Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Lữ Đoàn 258 – Chiến thắng Quảng Trị tháng 4, 1972

Collapse
X

Lữ Đoàn 258 – Chiến thắng Quảng Trị tháng 4, 1972

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Lữ Đoàn 258 – Chiến thắng Quảng Trị tháng 4, 1972

    Lữ Đoàn 258 – Chiến thắng Quảng Trị tháng 4, 1972
    MX Ngô Văn Định



    LTG: Đã trên 30 năm trôi qua, nay tôi viết về cuộc Hành Quân (HQ) Sóng Thần 4/72 của LĐ/258/TQLC tại vùng địa đầu giới tuyến. Biên lại những diễn biến đã xẩy ra, tất cả không ngoài mục đích mang lại sự trung thực và chính xác của trận đánh và cũng để bổ túc cho cuốn Chiến Sử TQLC có thể được tái bản trong tương lai.

    Đã có nhiều bài báo trước đây được viết có liên quan ít nhiều đến trận này, phía Việt Nam có bài “Thần Ưng xé xác xe tăng Địch” của Đại Tá Phạm Văn Chung Tham Mưu Trưởng Hành Quân của SĐ/TQLC. Bài “Cộng sản Bắc Việt xâm lăng” của Trung Tá Trần Văn Hiển, Trưởng Phòng 3/TQLC. Ông Hoàng Xuân Trường viết “Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam trong mùa hè đỏ lửa 1972” dịch từng phần trong cuốn “The Easter Offensive” của Trung Tá Turley, được đăng trong tờ nhật báo Thời Báo phát hành ngày 19-6-1993 tại San José.

    Về phía Mỹ, Trung Tá G.H. Turley, TQLC Hoa Kỳ Cố Vấn Phó Sư Đoàn TQLC. Khi về Mỹ được thăng cấp Đại Tá, về hưu giữ chức vụ Deputy Assistant Secretary of Defense (Reserve Affairs). Tháng 4 năm 1972, nhân dịp từ Sài-Gòn ra Quảng Trị để thăm viếng các Cố Vấn tại tiền tuyến, Ông bị giới chức Mỹ chỉ định tạm thời làm Cố Vấn cho Sư Đoàn 3 Bộ Binh. Ông có viết một cuốn sách tựa là “The Easter Offensive (The Last American Advisors Vietnam, 1972)” xuất bản năm 1985.

    Đại Úy John Ripley Cố Vấn Trưởng TĐ3/TQLC viết cuốn “The Bridge at Đông Hà” xuất bản năm 1989 và tái bản năm 1990.


    Tình hình tổng quát

    Lợi dụng khi Quân Đội Hoa Kỳ đã rút quân ra khỏi Nam Việt Nam và Tổng Thống Hoa Kỳ Richard M. Nixon tuyên bố Việt Nam hóa chiến tranh. Ngày 29-3-1972, Bắc Việt khai diễn một chiến dịch quy mô vào lãnh thổ VNCH, lấy tên là chiến dịch Nguyễn Huệ. Ba hướng tấn công chính:

    .Thứ nhất - vượt sông Bến Hải, xử dụng một lực lượng hùng hậu đánh chiếm các căn cứ hỏa lực của ta tại phía Nam vùng Phi Quân Sự. Xong tiến chiếm Tỉnh Quảng Trị.

    .Thứ hai - dùng đất Cam-Bốt để từ đó đánh vào Bình Long, An Lộc.

    .Thứ ba - đánh vào Kontum.



    Đây tôi chỉ xin đề cập tới hướng Thứ nhất đánh vào Quảng Trị. Riêng tại vùng giới tuyến, hai Sư Đoàn 304, 308, 4 Trung Đoàn biệt lập là 126 đặc công, 31, 246 và 270 thuộc Mặt Trận B5, với sự yểm trợ của khoảng 200 chiến xa thuộc Trung Đoàn 203 và 204 xe tăng, tăng cường 3 Trung Đoàn pháo 38, 68 và Trung Đoàn 84 hỏa tiễn địa không. Với quân số khoảng 30,000 ngàn, đã công khai vượt vùng Phi Quân Sự (DMZ) đánh chiếm các căn cứ của ta tại phía Bắc Tỉnh Quảng Trị. Dùng pháo binh và hỏa tiễn để tiến chiếm các căn cứ hỏa lực của ta ở vùng giới tuyến. Chỉ trong 4 ngày đầu tháng 4, 11 căn cứ hỏa lực đã lọt vào tay địch. 36 khẩu Đại Bác 105 ly, 18 Đại Bác 155 ly và 4 khẩu Đại Bác 175 ly mà các đơn vị đã bỏ lại phía sau khi đơn vị rút khởi các căn cứ. Trung Đoàn 56 BB, thuộc Sư Đoàn 3 do Trung Tá Phạm Văn Đính, Trung Đoàn Trưởng đã kéo cờ trắng đầu hàng Cộng sản hồi 14 giờ 30 ngày 2 tháng 4 năm 1972, trong đó có pháo đội B/105 ly thuộc TĐ1/PB/TQLC được BCH/LĐ/147 tăng phái cho Trung Đoàn 56 theo lệnh của BTL/SĐ3/BB. Pháo Đội Truởng là Đại Úy Nguyễn Văn Tâm cùng anh em bị ép buộc phải đầu hàng, Đại Úy Tâm bị bắt làm tù binh. Ngày 23 tháng 4 năm 1972, đài phát thanh Hà Nội đã đọc lời của Trung Tá Phạm Văn Đính tuyên bố về lý do ông đầu hàng. Ông nêu lý do vì tất cả các đơn vị bạn thuộc SĐ3 đã rút về nơi an toàn, để Trung Đoàn 56 phải đơn độc chiến đấu dưới áp lực nặng nề của quân đội Giải Phóng xung quanh căn cứ Tân-Lâm (Carrol), và cũng để tránh thiệt hại nhiều về sinh mạng cho đơn vị ông. Đồng thời kêu gọi các đơn vị khác trong quân đội VNCH cũng nên làm như ông.

    Sự việc trên xẩy ra, tuy quan trọng nhưng tôi nhận thấy không có ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của toàn thể các đơn vị TQLC. Riêng về phía Cố Vấn Mỹ thì họ tỏ ra lo sợ, và nao núng hoang mang. Nhất là khi họ thấy các Cố Vấn của Trung Đoàn 56 cho họ biết tình hình rất là bi đát ở Carrol, rất may được trực thăng xuống cứu, trong khi quân BV ở dưới bắn lên từ mọi phía, trực thăng bị trúng đạn nhưng bay đến khu vực tương đối an ninh trên QL1 và được một trực thăng khác tiếp cứu đưa về đến Quảng Trị.

    Trận cầu Đông Hà

    BCH/LĐ/258 và TĐ3 đóng tại căn cứ Nancy, cách Thị Xã Quảng Trị 10 cây số về phía Nam. Ngày 29-3-72, BCH/LĐ gửi điện văn cho TĐ3 di chuyển từ căn cứ Nancy lên Đông Hà đêm 29-3-72. Khi tới Đông Hà sẽ trách nhiệm giữ an ninh Quốc Lộ 9 từ Đông Hà tới Cam Lộ kể từ sáng 30-3-72.

    Ngày 1-4/72, BCH/LĐ cũng dời Nancy để lên Ái Tử. Thời gian này các đơn vị dưới quyền chỉ huy hành quân của Lữ Đoàn 258 gồm:

    .TĐ1 Quái Điểu - Thiếu Tá Nguyễn Đằng Tống TĐT, làm thành phần trừ bị cho Lữ Đoàn đóng gần căn cứ Ái Tử. TÐ1 đã tăng phái cho BTL/SÐ3 từ trước khi BCH/LÐ258 tới Ái Tử.

    .TĐ3 Sói Biển - Thiếu Tá Lê Bá Bình TĐT, trách nhiệm vùng Đông Hà.

    .TĐ6 Thần Ưng - Thiếu Tá Đỗ Hữu Tùng TĐT, trách nhiệm phòng thủ căn cứ Ái Tử, nơi đặt BTL/SĐ3 BB trước ngày 1 tháng 4.

    .TĐ3/PB Nỏ Thần - Thiếu Tá Trần Thiện Hiệu TĐT, yểm trợ hỏa lực của pháo binh cho các Tiểu Đoàn.

    Những ngày đầu tháng 4, cộng quân đã chiếm được 11 căn cứ hỏa lực ở phía Bắc gần vùng Phi Quân Sự (DMZ) Trong khi đó cầu Đông Hà do một đơn vị thuộc SĐ3 trách nhiệm đã tự động rút khi họ nghe BTL/SĐ3 rút về Cổ Thành, không có một đơn vị nào trấn giữ.

    Tiểu Đoàn 3 vừa mới từ căn cứ Nancy tới Đông Hà buổi sáng ngày 30-3-72. Trong đêm 1 rạng 2 tháng 4, các đơn vị thuộc Trung Đoàn 57 di tản khỏi căn cứ ở phía Bắc theo QL1 để trở về phía Đông Hà bị VC đuổi theo, tình trạng rất hỗn loạn ở khu vực này, vừa lính vừa dân, còn có VC giả dạng ăn mặc quân phục Bộ Binh VNCH trà trộn. TĐ3 có 2 Đại Đội giữ phía Nam cầu Đông Hà. Phía Bắc cầu chỉ để một thành phần nhỏ để theo dõi và quan sát địch ở phía Bắc di chuyển xuống, còn 2 ĐĐ thì tăng phái cho Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh. Cũng trong ngày 2-4-72, khi 2 ĐĐ thuộc TĐ3 ở khu cầu Đông Hà quan sát thấy một đoàn quân xa chở BB địch cùng một số chiến xa hơn 20 chiếc, dẫn đầu đoàn quân là 1 chiếc T54 và 1 chiếc PT76. Vừa tớì đầu cầu thì chiếc T54 bị trúng đạn M72 CCX của TĐ3, không tiếp tục chạy được, chiếc PT76 định vượt qua phía trái chiếc T54 để mở đường cho đoàn xe sau, nhưng chiếc PT76 cũng bị các Sói Biển bắn hư hại nằm song song với chiếc T54 ở trên đầu cầu. Do đó tất cả đoàn xe chở Bộ Binh và đoàn chiến xa phải ngưng lại, có lẽ chúng nghĩ rằng lực lượng của ta ở phía Nam cầu chắc là rất mạnh nên chúng lui dần và tản sang 2 bên đường. TĐ3 yêu cầu pháo binh của LĐ, Hải Pháo và các Phi Tuần Phản Lực thay phiên nhau đánh vào đoàn xe, khói lửa mịt mù, không bao lâu lực lượng địch bị tan rã, nhiều chiến xa bị phá hủy, một số rút về hướng Bắc hoặc chạy trốn vào các khu làng mạc lân cận. Lực lượng Bộ Binh địch bị tổn thất rất nặng nề, đa số đã bị Không Quân, Pháo Binh, Hải Pháo tiêu diệt trên đoạn đường này. TĐ3 và Thiết Đoàn 20 được sự yểm trợ hữu hiệu của Hải Pháo cùng TĐ3/PB nên đã chặn đứng được đơn vị của VC cấp Sư Đoàn phối hợp với chiến xa có ý định vượt qua cầu Đông Hà để tiến về Quảng Trị. Sau đó cầu đã được phá sập do sự cố gắng vượt bực của Đại Úy Ripley và anh em Sói Biển. Đúng ra là SĐ3/BB có cử 1 đơn vị Công Binh SĐ cùng với thuốc nổ để phá cầu Đông Hà, đơn vị Công Binh này có cả Cố Vấn Mỹ đi theo, nhưng họ không hoàn tất việc phá cầu, may cho TĐ3 là họ bỏ đi về phía sau nhưng đã để một số thuốc nổ TNT và ngồi nổ, nên TĐ3 và Cố Vấn Mỹ TĐ đã đi thu lượm lại để có được số chất nổ đủ dùng cho việc phá sập cầu. Phía bờ Bắc cầu là cộng quân, còn phía Nam là TĐ3 và Thiết Đoàn 20 Kỵ Binh do Trung Tá Trần Quang Lý chỉ huy tổng quát.



    Hàng ngày chúng pháo vào khu vực Đông Hà cả ngàn quả 130 ly, ngày này qua ngày khác, ta tổn thất nhiều vì pháo. TĐ3 sau 7 ngày quần thảo với lực lượng hùng hậu của quân Bắc Việt có đơn vị chiến xa tùng thiết ở khu vực phía Bắc của cầu Đông Hà. Quân số đã bị hao hụt nhiều, mặc dù có nhiều anh em bị thương nhẹ nhưng vẫn ở lại chiến đấu. Thật là khó mà có thể ước đoán được rằng TĐ3 lại có thể ngăn chặn được sự tiến quân của 1 Sư Ðoàn quân Bắc việt và các đơn vị chiến xa của chúng, tuy bên ta có được sự yểm trợ của Không Quân, Pháo Binh và Hải Pháo. Quân Bắc Việt định vượt tuyến Đông Hà xuống Nam.

    Đặc biệt là trong trận này, TĐ3 đã tịch thu được 2 dàn hỏa tiễn địa địa AT-3 của Cộng Sản do Liên Sô chế tạo.

    Sói Biển đã dùng Pháo Binh 105 ly bắn trực xạ ( khẩu 105 ly này mà TĐ3 có là do một đơn vị BB rút về hướng Nam bỏ lại) và may mắn là có người biết xử dụng. Các chiến xa M48, súng CCX M72, Sói Biển đã bắn hạ nhiều chiến xa. Đêm 2-4-72, VC chuyển hướng, một đoàn chiến xa khoảng 20 chiếc di chuyển về hướng Cam Lộ, Hải Pháo đã được gọi can thiệp, mới loạt đạn đầu đã có 2 chiến xa bị bốc cháy, sau khi Hải Pháo chấm dứt, B52 với hơn 250 qủa bom đã được trút xuống mục tiêu, tiếng động cơ của xe tăng không còn nghe thấy nữa, chỉ còn những tiếng rên la mà thôi. Đó cũng là lý do mà tình hình ở Đông Hà trở nên yên tĩnh vào ngày 3 và những ngày kế tiếp.

    Tình hình trong những ngày đầu của tháng 4 năm 72 rất là sôi động tại vùng Hỏa Tuyến, nhiều cuộc tấn công và pháo kích ác liệt đã xảy ra tại vùng hoạt động của Lữ Đoàn 147/TQLC do Trung Tá Nguyễn Năng Bảo làm Lữ Đoàn Trưởng. Bộ chỉ huy LĐ đặt tại căn cứ hỏa lực Mai Lộc thuộc Quận Hương Hóa, Tỉnh Quảng Trị, về phía Tây và Tây Bắc gồm các căn cứ Bá Hộ, Holcomb, Sarge. Các căn cứ này nằm trên những cao địa có thể quan sát được tất cả các hoạt động của địch ở phía Tây từ Khe Sanh theo Quốc Lộ số 9 di chuyển về Cam Lộ và Đông Hà. Chịu áp lực của 2 Sư Đoàn chính quy 304 và 308, các đơn vị Pháo, Phòng Không và Chiến Xa. Ngày 1-4-72, 7 căn cứ hoả lực thuộc Sư Đoàn 3 BB ở phía Bắc Cam Lộ đã lọt vào tay địch, trong khi đó thì căn cứ Carroll do Trung Đoàn 56 BB thuộc Sư Đoàn 3 BB chiếm đóng (Carroll là tên của một Đại Úy TQLC Hoa Kỳ J.J. Carroll tử trận năm 1966). Trung đoàn Trưởng là Trung Tá Phạm Văn Đính đã đầu hàng Cộng sản hồi 14g30 ngày 2-4-72.

    Lữ Đoàn 147/TQLC rút quân ra khỏi vùng trách nhiệm

    Ngày 4-4-72, BTL/SĐ3 thấy rằng LĐ-147 dưới áp lực quá nặng nề nên Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai, Tư Lệnh Sư Đoàn 3 BB quyết định rút các đơn vị ra khỏi Mai Lộc và các căn cứ thuộc phần trách nhiệm của Lữ Đoàn 147/TQLC.

    Cuộc rút có kế hoạch tỷ mỷ nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn vì những trận đánh lẻ tẻ trên đường rút quân, ngoài ra VC còn cho những toán tiền sát len lỏi vào phía Nam để hướng dẫn Pháo Binh của chúng, gây trở ngại rất nhiều cho Lữ Đoàn 147 khi rút quân. Lữ Đoàn 147 gồm các Tiểu Đoàn 4, 7 và 8 đã về đến Quảng Trị chiều ngày 5-4-72, tương đối khó khăn nhưng cũng hoàn tất. Tinh thần của các Tiểu Đoàn vẫn rất cao, chỉ cần nghỉ dưỡng ít ngày và có tiếp tế đạn dược, lương thực thì các Tiểu Đoàn có thể trở lại chiến trường ngay.

    Di chuyển BTL/SĐ3/BB và BCH/LĐ/258/TQLC

    Ngày 1 tháng 4, BTL/SĐ3 BB quyết định rời BTL về Cổ Thành Quảng Trị cách Ái Tử khoảng 5 cây số để khỏi nằm trong tầm pháo 130 ly của địch, hàng ngày pháo không lúc nào ngưng vào khu vực Ái Tử và Đông Hà. Cũng trong ngày, Lữ Đoàn 258 được lệnh di chuyển từ căn cứ hỏa lực Nancy ở phía Nam Quảng Trị lên Ái Tử để thay thế vào nơi BTL/SĐ3/BB rời đi. Mới tới chân ướt chân ráo, BCH/LĐ đã được dàn chào hơn một ngàn quả đại bác 130 ly chứ không phải 21 phát súng như chúng ta thường thấy. Xe cộ cháy, mùi cao su, mùi xăng, khói lửa mịt mù trong vùng Ái Tử, tất cả những gì trên mặt đất đều bị đổ nát, người chết chỗ này, bị thương chỗ kia, tất cả các Antenne truyền tin trên nóc Trung Tâm Hành Quân (TTHQ) đều bị gẫy đổ. TTHQ tuy bị trúng pháo rất nhiều, nhưng vì quá kiên cố nên những thành phần ở trong được an toàn, TTHQ chiều cao khoảng 15 mét, rất kiên cố, trên nóc là những lớp bao cát dầy chừng 8 mét, có thể chịu được nếu bị trúng bom thường, nhưng nếu trúng bom B52 thì cũng bị san bằng.

    Trong TTHQ chật ních người, những người đi chưa hết, rồi lại người thuộc Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn (BCH/LĐ) mới tới. Tổng cộng khoảng gần 200 người, trong đó có trên 20 Cố Vấn Mỹ của SĐ3/BB và của TQLC, một toán Cố Vấn về Hải Pháo, một toán Không Quân chiến thuật, một toán Không Quân chiến lược... Cường độ pháo kích giảm và thưa dần chỉ còn mỗi phút 1 vài quả, nhân viên BTL/SĐ3 cùng các Cố Vấn đã rời khỏi căn cứ Ái Tử để về Cổ Thành Quảng Trị nơi đặt BTL mới của SĐ3 BB. Tuy nhiên các Cố Vấn về Hải Pháo, Không Quân chiến thuật và chiến lược vẫn còn đặt cạnh BCH/LĐ/258 để yểm trợ cho 2 Lữ Đoàn TQLC.

    Vừa tới nơi, việc đầu tiên là tôi họp với Lữ Đoàn Phó Trung Tá Đỗ Đình Vượng và các sĩ quan Tham Mưu của Lữ Đoàn:

    - Trung Úy Bùi Cáng - Trưởng Ban 1
    - Thiếu Tá Nguyễn Văn Châu - Trưởng Ban 2.
    - Trung Úy Nguyễn Sỹ Toàn - Quân Báo
    - Thiếu Tá Huỳnh Văn Lượm - Trưởng Ban 3, Đại Úy Mai Văn Tấn phụ tá Ban 3
    - Thiếu tá Quách Ngọc Lâm - Trưởng Ban 4, vì lý do gia đình nên Thiếu Tá Lâm được Trung Tướng Tư Lệnh cho rời Lữ Đoàn 1 tháng, Đại Úy Cao Quang Đô thuộc BTL/SĐ/P4 biệt phái tới tạm thời làm Trưởng Ban 4.
    - Thiếu Úy Ngô Văn Năm - Trưởng Ban 5
    - Thiếu Úy Vũ Văn Nhân - Sĩ Quan Truyền Tin
    - Thiếu Tá Trần Thiện Hiệu TĐT/TĐ3/PB/TQLC



    cùng tất cả các Cố Vấn Mỹ để mọi người trong phạm vi trách nhiệm của mình nắm vững tình hình mới nhất. Về phần Cố Vấn Mỹ:

    - Thiếu Tá Jon Easley - Cố Vấn LĐ/258
    - Thiếu Tá David Brookbank - Cố Vấn Không Trợ, ông này là cựu Phi Công oanh tạc cơ B52
    - Thiếu Tá James Parrish - Pháo Binh 155 ly
    - Trung úy Joel Eisentein - Hải Pháo
    - Thiếu Tá J.F. Neary - đặc trách về Truyền Tin liên lạc trực tiếp với Đà Nẵng.

    Các Cố vấn trình bày cho biết: “Hiện có 4 Tuần dương hạm ở ngoài khơi Cửa Việt, 5 chiếc Khu trục hạm đang trên đường đến hải phận phía Cửa Việt để yểm trợ các đơn vị. Về Không quân chiến thuật thì một số phi cơ F4 của TQLC Hoa Kỳ tại Nhật Bản được lệnh trở lại Việt Nam”. Đến ngày 7-4-72 thì khoảng 20 phi cơ đã có mặt ở Đà Nẵng và sẳn sàng yểm trợ. Vào ngày 9-4-72, các phi vụ B52 cũng được tăng cường để đánh phá vào các mục tiêu là các căn cứ của ta bị mất vào tay địch ở vùng phi quân sự (DMZ) và xung quanh Tỉnh Quảng Trị. Chỉ trong tháng 4, số phi cơ B52 đồn trú tại Guam và Thái Lan để yểm trợ cho Việt Nam đã lên tới con số 138 chiếc, 85 chiếc đồn trú tại Guam, 53 chiếc tại Thái Lan. Trong tháng 4 đã có 200 phi vụ thả bom xuống Nam Việt Nam.

    Giờ phút nghẹt thở chờ B52 trút xuống ...

    Sau khi BTL/SĐ3/BB rút đi thì Cố Vấn của SĐ3 BB báo về cấp trên ở Sài-Gòn là họ đã di chuyển khỏi Ái Tử để về Cổ Thành, nhưng lại không nói là có Lữ Đoàn 258 TQLC/VN đến thay thế, và cũng không báo là ở Ái Tử còn số đông Cố Vấn. Phái đoàn Quân sự Mỹ ở Sài-Gòn nghĩ rằng không còn đơn vị nào ở Ái Tử nên họ có chương trình đánh B52 vào Ái Tử đêm 3-4-72 để phá căn cứ này không để các quân dụng còn bỏ lại lọt vào tay Việt Cộng. Hồi 02g40 ngày 3-4-72, tôi được phía Cố Vấn báo là mới nhận được tin là sẽ có phi vụ B52 đánh xuống Ái Tử trong vòng 30 phút nữa. Lúc này Phi Cơ B52 đã cất cánh đang trên đường đến Quảng Trị. Tất cả mọi người đều vô cùng hốt hoảng, phía Cố Vấn vì biết nhiều nên họ còn lo sợ hơn phía mình, mình điếc không sợ súng nên những anh em nào không có bổn phận gì thì vẫn ngủ ngon lành. Các Cố Vấn tìm hết mọi cách liên lạc để phi vụ được hủy bỏ nhưng không liên lạc được. May nhờ có ông Thiếu Tá David Brookbank Cố Vấn cho Lữ Đoàn về Không trợ, ông này là cựu phi công B52, nên ông ta còn nhớ những codes đặc biệt. Th/Tá David Brookbank gọi mãi gọi hoài mà cũng chẳng được tín hiệu trả lời, mà giờ bom rơi xuống mục tiêu thì cũng chẳng còn bao lâu nữa, ông ta lại còn phải kê cả tên vợ, tên con và địa chỉ ở Hoa Kỳ, để tránh trường hợp cơ quan có thẩm quyền nghĩ rằng đó là VC dùng tù binh Mỹ để gửi tín hiệu giả mạo. May mắn tín hiệu ông đánh đi và BCH Không Quân chiến lược nhận được và kiểm chứng nên phi vụ đánh vào Ái Tử được rời đi mục tiêu khác. Tuy nhiên Cố Vấn Không Trợ có nói với tôi là tính kể từ giờ phút bom dự trù được thả đếm ngược từ 30 trở lại, nếu đếm đến 0 mà không thấy gì thì mới chắc chắn là được an toàn. Đêm ở đây lạnh mà mồ hôi người nào cũng ra như tắm. Nếu không có ông Brookbank thì giờ này người viết chuyện này cùng tất cả các anh em thuộc Lữ Đoàn 258, TĐ1, TĐ6, TĐ3/PB và các đơn vị tăng phái cũng đã làm phân bón cho cỏ ở Ái Tử được xanh tươi rồi. TĐ3 còn ở ngoài Đông Hà không bị ảnh hưởng nếu Ái Tử bị ăn bom B52.

    Di chuyển TĐ3/TQLC về Ái Tử

    Ngày 8 tháng 4, Tiểu Đoàn 3 được điều động về căn cứ Ái Tử để thay thế Tiểu Đoàn 6. Khu vực của TĐ3 chịu trách nhiệm được bàn giao lại cho Liên Đoàn 5 BĐQ, Trung Tá Lê Minh Hồng Liên Đoàn Trưởng. Trong những ngày đầu tháng 4 này, ngày nào các đơn vị cũng bị pháo nhiều, tin tức của Quân Đoàn và của phía Mỹ cho biết là có nhiều chỉ dấu cho thấy các đơn vị BB và chiến xa của Cộng quân đang di chuyển về phía Nam, xuất phát từ hướng Mai Lộc. Phòng 2 Quân Đoàn và hệ thống tình báo của Mỹ cho biết chắc chắn sẽ có những trận đánh lớn xảy ra ở khu vực của LĐ/258 trong những ngày sắp tới. Sau khi được tin tức trên, tôi đã chỉ thị Đại Úy Cao Quang Đô liên lạc để xem những cơ quan nào còn tồn trữ mìn chống chiến xa thì xin cấp phát tối đa cho Lữ Đoàn, rất nhiều mìn chống chiến xa, đơn vị Công Binh đã được đưa tới để thiết lập các bãi mìn, đồng thời Lữ Đoàn cũng xin BTL/QĐ tăng phái cho Lữ Đoàn 1 Chi Đoàn chiến xa M48, đơn xin đã được chấp thuận, Chi Đoàn chiến xa M48 thuộc Thiết Đoàn 20 do Đại Úy Đoàn Chí Sanh chỉ huy đến trình diện Lữ Đoàn tối ngày 8-4-72.

    Chiều ngày 8 tháng 4, BCH/LĐ nhận được một công điện Mật, tin tức giá trị cao là đêm 8 rạng 9 sẽ có cuộc tấn công bằng Bộ Binh và chiến xa vào vị trí các đơn vị TQLC ở khu vực Ái Tử từ hướng Tây Nam. Tôi thông báo cho phía Cố Vấn Mỹ biết, để cùng chuẩn bị kế hoạch yểm trợ hỏa lực phi pháo cho các đơn vị, một yếu tố khó khăn và quan trọng khác nữa là vấn đề vị trí của TĐ3/PB, địch pháo kích như mưa. TĐ3/PB đã phải rời vị trí pháo nhiều lần hàng ngày, và phải đào hầm để chứa đạn phòng bị pháo binh địch phá hủy thì không còn đạn để bắn khi hữu sự, anh em pháo thủ còn vất vả hơn các đơn vị tác chiến.

    Trận đánh xé xác Chiến Xa địch ở căn cứ Phượng Hoàng vào ngày 9-4-1972

    Một trận đánh mà có sự tham chiến cấp Trung Đoàn và khoảng trên 30 Chiến xa hạng nặng của quân Bắc Việt như T54 và T59, đây cũng là trận đánh có sự tham chiến của đơn vị chiến xa cấp Trung Đoàn đầu tiên trong cuộc chiến tranh Việt Nam mà lực lượng TQLC/VN/LĐ/258 Gồm Tiểu Đoàn 1 và 6 cùng TĐ3/PB đã tiêu diệt trọn hơn 30 chiến xa và gây thiệt hại nặng cho Trung Ðoàn BB tùng thiết của quân Bắc Việt. Không 1 chiếc Chiến xa nào chạy thoát được. Hai chiếc bị bắt, 1 trong tình trạng còn nguyên vẹn, 1 bị hư nhẹ.

    Tiểu Đoàn 1 TQLC làm thành phần trừ bị cho Lữ Đoàn, hoạt động ở Tây Bắc Ái Tử, Thiếu Tá Nguyễn Đăng Tống TĐT, Thiếu Tá Đoàn Đức Nghi TĐP. Chiều ngày 8-4-72, TĐ1 cùng với Công Binh Quân Đoàn thiết lập một bãi mìn chống chiến xa trên 500 quả trên các đường chiến xa địch có thể xử dụng đề tiến vào Ái Tử và Quảng Trị.

    Ngày 8-4-72, BCH/LĐ quyết định dùng TĐ3 thay thế TĐ6 vào nhiệm vụ bảo vệ căn cứ Ái Tử vì trong suốt thời kỳ quân Bắc Việt mở các cuộc tấn công vào các căn cứ của ta tại giới tuyến thì TĐ6 tương đối ít thiệt hại hơn các TĐ khác, khả năng tham chiến còn cao, nên BCH/LĐ điều động TĐ6 do Thiếu Tá Đỗ Hữu Tùng chỉ huy di chuyển đường bộ đến căn cứ Phượng Hoàng ở phía Tây Nam Ái Tử 9 cây số để thay thế 1 Tiều Đoàn BĐQ. Thiếu Tá Bill Warren và Đại Úy William Wischmeyer là Cố Vấn cho TĐ6. Hai Cố Vấn trên đến Tiểu Đoàn ngày 21-6-71 và đã cùng sát cánh với TĐ6 tham dự tất cả các cuộc HQ suốt nhiệm kỳ của họ. Đại Úy Wischmeyer cũng đã trải qua nhiều cuộc đụng độ giữa TĐ6 và quân Bắc Việt khi chúng tấn công vào cao điểm núi Bá Hô và căn cứ Sarge gần Mai Lộc, thuộc Quận Hương Hoá, Tỉnh Quảng Trị.

    Để tăng cường vị trí phòng thủ cho TĐ6 ở căn cứ Phượng Hoàng, BCH/LĐ tăng phái cho TĐ6 một xe ủi đất để tổ chức hệ thống phòng thủ. Về tháng này có mưa nên việc đào hầm hố chiến đấu cũng gặp khó khăn vì đất ướt. Thiếu Tá Đỗ Hữu Tùng quyết định phối trí Cánh A gồm 2 Đại Đội tại một vị trí có địa thế cao cách Phượng Hoàng 1 dậm về hướng Đông Bắc. Cánh B gồm 1 ĐĐ do Đại Úy Nguyễn Văn Sử TĐP chỉ huy bố trí trên hương lộ 557 ở phía Đông Nam căn cứ Phượng Hoàng 1 dậm, ĐĐ còn lại phòng thủ trong Phượng Hoàng, ĐĐ này cắt cử 1 trung Đội bố trí ở phiá Đông căn cứ 600m về hướng Tây Bắc. Vì Tiểu Đoàn được phân tán bố trí như vậy nên cả 2 Cố Vấn đều đi với Cánh A. Trời cũng đã về khuya, nhưng các chiến sĩ Cọp Biển Thần Ưng vẫn phải tiếp tục tổ chức công sự phòng thủ dưới trời đêm lạnh, mưa gió để sẵn sàng chờ địch đến, suốt đêm pháo binh địch bắn vào các vị trí của ta không ngừng nghỉ, gần đến rạng Đông, TĐ6 nhận được nhiều phát đạn đại bác bắn thẳng vào vị trí. Thoạt đầu Thiếu Tá Tùng báo cáo là bị tấn công, và địch có đại bác không giật, tất cả các đơn vị của TĐ6 đã sẳn sàng, nhưng sau đó Thiếu Tá Tùng và các Cố Vấn lại nghe tiếng động cơ nổ máy, không còn nghi ngờ gì nữa, Thiếu tá Tùng và các Cố Vấn chắc chắn đó là tiếng máy của Chiến xa địch, báo cáo được gửi về BCH/LĐ. Cuộc chiến ác liệt bắt đầu xảy ra lúc 06g45 ngày 9-4-72. Thiếu Tá Tùng quan sát thấy 2 Chiến xa tiến rất nhanh về căn cứ Phượng Hoàng, sau một lát lại quan sát thấy thêm 7 chiếc nữa đang tiến theo Hương Lộ 557 về phía Phượng Hoàng với tốc độ khoảng 15 cây số một giờ. Đây là lực lượng đông Chiến xa hùng hậu của Bắc Việt. Trung Đội tiền đồn của TĐ6 phát giác những Chiến xa địch, nhưng phương tiện duy nhất để chống trả lại các Chiến xa là súng chống chiến xa M72 trang bị cho cá nhân.

    Kế hoạch yểm trợ hỏa lực đã được BCH/LĐ và các Cố Vấn Mỹ chuẩn bị chu đáo ngay khi mới đến Ái Tử, nên khi được Thiếu Tá Tùng và các Cố Vấn báo cáo thì TĐ3/PB/TQLC do Thiếu Tá Trần Thiện Hiệu chỉ huy đã yểm trợ TĐ6 một cách vô cùng chính xác và hữu hiệu, những trận mưa pháo của TĐ3/PB/TQLC đã dội lên đầu địch. Ngay khi đoàn Chiến xa có Bộ Binh Tùng thiết đến gần vị trí phòng thủ của một Trung Đội thuộc TĐ6, 12 Chiến xa, hai chiếc đi đầu và 10 chiếc theo sau, các Cọp Biển nhận diện được là Chiến xa T54 và T59. Pháo Binh đã bắn tan nát đội hình của đơn vị Tùng thiết và các Chiến xa địch, Pháo Binh dùng đầu đạn nổ chậm để diệt các Chiến xa và dùng đạn nổ chụp để tiêu diệt Bộ Binh địch, ngay giờ phút đầu của cuộc tấn công. Trung Đoàn Bộ Binh Tùng thiết đã bị tổn thất nặng, một số lớn bị chết, số còn lại lẩn trốn vào khu bìa rừng kế cận. Đến lúc này thì 30 Chiến xa tham dự vào cuộc chiến, hơn ½ đã bị trúng mìn chống chiến xa và bị TĐ3/PB/TQLC phá hủy, số còn lại đóng nắp xe tăng lại để tránh pháo. Khoảng 7 giờ 15, hai Chiến xa tiến gần vào vị trí phòng thủ, nhưng bị trúng mìn nên khựng lại. Từ trên vị trí cao, Thiếu Tá Tùng và các Cố Vấn nhìn thấy Chiến xa địch tiến vào vị trí của một Trung Đội và cán lên vị trí phòng thủ của các chiến sĩ Cọp Biển TĐ6, một số Cọp Biển ở tiền đồn bị Chiến xa địch cán chết.

    Thời tiết u ám, Không Quân Hoa Kỳ có đến yểm trợ nhưng không hữu hiệu. Trời quang đãng dần, các Khu Trục A1 của Không Quân Việt Nam đã đến vùng trời Ái Tử, đánh cháy nhiều Chiến xa của Cộng quân, các súng phòng không 23 ly đặt trên Chiến xa cũng bắn lên phi cơ dữ dội, 1 máy bay A1 bị trúng đạn gẫy làm hai và rớt xuống bốc cháy, phi công tử nạn là Đại Úy Trần Thế Vinh, BCH/LĐ đã cho một đơn vị thuộc TĐ1 đi tìm xác Đại Úy Vinh, nhưng việc tìm kiếm thời gian lâu mà không có kết quả. Không quân của VN đã làm tê liệt khả năng của số Chiến xa còn lại, làm giảm nhiều áp lực địch cho TĐ6, có 2 Chiến xa không bị trúng bom nên vào được trong căn cứ Phượng Hoàng, và rồi cũng 2 chiếc chiến xa này tiến về phía bố phòng của Cánh A/TĐ6. Khi đến gần Cánh A khoảng 300 mét thì 1 chiếc bị trúng mìn nổ tung, mảnh và lửa bốc lên như quả cầu lửa, còn chiếc thứ 2 thì không hiểu vì lý do gì không tiếp tục tiến về Cánh A/TĐ6, mà lại quay đầu đổi hướng. Một cánh quân khác gồm nhiều chiến xa và Bộ Binh đã di chuyển bên hông căn cứ Phượng Hoàng để tấn công căn cứ Ái Tử, nơi đặt BCH/HQ của LĐ/258. Trên đường đi một số Chiến xa trúng mìn phát nổ, bộ binh địch tan hàng vì Pháo Binh của TĐ3/PB tác xạ tiêu diệt một số lớn, chúng chạy tán loạn một số bị ta bắt sống. Thiếu Tá Hiệu TĐT/TĐ3/PB đã cho bắn trên 3000 quả đạn 105 ly trong một thời gian ngắn. Vì kế hoạch yểm trợ hỏa lực của Pháo Binh đã được thiết lập sẵn vào các đường tiến sát nên đúng như đã tiên liệu, địch đã di chuyển trên những lộ trình đó nên đa số đã bị tiêu diệt, một số đông Chiến xa bị vướng mìn nổ tung, thừa thắng xông lên các Cọp Biển đã xử dụng M72 để tiêu diệt các Chiến xa của địch còn nhúc nhích được.

    Khi các Chiến xa của quân Bắc Việt đang bị vướng vào bãi mìn chống chiến xa, kế hoạch phản công được thi hành ngay khi đó. Khoảng 7 giờ 30 sáng, lực lượng phản công đã sẵn sàng, Cánh B của TĐ1 do Thiếu Tá Đoàn Đức Nghi chỉ huy gồm 2 ĐĐ tác chiến, 12 Thiết Quân Vận M113 và 8 Chiến xa M48, đi theo lực lượng phản công có Đại Úy Larry Livingston, Cố Vấn TĐ1 (Ông Livingston đã thăng cấp Trung Tướng và hiện tại ngũ trong TQLC Hoa Kỳ) lực lượng phản công rời khỏi vùng Ái Tử tiến về khu vực Pedro, khi các Chiến xa M48 quan sát thấy Chiến xa địch đang vướng bãi mìn, M48 nổ súng, 3 Chiến xa T54 bốc cháy ngay và nhiều chiếc phát nổ vì mìn. Cuộc phản công đang tiếp diễn, Thiếu Tá Đỗ Hữu Tùng cùng với 2 ĐĐ tác chiến thuộc TĐ6 nhập với cánh B Tiểu Ðoàn TĐ1. Khi lực lượng phản công đến cách Pedro khoảng 800m, TĐ3/PB bắn chặn đường rút lui của địch, Pháo Binh bắn không thua gì B52, chỉ có khác biệt là tiếng nổ nhỏ hơn thôi. Chúng tháo chạy về khu rừng hướng Tây Nam, bỏ lại nhiều xác chết và thương binh chỉ còn lại các Chiến xa để làm mồi cho các khu trục cơ A1 của Không quân Việt Nam, đại bác 90 ly từ các Chiến xa M48, M72 của các quân nhân TĐ1 và TĐ6 phá hủy, trên 400 Việt Cộng bị chết, một số bị bắt làm tù binh. Tất cả 30 Chiến xa của quân Bắc Việt tham dự vào trận này đều bị phá hủy bởi mìn chống chiến xa, Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh TQLC, Không Quân Việt Nam, và các tay súng M72 thuộc Tiểu Đoàn Thần Ưng (TĐ6) và Quái Điểu (TĐ1). Hai chiếc còn nguyên vẹn, không bị vướng mìn và chạy được đến con đường dẫn vào BCH/LĐ, nhưng tài xế và xạ thủ đã bỏ chạy, khi còn cách Ái Tử 500m, một chiếc còn tốt có thể chạy được và một chiếc bị hư hại nhẹ, chiếc tốt đã được Đại Úy Nguyễn Văn Sanh, Chi Đoàn Trưởng Chi Đoàn M48 cho chạy về Ái Tử sáng ngày 9-4-72 đậu trước TTHQ. Ngày hôm sau được đưa về Huế để triển lãm theo lệnh của Trung Tướng Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh TQLC. Sau khi triển lãm ở Huế một thời gian, chiếc T59 này được đưa về Sài-Gòn triển lãm trước toà Đô Chính cho đồng bào xem chiến thắng của LĐ258/TQLC. Chiếc T59 kể trên được tặng cho quân đội Hoa Kỳ để nghiên cứu, vì thời chiến tranh Triều Tiên quân đội Hoa Kỳ rất muốn bắt sống một chiếc nhưng không có cơ hội.



    Sáng ngày 13-4-72, tôi chạy xe ra Huế để họp ở BTL/SĐ/TQLC, trên đường đi tôi thấy đoàn xe của Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm Tư Lệnh QĐ1 chạy lên hướng Quảng Trị. Tôi chào Trung Tướng và tôi thấy xe của ông ngừng lại, tôi ngừng xe và đi về phía xe của Trung Tướng. Ông bắt tay tôi và lấy bản đồ ra rồi hỏi tôi nguyên văn như sau: “Anh cho tôi biết đầu đuôi trận đánh ngày hôm đó như thế nào?”. Tôi trình bày xong thì ông lên xe đi Quảng Trị, còn tôi về Huế họp. Trên đường đi, tôi cứ thắc mắc hoài là tại sao một biến cố quan trọng như thế đã xảy ra gần một tuần mà bây giờ ông Tư Lệnh Quân Đoàn lại hỏi mình một câu như vậy.

    Ngày 3-5-72, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng được đề cử giữ chức vụ Tư Lệnh QĐ1 thay thế Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, nên từ đó tôi không có dịp gặp lại ông, mãi tới năm 1980 tại Hoa Kỳ, nhưng chuyện qua lâu rồi cho qua luôn.

    Bộ Tổng Tham Mưu, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị (CTCT) có gửi văn thư cho các đơn vị là sẽ thưởng 30 ngàn đồng cho mỗi chiếc Chiến xa bị bắn hạ, do đó tôi đã quyết định là báo cáo tất cả số Chiến xa bị hạ là 30 chiếc ở Ái Tử cho TĐ6 và TĐ3/PB, 20 chiếc ở Bắc Đông Hà cho TĐ3 để các Tiểu Đoàn có một ngân khoản ủy lạo các thương binh và gia đình tử sĩ. Trung Tướng Tư Lệnh cũng đồng ý như vậy. Tôi cũng trình với Trung Tướng Khang là sự thực thì 50% số Chiến xa ở khu vực Pedro bị phá hủy là do mìn, 30% là do TĐ3/PB, 20% còn lại là do Không Quân VN, Chi Đoàn 20 M48, và các chiến sĩ TĐ6 và TĐ1.

    Ngày nào các đơn vị cũng bị pháo, tình hình lúc nào cũng sôi động, chạm địch thường xuyên và bị pháo kích suốt ngày đêm, nhưng các Tiểu Đoàn TQLC vẫn làm chủ tình hình, lúc này thì TQLC và Liên Đoàn 5 BĐQ và Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh là 3 đơn vị duy nhất còn ở vùng giới tuyến.

    Cuộc chiến vẫn tiếp diễn trên toàn khu vực trách nhiệm của Lữ Đoàn 258 qua những ngày 10, 11 và 12 tháng 4 năm 72. Cánh B Tiểu Đoàn 1 sau ngày hành quân phản công vào khu vực Phượng Hoàng, vẫn tiếp tục phối hợp với TĐ6 để truy lùng địch ở phía Tây các ngày 10 vá 11 tháng 4. Sáng ngày 12-4, Cánh B Tiểu Đoàn 1 cùng 8 chiếc chiến xa M48 và 12 thiết quân vận M113 trên đường trở về Ái Tử, khi còn cách Ái Tử 2 cây số về hướng Tây, Đại Đội đi đầu cùng Chi Đoàn Chiến xa và Thiết vận xa quan sát thấy nhiều VC đang đào hầm hố và giao thông hào trên đường Cánh B dự trù sẽ về ngang qua, ở giữa Phượng Hoàng và Ái Tử. Pháo binh được gọi can thiệp, các Đại Đội và chiến xa tiến lên tràn ngập vị trí của cộng quân, hai bên chạm súng dữ dội, VC ước chừng 2 Tiểu Đoàn có trang bị đại bác không giật và súng chống chiến xa. Hai bên đánh nhau, có những lúc cận chiến bằng lựu đạn, cuộc chiến kéo dài cho tới tối, ta làm chủ chiến trường, xác địch chết ngổn ngang, dưới hố, dưới giao thông hào. Có lẽ đơn vị này định phục kích bất ngờ khi Cánh B trở về Ái Tử nhưng bị phát giác. Hơn 200 xác đếm được, quần áo và trang bị của đơn vị này đều mới, vũ khí tối tân, nhiều vũ khí cá nhân và cộng đồng ta tịch thu được. Thiếu Tá Đoàn Đức Nghi, TĐP chỉ huy Cánh B đã bị trúng đạn đại liên và tử thương trong cuộc đụng độ này, một số anh em bị thương.

    Trong đêm 12-4-72, khi các đơn vị đang bị pháo kích và tấn công, được Cố Vấn cho tôi biết một phi cơ Mỹ bị bắn rớt ở phía Bắc Cam Lộ, một Trung Tá phi công nhẩy dù ra an toàn, để cứu phi công này thì tất cả pháo binh đều không được tác xạ cho đến khi cứu được viên sĩ quan phi công. Mỹ đã đìều động 4 trực thăng, 2 Cobra hộ tống và 2 Huey đến nơi phi công lâm nạn trong đêm, 1 Huey đã bị bắn cháy không có ai sống sót, còn phi cơ Cobra trúng đạn phòng không nhưng bay ra đuợc đến bờ biển, đêm 13 thì họ cứu được phi công này bằng đường sông Cam Lộ.

    Suốt trong thời gian hơn một ngày đó, địch pháo hoặc tấn công nhưng chúng ta không được xử dụng pháo binh nên những sự tổn thất của ta trong thời gian đó lên cao, và có nhiều nguy hiểm.

    Ngày 22-4-72, BCH/LĐ/258 được lệnh rời căn cứ Ái Tử, Lữ Đoàn 147 Trung Tá Nguyễn Năng Bảo LĐT đến thay thế chúng tôi. BCH/LĐ/258 cùng TĐ3, TĐ6 và TĐ3/PB được di chuyển về Huế dưỡng quân. TĐ1 ở lại làm việc với Lữ Đoàn 147, cùng TĐ7, TĐ8 và TĐ2/PB.

    Kết luận

    Lữ Đoàn 258 TQLC (TĐ1, TĐ3 và TĐ6) có được chiến thắng này là nhờ bãi mìn chống chiến xa trên 500 quả mà BCH/LÐ đã thiết lập khi vừa đến Ái Tử, sự yểm trợ nhanh chóng và chính xác của TĐ3/PB/TQLC do Thiếu Tá Trần Thiện Hiệu chỉ huy, của Chi Đoàn chiến xa M48 có khả năng diệt xe tăng T54 và T59 của Việt Cộng từ xa, tinh thần quân nhân các cấp thuộc các Tiểu Đoàn rất cao, khả năng và kinh nghiệm tác chiến trội hơn quân Bắc Việt nhiều, sự làm việc không biết mệt mỏi suốt ngày đêm của Trung Tá Đỗ Đình Vượng Lữ Đoàn Phó kiêm Tham Mưu Trưởng cùng các sĩ quan Tham Mưu Lữ Đoàn.

    Ngày 23-4-72, tại Huế có một cuộc diễn hành mừng chiến thắng Ái Tử và Đông Hà. Trung Tướng Lê Nguyên Khang, TL/SĐ/TQLC đã khen ngợi các anh hùng, 52 quân nhân đại diện các đơn vị thuộc Lữ Ðoàn tham dự diễn hành, trong số này có Thiếu Tá Lê Bá Bình TĐT/TĐ3 và Đại Úy John Ripley Cố Vấn Trưởng TĐ.

    Viết để tưởng nhớ và tri ân:

    - Đại Úy Không Quân Trần Thế Vinh đã hy sinh trong khi hăng say diệt chiến xa của Việt cộng ngày 9-4-72 tại khu vực Ái Tử, Quảng Trị.
    - Các chiến sĩ thuộc Tiểu Đoàn 6 Thần Ưng đã hy sinh ngày 9-4-72 tại căn cứ phượng Hoàng, Quảng Trị.
    - Thiếu Tá Đoàn Đức Nghi, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 1 đã tử thương chiều ngày 12-4-72 khi Cánh B/TĐ1 do anh chỉ huy đã đụng độ ác liệt với 2 Tiểu Đoàn quân chính quy Bắc Việt ở phía Tây căn cứ Ái Tử 1 cây số.

    San José, CA ngày 9 tháng 4 năm 2001
    MX Ngô Văn Định

    Source:http://tqlcvn.org/chiensu/cs-ld258-chienthang-72.htm


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X