Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Xem cho . . . biết - Chèm nhẹp xứ Putin

Collapse
X

Xem cho . . . biết - Chèm nhẹp xứ Putin

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Xem cho . . . biết - Chèm nhẹp xứ Putin

    Về một chuyến đi Nga

    Đinh Quang Anh Thái

    I. AEROFLOT: Một lần cho biết

    Trên suốt chuyến bay của hãng Hàng Không Nga Aeroflot từ Paris đến Mockba (Moscow), tôi ngồi cạnh Janna. Menshikova Janna, một cô gái Nga tóc vàng, mắt xanh, nói tiếng Anh lưu loát. Thật ra tôi chỉ ý thức sự hiện diện của Janna lúc máy bay bình phi. Từ lúc đặt chân vào tới lúc phi cơ cất cánh, tôi mãi sợ. Thảm lót sàn rách nát, có chỗ cộm lên từng cục, nhất là ngay cửa vào, chỗ để mấy xe thức ăn, thảm rách được lấp liếm qua loa như một đống giẻ dơ bẩn khiến tôi suýt vấp ngã. Chưa hết, chỗ để hành lý trên đầu hành khách không có nắp đậy an toàn, nó chỉ là một loại kệ chạy dài gắn vào thân phi cơ. Lạy Tời, lúc đáp, tôi nói thầm.

    “Ðó là cái giá cậu phải trả cho việc thăm địa ngục, thiên đàng rẻ hơn nhiều,” anh bạn hôm chở tôi đi xin visa và lấy vé tại Paris đã nói với tôi như vậy.

    780 US dollar vé khứ hồi Paris-Mockba, 250 dollar một đêm tại khách sạn 4 sao Intourist, 40 dollar thủ tục xin visa. Ðặt phòng tại Intourist là điều kiện bắt buộc để xin chiếu khán. Người ta viện cớ công an tại đó làm việc thường trực nên tiện cho việc đóng dấu lưu trú. Một hình thức “đăng ký hộ khẩu.” 250 dollar, vị chi 25 tháng lương của công nhân Nga cho một đêm tại “trái tim” Liên Xô cũ. Cái giá phải trả cho một người mang quốc tịch của xứ tư bản “giãy chết.”

    Chiếc phản lực 2 máy, TU151 đầy hành khách, đa số người Nga, một ít người da trắng có lẽ là Mỹ hoặc Pháp, một vài người Nhật. Tôi phân biệt điều này nhờ lối ăn mặc và cách nói chuyện. Người Nga hoặc áo lông, áo da, ồn ào, đi lại luôn. Những người khác mặc vest, trao đổi kín đáo.

    Không một lời loan báo, phi cơ rú lên từng chập rồi cất cánh.

    “Chắc lần đầu anh đi máy bay Nga,” một giọng nữ rót vào tai tôi. Quay sang, cô gái tóc vàng ngắn, mắt xanh, mặc bộ đồ nâu đang nhìn tôi như chế giễu. Trông cô bình thản đến độ tôi phát thẹn với nỗi lo sợ của mình.

    “Vâng, sao cô biết?” tôi nhát gừng.

    “Gương mặt anh tố cáo điều đó,” cô cười, hơi thở thơm chi lạ, một thứ mùi sữa trộn ít vị đắng của thuốc lá. “Tôi quen rồi,” cô tiếp, “như thế này đối với tôi là nhất. Tôi thường chỉ bay trong nội địa, đây cũng là lần đầu tôi ra khỏi nước và trở về.”

    Sau đó tôi biết tên cô là Menshikova Janna, làm về tin học cho một hãng Nga có liên lạc buôn bán với Pháp, và cô trở về sau 3 tuần công tác ở Paris.

    Thấy tôi chỉ uống tí café mà không ăn, Janna nhỏ nhẹ, “anh ăn đi, Mockba chẳng có gì đâu.” Nhiều người cũng nói với tôi như thế, thậm chí còn có người khuyên nên mang theo mì gói đủ cho thời gian ở Nga. Thức ăn không đến nỗi tệ, Janna ăn hết phần của cô. “Anh nên nhớ đây là mua ở Pháp, lúc bay trở lại từ Mockba, anh sẽ thấy khác hẳn,” cô nói, “tệ hơn nhiều lắm.”

    Nhiệt độ trong máy bay mỗi lúc một nóng, tôi có cảm giác ngồi cạnh một lò lửa, dĩ nhiên cô gái Nga bên cạnh đã là một thứ lửa rồi. Ðúng là chơi dại, mùa Ðông nước Nga đã hại tôi. Trang bị đến tận răng, quần áo trong, quần áo ngoài, chân đi hai đôi tất len, còn lại đi giầy bốt cao cổ, mồ hôi tôi bắt đầu rịn ra ướt cả người.

    “Thích chứ anh,” Janna trả lời câu tôi hỏi, “sự thay đổi ở nước tôi là một điều tốt, mọi việc thoải mái hơn trước nhiều, bằng chứng là tôi có thể đi đây đó, ngay cả đi nước ngoài. Kinh tế à, khó khăn hơn trước nhưng chúng tôi chấp nhận. Ông Yeltsin thì tôi nghĩ khó ngồi lâu nếu không ổn định sớm tình hình, giá là ông Gorbachev thì chắc tốt hơn. Tôi tin là nhiều người Nga thích ông Gorbachev hơn..”

    “Có bao giờ cô gặp người Việt Nam ở Nga chưa?”

    Vô tình, Janna tạt vào mặt tôi, “Có chứ, chẳng có gì tốt đẹp về họ cả, buôn chui bán lận, gấu ó lẫn nhau là tất cả chuyện về họ.”

    Tôi bị thương tổn như chính mình bị chỉ trích. Im lặng một hồi lâu, tôi hỏi Janna, “Cô có biết, tôi cũng là người Việt?”

    “Ồ, xin lỗi anh,” Janna lúng túng, “tôi tưởng anh là người Nhật. Ðiều hồi nãy tôi nói không có gì là tuyệt đối. Dĩ nhiên, tôi vẫn tin họ có người tốt.”

    Người Nhật! Hai tuần lễ trước ở Tiệp Khắc, một người bản xứ cũng hỏi tôi như thế! Hình như đối với nhiều nước, một người Á Châu thong dong đây đó thì chỉ có nghĩa họ là người Nhật.

    Câu chuyện về đồng bào tôi bên Nga vô tình khiến cả hai chúng tôi không ai nói với ai câu nào một hồi lâu. Anh bạn đi cùng không chịu được khói thuốc, ngồi cách tôi sáu hàng ghế đang ngủ ngon lành. Tôi nhìn đồng hồ, 4 giờ 10. Bay 3 tiếng rưỡi, hai thủ đô cách nhau hai múi giờ, phi cơ sẽ đáp lúc 7 giờ Mockba.

    “Anh buộc dây lưng vào, phi cơ sắp đáp đấy, chẳng ai nhắc và loan báo đâu,” Janna dịu dàng, “còn điều này nữa, cẩn thận những thứ trên đầu.”

    Tôi thầm cám ơn Janna. Phi cơ giảm cao độ, nhiệt độ nóng dữ dội và quả tình, không một lời loan báo, phi cơ đáp. Tôi không tin mắt tôi nữa, ngoại trừ những túi xách lớn vừa khít từ trần phi cơ xuống đến tấm kệ, những túi nhỏ là vật dụng như cặp táp, nón áo đổ ào xuống đầu hành khách. Một vài hàng ghế trống ngã gập về phía trước. Lúng túng đến thảm hại là một người Á Ðông (chắc là người Nhật) ngồi cách tôi ba hàng ghế phía trái, anh đang cuống cuồng lượm những tấm hình rớt ra từ một túi nylon đổ xuống từ trên đầu. Những hành khách khác bình thản... như hơi thở thu lượm mọi thứ trên sàn. Janna chìa tay ra bắt tay tôi, dù sao đi nữa. Welcome to Mockba.

    II. Intourist Motel: Có tiền mua tiên... thì được; thực phẩm..thì không

    Sau khi đưa passport cho nhân viên khách sạn làm thủ tục đăng ký công an, Bằng, Toàn và tôi lên phòng thay quần áo. Từ cửa sổ tầng 20 của khách sạn, thủ đô Mockba chìm trong tuyết. Ánh đèn vàng bệch của thành phố kèm chút sáng trăng giúp tôi nhận ra vị trí Quảng Trường Ðỏ, lặng lờ, quạnh quẽ cách khách sạn khoảng 200 thước. Như vậy chúng tôi đang ở trung tâm của Mockba.

    “Chỉ có café, bia, nước ngọt, không có gì ăn cả,” người phục vụ tại quán ăn của khách sạn tỉnh queo trả lời tôi.

    Oh! My God! Cái gì, khách sạn quốc tế 4 sao giữa thủ đô mới 8 giờ 30 tối đã không còn gì ăn. Bằng và tôi ngán ngẩm nghĩ tới 5 ngày còn lại. Thấy quan tài rồi bạn ta ơi!

    “Cơ bản là thế đấy anh ạ,” Toàn điềm nhiên như không, “bây giờ ngoài phố cũng chẳng đào đâu ra cái ăn, tối nay ta khắc phục vậy, mai em sẽ làm việc.”

    Ba tách café đen nhỏ 11 dollars, tôi lại nhớ tới câu “giá của địa ngục.” Mấy bàn còn lại lác đác người ngoại quốc, hai bàn Á Châu chắc chắn là thương gia Nhật, còn lại là da trắng. Phải kể là khách sạn đầy... tiên. Tóc vàng có, nâu có, áo da có, áo lông thú có, cô nào cũng đẹp, khêu gợi qua lại như đèn kéo quân.

    “Các anh hưởng đêm Mockba nhé,” một trong ba cô vừa sà vào bàn chúng tôi nói, “170 dollars kể cả phòng.”

    Mười bảy tháng lương của công nhân Nga, tiên chứ đến... thánh chúng tôi cũng từ chối.

    “Hay là các anh muốn xem chỉ tay,” cũng cô lúc nãy, “rẻ thôi 20 dolars.”

    Cũng có màn này nữa sao? Quả tình bàn ngay bên cạnh đang có một chàng G.I. chìa tay để tìm hiểu tương lai... ông Bush. Tôi diễu cô gái vừa hỏi, “How to say thanks in Russian?” Cả ba cô ngúng nguẩy bỏ đi một nước.

    Ngồi lại một mình, Toàn hẹn quay trở lại sáng hôm sau, Bằng đi ngủ trước, tôi ra quầy mua một lon Heinneken giá 5 dollars. Ðói. Biết vậy tôi đã nghe lời Janna nuốt hết dĩa thức ăn trên phi cơ. Anh G. I. bàn bên đã xong phần bói toán và đang nhai bánh khô. Ðây là thực phẩm mang theo, anh vừa nói vừa nheo mắt với tôi. Tôi cười ruồi cho quên cơn đói.

    Ðói nhưng cảm giác an toàn của khách sạn giúp tôi hoàn hồn khi nghĩ lại những chuyện xảy ra tại phi trường Chérémétiévo lúc trước đó.

    Làm xong thủ tục nhập cảnh, nghĩa là đóng dấu “thành thật khai báo” vật dụng đem theo và móc hết tiền trong túi cho nhân viên hải quan kiểm tra. Bằng, người bạn đi cùng và tôi xách vali ra cửa. Một đám đông hỗn độn, lố nhố mời chào taxi, hỏi mua bán và đổi dollar. Chúng tôi dứt khoát từ chối hết và lóng ngóng tìm kiếm.. Ðây rồi, anh chàng Á Châu này một triệu phần dầu là người Việt Ta, bằng chứng là anh ta chẳng cầm tấm bảng viết tên tôi đó sao? Một màn giới thiệu, Toàn sinh viên tốt nghiệp ngành điện, du học Mockba từ 1981.

    “Bây giờ bọn anh mặc em bố trí nhé, không được rời em, tình hình căng lắm.” Tôi suýt phì cười vì lối nói đặc biệt XHCN của Toàn.

    Vừa ra tới đường, mặt tôi rát bỏng vì lạnh. Không rõ nhiệt độ bao nhiêu nhưng tôi cóng cả người. Tôi chợt hài lòng vì lúc lên phi cơ đã quyết định không cởi bớt lớp áo ngoài. Trong tích tắc, cả hơn chục người vây quanh chúng tôi. To lớn, bặm trợn, nón và áo lông cũ kỹ, đám người này kỳ kèo đòi đưa chúng tôi về khách sạn với giá 20 dollars. Toàn cố kéo chúng tôi ra khỏi đám người này và dặn, đừng lên xe bọn này, nó sẽ “trấn” anh dọc đường đấy.

    Chúng tôi cố đón taxi, một, hai, rồi ba chiếc vừa dừng lại đã vội rú đi ngay. Bọn đầu gấu vây quanh chúng tôi giơ tay hăm dọa nên không tài xế nào dám rước chúng tôi.

    Một chiếc dừng lại, tôi vội vàng mở cửa chui vào, chợt thấy Bằng hốt hoảng nhảy dựng về phía sau tay ôm vali che ngực. Thật lẹ, tôi vọt ra khỏi xe quay người lại. Thì ra một trong những tay kỳ nèo chúng tôi nãy giờ đã rút dao găm ra và đâm ngập vào bánh xe phía Bằng đứng. Tội nghiệp người tài xế, không rước được khách lại bị đâm lủng bánh xe, anh ta đang cố lái ra khỏi đám người hung dữ này.

    Tên vừa đâm xe bám lấy tôi, “Anh không đi xe tôi thì không xe nào dám đón đâu,” hắn nói.

    Tôi bắt đầu sợ, đất lạ không biết xoay sở ra sao. Tôi hỏi Toàn, “Báo công an được không?” Toàn trả lời, “Ai người ta thèm để ý mà báo, chúng nó ăn chia với nhau hết rồi.” Tôi giành quyền “bố trí” và đưa ra “phương án”: “Này Toàn, cứ gọi taxi, khi xe dừng là lên ngay khóa cửa trong, bảo tài xế chạy, bánh xe bị đâm thì thay dọc đường, bọn tôi trả thêm tiền.”



    Phương án diễn ra đúng như dự định, nửa giờ sau có một ông già dừng lại đón chúng tôi. Như một con cắt, chúng tôi đã khóa cửa xe từ bên trong. Bụp! Bánh xe phía tôi ngồi bị đâm, mặc kệ xe cứ thế lao đi. Thế mà, đã thoát đâu, hai chiếc xe của bọn này cúp đầu xe chúng tôi chặn đường, ông tài xế bẻ gắt về bên trái, leo lề và dọt ra khỏi phi trường.

    Vừa chạy được khoảng 15 phút, xe phải tấp vào bên đường thay bánh. Hai bên là rừng, tuyết phủ trắng xóa, đường vắng ít xe qua lại. Chợt một chiếc xe ngừng ngay sau chúng tôi, hai người nhảy xuống tiếng Nga lào xào. Tôi xanh mặt, ông già này mà là người của bọn kia thì đối phó sao đây? May quá, họ lên xe đi tiếp. “Yên tâm rồi, bọn họ hỏi đường đó mà,” Toàn nói. Hai mươi phút sau xe tiếp tục lăn bánh, vừa chạy được một quãng tôi thấy bên lề đường, một taxi không hành khách, tài xế đang lui cui thay bánh. Không biết đó có phải là chiếc xe đã đón hụt chúng tôi lúc nãy không, tôi tự hỏi?

    Xe dừng lại ở số 3 đại lộ Tverakaia, Intourist đây rồi. Ngoài 300 rúp Toàn trả, tôi dúi vào tay ông tài xế 20 dollars, mắt ông ánh lên vẻ như sướng. 20 dollars tức là 2,000 rúp bằng lương hai tháng của công nhân Nga, cũng đủ đền bù công ông vất vả.

    Ðêm Mockba lạnh lẽo, tôi đói cồn cào. Mockba ơi! Tôi thầm gọi, tôi sẽ nhớ mãi ngày 14 Tháng Hai này.

    III. Ốp Búa Liềm: Một khía cạnh sinh hoạt của người Việt trên đất Nga

    “Bọn anh đừng nói gì cả nhé, cứ quan sát thôi, mọi việc mặc em bố trí, người Việt buôn bán tại đây rất ngại người lạ dòm ngó. Có ai hỏi thì cứ bảo ở Việt Nam qua du lịch.” Toàn dặn đi dặn lại điều đó trước khi chúng tôi đặt chân tới Ốp Búa Liềm.

    Ốp tiếng Nga có nghĩa là ký túc xá dành cho công nhân. Ốp Búa Liềm, tọa lạc trên đường Rustavenli cách trung tâm Mockba 25 phút lái xe, là ký túc xá của công nhân nhà máy Búa Liềm, là nơi ở của 100 công nhân Việt Nam và khoảng vài chục người khác được gọi là dân “lưu vong” đến đây trú ngụ và buôn bán bất hợp pháp. Bằng cách dùng tiền “đút lót” người quản lý Ốp và công an, những người sống bất hợp pháp này thản nhiên như ruồi trong sinh hoạt ra vào ốp.

    Theo một bản tin của Sứ Quán Việt Nam tại Nga, kể từ Tháng Mười Hai, 1989, Cộng Sản Việt Nam đưa sang Liên Xô (tên gọi chỉ các nước Cộng Hòa hiện nay độc lập) 103,392 người lao động hợp tác trong đó có 52% là nữ. Sau nhiều đợt bổ sung và đưa về nước, tính đến nay tổng số người Việt ở Liên Xô còn lại là 52,000 được phân bổ làm việc tại 370 nhà máy, xí nghiệp ở 73 tỉnh, thành phố thuộc Liên Xô. Trong số người trên đã có đến 40,000 làm việc tại 260 xí nghiệp rải rác ở 49 tỉnh thuộc Cộng Hòa Nga. Trước khi Cộng Hòa Liên Bang Xô Viết sụp đổ, với đồng lương trung bình là 200 rúp một tháng, so với giá thịt heo 1 rouble/1 kg, gạo 0.80/kg, tủ lạnh loại 120 lít/250 rúp, đời sống công nhân Việt Nam ở đây tương đối khá ổn. Sau khi Cộng Hòa Nga tự trị và trở thành một nước trong Cộng Ðồng Thịnh Vượng Chung, lương những người công nhân này thay đổi, 500 rúp một tháng nhưng thịt heo tăng lên 100 rúp/1kg, gạo 40 rúp/1kg, tủ lạnh dung lượng 120 lít/5,000 rúp một cái.

    Trở lại sinh hoạt của Ốp Búa Liềm, chúng ta có thể tóm tắt thế này. Ðây là nơi sẵn sàng thu mua tất cả mọi mặt hàng xuất xứ từ bất kỳ đâu, kể cả mua hàng tấn hàng của “ai đó” “đánh” từ Việt Nam sang bằng máy bay Aeroflot. Dĩ nhiên người mua thanh toán ngay bằng tiền mặt - “đồng xanh.” Những tiếng lóng chúng tôi nghe người Việt nói với nhau ở Ốp Búa Liềm: Xanh (dollar Mỹ), Ðỏ (vàng), bộ đội (những người Việt sống bất hợp pháp ở Nga), gió béo (áo gió loại lớn), gió gầy (áo gió loại nhỏ), quần bò (quần jean)... về giá cả, một chiếc áo gió béo tại Việt Nam giá khoảng 4 dollars khi “đánh” qua Nga người chủ hàng lời từ 2-3 dollars một cái. Qua tay nhiều trung gian, người tiêu thụ phải mua với giá khoảng 18 dollars tức 1,800 rúp một chiếc. Một bộ đồ ngủ mua tại Việt Nam khoảng 2 dollars, bán tại Nga là 5 dollars. Ngoài ra chúng tôi quan sát thấy nhiều mặt hàng khác như xà bông tắm giặt, đồng hồ điện tử, thuốc lá, cá khô, quần bò được bán sỉ tại đây. Có thể nói Ốp Búa Liềm cũng như các ốp khác, Ốp 5, Ốp Ngọn Cờ,... là một trong những nguồn cung cấp hàng không những cho người Việt mà cả cho người bản xứ tại Nga và các nước Cộng Hòa vùng Baltic. Những ngày ở Nga, tôi nghe nhiều người nói là do buôn bán, có ít nhất năm ba người Việt tài sản lên tới một triệu dollars.

    Do số người tấp nập ra vào buôn bán, một dịch vụ khác đã được người Việt tại Ốp Búa Liềm “triển khai triệt để”: dịch vụ ăn uống. Ở hành lang, ở cầu thang, chúng ta thấy các tờ giấy dán trên tường với dòng chữ: “phòng 412 có phở, bò, gà,” 220 có bánh cuốn,” “lầu 3, phòng 309 có bia, rượu, đồ nhậu đủ loại”... Những người buôn hàng ăn này kiếm được khá tiền. Một dĩa bánh cuốn nhỏ 35 rúp, một dĩa xôi đậu xanh 50 rúp, một tô phở (thật ra chỉ là mì sợi) 30 rúp... Ngoài ra chúng tôi còn gặp người bán tiết canh lòng lợn tại các phòng. Buôn bán, ăn nhậu, bài bạc dẫn đến ẩu đả, đâm chém là việc thường xảy ra. Tình trạng nhân viên sứ quán Việt Cộng tại Nga “ô dù” (che chở) “tư túi” (tham nhũng của công) được mô tả là đầy rẫy.

    Sáng ngày 15 Tháng Hai, chúng tôi có đến Ðôm 5 mà không được phép vào vì đêm trước một công nhân Việt Nam buôn vàng bị chết vì nổ bình hơi lúc phân kim. Ðôm 5 là cư xá của sinh viên Việt Nam thuộc quyền quản trị của Viện Hàn Lâm Nga. Ðôm 5, Ốp Búa Liềm, Ốp Ngọn Cờ đều là nơi buôn bán nổi tiếng của người Việt tại Mockba. Theo lời Toàn, trước kia còn có Ốp Jean chuyên bán quần bò nay đã bị dẹp.

    IV. Ở tận sông Hồng em có biết... quê hương Nga hổng có gì ăn

    Câu trên là một đoạn trong bài hát của cộng sản được cải lời mà người dân trong nước vẫn hát sau 1975. Quả tình “quê hương Nga” hổng có gì ăn thiệt. Trong suốt thời gian 6 ngày ở Mockba, Toàn, Bằng và tôi khốn khổ tột cùng trong việc tìm cái ăn.

    Ngày nào cũng thế, dù ra khỏi thành phố 2 tiếng lái xe, đến giờ trưa chúng tôi vẫn phải quay trở lại trung tâm Mockba kiếm thức ăn. Hoặc Toàn vào Ốp Búa Liềm mua, hoặc ghé McDonald’s, còn nếu muốn ăn quán thì thường phải đi mấy chỗ liền mới tìm được quán mở cửa. Chưa hết, còn phải biết cách “làm việc riêng” nữa, nghĩa là đút tiền thì mới có bàn ngồi (mặc dù bàn còn trống). Quán Peking chẳng hạn, quán lớn nhất Mockba, nếu ngồi khu trả bằng “xanh” tức dollar Mỹ thì 20 dollars một dĩa cơm chiên tôm gà. Cũng y như vậy bên khu trả bằng rúp thì giá là 300 rúp một dĩa tức là 3 dollars. Mà bên nào cũng thế đều phải biết “làm việc riêng.”

    Quán Korean ở đường Kalantchiovskaia là tôi không quên được. Cách Quảng Trường Ðỏ một tiếng lái xe, quán này là loại hợp doanh của người Bắc Hàn và Nga. Nhìn ba cái chén được dọn ra tôi đã hết cảm thấy đói. Hai trong ba cái, miệng chén bị bể bằng đầu ngón tay út, lòng chén còn bợn chút bột xà bông rửa. Tôi quyết định ăn bánh bao để khỏi dùng chén. Tôi ăn uống dễ tính vậy mà mới cắn miếng đầu tiên tôi đã vội nhả ra lấy muỗng moi ruột và bỏ vỏ xuống bàn. Bằng hỏi, “Tệ lắm hả?” Không muốn “đi vào vết xe” của tôi, Bằng cũng chỉ moi ruột bánh bao ăn.

    Tô “phở lạnh” mới kinh. Gọi là phở nhưng thật ra là mì với ít cọng hành và vài lát thịt, còn nước dùng, tôi thề có Trời nó là nước lạnh thuần túy không mắm muối.

    Cả Bằng và tôi đều đụng đũa rồi bỏ nguyên tô. Toàn khôn hơn, đã chọn món thịt nướng ngay từ đầu. Chúng tôi bắt chước Toàn gọi hai đĩa thịt nướng. Cũng an ủi phần nào, có còn hơn không. Lúc sau về lại Pháp, Bằng có nói với tôi, tí nữa anh ọc ra giữa bàn khi thử món phở lạnh nhưng đã cố gắng nuốt cơn nôn nao xuống.

    Lúc đứng dậy trả tiền, chúng tôi xúc động vô cùng khi thấy một gia đình Nga bốn người đang ngấu nghiến bánh bao ở bàn bên cạnh. Tôi nghĩ, giá họ được thưởng thức bánh bao Bà Cả Cần ở Saigon trước 1975.

    McDonald’s thì khác hẳn, rộng rãi, sạch sẽ, nhân viên phục vụ vui vẻ, niềm nở. So sánh giữa một tiệm McDonald’s tại Nga và loại tiệm này tại Mỹ, chúng ta thấy tiệm ở Nga có bốn điểm khác biệt; rộng gấp mười những tiệm bên Mỹ, không có café, ketchup phải trả tiền giá 5 rúp một gói và cuối cùng là, khách ăn xong cứ để mặc mọi thứ trên bàn, người phục vụ sẽ dọn dẹp. Chúng tôi ăn bốn cái Big Mac, bốn ly medium Coke, hai gói French Fries giá 7 dollars. Rẻ bằng một nửa bên Mỹ nhưng sau những ngày đầu tò mò, số người Nga vào McDonald’s giảm hẳn đi vì giá vẫn quá cao so với lương của họ.

    Ðọc tới đây chắc có người sẽ tự hỏi, cái ăn kiếm khó thế làm sao dân Nga sống, không lẽ họ sống bằng... khẩu hiệu. Xin thưa, sống được chứ, nhưng với giá bao cấp. Chế độ bao cấp, đại loại là, lương công nhân 1,000 rúp một tháng, gia đình hộ 2 phòng, 50 rúp một tháng tiền nhà, điện ga sưởi 30 rúp, xăng 1 lít/1 rúp (tức 1 dollar Mỹ mua được 25 gallon). Số tiền còn lại là mua thực phẩm giá quốc doanh tức phải xếp hàng, 8 rúp một ổ bánh mì, 60 rúp một chai vodka... Riêng về nhà ở, toàn thành phố Mockba chỉ có một loại nhà là chung cư cao 20 tầng, ngoài ra không tìm đâu ra một căn nhà xây riêng rẽ. Tập thể hóa đến thế đúng là “cái nôi của vô sản.”

    V. Quảng Trường Ðỏ và phố Arbat

    Cả ngày Chủ Nhật 16 Tháng Hai chúng tôi dành để thăm Quảng Trường Ðỏ và phố Arbat.

    Trời bão tuyết và nhiệt độ được loan báo là 18 dưới 0 độ C. Vừa ra khỏi taxi, chúng tôi đụng đầu ngay với một đám biểu tình với cờ búa liềm, hình Lênin. Những người này phản đối việc chính phủ Yeltsin dự định dời xác Lênin ra khỏi Quảng Trường Ðỏ. Ðoàn người dễ có đến cả ngàn, tương đối trật tự, vừa tiến vào lăng Lênin vừa hô khẩu hiệu. Tôi nói với Bằng, “Diễn tập dân chủ đây, trước kia thì sức mấy, chết với KGB ngay.”

    Một bà già Nga 62 tuổi, bà Katarosvic, đề nghị làm hướng dẫn viên cho chúng tôi với giá 50 rúp. Tính ra chỉ có 50 cent Mỹ cho 3 tiếng đồng hồ, bà dẫn chúng tôi xem mộ Peter Đại Đế và con cháu, những kiến trúc cổ của các nhà thờ Chính Thống Giáo Nga, những khẩu đại bác của Nã Phá Luân để lại trong cuộc rút chạy 1812... Riêng lăng Lênin chúng tôi từ chối vào xem, chẳng ích lợi gì cả. Với một giọng Anh rất khó nghe, bà Katarosvic đã rất vất vả khi phải giải thích cho chúng tôi về các di tích ở quảng trường này. Giống như bao bà mẹ khó tính khác, bà muốn “gìn giữ” chúng tôi như “bảo vệ con ngươi trong mắt mình,” bà dặn đi dặn lại, đừng mua gì ở đây, nón hồng quân, đồ kỷ niệm chúng nó bán đắt lắm và nhất là đừng cho lũ thanh niên bám theo kia thuốc lá, chúng nó không tốt lành gì đâu. Các cô cậu Nga bám theo tôi xin thuốc lá làu bàu tiếng Nga với bà.

    Lúc chia tay, tôi biếu bà Katarosvic 400 rúp, bà ngần ngừ có ý không muốn nhận vì số tiền nhiều quá. Tôi nhét vào túi bà rồi leo vội lên xe taxi. Tội nghiệp bà thư ký hành chánh của chính phủ, hai ngày cuối tuần làm thêm như vậy không rõ bà kiếm được bao nhiêu. Tôi cầu chúc cho các bà mẹ Nga cuộc đời sớm sáng sủa.

    Rời McDonald’s lúc 3 giờ, chúng tôi mua thêm 2 ly Coke và đi Arbat. Kinh nghiệm mấy ngày nay cho thấy chẳng đào đâu ra được nước uống dọc đường, dù là nước lạnh

    Arbat là một khu phố chuyên bán những đồ vật kỷ niệm cho du khách tọa lạc ngay trung tâm Mockba trên đường Kalinine, người qua lại tấp nập. Tôi nhận ra nhiều loại ngôn ngữ ở đây, Mỹ, Pháp, Đức, Nhật và cả Việt Nam nữa. Riêng những người Việt Nam đến đây để bán hàng. Nón lông có huy hiệu hồng quân 10 dollars, quần áo mùa đông của Hồng Quân 60 dollars, búp bê Nga La Tư 12 con 70 dollars, áo phụ nữ làm bằng lông thú giá từ 160 đến 900 dollars. Một người bạn gái bên Pháp cho tôi biết giá một bộ áo lông như thế tại Paris đắt gấp bốn lần. Khu Arbat ăn mày đông vô kể. Họ bám theo chúng tôi và chỉ xin... dollar thôi. Cho 50 rúp không chịu, nhất định xin bằng được 1 dollar, họ còn kèo nài cả thuốc lá và bật lửa nữa. Toàn đã phải “rủa” tiếng Nga và giằng họ ra chúng tôi mới đi thoát. Tôi ghi nhận thấy hiện tượng bói toán, chỉ tay khá phổ biến ở đây. Hai ba người lính Nga túm tụm quanh một bà xem chỉ tay. Hình ảnh này tôi cũng thấy ở khách sạn Intourist đêm đầu tiên, Cửa hàng mậu dịch quốc doanh gần khu Arbat thì sơ sài. Mặt hàng chỉ có ít quần áo, chén dĩa, vật dụng trong nhà như xà bông, kem đánh răng, thuốc lá. Thuốc lá thì tệ vô cùng, bập được vài hơi lại tắt, mùi khét lẹt.

    Ngay cửa ra vào, cơ man là người. Đàn ông, con gái, bà già, con nít, những người này tay cầm đôi giày, cái áo, gói thuốc, chai rượu mời chào người qua lại. Trước khi đi kiếm cái ăn (lại cái ăn), chúng tôi ghé ngang International Bar and Shopping mà người bản xứ gọi là cửa hàng ngoại tệ. Ở đây chỉ nhận “xanh” tức dollar Mỹ. Đủ thứ, quần áo, máy móc, bánh kẹo, rượu thuốc lá toàn đồ ngoại. Một hộp bánh ngọt 11 dollars (loại này mua ở Savon tại Mỹ 5 dollars) rượu Remy Martin loại 3/4 lít giá 40 dollars (mua tại Mỹ 28 dollars)... Thấy tôi tò mò quan sát hai người Việt Nam mua máy cassette ở đây, Toàn ghé tai tôi nói nhỏ, “Dân Ốp Búa Liềm đấy anh ạ.” Ra khỏi quán Hà Nội lúc 12 giờ 30 khuya, trời lạnh như cắt từng thớ thịt. Nằm trên đại lộ Profsolozlae (nghĩa là công đoàn) đối diện quán Hà Nội là đài kỷ niệm Hồ Chí Minh. Nó là một tấm đồng tròn đường kính khoảng 3 thước ở giữa khắc khuôn mặt Hồ Chí Minh. Tôi chỉ tay lên đó và hỏi Toàn, “Dân Nga đã giật sập các tượng đài Lênin, họ còn để lại cái bia ở đây làm gì?” “Rồi cũng đến phiên thôi anh ạ,” Toàn đáp. “Toàn nghĩ gì về ông ấy?,” tôi tiếp. “Em cũng chẳng ưa đâu anh ạ, anh bảo thời buổi này còn ai tôn sùng lãnh tụ nữa cơ chứ.” Toàn trả lời.

    Đón mãi taxi không có, tôi sắp chết rét thì nguyên một chuyến xe bus ngừng lại. Trên xe chỉ có hai bà già Nga ngủ gà ngủ gật. Sau một màn mặc cả với Toàn, tài xế ngoắc tay bảo chúng tôi lên, xe quay ngược lại hướng cũ và đưa chúng tôi về chỗ ở trong khu nhà tập thể của nhân viên Viện Hàn Lâm nơi Toàn làm việc. Hai trăm rúp tức 2 dollars mà được nguyên chiếc xe bus “phục vụ.” Toàn nói với tôi, xe quốc doanh đấy, họ làm “nghiệp dư” kiếm sống.

    Quả tình tôi rất ái ngại và cảm thấy có lỗi với bà già lên xe trước bọn tôi, nay phải đi thêm một đoạn nữa. Tôi nói cảm tưởng này với Toàn, Toàn bảo, chả hơi đâu mà “thương vay khóc mướn”, bọn Nga chúng nó sống quen thế rồi trong xã hội Cộng Sản.

    Sáu ngày với cái lạnh và đói ở Mockba rồi cũng đến lúc chia tay. Bằng và tôi bay về Paris ngày 19 với lời cầu xin mọi việc êm xuôi. Qua cổng hải quan, kỷ niệm chót của chúng tôi tại xứ này là mỗi đứa phải “thông cảm” 20 dollars cho nhân viên di trú kiểm soát thông hành. Nếu không, người “anh em” gây khó dễ thì “làm gì nhau.”

    Phi cơ đảo một vòng trên bầu trời Mockba, mới 5 giờ chiều mà trời tối sập


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X