Thông báo

Collapse
No announcement yet.

QUÊ MẸ QUÊ NGƯỜI - Trà Khan

Collapse
X

QUÊ MẸ QUÊ NGƯỜI - Trà Khan

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • QUÊ MẸ QUÊ NGƯỜI - Trà Khan

    Xuân về trên đất khách, đầu năm con khai bút viết thăm mẹ.
    Mẹ ơi, sau một quãng đời chân không bén đất, mẹ vất vả trên nương dưới rẫy tảo tần nuôi con. Thời đại bi phẫn nơi mùa Xuân 75, mẹ đã an thân trở về với cát bụi. Con nhớ thương mẹ, thương nhớ mẹ nhất đời, Hôm nay Xuân về con viết lời này kính dâng mẹ và quê hương.
    Mẹ! Ðã 43 mùa xuân trôi qua, là hơn 12 triệu nghìn ngày, ngoài kia trời đang mưa, hay lòng con đang mưa, những giọt mưa thánh thót rơi đều đều trên mái, lướt thướt từng giọt mưa lã chã, đó là hình ảnh từng quãng đời thương khó mẹ dành cho con. Thế mà con cứ tưởng nó chỉ là một khoảng cách, vì niềm đau và tuổi nhục cứ mãi mãi bên con, vết thương vẫn còn âm ỉ rướm máu chưa lành, hình ảnh trên quê hương con, vẫn còn bất công và áp bức càng ngày càng khốc liệt hơn, con kể sao hết được.
    Quá khứ một kiếp người bất hạnh, trở về bồi hồi trong tim con, niềm đau trong đêm vắng, như khúc gọi của hồn thiên sông núi, qua lời ca tiếng hát “chúng đi buôn, buôn cả giang sơn” trước mặt con là cuộn phim bi phẫn quay chậm, đang hiện về trước mặt con, như một bi kịch bản, khó tin nhưng có thật, đã đưa đẩy quê hương và tổ quốc con, đến trăm lối rẽ nghìn khúc quanh không vừa ý.
    Trải bao biển dâu thử thách, hai chữ mẹ và quê hương vẫn mãi trong lòng con, không một ai có quyền đổi chác hay bán buôn. Nơi đó con đã cất tiếng khóc chào đời, ấm êm vui sướng bên mẹ. Còn mẹ, là còn tình sông núi, mẹ mất rồi sông núi cũng ngả nghiêng. Mẹ ơi! Con thấm thía kiếp nhục vinh khi ở xứ người, vì hai chữ tư do. Dư âm, con vẫn còn nghe những lời ru của mẹ từ thuở nằm nôi, đến lúc lớn khôn mẹ dặn “đừng buồn khi lúc tay còn trắng tay, đức tính con người là lương thiện, đừng để cái tôi cho thời thế, vì thời thế nào cũng bắt nguồn từ con người”.
    Thưa mẹ! Quê hương VN giờ có rất nhiều kẻ sang giàu đầy dẫy quyền bính, đặc quyền, đặc lợi, nhận lãnh những tấm huy chương, bằng khen tặng, treo đầy vách để chật nhà, là kết quả của sự bạo hành cưỡng ép gắp lửa bỏ vào tay người mà ra.
    Nơi tha hương con đang sống, là một đất nước sang giàu hùng vĩ nhất thế giới, nhưng! đó không phải là người tình trăm năm của con. Vì không nơi nào đẹp bằng quê hương của con trước 75.
    Bốn mươi ba năm trôi qua. Xuân đến, Xuân đi, rồi Xuân lại tới, con mang nặng đời cô lữ, như kẻ đêm đông không nhà, “muốn đốt sầu, nhưng con không tìm ra lửa” bởi con chưa nhận rõ được, đâu là ánh lửa thật sự, và đâu là tia sáng “ma trơi” ở con đom đóm giữa đêm đen. Tia sáng lập lòe vụt sáng vụt tắt ấy, không đủ rọi và dẫn đường để cho con tìm được một lối đi đúng nghĩa. Hằng đêm suy nghĩ, con dám đâu “múa rìu qua mắt thợ” vì ý nghĩ con quá mộc mạc, con mong mọi người, mọi giới, mọi cấp, rộng lòng khoan dung.
    Mẹ! Quê hương mình có Ðồng Tháp được nổi tiếng là “ruộng cò bay thẳng cánh, cho chạy bại đùi” sao chưa làm nên được một chén cơm ngon! Tổ Tiên ta nghìn đời chống ngoại xâm, xương đã rơi chất thành lũy, máu đã đổ thành sông bồi đáp giang sơn, thế mà đến nay, chưa có một ngày dân tộc mình được tự do!
    Nơi tha hương, con cảm thấy như người “phân thân” nửa thương quê mẹ nửa lo quê người, cả đời con chỉ còn một bài tính “cọng trừ” đối với người đời chỉ dành cho kẻ học AB, với con thì có trăm lần tính, đến nghìn lần sai, và chỉ còn duy nhất một ước mơ, nhưng ước mơ cũng bị đánh mất.
    Quê hương mình, chinh chiến vừa chấm dứt, khi vừa ra khỏi cửa, là gặp mặt anh hùng, anh hùng nhiều như hạt cát trên sa mạc. Giờ thì tiến bộ hơn 43 năm trước, anh hùng giấu mặt, chỉ còn thấy đâu đâu cũng có “côn đồ.” với bè lũ cướp đêm rồi cướp ngày Và mọi người dân bước đi dưới tấm bản chỉ đường của “đỉnh cao trí tuệ nhất của loài người.” Bước ra khỏi nhà là gặp vô số tiến sĩ, tướng tá đông hơn lính, và cùng nhịp nhàng với loại “ném đá giấu tay.”
    Người lớn tuổi đáng bác, đáng cha ông, đã từ từ đi vào nơi yên nghỉ, chỉ có lác đác xuất hiện bên khay cờ tướng hay bên ấm trà cùng nhau bàn bạc thế sự thăng trầm. Song, trên toàn cõi quê hương nước Việt, đâu đâu con cũng thấy toàn là “Các Chú” hiện diện từ Bắc vô Nam..
    Mẹ ơi! Có nơi nào đẹp bằng quê hương nơi con sinh ra, và có đêm nào đẹp và hạnh phúc bằng đêm 30 Tết. Con nhớ mẹ vô cùng. Mỗi lần Tết đến “tình yêu quê hương nảy sinh trong lòng người, nó là tâm tình sâu thẳm được nuôi dưỡng bằng lịch sử của quá khứ, và kỷ niệm của cuộc sống cá nhân, nơi đó tập trung những gì ta đã thấy, ta đã làm, và đã sống từ những ngày lành của tuổi ấu thơ, đến những xao động của thời lão thành, và viễn tượng của mồ mả ông cha” Lacordaire nói.
    Tình yêu của những ai bỏ nước ra đi, có cùng một nghĩa, là những người cùng chung chí hướng, có cùng một phẩm chất tương đồng, cùng nhìn về một hướng, và cùng chung một lối đi về, đó là tình yêu Tổ Quốc và dân tộc. Dù phải sống trôi chảy theo thời, nương tựa xứ người, như người đi trong đêm tối, không biết đâu là nhà. Nhưng, không như ngọn cỏ theo gió. Thế mà! lòng người viễn xứ nơi đây, đổi thay như tiết trời sớm nắng chiều mưa.
    Tiền tài là chỗ dựa đã làm lòng người sa ngã, sắc đẹp là chỗ rẽ của tình yêu, đời đổi thay phát xuất từ nơi ấy mà ra. Thời đại của chân đất, dép lốp, dép da, giày ống thịnh hành, trắng đen pha trộn, v.v. Kẻ nào muốn sang giàu phải mang “nhãn hiệu nhân dân.” Danh xưng nầy chẳng mới lạ, nó đã có từ nhiều thập kỷ về trước, bởi lẽ muốn có cuộc sống sang giàu, và muốn được tiến thân, quyền cao chức trọng thì phải mang cái nhãn hiệu “nhân dân” để có thế đứng bền vững. Loại người kể trên cũng đáng sợ, nhưng con không sợ bằng, và sợ nhất là loại người “đầy tớ của nhân dân.”
    Dù đường đời có trăm lối đi, nghìn lối rẽ, lòng con, vẫn mãi là những đóa hoa sen “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.”
    Khi nghĩ về Mẹ và Quê Hương, dòng sông hai màu không còn ngăn cách đôi bơ. “Nước Nam của người Việt Nam” nay không còn! Song, dòng sông ý thức hệ vẫn mãi mãi chia phôi “người ngăn cách người” có chung một tiên tổ, có chung dòng máu Lạc Hồng, càng chia phôi khắc nghiệt hơn bao giờ hết.
    Quê hương đã cạn nước, thiếu tình sông núi. Những người con xa Tổ Quốc như con thuyền nằm nơi bến khô chờ nước! Trên quê mẹ, kẻ thắng cuộc, họ không cho dân mình đứng thẳng, và được hãnh diện với lịch sử nghìn đời của tổ tiên ta chống quân Mông Nguyên xâm lược. Ai đã chém Liễu Thăng, Sầm Nghi Ðống. Ô Mã Nhi, v.v. Những địa danh lẫy lừng từ Bạch Ðằng Giang, đến Gò Ðống Ða, và nhiều địa danh hiển hách khác sao kể xiết. Những kẻ thắng cuộc muốn dân tộc ta lãng quên không ngoài mục đích là họ muốn làm vừa lòng “Các Chú” Bắc Phương.
    Công me, nhẫn nhục kiếm sống giữa dòng chảy Nhục Vinh, để mẹ gạn đục lấy trong, bằng tấm lòng chân - phước của người Việt Nam có lòng bổn thiện “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” mẹ dọn đường cho cháu con thuộc thế hệ mai sau.
    “Hột muối chia hai, cục đường lủm mất” nói và làm hai việc khác nhau, Thế nên, “có đắp chăn mới biết chăn có rận.” Lắm lúc không đắp chăn nhưng vẫn biết chăn có rận, thời đại điện toán hôm nay chỉ cần một nút bấm, là ai cũng thể hiểu và biết tất cả những dối trá gian manh. Con xin một ai đó “đừng lấy thúng úp voi” Hoàng cao Khải, Nguyễn Thân, Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc, đang tái xuất trên quê hương nước Việt, nay đã từ từ lột trần mặt nạ.
    Tết đến rồi, Tháng Tư lại về là nỗi buồn chung của kẻ mất quê hương. “Nước mất, là tất cả đều mất.” “Còn quê hương là còn cơm ngon, còn quê hương là còn danh thơm, và còn tất cả những gì ta thiết tha,” tiếng hát lời ca ấy vẫn mãi mãi trong con, như một lời nhắn nhủ.
    Ðường đời không còn đầy hương thơm, lối cũ thêm nhạt nhòa bởi rêu phong, lớp lớp chồng chất lên nhau bằng những niềm đau năm tháng. Những người thân yêu của con trước đây, giờ chẳng thuộc về một ai nữa, đã xa rồi! và mất hết rồi!
    Tình nước, tình quê, tình người, chỉ một dòng rạch nhỏ cũng ngăn cách con về phía hai bờ, như lời thơ của Lý Ðông A “cách dòng nước, ta là người mất nước. Non nước ta ai ngăn trở về ta.” Con cảm thấy giá buốt như cây mùa đông trụi lá. Thế mà con đã lầm, ảo ảnh ấy vẫn còn nguyên!
    Xin mẹ, cho con được phép chấm dứt lá thư. Con cúi xin lạy mẹ, bằng mượn một phần, từ lời thư trong ngục tù CS, của cố Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận để làm lời kết.


    “Con Có Một Tổ Quốc, Nước Việt Nam.
    Con phục vụ hết tâm hồn.
    Con trung thành hết nhiệt huyết.
    Con bảo vệ bằng xương máu.
    Con xây dựng bằng tim óc.
    Vui niềm vui của đồng bào.
    Buồn nỗi buồn của dân tộc.
    Con có một Tổ Quốc, nước Việt Nam.”


    (Viết từ miền đất tha hương)
    Trà Khan.
    (Peter Nguyen chuyển)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X