Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Bên Bờ Sông Xưa

Collapse
X

Bên Bờ Sông Xưa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bên Bờ Sông Xưa

    Bên Bờ Sông Xưa
    Dương Đại Trường

    Sông Cái Lớn chảy qua thị trấn Năm Căn, mặt sông im lìm dưới bóng trăng non đầu mùa của trời cuối thu tháng chín. Những chiếc đèn trên cầu cao tỏa ánh sáng yếu ớt chiếu xuống mặt nước loáng bạc, những con sóng nhỏ lăn tăn mỗi khi có chiếc ghe máy chạy ngang qua, xuôi theo con nước ròng, hướng vàm Ông Trang đi về Đất Mũi. Phía bên hữu ngạn là chợ Năm Căn. Thị trấn bây giờ sầm uất với đường sá khang trang, công trình đô thị giăng mắc nhà cửa và các khu thương mại về đêm nhộn nhịp người mua kẻ bán …Tất cả quang cảnh trước mắt, đã chôn vùi mù khơi một dĩ vãng của đời binh nghiệp cho những ai một thời làm lính Hải Quân nơi căn cứ Năm Căn, thời xa xưa đìu hiu gió chiều thị trấn!!!!!


    Nhắc lại ngày xưa, chợ Năm Căn là một địa điểm giao thương rất thuận lợi nơi vùng cuối cùng của đất nước. Bởi vì chỗ này là ngã tư sông, nơi dừng chân của khách thương hồ. Họ là chủ những ghe chở hàng, ngược xuôi dòng nước đi xuống cửa Ông Trang mua tôm khô, cá khô.. Hoặc theo mùa ra Rẫy Chệt mua dưa hấu, xuống Rạch Gốc chở ba khía và ốc len… Rồi có những khi ghe thương hồ qua rạch Bà Thanh, rạch Bà Bường, Ông Định chở củi về hầm than trong những căn nhà cất dọc theo bờ kênh ngoại ô thị trần. Cái tên Năm Căn đã có từ lúc nào không ai xác định thời điểm, nhưng theo truyền khẩu: Địa danh Năm Căn đã có từ hơn 200 năm nay. Thời điểm đầu tiên, có một người Hoa Kiều tên là Chệt Hột đến đây dựng lên 5 căn trại đáy bắt cá tôm, phía trên bờ thì làm rẫy. Chẳng mấy chốc, công việc làm ăn phát đạt do nguồn cá tôm dồi dào và chưa có người khai thác. Tiếng đồn vang xa khắp miền, những khách thương hồ khắp nơi tụ về mua bán rồi lâu ngày thị trấn Năm Căn trở nên sầm uất.

    Nhắc đến Năm Căn cho những người khách thương hồ, không ai mà không biết về những đặc sản một thời nổi tiếng của vùng tận cùng đất nước Việt Nam: Than đước, ba khía, dưa hấu Năm Căn… Thuở ấy, cứ mỗi năm gần Tết âm lịch, từng đoàn ghe chài chỡ đầy ắp dưa hấu, nối đuôi nhau chỡ về Chợ Lớn theo ngã sông Tiền Giang, ngang qua Mỹ Tho rồi vào vàm Kỳ Hôn, theo kinh Nước Mặn về bến Lê Quang Liêm giao sỉ cho các vựa trái cây người Tàu bán lẻ cho dân mua về chưng bàn thờ vào những ngày Tết.


    Trong thời chiến tranh, Năm Căn có căn cứ lớn Hải Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Thời kỳ chiến tranh ác liệt, với sự phát triển mạnh của Hải Quân nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh trên sông ngòi, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa thành lập thêm Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng V Duyên Hải đóng tại thị trấn Năm Căn. Ngày xưa, quân đội Việt Nam Cộng Hòa chỉ có 4 vùng chiến thuật: Vùng I, Vùng II, Vùng III và Vùng IV. Thành thử ra, vùng V là danh từ dành cho những người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh cho tổ quốc, chuyển về đó công tác nghìn thu! Bởi vậy, khi tôi ra trường đưa về căn cứ Hải Quân Năm Căn, nơi đặt Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 5 Duyên Hải, bạn bè nói đùa với tôi và vài thằng bạn cùng đơn vị trong buổi tiệc mãn khóa rằng:
    – Hôm nay hãy uống cho say, bọn mầy ra đi không hẹn ngày về đó nhé! Chúc bọn mầy R.I.P nơi
    Bộ Tư Lệnh Vùng V Duyên Hải…

    Trong cơn ngà say, tôi cũng trả lời đùa lại:
    – Đúng! Vùng V Duyên Hải là vùng an ninh nhất trong các vùng chiến thuật của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Bọn tao tốt nghiệp hạng cao và “Trọn khóa” nên mới được cho về vùng V Duyên Hải.


    Hôm nay, chuyến đi tour về thăm Năm Căn, sau hơn bốn mươi năm lao đao lận đận nơi xứ người, tôi có dịp tháp tùng đoàn du lịch về thăm lại Năm Căn, nơi mà những kỷ niệm thân thương nhất của tôi đã ngủ vùi trong lớp bụi thời gian của thời quân ngũ. Tôi và một người bạn tên Ban trong đoàn du lịch ở Mỹ về thăm quê hương lần đầu, đặt phòng cạnh nhau ở một khách sạn bên bờ sông, hướng mặt ra dòng sông Năm Căn nhìn quang cảnh sông nước bao la và rất thơ mộng! Ông bạn đồng hành với tôi cũng là một quân nhân Hải Quân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, là thủy thủ của một trong mười chiếc PCF cung cấp bổ sung cho Bộ Tư Lệnh Vùng V Duyên Hải ở căn cứ Năm Căn khi mới thành lập. Ông bạn nầy tuổi quân vừa tròn thì đã giã từ vũ khí, theo đoàn tàu di tản sang Hoa Kỳ vào buổi chiều định mệnh: 30/4/1975.

    Sau khi ăn tối xong, hai chúng tôi rủ nhau đi tản bộ dọc theo bờ sông Năm Căn để mong tìm vài kỷ niệm ngày xưa nào còn sót lại đâu đây. Tôi đi theo sau, ông bạn già vừa đi vừa kể, hắn kể chuyện giống như thổ địa nơi thị trấn nầy từ muôn năm trước. Bạn già tôi hình như thuộc lào những quán ăn và tên cư dân của vùng nầy! Rồi như bất chợt nhớ chuyện xưa với bạn bè nơi đây nên hắn nổi hứng xưng hô “mầy tao” với tôi rồi kể tiếp:
    – Mầy biết không! Nơi đây xưa kia là quán ăn của cô Chọn. Lúc đó quán cô Chọn còn thưa thớt khách cũng như vài ba quán khác nằm dọc trên bờ sông Cái Lớn cách căn cứ Hải quân khỏang vài cây số. Quán cô Chọn thuộc ấp Hàm Rồng, lúc bấy giờ khu vực nầy nhà cửa lơ thơ, không quá hai chục nóc gia, dân cư đa số từ các vùng phụ cận đến lập nghiệp. Phần đông họ làm công cho căn cứ Mỹ, làm lưới đăng, đóng đáy trên sông và buôn bán… Bọn tao gồm những thủy thủ độc thân vui tính nên ngày nào cũng tụ tập tại quán cô Chọn; hết ăn sáng lại ăn trưa, cafê, thuốc lá khói bay vờn phủ kín tương lai!!! Ăn sáng ở đây chỉ duy nhất có mì gói nấu với tôm khô và bắp cải. Nhậu thì có tôm, cua, cá lóc, gà, vịt… Những món nhậu làm rất đơn giản: Luộc, xào, nướng.!

    Tôi nghe Ban kể cảm thấy thèm nhậu rượu đế với những món đồng quê cỏ nội, tôi liền nắm tay hắn kéo vào một quán cốc bên đường với cái tên rất là giang hồ lãng tử: Quán nhậu Bụi Đời:
    – Mình vào đây làm vài xị nha bạn già!

    Ban quay lại nhìn tôi rồi trố mắt hỏi lại:
    – Quán nầy hả?
    – Ừ! Vì cái tên “Bụi Đời” làm cho tôi thích thú!!!

    Ban chau mày rồi nói:
    – Bụi Đời!!! Tên quán nghe cũng hơi quen thuộc ! Hình như có cái gì kỷ niệm ở đâu đây…
    – Vậy thì mình vào nhậu vài ly cho anh nhớ lại ấn tượng hai chữ Bụi Đời!!!

    Hắn không cải lại, bước theo tôi đi vào quán. Chủ quán là một bà già trạc tuổi ngoài lục tuần, thấy chúng tôi ăn mặc bảnh bao đi vào quán, bà lên tiếng hỏi:
    – Các ông đi tìm người quen hả?

    Tôi đáp nhanh:
    – Không phải đi tìm người quen. Chúng tôi đi “nhậu”. Bác có món gì đặc biệt cho chúng tôi lai rai không?

    Bà già cứ đứng nhìn trân tráo vào hai chúng tôi hồi lâu mới khẻ đáp:
    – Quán tôi chỉ bán đồ nhậu cho giới bình dân trong lối xóm: Công nhân lò than, dân đốn củi, dân chài… Những món nhậu không ngoài những thứ hải sản địa phương: Khô cá đuối, cá thiều, cua, tôm..

    Bà già chủ quán liệt kê một lố món ăn rồi nhếch miệng cười, để lộ hai hàm nướu không còn chiếc răng, bà đưa ngón tay chỉ vào những chai rượu đặt trên chiếc kệ gỗ:
    – Quán tôi không có bán bia, chỉ bán duy nhất loại rượu nổi tiếng xưa nay của vùng nầy: Rượu đế Năm Căn.

    Ban vừa nghe bà chủ quán giới thiệu rượu Năm Căn, hắn đáp:
    – Đúng! Rượu nếp Năm Căn nổi tiếng từ lâu nên có câu vè lưu truyền trong dân nghiện rượu: "Rượu Năm Căn uống say rồi lăn ra ngủ. Vợ đi ngoại tình vì chồng mãi uống rượu Năm Căn..."

    Bà già chủ quán cười ha há, giải thích câu vè của Ban:
    – Ừ! Cậu nầy nói đúng! Câu vè nầy ngụ ý rượu Năm Căn khi bị say thì không làm vật vả con người. Người say chỉ cần ngủ một giấc êm đềm cho tới sáng, chẳng biết trời trăng mây gió chi hết, mặc cho con vợ đi ngoại tình…Hahahahaha

    Tôi xen vào góp vui câu vè:
    – Như vậy, hôm nay tôi và anh Ban là hai người độc thân tại chỗ, hai chúng ta tha hồ uống chừng nào say mới trở về khách sạn. Chúng ta vô tư không lo vợ ngoại tình!!!

    Hai chúng tôi ngồi xuống chiếc bàn làm bằng gỗ đước, đặt trên bờ của con lạch nhỏ thông ra dòng sông Năm Căn. Ngồi ở vị trí nầy, dưới ánh trăng lờ mờ, tôi nhìn thấy rỏ bờ bên kia sông, đoạn chạy dài từ chân cầu Năm Căn đến vàm Bà Thanh của huyện Ngọc Hiển. Nhìn cảnh vật im lìm dưới trăng lòng tôi bổng dưng nhớ về những ngày tháng xa xưa còn mặc áo chinh nhân, xông pha sông ngòi nơi vùng U Minh Hạ! Thời gian tưởng chừng như mới thoáng qua, nhưng tính lại bằng con số hẳn hoi thì đã gần bốn mươi năm tôi mới trở lại nơi nầy! Tuy giờ đây sự đổi thay của bộ mặt cơ sở vật chất, nhà cửa, dân cư đông đúc, đã làm mất đi những thiên nhiên của ngày nào… Nhưng trước mắt tôi, vẫn còn đó dòng sông Năm Căn dãi dầu mưa nắng, vẫn con nước lớn ròng đưa rước phù sa vun bồi cho rừng đước mênh mông bát ngát!

    Ban có lẽ cùng tâm trạng với tôi, hắn cũng ngồi im lặng, đưa mắt nhìn ra hướng sông Năm Căn, hồi tưởng! Thỉnh thoảng Ban đưa bàn tay lên đập muỗi tạo nên âm thanh khô khan trong đêm vắng. ..

    Bà chủ quán nướng xong miếng khô cá mực, đặt vào chiếc mâm nhôm cùng với chén đũa, bà bảo cô tiếp việc mang đến bàn chúng tôi. Cô tiếp việc vừa dọn chén đủa ra bàn vừa thật thà nói theo kiểu người nhà quê chơn chất, không có chủ từ:
    – Nhậu trước với khô! Cua rang muối mang lên sau..

    Mùi khô mực xông lên làm tôi thèm chảy nước miếng, tôi vội chộp ngay một miếng đưa vào miệng:
    – Wow!!! Khô ngon quá!

    Ban cũng lấy một miếng, rồi cầm ly rượu đế đưa lên miệng mời tôi:
    – Chúng ta cạn ly kết giao tình bằng hữu!…


    Hai chúng tôi ngồi nhắc chuyện xưa và nhâm nhi hết chai rượu đế ba xị lúc nào không hay. Bá càng uống rượu thì càng nói nhiều hơn! Hắn nhắc về những kỷ niệm không quên của tháng năm đời thủy thủ nơi vùng đất tận cùng của tổ quốc:
    – Tao còn nhớ ngày trình diện đơn vị là ngày trùng hợp với Bộ Tư Lệnh Vùng V Duyên Hải đi tiếp nhận 10 chiếc PCF bổ xung cho các đơn vị Sông Ngòi. Thời điểm nầy, thủy thủ ở căn cứ Năm Căn đi phép hay đi nhận nhiệm vụ thì phải chờ đợi có những chuyến tiếp tế cho căn cứ Năm Căn mới tháp tùng theo. Vì cơ hội nầy, tao được gởi theo đoàn tàu về căn cứ Năm Căn. Lúc bấy giờ, an ninh vùng Duyên Hải, nhất là Duyên Hải miền Tây, không mấy an toàn nên đoàn tàu PCF phải di chuyển ban đêm để tránh quan sát của địch. Vừa ra khỏi cửa Vũng Tàu thì gặp mưa to gió lớn, liên lạc truyền tin khó khăn nên phải chạy nối đuôi theo khoảng cách gần cho dể nhìn thấy nhau! Tao và hai thằng bạn cùng khóa mới ra trường thì ở trên chiếc PCF của đại úy T, trưởng đoàn. Tàu chạy đến 2 giờ sáng thì chúng tôi đi ngang qua cửa Gành Hào, từ vị trí nầy đến cửa Bồ Đề không còn xa lắm. Chúng tôi về đến căn cứ Năm Căn thì trời tờ mờ sáng

    Tôi ngồi lắng nghe Ban say sưa kể từng chi tiết về ngày trình diện đơn vị, thỉnh thoảng tôi xen vào gợi nhớ kỷ niệm xưa:
    – Khi nảy, lúc đi trên đường, anh có nhắc về quán nhậu của cô Chọn? Sao bây giờ tôi không còn chút ký ức gì về cô chủ quán có cái tên nghe rất “quê mùa” nầy!!!!

    Ban quay sang nhìn tôi, nhếch môi cười:
    – Thực đơn ở các quán nhậu thì tương đối giống nhau, nhưng mỗi quán có tên riêng hay có “bông hồng hoang vu” thì khiến con người ta nhớ nhau hoài!

    Ban cúi mặt suy nghĩ hồi lâu rồi kể chuyện xưa:
    – Thời đó, quán xá ở Năm Căn rất ít trương bảng hiệu. Vì vậy, lính ở Năm Căn thường gọi quán bằng những tên riêng đặc biệt cho dễ nhớ như: quán Bà Tư Bụi Đời, quán cô Chọn… Bấy giờ, hầu hết thủy thủ ở Năm Căn ai mà không biết đến hai quán nhậu nầy, ngoại trừ những thủy thủ thuộc lực lượng Ngăn Chận, giang đoàn 73 Thủy Bộ… Những đơn vị nầy không thường trực ở lại căn cứ nên không biết đến danh của bà tư Bụi Đời và cô Chọn.
    – Có lẽ vậy!
    – Mầy là thủy thủ thuộc lực lượng nào ở Năm Căn?

    Nghe Ban hỏi về đơn vị ngày xưa, tôi kể sơ qua đời quân ngũ của tôi cho hắn biết:
    – Suốt thời gian đơn vị biệt phái đến Năm Căn, Giang Đoàn 73 Thủy Bộ của tôi có nhiệm vụ cùng với Lực Lượng 45 Ngăn Chận đóng chốt ở cửa Bồ Đề, có trách nhiệm yễm trợ cho tàu Hải Quân tiếp tế cho bộ Tư Lệnh Vùng V Duyên Hải. Ngoài nhiệm vụ chính ra, giang đoàn 73 Thủy Bộ còn hành quân hỗn hợp cùng với tiểu đoàn Địa Phương Quân. Có một lần tôi suýt chết ở cửa Bồ Đề, khi tàu tôi chỡ Tiểu đoàn 86 BĐQ/BP hành quân và yễm trợ cho Tiểu đoàn ĐPQ cửa Bồ Đề. Khi đó, tôi vừa bước lên khỏi hầm máy thì tích tắc một trái B40 xuyên thủng thành tàu nổ tung hầm máy! Nghĩ lại, nếu không có phước to số lớn thì tôi bây giờ là con ma nơi vùng Năm Căn rồi!


    Khi kể đến đây, tôi dừng lại và quay sang nhìn Ban tìm hiểu về câu chuyện của bà tư Bụi Đời và cô Chọn:
    – Anh Ban có thể kể tiếp cho tôi nghe về câu chuyện của hai quán nhậu danh tiếng Năm Căn thời đó không?

    Ông bạn già như thích thú câu hỏi của tôi, hắn gật đầu:
    – Bà Tư Bụi Đời là chủ quán nhậu không có bảng hiệu, dân nhậu chỉ biết bà là người rất chịu chơi. Bà không lớn tuổi, ở lứa tuổi sồn sồn quá nữa chừng xuân, nhưng trông cũng có duyên ngầm. Cái danh từ Bụi Đời là do người ta đặt cho bà, dựa theo sinh hoạt của bà khi bà đi làm cho cơ quan Mỹ ở căn cứ Năm Căn. Nghe kể rằng, bà ta thường ở ngủ đêm trong căn cứ Mỹ, nơi ngôi nhà nhỏ ở bãi đáp của C47 mà không sợ Việt Cộng pháo kích! Khi bà mở quán nhậu, bà tư rất chịu chơi nhất là mỗi lúc có rượu vào, bà chơi nổi tiếng như câu nói của bà: Chơi xã láng, sáng về sớm.!!! Thậm chí có lúc bà ta hứng lên mở cửa con tim, thả giàn cho mây mưa thể xác: Tình cho không biếu không… Chính những nghĩa cử giang hồ nên người ta gán cho bà với tên gọi Bà Tư Bụi Đời.

    Tài kể chuyện của Ban rất hấp dẫn người nghe, khiến tôi nôn nóng về chuyện cô Chọn, tôi vội thúc giục:
    – Quán cô Chọn thì sao? Có gì đặc biệt để những anh chàng thủy thủ phải “si tình” chủ quán?

    Ban bật cười lớn tiếng, rồi xuống giọng giải thích câu hỏi của tôi:
    – Quán nhậu của cô Chọn thì thực đơn cũng bình thường, không có gì đặc sắc hơn các quán khác! Chỉ có một điều là những người làm trong quán của cô Chọn là những chị em và người thân của cô. Họ là những cô gái chớm nở xuân thì và có chút ít nhan sắc hơn những cô gái khác trong vùng gọi là khỉ ho cò gáy và hiếm hoi bông hồng khoe sắc! Vì vậy, những người lính trận xa nhà thường đến đây để ngắm nhìn những đóa hoa cho đở thèm và vơi nỗi nhớ người yêu nơi quê nhà!

    Cô Chọn không đẹp, nhưng có làn da trắng trẻo dễ coi, khác hơn mấy con gái ở đây, giữa những người làm ăn lam lũ! Bởi tiếng đồn vang xa, ai cũng muốn đến ngắm một lần cho biết, nhất là những ngưới lính quan niệm sống nay chết mai, sau mỗi lần lảnh lương xong họ đến đỗ tiền vào những bữa nhậu. Nhưng có điều mà những người lính đến quán cô Chọn nhậu nhẹt ngày đêm, họ bảo rằng, chưa có ai lọt được vào ngưỡng cửa trái tim của những cô gái trong quán cô Chọn! Lúc bấy giờ theo tao nghĩ chắc là những cô gái nơi quán cô Chọn đã có chủ rồi, hoặc họ có biên giới chủ nghĩa Quốc Gia-Cộng Sản. Chẳng hạn trường hợp em gái của cô Chọn tên Hưởng: Có một thời gian tao theo đuổi cô ấy như điên cuồng, ăn dầm nằm dề ở quán, nhưng tao không được cô ta đáp lại! Mỗi lần tao mở lời “cầu hôn” thì cô ta luôn viện cớ là: Em đã có chồng, chồng em cũng là lính của Việt Nam Cộng Hòa, phục vụ ở Tiểu khu An Xuyên… Rồi trước ngày cộng sản cưỡng chiếm miền Nam chừng vài tháng, an ninh quân đội của quận Năm Căn đến bắt những cô gái trong quán cô Chọn cho đi tù Côn Đảo về tội làm giao liên cho huyện uỷ của Việt Cộng, trong số đó có cô Hưởng. Khi vở lẽ ra, tao mới biết vì sao mà cô Hưởng không đáp lại tình yêu của tao!

    Đêm dần khuya, khách nhậu đã ra về, chỉ còn lại duy nhất hai chúng tôi! Bà chủ quán thu dọn bàn ghế lại thứ tự rồi đến ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, gợi chuyện làm quen:
    – Hai cậu chắc là khách du lịch từ xa đến?

    Tôi tránh né danh xưng Việt Kiều, đáp nhanh
    – Dạ! Chúng tôi ở Sài Gòn, theo đoàn du lịch đi tham quan Đất Mũi… Sao bác biết chúng tôi là khách du lịch?

    Bà chủ quán vừa cười vừa nói như đắc ý câu hỏi của tôi:
    – Hồi chiều nầy, khi hai cậu ghé vào quán, tui đã biết hai cậu không phải là dân địa phương rồi. Bởi vì dân địa phương nơi đây tui đều biết mặt hết! Gia đình tui bán quán nhậu nơi vùng Năm Căn trải qua mấy đời rồi!! Bà nội tui, má tui và bây giờ là chị em tui…

    Ban nghe bà chủ quán tự khoe bà là thổ địa, mấy đời bán quán nhậu, Ban xen vào hỏi:
    – Trước năm 1975, bác có nghe danh Bà Tư Bụi Đời bán quán nhậu ở thị trấn Năm Căn không?

    Bà chủ quán nghe nhắc đến tên mẹ, trố mắt nhìn Ban, trả lời:
    – Bà Tư Bụi Đời là mẹ của tui đó! Sao cậu biết tục danh của mẹ tui?
    – Ngày xưa tôi là lính Hải Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đơn vị đóng tại căn cứ Năm Căn. Ngày đó, khi lảnh lương, tôi thường cùng với bạn bè đến nhậu ở quán bà tư Bụi Đời.
    – Trời! Sự đời sao ngẩu nhiên quá! Lưu lạc không ngờ lại gặp nhau!

    Rồi bà chủ quán đứng dậy, nắm lấy tay của Ban và tôi:
    – Gần nữa thế kỷ mới có dịp gặp lại nhau, mình vào nhà nói chuyện nha! Bên ngoài muỗi nhiều lắm!

    Cả ba chúng tôi ngồi nơi chiếc bàn tròn ở phòng khách, uống trà trò chuyện. Bà chủ quán kể lại hoàn cảnh của gia đình bà sau ngày 30/4/1975:
    – Tôi tên Mai, mồ côi cha năm lên chín, là con gái lớn của Bà Tư Bụi Đời. Sau ngày “giải phóng”, mẹ tôi bị chính quyền Cách Mạng kết tội là “Me Mỹ” nên họ bắt mẹ đi học tập cải tạo về chính sách gọi là: Phục hồi nhân phẩm! Ở tù được ba tháng thì mẹ bị bịnh nặng nên được cách mạng khoan hồng, cho về sum hợp gia đình. Không lâu sau thì mẹ qua đời!

    Nói đến đây, bà Mai chỉ lên bàn thờ, rơm rớm nước mắt kể tiếp:
    – Khi mẹ mất, hai chị em chúng tui bơ vơ, đói no giữa chợ đời! Thấy hoàn cảnh khổ đau của chúng tui nên ông tư ghe cào trong xóm thương tình giúp vốn cho hai chị em tui mở lại quán nhậu với cái tên kỷ niệm mẹ tui: quán nhậu BỤI ĐỜI.
    – À! Thì ra cái tên quán nhậu BỤI ĐỜI xuất hiện từ dạo ấy!

    Rồi tôi khều nhẹ vào tay Ban, ra hiệu đến bàn thờ thắp cho Bà Tư Bụi Đời nén hương tưởng nhớ. Nhìn di ảnh của Bà Tư Bụi Đời đặt trên bàn thờ chụp theo kỷ thuật trắng đen, bạc màu, không rỏ nét, nhưng vẫn còn đọng lại trên khuôn mặt Bà Tư nét sắc sảo của một người con gái ở lứa tuổi dậy thì ! Tôi khẻ nói với Ban:
    "Còn đâu nữa! Ngày xưa xuân sắc!
    Tàn nhẩn thời gian một kiếp người!"


    Ban nghe tôi xuất khẩu thành thơ, hắn thì thào nói:
    – Đúng là cảm hứng của một văn sĩ!

    Đêm đã khuya, chúng tôi chào nhau ra về! Trăng non chiếu sáng con đường tráng nhựa dọc bờ sông Năm Căn. Ánh trăng chạy dài, nhạt nhòa lối đi trở về khách sạn. Trong tôi có điều gì hoài niệm thân thương ở quanh đây!

    Sáng sớm, tôi thức dậy ra hành lang tập thể dục rồi đi uống cafê và ăn điểm tâm. Trời còn sớm nên những quán cafê chưa mở cửa bán. Tôi tản bộ một mình trên con đường dọc theo bờ sông, vừa đi vừa làm động tác hít thở cho thư giản hô hấp. Đi một đoạn đến gần cầu Năm Căn, tôi ghé vào quán cafê không tên nằm ngay dưới chân cầu.Tôi chọn chiếc bàn hướng mắt ra dòng sông để có thể nhìn thấy tổng quang sinh hoạt trên sông vào buổi sáng.

    Thời tiết sắp vào Đông nên cơn gió heo may đầu mùa chợt đến, thổi nhẹ trên những ngọn cây đước ven bờ, làm rơi chiếc lá vàng cuối cùng còn luyến tiếc mùa Thu! Khung trời Năm Căn trước mắt tôi cũng không có gì thay đổi hơn xưa. Vẫn những áng mây trắng lờ đờ bay theo con gió heo may lành lạnh thổi về từ phương Bắc, báo hiệu mùa Đông đến. Vẫn ánh nắng ban mai tung tăng trên ngọn cây của khu rừng đước mênh mông U Minh Hạ…

    Nhưng không gian trước mắt tôi đã hoàn toàn đổi thay, không còn một dấu tích nào của ngày xa xưa còn sót lại: Những lò than, những hàng đáy trên sông đã mất hút tự khi nào! Bây giờ trước mắt tôi, thay vào vị trí đó là những căn nhà lầu, khách sạn nguy nga tráng lệ và chiếc cầu bắt ngang qua sông Năm Căn sừng sửng dưới trời xanh, khoe mình trong ánh nắng bình minh reo vui trên khắp phố phường! Bến đò Năm Căn bây giờ nhộp nhịp ghe tàu từ các vùng ven chỡ hàng hóa ra chợ bán. Nhìn cảnh tấp nập ghe tàu, tôi bổng nhớ về hình ảnh một cô thôn nữ chèo đò đưa người từ bên kia sông qua chợ Năm Căn vào những buổi sáng nhóm chợ. Cô thôn nữ tên Keo, cứ mỗi lần chèo đò đưa người qua sông thì cô ghé qua tàu của tôi đậu giữa sông đang làm nhiệm vụ kiểm soát giao thông, cô tặng vài con cua biển cho các anh chàng thủy thủ làm mồi nhậu! Thời gian trôi dần với hành động tình quân dân như cá với nước của cô đã khiến tôi sinh lòng yêu cô.

    Một hôm, tôi mạo muội tỏ tình:
    – Keo à! Anh thương em! Chịu làm vợ anh không?

    Keo nghe tôi tỏ tình, đôi má ửng hồng vì mắc cở, Keo mĩm cười duyên dáng, khẻ đáp:
    – Em không chịu làm vợ anh đâu! Em không muốn mình trở thành góa phụ nữa chừng xuân!!

    Kể từ đó, hai chúng tôi bơi lội trong tình yêu lý tưởng, mỗi lần gặp nhau chỉ nhìn nhau liếc mắt đưa tình. Nhưng rồi bổng dưng sau đó, Keo không còn chèo đò đưa người qua sông vào mỗi buổi sáng nữa! Tôi hỏi thăm vài người quen nơi thị trấn, tôi biết được Keo làm giao liên cho Việt Cộng và đã bị bại lộ tông tích nên tổ chức chuyển Keo vào chiến khu Đất Mũi công tác. Thế là cuộc tình của tôi và Keo không bao giờ đến!!!

    Tôi đang miên man hồi tưởng về cuộc tình với Keo, từ chiếc loa nơi góc quán cafê, phát ra âm thanh bản nhạc Đất Mũi Cà Mau, như ru hồn người lữ thứ, hoài vọng tình yêu thời chinh chiến của tôi với Keo! Lời nhạc nghe du dương, buồn da diết: "Anh đến quê em đất biển Cà Mau. Có thấy xanh tươi đất rừng bát ngát. Dòng sông Tam Giang nắng trải đưa người về thăm quê hương đất mũi xa xôi, trời xanh Năm Căn gió lộng bốn bề, biển bao la sóng tung cánh chim hải âu.
    Anh đến quê em đất biển Cà Mau. Anh thấy bao la cánh đồng muối trắng. Miền quê hương em cá bạc tôm vàng. Miền quê hương em đất cũng sinh sôi, ở xa anh mong tới được quê mìn, gần thêm yêu dấu, quê chúng ta Cà Mau…".

    Nghe xong bản nhạc, tôi thở dài, đứng dậy đi về khách sạn. Tôi chợt thốt lên:
    – Nguyễn Thị Cả Keo! Bây giờ em ở đâu?

    Hôm nay là ngày trở về Sài Gòn, kết thúc chuyến du lịch. Tôi thức dậy rất sớm, bách bộ theo bờ sông Năm Căn một lần cuối để giả từ thị trấn mang nhiều kỷ niệm ngày xưa thân ái của tôi. Đứng trên cầu Năm Căn, tôi nhìn xuống dòng sông ghi lại vào lòng vài kỷ niệm của chuyến đi: Bờ sông xưa không còn lại những lò than nằm im lìm trong rừng cây đước cổ thụ, không còn những căn trại lính Hải Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, không còn hình ảnh những chiếc tàu tuần giang sáng chiều ra vào căn cứ….. Tất cả những thứ ấy đã biền biệt chìm vào quá khứ xa xăm, không bao giờ trở lại!…

    Dương Đại Trường


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X