Thông báo

Collapse
No announcement yet.

CON LỢN HẠCH - Nguyễn Hoài Nam

Collapse
X

CON LỢN HẠCH - Nguyễn Hoài Nam

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • CON LỢN HẠCH - Nguyễn Hoài Nam

    CON LỢN HẠCH

    Nguyễn Hoài Nam



    Lời giới thiệu:


    Truyện ngắn “Con Lợn Hạch” của Nguyễn Hoài Nam ra mắt độc giả vào dịp tết Tân Hợi (1995); từ đó tới nay, hơn 20 năm đã trôi qua, vẫn được một số trang mạng đăng lại. Riêng chúng tôi dự tính sang năm Kỷ Hợi (2019) sẽ giới thiệu truyện ngắn này trên HQPD, nhưng mới đây thân hữu Ducquany đã đi trước một bước với bài “Đại sư phụ, Heo nọc” của tác giả Tân Ngố, chúng tôi cũng xin hưởng ứng để... có heo thì cũng phải có lợn - sau truyện vui tới truyện buồn . NHT

    * * *

    Trong số năm cô bộ đội phục viên đã lỡ thì được điều về Hợp tác xã nông nghiệp Sao Vàng, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định, Côi là người kém nhan sắc nhất. Nói kém nhan sắc là nói cho lịch sự, đúng ra phải nói là Côi xấu, rất xấu, xấu ma chê quỷ hờn, xấu chưa từng thấy!

    Côi xuất thân là con nhà bần cố nông, đen như cột nhà cháy, tay chân cục mịch, vai to mông lớn ngực đầy nhưng lại thiếu chiều cao, trông giống như cái cối xay biết đi. Đã thế lại răng hô mũi tẹt. Khi đối diện với Côi, người ta chỉ có thể nhìn vào một con mắt của nàng. Giải thích theo hình học không gian thì vì hai con ngươi của Côi không đồng trục - cả trục ‘tung’ lẫn trục ‘hoành’ - cho nên khi mắt phải ngước lên trời thì mắt trái lại liếc xuống đất, khi mắt trái quay ra biển Đông thì mắt phải lại hướng sang non Đoài. Người miền Bắc gọi là ‘mắt lác’.

    Rất có thể vì vậy mà nay đã 30 ngoài, Côi vẫn đơn côi. Chồng con chưa có chẳng nói làm gì mà cả đến cái lạc thú ‘hủ hóa’, từ ngày dậy thì cho tới nay, Côi cũng chưa được nếm mùi. Tức là nàng vẫn còn là trinh nữ. Nhưng ưu điểm ‘chưa vương bụi trần’ ấy chẳng ảnh hưởng gì tới việc phân công của đồng chí chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Sao Vàng.

    Vào thời nhà nước hô hào đổi mới và mở cửa, khi mà đồng chí chủ nhiệm đồng thời cũng là bí thư chi bộ Xã đã quên hết ‘đạo đức cách mạng’, đã quên mất ‘cần kiệm liêm chính, chí công vô tư’, đã biết treo lịch cởi truồng phía bên trong cánh cửa tủ, đã biết thưởng thức video ‘tươi mát’, thì chẳng cần nói ra, ai cũng biết một người con gái xấu xí như Côi sẽ bị đẩy đi chỗ nào cho khuất mắt.

    Liễu, cô bộ đội xinh đẹp nhất trong nhóm năm người, hồi ‘kháng chiến chống Mỹ’ từng làm hộ lý cho mấy đời thủ trưởng, giờ đây được phân công làm thư ký riêng cho đồng chí chủ nhiệm. Đào, cô thứ hai, tuy không xinh đẹp bằng Liễu nhưng ngực nở eo thon mông tròn lại có đôi mắt ướt đa tình thì được phân công làm thủ kho, nơi đồng chí chủ nhiệm có kê cái giường để ngủ trưa cạnh bồ lúa. Sen, cô thứ ba, nhan sắc trung bình nhưng người ngợm trông cũng khá sạch nước cản, được phân công làm chị nuôi. Mai, cô thứ tư, khá xấu nhưng nhờ học hết cấp 1, được phân công phụ giúp bên nhà trẻ.

    Phân công xong cho bốn cô, đồng chí chủ nhiệm nhìn vào một con mắt của Côi, ngần ngừ một lát rồi nói:

    - Ở đây còn toàn là công việc đồng áng nặng nhọc, tôi không nỡ để một người từng tham gia chiến đấu như đồng chí phải chân lấm tay bùn. Thôi, bên tổ chăn nuôi đang cần một người để trông coi con lợn hạch, đồng chí sang đó vậy, nhàn hạ chán!

    [“Lợn hạch” là tiếng người Bắc gọi “heo nọc”, có khi còn gọi là “lợn cà”, “lợn dái”]

    Côi dãy nảy:

    - Khiếp, đàn bà con gái ai lại đi trông lợn hạch. Em không chịu đâu!

    - Trông lợn hạch thì đã sao!

    - Sao đồng chí chủ nhiệm không giao cho anh nào đó?

    - Không được, cấp trên đã quy định chỉ có phụ nữ mới được phục vụ trong tổ chăn nuôi. Thôi, nếu đồng chí không chịu thì để tôi điều về... tổ gánh phân vậy!

    Phân mà đồng chí chủ nhiệm hợp tác xã Sao Vàng nói tới ở đây phải hiểu là ‘phân bắc’, tức phân người.

    Dĩ nhiên, đồng chí chủ nhiệm đã nói thế thì Côi không còn con đường nào khác hơn là chấp nhận về tổ chăn nuôi để trông coi con lợn hạch.

    Côi tuy mặt mũi người ngợm xấu xí nhưng tính tình hiền lành chất phác, chịu thương chịu khó. Những người như Côi, sống dưới thời nào, chế độ nào cũng dễ cũng bị thiệt thòi. Lên 7 tuổi, Côi đã đoạt danh hiệu ‘cháu ngoan Bác Hồ’ nhờ vượt chỉ tiêu nộp phân trâu, phân bò. Mỗi khi xúc từng bãi phân còn nóng hổi, cẩn thận gói trong tàu lá chuối đem về nhà phơi khô, Côi không bao giờ nghĩ tới việc đoạt danh hiệu mà chỉ biết mình đang góp phần xây dựng đất nước.

    Năm 12 tuổi, Côi được làm đội trưởng Thiếu niên Tiền phong, đặc trách công việc chăn trâu trong xã. Năm 16 tuổi, Côi tình nguyện gia nhập đoàn bộ đội Trường Sơn. Được phân công gánh lương tải đạn, sửa đường, lấp hố bom, Côi đã đem hết sức mình phục vụ đoàn quân ‘sinh Bắc tử Nam’. Công tác nào Côi cũng vượt chỉ tiêu. Tất cả vì mục đích cao cả ‘giải phóng đồng bào miền Nam ruột thịt khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ’.

    Giờ đây, đứng trước con lợn hạch nồng nặc mùi hôi, Côi chỉ cảm thấy khó chịu trong một vài phút. Bởi vì sau khi nghe chị tổ trưởng trình bày khó khăn của hợp tác xã trong việc gây giống lợn, Côi nhớ ngay tới lời bác Hồ dạy và nhủ thầm: ‘Giờ đây chính là lúc mình thực hiện lời Bác: đánh xong giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng đất nước to đẹp gấp mười ngày xưa’.

    Rồi Côi nhìn vào con lợn hạch của hợp tác xã Sao Vàng mà trong lòng không khỏi ái ngại, xót xa: tuy cũng thuộc giống tốt nhập từ Liên Xô, nhưng thân hình thì gầy gò, bụng lép kẹp, bốn chân khẳng khiu, hai hòn dái chỉ vừa bằng hai quả cà pháo thì nhảy cái nỗi gì! Chả trách hợp tác xã cứ phải nộp cám cho xã bên cạnh để mượn con lợn hạch bên đó về cho đám lợn nái khát tình chịu đực.

    Với tinh thần trách nhiệm của một người nắm trong tay tương lai của đàn lợn hợp tác xã, Côi tự hạ quyết tâm làm sao trong vòng một vài tháng, phải biến con Hạch vô tích sự này thành một vũ khí vô địch, góp phần vào việc đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội như lời đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn kính mến đã dạy.

    Việc đầu tiên là phải tìm cách bồi dưỡng thể chất cho con Hạch. Côi đề nghị chị Mến, tổ trưởng chăn nuôi, trong buổi họp báo cáo công tác kỳ tới của hợp tác xã phải xin gia tăng tiêu chuẩn bồi dưỡng cho con Hạch, ít nhất cũng mỗi ngày hai quả trứng gà và mỗi tuần một ký đỗ chè (đậu xanh). Thoạt nghe chị Mến đề nghị, lão chủ nhiệm hợp tác xã trợn mắt:

    - Này, đừng có tập tành cho lợn cái thói tiểu tư sản ấy nhé...! Trứng gà với lại đỗ chè! Hừm... Đồng chí phi hành gia Phạm Tuân lúc chuẩn bị sang Liên Xô để bay lên vũ trụ còn chưa được hưởng tiêu chuẩn cao như thế nữa là lợn!

    Chị Mến vốn là người ăn ngay nói thẳng, cãi lại:

    - Nhưng thưa đồng chí chủ nhiệm, nhiệm vụ của đồng chí Phạm Tuân là mang bèo hoa dâu lên không gian thí nghiệm chứ có phải là... là... nhảy cho lợn nái có chửa đâu!... Còn con Hạch, đồng chí Côi nói nếu không được bồi dưỡng thì dứt khoát nó không thể thi hành chức năng một cách có hiệu quả được. Đồng chí ấy đã hạch toán kinh tế như thế này: mỗi ngày bốn quả trứng gà, mỗi tuần hai ký đỗ chè, vị chi mỗi năm mất một nghìn bốn trăm sáu chục quả trứng và một trăm linh tư ký đỗ. Nhưng nếu con Hạch ‘nhảy’ có hiệu quả thì lợi nhuận kinh tế một tuần lễ cũng đủ cho nó bồi dưỡng suốt năm.

    Lão chủ nhiệm hợp tác xã gãi cằm một lúc rồi ngập ngừng:

    - Để tôi tính xem nào... Thôi được, cứ thử cho nó một nửa tiêu chuẩn mà đồng chí Côi đề nghị, xem hình hình có tiến triển theo xu hướng đi lên hay không đã... Mà này, phải nhớ bám sát theo dõi đồng chí Côi, đừng để tiêu chuẩn của lợn lại lọt vào miệng người nhé!

    Dĩ nhiên, Côi còn ‘cần kiệm liêm chính’ gấp nghìn lần đồng chí chủ nhiệm hợp tác xã. Chẳng những nàng không ăn bớt ăn xén tiêu chuẩn bồi dưỡng của con Hạch mà còn lén lấy tiêu chuẩn cá khô của mấy con lợn đang được vỗ béo để cho nó ăn thêm. Côi lập luận: Mấy con lợn bột (lợn thịt đã thiến) càng mau béo thì càng bị giết thịt sớm, mình bớt tiêu chuẩn cũng là làm phước cho chúng nó đấy thôi!

    Bên cạnh đó, mỗi khi cho ăn hay tắm cho con Hạch, nàng thường vỗ về nó, nào là ‘Hạch ngoan nhé, ăn nhiều nhảy giỏi rồi chị xin cấp trên tăng tiêu chuẩn cho...’ nào là ‘phấn đấu vượt chỉ tiêu, thể nào Hạch cũng được huân chương Bác Hồ...’

    Không hiểu vì con Hạch hiểu được tiếng người, vì Côi mát tay, hay vì hiệu quả của trứng gà và đỗ chè mà chỉ vài tháng sau khi nàng nhận nhiệm vụ, con Hạch đã nổi tiếng là tốt giống nhất trong đám lợn hạch của cả xã. Hai hòn dái của nó lúc này đã to bằng hai quả cà bát, đỏ ửng. Cả đến những chị lợn nái khó tính nhất cũng đều được thỏa mãn. Chưa bao giờ Hạch phải nhảy tới lần thứ hai. Và thường thì sau đó, chị nái nào cũng đẻ mỗi lứa cả chục con trở lên, con nào cũng khỏe mạnh, ăn nhiều, mau lớn.

    Côi không chỉ đem lại hạnh phúc cho đám lợn nái khát tình mà còn đem niềm vui tới cho cả xã. Lợn đẻ nhiều, hiệu xuất gia tăng, lợi tức bình quân đầu người trong hợp tác xã dĩ nhiên cũng tăng theo.

    Tiếng lành đồn xa, độ nửa năm sau thì con Hạch không còn chỉ ‘nhảy’ đám lợn nái trong xã nhà mà còn được rước sang giúp các xã bên cạnh, có nơi còn đem cả ô-tô tới đón con Hạch và Côi.

    Nửa năm nữa trôi qua, khi số lần Liễu, thư ký riêng của đồng chí chủ nhiệm, bị bà vợ cho người đón đường hăm dọa tạt át-xít, và số lần Đào, cô thủ kho, lên bệnh viện Huyện để phá thai cũng nhiều bằng số lần Côi được Ủy ban Nhân dân Tỉnh biểu dương, thì một sự kiện vĩ đại đã xảy ra cho hợp tác xã Sao Vàng. Đó là nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, con Hạch được Bộ Nông Nghiệp và Chăn Nuôi bình chọn là ‘con lợn hạch xuất sắc nhất trong năm’, còn Côi thì được tặng danh hiệu ‘chiến sĩ nuôi lợn hạch tiên tiến’, nhận cờ luân lưu của Quốc Hội, kèm theo huân chương Chăn Nuôi hạng nhất. Hình của con Hạch và Côi được xuất hiện trên báo Đảng, và Bộ Nông Nghiệp và Chăn Nuôi đã nhân dịp này chỉ thị các địa phương cử người về hợp tác xã Sao Vàng để học tập kinh nghiệm của Côi.


    Bé cái lầm!


    Tin vui vừa về tới nhà, Ủy ban Nhân dân Xã đã ra lệnh tổ chức một cuộc mít-tinh trọng thể để đón nhận cờ và huân chương, cũng như để biểu dương công trạng của Côi và con Hạch. Đêm hôm ấy, Côi mơ gặp Bác Hồ...

    * * *

    Sau khi con Hạch đoạt danh hiệu vô địch lần thứ hai thì một biến cố đã xảy ra trong lòng các cô bộ đội phục viên lỡ thời của hợp tác xã Sao Vàng. Đó là việc Bộ Xã Hội và Thương Binh phân công cho hợp tác xã việc bao bọc và dạy nghề cho một số thương binh không nơi nương tựa. Kinh nghiệm đã cho các cô thấy song song với việc bao bọc và dạy nghề, Bộ còn chỉ thị cho địa phương tổ chức những buổi ‘tìm hiểu’ với mục đích kiếm vợ cho những anh chàng ế vợ, hoặc bị vợ bỏ nói trên.

    Thời gian những năm sau 1975 là khoảng thời gian xảy ra nhiều rối loạn nhất trong cuộc sống gia đình ở ngoài miền Bắc. Một số bộ đội trở về sau hơn 10 năm chiến đấu thì thấy vợ mình đã có 3, 4 mặt con với một ông chủ tịch, chủ nhiệm, một ông bí thư hay anh công an khu vực.

    Lại có những chàng trở về thì vợ vẫn còn đó, nhưng ngày chàng ra đi nàng mới sanh một đứa, nay về lại thấy tới hai, hỏi đứa con: ‘Mẹ mày bế con ai vậy?’, thì nghe nó đáp: ‘Con ông, em bố đấy'.

    Thì ra lúc chàng bộ đội xông pha nơi tuyến đầu, ở nhà ông bố chồng thấy con dâu cô đơn, phòng không chiếc bóng, bèn thay con trai yên ủi vỗ về, chẳng biết làm thế nào mà cô con dâu có bầu, đẻ ra đứa bé ‘con ông em bố’.

    Cảnh trớ trêu ấy không phải là hiếm, và thường thì cũng chẳng có chàng bộ đội nào nỡ xách dao đâm bố, đành bỏ xứ ra đi không hẹn ngày về!

    Về phần nữ giới, một số nhận được hung tin chàng đã ‘tử Nam’, một số bị chồng bỏ để lấy một cô gái miền Nam văn minh dễ dãi nào đó và ở luôn không về, một số khác thì vì tình trạng trai thiếu gái thừa, cho tới nay đã băm lăm băm sáu mà vẫn chưa hề được biết hơi hám đàn ông. Sau cùng là những cô gái vượt Trường Sơn sống sót trở về, như năm cô bộ đội phục viên của hợp tác xã Sao Vàng.

    Vì vậy, trung ương đã ra chỉ thị điều các đơn vị bộ đội về đóng ở những nơi có nhiều con gái chưa chồng, hoặc phụ nữ bị chồng bỏ, thường là các nông trường, công trường..., và tổ chức những buổi gặp gỡ tập thể để đôi bên quan hệ tìm hiểu nhau. Sau đó, thành vợ chồng thì càng tốt, không thì ít nhất đôi bên cũng giải quyết được nhu cầu tình dục. Hợp tác xã nông nghiệp Sao Vàng không phải là một đơn vị sản xuất lớn, tập trung nhiều đàn bà con gái cho nên cấp trên chỉ điều về hơn một chục chàng bộ đội thuộc thành phần sứt tai gẫy gọng, bị đám con gái trong Nam liệt vào hàng phế thải!

    Thế rồi cũng giống như việc phân công trước đây khi năm cô bộ đội phục viên về hợp tác xã Sao Vàng, ai đẹp thì được ưu tiên, nay Liễu, thư ký riêng của đồng chí chủ nhiệm hợp tác xã, lấy được một tay thượng úy bị vợ bỏ, tuy đã khá lớn tuổi nhưng so với đồng chí chủ nhiệm vẫn còn trẻ chán, chỉ phải tội ông ta đi khập khiễng vì bị thương ở gót chân. Đào, cô thủ kho, lấy được một viên trung úy độc thân, mặt mày sáng sủa nhưng ốm o gầy còm, lại còn bị méo mồm vì miểng đạn xuyên qua xương hàm. Sen, cô chị nuôi, lấy một tay thiếu úy chột mắt, và Cúc, cô phụ giúp trông coi nhà trẻ, lấy một tay thượng sĩ cụt tay...

    Riêng Côi không hề để ý tới đám đàn ông con trai mới đến. Nguyên nhân: nàng không hề mảy may hy vọng sẽ có người thèm quan hệ tình cảm với một cô gái xấu xí, đen đủi, tròn trùng trục như mình. Đã vậy, người ngợm lúc nào cũng nồng nặc mùi hôi từ con Hạch ám sang. Chả là ngoài việc gần gũi trong lúc tắm rửa, bồi dưỡng con Hạch, Côi còn đích thân đưa nó đi ‘công tác’ và phụ giúp mỗi khi nó phải ‘nhảy’ những con lợn nái cao lớn gấp rưỡi, gấp đôi. Những lúc ấy, mặc cho ai cười thì cười, Côi nhảy phắt vào chuồng, đỡ hai chân trước của con Hạch gác lên lưng con lợn nái, rồi khi hai chân sau của nó đã kiễng lên hết cỡ mà vẫn trật duột, nàng còn phải dùng tay để phụ giúp nó tiến công chính xác vào mục tiêu...!

    Chính vì mặc cảm ấy, mỗi lần đi sinh hoạt tìm hiểu, Côi thường ngồi thu mình trong một góc phòng họp của hợp tác xã, hồn để tận đâu đâu.

    Nhưng hình như có bàn tay ông Tơ bà Nguyệt xen vào: trong đám thương phế binh ấy, lại có một chàng trung sĩ pháo binh bị mù cả hai mắt. Khoan, tên chàng trung sĩ, không mù từ lúc lọt lòng mẹ, cũng chẳng mù do chất độc hóa học của đế quốc Mỹ rải xuống đường mòn Hồ Chí Minh, mà mù vì hậu quả của chiến thắng, mù khi đất nước đã thanh bình.

    Khoan vốn là người bị hen suyễn từ nhỏ nên cũng không lấy gì làm khỏe mạnh. Sau khi thoát chết vì kiết lỵ ngay những ngày đầu vượt Trường Sơn, Khoan bị mắc chứng sốt rét kinh niên. Da lúc nào cũng vàng như nghệ, người ngợm gầy yếu mong manh như trong năm đói (Ất Dậu, 1945).

    Sau khi chiếm được miền Nam, cấp trên nhận thấy để một người teo tóp như Khoan trong đơn vị đại pháo 130 ly thì quả thật mất thể diện binh chủng, bèn cho về phục vụ tại kho đạn Gò Vấp. Trước năm 1975, việc quân đội Việt Nam Cộng Hòa xây kho đạn tại Gò Vấp, nơi có nhiều người Bắc di cư 54 chuyên nghề làm pháo, có thể chỉ là một sự tình cờ, hoặc do bàn giao lại từ tay người Pháp. Nhưng sau 1975, khi mà các cấp chỉ huy và bộ đội Bắc Việt đã biết mánh mung, thì ai cũng thấy được mối quan hệ chặt chẽ giữa kho đạn và dân Gò Vấp: bộ đội bán thuốc súng cho dân để lấy tiền, dân mua thuốc súng để làm pháo bán! Thành thử kể cả vào thời gian cao điểm của cuộc xâm lược Căm-bốt, cứ 10 trái đạn đại bác được vận chuyển sang chiến trường xứ Chùa Tháp thì lại có ít nhất 10 trái khác được cưa ra để lấy thuốc nổ bán cho dân làm pháo. Tuy nhiên, cũng có một số nhỏ bộ đội không tham gia công việc ‘ăn cắp của công’ này, trong số đó có Khoan. Nhờ vậy mà chàng thoát chết...

    Nguyên vào buổi chiều hôm ấy, mấy tay bộ đội láu cá trong tổ trực của Khoan lén đem một trái đạn đại bác 155 ly ra gần hàng rào cưa để lấy thuốc nổ. Khoan không tham dự mà chỉ đứng gần đó quan sát. Chẳng hiểu vội vã hấp tấp, cưa mạnh tay thế nào mà trái đạn phát nổ. Ba tên chết tan xác, ruột gan bay lên máng lủng lẳng trên dây điện; hai tên bị thương nặng. Khoan chỉ bị bay mất một trái thận và thêm mấy miểng đạn vào trán, nhưng vì chạm phải thần kinh thị giác nên mù cả hai mắt!

    Cũng giống như Côi, Khoan xuất thân giai cấp bần cố nông ở miền Bắc, sinh ra đã được dạy phải kính yêu Bác Hồ, mới biết đi đã bị nhồi nhét tư tưởng xã hội chủ nghĩa, vừa thuộc 24 chữ cái đã được học căm thù đế quốc Mỹ, vừa tròn 17 tuổi đã được lệnh lên đường giải phóng miền Nam... Khoan tin theo như bổn đạo tin Chúa. Nay bị tàn tật cũng không một chút oán hận. Trái lại, chàng còn cảm thấy tội nghiệp cho những đồng đội đã chết tan xác. Khoan suy nghĩ một cách đơn giản: họ có thiếu thốn mới phải cưa đạn để bán lấy tiền!

    Cũng với một tâm trạng bi quan như Côi, mỗi lần được lệnh đi sinh hoạt tìm hiểu, Khoan thường mò mẫm tìm một góc nhà mà ngồi. Hôm đó anh chàng vô tình tiến tới chỗ Côi, đụng phải người nàng. Dù chỉ va chạm nhẹ, Khoan cũng biết ngay đó là đàn bà, liền vội vàng xin lỗi. Rồi Khoan ngồi xuống. Một cái mùi là lạ bay vào mũi chàng: mùi lợn hạch từ người Côi. Nhưng với Khoan, cái mùi ấy lại hay hay, nếu không muốn nói là có sức thu hút kỳ lạ. Có thể so sánh với việc một cô gái thích mùi mồ hôi nách của đàn ông. Trong trường hợp đó, cái mùi đã trở thành một thứ duyên ngầm!

    Khoan lên tiếng hỏi chuyện, Côi chỉ đáp nhát gừng. Cho rằng mình chưa đủ vồn vã, Khoan càng ra sức thân thiện. Cuối cùng, Côi đã chịu nói chuyện. Tuy nhiên cũng chỉ là cái tình đồng chí trong sạch, không dính dáng gì tới ái tình cả. Cho nên sau phần trà bánh, khi các cặp khác đã đưa nhau đi kiếm một lùm cây hay ra bờ ruộng để ‘hủ hóa’ hoặc ‘tìm hiểu’ thêm các ngõ ngách trên thân thể của nhau, Khoan và Côi vẫn ngồi lại. Buổi sinh hoạt kế tiếp, vừa tới nơi, Khoan đã quơ quơ cái gậy tìm tới góc nhà. Côi thấy tội nghiệp, khẽ lên tiếng gọi. Câu chuyện giữa hai người vẫn giới hạn trong tình đồng chí nhưng đối đáp của Côi đã có phần bớt khô khan, gượng ép. Buổi thứ ba, nói chuyện được một lúc, Khoan đánh bạo ngỏ ý muốn tiến xa hơn:

    - Này Côi, mình bỏ quách hai tiếng 'đồng chí' đi có được không?

    Côi bỡ ngỡ. Từ ngày lớn lên rồi vào bộ đội tới nay, trừ mấy con bạn thân ra và nay là chị Mến, tổ trưởng tổ chăn nuôi, tất cả mọi người đều gọi nàng là ‘đồng chí’. Côi là người thất học, không hiểu ý nghĩa chữ đồng chí là gì mà chỉ biết rằng một khi đã gọi nhau là đồng chí thì không còn phân biệt nam nữ, không được nói chuyện tình cảm riêng tư, không được biểu lộ sự thân thiết, không được cười đùa... Nhưng không gọi bằng đồng chí thì gọi bằng cái gì bây giờ, Côi chưa thể tìm ra câu trả lời. Nàng đáp:

    - Vâng, tùy... đồng chí!

    Khoan bật cười. Côi xao xuyến. Nàng chưa bao giờ được nghe giọng cười trong sáng mà ấm áp, hiền lành và ngay thẳng thật thà đến như thế. Hình như sống trong tập thể này, người ta hạn chế cười với nhau. Hoặc có cười chăng cũng chỉ là cười xã giao, cười châm biếm, cười gằn, cười gượng chứ chẳng mấy ai cười thoải mái như tiếng cười của Khoan...

    Buổi thứ tư, Khoan vừa ngồi xuống đã vội hỏi ngay:

    - Côi bôi nước hoa gì mà thơm thế?

    - Em làm gì có tiền mua nước hoa! Đây là dầu thơm hiệu Con Sóc em mua hồi còn ở trong Nam ấy mà.

    Thấy Côi bỗng nhiên xưng em với mình, Khoan vô cùng sung sướng, vừa hít hà, vừa nịnh:

    - Thơm thật, thơm thật...!

    Hai tháng sau, Côi là người cuối cùng trong 5 cô bộ đội phục viên trong hợp tác xã Sao Vàng lên xe hoa về nhà chồng. Nói là lên xe hoa cho nó văn vẻ, thực ra Côi cùng chị Mến cuốc bộ ra trụ sở Ủy ban Nhân dân Xã, nơi đó Khoan và một người trong đơn vị đã chờ sẵn. Côi mặc một cái áo sơ-mi trắng mua hồi còn ở trong Nam, quần lãnh đen, chân đi dép nhựa. Khoan cũng có được một cái sơ-mi ngắn tay, phía dưới là cái quần bộ đội và đôi dép râu.

    Sau khi Côi ký tên và Khoan lăn tay vào tờ đăng ký kết hôn, mọi người trở về phòng họp của hợp tác xã để dự tiệc trà, gồm có bánh bích-quy, kẹo và nước trà. Tiệc trà xong, Côi trở lại tổ chăn nuôi. Hôm nay con Hạch phải sang xã bên để nhảy. Ban sáng, chị Mến có lòng tốt đề nghị Côi để chị đề cử người khác đi thay, chẳng gì thì hôm nay cũng là ngày cưới, đời người có một lần, ai lại dắt lợn hạch đi rông như vậy. Tuy nhiên, Côi đã từ chối. Bởi vì hôm nay là lần đầu tiên xã bên nhờ con Hạch tới nhảy một chị lợn nái giống doóc-sia (Yorkshire), để thí nghiệm xem giống lợn nái Mỹ này có chịu "giống" của lợn hạch Liên Xô hay không. Là người mang danh hiệu ‘chiến sĩ thi đua’, Côi muốn đích thân mình phải đưa con Hạch đi công tác cho yên trí.

    Về tới nơi, Côi mệt đừ người, mồ hôi nhễ nhại, vừa vì đường xa, vừa vì phải giúp con Hạch hoàn thành nhiệm vụ, Nhìn con Hạch nằm thở, đôi mắt lờ đờ, Côi thấy tội nghiệp nó quá. Con lợn nái doóc-sia to lớn kềng càng, cao đến ngang bụng người, con Hạch chỉ đứng tới ngang mông mà phải nhảy. Mỗi lần con Hạch nhảy lên rồi bị tuột xuống, con lợn nái đang động tình lại lồng lộn, giận dữ quay lại húc cho một phát làm con Hạch văng sang một bên. Dễ mất đến cả tiếng đồng hồ, người và vật mới xong công tác!

    Trước khi về nhà, Côi tắm rửa thật kỹ. Tổ chăn nuôi có giếng nước, hoang phí một chút cũng chẳng sao, còn nước ở nhà có ngần ấy, dội quá tay một chút là chẳng còn nước mà vo gạo. Về tới nhà, thấy Khoan ngồi trên ghế, đôi mắt mù ngóng ra cửa, Côi thấy dạt dào yêu thương, lòng bỗng xôn xao, rộn rã như một cô gái mới lớn biết yêu lần đầu.

    Cơm nước xong, hai người ngồi uống trà. Cũng là trà Tuyên Quang hạng bét mà sao hôm nay thơm ngon thế nhỉ...! Một lúc sau, Khoan ngập ngừng hỏi:

    - Tối... tối mịt chưa Côi?

    Côi hiểu ý, e thẹn đáp:

    - Mới xâm xẩm thôi... Anh cứ đi nghỉ trước đi, em gài cửa rồi rửa mặt tí...

    Sau khi đóng cửa lại, gài then cẩn thận, Côi mở cái rương bằng sắt tây lấy ra một bộ quần áo in hoa, loại mà trong Nam người ta gọi là ‘đồ bộ’. Từ ngày mua ở chợ Bà Chiểu cách đây hơn bốn năm, Côi chưa bao giờ dám mặc. Một phần vì tiếc, sợ mặc thì nó cũ đi, một phần vì xấu hổ, xấu hổ với chính mình.

    Nhưng đêm nay nàng có lý do chính đáng để mặc nó, có điều là Khoan chỉ có thể sờ được mặt vải mịn láng chứ không thể thấy được những bông hoa muôn màu rực rỡ. Côi áp bộ quần áo vào mũi, hít hà mùi băng phiến một lúc rồi mới cầm cái đèn đầu đi xuống bếp, đồng thời cũng là nơi tắm rửa. Nàng cởi bộ quần áo đang mặc và nhìn xuống thân thể của mình, lòng bâng khuâng. Đã từ lâu lắm rồi, Côi quên mất mình là đàn bà. Quên mất công dụng và chức năng của những bộ phận mà hóa công tạo dựng. Nay thì hoa sắp có chủ. Lần đầu tiên trong đời, Côi run run đưa tay lên vuốt ve bộ ngực căng đầy với hai cái núm vú xinh xinh của mình, rồi xuống đôi mông tròn trịa như hai trái dưa hấu Tết ở trong Nam, và cuối cùng là vùng bụng dưới rậm rì... Giã từ đời con gái nhé!

    Côi mặc xong bộ quần áo mới, sực nhớ ra điều gì liền lấy chai dầu Con Sóc sức lên hai mang tai rồi mới cầm đèn đi lên nhà. Sau khi tắt đèn, Côi khe khẽ vén mùng chui vào giường. Mùi cói thơm của chiếc chiếu hoa mới mua càng làm Côi thêm háo hức...

    Nhưng Côi đã phải thất vọng. Thất vọng não nề. Khoan chỉ vừa đủ sức mở cửa động đào xong là ngã vật sang một bên, thở dồn dập, mồm há hốc... Côi chán chường nằm im nghe Khoan thở. Mấy phút sau, Khoan mới đủ sức quay sang cô vợ mới, thì thào:

    - Anh... tệ quá! Để mai anh... bồi dưỡng rồi... trả nợ em nhé!

    Nghe Khoan nói thế, bao hậm hực trong lòng Côi bỗng dưng tan biến. Thay vào đó là sự thương tội. Khoan có muốn làm mình thất vọng đâu. Bao nhiêu sức lực của tuổi thanh xuân đã hy sinh cho cách mạng hết cả rồi. Lại còn mất một quả thận thì làm sao còn đủ sức... Bồi dưỡng ư? Ngoài mỗi ngày hai bữa cơm gạo hẩm với rau luộc, tép khô, muối hạt thì còn gì nữa đâu mà bảo bồi dưỡng! Côi quay sang ôm lấy bộ ngực lép kẹp của chồng, vỗ về:

    - Thôi, ngủ đi anh, bao giờ... trả nợ em cũng được!

    Đêm thứ hai, đêm thứ ba, rồi đêm thứ tư, Côi đều bị thất vọng. Chẳng những Khoan đã không tiến bộ thêm chút nào mà còn có phần thụt lùi. Hay là anh ấy đã yếu mà mình lại bắt phục vụ liên tục? Côi bỗng nhớ tới con Hạch, mỗi lần nó tỏ ra uể oải, thiếu tích cực trong công tác là nàng biết trong người nó không được khỏe và phải đình chỉ công tác trong vài ngày.

    Thế là Côi bắt Khoan phải nghỉ ngơi một tuần. Nhưng rồi đâu cũng hoàn đó, chưa kể lần này, sau khi xuống ngựa Khoan còn nằm bất động như cái xác chết đến cả mười lăm phút đồng hồ...! Tuy ít học nhưng do kinh nghiệm ông bà để lại, Côi đoán nguyên nhân chính là do việc Khoan bị mất một quả thận. Nàng bỗng nhớ tới ông lang Học ở xã trên, dòng họ ông nổi tiếng ba đời về chữa trị các chứng đau lưng yếu thận cho đàn ông, hiếm muộn cho đàn bà. Có điều thuốc của ông rất đắt. Dù không biết mình có khả năng theo đuổi tới nơi tới chốn hay không, ngày hôm sau Côi cũng xin chị Mến miễn công tác để đưa Khoan tới nhà ông lang Học.

    Sau khi nghe Khoan kể về quá trình bệnh hoạn, thương tật và diễn tiến mỗi lần gần vợ, ông lang vừa bấm mạch vừa quan sát sắc diện của anh, rồi lắc đầu nhè nhẹ. Khoan đi ra, ông ra hiệu cho Côi vào phòng, tiến lại gần ông. Côi lo lắng hỏi:

    - Thưa ông, tình hình của anh ấy ra sao ạ?

    Ông lang Học chậm rãi trả lời:

    - Nguy kịch thì cũng chẳng có gì đáng gọi là nguy kịch, tuy nhiên với thể lực như vậy mà lại mất một quả thận thì nói về cái việc vợ chồng, mỗi tháng anh ấy chỉ nên gần chị một lần thôi. Côi thất vọng:

    - Chỉ một lần thôi sao?

    - Một lần cũng kể là vượt chỉ tiêu rồi đấy... Chị phải biết rằng ba bát cơm mới được một giọt máu, ba giọt máu mới được một giọt tinh. Hiếm hoi như thế đấy chứ nào có phải nước máy, cứ mở vòi là chảy...! Đấy là tôi nói về lượng, còn về phẩm thì... thì được đến đâu hay đến đó, đừng bắt anh ấy cố gắng quá, có ngày thành đại họa!

    Côi nhìn ông lang khẩn khoản:

    - Thế ông có cách nào giúp anh ấy cải tiến tình hình sức khỏe không ạ?

    - Tôi không phải lang băm nên không thể nói bừa, phải thử một thời gian đã.

    - Thử cách nào ạ?

    - Vừa uống thuốc bắc vừa bồi dưỡng. Thuốc thì tôi cắt theo toa ‘Phục Dương’ gia truyền, là kết hợp tinh hoa của toa ‘Ngũ Dạ Lục Giao’ của vua minh Mạng và toa ‘Trường Xuân Bát Bửu’ của Mao chủ tịch. Mỗi tuần uống một thang, mỗi thang năm chục nghìn...

    Côi tái mặt. Lương xã viên của nàng mỗi tháng chỉ có hơn sáu chục nghìn, vừa đủ nuôi hai miệng ăn. Còn Khoan làm ngoài biên chế trong tổ đan lát, mỗi tháng được ba chục nghìn là quý lắm rồi. Tiền đâu mà mỗi tuần cắt một thang thuốc năm chục nghìn!

    Như không để ý tới sắc mặt của Côi, ông lang tiếp:

    - Về bồi dưỡng thì cũng chẳng cần phải là sơn hào hải vị, chỉ cần mỗi ngày một lạng thịt với lại mấy quả trứng gà...

    Côi như muốn ngất xỉu... Cả tiêu chuẩn xã viên bậc ba của nàng cộng với tiêu chuẩn thương binh bậc bốn của Khoan mỗi tháng mới mua được một ký thịt lợn và một lạng mỡ. Thịt ngoài chợ thì đắt gấp ba bốn lần, đào đâu ra tiền mà mua mỗi ngày một lạng...! Cuối cùng, Côi quyết định được tới đâu hay tới đó. Nàng gom góp tất cả vốn liếng dành dụm được đúng năm chục nghìn, cắt một thang Phục Dương...

    Thuốc của ông lang Học công hiệu như thần. Chỉ cần một thang, đêm hôm ấy chàng Khoan ốm yếu ho hen kia đã đủ sức đưa Côi, một cô gái khỏe như trâu lên tận đỉnh vu sơn. Lần đầu tiên trong đời, Côi thấy toàn thân mình như tê dại đi trong cơn khoái lạc tột cùng... Tay chân rã rời, Côi nằm im, khoan khoái nghiền ngẫm những rung động lần đầu được hưởng, như con bò nằm nhai lại mớ cỏ non thơm phức vừa gặm vội vã... Giời ơi, có ngờ đâu cái thú ái ân nó lại sướng khoái lạ lùng, tuyệt vời đến như thế !

    Nhưng đúng như lời ông lang Học đã cảnh cáo, uống thuốc Phục Dương mà không bồi dưỡng thì còn nguy hại gấp chục lần không uống. Đêm thứ hai, Khoan cũng còn đủ sức đưa Côi lên đỉnh khoái lạc, nhưng chỉ vừa đủ sức mà thôi. Bởi vì đúng lúc đó, chàng bỗng rùng mình một cái rồi toàn thân lạnh ngắt, cứng đơ, mồ hôi ướt đẫm lưng. Dù đang đê mê, Côi cũng còn đủ tỉnh táo để hiểu rằng việc gì sẽ xảy ra với chồng nếu nàng không phản ứng kịp thời. Côi nhanh nhẹn dùng hai chân quặp lấy người Khoan cho nằm yên tại vị trí rồi với tay lên đầu giường lấy cái kim băng và lọ dầu gió...

    Sau cái đêm Khoan suýt bị thượng mã phong ấy, Côi không còn dám tơ tưởng tới chuyện chăn gối nữa mà chỉ lo bồi dưỡng cho chồng. Sau khi đã nghĩ nát óc mà không tìm ra lối thoát, Côi đang tuyệt vọng thì bỗng nhớ tới mấy quả trứng gà trong tiêu chuẩn của con Hạch. Phải rồi, chỉ còn cách ăn bớt tiêu chuẩn của con Hạch mà thôi. Côi là một đảng viên cuồng tín và trung kiên bậc nhất, cho nên lúc đầu nàng kiên quyết chống trả tư tưởng mờ ám nói trên.

    Không thể được, mình mà lấy mấy quả trứng gà trong tiêu chuẩn của con Hạch đem về bồi dưỡng cho chồng thì sau khi chết làm sao dám nhìn mặt Bác Hồ dưới suối vàng? Bác đã dạy ‘cần kiệm liêm chính’ cơ mà! Nhưng ngay sau đó, Côi lại rạo rực nhớ tới những khoái lạc đêm nào. Nàng thầm thưa với Bác Hồ: cháu đã nửa đời hy sinh cho cách mạng mà chưa hưởng được tí gì, nay vì hạnh phúc cá nhân mà đành phải trái lời Bác dạy, xin Bác tha tội cho; hơn nữa, trong hai năm qua, con Hạch góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ngần ấy cũng tạm đủ rồi...! Thế là Côi quyết định ăn bớt tiêu chuẩn của con Hạch. Hai quả trứng gà, từ nay nó sẽ chỉ được hưởng một, một dành cho Khoan.

    Việc tiến hành âm mưu cũng chẳng khó khăn gì: Thừa lúc không ai để ý, Côi chỉ việc nhét quả trứng vào kẽ hõm giữa cặp vú nung núc những thịt của nàng, cài khuy áo lại thì có trời biết. Buổi chiều vừa về tới nhà, Côi vội vã đóng cửa lại, cẩn thận lấy cái tăm tre chọc thủng hai đầu quả trứng, đưa cho Khoan mút cái rột là xong. Sáng hôm sau, Côi nhét cái vỏ trứng vào ngực, đem tới bỏ lại trong rổ như cũ. Múc cám ra máng xong, con Hạch vừa nhào tới thì Côi lấy hai quả trứng, một còn nguyên một đã rỗng ruột, thẩy vào miệng nó và lớn tiếng vỗ về như mọi khi:

    - Chị cho Hạch xơi trứng này... Nhớ hoàn thành chỉ tiêu nhé!

    Con Hạch nhai cái rộp. Phi tang!

    Thế nhưng, không có thang ‘Phục Dương’ thì việc mỗi ngày mút một quả trứng gà tươi cũng chẳng đủ để biến một người bệnh tật, ốm yếu như Khoan thành một đực rựa khỏe mạnh. Khoan tuy có hồng hào thêm được một tí nhưng đêm đêm vẫn tiếp tục bỏ cuộc sớm để Côi phải chịu cảnh bẽ bàng: Cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng - Cầm bằng làm mướn, mướn không công! (Hồ Xuân Hương).

    Sau đó, Côi nhận thấy chỉ còn cách mỗi ngày lấy luôn quả trứng còn lại của con Hạch về cho Khoan bồi dưỡng, và mỗi tuần, cuỗm luôn ký đỗ chè trong tiêu chuẩn của nó về bán “chui” lấy tiền cắt thuốc bổ thận cho Khoan. Cái kẽ hõm giữa hai vú Côi nhét thêm một quả trứng nữa vẫn còn thừa chỗ. Riêng về việc tẩu tán ký đỗ thì kinh nghiệm Côi có thừa: ngày vượt Trường Sơn vào tới Tây Nguyên, nàng thường giả dạng thường dân mỗi lần tải cả chục ký gạo từ Kontum vào rừng, bằng cách bó quanh bụng, quanh đùi, quanh ống chân, qua mặt địch dễ như chơi, nay chỉ có một ký đỗ thì thấm thía gì!

    Thế là từ đó mỗi ngày Khoan được bồi dưỡng hai quả trứng gà. Còn đỗ thì Côi lén đem sang xã bên cạnh bán cho bà hàng xôi, mỗi ký 15 nghìn, nhờ vậy cứ hơn ba tuần thì lại đủ tiền cắt một thang Phục Dương cho Khoan.

    Kết quả thật khả quan. Trong khi con Hạch càng ngày càng lười công tác thì Khoan lại đủ sức để ‘nhảy’ mỗi tuần một lần. Dĩ nhiên, nhảy có chất lượng! Say sưa với hạnh phúc riêng, Côi không còn để ý tới con Hạch nữa. Nhưng có một người khác đang âm thầm theo dõi tình hình công tác của nó.

    Đó là mụ Hến, tân tổ trưởng tổ chăn nuôi. Mụ Hến không phải ai xa lạ mà chính là bà vợ của đồng chí chủ nhiệm hợp tác xã Sao Vàng kiêm bí thư chi bộ Xã. Trước kia, nhờ thế lực của chồng, mụ được làm tổ trưởng tổ phơi và cân đong. Lý do để mụ vận động nắm tổ này cho bằng được khá đơn giản: khi phơi thóc, mụ có thể bảo lũ con dẫn bầy gà con của nhà mình ra ăn thóc hợp tác xã, ai thấy thì lại giả vờ đuổi; còn khi cân đong thu mua gạo thóc, nông phẩm của xã viên, nhờ lanh tay 10 mụ ém còn 9, tới khi giao bán cho huyện, 9 mụ lại đẩy thành 10. Nhờ tẩu tán sản phẩm thặng dư, cộng với tiền ăn bẩn của chồng, mụ Hến có tiền xây nhà gạch hai tầng, và mới đây đã sắm cho đứa con gái lớn một chiếc xe Honda Dream.

    Thế nhưng mụ Hến không chỉ tham tiền mà còn hám danh. Sau khi thấy chị Mến, tổ trưởng chăn nuôi, nhờ thành tích của Côi và con Hạch mà được bình bầu làm ‘tổ trưởng xuất sắc’, được về Hà Nội thăm lăng Bác, được thiếu nhi thủ đô quàng vòng hoa, được báo Đảng đăng hình..., mụ Hến đã bắt chồng điều chị Mến đi nơi khác để đưa mình về coi tổ chăn nuôi.

    Thời gian chị Mến bàn giao công việc cho mụ Hến cũng là lúc Côi bắt đầu lấy hết tiêu chuẩn của con Hạch về cho Khoan bồi dưỡng và cắt thuốc cho chồng.

    Thấy từ ngày mình về nhận chức tổ trưởng, con Hạch càng ngày càng lười nhảy, mà có nhảy cũng không đạt chỉ tiêu, cũng hết chất lượng, mụ Hến đâm nghi Côi là tay chân của chị Mến, nay thấy chị bị thuyên chuyển nên cố tình phá thối để trả thù. Từ đó, mụ ngấm ngầm theo dõi hành tung của Côi.

    Mụ Hến xuất thân là một liên lạc viên của Việt Minh thời kháng Pháp. Năm lên 7 tuổi, Hến đã được biểu dương nhờ những thành tích như báo cáo bố đêm nằm ngủ thở dài vì sắp tới lượt đi ‘dân công’, báo cáo mẹ còn dấu cái nhẫn cưới bằng bạc không chịu giao nộp ủng hộ kháng chiến, tố cáo hàng xóm giết gà ăn rồi đổ tội cho chồn cáo, tố cáo cô giáo ‘hủ hóa’ với người yêu, v.v... Với những kinh nghiệm rình mò như thế, việc theo dõi hành tung của Côi đối với mụ Hến chẳng mấy khó khăn.

    Hôm ấy là Thứ Hai đầu tuần, ngày mà khi ra về ngoài hai quả trứng nhét trong ngực, Côi còn quấn quanh đùi ký đỗ. Kẻng tan việc vừa đánh ba tiếng, mụ Hến đã ra lệnh:

    - Mọi người ở lại cho tôi “làm việc”!

    Sau khi mọi người trong tổ đã tụ tập trước sân, mụ dõng dạc:

    - Đồng chí Côi bước ra khỏi hàng!

    Côi rụt rè tiến lên.

    - Đồng chí dấu những gì trong người, tự giác lấy ra cho mọi người xem nào!

    Côi xanh mặt, trong khi mọi cắp mắt đổ dồn về phía nàng, ai nấy đều thắc mắc ‘chẳng lẽ cả đến Côi cũng ăn cắp?’

    Thấy Côi im lặng cúi đầu, mụ Hến lên giọng:

    - Đồng chí không dám thú nhận hử? Vậy thì để tôi nói cho mọi người nghe nhé: các đồng chí có biết tại sao từ ngày tôi về đây làm tổ trưởng chăn nuôi, con Hạch lại không còn sức nhảy đực nữa hay không...? Dễ hiểu quá mà: đồng chí Côi đã lấy hết tiêu chuẩn trứng và đỗ chè của nó đem về bồi dưỡng cho chồng!

    Mọi người cùng ‘ồ’ lên kinh ngạc. Riêng mụ Hến, tới đây mụ đã để lộ toàn bộ cái bản chất tàn độc, dã man và cung cách thấp hèn của một kẻ vô học, theo Đảng từ khi mới nứt mắt:

    - ...Bồi dưỡng để công tác chẳng nói làm gì, đây bồi dưỡng chỉ để cùng nhau... hủ hóa. Quên! Tôi xin lỗi đồng chí Côi nhé, đã đăng ký lấy nhau thì tôi không được phép gọi là hủ hóa, mà phải gọi là... địt nhau!

    Từ lâu, bản thân mụ Hến đã không còn được hưởng một lần ân ái cho ra hồn. Mỗi khi bị mụ đòi hỏi mà không có cớ gì để thoái thác, chồng mụ - lão chủ nhiệm hợp tác xã Sao Vàng – đành phải thi hành bổn phận làm chồng một cách gượng ép, miễn cưỡng, qua quýt cho xong nợ chứ chẳng hứng thú gì. Điều đó mụ Hến thấy rất rõ: hai bàn tay lão không thèm đụng tới người mụ, mặt quay đi chỗ khác, đầu óc có lẽ đang nghĩ tới cái con đĩ bộ đội lẳng lơ ở văn phòng hợp tác xã...

    Thành thử mụ ghen cả với lạc thú của Côi, một cô gái xấu xí, bẩn thỉu mà theo mụ không có quyền hưởng một thứ gì trên cõi đời này cả... Mụ Hến như nổi cơn điên dại, mụ không còn nhớ mình đang đứng trước mặt đám đàn bà con gái. Mụ buột miệng phun ra những lời cực kỳ thô bỉ, trong lòng vô cùng hả hê vì được dịp nói bẩn:

    - Đồng chí có biết mỗi lần vợ chồng đồng chí địt nhau thì hợp tác xã bị thiệt hại mấy lứa lợn con không...? Tại sao đồng chí lại câm như hến thế? Những lúc địt nhau, đồng chí tru tréo ghê lắm kia mà... (mụ nhái giọng Côi) ... Giờ... ời ơi, bu... u ơi, sướng quá!... Giờ... ời ơi, Khoa... oan ơi, sướng quá...!

    Mọi người há hốc mồm, trợn tròn mắt, còn Côi thì tái mặt: vậy là mụ Hến đã rình rập cả những lúc nàng và Khoan làm chuyện vợ chồng. Côi muốn độn thổ!

    Rồi như thể đang đứng trước một kẻ thù truyền kiếp, mụ Hến xông tới trước mặt Côi, nắm cổ áo nàng giật mạnh: hai quả trứng gà văng khỏi ngực, rơi xuống nền đất vỡ nát. Mọi người còn đang sững sờ thì mụ đã cúi xuống nắm quần Côi kéo tụt xuống tận bắp chân:

    - Đấy, cả tổ làm chứng nhé, trứng dấu trong vú, đỗ dấu quanh bẹn nhé, không khéo còn nhét cả cá khô trong háng nữa đấy. Kinh tởm! Vậy mà cũng huân chương với lại chiến sĩ thi đua... Thi đua địt thì có!

    * * *

    Buổi họp toàn thể xã viên của hợp tác xã Sao Vàng để kiểm thảo Côi và Khoan được tổ chức vào 9 giờ đêm hôm đó. Khi mọi người đã hiện diện đông đủ, vẫn không thấy đôi vợ chồng khốn khổ xuất hiện. Lão chủ nhiệm sai người đi tìm. Một lát sau, Khoan được đưa tới. Lão chủ nhiệm hỏi:

    - Vợ đồng chí đâu?

    - Tôi cũng chẳng biết nữa. Từ lúc về nhà, cô ấy chỉ có khóc, sau đó lặng lẽ bỏ đi. Tôi đợi mãi cũng chẳng thấy về.

    Lão chủ nhiệm vội vàng ra lệnh đình hoãn buổi họp kiểm thảo. Chả là hồi chiều, lão đã dặn Đào, cô thủ kho, tối nay tới kho để tranh thủ “làm đêm”. Tuy nhiên, trước khi giải tán, mụ Hến cũng còn cố bắt toàn thể xã viên hiện diện nhất trí thông qua biện pháp xử lý kỷ luật do mụ đề nghị: cảnh cáo Khoan, loại Côi ra khỏi biên chế và chuyển sang tổ gánh phân.

    Ra khỏi phòng họp, lão chủ nhiệm nói với vợ:

    - Mẹ nó về trước nhé, tôi phải đi kiểm soát kho mới được. Thời buổi này, chẳng còn biết tin ai nữa!

    Mụ Hến đi rồi, lão quay sang tìm Đào:

    - Này đồng chí Đào, ta về kho làm việc.

    Vừa vào trong kho, lão chủ nhiệm đã vội vã cài then cửa lại, rồi một tay ôm eo, một tay bóp loạn xạ lên cặp vú căng tròn của Đào. Vừa bốc hốt, lão vừa lôi Đào về phía cái giường kê cạnh bồ lúa. Từ ngày được trao chức vụ thủ kho tới nay, Đào đã phải phục vụ con lợn lòng của lão chủ nhiệm không biết bao nhiêu lần, nhưng chưa bao giờ Đào thấy lão hùng hổ, ngấu nghiến như hôm nay. Cô nàng chống chế lấy lệ:

    - Nhè nhẹ thôi đồng chí, em đang có mang!

    Nghe Đào nói, lão chủ nhiệm sực nhớ tới việc Đào đã về làm vợ tay trung úy méo mồm từ mấy tháng nay. Cái ý tưởng được đè vợ người khác ra càng khiến thú tính trong người lão chủ nhiệm thêm phần hung bạo.

    Lão đẩy mạnh Đào xuống giường rồi chồm lên như một con hổ đói. Chưa bao giờ cái giường tre lại phải chịu đựng những cơn bão táp dồn dập, kinh hồn đến như vậy!

    * * *

    Sáng hôm sau, vừa chặt chân tới văn phòng, lão chủ nhiệm đã đi vội vào buồng trong, mở tủ lạnh lấy trứng gà tươi mút một hơi mấy quả. Trở ra, lão ra lệnh cho Liễu, cô thư ký riêng, làm cho mình một ly cam vắt. Lão ưỡn người trên ghế, hai chân gác lên bàn, đưa cặp mắt dâm đãng quan sát cô gái xinh đẹp nhất trong đám nữ bộ đội phục viên. Hình như từ ngày con bé lấy chồng, người nó trông mẩy hẳn ra...! Lão chủ nhiệm nghĩ thầm rồi bất giác nuốt nước bọt. Bỗng một tia sáng lóe ra trong đầu, lão gọi:

    - Này đồng chí Liễu!

    - Gì cơ ạ?

    - Đồng chí Đào có chửa rồi. Đã không biết thì thôi chứ biết ai lại nỡ để đồng chí ấy ở dưới cái kho bụi bặm ấy...! Hay là ta để đồng chí ấy lên đây lo giấy tờ còn đồng chí xuống coi kho nhé?

    Xưa nay, Liễu thừa biết Đào có tiền mua quần áo đẹp, sắm đồng hồ đeo tay hai cửa sổ... là nhờ được giữ chìa khóa kho. Nàng cũng thừa biết để đổi lại, Đào đã phải tỏ ra dễ dãi mỗi khi đồng chí chủ nhiệm đòi ủng hộ sinh lý. Sau hai năm ở trên văn phòng, Liễu đã hơi tởm đồng chí chủ nhiệm nồng nặc mùi hôi nách này. Tuy nhiên so với các thủ trưởng mà nàng được phân công làm hộ lý thời còn trong chiến khu, Liễu thấy đồng chí chủ nhiệm vẫn còn sạch sẽ, phong lưu chán. Hơn nữa, ở trên văn phòng đã chẳng sơ múi gì mà còn có nguy cơ có ngày bị mụ Hến nổi cơn ghen cho người tạt át-xít. Thôi thì mình cũng chẳng lành lặn gì, nhất là cũng đã lấy được chồng rồi, xuống làm thủ kho quách cho xong, vừa yên thân vừa có tiền! Lòng đã quyết, Liễu cười lẳng lơ, ỏn ẻn đáp:

    - Đồng chí chủ nhiệm bảo sao, em làm vậy ạ.

    Đúng lúc đó, bưu tín viên tới, đem vào một tờ báo Đảng. Lão chủ nhiệm vừa mới mở tờ báo ra, chưa kịp đọc đã thấy một xã viên hấp tấp chạy vào, hổn hển báo cáo:

    - Thưa đồng chí chủ nhiệm, đồng chí Côi tự tử... chết rồi!

    - Cứ thong thả xem nào, việc gì mà phải quýnh quáng lên thế...! Tự tử ở dâu?

    - Thưa, đồng chí ấy nhảy xuống giếng của tổ chăn nuôi ạ!

    Lão chủ nhiệm cau mày, chửi thề:

    - Mẹ kiếp, sao không đi chỗ khác mà chết cho khuất mắt! Nhảy xuống giếng chăn nuôi thì rồi đây còn ma nào dám mua lợn của mình nữa... Thôi, lo mà kéo xác nó lên rồi báo công an.

    Rồi như không còn quan tâm tới cái chết của cô xã viên từng đem lại vinh dự cho cả hợp tác xã Sao Vàng, lão chủ nhiệm bình thản ngồi xuống bàn đọc báo Đảng. Lướt qua trang nhất, lão bỗng buột miệng:

    - Mẹ, tay này can đảm thật, ăn thế mới gọi là ăn chứ!

    Liễu hỏi:

    - Tin gì thế đồng chí?

    - Tin thứ trưởng Bộ Năng Lượng bị cách chức vì tội ăn cắp hàng nghìn tấn thép, trị giá có đến cả nghìn lạng vàng. Báo nói thể nào cũng bị khai trừ khỏi Đảng.

    Cả nghìn lạng vàng! Lão chủ nhiệm thẫn thờ, rồi bất giác nhắc lại câu nói của mình ban nãy:

    - Mẹ, ăn như thế mới gọi là ăn, có bị khai trừ ông cũng đếch cần. Chặc! Làm lớn sướng thật, chứ ai như đám tép riu chúng mình, ăn cả đời chắc gì đã mua được cái ô-tô vài trăm lạng!

    * * *

    Đúng một tuần sau khi Côi nhảy xuống giếng tự tử chết, vào khoảng nửa đêm, dãy nhà dùng làm tổ chăn nuôi của hợp tác xã Sao Vàng bỗng dưng bốc cháy. Sáng ra kiểm điểm thiệt hại, mụ Hến thấy trong số lợn bị chết cháy có cả con Hạch. Gần đó là cái xác cong queo, cháy đen của Khoan. Không hiểu vì bị mù không kịp chạy, hay anh đã tự kết liễu đời mình?!


    Nguyễn Hoài Nam
    Xuân Tân Hợi - 1995

  • #2
    Đọc truyện của HT Nguyễn Hữu Thiên post lên phê quá ,cả những mặt trái tàn tệ xấu xa của cái xả hội tự gọi là Thiên đường XHCN phơi bày ra một cách trần trụi ,nhỏ nhen bần tiện mà vô cùng chính xác làm tôi nhớ lại quảng thời gian tù đày ngoài miền Bắc ,đã qua những địa danh Quỳnh Lưu ,một xứ đạo to lớn nổi tiếng chống Cộng rồi bị gán cho danh hiệu "Lá cờ đầu tiên tiến XHCN !!", qua Đô Lương vùng núi Nghệ Tỉnh( một vùng căn cứ rừng núi luyện voi của thời Hai Bà Trưng khởi Nghĩa ), rồi qua Nông Cống ,Sông Mực vùng giáp biên giới Lào-Việt tỉnh Thanh Hóa.
    Khi đoàn tù chúng tôi lao động ngoài Bắc ,lúc đầu người dân cũng e ngại hạn chế tiếp xúc vì bị tuyên truyền là hảm hiếp ,cắt vú đàn bà ,ăn gan con nít ,khát máu..!!.Nhưng chỉ một thời gian ngắn là dân đã hiểu ra khi tiếp xúc với anh em tù ,nói năng hòa nhả học thức ,dáng vẻ thanh tao ,cư xử lể độ ,họ thay đổi thái độ hoàn toàn ,nhất là các cô trong lực lượng thanh niên xung phong đang công tác phá rừng làm kinh tế. So sánh đám tù sỉ quan trẻ miền Nam với đám bộ đội đúng là một trời một vực ,các cô TNXP cự tuyệt đám cán bộ theo ve vản mà lại mở lòng theo đuổi mấy chàng tù cải tạo.Thời gian đó hầu như đám nhí tụi tôi ,ai cũng có một nàng cứ đi lao động là được chăm sóc bồi dưỡng ,còn về chuyện đó thì tôi không rành lắm mà chỉ thấy đôi lúc vào rừng đốn gổ chặt tre ,thỉnh thoãng cứ thấy mấy cặp quấn nhau xà nẹo trong bụi.Phần tôi hẩm hiu cũng có một cô TNXP đeo theo ,nhưng giống y như cô đồng chí Côi chăm sóc lợn hạch ,vừa mập vừa lùn ,vừa hô vừa lé..!! tội nghiệp cô nàng cứ đón đường khi thì miếng cá ,lúc vài củ khoai ,mớ rau mà tôi cũng chỉ táy máy được chút đỉnh thôi chớ không nên cơm nên cháo gì hết.Bây giờ nghỉ lại thấy tôi con người ta thật.

    Comment


    • #3
      ĐỌC THÊM:

      Về “Con Lợn Hạch”


      Dưới đây là tâm tình của tác giả Nguyễn Hoài Nam về nguyên nhân khiến ông viết truyện ngắn “Con Lợn Hạch”, mà đúng lý ra chúng tôi đã phải đăng trước khi giới thiệu truyện. Sở dĩ chúng tôi cố tình đăng sau là để đem lại cho độc giả chút ngạc nhiên thích thú khi được biết tác giả chính là một cựu sĩ quan QLVNCH, thuộc quân chủng Không Quân. NHT

      * * *

      Ý tưởng viết “Con Lợn Hạch” đã đến với tôi từ gần 20 năm trước, trong thời gian bị cộng sản bắt đi “học tập cải tạo”.

      Lúc đó là vào khoảng đầu năm 1977 tại trại cải tạo L2-T2 ở Đồng Ban, Tây Ninh.

      Đồng Ban là một vùng kinh tế mới chó ăn đá gà ăn muối, dân chúng đa số là Việt kiều mới hồi hương từ Căm-bốt. Trước năm 1975, khi còn ở bên xứ Chùa tháp, họ thuộc thành phần thân cộng, tự nguyện hoặc miễn cưỡng, hạt gạo cắn làm đôi để nuôi đám bộ đội sinh Bắc tử Nam trú đóng bên đó. Sau khi miền Nam được “hoàn toàn giải phóng”, họ hồ hởi phấn khởi trở về góp phần “xây dựng đất nước”.

      Nhưng chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, họ đã bị thất vọng ê chề. Chẳng những không được hưởng bất cứ đặc quyền đặc lợi nào mà còn bị tập trung vào một khu vực hoang vắng khô cằn đầy gò mối, mà dưới thời “Mỹ - Ngụy” chẳng có ma nào thèm tới khai thác.

      Đã bất mãn vì không có trường học, trạm xá (trạm y tế) hay bất cứ dịch vụ nào của nhà nước, lại còn bị nghe đám nón cối Bắc Kỳ 75 “lên lớp”, phét lác, hiếp đáp, dần dần họ đã nghiêng hẳn về phe tù cải tạo. Ngoài việc lén lút trao đổi, mua bán đường, thuốc rê thuốc lào, một số anh em còn được họ giúp đỡ, hay ít ra cũng làm ngơ, trong việc “trốn trại công khai”.

      Cũng nên biết ngày ấy ở Đồng Ban có hai hình thức trốn trại: âm thầm và công khai. Âm thầm là trốn vào khu rừng phía sau trại, từ đó ven theo đường mòn (do dân chúng chỉ dẫn) khoảng 15 cây số là tới biên giới Việt – Miên. Tuy nhiên theo kết quả tìm hiểu của chúng tôi sau này, tất cả mọi anh em trốn trại bằng đường rừng đều không có tin tức gì.

      Còn trốn trại công khai là trên đường đi chặt le, chặt tre, sau khi ra khỏi cổng trại tới khu nhà dân, đợi lúc mấy tay vệ binh không chú ý là lỉnh vào vườn mì, thay quần áo tù, rồi với cái “giấy phép đi đường” do gia đình đem lên khi thăm nuôi, ra đường lộ hiên ngang đón “xe than” (xe chạy bằng than củi) ra Trảng Bàng, từ đó ngồi xe đò về Sài Gòn. Ít nhất đã có một người bạn tù cùng đội với tôi thoát được bằng cách trốn trại công khai, sau này gặp lại nhau ở trại tỵ nạn.

      Sở dĩ tôi hơi dài dòng về thế thái nhân tình lúc ấy là để độc giả hiểu được tại sao tôi lại xem nữ nhân vật chính là người “phe ta”!

      * * *

      Như những anh em sĩ quan từng bị đi học tập cải tạo đều biết, thường thì trại nào cũng có một Tổ chăn nuôi có nhiệm vụ nuôi heo, đôi khi cả gà vịt, và một Tổ canh tác để trồng trọt các loại hoa màu “cao cấp”, để các cán bộ “bồi dưỡng” hoặc bán cho dân kiếm tiền đút túi.

      Vì thế, ngay sau khi chuyển trại từ Trảng Lớn tới Đồng Ban, T2 đã cho nuôi một bầy heo, trong đó có mấy chị heo nái. Vào một ngày đẹp trời, một trong số các chị... động đực.

      Phương thức, tiến trình giải quyết tình trạng heo nái động đực khỏi cần viết ra ai cũng biết: gọi một ông chủ heo nọc dắt heo tới để thỏa mãn nhu cầu tình dục của chị heo nái.

      Trước khi di cư vào Nam năm 1954, tôi đã có trí khôn, và còn nhớ rõ những người hành nghề “rong” như thợ nhuộm, hoạn lợn (thiến heo), dắt heo nọc đi “nhảy”... đều là các đấng mày râu. Chắc hẳn các “đồng chí” cựu trào cũng biết cựu Tổng Bí thư Đảng Đỗ Mười – tên cúng cơm là Nguyễn Duy Cống – xuất thân là một tay hoạn lợn ở ngoại thành Hà Nội.

      Với đám trẻ con chúng tôi ngày ấy, mấy ông thợ nhuộm chẳng có gì thu hút, riêng mấy ông hoạn lợn chúng tôi không dám mon men tới gần, còn mấy ông chủ heo nọc dắt heo tới “nhảy” thì chúng tôi bị người lớn đuổi đi khuất mắt!

      Xin được giải thích như sau:

      Khi còn bé thơ, trẻ con thường bị bố mẹ hù dọa bằng hình ảnh “ông Ba Bị 9 quai 12 con mắt chuyên bắt trẻ con”; tới khi bắt đầu có trí khôn, không tin có ông Ba Bị nữa, đám con trai ngỗ nghịch chúng tôi lại bị các ông bố cảnh cáo nếu không chịu “behave”, khi nào ông hoạn lợn tới làng, sẽ bắt đem tới nhờ ổng thiến “chim”. Mặc dù lúc ấy mới dăm tuổi ranh, chỉ biết chức năng duy nhất của “chim” là để... tè, lũ con trai chúng tôi cũng rất sợ bị thiến, cho nên mỗi khi nghe tiếng tiêu của ông hoạn lợn ngoài đầu ngõ, chúng tôi trốn biệt.

      [Các ông thợ nhuộm ngoài Bắc thường lắc một cái trống nhỏ để thông báo sự hiện diện của mình, còn các ông hoạn lợn thì thổi cái ống tiêu nhỏ bằng ngón tay, nghe từa tựa tiếng tiêu các thủy thủ thổi để đưa đón các vị hạm trưởng, hạm phó của hải quân. Thành thật xin lỗi anh em Hải Quân VNCH nếu như tiếng tiêu của anh em khác “tiếng tiêu Đỗ Mười”]

      Còn việc mấy ông chủ heo nọc dắt heo đi “nhảy”, đầu óc non nớt của chúng tôi nào đã hiểu “nhảy” là gì, chỉ biết khi mấy ổng dắt một con heo tới một nhà nào đó thì đám phụ nữ (có người bồng cả con thơ) tới bu quanh, chỉ trỏ nói cười, còn đám con nít bị đuổi ra thật xa. Sau này lớn lên mới biết con heo tới để “nhảy”, và đám trẻ con bị xua đuổi chỉ vì chưa tới tuổi được phép xem “phim cu-soong”!

      * * *

      Trở lại với trại cải tạo Đồng Ban năm 1977 và chị heo nái động đực.

      Sáng hôm ấy, thấy mọi người xôn xao, tôi bước ra sân tìm hiểu thì được biết có người dắt heo nọc tới để “nhảy” một chị heo nái nào đó. Mặc dù chẳng mấy hứng thú, tôi cũng theo các bạn tù xuống Tổ chăn nuôi ở cuối vườn để... dự khán. Tới nơi mới biết chủ con heo nọc này là một cô gái, cũng có thể là phụ nữ đã có chồng.

      Lần đầu tiên trong đời, tôi mới thấy một cô gái dắt heo nọc đi “nhảy”!

      Không biết các bạn tù của tôi nghĩ sao, riêng tôi cảm thấy bất nhẫn. Cô gái còn khá trẻ, nếu cô còn độc thân thì có lẽ cha đã già yếu hoặc qua đời, nhà không có anh em trai; trường hợp cô đã có chồng thì chắc người chồng phải đi lao động nặng, nhường “việc nhẹ” cho vợ.

      Xưa nay ông bà mình thường đề cao “công, dung, ngôn, hạnh” của phụ nữ Việt Nam, tới thời cộng sản, “công, dung, ngôn, hạnh” bị xem là tư tưởng của bọn phong kiến, của giai cấp thống trị, và được họ thay bằng “ba đảm đang”. Nhưng cho dù có đầu óc “tiến bộ” tới đâu, thấm nhuần tư tưởng “cách mạng” tới mức nào, cũng chẳng có ai nỡ đòi hỏi phụ nữ phải đảm đang tới mức... dắt heo nọc đi “nhảy”!

      Vậy mà việc ấy nay đã xảy ra.

      Tôi ái ngại nhìn cô gái. Có lẽ cô cũng biết mình “không giống ai” cho nên cố dấu mặt dưới chiếc nón lá. Khổ nỗi, mọi việc lại không diễn ra suôn sẻ. Chị lợn nái to lớn như bà Tòng Thị Phóng trong Trung ương Đảng CSVN, trong khi chú heo nọc lại có thước tấc rất khiêm nhượng cỡ lãnh tụ Trung Cộng Đặng Tiểu Bình. Chú cứ phóng lên rồi lại bị tuột xuống!...

      Trước cảnh bi hài này, tôi bỗng liên tưởng tới một anh bạn trẻ cao 1m60 mà bay Chinook!

      Nguyên sau cuộc tổng tấn công của Việt Cộng trong Tết Mậu Thân 1968, lệnh tổng động viên được ban hành, không ít chàng trai đã tình nguyện nộp đơn gia nhập Không Quân để trở thành pilot. Lúc đó Không Quân đang trên đà bành trướng, cần cả nghìn hoa tiêu trực thăng cho nên tiêu chuẩn về chiều cao tối thiểu đã được du di, có những anh chàng chỉ cao 1m60 cũng được nhận, trong số này có anh bạn trẻ nói trên. Ở trường bay bên Mỹ, anh bay rất cừ cho nên được ưu tiên chọn xuyên huấn Chinook để thành lập phi đoàn CH-47 đầu tiên của KQVN.

      Vẫn biết thời buổi hiện đại, thủy điều đã thay sức người, nhưng mỗi lần nhìn anh leo lên chiếc trực thăng khổng lồ, tôi lại động lòng... trắc ẩn!

      Viết tiếp về chuyện bi hài diễn ra ở Tổ chăn nuôi L2-T2 Đồng Ban ngày ấy, sau khi thấy chú heo nọc cố kiễng hai chân sau lên mà vẫn không thể tiếp cận “landing zone”, cô gái không còn lựa chọn nào khác hơn là nhảy vào chuồng để giúp thằng “đệ tử” của mình hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có việc kê hai chân sau và điều chỉnh “nòng súng” tác xạ cho trúng mục tiêu, bởi nếu nhảy không “đạt chất lượng”, coi như nhảy... chùa!

      Cũng xin có đôi dòng về cách trả thù lao cho heo nọc, hay viết một cách chính xác hơn, cho chủ heo nọc.

      Có hai cách: (1) tiền trao cháo múc, và (2) chia thành phẩm.

      Tiền trao cháo múc là “nhảy” lần nào lấy thù lao lần đó, không cần biết sau đó con lợn nái có “babies” hay không; còn chia thành phẩm là đợi tới sau khi heo nái đẻ con, chủ heo nọc sẽ tới chấm con heo con hồng hào khỏe mạnh nhất, đợi tới khi nó dứt sữa mẹ mới bắt về.

      Đại đa số trường hợp “nhảy” là tiền trao cháo múc, chỉ khi nào ở cùng làng thôn, biết nhau, tin nhau, người ta mới chia thành phẩm.

      Ở trại cải tạo Đồng Ban ngày ấy, cô gái chủ heo nọc và tay cán bộ hậu cần của T2 cũng áp dụng thể thức chia thành phẩm; nhưng không phải vì biết nhau, tin nhau, mà chỉ vì anh cán bộ không mấy tin tưởng vào khả năng, chất lượng “nhảy” của đám heo nọc thời xã hội chủ nghĩa – thời mà người còn không đủ ăn nói gì tới heo, cho dù heo nọc!

      * * *

      Trước cảnh cô gái phải nhảy vào chuồng để giúp con heo nọc hoàn thành nhiệm vụ, trong khi tay cán bộ hậu cần và đám vệ binh cười đùa, bình phẩm một cách sống sượng, anh em sĩ quan cải tạo không một ai hưởng ứng, lần lượt rút lui, trừ tay Tổ trưởng chăn nuôi...

      Mười tám năm sau tại hải ngoại, nhân dịp tết Tân Hợi 1995, tôi nhớ lại chuyện cũ, mượn ý để viết truyện ngắn hư cấu “Con Lợn Hạch”.

      Thật ra, chỉ có các nhân vật chính và con lợn hạch là hư cấu, còn mọi tình tiết - những bi hài, bất công, phi lý, xấu xa cùng cực dưới chế độ cộng sản Việt Nam - đều có thật ngoài đời, được gom góp, sắp xếp lại thành truyện. Có thể viết, ở một chừng mực nào đó, tôi chịu ảnh hưởng các nhà văn phản kháng trong nước sau 1975, như Nguyễn Xuân Thiệp, Trần Mạnh Hảo, Ma Văn Kháng, Nguyễn Minh Châu... – những người từng ở phía bên kia chiến tuyến mà tôi thán phục.

      Nguyễn Hoài Nam - 1996
      Last edited by Nguyen Huu Thien; 08-13-2018, 09:29 PM.

      Comment


      • #4
        Rất cám ơn Tác giả Nguyễn Hoài Nam cũng như HT Nguyen Huu Thien đã đăng bài này ,riêng tôi khi bị đưa ra Bắc có nhiều vụ việc xảy ra không như mình nghỉ ,nhất là về các anh chị TNXP lao động gần trại cải tạo ,lúc đầu là do hiếu kỳ ,nhưng càng về sau thì tình cảm của người dân ngoài Bắc cũng như số TNXP đối với anh em tù thay đổi rỏ rệt. Riêng chúng tôi lúc đầu không hiểu ,chỉ biết họ ( TNXP ) rất thoải mái vấn đề liên hệ nam nử ,nhưng sau này mới biết là họ có ý định đó thôi ,vì một phần để giải quyết nhu cầu ,nhưng cũng như con lợn hạch ,một số cũng mong có kết quả hủ hóa( mang ba lô ngược ) sẽ bị kỷ luật khai trử khỏi hàng ngủ , và bị ( hay được !! ) trả về địa phương ,thoát cảnh lao động nặng nhọc núi rừng.Tôi biết trong số đó có 2 cô khi bị kỷ luật lại không quay về địa phương mà tự làm lều giữa rừng ,tự mưu sinh rồi sinh con ,khi đoàn tù chuyển trại về trong Nam ,2 chị ẳm con đi theo ,lao động kiếm tiền nuôi con ,và tiếp tế thăm chàng trong tù ,cuối cùng cũng nên nghĩa vợ chồng ,cùng đi H.O qua Mỹ và nay con cũng tốt nghiệp đại học sống hạnh phúc ,qua đây các chi cũng xông xáo shop may nuôi chàng ngồi nhà dưỡng sức.

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X