Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Thân Chiến Quốc, Phận Lưu Vong

Collapse
X

Thân Chiến Quốc, Phận Lưu Vong

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Thân Chiến Quốc, Phận Lưu Vong

    Thân Chiến Quốc, Phận Lưu Vong


    Huy Văn


    Tôi gặp ông lần đầu vào giữa tháng 2 năm 1974. Lúc đó Liên Đoàn 12 BĐQ đang chịu trách nhiệm An ninh lãnh thổ tại vùng cực bắc của tỉnh Quảng Tín. Có lẽ vì mới vào Xuân nên tình hình chiến sự trên toàn lãnh thổ của Quân Đoàn 1 & Quân Khu 1 nói chung và riêng tại vùng hoạt động của Liên Đoàn 12 BĐQ bỗng trở nên khá yên tĩnh. Tháng 2 ! Trời se lạnh vào sáng sớm, ấm áp khi vào trưa để rồi lại chớm lạnh lúc về chiều. Buổi chiều bình yên mang màu nắng thật hiền hòa trải lên khoảng sân bóng chuyền của căn cứ Hương An, nằm trong quận Thăng Bình thuộc tỉnh Quảng Tín, nơi có trận đấu giao hữu giữa Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 12 BĐQ và quân nhân các cấp thuộc Tiểu Đoàn 37 BĐQ- là đơn vị đang làm trừ bị - đóng chung với Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn và để bảo vệ cho căn cứ. Trận thư hùng tuy không quyết liệt nhưng rất hào hứng cho dù không có ai trong những người ra sân đã từng là một đấu thủ bóng chuyền. Kết quả sau hai trận đấu là đôi bên huề nhau 1-1 mặc dù bên Liên Đoàn có ông là người nâng và đập bóng cừ khôi nhứt. Nếu không được Đại Đội Trưởng của tôi nói trước, thì tôi không thể biết ông là vị Liên Đoàn Trưởng, là “Cọp đầu đàn” của một lực lượng tổng trừ bị trong toàn lãnh thổ của Quân Khu I. Với khổ người dong dỏng cao, nước da sậm màu, nụ cười thật hồn nhiên mỗi lần đón hụt banh hay đập hư một quả khi lên lưới, cộng thêm giọng nói Sài Gòn chánh hiệu, ông có vẻ như một công chức nghiêm nghị nhưng bình dị và thân thiện. Chiều hôm đó là một ngày khó quên với không khí thoải mái và thân tình của một buổi thể thao để hưởng tạm phút giây yên bình rất hiếm hoi của đời lính trận. Dù lần đầu gặp ông chỉ là những nụ cười và cái bắt tay lịch sự sau cuộc “thư hùng” nhưng cũng đủ để cho một Cọp “nhí” như tôi thấy lời kể về ông trong đơn vị quả không sai: ông từ tốn và đơn giản nhưng cân nhắc trong ngôn từ, thái độ lẫn hành động.

    Tháng 10 năm đó, trước khi nhận sự vụ lệnh về Huấn Khu Thủ Đức học khóa Tiếp Liệu Binh Đoàn, tôi mới gặp lại ông tại Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 12 BĐQ/Hành Quân đặt tại Chi Khu Đại Lộc- thuộc tỉnh Quảng Nam. Lần này, vì nhằm lúc trận chiến tại vùng Nông Sơn-Đức Dục đang gay cấn trở lại (lần đầu Liên Đoàn 12 BĐQ cự địch tại đây là cuối tháng 7/1974) và Liên Đoàn cũng khá vất vả trong việc bảo vệ cạnh sườn của các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến tại vùng đồng bằng Hà Nha của quận Đại Lộc, nên tôi và anh bạn cùng đi học khóa Tiếp Liệu Binh Đoàn chỉ vào trình diện ông, nhận vài câu khích lệ là theo xe của vị Y sĩ Trưởng, Đại úy Bác sĩ Nguyễn Trung Tín, về hậu cứ ngay trưa hôm đó. Cái “duyên” gặp ông lúc còn trong đơn vị chỉ có hai lần đó mà thôi vì đầu tháng 2/1975, khi tôi trở về đơn vị thì ông đã rời Liên Đoàn để theo học khóa Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp ở Long Bình. Người được Bộ Chỉ Huy BĐQ/Trung Ương điều động từ miền Nam ra thay thế ông là Trung tá Nguyễn Văn An, nguyên là Liên Đoàn Phó/LĐ33BĐQ tại Quân Khu 3. Trung tá An, thay vì trả tôi về TĐ 37 BĐQ để làm Chỉ Huy Hậu Cứ, đã đưa tôi ra Ban 4/Hành Quân của Liên Đoàn để phụ giúp cho Đại úy Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trưởng ban 4/LĐ, vì một mình anh Quỳnh không thể cáng đáng cả hai nơi: hậu cứ lẫn hành quân (người phụ tá của anh : Đại úy Thông vừa thăng cấp là đi học ngay khóa Bộ Binh Cao Cấp ở Thủ Đức).

    Phụ tá Ban 4/Hành Quân cũng có nghĩa là ngoài việc phân phối tiếp liệu phẩm các loại thì còn kiêm nhiệm thêm vai trò làm “xếp” của các quân nhân tại hậu trạm của 3 Tiểu Đoàn trực thuộc. Dù thời gian tôi gánh vác trách nhiệm tại ban 4/LĐ không lâu, nhưng cũng đủ để nghe quân nhân các cấp- ở hậu trạm hành quân cũng như tại hậu cứ Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn- kể những gì họ biết về ông. Trong số những người đó, thì ngoài Đại úy Quỳnh, Trưởng ban 4 và những quân nhân trực thuộc, còn có Y sĩ Trưởng là Đại úy Bác sĩ Nguyễn Trung Tín, Trung úy Tôn Thất Minh, Quân Tiếp Vụ và Trung úy Huỳnh Long, SQ/CTCT là những vị tôi thường gặp gỡ. Từ những vị huynh trưởng đó, tôi có dịp kiểm chứng lại những gì đã nghe đồng đội các cấp nói về ông lúc tôi còn là một trung đội trưởng ở Đại Đội 3/Tiểu Đoàn 37BĐQ. Mọi người đều có những nhận định tương tự như nhau về vị Liên Đoàn Trưởng của mình: có tài thao lược, cương nghị và cẩn trọng trong việc điều hành nhân sự và trầm tĩnh khi điều binh lâm trận. Công bằng và thanh liêm đến mức khắc khổ là hai đức tính khác mà tôi đã được nghe người “đệ tử” thân cận của ông- một hạ sĩ quan ban 4/LĐ kể cho nghe và sau đó được chính người thân của ông xác nhận qua những mẩu chuyện về cuộc sống và hoàn cảnh của vợ chồng ông trong thời chiến và lúc ông còn “trả nợ quỷ thần” ở đâu đó bên kia vĩ tuyến 17. Người đó là cháu gọi ông bằng cậu, quen thân với tôi sau cuộc đổi đời và qua một mối duyên văn nghệ.

    Nhưng mãi đến cuối năm 2004, sau hơn 7 năm tìm kiếm, hỏi thăm, nhắn tin khắp nơi, tôi mới liên lạc được với vài Niên Trưởng trong Liên Đoàn 12 BĐQ thuở xưa và sau đó mới liên lạc được với ông. Có lẽ do phong thái cởi mở, hòa đồng của ông và cũng có thể vì tôi là bạn thân của cháu ông, nên chỉ sau một thời gian ngắn gọi thăm, thì sự liên lạc với ông ngày càng thêm mật thiết. Dù vậy, phải đến tháng 7/ 2014 tôi mới gặp lại ông trong một buổi tối hàn huyên cùng với các niên trưởng và huynh trưởng đã từng phục vụ trong Liên Đoàn 1&12 BĐQ. Cho đến lúc gần đây, khi ông và người thứ nữ niềm nỡ đón tiếp chúng tôi tại tư gia trong suốt hai tuần vào dịp gia đình tôi qua Quận Cam mùa hè vừa qua, thì tôi mới có dịp gần gũi hơn và hiểu biết thêm về vị chỉ huy khả kính của Liên Đoàn 1 BĐQ (đến năm 1973 thì đổi danh xưng thành Liên Đoàn 12 BĐQ). Chỉ khi được hỏi thì ông mới trả lời. Có thắc mắc thì ông mới giải bày cho nghe. Tuyệt nhiên, không bao giờ ông bắt chuyện trước để nói về chính mình hay những sự việc mà ông có liên quan. Do đó, những gì ông tâm tình đều chỉ để nói tới chuyện vui thú điền viên và thời gian phục trong quân ngũ, phần lớn là tại các Quân trường ở Thủ Đức, Nha Trang và cả Đà Lạt.

    Chí cả bị đóng khung suốt 14 năm trong bốn bức tường thành có lô cốt của các quân trường. Tài thao lược chỉ loay hoay trên các sa bàn trợ huấn của môn Địa Hình khi huấn luyện, nên có thể nói là ông không gặp thời trên bước đường binh nghiệp. Lúc ông vào Lính (Khóa 3 Phụ- Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, tháng 9/1953) thì chiến tranh chưa tràn lan. Trong 9 năm “thanh bình” của nền Đệ I Cộng Hòa thì việc thăng cấp cho các quân nhân thường rất chậm chạp. Ông lên Trung úy năm 1954 nhưng mãi tới 1963 mới mang cấp bậc Đại úy. Thêm 3 năm nữa, nhờ vào sự can thiệp và đề nghị của chính các đồng khóa đang tùng sự tại Phòng Tổng Quản Trị/Bộ Tổng Tham Mưu, ông mới rời Thủ Đức để về Lực Lượng Đặc Biệt, bản doanh đặt tại Nha Trang và phục vụ trong đơn vị Mike Force khi thăng cấp Thiếu tá sau đó không lâu. Bằng vào thời gian huấn luyện cỡ... lão làng kể trên (Huấn Luyện Viên các Khóa Địa Hình, Trưởng Phòng Kế Hoạch và Chương Trình khi còn ở Thủ Đức, từ 1957 được cải danh thành Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức) ông là quân nhân đầu tiên được nhận Huấn Vụ Bội Tinh (mà ông gọi đùa là “Huy Chương Huấn Nhục”) của QLVNCH. Kể từ năm đó (1966) trở về sau dấu giày của ông lần lượt in trên khắp 4 Vùng Chiến Thuật. Từ những lần giải vây cho các trại LLĐB tại Thất Sơn, Katum, Đức Lập, Cồn Tiên, Khe Sanh, v.v. đến lúc làm phụ tá Hành Quân cho Chỉ Huy Trưởng BĐQ/QK4 (thời của Đại tá Phạm Duy Tất) rồi Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 42 Chiến Thuật (Vùng 4 Chiến Thuật, năm 1970-1972), nơi đâu ông cũng làm tròn bổn phận một cách xuất sắc. Vì vậy, vào tháng 4/1972 khi tướng Ngô Quang Trưởng cấp tốc rời Quân Đoàn 4 và Quân Khu 4 để thay thế trung tướng Hoàng Xuân Lãm làm Tư Lệnh Quân Đoàn I và Quân Khu I, thì tướng Trưởng- ngoài Ban Tham Mưu thân cận của mình - chỉ đưa vị Sĩ quan tác chiến duy nhứt là Trung tá Trần Kim Đại theo ra Đà Nẵng để giao nhiệm vụ làm Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 1 BĐQ và góp phần phản công tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị. Trung tá Trần Kim Đại đã không phụ lòng kỳ vọng của tướng Trưởng. Liên Đoàn 1 BĐQ thật sự khởi sắc sau khi bị “lu mờ” vì cuộc hành quân Lam Sơn 719. Sự thành công trong việc tái chiếm cổ thành Quảng Trị đã có sự góp phần không nhỏ của LĐ1 BĐQ sau khi lần lượt tăng phái cho các đại đơn vị Nhảy Dù rồi Thủy Quân Lục Chiến suốt từ tháng 5/1972 đến tháng 9 năm đó.

    Ông thăng cấp Đại tá ngay sau trận Quảng Trị và chỉ vài tháng sau, ngay khi Hiệp Định Paris có hiệu lực vào ngày 27/1/1973, thì ông đã cùng Liên Đoàn 1 BĐQ có mặt tại Sa Huỳnh (quận Đức Phổ-Quảng Ngãi) để, một lần nữa, khẳng định khả năng điều binh thần tốc và hiệu quả của ông trong việc tái chiếm phần đất ven biển, đồng thời bẻ gãy âm mưu lấn đất, dành dân cũng như chia cắt lãnh thổ của cộng sản ngay ranh giới QKI và QKII tại vùng duyên hải. Mặc dù vai trò chính yếu của LĐ1 BĐQ bị bỏ quên trên mặt truyền thông và báo chí, nhưng trong lòng dân chúng Quảng Ngãi và nhứt là trong phần đánh giá của vị tướng Tư Lệnh QĐI & QKI cũng như của chính vị tư lệnh SĐ2BB lúc đó, đã không thể phủ nhận công lao của các chiến sĩ Mũ Nâu tại mặt trận Sa Huỳnh. Qua năm 1974, Liên Đoàn 1 BĐQ (lúc đó đã cải danh thành LĐ12 BĐQ) còn được thêm hai lần tuyên dương công trạng trước Quân Đội sau khi cầm chân rồi đẩy lui các đại đơn vị CSBV tại Tiên Phước, Quảng Tín (tháng 5/1974) rồi Nông Sơn-Đức Dục (lần đầu là tháng 7 và lần thứ nhì là vào tháng 10/1974). Quà của ông để lại cho Quân Sử của Quân Đoàn I và Quân Khu I (cũng như của Binh chủng Biệt Động Quân) trước khi về Sài Gòn theo học khóa Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp (như đã nói trên) là một quận Đức Dục còn nguyên vẹn và khu Kỹ Nghệ An Hòa (đã đổ nát và hoang phế từ 1965) vững vàng như một thành trì sau khi đã quyết liệt cự địch dù với quân số chỉ bằng 1/3 so với CSBV trong suốt 4 tháng trường và sau những đợt xa luân chiến của địch quân.

    Đời binh nghiệp của ông - và của toàn thể quân nhân QLVNCH - chấm dứt khi toàn miền Nam Việt Nam rơi vào tay Hà Nội. Những gì xảy ra sau đó là hệ lụy tất yếu của một định phận oan nghiệt. Nhưng cảnh khổ sai chung thân trong cái gọi là “trại cải tạo” đã không làm ông nhụt chí và hạnh phúc nội tại chính là được cùng các đồng liêu và đồng cảnh chia nhau phần khốn khó khi bị kẻ thắng cuộc đọa đày về cả thể xác lẫn tinh thần. Một trong những niềm vui và cũng là liều thuốc mang lại hạnh phúc dẫu muộn màng nhưng cũng đủ ấm lòng đó, là nguồn tin nhận được từ một bạn tù. Vị sĩ quan này làm ở phòng Tổng Quản Trị của Quân Đoàn I & Quân Khu I nên đã thấy Quyết Định bổ nhiệm ông vào chức vụ Chỉ Huy Trưởng BĐQ/QĐI & QKI, một chức vụ tuy nặng về hành chánh và tham mưu nhưng lại là nấc thang tất yếu trên đà thăng tiến của một sĩ quan cao cấp trong binh chủng Biệt Động Quân. Rất tiếc là sự đề bạt của tướng Trưởng đã đến quá trễ, bằng không thì chỉ sau một thời gian ngắn nữa thôi, QLVNCH sẽ có thêm một vị tướng mẫn cán và hết lòng vì Quân Đội và Tổ Quốc.

    Rồi cũng qua những chuỗi ngày đen tối trong ngục tù bao la của chế độ Cộng sản. Sau hơn 12 năm “trả nợ quỷ thần” và thêm vài năm chờ đợi, thì ông và gia đình được qua Mỹ năm 1992 theo diện HO 13. Đây vốn là một hình thức chuộc tội của chính phủ Mỹ với người quân nhân QLVNCH sau khi đã bán đứng đồng minh nhỏ bé của mình cho khối cộng sản Âu-Á. Ngày nay, mặc dù tuổi cao, nhưng sức khỏe thì rất khả quan nhờ ông thường xuyên tập thể dục và giữ vững tinh thần trong bất cứ hoàn cảnh và tình huống nào: trong lúc còn là một quân nhân và ngay cả khi bị đày đọa trong lao tù cộng sản. Hình ảnh của một quân nhân trong thời chiến đã không còn. Sau 43 năm, không ai nhận ra tính cách võ biền ở nơi ông. Thay vào đó là hình ảnh của một lão niên bình dị trong mọi sinh hoạt đời thường tại nơi xứ lạ quê người: vui vầy với con, cháu và nếu không du lịch đó đây, hay theo các phó nhòm đi săn ảnh nghệ thuật thì ông luôn tất bật với những sở thích có thể nói là rất phù hợp với biệt danh mà người dân vùng châu thổ và đồng đội các cấp đặt cho lúc ông còn là Liên Đoàn Trưởng LĐ 42 Chiến Thuật: “Ông Năm Ruộng”- khi sáng, chiều mải mê chăm sóc cho mảnh vườn với khá nhiều rau quả và cây trái không khác gì một khu vườn nơi quê nhà Vĩnh Long của ông.

    Người Quân nhân của thời binh lửa đã không còn. Thay vào đó là hình ảnh của một người dân bình thường đang sinh sống tại Quận Cam, California: “thủ đô của người Việt quốc gia lưu vong” trên đất Hoa Kỳ. Tại phòng tập thể dục gần nhà, người ta chỉ biết ông là một lão niên mỗi ngày hai tiếng hoạt động cho cơ thể được khỏe khoắn. Trong tâm tư của người đã từng chỉ huy những đơn vị thiện chiến của QLVNCH - từ Chỉ huy trưởng toán B22 gồm 6 Đại Đội Biệt Kích Quân tức 2 tiểu đoàn Mike Force) đến liên đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng vùng IV rồi một liên đoàn BĐQ Tiếp Ứng/Tổng Trừ Bị cho Quân Đoàn I- thì những gì ông đã làm đều là vì bổn phận và trách nhiệm của một quân nhân chân chính. Ông khiêm nhường không nhận bất cứ lời khen tặng hay thành quả nào cho riêng mình, nhưng trong thâm tâm, ông luôn tự hào về khoảng thời gian ông chỉ huy hai tiểu đoàn Mike Force, bản doanh đặt tại Nha Trang-Khánh Hòa (1966-1970). Có thể nói đây là đơn vị “tổng trừ bị” của Lực Lượng Đặc Biệt/VN vì mỗi khi có tin một trại biên phòng nào đó (của Dân Sự Chiến Đấu, từ Bến Hải tới tận cùng châu thổ sông Cửu Long) bị địch tấn công hay cô lập thì đơn vị của ông được trực thăng vận tới giải vây ngay lập tức. Đây cũng là một đơn vị khá đặc biệt vì mỗi tiểu đoàn của ông tuy chỉ có 3 Đại Đội nhưng mỗi đại đội đều có tới 200 tay súng! Đặc biệt hơn nữa là 6 đại đội này bao gồm 6 sắc dân khác nhau: Rha-đê, K’Ho (Cơ-Ho), Sê-đăng, Chàm, Nùng và Kinh. Việc điều động đơn vị thì phải cần tới thông dịch viên nhưng liên lạc nội bộ trong từng đại đội thì... mạnh ai nấy nói tiếng sắc tộc của mình! Công việc chỉ huy tưởng như rất khó khăn nhưng lại vô cùng suông sẻ và có hiệu quả cao là nhờ khả năng lãnh đạo của ông, nhưng thành tích đạt được phần lớn là nhờ vào tinh thần phục vụ, kỷ luật nghiêm minh và khả năng chiến đấu thật dũng cảm của cả đơn vị. Có thể nói những tiểu đoàn Mike Force của B22 này đã góp phần tạo nên truyền thống và danh tiếng lẫy lừng của Lực Lượng Đặc Biệt nói chung và nói riêng là của những đơn vị thoát thai từ binh chủng này như Biệt Kích Dù, Biệt Kích 81... về sau này. Nhắc tới cuộc chiến đã qua và về những thành tích của mình, ông chỉ mỉm cười rồi thở dài:

    - ”... Là công sức của toàn thể quân nhân các cấp trong đơn vị đó thôi!... Mình đã tận nhân lực. Như vậy cũng đủ để gọi là góp chút gì đó cho đất nước...”

    Nói về ông, Trung tá Hoàng Phổ, Liên Đoàn Phó LĐ12 BĐQ cho biết như sau :

    - “Ông rất mực thanh liêm, hết lòng cho đơn vị và là người chỉ huy tài đức nhất mà tôi đã từng phục vụ qua suốt mấy trào Liên Đoàn Trưởng!”

    Đại úy Bác sĩ Nguyễn Trung Tín, Y sĩ Trưởng của Liên Đoàn 12 BĐQ cũng nhận thấy:

    - “... Về mặt Y tế, ông rất thương lính và luôn quan tâm đến thương binh. Ông kín đáo theo dõi và giải quyết những khó khăn của Quân Y tại chiến trường, như ra lệnh cho tôi thành lập một bệnh xá dã chiến với một số giường ngay tại mặt trận. Mặt khác, ông cũng cho xây một nhà Hộ Sinh để phục vụ cho gia đình Binh sĩ trong trại gia binh tại thôn Phú Lộc ở ngoại ô thành phố Đà Nẵng. Đây là những thành quả mà tôi rất mãn nguyện trong suốt 5 năm ở với LĐ12 BĐQ dù rằng đã có tên đi về Vĩnh Long trong miền nam để làm Y sĩ trưởng một Dân Quân Y viện, lúc đó có thể làm phòng mạch để kiếm tiền...”

    Riêng Đại úy Trần Văn Vương, ĐĐT/ĐĐ3/TĐ37BĐQ thì cụ thể hơn khi cho rằng:

    - “... Ông xứng đáng là một vị lãnh đạo ngoài chiến trận, ở ông có cả tài lẫn đức: một tấm gương cho thuộc cấp. Liêm khiết như Trung tướng Ngô Quang Trưởng, với chiến thuật và thị sát ngay dưới làn mưa đạn... Một nét son !”

    Trong Quân sử hào hùng, ông là một Đại tá như hàng trăm Đại tá khác của Quân Lực VNCH, nhưng trong lòng người Lính của đơn vị sau cùng là Liên Đòan 1 BĐQ (trước 1973) tức Liên Đoàn 12 BĐQ sau này, ông vẫn là Đại tá Trần Kim Đại, là Phong Châu: mãnh hổ đầu đàn của chúng tôi thuở xưa!



    Huy Văn (HVC)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X