Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Sở Liên Lạc và Tôi

Collapse
X

Sở Liên Lạc và Tôi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Sở Liên Lạc và Tôi

    Sở Liên Lạc và Tôi


    Lê Minh


    Xuống taxi ngay ngã 3 vào Bắc Việt Nghĩa Trang, tôi tìm địa chỉ Sở Liên Lạc (SLL) để trình diện vào khoảng cuối năm 1964. Thấy trước mặt bên tay phải là một doanh trại có trạm gác, tôi bèn đến hỏi thăm thì quả đúng là SLL đây rồi. Tuy nhiên, vì thấy người lính gác cổng mặc quân phục Dù, đội nón đỏ nên tôi không biết chắc đó có phải là SLL hay không, vì khi được lệnh về trình diện SLL, tôi cũng không biết đơn vị này hoạt động như thế nào? Thấy được thuyên chuyển về SLL, tôi đinh ninh đây là một đơn vị chuyên về hành chánh. Do đó, khi được người lính gác cổng cho biết đây là SLL, tôi hết sức bàng hoàng và nghĩ nhanh trong đầu: “Bộ mình được thuyên chuyển về Nhảy Dù sao?” Sau đó, tôi được sĩ quan trực cổng hướng dẫn vào Phòng 1 để trình diện. Trên đường từ cổng vào, tôi thấy doanh trại được thiết lập theo hình chữ U trông thật bề thế. Ở giữa khoảng sân rộng là một cột cờ cao và một lá cờ thật lớn đang căng rộng trên khoảng không gian đầy mây trắng. Song song với 2 dãy doanh trại là 2 hàng phượng vĩ trùm, đầy hoa đỏ thắm.

    Hai vị Sĩ quan tôi gặp đầu tiên là Đại úy Lê Quang Tiềm và Trung úy Trần Lưu Huân. Hai vị này rất niềm nở, và hỏi sao tôi về trình diện trễ quá vậy! Tôi trình Sự Vụ Lệnh (SVL), và cho họ biết tôi mới nhận được SVL cách nay có 3 hôm. Nhưng vì đơn vị thiếu Sĩ quan (SQ) nên gần 3 tháng sau, khi có lệnh thuyên chuyển tôi mới được ra đi. Sau này, tôi được biết các anh Lê Tấn Thành, Tống Hồ Huấn, Trần Trung Ginh, v.v... đã về trình diện trước tôi hơn 3 tháng. Sau đó, tôi được Trung úy Huân hướng dẫn lên trình diện Chỉ Huy Trưởng (CHT) SLL. Lúc bấy giờ, Đại tá Hồ Tiêu còn là Trung tá. Ông rất cởi mở, vui vẻ hỏi thăm tôi về những hoạt động của binh chủng Biệt Động Quân. Ông có nhiều nhận xét rất chính xác về hoạt động cũng như hiệu năng của binh chủng này. Ra khỏi văn phòng CHT, tôi lại được Trung úy Nham hướng dẫn giới thiệu các Ban, Phòng của SLL. Qua các phòng, tôi thấy mọi người đều cởi mở và thân thiện khiến tôi cũng bớt bỡ ngỡ.

    Phần lớn các Sĩ quan SLL đều thuyên chuyển từ Sư Đoàn Nhảy Dù sang, và được tuyển chọn từ những Sĩ quan xuất sắc ở các Tiểu Đoàn Dù thiện chiến, như Trung tá Nguyễn Viết Cần, Trung tá Liêu Quang Trung, Đại úy Phan Trọng Sinh, v.v... Riêng các Thiếu úy Văn Thạch Bích, Nguyễn Thái Kiên, Phạm Văn Hy, Nguyễn Văn Thụ, Phan Nhựt Văn, Vương Vĩnh Phát, Nguyễn Hải Triều, Đoàn Kim Tuấn, đều là những SQ Trung Đội Trưởng hoặc Đại Đội Trưởng xuất sắc, thuộc các Tiểu Đoàn Dù tuyển chọn về. Ngoài ra, còn có Đại úy Nguyễn Mạnh Tường và Đại úy Nguyễn Văn Thanh, từ Côn Đảo trở về sau khi tham gia cuộc đảo chánh năm 1960 bất thành. Nhìn tác phong của các vị này tôi ngưỡng mộ hết sức.

    Tôi được bổ sung vào Phòng 3, Trưởng Phòng là Đại úy Nguyễn Mạnh Tường. Phòng 3 lúc bấy giờ đã có 6-7 SQ rồi. Trong thời gian này, các Tiền Doanh chưa được thành lập nên công việc cũng chưa có gì nhiều. Hằng ngày, chúng tôi chỉ có việc lên bản đồ qua những tin tức do các hộp thư từ bên Lào gửi về. Tôi chỉ ngồi chờ ngày đi học nhảy dù! Được biết SLL lúc thành lập nằm trong Bộ Tổng Tham Mưu, và mới di chuyển về đây một vài tháng nay thôi. Doanh trại này trước kia thuộc BTL/LLĐB. Sau cách mạng 63, LLĐB di chuyển về Nha Trang, và SLL từ trong Bộ TTM dời về đây. Doanh trại còn rất nhiều phòng trống, giấy tờ nằm ngổn ngang trong các phòng ốc, tủ và bàn giấy. Do đó, nhóm SQ độc thân chúng tôi phải thu dọn, và sau đó mỗi người chiếm một phòng thật thoải mái. Ở trong trại, tới giờ ăn thì chúng tôi ra ngoài Lăng Cha Cả ăn 2 bữa trưa và chiều, rất tiện lợi. Nhưng không có việc gì làm, chỉ ngồi chờ ngày đi học nhảy dù nên tôi bắt đầu nhớ những ngày ở Biệt Động Quân... Cũng may, sau gần hơn tháng ngồi chơi tôi theo học khóa 58 A Nhảy Dù ở Trung Tâm Huấn Luyện Sư đoàn ND. Mãn khóa Dù, khoảng nửa tháng sau, tôi cùng 5 sĩ quan khác lên Trung Tâm Huấn Luyện Long Thành tham dự khóa Thám Sát, do các cố vấn Mỹ hướng dẫn. Khóa học rất hữu ích, và cho tôi rất nhiều kinh nghiệm trong thời gian hơn 2 năm tôi nắm Toán Trưởng sau này. Sau gần 3 tháng huấn luyện và hành quân thực tập, chúng tôi 5 SQ, nắm 5 toán Lôi Hổ đầu tiên, gồm có: Thiếu úy Văn Thạch Bích, Nguyễn Thái Kiên, Nguyễn Văn Thụ, Phạm Văn Hy, và tôi.

    Trong thời gian này các Tiền Doanh chưa có, chỉ có C&C ở Đà Nẵng thôi.

    Chúng tôi từ Long Thành mỗi lần đi hành quân, điểm xuất phát là các trại Khâm Đức, hay trại Khe Sanh, trại A-Shao, thuộc các trại A Lực Lượng Đặc Biệt. Xong hành quân là về lại Long Thành. Mỗi toán chúng tôi đều có 1 phòng ở đây. Đi phép xong, trở về Long Thành, lên C 130 đi hành quân tiếp. Mỗi lần ra Khe Sanh hay Khâm Đức hành quân, nếu gặp thời tiết tốt thì ngày hôm sau là “Go” ngay. Tuy nhiên, gặp những ngày thời tiết xấu thì nãn hết sức. Có khi cả tuần hay nửa tháng mới xâm nhập được! Đi hành quân mà ngoài vũ khí và đạn dược ra, chúng tôi còn phải mang theo 1 túi xách để chứa khăn tắm, quần áo lót, bàn chải và kem đánh răng, đề phòng thời tiết xấu không xâm nhập được. Cũng may, chúng tôi chỉ chịu đựng như thế đâu khoảng hơn nửa năm thì thành lập các Tiền Doanh hay FOB (Forward Operation Base), và sau đó tôi được thuyên chuyển đến FOB 2 Kontum.

    Trong thời điểm này, mỗi FOB có khoảng từ 10 đến 15 Toán. Nhưng vì không đủ Sĩ quan nên các Toán Trưởng được bổ sung là Hạ Sĩ Quan, hoặc các Biệt Kích Quân giỏi và có khả năng. Trước đó, FOB 2 Kontum là doanh trại Quân xa của Tiểu Khu Kontum. Lúc mới nhận, trại rất chật chội. Mọi người đều phải ngủ trên ghế bố, kể cả Biệt Đội Trực Thăng KingBee 219. Công Binh Mỹ làm việc ngày đêm. Nhưng sau một chuyến hành quân 7 ngày trở về, tôi đã thấy có đầy đủ phòng ngủ, phòng ăn, câu lạc bộ, nơi chiếu phim, v.v... Mỗi toán đều có 1 phòng riêng biệt, rộng rãi và thoải mái. Đến khoảng giữa năm 1967, tôi bàn giao Toán Ohio cho Văn Minh Huy, và đổi về C&C Đà Nẵng. Ở Đà Nẵng được khoảng 2 tháng, buồn quá nên tôi xin đổi về Phú Bài, và coi Đại Đội Thám Sát. Cuối năm 1967, tôi được giải ngũ. Trong đợt này, SLL có 3 người được giải ngũ là: anh Nguyễn Văn Ôn Khóa 13, anh Trần Trung Ginh, Khóa 14, và tôi Khóa 15 Thủ Đức. Nhưng giải ngũ còn đang đi phép thì xảy ra vụ Tết Mậu Thân... Thế là bị gọi tái ngũ lại, xách ba-lô trở ra lại Phú Bài. Mới vắng Huế có mấy tháng, nay trở ra lần này thấy Huế chịu trận Tết Mậu Thân bị đổ nát tiêu điều! Khắp thành phố Huế, gần như mọi người đều chít khăn tang. Trong khi đó, nhiều tỉnh lỵ trong miền Nam vẫn còn đang giao tranh với VC.

    Khoảng giữa tháng 5 năm 1968, tôi nhận được lệnh đi xuống Thất Sơn, tỉnh Châu Đốc để tuyển mộ người Miên vào Biệt Kích. Cùng đi với tôi là 1 HSQ Mỹ và 1 thông dịch viên người Miên lai Hoa, thông thạo tiếng Anh-Pháp-Việt và Miên. Những người Miên này thường được gọi là “Khmer Kampuchea Krom” hay là “KKK”, có nghĩa là những người Miên ở miền dưới, chứ không phải trên Cao Miên. Có thời gian họ ly khai, kéo quân vào mật khu chống lại chính phủ miền Nam, và chống luôn cả Việt Cộng. Họ có tổ chức đến cấp tiểu đoàn, sau này trở về quy thuận với chính quyền miền Nam. Chúng tôi đến gặp vị dân biểu người Miên ở quận Tri Tôn, sau đó được giới thiệu đi gặp Ông Lục Cả, vị Sư lớn nhất của vùng Thất Sơn. Chúng tôi trình bày và xin được phép tuyển mộ lính Miên, và ông cũng chấp thuận. Vài hôm sau, họ gom lại thành từng Trung Đội, Đại Đội, cùng các cấp chỉ huy tập trung tại Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng chờ C 130 đến đón về Phú Bài. Có điều lạ là có người mang theo vợ con, và cũng có cả ông Lục (Ông Sư) tháp tùng theo nữa!

    Trong khoảng thời gian cuộc tấn công Mậu Thân đợt 2, vào một buổi chiều, tôi được lệnh cùng mấy HSQ Mỹ đem 1 Đại Đội Miên về Sài Gòn bằng C130 ngay trong đêm. Về đến Sài Gòn cũng đã 2-3 giờ khuya, cả Đại Đội ngủ dọc dài theo các hành lang trong Sở. Riêng nhóm HSQ Mỹ thì về số 10 đường Nguyễn Minh Chiếu. Sáng hôm sau, tôi dựa theo các bài tấn công trong thành phố đem ra hướng dẫn, dùng các phòng trong Sở để huấn luyện Đại Đội Miên. Phần các HSQ Mỹ thì họ nói gần, nói xa là họ không tham dự. Buổi chiều, tôi theo SQ Trưởng Phòng 3 vào Chợ Lớn đường Tổng đốc Phương gần hãng xà bông VN thăm dò chiến trường, vì có nhiều nhóm VC còn đang chiếm các cao ốc gần đó. Chúng tôi dự tính kế hoạch là sẽ dùng trực thăng đu dây xuống.

    Thật ra, kế hoạch này nếu dùng cho toán Thám Sát thì rất tốt, nhưng nếu dùng cho Đại Đội Xung Kích thì lại không thuận lợi bằng. Ngày hôm sau, tôi nghe nói phía đối nhiệm Mỹ không bằng lòng sử dụng Đại Đội Xung Kích trong nhiệm vụ này. Thế là được lệnh ngày hôm sau trở về lại Phú Bài. Thật sự thì tôi không “mặn” với Đại Đội Xung Kích Miên trong nhiệm vụ này cho lắm, bởi vì tiếng Việt họ nói cũng không rành, và nhất là họ cũng chưa từng sống trong các thành phố lớn, chưa quen các ngõ ngách, nhà cửa trong thành phố.

    Lực Lượng Xung Kích Miên (Hatchet Forces) và các cố vấn Hoa Kỳ lên đường hành quân. Khoảng giữa năm 1968, tôi đổi về Tiền Doanh 6, Hồ Ngọc Tảo, Thủ Đức. Trại này bên LLĐB Mỹ mới bàn giao cho MAC-SOG nên cán bộ VN rất ít. Thời gian này chưa thành lập các toán Việt Nam, mà người Mỹ thì không được quyền xâm nhập vào đất Miên, do đó chúng tôi chỉ hành quân bên này biên giới, từ Đức Lập chạy dài xuống tới Tây Ninh. Căn cứ địa 352 và 353 có 2 khu Mỏ-Vẹt và Lưỡi-Câu nằm tại đây. Vùng này rất nặng, các toán chạm địch liên miên. Nửa năm sau, Tiền Doanh 6 di chuyển về Ban Mê Thuột nhập chung với Tiền Doanh 5 để trở thành Chiến Đoàn 3 (CCS). Đến giữa năm 1969 thành lập Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật 32 Quản Lợi và căn cứ xuất phát Quản Lợi. Tôi về Quản Lợi từ lúc đó cho đến đầu năm 1972, và sau đó thuyên chuyển lên Chiến Đoàn 2 phụ tá cho Chiến Đoàn Trưởng Đỗ Văn Tiên. Mấy tháng sau, tôi bàn giao với Trung tá Tiên để Trung tá Tiên đổi về BCH/NKT. Vào lúc này, quân ta mất Tân Cảnh sau khi bao vây Kontum gần 3 tháng nhưng không chiếm được “Kontum Kiêu Hùng”. Vòng đai phòng thủ của Kontum bây giờ có đường bán kính khoảng từ 20 đến 25 cây số. Phía Bắc thì đến Võ Định, phía Tây thì đến Poleiken Sông Pô-kô, phía Đông chưa đến chân dãy Ngọc Long, phía Nam thì QL-14 đi Pleiku vẫn còn thông thương.

    Tuy Sư đoàn 23 và Biệt Động Quân vẫn kiểm soát được Chu Pao, nhưng thỉnh thoảng VC vẫn lén ra phục kích và bắn sẻ. Có một lần xe CĐ2 đi Pleiku bị bắn sẻ, khiến cho em gái Thiếu úy Phước của CĐ2 đi quá giang xe bị bắn chết. Trong giai đoạn này, CĐ2 không còn hành quân xâm nhập ngoại biên nữa. CĐ đuợc đặt dưới quyền điều động của Quân Đoàn 2, và thường xuyên được tăng phái cho Sư Đoàn 22 hoặc Sư Đoàn 23/BB trong các mặt trận lớn của 2 Sư Đoàn này. Đầu năm 1975, Đoàn 2 dời trại lên Pleiku đóng ở Biển Hồ, và cho đến tháng 3/1975 cùng với Quân Đoàn 2 di tản về Sài Gòn.

    Trong suốt hơn 10 năm phục vụ SLL, tôi đã làm việc gần như ở bất cứ nơi nào có căn cứ của Sở. Chỉ có những khoảng thời gian ngắn như thời gian ở bên Lào, thời gian mấy tháng giải ngũ, hoặc tham dự các khóa huấn luyện Rừng Núi Sình Lầy ở Mã Lai, khóa Đại Đội Trưởng, khóa Bộ Binh Cao Cấp, là rời các cuộc hành quân mà thôi. Tôi đã phục vụ qua 5 đời Chỉ Huy Trưởng SLL, từ những ngày đầu với Đ/T Hồ Tiêu, kế đến là Đ/T Liêu Quang Nghĩa, Đ/T Nguyễn Văn Minh, Đ/T Nguyễn Bá Trước và sau cùng là Đ/T Nguyễn Minh Tiến, mỗi người đều là những vị chỉ huy tài ba, gương mẫu, thân thiện và cởi mở với thuộc cấp, được mọi người kính phục và thương yêu. Bây giờ còn 2 vị đang sống ở Mỹ: Đ/T Minh và Đ/T Nghĩa. Đ/T Liêu Quang Nghĩa sức khỏe vẫn còn tráng kiện, không vắng mặt mỗi kỳ Đại Hội NKT nào cả. Riêng các Chiến Đoàn Trưởng thì đã ra đi khá nhiều, gồm có: N/T Nguyễn Tuấn Minh, N/T Hồ Châu Tuấn, N/T Ngụy Hiền, N/T Trang, N/T Nhã và N/T Tiên. Phần các N/T ở tại BCH Sở thì có N/T Ngô Văn Hùng đã chết ở Bắc Việt trong thời gian cải tạo. Gần đây thì N/T Lê Quang Tiềm, và N/T Trần Đắc Trân cũng mới ra đi. Cầu xin cho các N/T và các C/H đang sống ở quê nhà hay quê người, cá nhân và gia đình được nhiều sức khỏe. Có gặp được nhau nhớ và nhắc lại những chiến tích kiêu hùng, thân ái ngày xưa.


    Lê Minh


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X