Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chi Khu Trảng Bàng... Vào Những Ngày Cuối Tháng 4/1975

Collapse
X

Chi Khu Trảng Bàng... Vào Những Ngày Cuối Tháng 4/1975

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chi Khu Trảng Bàng... Vào Những Ngày Cuối Tháng 4/1975

    Chi Khu Trảng Bàng... Vào Những Ngày Cuối Tháng 4/1975
    Nguyễn Văn Mầu


    Tỉnh Hậu Nghĩa vào thời gian Đại Tá Tôn Thất Soạn là Tỉnh Trưởng (12/1973-30/4/75) gồm có 4 quận: Củ Chi, Đức Hòa, Đức Huệ và Trảng Bàng.

    Về phương diện quân sự thì tỉnh gọi là tiểu khu (TK), quận là chi khu (CK), dưới chi khu có các phân chi khu (PCK).

    Tỉnh Hậu Nghĩa có thể gọi là một trong những tỉnh nghèo nhất về kinh tế nhưng lại “giầu nhất” về áp lực địch quân. Hai CK Đức Hòa, Đức Huệ chận họng VC không cho chúng tiếp tế và xâm nhập từ mật khu Mỏ Vẹt, Campuchia vào VN. Còn Củ Chi và Trảng Bàng là hai lá chắn, chặn VC xâm nhập từ Chiến Khu D mà hai mật khu Bời Lời và Hố Bò là hang ổ của “chuột”, trong đó CK Trảng Bàng thường chịu áp lực khá nặng. Vì thế ngoài 2 tiểu đoàn cơ hữu ĐPQ 238 & 239, vào những ngày trung tuần Tháng 4, CK còn được tăng cường thêm TĐ.305/ĐPQ để phòng thủ BCH/CK và quận đường.

    Tóm lại, ngoài áp lực nặng nề của địch quân, Hậu Nghĩa còn là tỉnh nghèo tiền; nhưng càng về sau, càng có “hậu” về tình “nghĩa”, nên ngày nay tại hải ngoại, cộng đồng của chúng tôi vẫn gắn bó chặt chẽ với nhau đúng với danh xưng “Hậu Nghĩa”.

    Bộ Chỉ Huy CK (Quận) Trảng Bàng nằm sát bên Quốc Lộ 1 (QL1, sau này còn gọi là QL22) cách Saigòn khoảng 40 km và cách Tây Ninh khỏang 50 km. Vị Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng (CKT) sau cùng là Trung Tá Bùi Văn Ngô (K16 Đà Lạt). Chi Khu Trảng Bàng gồm có 5 Phân Chi Khu (PCK) là: Gia Lộc, Gia Bình, Lộc Giang, An Tịnh và An Hòa.

    Tình Hinh Chiến Sự CK Trảng Bàng Từ 20/4 Đến 29/4/1975:

    Tính hình trên QL1 từ Sài Gòn đến Tây Ninh lưu thông bình thường từ những ngày đầu đến những ngày hạ tuần Tháng 4/1975, tuy có phần vắng vẻ hơn trước. Riêng Chi Khu Trảng Bàng, nằm trên QL1, bị VC pháo kích lẻ tẻ từ ngày 20/4 và nặng nề hơn kể từ ngày 26/4. Tất cả các căn cứ hành quân (đồn) của 2 Tiểu Đoàn Địa Phương Quân 328 và 329 cùng 32 Trung Đội Nghĩa Quân vẫn duy trì an ninh lãnh thổ, bảo toàn lực lượng, mặc dầu có 3 căn cứ phía Bắc thuộc Chi Khu Trảng Bàng bị pháo kích. Đó là các căn cứ tuyến đầu của CK/Trảng Bàng:

    1.Đồn Chà Rầy cách 7km về hướng Bắc BCH/CK.

    2.Đồn Bố Heo cách 7 km về hướng Đông-Bắc BCH/CK.

    3.Đồn Suối Cao cách 7 km về hướng Tây-Bắc BCH/CK.

    Hai TĐ 328 và 329 ĐPQ hoạt động về phía Đông Bắc và tây Bắc CK/TB.

    BCH/TĐ328 trấn giữ căn cứ hành quân Lâm Vồ, cách CK 6 km về hướng Bắc. Tiểu Đoàn Trưởng là Đại Úy Bùi Thọ Thêm (Ông đã chết năm 1975 trong trại tù Kà-Tum).

    BCH/TĐ329 trấn giữ căn cứ hành quân Gia Lâm, cách CK 4 km về hướng Tây Bắc. Tiểu Đoàn Trưởng là Th/Tá Nguyễn Đình Đắc. Đối với tôi, đây là vị tiểu đoàn trưởng xuất sắc, ông đã hợp tác chặt chẽ với ông “Quận Ngô” để quét sạch du kích trong vùng trách nhiệm nên có biệt danh “Con Hùm Xám” vùng suối Bào Me.

    Cũng cần nói thêm là CK Trảng Bàng nằm sát với hai mật khu Hố Bò và Bời Lời, luôn bị áp lực nặng nề của VC xuất phát từ hai mật khu này. Vì vậy vào những ngày cuối Tháng 4/1975, khi áp lực địch ngày càng gia tăng, Chi Khu Phó là Thiếu Tá Mai Thế Nghĩa đã được lệnh thành lập một Ban Chỉ Huy Lưu Động để sát cánh với các đơn vị ĐPQ và NQ cùng các tiền đồn giữ vững phòng tuyến vòng ngoài. Trong lúc đó ông Phó Quận Hành Chánh Nguyễn Đức Cảnh* cũng được lệnh lui về “hậu phương” để chuẩn bị nơi ăn chốn ở cũng như nhu cầu cần thiết một khi CK buộc phải di tản dân chúng về phía sau. Tất cả còn tùy thuộc vào tình hình cuộc chiến, chưa biết kết quả như thế nào, nhưng việc giao nhiệm vụ cho 2 vị Chi Khu Phó và Phó Quận là tiên liệu cần thiết, biết lo xa của BCH/CK.

    Lúc 10 giờ sáng ngày 25/4/75, TTHQ CK Trảng Bàng nhận được tin Thiếu Tướng Lý Tòng Bá, Tư Lệnh SĐ25/BB, báo cho biết là Ông sẽ đến thăm Chi Khu trong vòng 5 phút nữa, trong lúc đó CKT là Tr/Tá Bùi Văn Ngô đang liên lạc với các đơn vị phía Bắc CK xác định vị trí pháo của Cộng quân để CK xin phản pháo.

    Một buổi họp khẩn cấp với TL/SĐ25 tại TTHQ/CK Trảng Bàng. Chi Khu Trưởng (CKT) trình bày tình hình an ninh trong phạm vi lãnh thổ trách nhiệm. Th/Tướng TL/ SĐ25 hứa sẽ cho Không Quân yểm trợ hỏa lực. Trung Tá CKT nhận lệnh Th/Tướng TL/SĐ25 cho rút các đơn vị ở phía Bắc đang bị VC pháo kích nặng nề về phía Nam để các phi tuần phản lực trang bị bom nặng ký tiêu diệt các vị trí phòng không của địch.

    Các đơn vị trưởng Chà Rầy, Bố Heo, Suối Cao khẩn cấp thi hành, nhưng vì lệnh ra quá gấp, các đơn vị chưa kịp rời vùng thì các phi tuần phản lực đã trên đường bay tới nên không thể yểm trợ được cho CK mà phải chuyển hướng về địa bàn khác nên CK Trảng Bàng tiếp tục bị pháo kích từ hướng các mật khu Bời Lời, Hố Bò trong lúc Th/Tướng TL/ SĐ25BB cũng đang có mặt tại TTHQ Trảng Bàng.

    Sáng ngày 26/4, Phân Chi Khu Lộc Giang (Nam CK Trảng Bàng) báo cáo tình hình an ninh trong đêm vô sự, nhưng tình hình sinh hoạt buổi sáng có vẻ khác thường, chợ thưa thớt, quán xá mở cửa trễ, thậm chí có tiệm còn đóng, xe lôi không đưa rước khách như thường lệ v.v.. Phân Chi Khu Trưởng là Trung Úy Huỳnh Thanh Trà báo cáo lên Chi Khu và xin cho biết tin tức trong vùng, đồng thời ông cho lệnh các trung đội Nghĩa Quân hoạt động an ninh tình báo khu vực trách nhiệm.

    Khoảng một giờ sau khi hoạt động thì trung đội cơ hữu của PCK chạm địch, PCK Trưởng Huỳnh Thanh Trà hy sinh. Địch trà trộn bám vào khu dân cư để cố thủ. Nhờ sự tiếp viện của ĐĐ/ĐPQ và có sự yểm trợ của Tiểu Đoàn 1/50/ SĐ25BB nên địch bị đẩy lui.

    Tr/Úy PCK Trưởng Huỳnh Thanh Trà sinh ra và lớn lên tại xã Gia Lộc, Quận Trảng Bàng. Sau khi mãn Khóa 3/70 Thủ Đức năm 1970, anh về phục vụ tại Tiểu Khu Hậu Nghĩa. Tháng 10/1974, tôi bàn giao PCK Lộc Giang cho Anh, chỉ 6 tháng sau, ngày 26/4/1975, Anh Trà hy sinh ngay tại quận nhà, nơi chôn nhau cắt rốn!

    Vào buổi chiều ngày 26/4, lúc 4 giờ, Trung Tâm Hành Quân (TTHQ) Chi Khu nhận được tin PCK Gia Lộc bị pháo kích, Phân Chi Khu Phó, Th/Úy Nguyễn Anh Tuấn hy sinh. Tình hình an ninh trong CK ngày càng nặng thêm, chỉ trong ngày 26/4 đã có 2 cấp chỉ huy PCK hy sinh!

    (Xin kính dâng nén hương lòng lên các anh linh Thanh Trà và Anh Tuấn).

    Lệnh Di Tản.

    BCH/CK Trảng Bàng bị pháo kích nặng và thường xuyên hơn kể từ chiều ngày 25/4 cho đến ngày 29/4. Địch quân bám sát và tấn công vào các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân, dù bị tổn thất nhưng quân ta vẫn giữ vững tay súng, bám sát trận địa cho đến 3 giờ chiều ngày 29/4 không có một đồn bót nào của CK bị thất thủ. Cuối cùng, trước áp lực nặmg nề của địch quân và thương vong ngày càng cao do bị pháo kích nên lúc 3 giờ chiều ngày 29/4/75, BCH/ CK nhận được lệnh di tản theo như kế hoạch dự trù giữa Tiểu Khu và Chi Khu. Các đơn vị trưởng Pháo Binh, Cảnh Sát, Địa Phương Quân, Nghĩa Quân được gọi về TTHQ họp cùng CKT để phân nhiệm di tản về hướng Nam là xã An Hòa.

    Cùng thời điểm này Th/Úy Trần An Hội, PCK Phó An Tịnh báo về TTHQ rằng Bộ Chỉ Huy (BCH) Trung Đoàn 50BB, đóng tại căn cứ Đồng Chùa (liên ranh Củ Chi và Trảng Bàng) di tản nên PCK Phó xin lệnh di tản theo.

    Sau khi ban hành lệnh di tản xong, Tr/Tá CKT rời TTHQ để trở lại văn phòng quận (nằm cách TTHQ chừng 70m) cũng là lúc hệ thống truyền tin liên lạc giữa BCH Tiểu Khu và Chi Khu, cũng như liên lạc hàng ngang giữa Chi Khu và BCH/TrĐ 50 bị địch phá sóng, mọi liên lạc đều gặp trở ngại vì vậy Đại Úy Nguyễn Văn Can Trưởng Ban 3 phải rời TTHQ gấp để đến văn phòng quận trình những sự việc lên CKT và cần quyết định của Tr/Tá CKT ngay.

    Sau khoảng 10 phút, Đ/Úy Can trở lại TTHQ với giọng ân cần nhưng lo lắng, ông nói với Đ/Úy Lê Văn Nhì, Trưởng Ban 2 và tôi- (Nguyễn Văn Mầu, Tr/Úy Phụ Tá Ban 3)

    -Nhì và Mầu theo tôi đến văn phòng quận ngay.

    Tiếng pháo kích 130 ly vẫn nổ đều trong thị xã và BCH/ CK, khói lửa mịt mù, chúng tôi chạy thẳng vào văn phòng quận trưởng (CKT) mà không cần chờ lệnh “xin phép” trước như lệ thường hằng ngày...

    Trước mặt chúng tôi, Trung Tá CKT đang ngồi viết..., Ông mặc quân phục thẳng nếp như hằng ngày, trên bàn là cái nón sắt với 2 bông mai đen “có đế”, 1 súng dài M18, 1 súng colt 45, nhưng có một điều khác thường là trên ngực áo trái, Ông mang đầy đủ huy chương. Với gương mặt nghiêm nghị, ông vừa nói với chúng tôi.. thì đúng lúc pháo 130 ly nổ chát chúa bên ngoài văn phòng khiến chúng tôi không nghe rõ Ông nói gì, nhưng qua cử chỉ và hiệu lệnh bằng tay, chúng tôi hiểu ý vị chỉ huy ra lệnh cho chúng tôi phải quay về TTHQ để thi hành lệnh di tản cho anh em, còn Ông...(?)

    Như linh cảm được điều gì đó không hay sẽ xảy ra đối với cấp chỉ huy sau mệnh lệnh và nỗi buồn trước “vận mệnh” Chi Khu phải di tản khiến Đ/Úy Can với dáng điệu gần như quỳ xuống, giọng xúc động, cương quyết và lớn tiếng nói:

    -Xin Trung Tá đừng làm chúng tôi sợ...

    Dường như sực tỉnh hiểu được trách nhiệm của vị chỉ huy rất quan trọng đối với thuộc cấp trong giờ phút dầu sôi lửa bỏng nên Trung Tá CKT đứng bật dậy, quăng cây viết và xé tờ giấy ông đang viết dở dang (không biết ông viết điều gì) rồi ra lệnh:

    -Tất cả trở về TTHQ thi hành lệnh.

    Đ/Úy Can nháy mắt cho Đ/Úy Nhì và tôi rồi đứng nghiêm chào Tr/Tá CKT và ra về TTHQ ngay, vì ông là Trưởng Ban 3, riêng anh Nhì và tôi hiểu ý cái nháy mắt của Anh Can như một mệnh lệnh: “bám sát CKT” nên chúng tôi vẫn đứng nguyên tại chỗ chờ... Tr/Tá CKT mang vũ khí, đội nón sắt xong rồi theo sau ông ra khỏi văn phòng quận trở về TTHQ...

    Di Tản: Rời BCH Chi Khu.

    BCH/CK và Trung Đội Nghiã Quân 45 rời CK, người cuối cùng bước ra khỏi TTHQ là Đ/Úy Nhì, cũng là lúc sau lưng ông một cột khói bay lan ra ngoài và nghe ông báo cáo với CKT: “Hoàn tất nhiệm vụ*”. (*tức là hồ sơ, tài liệu bí mật và tất cả quân dụng quan trọng không đem theo được thì tiêu hủy tại chỗ).

    Chúng tôi rời BCH/CK vào khoảng 3 giờ chiều ngày 29/4/75. Người ra lệnh di tản cũng là người dẫn đầu hàng quân. Hình như những bước chân của hàng quân bịn rịn không muốn rời bỏ vị trí thân yêu này, nhiều người vẫn thỉnh thoảng quay đầu lại nhìn cột khói từ TTHQ thoát ra mà lòng đau như cắt khiến đoàn quân tiến chậm chạp; đạp lên cỏ khô băng qua vòng rào kẽm gai của trung đội Pháo Binh diện địa; xuyên qua trạm xá Trảng Bàng; băng qua sân bay đến ấp An Qưới, xã An Hòa. Đoạn đường tuy không xa, nhưng những bàn chân không muốn rời “tổ ấm”, không muốn rời nơi mà đã bao lâu nay có quá nhiều kỷ niệm sống chết, tình quân dân, nghĩa thầy trò để đến nơi bất định nên quân đi rất chậm. Khi đến xã An Hòa thì mặt trời sắp khuất dạng.

    Khi CK đến xã An Hòa, kế hoạch di tản là đi về hướng Tây Ninh để bắt tay với PCK Gia Bình. Khi đi tới ranh giới An Hòa-Gia Bình thì được PCK Gia Bình báo cáo cho biết họ cũng đang theo một đơn vị BĐQ đi về hướng An Hòa. Sau khi hai đoàn quân gặp nhau, Tr/Tá CKT và đơn vị trưởng BĐQ trao đổi tin tức thì BĐQ đi về hướng Bắc quốc lộ còn quân ta (CK Trảng Bàng) về lại vị trí ấp An Quới, thuộc xã An Hòa, nằm về phía Nam, chỉ cách BCH/CK khoảng 1 km.

    Khi đoàn quân di tản về tới đình ấp An Qưới thì trời đã sụp tối, tại đây điểm danh các đơn vị thì thấy thiếu Tiểu Đội Tình Báo và Tiểu Đội Thám Sát của Chi Khu. Hai tiểu đội này được bố trí tại các điểm trọng yếu như cầu Trường Chùa, Thánh Thất Cao Đài của thầy Hoa và vài vị trí quan trọng trong thị xã Gia Lộc. Sau đó thì CK nhận được tin báo các chốt của 2 tiểu đội này bị VC tấn công và bao vây chặt, không còn đường về xã An Hòa!

    Nhưng lợi dụng đêm tối, một số anh em lẩn thoát vào khu dân cư và được đồng bào che chở, một số khác thì bị địch truy bức, nhưng anh em thề quyết không bị rơi vào tay giặc, một vài anh em trong Tiểu Đội Tình Báo đã tự quyệt định số phận của mình sau khi đã chống trả địch quân tới viên đạn cuối cùng.

    Chúng tôi, những quân nhân thuộc Chi Khu Trảng Bàng, xin kính cẩn nghiêng mình cúi đầu trước anh linh các chiến sĩ đã tử chiến với cộng quân tại cầu Trường Chùa, Trảng Bàng vào chiều ngày 29/4/1975, đó là các anh hùng:

    Hạ Sĩ Dược (Thám Sát Tỉnh).

    Hạ Sĩ Hóa (Thám Sát Tỉnh).

    Hạ Sĩ I Giải (Tiểu Đội Tình Báo).

    Hạ Sĩ I Nguyễn Văn Âm (Tiểu Đội Tình Báo).

    Từ Đêm Di Tản 29/4 Đến Chiều Oan Nghiệt 30/4/75.

    Tại sân đình An Quới, xã An Hòa, trước khi vượt sông Cầu Quang, liên ranh giữa An Hòa và Lộc Giang, Tr/Tá CKT đã xúc động thưa chuyện với đồng bào và quân dân cán chính thuộc CK Trảng Bàng đang có mặt tại đây:

    -“Đêm nay, tôi (Trung Tá Ngô) sẽ đưa anh em tìm đường tiếp tục chiến đấu, anh em nào muốn thì cùng đi với chúng tôi, còn anh em nào có gia đình tại nơi đây thì tùy quyền quyết định”.

    Trong đêm tối, tôi không thể xác định được có bao nhiêu anh em ở lại cùng gia đình, nhưng thành phần vượt sông thì vẫn còn là BCH/CK Trảng Bàng, các PCK Gia Lộc, Lộc Giang, Gia Bình và An Hòa, Tiểu Đoàn 305 ĐPQ.

    Sau vài phút ngắn ngủi bịn rịn, những cái nắm tay, vỗ vai, hòa lẫn trong tiếng nấc nghẹn giữa kẻ đi người ở. Người ở lại ứa nước mắt chúc: “Các anh em đi bình an” thì người lên đường tiếp tục chiến đấu cười méo mó: “Chúng tôi hứa sẽ sớm trở lại cùng bà con”. Người ở lại tìm đủ mọi phương tiện chuyên chở như ghe thuyền để đưa quân sang sông cho tới người cuối cùng. Sau khi tất cả vượt sông xong, tiếp tục di chuyển trong đêm, xuyên qua xã Lộc Giang, Thái Mỹ, thẳng về hướng Củ Chi. Trên đường di chuyển quân ta bắt được 4 du kích với vũ khí đầy đủ mà không tốn 1 viên đạn.

    Khi đi ngang một căn nhà có ánh đèn và một số đàn ông lớn tuổi đứng trước cửa, đó là nhà của thầy giáo Ấn, Hiệu Trưởng trường trung tiểu học của xã, mấy vị lớn tuổi này thấy chúng tôi liền lên tiếng hỏi dồn dập:

    -Mấy chú có phải là lính của ông Quận Ngô không? Ông Ngô đâu rồi?

    Chưa ai kịp trả lời thì hai vị đang đứng trước cửa nhà đã chạy vội xuống len vào đám đông, ôm chầm lấy anh Ngô và vui mừng nói:

    -Ông Ngô đây nè.

    Toán chúng tôi dừng lại, chỉ loáng thoáng nghe tiếng còn tiếng mất: “Trung Tá và anh em đi bình an”, rồi lần lượt những cái nắm tay, vỗ vai đầy xúc động tình quân dân, nhưng trước tình thế bất khả kháng, đoàn quân khuất dần trong bóng đêm.

    Đêm tối mưa lâm râm, quần áo lại thấm nước khi vượt sông, nhưng hình như trán ai cũng lấm tấm mồ hôi, chân bước mau đến nơi nào phía trước cũng chưa biết.

    Rạng sáng 30/4/75, đoàn quân dừng lại bên bờ kinh Thầy Cai “Dòng Gia Ốc”, nhìn về hướng nhà dân, không nghe tiếng gà gáy sáng, thiếu sự sinh hoạt của một ngày mới, thì ra có bóng dáng thần chết, đó là 3 chiến xa VC ẩn mình sau bụi tre.

    Một chiếc trực thăng bay từ hướng phi trường Tân Sơn Nhất, dọc theo quốc lộ, về hướng quận Củ Chi, chỉ vài phút sau bóng trực thăng mất dạng, cũng không còn nghe được tiếng cánh quạt quen thuộc và cần thiết mỗi khi dụng trận, tôi thầm nghĩ: -“Thấy chiến xa VC, không còn nghe tiếng trực thăng, thế là hết rồi...”

    Tôi chưa nghĩ tiếp được hết điều gì sẽ xảy ra thì nghe tiếng Tổng Thống Dương Văn Minh ra lệnh cho chúng tôi buông súng đầu hàng địch quân!

    Bàng hoàng thầy trò nhìn nhau, người cắn môi, kẻ lau nước mắt, nhưng súng vẫn còn cầm chắc trong tay, mọi ánh mắt đang hướng về anh cả Ngô chờ lệnh, cái lệnh đầu tiên mả anh Cả Ngô nói là: “Hãy thả 4 tên du kích ra”. Và chúng đi về phía làng.

    Sau khoảng nửa giờ TT Dương Văn Minh bắt chúng tôi buông súng và cũng là lúc chúng tôi thả những tên du kích đi vào ấp thì những tràng súng đại liên từ trong ấp bắn liên tục vảo vị trí dừng quân của chúng tôi!

    Oan nghiệt! Oan nghiệt thay! Tổng Thống, Tổng Tư Lệnh Tối Cao Quân Đội ra lệnh cho chúng tôi buông súng, rồi chúng tôi tha mạng cho địch quân thì lại là lúc địch quân dương súng bóp cò nhả đạn vào chúng tôi! Kỳ lạ thật! Cầm súng bảo vệ quê hương thì bị thượng cấp bắt vất súng đi! Vì tính nhân bản chúng tôi tha chết cho địch quân thì địch quân bắn giết lại chúng tôi!

    Làm ơn mắc oán, cái oán xảy ra trước mắt là Trung Đội Trưởng Vinh trúng đạn, Vinh gục xuống sát ngay bên cạnh Anh Ngô, Anh vội vuốt mắt cho đàn em trong khoảnh khắc đau thương nghiệt ngã, rồi tới Anh Can. Anh Can nằm bên cạnh tôi vừa nhỏm dậy bắn về phía địch thì bị bắn, té lật ngược về phía sau, viên đạn trúng ngực nhưng không trổ ra đằng lưng. Tôi ra dấu cho Anh Nhì biết là Anh Can bị thương nặng, hai chúng tôi vội choàng vai Anh Can kéo vào chỗ khô ráo thì cũng là lúc Anh Ngô bò đến nắm lấy tay Can bóp mạnh, Anh Can choàng mở mắt thì thào nói:

    -Tôi đau lắm, Trung Tá để tôi nằm lại đây, đừng vì tôi làm chậm bước tiến quân.

    Giọng nói cùa Anh Can lịm dần trong khi tiếng súng tiếp tục vang dội. Lại một lần nữa, người anh Cả vuốt mắt đàn em trong giờ phút đau thương, giờ “thứ 25”:

    -Can! Em đi bình an.

    Mới hôm trước, ngày 29/4, tôi còn chứng kiến Anh Can gần như muốn quỳ nói với Anh Ngô: “Xin Tr/Tá đừng làm chúng tôi sợ”... khiến Anh Ngô sực tỉnh “cơn mê” mà trở về với nhiệm vụ dẫn dắt anh em về chốn bình yên, thì ngày hôm sau, 30/4, Anh Ngô lại phải vuốt mắt Anh Can với lời cầu chúc: “Em đi bình an”!

    Mạng sống là vốn quý nhất mà Thượng Đế ban cho con người, nhưng đời “lính” chúng tôi thì không biết sẽ bị Satan cướp mất lúc nào, ai đi trước, ai đi sau?

    Anh Nhì mở nắp túi áo Anh Can để lấy giấy tờ cần thiết, tiền lương Tháng 4 vẫn còn nguyên vẹn. “Tiền lính tính liền”, nhưng Anh Can chưa có một giây phút nghỉ ngơi để “tính liền” trao tiền cho vợ con. Chị và các cháu đang nóng lòng gặp Anh, nhưng nào hay Anh vừa vĩnh viễn từ giã gia đình và đồng đội!

    Một chi tiết khá đặc biệt tôi cần nên nhắc lại ở đây: Trước đó, trong lúc ngồi chờ tại sân đình An Quới, Anh Can nói với Anh Nhì và chúng tôi:

    -Tao quên lời căn dặn của mẹ tao là trong đời lính, mỗi khi gặp khó khăn thì tới bàn thờ gia tiên mà cầu nguyện, nhưng tao quên.

    Nói xong Anh Can cởi áo giáp ra, gỡ bỏ những lớp chống đạn, chỉ còn lại lớp vải nylon rồi Anh mặc vào. Chúng tôi thắc mắc hỏi thì Anh nói: “Nó nặng quá!”.

    Sau chiến dịch Đồng Khởi, Trung Úy Can Đại Đội Trưởng ĐĐ125 được thăng cấp Đại Úy và về làm Trưởng Ban 3 Chi Khu Trảng Bàng cuối năm 1972, Anh cũng mới tốt nghiệp khóa Bộ Binh Cao Cấp, trong khi chờ lệnh bổ nhiệm đến đơn vị mới với chức vụ quan trọng hơn thì Anh vẫn cần cù với nhiệm vụ Trưởng Ban 3/CK. Anh luôn nhắc nhở chúng tôi:

    -Các anh phải làm đúng và hoàn thành nhiệm vụ, nếu không thì sẽ bị “Ổng*” cạo đầu bằng búa chứ không bằng dao cạo đâu.

    (*Ổng tức là Tr/Tá CKT)

    Lời nói thân tình cũng là lệnh khiến tôi nhớ đến Anh mãi mãi.

    Mãnh Hổ Nan Địch Quần Hồ.

    Sau nhiều giờ chống trả, chúng tôi đã gần như hết đạn. Tiếng súng địch cũng thưa dần và im bặt vào khoảng lúc 4 giờ chiều 30/4. Có lẽ đây là lúc địch chuẩn bị xung phong mà chúng tôi không còn đạn, súng không hữu dụng bằng cây gậy, thôi thì đành nhắm mắt chấp nhận bờ kinh này làm “quê thật”.

    Nhưng từ bìa làng, nhiều đàn bà và phụ nữ mặc áo trắng đi về phía chúng tôi đang ẩn nấp bên bờ kinh, họ bắc loa kêu gọi:

    -“Hàng sống chống chết”

    -Đất nước đã hòa bình, hãy mang vũ khí giao nộp cho chính quyền cách mạng.

    Như vậy VC chưa biết chúng tôi đã hết đạn, chúng cũng không dám xung phong mà dùng những tấm bia là đàn bà trẻ em như cách chúng thường làm.

    Chúng tôi không biết tình hình các đơn vị khác phản ứng như thế nào sau khi TT Minh ra lệnh buông súng, nhưng chúng tôi thì vẫn giữ vững tay súng cho tới khi hết đạn vào lúc 4 giờ chiều ngày 30/4. Trước tình thế tuyệt vọng này, nhiều anh mắt nhìn về người Anh Cả... Tôi thấy Anh Ngô chau mày, lấy tay vuốt mặt như giúp Anh tỉnh cơn mơ, nhưng đây không phải là giấc mơ, mà là một sự thật cần sự quyết định sáng suốt, một quyết định có liên quan đến tính mạng của thuộc cấp.

    Lúc chia tay bà con tại sân đình An Quới, chúng tôi đã hứa là sẽ sớm trở về... Nay thì không thể trở về bằng chiến thắng vinh quang, mà cũng chẳng thể trở về bằng “hòm gỗ cài hoa”, mà sẽ trở về bằng nỗi buồn mất nước hay chẳng bao giờ về cùng với gia đình nữa! Tất cả còn tùy thuộc vào quyết dịnh của người Anh Cả-Trung Tá Chi Khu Trưởng.

    Nếu thân một mình một cõi thì Anh Cả dễ giải quyết như Anh đã có ý định... khi ngồi một mình trong văn phòng quận sau khi nhận lệnh cho CK di tản khiến Đ/Úy Can phải hết lòng can ngăn, nhưng nơi đây, nơi chiến trường vừa bị Tổng Thống bắt buộc buông súng, người Anh Cả nhìn những thằng em ngồi kia chờ chết trong khi cách đó không xa, cha mẹ vợ con các em đang mong ngóng chờ hình bóng người thân yêu trở về từng phút từng giờ sau khi TT Minh tuyên bố đầu hàng...

    Bất chợt tôi thấy Anh Ngô đứng bật dậy, tháo nón sắt, dây đạn và súng vất xuống đất, không nói một lời, Anh từ từ đi ra đám ruộng trống... chúng tôi làm theo Anh...

    Nón sắt, cây súng và đôi giầy là 3 linh vật bất ly thân của người lính mà bây giờ chúng tôi phải tự lột bỏ để trở thành những tên vô dụng “đầu đội trời, chân đạp đất”, trong tay không một tấc sắt, cúi mặt làm theo lệnh của địch quân: xếp hàng phân chia giai cấp, quan theo quan, lính theo lính, đứng đối diện nhìn nhau mà ứa nước mắt, tức muốn trào máu họng, nhưng không thấy Anh Ngô đâu cả? Có tiếng thì thào:

    -Một tên mặc đồ đen, đeo K54 và mấy tên mang AK dẫn Anh Ngô đi rồi...!

    Những thúng cơm, vài chai nước mắm được mang đến bày hàng dài dưới đất, một người đàn ông với lời lẽ nhân nghĩa “Bà Tú-Để”:

    -Đây là cơm của nhân dân, của chính quyền cách mạng mời các anh ăn.

    Một bữa cơm khách được mời nhớ đời, dù đã hơn 50 năm nhưng tôi không quên từng chi tiết nhỏ những lời mắng mỏ của một tên vệ binh đầy luận điệu căm thù:

    -Sĩ quan các anh ăn xong thì đập vỡ chén bát, còn quân lính các anh thì sắp đặt gọn gàng, ngăn nắp.

    Nghe xong, tôi nhìn quanh không thấy một mảnh bát, thì ra ngoài luận điệu căm thù thì còn ẩn chứa âm mưu chia rẽ, vu khống, kết tội những người không tội mà sau này những ai bị đi tù VC đều nghe về chính sách “khoan hồng nhân đạo của cách mạng”:

    “Những bác sĩ, tuyên úy ngụy là những tên nặng tội nhất đối với nhân dân”.

    Trời vừa sụp tối, chúng tôi bị lùa vào sân trường học gần đó để nghe quy định và chính sách “khoan hồng nhân đạo”. Khi hai tiếng “nhân đạo” vừa thoát ra khỏi mồm tên “cách mạng” thì Anh Ngô “được” AK từ sau lưng đẩy tới trước đám đông, tên “cán bộ cấp trên” dõng dạc, dứt khoát chỉ ngón tay trỏ vào Anh Ngô, (anh vẫn mặc quân phục nhưng đầu trần chân đất) nói:

    -Đây là tên Quận Trưởng ác ôn mà cách mạng đã bắt được chiều hôm nay. Tên VC cấp trên này nói không sai, quả thật Ông Quận Ngô là “tên ác ôn” đối với chúng thật sự.

    Ngay từ khi Anh Ngô về nhậm chức Chi Khu Trưởng Quận Trảng Bàng năm 1970, nhận thấy tình trạng an ninh các xã ấp không khá, “ngày là ta, đêm là địch”, nên Anh Ngô đã trình bày ý kiến lên Tiểu Khu Trưởng là Đại Tá Tôn Thất Soạn về việc thành lập “Phân Chi Khu / Cấp Xã” để hỗ̉ trợ cho ban chấp hành xã về mặt quân sự, giữ gìn an ninh địa phương. Ông Tiểu Khu Trưởng đã đồng ý và chuyển kế hoạch này lên QĐ/QK III. Sau đó kế hoạch thành lập Phân Chi Khu đã được Bộ TTM đồng ý và cho thi hành trên toàn quốc kể từ 1973, riêng các Phân Chi Khu ở các quận trong thủ đô Sai gòn thì gọi là “Phường”.

    Ngoài ra, kể từ khi có PCK, thì Ông Quận Ngô và các sĩ quan tham mưu trong BCH/CK không ngủ trong quận về ban đêm mà thay phiên nhau ngủ lưu động khắp các PCK, kết hợp chặt chẽ với các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân Cơ Hữu để phục kích liên tục khắp các địa điểm và truy kích kịp thời. Chi Khu đã tịch thu nhiều súng cối 61 và 82 li, đánh tan lực lựơng địch, dù chúng mới xâm nhập hay là du kích địa phương. Do đó chỉ trong một thời gian ngắn không còn “chuột” phá hoại mùa màng lúa gạo của đồng bào nữa. Vì lẽ đó đồng bào khoái Ông Ngô, còn chuột trù, chuột cống, chuột hôi kết tội Ông Quận Ngô là “ác ôn”.

    Sau đó thì tên “cấp trên” bắt Anh Ngô nói chuyện với chúng tôi... Chúng tôi cố gắng chờ đợi hồi hộp chờ nghe Anh lên tiếng. Sau khi hỏi thăm sức khỏe chúng tôi, anh mở đầu bằng câu:

    -Phía bên kia...

    Anh mới chỉ nói được 3 tiếng: “Phía bên kia” thì một tiếng hét to:

    -Đến giờ nầy mà chúng bây còn nói vậy? Các đồng chí cho tôi “lãnh” nó.

    Ai cũng nhận ra ý định của tên cách mạng AK này muốn “lãnh”, tức muốn bắn Anh Ngô tại chỗ, nhưng một người nữ, có vẻ là cấp trên, lên tiếng:

    -Đồng chí làm vậy là sai chính sách... thủ trưởng cần khai thác tận gốc rễ...

    À thì ra thế, chúng chưa muốn “thịt” Anh Ngô ngay mà muốn để sau này khai thác thêm. Anh Ngô không được nói nữa, mà bị AK dẫn đi ngay, còn chúng tôi thì bị lùa vào các phòng học, cửa đóng then cài, vòng ngoài có AK lưỡi lê bảo vệ an ninh.

    Trời tháng 5 nóng chảy mỡ, mấy chục con người chen chúc trong một phòng học đóng kín cửa làm chúng tôi cảm nhận được ngay câu nói của “baác*”:

    -Không gì quý hơn độc lập tự do” (* đọc là ba ác).

    Trong đêm đó, chúng tôi lo cho số phận của Anh Cả Ngô nên chẳng mấy ai nhắm mắt mà chỉ nghe những tiếng thở dài. Gần sáng, bóng đen đứng trước cửa ra lệnh:

    -Tất cả thức dậy, tập họp có lệnh hành quân.

    Ba chữ “lệnh hành quân” nghe quen quá, vui quá, nhưng nay đã đổi đời, chúng tôi không còn nhận lệnh hành quân của Anh Cả Ngô nữa mà là lệnh VC hành hạ đám quân nhân thua cuộc chúng tôi. Tất cả tập họp trong sân, AK dẫn Anh Ngô tới...

    Chúng tôi đi theo lộ trình ngang qua BCH Tiểu Khu! Đây là một âm mưu cay độc của “kẻ thắng trận” khiến chúng tôi vô cùng xúc động, bủn rủn chân tay khi đi xuyên qua Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Hậu Nghĩa! Đại Tá Tiểu Khu Trưởng Saigon cùng Ban Tham Mưu TK của chúng tôi có còn trong đó hay bây giờ ở đâu? (Saigon là ám danh đàm thoại của Đại Tá Soạn).

    Trời mờ sáng, sương mù che phủ như một màn tang thương. Nhìn hai bên đường, nhà nhà hé cửa, thấp thoáng bóng người dân Hậu Nghĩa nhìn theo khiến chúng tôi quặn đau thắt ruột.

    Rạng sáng chúng tôi dừng quân bên trường học mà có anh em nhận ra đó là trường Giồng Giáng. Điều làm chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và cảm động là người dân trong vùng đã đem thức ăn, nước uống đến để dài dọc theo hàng rào trước sân trường. Tình cảm của bà con dành cho chúng tôi khiến chúng tôi ứa nước mắt và xấu hổ vì đã không bảo vệ được dân. Khoảng 9 giờ sáng, AK dẫn thêm một người mặc quần áo lính vào sân trường, tôi nhận ra đó là Anh Bảy Cao.

    Tôi biết Anh Bảy Cao từ năm 1972 khi TĐ 305ĐPQ của Anh được tăng phái cho CK Trảng Bàng. Tiểu Đoàn của Anh được giao trách nhiệm an ninh lãnh thổ trong vùng “Đồng Chó Ngáp”, nơi tiếp giáp CK Khiêm Hanh (Tây Ninh), để chận đường tiếp tế của VC.

    Một đêm nọ BCH/CK Trảng Bàng bị pháo kích, các trung đội Nghĩa Quân xác định hướng pháo của địch nằm về phía chùa Bảo Lớn trong Đồng Chó Ngáp. CKT có mặt tại TTHQ liền liên lạc với Bảy Cao, thẩm quyền TĐ305 để tìm hiểu tình hình.

    Sáng sớm hôm sau, văn phòng quận chưa mở cửa thì từ ngoài cổng, Nghĩa Quân đã báo vào có nhà sư chùa Bảo Lớn muốn gặp Ông Quận. Dù còn sớm nhưng “Ông Quận” vốn làm việc 24/24, nhất là khách đến bất ngờ lại là một vị sư thì ắt có chuyện quan trọng liên quan tới pháo kích trong đêm, nên Ông Quận tiếp khách ngay.

    Khi ông sư ra về, CKT cho mời Thẩm Quyền TĐ305 về họp tại TTHQ. Tôi gặp Đ/Úy Bảy Cao đi cùng với Tr/Úy Phước về họp. Sau buổi họp ngắn ngủi với CKT, Đ/Úy Cao cho tôi biết là ông sư đến “mét”với CKT là lính đến la hét bắt ông sư mở cửa chùa khám xét vào lúc nửa đêm và còn hạch hỏi tên ông sư nên CKT muốn biết sự thực có đúng vậy không, nếu có thì “thằng con” nào của 305. Anh Cao nói tiếp:

    -Thực ra chỉ có tao và Tr/Úy Phước đến xin gặp nhà sư trong đêm lúc CK bị pháo kích từ hướng chùa, mà chùa nằm trong vùng trách nhiệm của tao, chứ có lính tráng nào la hét hạch hỏi như lời bịa đặt của ông sư đâu. Nhưng chuyện thật vui “cháy nhà lòi mặt chuột”, trong khi Đ/Úy Cao và Tr/Úy Phước về trình diện CKT vì ông sư chùa Bảo Lớn “mét bu” thì cũng là lúc lính Trinh Sát và TĐ305 hành quân lục soát đã tìm được cây súng cối 82 ly dấu trong ruộng lúa gần chùa, từ đó không còn nghe pháo kích nữa. Từ đó Đ/Úy Bảy Cao mang biệt danh “Bảy Cao Vùng Vịnh Bảo Lớn”.

    Từ ngày Anh Ngô về làm CKT cùng với được tiếp sức của Bảy Cao, đêm nào các anh cũng “ngủ bờ ngủ bụi” nên pháo lớn pháo nhỏ nào cũng bị quân dân CK Trảng Bàng tóm gọn.

    Đoàn 51 Vào Tù Trên Đất Chùa Tháp.

    Ngày 1 tháng 5, tại trường Giồng Giáng, VC dẫn 1 thanh niên ăn mặc rất chỉnh tề, hớt tóc cao, đẹp trai cho nhập vào đoàn tù chúng tôi gồm 49 người. Chàng thanh niên này là người thứ 50. Thoạt đầu chúng tôi e ngại người xa lạ này nên không bắt chuyện. Có lẽ hiểu được tâm trạng nghi ngờ của chúng tôi nên anh vui vẻ hỏi thăm và tự giới thiệu anh là Thiếu Úy Nguyễn Thành Thi, sĩ quan Pilot vừa mãn khóa học lái máy bay phản lực A.37 tại Mỹ, về phép thăm gia đình tại Bào Trai, Hậu Nghĩa thì bị kẹt lại nên anh bị bắt nhập chung vào đoàn chúng tôi. Hiện nay ở hải ngoại Anh Thi thường xuyên hợp tác, sinh hoạt với gia đình Hậu Nghĩa.

    Sau Th/Úy Thi, VC lại áp giải Đại Úy Đỗ Bảy (tự Bảy Cao) nhập đoàn, Đ/Úy Cao là người thứ 51 nên Anh Cả Ngô đặt cho đoàn chúng tôi cái tên là “Đoàn 51” (trùng hợp bị bắt vào ngày 1/5).

    Sáng 3/5, Đoàn 51 chúng tôi được thông báo thật sớm, nhận 7 ngày lương thực và 1 nắm cơm vắt ăn trong ngày rồi chuẩn bị “hành quân”. Tờ mờ sáng chúng tôi nối đuôi nhau đi theo một hàng dọc, hai bên hông trái phải đều có đầu súng AK gắn lưỡi lê giữ gìn an ninh, mà theo lời “cán bộ” là để nhân dân khỏi “hành hạ” các anh!

    Khi đi ngang qua BCH/TK hướng về Tân Mỹ, Lộc Giang, chân chúng tôi như muốn bám chặt vào đất Hậu Nghĩa, đầu trần tưởng như trời thấp đến gần. Dọc đường từ Hậu Nghĩa đến Tân Mỹ, có những người dân đạp xe đạp chạy theo Đoàn 51 tiếp tế cho chúng tôi xôi bắp, mì gói, dép cao su, thuốc cảm, nón lá v.v.. thật là vượt quá sức tưởng tượng của chúng tôi về những tấm chân tình của dân Hậu Nghĩa, của người Bào Trai, trong đó có những người mà chúng tôi chưa biết, chưa gặp bao giờ.

    Chúng tôi được phà đưa qua sông Vàm Cỏ Đông, tiếp tục “hành” quân. Trời sập tối thì tới Trà Cao. Nhóm tôi “được bố trí” vào cái chuồng trâu kèm theo lệnh của AK.

    -Cấm quan hệ với bất cứ ai.

    Chúng tôi ngồi dựa lưng vào nhau, mùi phân trâu, muỗi trâu và “cách mạng” quấy rầy nên dù mệt lã người chúng tôi không ai nhắm mắt được. Nửa đêm, một bà cụ già xách đèn dầu, đi đến chuồng trâu, tay xoa đầu tôi và mấy người ngồi sát hàng rào, giọng cụ thì thào nói nhỏ:

    -Tội nghiệp quá mấy con, các con có đứa nào là lính của Ông Quận Ngô không? Nghe nói ổng dẫn quân vào mật khu...

    Tôi giật mình hỏi lại:

    -Sao bác biết?

    Bà cụ đáp:

    -Bác có mấy thằng cháu đi lính Xây Dựng Nông Thôn ở Quận Trảng Bàng. Đây là Trà Cao, nhà này là nhà của gia đình bác...

    Bà cụ chưa trả lời câu hỏi của tôi: “Sao bác biết?” thì một tên vệ binh cầm súng AK đến quát:

    -Má đi ngủ đi, đừng quan hệ với bọn ngụy quân này.

    Bà cụ vội quay đi nhưng không quên nói nhỏ:

    -Các con ráng giữ sức khỏe. Nhìn theo ánh đèn dầu dần khuất sau lùm cây mà lòng tôi quặn lên nỗi nhớ đến mẹ già ở một nơi nào đó hẳn cũng đang rối bời vì không biết các con của cụ đang phiêu bạt lưu đày nơi nao! Không chỉ có tin đồn “Ông Quận Ngô dẫn lính vào mật khu” như cụ bà gìa quê Hậu Nghĩa nghe được mà sau này tôi mới biết cùng thời điểm đó cũng đã có nhiều tin đồn ông này ông kia đem quân vô rừng, vô bưng tiếp tục chiến đấu! Những tin đồn này không biết xuất phát từ đâu, với mục đích gì nhưng rõ ràng đã đem lại cho tôi một niềm an ủi, sự thương mến của người dân, của bà cụ già tin là Ông Quận Ngô, quân dân Hậu Nghĩa, Trảng Bàng chưa thua cuộc, chưa buông xuôi vẫn tiếp tục chiến đấu với niềm hy vọng. Thực tế đã có những toán quân bất tuân thượng lệnh “buông súng” của TT mà đi vào “nơi gió cát” tiếp tục cuộc chiến. Nhưng vận nước đổi thay, không thể xoay chuyển thời thế nên nhiều anh hùng đã trở về với cát bụi nơi núi cả rừng sâu!

    Trà Cao là điểm khởi đầu cho những ngày đi đêm nghỉ kế tiếp. Những đôi dép cao su rách tơi tả, chân mềm đá cứng nên nhiều anh em chúng tôi phải xé quần trận mà bó vào chân để tiếp tục đi xuyên qua các rừng cỏ tranh, rừng cây cổ thụ bị bỏ bom cháy cây khô trơ cành.

    Bước sang ngày Thứ Tư thì chúng tôi bị sỉ vả là không còn chấp hành đúng quy định hành quân, đi rời rạc, quan hệ bất chánh với dân đi đường. Mặc cho tiếng “vệ binh” thúc dục: “Khẩn trương lên”, nhưng chúng tôi quá mệt mỏi, nằm ngồi lăn ra bên đường, quả thật lúc này mà lãnh một tràng AK thì có lẽ còn dễ thở hơn.

    Chúng tôi ngồi nghỉ thì thấy toán đi sau cũng lê lết tới gần, tôi nhận ra có Anh Ngô trong toán đó và rồi bất chấp lệnh “khẩn trương”, Anh Ngô ngồi lại với chúng tôi bên vệ đường, lập tức một tên vệ binh xăm xăm đi tới chỗ Anh Ngô:

    -Nếu anh rời toán, tôi sẽ “để” anh ở lại đây.

    Ngay lúc đó có chiếc xe bò lạch cạch đi tới, tên vệ binh chận lại và bắt Anh Ngô lên xe bò ngồi. Chẳng phải vì thương Anh Ngô mà vì lệnh hắn phải giữ và bàn giao Anh Ngô cho cấp cao hơn. Thấy vậy một anh trong nhóm tôi khôi hài:

    -Xưa Ông Quận có xe jeep, nay vô tù vẫn còn có xe bò chở, có vệ binh bảo vệ như bảo vệ yếu nhân... quả thật Anh Ngô đang là người yếu nhất trong đoàn 51

    Tiếng cười rộ lên trong đoàn khiến tên vệ binh bực mình quát:

    -Các anh cười cái “rì” thế?

    Đoàn chúng tôi ngày đi đêm nghỉ bước sang ngày thứ 6 thì dừng quân nơi rừng sâu có vài ba cái nhà nhỏ, mái lợp bằng lá màu nâu to bằng bàn tay, nền nhà là những hầm trú ẩn kiên cố. Vệ binh bảo:

    - Đây là “cứ”, mái lợp lá “trung quân”, loại lá chống được bom xăng, không cháy.

    Nghe vệ binh “nổ” rằng lá trung quân lợp mái nhà chống được bom săng, không cháy, khiến tôi đang buồn thúi ruột mà cũng phải bịt miệng cười, đúng là “buồn cười”. Đảng dạy như thế thì vệ binh tin là thế, y hệt sau này còn nghe vệ binh khoe:

    - Phi cơ Mig của Bắc Việt nằm phục kích trên mây nên đã diệt hết giặc lái và B52 của giặc Mỹ.

    Khu rừng chúng tôi nghỉ đêm có những cây giống như cây dừa, cây cau, cao chót vót, nhiều anh em nhận ra đó là cây thốt nốt, như vậy là chúng tôi đã vào lãnh thổ Miên. “Cán bộ cấp cao bảo”:

    -Đây là điểm cuối cùng hành quân, các anh được bố trí nơi đây. Thế là đoàn 51, sau 7 ngày hành quân, bị lưu đày nơi đất Chùa Tháp.

    ***

    Dù đã 43 năm qua đi (1975-2018), nhưng khúc quanh nghiệt ngã trong đời lính chiến vẫn hằn in trong đầu chúng ta, muốn nói ra thì “ấp úng”, còn viết thì lúng túng như thợ vụng mất kim. Nhưng những ân tình Quân Dân Hậu Nghĩa ngày càng có “hậu”, tràn đầy tình nghĩa anh chị em như trong một đại gia đình, vì vậy, dù có vụng, Mầu tôi xin cố gắng một lần ghi lại, tuy còn nhiều thiếu sót. Chưa viết hết được những điều muốn nói, nếu còn thiếu sót thì xin quý niên trưởng và bà con đồng hương Hậu Nghĩa sửa chữa bổ túc để gọi là một chút kỷ niệm với quê hương Hậu Nghĩa Xuân Mậu Tuất, trước nhất:

    -Xin kính dâng nén hương lòng lên các anh linh tử sĩ Quân Dân Cán Chính Tỉnh Hậu Nghĩa, nói chung, Quận Trảng Bàng, nói riêng. Quý vị đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ quê hương Hậu Nghĩa, tử nạn trên bước đường di tản và trong ngục tù CS.

    -Xin đa tạ tấm lòng bà con Hậu Nghĩa đã dành cho anh em quân nhân chúng tôi, suốt trong cuộc chiến và ngày nay trên bước đường tỵ nạn, những cảm tình chân thành như cùng trong một đại gia đình tỵ nạn CS.

    Trước thềm năm mới, tôi xin kính chúc quý bà con cô bác, quý niên trưởng cùng đồng đội trong đại gia đình Hậu Nghĩa bình an mạnh khỏe để một ngày mai trở về Trảng Bàng, Hậu Nghĩa ./.



    * Ông phó Đức Cảnh đã tử nạn trên đường vượt biên sau khi đi tù về.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X