Thông báo

Collapse
No announcement yet.

ông dật dờ -2 (*)

Collapse
X

ông dật dờ -2 (*)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • ông dật dờ -2 (*)

    ÔNG DẬT DỜ - 2 (*)

    Hôm nay, đang ngồi làm việc một mình trong văn phòng, bỗng phone tay của tôi rung lên từng hồi. Khẽ liếc nhìn mặt phone để xem ai gọi thì đó là một số phone lạ với số mã vùng/area code (818)…Ai thế nhỉ? Tôi bắt phone.

    - Hello!...
    - Cháu Diễm Nga phải không? Bác Trần Dật đây!

    Trời! ...Bác Trần Dật!
    "Ông Kẹ" của chị em chúng tôi thời thơ ấu Pleiku đây mà!

    Giọng nói chắc và khỏe của bác Trần Dật đã đưa tôi trở về vùng ký ức non nớt của một con bé 6 tuổi ở Pleiku năm nào.

    Bác Trần Dật - nhân vật chính trong bài viết đầu tay "Ông Dật Dờ" của cậu Võ Ý năm 1993 (Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo - trang 20) - chính là người bạn "nối...cánh" với bố tôi tại căn cứ Không Quân Pleiku vào những năm đầu thập niên 70. "Nối cánh" là vì cả bác lẫn bố tôi đều là dân "Không Quân - Không Bay!": bác Dật làm "Trưởng Phòng An Ninh Dưới Đất" (xin mở ngoặc nhỏ là mẹ tôi kể lại rằng bố tôi rất hay trêu bác ấy là " Trưởng Phòng An Ninh Dưới...chỗ khác!" ...he he...chết! chết! con cháu không nên lập lại lời đùa nhảm!) - còn bố tôi làm Trưởng Phòng Huấn Luyện.

    Thật ra thì tôi biết "Lý Lịch Dọc Ngang Của...Bác Trần Dật" phần lớn là nhờ đọc bài viết của cậu Võ Ý, chứ trong ký ức của "con bé Diễm ở Pleiku" (như cách gọi của vợ chồng chú Không Quân Nguyễn Hữu Thiện, hàng xóm cũ, hiện nay cô chú đang định cư tại Melbourne, Úc Châu) thì bác Trần Dật chỉ đơn giản là một "người bạn thân" của bố và gia đình, thân đến nỗi bác rất thường xuyên ghé thăm gia đình chúng tôi vào một khung giờ nhất định mỗi ban trưa.

    Trong ký ức của tôi, bác Dật có sắc diện của ngài “Bao Công" cùng với một bộ râu trên đen đậm đúng với phân nửa tiêu chuẩn Không Quân "Hào hoa dưới đất" (còn nửa vế sau kia là "Hào Hùng trên không"). Bác nói giọng "Huế chay" lại ăn nói vang như sấm rền cộng với tướng tá cao to nên chúng tôi "sợ" bác lắm, nhất là em Hạnh của tôi. Bố mẹ tôi biết vậy, nên dùng bác để làm "Ông Kẹ" dọa chị em chúng tôi mỗi khi chúng tôi trái tính trái nết không vâng lời. Mẹ bảo Hạnh rất ghét bị cắt móng tay. Thế nhưng cứ dọa “Bác Trần Dật đến kìa!" là Hạnh riu ríu xòe tay ngoan ngoãn nghe lời.

    Lúc ấy, bác Dật chỉ sống và làm việc ở Pleiku một mình những ngày trong tuần, bác gái và gia đình vẫn ở Nha Trang, mỗi cuối tuần, bác thường cười chào với bố mẹ tôi để "bay về thăm nhà, ...kiệm chụt chạo!" - thời ấy, tôi cứ ngây thơ nghĩ rằng bác Dật rất thích...ăn cháo!

    Bác Dật còn theo chân gia đình chúng tôi đến thăm gia đình bác Dự, chị gái của bố tôi (cũng sống ở Pleiku), ăn uống rất vui vẻ và hình như bác và bố tôi còn có một kỷ niệm "đùa với lửa" mà kết quả là bố tôi bị phỏng nhẹ ở chân, trong khi bác Dật thì hết hồn lo sợ cho phần "râu hùm hàm én" của bác ấy bị cháy sém!

    Phố núi cao phố núi đầy sương.
    Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
    ...
    Đi dăm phút đã về chốn cũ
    May mà có "NHAU", đời còn dễ thương!


    Bác Trần Dật đã đưa tôi trở về với phố núi Pleiku như vậy đấy! Ngày ấy, nhờ "có NHAU" (xin phép được cải lời nhạc chút xíu cho hợp với ngữ cảnh) mà chúng tôi cảm thấy ấm áp vô cùng ở một thành phố "quanh năm mùa đông".

    Ngoài bác Trần Dật, còn có vợ chồng cô chú Không Quân Nguyễn Hữu Thiện là hàng xóm rất thân thiết, có gia đình bác Nguyễn Văn Tiến (Bộ Thông Tin) mà bác gái Quỳnh Giao là ban học thời cắp sách của mẹ tôi nữa. Tôi đâu ngờ là cái duyên từ sự ngưỡng mộ tài viết lách của cậu Võ Ý đã vô hình chung trở thành một sợi dây thân thiết kết nối "Tình Pleiku" để cảm nhận khôn cùng câu hát "Đời còn dễ thương!"

    Và cũng chính từ "Tình Pleiku” của một thời "Xưa Trên Đó" (Thơ Võ Ý), cậu Ý đã dùng ngòi bút phóng khoáng và tài hoa của của mình để "vẽ" nên chân dung "Ông Dật Dờ” với những nét chi tiết rất "dạt dào", rất "dí dỏm" về những nghĩa cử tuyệt vời đối với anh em đồng đội còn kẹt lại nơi quê nhà qua hoạt động của nhóm "Không Gian Thân Tình" trong những năm 1988-1992.

    Có lẽ cậu không ngờ tới rằng những điều cậu viết như "Người Dật Dờ mặc áo thụng mầu da cam, ngồi trong phi thoàng, được phóng vào quỹ đạo văn học không gian..." (Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo/Võ Ý, 34), đã trở thành một lời...tiên đoán!

    Là vì sau cậu, chú KQ Nguyễn Hữu Thiện, cựu Sĩ Quan Báo Chí Căn Cứ Không Quân Pleiku (1970) cũng đã từng viết một bài viết ngắn mang tên "Cold Feet Never Die" trong đó có đoạn như sau:

    “Cuối cùng, để vinh danh ông Dật Dờ, xin phép đàn anh Võ Ý cho sửa lại câu số 3 trong bài "tứ tuyệt" của ngài như sau:

    Cold feet never die
    (Lạnh cẳng chết được sao)

    thành:

    Warm heart never die
    (Nhiệt tâm chết được sao)"
    ("Cold Feet Never Die"/Nguyễn Hữu Thiện 7/2016 @ Hội Quán Phi Dũng)

    ...và rồi đến ngày hôm nay, "con bé Diễm" ngày nào từng khiếp sợ bác Trần Dật như sợ..."Ông Kẹ" đã trưởng thành và hiểu được rằng "Ông Kẹ" cũng có thể trở thành..."Ông Bụt". Nó hiểu rằng đằng sau "sắc diện Bao Công" và giọng Huế mạnh mẽ rổn rảng của bác là một tấm lòng thẳng thắn, bộc trực, yêu điều "Thiện" và thích làm việc "Nghĩa".

    Bác Trần Dật và phu nhân yêu dấu của mình, bác gái Lê Ngô Ái Lan, đã thật sự "mặc áo thụng màu da cam" trở về quê hương để san sẻ và xoa dịu rất nhiều những số phận kém may mắn. Hai bác đã trở về thăm ngôi làng cũ Trúc Lâm tại Huế, trùng tu lại ngôi chùa làng hoang phế đổ nát. Hai bác đã xây dựng được "Diệu Viên Dưỡng Lão", mái ấm cho những người già tàn tật neo đơn tại thị xã Hương Thủy, Huế. Có thể nguồn kinh phí được gom góp từ rất nhiều tấm lòng, nhưng vẫn cần có những bàn tay, những đôi chân chuyên chở và thực hiện đến nơi đến chốn. Hai bác đã làm rất trọn vẹn!

    Người ta thường nói "áo gấm về làng", nhưng đối với hai bác thì có lẽ đây là một chuyến "áo...cà-sa về làng" thì đúng hơn, vì giờ đây người ta biết đến hai bác dưới cái tên của đạo hữu nhà Phật: "Chân Thiện" và "Diệu Hương".

    Bất giác, tôi nhớ đến một câu hát "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!"

    Tấm lòng đối với nguồn cội của "Ông Dật Dờ - Xưa Trên Đó" còn được thể hiện bằng một việc phải nói là..."Xưa nay hiếm!": Hai bác Dật đã đưa được đại gia đình gồm 26 người bao gồm con-cháu-dâu-rể thuộc ba thế hệ trở về quê hương để cùng thực hiện những điều tốt đẹp đã nêu trên, quả thật là ...kỳ tích!

    Nếu ngày xưa, người phi tiêu Bắc Đẩu Võ Ý sau khi ngậm ngùi chịu "thua đau", "thua đủ kiểu" đã uống ba hoàn huợt tràng mà mần nên bài thơ tặng Ông Dật Dờ như sau:

    "Ông Dật, là ông Dật Dờ
    Tưởng ông quỷ sứ, ai ngờ cốt tiên.
    Xa quê hương, bạn hiền ông nhớ,
    Nhớ như ông cũng đỡ bạn hiền,
    Có tình mà cũng có tiền,
    Em nâng chị ngã đỡ điên cái đầu
    Như thân chim trước sau liền cánh,
    Cõi không kia tổ ấm bay về,
    Dật Dờ nay đã hết chê,
    Mừng ông tôi cũng hả hê tấc lòng"


    Thì ngày nay, cũng có Ni Cô Thích Nữ Như Minh tại Huế đã hạ bút mừng người đạo hữu như thế này:

    Trần-Lê thật đủ duyên lành
    Diệu Hương - Chân Thiện Pháp danh thầy truyền
    Quang-Minh-Chính-Đại hoà hiền*
    Ái Trang, Thuỳ, Mỵ dưới trên thuận hoà*
    Trúc Lâm đích tôn nhà ta
    Con cháu, dâu rể thật là dễ thương
    Thường ưa bố thí cúng dường
    Việt Nam quê mẹ thân thương lối về
    Tấm lòng gửi gắm hương quê
    Diệu Viên Dưỡng Lão vẹn bề nghĩa nhân

    Nguyện cầu Tam bảo chứng minh
    Trần-Lê con cháu hiển vinh đời đời


    (*) Quang-Minh-Chính-Đại là tên bốn người con trai của bác Trần Dật.
    "Ái Trang - Thùy, Mỵ" cũng là tên của ba người con gái của bác ấy. Tổng cộng bảy người con cả thảy và "Trúc Lâm" là tên cháu đích tôn.

    Một lần nữa, tài "tiên đoán" của cậu Võ Ý lại trúng...hết chỗ chê! "Dat Do gets medailles"
    Vì sau gần nửa thế kỷ, "Ông Dật Dờ" vẫn tiếp tục lãnh "Mề-đay" bởi những kỳ tích "Xưa nay hiếm" đáng được ghi vào sách kỷ lục Guinness.

    ...Viết đến đây, bỗng dưng tôi cũng rất muốn "noi gương" chú Không Quân Nguyễn Hữu Thiện để mạo muội xin cậu Võ Ý cho phép được gắn thêm một câu nữa vào bài "cổ thi" bất hủ của cậu năm nào. Đây là bản chính từ gần nửa thế kỷ trước tại Pleiku:

    Long legs never tired
    Cold feet never die
    Dat Do gets médaille
    (tiếng Pháp phát âm là “mề-đay”)

    Diễn nôm:

    Trường túc bất chi lao
    Lạnh cẳng chết được sao
    Dật Dờ hưởng công lao


    Và sau đây có thể sẽ là "phiên bản hải ngoại" nếu như được sự chấp thuận

    Long legs never tired
    Warm heart never die
    (*Chú Không Quân Nguyễn Hữu Thiện)
    Dat Do gets médaille
    Always got admired!
    (*Con bé Diễm Pleiku)

    Diễn nôm:

    Trường túc bất chi lao
    Nhiệt tâm chết được sao!
    (*Chú Không Quân Nguyễn Hữu Thiện)
    Dật Dờ hưởng công lao
    Ngưỡng mộ “Ông”…dạt dào!
    (*Con bé Diễm Pleiku)

    Nguyễn Diễm Nga - 8/01/2018
    Con gái của Cố Thiếu Tá Nguyễn Tiến Đức - Trưởng Phòng Huấn Luyện Pleiku (1970-1972)

    -----------------------------------------
    (*) Viết hoạ theo nguyên bản"Ông Dật Dờ" (Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo/Võ Ý, 1993- trang 20)





    Hình ngoài cùng bên trái: KQ Trần Dật (tức ông Dật Dờ) và Hình ngoài bên phải: KQ Nguyễn Tiến Đức (bố con bé Diễm Pleiku)

  • #2
    Mong Kỷ Lục Guiness
    Mong ông Dật Dờ sớm được vinh danh trong sách kỷ lục Guiness (về thành tích đưa 26 người thuộc 3 thế hệ người Mỹ gốc Việt về quê thắp hương lên bàn thờ họ tộc Trần Lê), là cậu cháu mình (và chú báo chí Pleiku ngày xưa Nguyễn Hữu Thiện nữa) thế nào cũng có một bửa nhậu ra hồn.
    Chúc mừng ông Dật Dờ!
    KQ Cù Hanh

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X