Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Phỏng vấn cựu tù Pow – Ken Cordier

Collapse
X

Phỏng vấn cựu tù Pow – Ken Cordier

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Phỏng vấn cựu tù Pow – Ken Cordier

    Phỏng vấn cựu tù Pow – Ken Cordier
    Ian Bùi


    Lời Tòa Soạn: Tiệc Tri ân Cựu Tù Binh Hoa Kỳ là một nghĩa cử cao đẹp nhằm tri ân những người đã hy sinh không nhỏ để chúng ta được tự do, được có mặt trên đất nước này. Trẻ ủng hộ sáng kiến đó, và xin giới thiệu sau đây các nỗ lực do nhóm thiện nguyện đang thực hiện.



    Tanner Đỗ và Đại Tá Ken Cordier tại tư gia của ông ở Dallas nguồn: VAE

    Tháng 12 năm 1966 Đại Uý phi công Ken Cordier bị CSBV bắt làm tù binh. Sau khi hiệp định Paris được ký kết vào tháng 3 năm 1973, ông được thả ra trong chiến dịch Operation Homecoming. Trở về Mỹ, Ken Cordier tiếp tục phục vụ trong quân đội đến khi về hưu ở Dallas với cấp bậc Đại Tá. Sau đây là bài phỏng vấn ông Cordier do đài VAE và báo Trẻ thực hiện. Bài sẽ được đăng làm hai kỳ. Mời quý độc giả theo dõi.


    Huy hiệu đánh dấu 175 ½ phi vụ của Ken Cordier tại Đông Nam Á nguồn: VAE


    Huy hiệu đánh dấu những năm tháng Ken Cordier ở trong tù CSBV nguồn: VAE


    Kỳ 1

    VAE: Xin chào ông. Trước tiên chúng tôi xin ngỏ lời cảm ơn ông đã phục vụ và chiến đấu bên cạnh quân đội VNCH, và nhất là sự hy sinh của ông khi bị tù CS kéo dài 6 năm 3 tháng. Chúng tôi vô cùng cảm kích.

    Cordier: Cảm ơn các bạn đã có nhã ý phỏng vấn. Tôi rất ghét chủ nghĩa cộng sản, và tự hào là mình đã tình nguyện sang Việt Nam hai lần. Giả dụ sau đó có cơ hội để đi nữa tôi vẫn sẽ tiếp tục tham gia. Như các bạn biết, bi kịch của chiến tranh VN là Hoa Kỳ thật ra đã thắng, nhưng giờ chót chúng ta lại để cho địch thủ giành lấy chiến công chỉ vì Quốc Hội Hoa Kỳ đành đoạn cắt viện trợ cho đồng minh Nam VN, cúp luôn cả các khoản viện trợ nhân đạo. Thật là một hành động đê hèn bỉ ổi.

    VAE: Ông có thể kể sơ qua ngày ông bị bắn rớt?

    Cordier: Hôm đó là phi vụ thứ 175 của tôi. Nhiệm vụ của chúng tôi là tháp tùng một chiếc B-66, một loại phi cơ đánh bom cỡ nhỏ chuyên lo về chiến tranh điện tử (Electronic Warfare). Lúc ấy chúng tôi đang bay trên vùng trời giữa Hà Nội và Yên Bái. Khi tôi vừa chuyển sang hướng Bắc để bay về phía biên giới Trung Quốc thì máy bay tôi bị trúng một trái phi đạn phòng không từ đất bắn lên và bốc cháy ngay lập tức. Tôi bảo người phi công phụ là tình hình không thể nào cứu vãn, chúng ta chỉ còn cách nhảy ra khỏi phi cơ. Mới đầu anh ta không chịu nhảy nhưng sau khi thấy tôi nhảy thì anh ta cũng nhảy theo. Rất may là cả hai chúng tôi đều sống sót.


    Tù binh chiến tranh Mỹ bên trong cánh cửa gỗ trại giam – nguồn: rollingplanet.net

    VAE: Ông có thể nào tả lại những gì xảy ra trong đầu sau khi phi cơ trúng đạn?

    Cordier: Lúc ấy đầu óc tôi không nghĩ gì nhiều, tôi chỉ phản ứng và làm theo những gì mình đã từng được huấn luyện sau khi bị trúng đạn một cách bất ngờ tại độ cao 24,000 feet. Rớt xuống khỏi đám mây tôi mới nhìn thấy ruộng đồng bên dưới, hoàn toàn không có rừng cây nào để lẩn trốn. Một tốp nông dân khoảng hai chục người bu lại bắt tôi cùng anh phi công phụ rồi đưa đến một ngôi trường. Chúng tôi bị cho chờ ở đó khoảng hai tiếng thì một chiếc xe truck quân đội chạy tới. Họ bắt chúng tôi cởi hết quần áo, chỉ chừa cái quần lót, xong trói tay và bịt mắt chúng tôi lại rồi quăng ra phía sau xe. Mỗi khi đi ngang một ngôi làng nào họ đều dừng lại và trưng chúng tôi ra cho dân chúng bu đến xem như chiến lợi phẩm. Chúng tôi rất lấy làm khó chịu, nhưng được cái không ai đánh đập gì chúng tôi cả.


    Tù binh Mỹ tại Bắc Việt – ketivasilakou.blogspot.com

    VAE: Tới khi nào ông mới bị họ tra tấn?

    Cordier: Đến Hà Nội thì chúng tôi được đưa vào nhà tù biệt danh Hanoi Hilton. Họ để chúng tôi trong một căn phòng, lúc đó tôi vẫn còn bị trói và bịt mắt. Có người đến và bắt đầu tra khảo, nhưng tôi không chịu trả lời. Khi họ đe dọa sẽ trừng phạt tôi, tôi nói rằng nước các ông đã ký quy ước Geneva về tù binh chiến tranh nên tôi không phải trả lời những câu hỏi liên quan đến quân sự. Thấy tôi cứng rắn, một tên bước đến tháo vải bịt mắt tôi ra và gằn giọng, “Mày mà không trả lời thì tao sẽ trừng trị mày ngay tức thì. Hoa Kỳ chưa từng tuyên chiến với Việt Nam, do đó mày không phải là tù binh chiến tranh mà chỉ là tội phạm chiến tranh. Tao sẽ đưa mày ra toà và mày sẽ không bao giờ được thả về nhà!” Đòn tâm lý “Các anh sẽ không bao giờ được thả” được họ xài rất nhiều lần.

    Nói xong hắn cởi dây trói và thay bằng một chiếc cùm sắt, còng tay tôi ra phía sau. Kế tiếp hắn lấy một sợi dây thừng cột ngang hai cùi chỏ và siết dần lại cho đến khi hai vai tôi bị bẻ gập ra phía sau đến độ chạm vào nhau. Chúng tôi ai cũng từng bị tra tấn theo kiểu đó. Anh không thể tưởng tượng nó đau đớn đến cỡ nào. Tôi bắt đầu la hét om sòm, đến khi họ nới lỏng sợi dây thừng tôi mới bớt kêu rên.

    Ngày hôm sau cuộc tra khảo lại tiếp diễn, nhưng lần này không có tra tấn đi kèm. Tôi bèn bịa đại một câu chuyện và cứ thế lặp đi lặp lại, không thay đổi. Tôi đinh ninh họ sẽ phát hiện ra tôi nói xạo, nhưng không ngờ bọn chúng tin như thật. Sang ngày thứ ba họ lại mang cùm và dây thừng vào phòng giam và bảo hôm nay anh phải viết bản thú tội. Tôi nói tôi không thể làm điều đó vì các anh sẽ dùng nó để lên án tôi. Họ liền cùm tay tôi lại và cột dây thừng như hôm trước để bắt đầu tra tấn. Biết rằng trước sau gì cũng phải làm theo, tôi hỏi vậy các anh muốn tôi viết những gì? Họ đưa cho tôi một văn bản ghi sẵn bốn “tội danh”, và một miếng giấy để tôi theo đó mà viết xuống.

    Thứ nhất: Hoa Kỳ đã gây hấn với người Việt trong một cuộc chiến tranh vô đạo đức, bất nhân và phạm pháp. Thứ nhì: Cá nhân tôi, Ken Cordier, đã thả bom giết hại vô số thường dân Việt. Thứ ba: Tôi yêu cầu chính phủ Mỹ rút quân khỏi Việt Nam để cho hai miền Nam Bắc tự giải quyết vấn đề với nhau. Thứ tư: Tôi cảm tạ nhân dân Việt Nam đã khoan hồng và đối xử với tôi rất tử tế trong tinh thần nhân bản. Dĩ nhiên điều cuối cùng là một câu láo toét hết sức hài hước, nhưng tôi không thể làm gì khác. Tôi vừa ký bản thú tội xong thì được phát cho một bộ đồ tù, một đôi dép bằng lốp xe, một chiếc mền mỏng, một cái mùng và một cái ly sắt. Xong họ bịt mắt chúng tôi lại và chở đến một trại tù ở ngoại thành Hà Nội, nơi chúng tôi gọi mỉa là “Sở Thú”. Lý do là vì tại đây chúng tôi bị đối xử chẳng khác nào những con thú.


    Phi công Mỹ xin dép cao su, điếu cày về làm kỷ niệm – nguồn: hoalo.vn


    Tôi đã sống 3 năm 8 tháng trong cái Sở Thú đó. Không bao giờ được đi xa quá một trăm thước về bất cứ hướng nào. Ba năm đầu tôi bị nhốt trong phòng giam 24×24, chỉ được ra ngoài 10 phút một ngày để tắm rửa tại một giếng nước gần đó. Nhưng thường thì các tên cai tù rất lười biếng nên không phải ngày nào chúng cũng cho tôi ra, được vài lần một tuần là kể như phước đức lắm. Tôi chỉ bị biệt giam một tháng, chẳng thấm tháp gì. Sau đó tôi có một người bạn tù. Phòng giam của chúng tôi rộng khoảng 5×7 feet. Tôi có thể tả nó bằng năm chữ B như sau:


    Chiếc F-4 Phantom mẫu do ông Cordier tự ráp để ghi nhớ phi vụ 175 1/2 của mình – ảnh VAE

    Chữ B thứ nhất là “Board”, tức tấm ván kê làm giường. Chữ B thứ nhì là “Bulb”, tức cái bóng đèn treo trên trần nhà lúc nào cũng mở sáng choang. Lý do là chữ B thứ ba, “Bricks”, tức gạch dùng bít các cửa sổ và lỗ thông hơi để chúng tôi không thể nhìn ra ngoài. Khí hậu nơi đó cũng oi bức không khác gì mùa Hè ở Houston, nên phòng giam lúc nào cũng ngột ngạt. Chữ B thứ tư là “Box”, nói tắt của “Speaker Box” tức chiếc loa gắn trên trần dùng để tuyên truyền. Thay vì mở những lớp cải tạo giống như CS Bắc Hàn thì CS Bắc Việt chơi trò vặn loa lên mỗi ngày vài ba lần để tra tấn lỗ nhĩ chúng tôi. Và chữ B thứ năm là “Bucket”, tức cái bô. Mỗi khi được cho ra ngoài chúng tôi có nhiệm vụ xách nó theo để đổ xuống mương…


    Đại uý Ken Cordier chụp hình trước chiếc F-4 Phantom, vài ngày trước khi bị bắn rớt. nguồn: Ken Cordier


    kỳ 2

    Đời sống trong “Sở Thú”

    Cordier: Bị bắn rơi máy bay là một sự đột chuyển tâm lý dữ dội. Mấy phút trước tôi còn đang điều khiển một chiếc chiến đấu cơ hiện đại với cảm tưởng mình là chúa tể bầu trời, thì chỉ vài giây sau bỗng thấy mình đang treo lơ lửng, tay nắm chặt chiếc dù, vừa đụng đất một cái là bị bắt làm tù binh. Phải mất một thời gian khá lâu tôi mới điều chỉnh và thích nghi được với thực tại tuột một phát từ đỉnh cao vũ trụ xuống tận cùng vực thẳm.

    Ðời sống trong “Sở Thú” rất là khổ sở. Bọn cai tù có thể đánh đập anh bất cứ lúc nào. Họ hay bắt chúng tôi quỳ xuống rồi lấy dép bằng lốp xe vả vào mặt chúng tôi, vì bất cứ lý do gì họ muốn. Chúng tôi gọi hình phạt đó là “đánh phấn”. Tình hình kéo dài như vậy đến năm 68 thì có sự thay đổi. Lyndon Johnson tuyên bố sẽ không ra tranh cử tổng thống, nhưng để chứng minh với cử tri là đảng Dân Chủ sẽ đem lại hoà bình, trước ngày bầu cử mấy ngày ông ta ra lệnh ngưng dội bom Bắc Việt. Quyết định táo bạo này chẳng những không giúp cho liên danh Dân Chủ thắng cử mà lại còn gây thêm khốn khổ cho bọn tôi. Họ hành hạ chúng tôi nặng tay hơn trước. Lúc này Hồ Chí Minh vẫn còn sống.


    Heartbreak Hotel, bộ quần áo tù mang mã số 2-283 của tù binh Ken Cordier. nguồn: VAE

    Lấy ví dụ. Thay vì chỉ “đánh phấn” vì một lý do cỏn con nào đó thì bây giờ chúng bắt tất cả tù binh phải cởi trần truồng ra hết rồi nằm sấp dài trên sàn nhà để ăn roi. Hai thằng cai tù đứng hai đầu, dùng sợi dây belt của máy quạt xe truck quất tới tấp lên lưng và mông chúng tôi. Khi trở lại phòng giam, ai cũng bị những vết X đỏ rần trên lưng. Có lần tôi bị mười lăm roi vì tội ngủ trần truồng. Một đêm hè nọ quá oi bức, chịu không nổi tôi phải cởi hết áo quần ra cho đỡ nóng. Một tên cai tù lén mở ô cửa rọi đèn pin vào và nhìn thấy. Hắn gọi tôi lên phòng tra khảo, và tại đó tôi đã bị quất vì tội “xúc phạm sĩ quan chỉ huy”. Một anh bạn cùng phòng với tôi thì có lần bị đòn vì lỡ “nhìn đểu cán bộ”. Ðời sống trong tù là như thế.

    Sang đến năm 1969 thì Hồ Chí Minh mất, và tình trạng tù binh cũng được cải thiện đôi chút. Ðầu tiên họ tháo gỡ hết những viên gạch bít các cửa sổ và lỗ thông hơi. Thật là tuyệt vời. Những người không chịu nóng được như tôi hay nổi sẩy, nếu không có thuốc sẽ bị nhiễm trùng và sanh mủ. Có lần trên người tôi có đến 47 chỗ sưng mủ như vậy. Và dĩ nhiên chúng tôi không được họ chữa trị gì cả.

    Kế đến họ cho chúng tôi thêm một tấm chăn để đắp vào mùa lạnh. Phần ăn cũng được tăng lên chút đỉnh. Họ còn loan báo từ rày sắp tới chúng tôi không phải cúi gập người chào cán bộ như trước, chỉ cần khẽ gật đầu là đủ.

    Sang năm 1970 chúng tôi được chuyển qua một trại mới, cách Hà Nội khoảng 15 dặm về hướng Tây. Trại này rộng hơn. Các phòng đều có cửa sổ song sắt nhưng thông thoáng. Họ cho chúng tôi ra ngoài mỗi ngày hai lần. Họ khuyến khích chúng tôi tập thể dục để giữ gìn sức khoẻ. Quả là một điều khó tưởng tượng vì trước đây việc này bị cấm kỵ. Nếu anh tập thể dục và bị bắt quả tang, họ sẽ còng tay và cùm chân anh lại một tuần lễ.

    VAE: Một tuần lễ!? Rồi làm sao anh đi vệ sinh?

    Cordier: Anh không đi được. Nếu may mắn thì có bạn tù cùng phòng giúp anh bằng cách nhích cái bô lại gần cho anh đi tiêu đi tiểu. Còn không thì anh phải chịu trận như vậy cả tuần. Và nếu anh bị cột cứng vào giường thì càng khổ nữa. Nhưng họ đâu quan tâm. Luật trại là anh không được phép tập thể dục, thế thôi. Nhưng sang trại mới này thì họ lại muốn chúng tôi tập thể dục thường xuyên. Rất tiếc sự cải thiện này không được bao lâu thì xảy ra vụ đột kích Sơn Tây.

    Một đội biệt kích Mỹ đột nhập trại tù Sơn Tây để giải cứu tù binh. Không ngờ vài tháng trước toàn bộ số tù binh ở đó đã được chuyển sang trại mới nơi tôi bị giam nên ở Sơn Tây chẳng còn ma nào. Thế nhưng mưu đồ này đã làm cho Bắc Việt giận dữ và lo lắng. Họ bèn dời hết tù dân sự ra khỏi Hỏa Lò và đem nhốt tất cả tù binh Mỹ vào đó. Bảy căn phòng cả thảy, cho hơn 300 tù binh. Mỗi phòng chứa khoảng 5, 6 chục mạng. Chúng tôi nằm trên một sàn xi măng dài, đầu đối chân, xen kẽ như cá hộp. Nhưng so với các trại giam trước thì đây là lần đầu tiên tù binh được ở chung với nhau trong một phòng lớn và được nói chuyện thoải mái. Chứ khi xưa tù nhân dù cùng phòng cũng chỉ được thì thầm với nhau mà thôi. Nói lớn sẽ bị phạt. Và nếu anh không bị kêu lên lấy cung thì có khi cả mấy tuần lễ anh không được nghe giọng nói của chính mình.


    Đại tá Hải quân Ken Cordier sau khi về hưu. nguồn: Navy League Dallas

    Thời gian một năm rưỡi sau đó trôi qua rất nhanh, bởi vì chúng tôi có cơ hội sinh hoạt chung với nhau. Chúng tôi tự mở các khoá học. Ai rành môn gì thì dạy môn đó—như Toán, Sinh Vật Học, Anh Văn, v.v… Tụi tôi còn tổ chức các buổi thuyết trình về đề tài du lịch, những danh lam thắng cảnh từ Âu sang Á chúng tôi từng thăm viếng. Ðến khoảng Tháng Tư năm 1972 bỗng dưng chúng tôi nghe còi báo động phòng không, lần đầu tiên kể từ khi Johnson ra lệnh ngưng dội bom cuối năm 68. Chúng tôi rất lấy làm phấn khích khi nghe tiếng động quen thuộc của những chiếc phản lực cơ thả bom ầm ầm xuống gần mình. Trận mưa bom kéo dài cho đến cuối năm 72. Sang đầu năm 73 chúng tôi được đưa trở lại Hanoi Hilton. Lần này chúng tôi để ý thấy họ sắp xếp tù binh theo thứ tự ngày tháng bị bắt. Những người bị bắt sớm nhất được cho vào các phòng đầu tiên, v.v… Ðến ngày 26 Tháng 1 họ triệu tập tất cả chúng tôi lại và đọc bản tuyên bố việc trao trả tù binh đã điều đình với Hoa Kỳ. Một trong những điều kiện ông Kissinger đưa ra là tù binh phải được thông báo. Nhờ vậy chúng tôi mới biết khi nào tới phiên mình được thả. Ngày tôi ra khỏi tù là 4 tháng 3, 1973.

    VAE: Xin ông cho biết cảm tưởng cũng như nhận xét của mình khi trở về lại Mỹ.

    Cordier: Dĩ nhiên cảm giác của tôi lúc ấy là vui mừng hết sức. Gần bảy năm đã trôi qua nên có rất nhiều điều rất lạ lẫm đối với tôi, nhất là cách trang phục. Lúc trước đàn ông hay mặc áo quần màu đen, thắt cravat, còn bây giờ ai cũng ăn vận màu sắc sặc sỡ, quần ống loa. Tôi chỉ tiếc là khi tôi ra khỏi tù thì mốt mini-jupe của mấy cô gái cũng vừa hết nên tôi không có dịp chứng kiến cảnh đó [cười]. Nhưng nói chung là tôi rất mừng. Quân đội cho phép tôi nghỉ ngơi bao lâu cũng được. Tôi lấy 5 tháng để điều chỉnh lại cuộc sống. Khi tôi sang VN hai đứa con tôi còn rất nhỏ, 3 và 5 tuổi. Khi tôi trở về chúng đã 10, 12 tuổi và không nhớ gì nhiều về người cha của chúng. Thành thử tôi phải bỏ thời gian để làm quen với chúng. Sau đó tôi đi học lại, và tiếp tục lái chiếc F-4 Phantom đến khi về hưu năm 85.


    Bức tranh vẽ cảnh một chiếc F-4 bay trên bầu trời Hà Nội, treo trên tường nhà Đại tá Cordier. Nguồn: VAE

    VAE: Thay mặt cộng đồng người Việt, xin được tỏ lòng tri ân đến ông và các cựu tù binh CS, những người đã chiến đấu và hy sinh rất nhiều cho miền Nam VN trong cuộc chiến vừa qua. Chúc ông nhiều sức khoẻ và mong gặp lại ông tại buổi họp mặt ở Frisco vào tháng tới.

    Cordier: Tôi không ân hận đã tham gia vào cuộc chiến mà theo tôi chúng ta đã thắng cho đến khi để bị thua. Tôi cũng muốn nói với cộng đồng người Việt tị nạn CS rằng tôi rất cảm phục vì khi sang đây với bàn tay trắng tất cả đều đã nai lưng lao động để làm lại cuộc đời, cho con cái ăn học đàng hoàng, ăn nên làm ra không khác gì những thế hệ di dân thuở xưa. Chúc mừng cho họ, và cảm ơn các bạn đã cho tôi cơ hội nói chuyện với cộng đồng của bạn.

    ib

    Lược dịch (dựa theo cuộc phỏng vấn do Tanner Đỗ thực hiện và trực tiếp truyền thanh trên đài VAE Live)

    Source:
    http://baotreonline.com/phong-van-cu...w-ken-cordier/
    http://baotreonline.com/phong-van-cu...-cordier-ky-2/


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X