 12 Đại đội 1 - Tiểu đoàn 2 Trâu Điên

    Buổi chiều đang xuống dần, toàn bộ tiểu đoàn 2 hoàn tất cuộc đổ quân và bắt đầu di chuyển với ĐĐ 1 và 5 tiến song song theo trục tiến quân đã định, nhắm vào thành phố đang rõ hình dạng trước mặt, thỉnh thoảng một vài trái đạn súng cối 82 nổ lẻ loi sau lưng nơi bãi đổ quân. Di chuyển khoảng 2 cây số thì được lệnh dừng lại bố trí chờ đón một đơn vị quân Cộng Hòa Lon Nôl. Tôi được giao nhiệm vụ tiếp quản toán quân dẫn đường nầy (nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền của Campuchia) với trang bị đủ loại vũ khí của khối Cộng và Tây Phương. Tôi xử dụng các quân nhân biết nói tiếng Campuchia làm thông dịch, đồng thời vị sĩ quan đơn vị nầy biết nói tiếng Pháp nên Tôi giao cho đại đội phó Nghĩa tiếp xúc (hầu hết tiếng Pháp, học được trong trường thời trung học tôi đã trả lại cho thầy, cô hết) trao đổi, hỏi thăm tin tức, tình hình chiến trận ở Campuchia (đại đội phó Trần thành Nghĩa giỏi cả 2 sinh ngữ Anh và Pháp gia đình thuộc hàng khá giả, “chịu chơi” nên gia nhập làm thông dịch cho Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ, sau đó theo học Khóa 27 Thủ Đức và tình nguyện về TQLC ). Điểm độc đáo và buồn cười nhất của đơn vị CH Lon Nôl nầy là mỗi khi có tiếng đạn pháo kích nổ hoặc tiếng súng bắn xa xa thì họ nằm dài, bắt đầu lấy nhang ra đốt và lẩm bẩm đọc kinh cầu nguyện. Lính nhà ta trông thấy cười rộ lên, họ cũng bất cần. Lệnh đóng quân phòng thủ qua đêm, được thực hiện nhanh chóng khi cả tiểu đoàn nằm phơi lưng ngoài đồng trống, chờ sáng hôm sau sẽ đánh trận quyết định để giải cứu cho thành phố Preyveng. Gần sáng địch pháo kích vào vị trí đóng quân một số đạn súng cối 82 ly nhưng không gây thiệt hại nào cho cả tiểu đoàn, phi cơ hỏa long bao vùng có bắn trả và pháo binh TQLC cũng được gọi để phản pháo. Buổi sáng đầu ngày với tiếng động cơ ầm ĩ của các phi tuần khu trục cơ Skyraider của KQ Việt Nam bắt đầu vào vùng, đánh bom và xạ kích dọn đường để trực thăng vận, đổ bộ tiểu đoàn 4 từ phía Đông đánh sang, trong khi Tiểu đoàn 2 vuợt tuyến xuất phát, bắt đầu tiến sát vào thành phố với sự yểm trợ của trực thăng võ trang và Pháo Binh cơ hữu, đánh từ tây qua đông. Trở ngại duy nhất của chúng tôi là thành phố nằm trên cao độ khoảng 50m so với khu vực đổ bộ và đóng quân. Địa thế thật bất lợi cho quân tấn công, muốn vào thành phố, bằng mọi giá phải chiếm được bờ thành làm đầu cầu, điểm tựa rồi từ đó mới phát triển đánh sâu vào thành phố theo cách đánh Tết Mậu Thân ở Sài Gòn. Địch bắt đầu pháo cản và tác xạ vào đội hình di chuyển khi vào sát bờ thành. Tôi yêu cầu pháo binh tác xạ đạn nổ và đạn khói cùng một lúc để tạo màn che, đồng thời xin niên trưởng Thái Dương cho trực thăng võ trang phóng hỏa tiễnvà tác xạ đại liên 6 nòng đánh từ bắc xuống nam , trong khi toàn đại đội 1 dàn hàng ngang xung phong với cánh trái là đại đội 5 của trung úy Phạm văn Tiền. . Trước chiến thuật “gọng kềm” cộng với hỏa lực mãnh liệt của quân ta, đơn vị Bắc Việt có nhiệm vụ phòng thủ biết là gặp “thứ dữ”, chứ không phải là quân Cộng hoà LonNol, cho nên đại bộ phận bắt đầu “chém vè ”, chỉ để lại một thành phần nhỏ trì hoãn chiến. Ngôi nhà mái đỏ, mục tiêu cuối cùng của ĐĐ 1 cũng là nơi thiếu úy Phạm Công bị thương cùng với hiệu thính viên binh nhất Quang, khi băng qua đường tiến chiếm mục tiêu, việc sơ cấp cứu được hoàn tất nhanh chóng, đồng thời tôi cho chuyển 2 thầy trò Công về phía sau. Tôi và đại đội phó Nghĩa cùng lên tuyến trước, đại đội phó Nghĩa tạm thời lên chỉ huy trung đội12, kết hợp với trung sĩ Sịa trung đội phó, trung đội 12 chuyển thành yểm trợ hoả lực, tác xạ tối đa vào căn nhà mái đỏ với mọi loại vũ khí, cùng lúc tôi lệnh cho trung đội 16 của thiếu úy Nhân bỏ ba-lô tại chỗ, dưới sự yểm trợ của trung đội 12, chia thành các tổ 3 người cùng nhất loạt theo lối chạy chữ chi, xung phong vào mục tiêu. Sau cùng chúng tôi tiêu diệt xong chốt cuối cùng, bắt tay được với một đơn vị nhỏ cũa quân trú phòng CH Lonol còn cố thủ ở một góc thành phố.

    Chiến trường im tiếng súng, sau khi lục soát, tịch thu các loại vũ khí, bố trí phòng thủ tạm, báo cáo kết quả về cho tiểu đoàn . Tôi và đại đội phó Nghĩa đến thăm thiếu úy Công đang còn chờ tải thương. May mắn là vết thương của 2 thầy, trò không có gì nguy hiểm đến tánh mạng. Tôi vừa trao cho Công và Quang gói thuốc đầu lọc Salem vừa nói đùa : Kỳ nầy Việt Cộng cho 2 thầy, trò đi phép thường niên, sướng nhé, nhưng mà nhớ đừng để cho ai nói “Sao Anh Làm Em Mệt ” (những chữ đầu của gói thuốc Salem). Lệnh tiểu đoàncho chuyển thương binh về BCH / tiểu đoàn , những tưởng sẽ có trực thăng tải thương ngay trong tối hôm đó, thế mà phải đợi cho đến sáng hôm sau mới tải thương xong. Hiện nay MX Công sinh sống ở Canada.

    Sau khi chiếm xong thành phố Preyveng, tiểu đoàn 2 được “diễm phúc” trấn giữ thành phố nầy trong một khoảng thời gian tương đối dài, theo trục Bắc Nam, lấy quốc lộ 1 làm tâm điểm, đại đội 1 phòng thủ bên trái, ĐĐ4 (ĐĐT Tr / Uý Kiều công Cự K 22 TVBQGDL) bên phải, tiếp giáp là ĐĐ 5 và 2, BCH / tiểu đoàn và ĐĐCH đóng dài theo 2 dãy phố chính. Thời gian nầy dân chúng đa số đã di tản về thủ đô Nam Vang, một phần ba người dân sinh sống ở đây là người Campuchia gốc

    Trung Hoa, còn lại là người Campuchia, có một số ít biết nói tiếng Việt, do đó mọi sự giao dịch với người dân bản xứ cũng không có gì trở ngại. Các quân nhân biết nói tiếng Campuchia thì thôi mặc sức mà “nổ rền trời” với các thiếu nữ Campuchia trẻ trung, trang phục với các loại vải màu sặc sỡ bông hoa, quấn bó thành loại “sà rong ”, đặc biệt là chúng tôi có thể xử dụng tiền giấy VNCH trực tiếp với dân chúng mà không cần phải chuyển đổi, lẽ dĩ nhiên có mức quy định về trị giá tương xứng giữa 2 loại tiền. Mỗi ngày các trung đội luân phiên nhận nhiệm vụ tuần tiểu, thám thính trước khu vực đóng quân vài cây số, thời gian còn lại tôi và đại đội phó Nghĩa chia nhau hướng dẫn huấn luyện, kiểm tra vũ khí, hầm hố cũng như nhắc nhở về quân phong, quân kỷ trong ĐĐ. Suốt thời gian trấn đóng tại thành phố lớn vào hàng thứ hai của một quốc gia có những “đối xử” không thân thiện với đồng bào gốc Việt, thế mà toàn thể TD 2 không có bất cứ một “vi phạm” nào gây mất lòng người dân bản địa. Tôi giao quyền chỉ huy trung đội 12 cho chuẩn úy Lâm Thế Truyền, đồng thời đại đội phó Nghĩa kiêm nhiệm chỉ huy trung đội vũ khí nặng khi T / Uý Sơn có lệnh thuyên chuyển về BTL Sư Đoàn. Một buổi chiều trong tuần lễ đầu tiên của tháng 6 năm 1970, qua tin tức thâu lượm được từ dân chúng có cảm tình với đơn vị, chúng tôi được cho biết có một lực lượng lớn quân Bắc Việt và Khờ Me Đỏ đang tập trung ở hướng Đông Bắc của TP trong khoảng cách độ 10 – 20 km. Tôi báo cáo tình hình tin tức ghi nhận được cho niên trưởng Phúc, đồng thời lúc bấy giờ trưởng ban 2 tiểu đoàn là T/ Uý Toàn (hiện đang sinh sống ở Sacramento California) cũng thu lượm được tin tức tương tự. Lệnh báo động toàn bộ tiểu đoàn được ban hành. Tôi cho tăng cường thêm hệ thống phòng thủ với các giao thông hào và hầm hố có nóc che bằng các vật dụng mượn hoặc thu được từ các căn nhà bỏ hoang do dân chúng chưa hồi cư. Tất cả các đường tiến sát có vị trí thuận lợi cho địch xử dụng, đều được tăng cường gài bẫy trái sáng và lựu đạn tối đa các dây dẫn điện của loại mìn chống “biển người claymore” được căng chạy trên mặt đất, phòng ngừa bị cắt đứt khi địch pháo kích, các tác xạ tiên liệu đều đã được kiểm tra, mọi việc sẵn sàng chỉ còn chờ ngày giao chiến. Ầm, ầm, ầm những tiếng nổ dữ dội hàng loạt, của các loại hỏa tiễn 107mm, 122mm mở màn cho cuộc tấn công “tự sát” vào lúc khoảng 1 giờ sáng, không làm chúng tôi ngạc nhiên với chiến thuật “tiền pháo hậu xung ”. Các đợt “tiến công” của địch trong phạm vi phòng thủ của ĐĐ 1 đều bị chận đứng và tiêu diệt. Vị trí của các trung đội đều an toàn và vững chắc với sự hiện diện của toàn thể quân nhân ở tuyến đầu. Áp lực địch giảm dần vào khoảng 4 – 5 giờ sáng, địch rút lui, bỏ lại một số thương vong và vũ khí. Kiểm điểm tình hình của đại đội chỉ có vài quân nhân bị thương nhẹ do pháo kích gây ra, thật là may mắn. Các loại vũ khí tịch thu được mang về BCH tiểu đoàntriển lãm cho lính và Dân Campuchia xem. Sau đó 1 tuần tiểu đoàn được trực thăng vận đưa trở về lại biên giới Việt Nam, kế tiếp là nghỉ dưỡng quân tại hậu cứ Tam Hà Thủ Đức.

    Trong thời gian “thuận tiện” này, tôi có may mắn chiêm nghiệm câu nói “Đại đăng khoa và Tiểu đăng khoa”. Tôi được thăng cấp Đại Úy trong ngày Quân Lực 19 Tháng 06 năm 1970 và “đưa nàng về dinh” vào Ngày 20 Tháng 7 năm 1970 (trùng hợp với ngày sinh của 25 năm trước).

    Hạ Lào Lam Sơn 719 (1971) - Đất Ngàn Voi (Vạn Tượng) - Chiến thắng ngậm ngùi
    Ngày 08 Tháng 2 Năm 1971 khi vị Tổng Tư Lệnh QLVNCH Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu tuyên bố với quốc dân và thế giới về cuộc hành quân Lam Sơn 719 với các đơn vị thiện chiến tổng trừ bị: Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân của Quân Khu 1 cũng là lúc tôi có tin mừng về đứa con đầu lòng được 4 tháng.

    Như lệ thường của một chuyến hành quân vốn đã trở thành quen thuộc, không thắc mắc, không âu lo. Tôi từ giã T. với lời hẹn an toàn trở về, nhằm làm an lòng người ở lại. Thời gian nầy đại đội 1 đã có thay đổi, đại đội phó Nghĩa được tham dự khóa huấn luyện Chiến Tranh Chánh Trị và sau trận Hạ Lào là ĐĐT đại đội 2 (thay thế ĐÚy Nguyễn kim Thân về TTHL Rừng Cấm). Tôi tiếp nhận một số sĩ quan mới gồm có thiếu úy Trần văn Loan (K 23 TVBQGDL ), Chuẩn Úy Bùi văn Ngọc, Chuẩn Úy Nguyễn văn Phận trước đó. Tôi đề cử ThÚy Nhân tạm thời đảm nhận chức vụ đại đội phó ĐĐ1 (Một thời gian sau trận Hạ Lào, Nhân thuyên chuyển về ĐĐ 2 làm đại đội phó cho Đúy Từ Đức Thọ tiểu đoàn 4 chuyển về và tử trận).

    Khi rời hậu cứ Thủ Đức, tiểu đoàn 2 được không vận đến phi trường Phú Bài sau đó di chuyển đường bộ bằng quân xa từ Huế đến thị trấn Đông Hà, phòng thủ đóng quân nghỉ ở đây vài ngày, được xử dụng trong kế hoạch “nghi binh” bằng cách mỗi buổi sáng, được chuyên chở ra bến sông ở Đông Hà và đóng vở tuồng “xuống tàu” tập đổ bộ với tin tức cố tình để lọt ra ngoài là TQLC Miền Nam sẽ “đổ bộ” ra Bắc cùng lúc lực lượng Nhảy Dù sẽ vượt sông Bến Hải đánh ra Bắc trong mục đích đánh lừa tình báo của phía Bắc Việt đang xâm nhập trong thị trấn Đông Hà (thực tế kế hoạch HQ Lam Sơn 719 đã có trên bàn làm việc của bộ Chính Trị Bắc Việt do gián điệp CS gài trong Dinh Tổng Thống Thiệu).

    Vài ngày sau Tiểu đoàn 2 được di chuyển đến Khe Sanh và SĐ TQLC trong giai đoạn đầu giữ nhiệm vụ trừ bị cho Quân Đoàn trong cuộc hành quân Lam Sơn 719.

    Giai Đoạn 1 - Ngày 31 Tháng 1 - 1971 đến Ngày 7 Tháng 2 - 1971
    Đây là giai đoạn QLVNCH và Quân Lực Mỹ chuẩn bị cho cuộc hành quân với việc thiết lập các vị trí yểm trợ và chuyển quân. BCH cuộc hành quân (Quân Đoàn 1) chuyển từ Đà Nẳng ra tới Đông Hà chọn vị trí cho các lực lượng tăng cường từ Sài gòn ra tăng phái. Trong giai đoạn này QLVNCH đã thực hiện các hoạt động nghi binh như đã kể ở đoạn trên.

    Giai đoạn 2 - 08 giờ sáng Ngày 8 Tháng 2 Năm 1971, Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố mở cuộc tiến công nhằm cắt đứt đường mòn Hồ chí Minh, phá hủy các căn cứ của Cộng Sản Bắc Việt và không có mục đích chiếm giữ đất đai của Vương Quốc Lào.

    Sau các đợt bắn phá dữ dội của hàng trăm khẩu pháo các loại 105mm, 155mm, 175mm, bố trí dọc biên giới Việt – Lào trên một chính diện 30 km các phi vụ B 52, hàng trăm phi tuần phi cơ chiến thuật. Cánh quân chính gồm lữ đoàn 3 thiết giáp và các tiểu đoàn1 và 8 Nhảy Dù tiến về phía Bản Đông theo đường 9 không gặp phản kháng. tiểu đoàn39 biệt động quân được trực thăng vận, thiết lập căn cứ hỏa lực (fire support base) có tên Ranger North (biệt động quân Bắc) và tiểu đoàn 21 biệt động quân thiết lập căn cứ hỏa lực có tên Ranger South (biệt động quân Nam). Cùng thời gian đó, tiểu đoàn2 nhảy dù chiếm cao điểm 30 (căn cứ hỏa lực 30) trong khi Bộ CH Lữ Đoàn 3 Dù cùng tiểu đoàn3 Dù chiếm cao điểm 31 (Căn cứ hỏa lực 31). Ngoài ra các đơn vị của Sư Đoàn 1 BB đánh chiếm các cứ điểm Hotel, Delta và Delta 1 để bảo vệ và che chắn cho sườn phía Nam của nỗ lực chính (tài liệu sưu tầm trên Website Wikipedia). Trong suốt thời gian nầy các đơn vị nhảy dù và biệt động quân đã có những thắng lợi nhất định tiêu diệt một số lớn quân chánh quy BV, phá hũy và tịch thu nhiều kho hàng gồm các loại vũ khí còn nguyên si mới xuất hiện trong chiến tranh Việt Nam như : cao xạ phòng không 37mm, dàn phóng hoả tiển 122mm di dộng với mỗi lần bắn ra 16 hỏa tiển, đại bác 85mm và loại 82mm không giật bắn thẳng.

    Giai đoạn 3 - Lữ Đoàn 147 TQLC tham chiến với các Tiểu đoàn 2, 4, 7 và Tiểu đoàn 2 PB TQLC
    Trước tình hình biến chuyển bất lợi cho các cánh quân nhảy dù và biệt động quân từ các cuộc phản công của các Sư Đoàn 2, 304, 308, 320 và 324, chánh quy Bắc Việt cùng với các lực lượng yểm trợ như 3 tiểu đoàn chiến xa 297, 397, 198 gồm 88 xe T -54, T 34, PT 76 ; 3 Trung đoàn Pháo Binh Cơ giới 368, 38, 45 ; 3 Trung Đoàn Pháo Phòng không 230, 241, 591 v..v... (tài liệu trích từ trang Wikipedia ). Bộ Chỉ Huy HQ / Quân Đoàn 1 quyết định xử dụng các đơn vị Sư Đoàn 1 BB, đánh canh bạc cuối cùng, bằng cách trực thăng vận vào thẳng khu vực Xê Pôn để có được tiếng vang trong thế chính trị tại bàn hội nghị hòa đàm Paris, do đó Lữ đoàn 147 được trực thăng vận vào tiếp nhận các căn cứ hỏa lực Delta và Delta 1 của Sư Đoàn 1 BB.

    Ngay từ khi đặt chân xuống bãi đáp chúng tôi đã được tận tình “thăm hỏi” với các loại pháo của quân BV. BCH lữ đoàn và tiểu đoàn 7 phòng thủ trong căn cứ hỏa lực Delta (Đống Đa ). tiểu đoàn 2 được trực thăng vận, hành quân mở rộng hành lang an toàn về phía Tây Bắc của căn cứ. Các cuộc chạm trán, đánh nhau với quân Bắc Việt trong tuần lễ đầu tiên, khi đặt chân trên đất Hạ Lào đã có những thiệt hại chung cho tiểu đoàn 2, phần lớn do các loại vũ khí pháo kích của địch. Ưu thế về yểm trợ không quân của quân lực Mỹ bắt đầu bị hạn chế, khi các lực lượng phòng không tăng cường của quân chánh quy Bắc Việt lần lượt xuất hiện, tham chiến (Sư Đoàn phòng không 367 gồm 3 Trung Đoàn pháo phòng không 282, 284 ,224 và 2 Trung Đoàn tên lửa 238, 237 tài liệu sưu tầm trên Website Wikipedia ). tiểu đoàn2 có 4 ĐĐT thì 2 đã bị loại khỏi vòng chiến (ĐÚy Nguyễn kim Thân (K 21VB ĐĐT / ĐĐ 2; Tr Úy Kiều công Cự K 22 VB ĐĐT/ ĐĐ 4 ). Riêng ĐĐ1 chúng tôi có TÚy Trần văn Loan và TÚy Nguyễn văn Nhân bị thương do đạn pháo kích. Đây là những “quân nhân thực sự may mắn” bởi vì sau đó súng phòng không của Bắc Việt, hoàn toàn khống chế bầu trời vùng hành quân, không còn bất cứ “trực thăng nào vào vùng mà lành lặn bay trở ra, toàn bộ thương binh và tử sĩ chỉ còn chờ phép lạ và điều đó đã không xảy ra .”(thời điểm nầy thật tình mà nói, ngay cả khi tôi có bị thương thì số phận cũng như mọi chiến binh khác mà thôi). Tình hình ngày càng xấu hơn, lệnh lữ đoàn cho tiểu đoàn lui về sát căn cứ Delta hơn, trong khi mật độ pháo kích mỗi ngày thêm dày đặc, gần thì có súng cối 61mm, 82mm, xa thì có 85mm, 130mm, 122mm loạt 16 ống. v..v… Tất cả ĐĐ chỉ có hầm hố cá nhân bình thường với một lớp nóc hầm làm bằng các loại cây rừng nhỏ. Tinh thần mọi người đều căng thẳng do “áng binh bất động”, nằm chờ pháo địch với sự may rủi “Trời kêu ai nấy dạ!”. Áp lực quân Bắc Việt càng lúc càng tăng, trong khi người bạn đồng minh thì đã có ý bỏ cuộc. Tất cả các căn cứ hỏa lực của nhảy dù và biệt động quân đều bị xóa sổ. Toàn bộ tiểu đoàn 2 được lệnh rút về, bố trí phòng thủ phía ngoài của căn cứ Đống Đa sau khi BCH lữ đoàn bị đặc công xâm nhập. Trong phiên họp cuối cùng với niên trưởng Phúc, mọi người đều mừng rỡ khi được cho biết là sẽ có trực thăng Mỹ vào “bốc toàn thể LĐ 147 vào ngày mai” (hạ tuần của tháng 3 năm 1971 ). Sau cùng thì “lệnh thành lạc” cho nên kế hoạch triệt thoái lui quân bằng đường bộ lại được phổ biến nhưng đã quá trễ. Vòng vây đã khép kín 3 phía, quân Bắc Việt quyết định dứt điểm căn cứ Đống Đa. Trong cảnh chiều tối đang xuống dần cũng là lúc những đợt pháo kích dữ dội, không ngưng nghỉ, phải, trái, trước, sau đâu cũng có đạn pháo rơi. Tôi và T/Úy Phát (sĩ quan tiền sát viên. Phát là Em vợ đã qua đời của MX Chung Houston) cùng đứng sau một gò mối nhỏ, có một thân cây che chắn, Tôi truyền lệnh cho Phát gọi pháo binh từ LĐ 258 đóng ở dãy núi Koroc bắn phản pháo và lần lần thu ngắn lại tầm tác xạ, chỉ cách tuyến đóng quân 50 – 100m khi chúng tôi nghe rõ những tiếng động lớn của các loại xe cơ giới cùng lúc các Trđội Trưởng Phận, Chung, Truyền (Chuẩn Úy Ngọc đã bị thương vì pháo kích, được đưa về tiểu đoàn ) đều báo cáo là bộ binh địch đã xuất hiện trên phần đất “yên ngựa ”(tiểu đội tiền đồn ở đây tôi đã cho lệnh rút về vì không còn tác dụng) đang tiến vào vị trí phòng thủ. Hệ thống liên lạc với tiểu đoàn bị trở ngại. Tôi bảo Phát xử dụng tần số của PB gọi cho tiền sát viên đi theo tiểu đoàn cũng không có trả lời. Tôi quyết định cho đại đội lui về phía sau, khoảng cách độ 200 mét và vào hẳn trong căn cứ, xử dụng hệ thống giao thông hào đã có sẵn (tuyến đỏ theo như lệnh triệt thoái đường bộ đã được phổ biến) làm tuyến kháng cự cuối cùng. Trời đã tối hẳn, pháo địch giảm cường độ vì bộ binh địch đã tiến sát vào căn cứ, khi toàn bộ ĐĐ đã rút về bố trí trong các giao thông hào, kiểm điểm tình hình sơ khởi ĐĐ đã có một số thương vong tại vị trí phòng thủ trước do pháo kích trong đó có TÚy Phận. Tiếng động cơ ngày càng nghe rõ dần, trong ánh sáng chập chờn của trái sáng pháo binh, hình dáng của hai chiếc xe thiết giáp (sau này mới biết đó là loại PT 76 dùng để chở quân cũng như bắn phá các công sự hầm hố với khẩu đại bác 76 mm và đại liên 12.7 mm) đang mở đường tiến vào căn cứ với bộ binh địch theo sau. Trong khoảng cách 50 m với thế đất được rộng rãi hơn, hai xe thiết giáp địch dàn thành hàng ngang và bắt đầu nhắm bắn vào các công sự hầm nổi. Tôi hét lớn: xử dụng M72 , sẵn sàng bắn khi có lệnh, hạ sĩ Hải lấy đưa cho Tôi một ống phóng M72. Tôi rút chốt an toàn, kéo ống ra nghe tiếng kêu “rắc” (hình thức lên cò súng) đặt lên vai tôi quay ra phía sau, kiểm tra xem có ai đứng phía sau có thể bị nguy hiểm vì sức “phụt hậu” của quả đạn. Khoảng cách thu ngắn dần, trong tiếng nổ đầu nòng ì ầm của khẩu đại bác 76mm và tiếng “cành, cành, cành” liên tục của khẩu 12mm7 trên xe. Lệnh bắn ban ra khi hai xe thiết giáp địch chỉ còn cách giao thông hào khoảng 30m. Cả hai xe trúng cùng một lúc 4 – 6 quả M72, đứt xích khựng lại và bốc cháy, bộ binh địch chạy lui về phía sau, lính nhà ta mừng vui, la ó vang khắp cả giao thông hào. Đại Úy, Đại Úy, Lệnh tiểu đoàn bảo nhắm theo hướng đạn trái sáng đang bắn mà rút lui. Khoảng một giờ sau, tiếng nổ vọng lại của hàng loạt bom trải thảm B52, trên vùng căn cứ Đống Đa, xóa sạch dấu vết của một chiến thắng cay đắng và nghẹn ngào. Sau một đêm vượt núi, băng rừng lên đồi, xuống dốc theo hướng trái sáng pháo binh như đã được hướng dẫn. Cuối cùng qua hệ thống truyền tin tôi được biết thành phần đầu tiên của tiểu đoàn7 đã bắt tay được với tiểu đoàn3 Sói Biển từ trong căn cứ hỏa lực Koroc, hành quân tiếp cứu và mở một hành lang an toàn cho LĐ 147 rút lui. Hy vọng sống sót, thoát hiểm trở về để nhìn mặt con đầu lòng đã thành hiện thực. Khoảng giữa trưa thành phần còn lại của đại đội 1 (khoảng 60 – 70 quân nhân ), nhập vào với tiểu đoàn, đợi chờ trực thăng Mỹ bốc ra khỏi vùng đất Hạ Lào. Đợt trực thăng cuối cùng, thả Tôi xuống cứ điểm Khe Sanh vào lúc mặt trời vừa khuất bóng. Người đầu tiên, chúng tôi gặp là niên trưởng Nguyễn Kim Để (tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 9 lúc bấy giờ) trong tình cảm nồng ấm, thân thiết niên trưởng đã ôm chầm lấy tôi mà thăm hỏi, đồng thời còn bảo với hạ sĩ Khiêm (gốc ĐĐ 1 được theo niên trưởng khi niên trưởng về nhận tiểu đoàn 9) pha cà phê nóng cho chúng tôi uống (tôi, trung sĩ 1 Cương (Thường Vụ ĐĐ) cùng một số quân nhân trong BCH / ĐĐ ). Sự quan tâm của niên trưởng Để, khiến chúng tôi vô cùng cảm động và không bao giờ quên được tình cảm, thân ái của một cấp chỉ huy cũ (Năm 1965 – 1966 tôi là trung đội trưởng “sáng giá” của niên trưởng Để khi niên trưởng là ĐĐ Truởng ĐĐ 1).

    Xin nghiêng mình tưởng nhớ và tri ân tất cả các dĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ của đại đội 1 tiểu đoàn 2 Trâu Điên. Đơn vị đầu đời trong binh nghiệp của tôi từ tháng 10 năm 1964 đến tháng 8 năm 1972 (trừ 6 tuần lễ theo học khóa tác chiến Trong Rừng Rậm Mã Lai 1967 và 3 tuần nghỉ dưỡng thương 1970).


    Mũ Xanh Tây Đô Lâm Tài Thạnh


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X