Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cuộc Di Tản Cuối Cùng

Collapse
X

Cuộc Di Tản Cuối Cùng

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cuộc Di Tản Cuối Cùng

    Cuộc Di Tản Cuối Cùng
    Tình hình chung của TVBQGVN từ Đà Lạt về Long Thành, cuối tháng 3 và đầu tháng 4, năm 1975
    Cùi Nguyễn Văn Dục, Khóa 17


    Với tư cách là một sĩ quan Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, là người thi hành, là chứng nhân của cuôc di tản TVBQGVN từ Đà Lạt về Trường Bộ Binh Long Thành và từ Long Thành về Huấn Khu Thủ Đức, cho đến hết ngày 30-4-1975, tôi viết lại những dòng này. Sau 38 năm, tôi nhớ đến đâu viết đến đó. Những điểm chính đúng 100%, nhưng ngày, tháng, giờ giấc, cũng như tên các sĩ quan, sinh viên sĩ quan có thể quên.
    Cựu Thiếu Tá Nguyễn Văn Dục, K17 Nguyên sĩ quan Cán Bộ Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1 Sinh Viên Sĩ Quan TVBQGVN.

    I. Tình hình chung tại Đà Lạt - Tuyên Đức:

    Sau khi được tin Buôn Mê Thuột thất thủ, tình hình dân chúng ở Đà Lạt - Tuyên Đức giao động, hoang mang, lo sợ. Những người giàu có, các thương gia đã tìm mọi phương tiện để chuyển của cải và người về Sài Gòn. Đa số công chức đã rời bỏ nhiệm sở, thu xếp đưa gia đình vợ con về Sài Gòn.
    II. Tình hình chung tại TVBQGVN:
    Trong thời gian này, các Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) bốn Khóa 28, 29, 30, và 31 đã tạm thời nghỉ học, thay phiên nhau canh gác, ứng chiến, phòng thủ trường, tu sửa lại hệ thống phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu khi hữu sự.
    A. Về sĩ quan Văn Hóa Vụ (VHV), Quân Sự Vụ (QSV), Bộ Chỉ Huy, và quân nhân cơ hữu:

    Một số vẫn ở trường làm việc như thường lệ, nhất là các sĩ quan cán bộ của Trung Đoàn SVSQ luôn theo sát SVSQ trong công tác ứng chiến, phòng thủ trường. Cũng có một số sĩ quan VHV, QSV, tham mưu đã tự động nghỉ việc, tìm phương tiện đưa gia đình vợ con về Sài Gòn. Các khu cư xá sĩ quan, như khu Lý Thường Kiệt, khu Lâm Viên đã di tản gần hết. Mỗi nơi chỉ còn lại một vài gia đình.
    B. Về SVSQ bốn Khóa 28, 29, 30, và 31:
    Nhìn chung, tinh thần của các SVSQ bốn khóa vẫn bình tĩnh, nhờ đa số đều nhìn vào tác phong và thái độ của các sĩ quan cán bộ, từ cán bộ đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, cho đến sĩ quan huấn luyện viên của QSV. Lúc này, các sĩ quan cán bộ các cấp luôn luôn sát cánh với SVSQ trong công tác ứng chiến, phòng thủ. Chúng tôi thường nói với sinh viên:
    - “Nếu địch tấn công vào trường với áp lực nặng nề, nếu chúng ta chiến đấu đơn độc không có đơn vị nào tiếp ứng thì sinh viên bốn khóa của TVBQGVN sẽ noi gương dũng cảm của sinh viên Trường Võ Bị Saint Cyr, của Pháp trong chiến tranh Pháp-Đức. Tất cả SVSQ mặc đại lễ chiến đấu trên tuyến phòng thủ!”
    Nghe câu nói này, nhiều SVSQ đăm chiêu suy nghĩ, nhưng cũng có nhiều SVSQ mỉm cười tự hào.
    C. Chuẩn bị di tản:
    Buổi họp cuối cùng của trường VB tại phòng họp QSV:
    Trong thời gian này, tình hình Đà Lạt-Tuyên Đức rất căng thẳng. Đa số sĩ quan, công chức thuộc Tiểu Khu Tuyên Đức và Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Dã Chiến đã đào nhiệm. Tuy nhiên, vẫn còn lại là một số của Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị tiếp tục nhiệm vụ phòng giữ an ninh, phòng thủ trường.
    Nếu áp lực địch quá nặng, không có lực lượng trừ bị, tiếp ứng thì trường đành phải di tản để bảo toàn lực lượng, nhất là để bảo vệ sinh mạng của các SVSQ. Vì thế, Thiếu Tướng Chỉ Huy Trưởng ra lệnh triệu tập một buổi họp đặc biệt tại phòng họp QSV để nghiên cứu cách di tản khi cần thiết.
    1. Nhân sự:
    *Chủ tọa buổi họp: Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ, Chỉ Huy Trưởng.
    *Các sĩ quan tham dự gồm:
    - Đại Tá Nguyễn Thúc Hùng - K5, Quân Sự Vụ Trưởng.
    - Thiếu Tá Cao Yết - K16, Quân Sự Vụ Phó.
    - Thiếu Tá Đặng Thiên Thuần - K16, Trưởng Phòng Điều Hành QSV.
    - Thiếu Tá Quách Văn Thành - K17, Trưởng Khối Huấn Luyện Quân Sự.
    - Thiếu Tá Trần Đạo Hàm - K17, Trưởng Khối Huấn Luyện Thể Chất.
    - Thiếu Tá Nguyễn Văn Dục - K17, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1 SVSQ.
    - Thiếu Tá Lê Diêu - K16, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 SVSQ.
    2. Thảo luận:
    Vì tình hình chiến sự căng thẳng, nhu cầu bảo toàn lực lượng rất khẩn cấp, do đó trường cần di tản. Tất cả nghiên cứu kỹ trên bản đồ để tìm lộ trình di tản an toàn, băng rừng từ Đà Lạt xuống Phan Rang.
    Sau một lúc nghiên cứu rất cẩn thận và tỷ mỉ trên bản đồ, tất cả các thành viên đều nhận xét:
    - Lộ trình băng rừng từ Đà Lạt - Phan Rang quá hiểm trở, điạ thế rất nguy hiểm vì các thác nước cao và dốc.
    - SVSQ phải mang theo vũ khí, đạn dược, và quân trang, quân dụng cần thiết. Do đó, không thể băng rừng được.
    - Đề nghị Thiếu Tướng Chỉ Huy Trưởng cho di chuyển bằng quân xa cơ hữu của trường.
    - Nếu di chuyển bằng quân xa, phải thiết lập an ninh lộ trình, tối thiểu từ Trạm Hành đến chân đèo Sông Pha, vì đoạn đường này rất nguy hiểm, VC có thể phục kích.
    3. Quyết định:
    Trong bầu không khí căng thẳng, tôi đưa tay xin phát biểu: - “Tôi, Thiếu Tá Nguyễn Văn Dục, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1 SVSQ, xin nhận trách nhiệm đưa 1 hoặc 2 Liên Đội SVSQ đi mở và giữ đường từ Trạm Hành đến gần chân đèo Sông Pha.”
    Sau đó, Thiếu Tướng CHT chấp nhận giải pháp di tản bằng quân xa từ Đà Lạt tới Phan Rang.
    D. Mở và giữ đường:
    Hôm sau, ngày 30/3/75, tôi nhận lệnh đưa Liên Đội G-H SVSQ trên 3 chiếc GMC của trường về đến Trạm Hành, mở đường và giữ đường từ đây cho đến chân đèo Sông Pha. Vào xế chiều, Liên Đội C-D cũng tới nơi. Trên lộ trình đã có một tiểu đoàn Điạ Phương Quân (ĐPQ) của Tiểu Khu Phan Rang án ngữ các điểm trọng yếu, do một đại úy chỉ huy. Tôi đã phối hợp hành quân với đơn vị này. Các liên đội SVSQ giữ các cầu, các chốt gần trục lộ, trong khi tiểu đoàn ĐPQ trấn giữ các điểm trọng yếu xa và nguy hiểm. Tôi còn nhớ câu nói thật chân tình và nhân ái của vị đại úy này:
    - “Lính của tôi quen nguy hiểm và chiến đấu, trong khi SVSQ của Thiếu Tá còn thụ huấn, chưa quen chiến trận. Như cái chén kiểng mới tinh bị vỡ thì uổng quá.”
    Đến giờ phút này, ngồi ghi lại những hình ảnh đã qua, tôi vẫn còn nhớ những lời nói ấy. Khi giữ đường, tôi căng võng nằm dưới gầm cầu, cạnh Đại Úy Y Sĩ Thân Trọng Minh. Tôi cũng vào tần số với Đại Úy ĐPQ để trao đổi các tin tức và thông báo các điểm phục kích của SVSQ.
    E. Cuộc di tản:
    Đêm 31-3-75, Liên Đội A-B, còn ở lại trường sau cùng, đi bộ rời trường mẹ. Tình hình rối ren quá mức vì làn sóng người di tản đổ dồn về hai quân Lạc Dương, Đơn Dương. Vì thế, quân xa không thể quay trở lại đón SVSQ. Trong lúc đó, vào khoảng 20-21 giờ, sau khi cho các SVSQ đi phục kích, an ninh các khu trọng yếu, tôi mở máy liên lạc với tiểu đoàn ĐPQ thì mới biết toàn trường VB đã di tản và đang bị chặn lại vì các chướng ngại vật và mìn bẫy trên đường.
    Được tin này, tôi rất xúc động, cố nén và theo dõi cuộc đối thoại trong máy truyền tin giữa Thiếu Tướng Chỉ Huy Trưởng và Đại Úy Tiểu Đoàn Trưởng ĐPQ:
    - Tôi, Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ, CHT/ TVBQGVN đây.
    - Xin lỗi, tôi không biết Thiếu Tướng. VC cũng có thể giả Thiếu Tướng được.
    -Vậy, Đại Úy biết ai? Ông thầy của Đại Úy là Đại Tá Tự đã đi rồi.
    - Ở đây, tôi chỉ biết Thiếu Tá Nguyễn Văn Dục, Tiểu Đoàn Trưởng SVSQ Đà Lạt, đang cùng tiểu đoàn của tôi giữ đường.
    - Cho mời Thiếu Tá Dục vào máy gặp tôi. Nghe vậy, tôi vội vàng trả lời: - “Thưa Thiếu Tướng! Tôi, Thiếu Tá Dục đây. Thưa Thiếu Tướng, trường đã di tản hết sao không cho tôi hay? Tôi còn một tiểu đoàn SVSQ đang phục kích, đóng chốt trên trục lộ. Xin Thiếu Tướng đợi cho tôi gom quân đã.”
    Tôi cũng liên lạc ngay với Đại Úy TĐT/ ĐPQ: - “Đúng là Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ, CHT/ TVBQGVN đó. Đại Úy cho mấy đứa con gỡ mìn và kéo các con ngựa sắt qua hai bên đường cho đoàn xe di chuyển. Cám ơn bạn. Rất vui về thời gian vừa qua đã làm việc với bạn. Tình hình chiến sự như vậy đó, bạn đã rõ. Bạn hãy lo cho các con của bạn. Tạm biệt.”
    Tôi nói mấy câu sau cùng trong nghẹn ngào. Các SVSQ đã ra trục lộ. Sau khi kiểm soát đủ quân số, tôi cho lệnh lên xe cùng trường di tản.
    F. Đến Phan Thiết:
    Đoàn quân xa của trường di tản đến Tiểu Khu Phan Thiết vào quá nửa đêm, nên tất cả ngủ trong khuôn viên của tiểu khu. SVSQ của bốn khoá và quân nhân cơ hữu của trường đánh một giấc ngủ ngon lành, quên cả đói sau một ngày vất vả. Trong đêm, cũng có một số sĩ quan QSV và Bộ Tham Mưu lẻn ra bờ biển, xé lẻ, thuê ghe về Vũng Tàu trước. Chuyến đi này của họ cũng khá vất vả, nhưng rất may họ đã đến Vũng Tàu an toàn.
    Sáng hôm sau, khoảng 7-8 giờ sáng, tiểu khu bị pháo kích. Đạn nổ quanh tiểu khu, trên Quốc Lộ 1, và các trục lộ của thị xã. Trong lúc này, quân xa, xe dân sự, dân chúng, quân nhân các binh chủng khác chạy tán loạn. Một cảnh hỗn loan thật là khó tả. Riêng SVSQ của bốn khoá đã an toàn ở trong khuôn viên tiểu khu. Lúc này, Thiếu Tướng CHT ở Lầu Ông Hoàng chỉ huy cuộc di tản.
    Tôi đã gặp Thiếu Tá Quách Văn Thành - K17, Trưởng Khối Huấn Luyện Quân Sự, và Đại Úy Quách Tinh Cần, K20. Họ cho biết, lệnh của Thiếu Tướng là cho tất cả SVSQ ra bờ biển để tàu Hải Quân đến đón.
    1. Di chuyển đến bờ biển Phan Thiết.
    SVSQ đã đến bờ biển. Than ôi! Không có tàu Hải Quân nào cả. Trên bãi biển, có đủ quân nhân của các quân binh chủng trong cảnh hỗn loạn đang dành dật ghe thuyền của dân đánh cá để di chuyển...
    Lại một lần nữa, tôi cho lệnh SVSQ quay trở lại Quốc Lộ 1 để tiếp tục di chuyển bộ về Bình Tuy. Được tin cầu Phan Thiết sẽ phải giật sập, tôi cho lệnh và hối thúc SVSQ bốn khóa di chuyển nhanh qua cầu. Trên lộ trình di chuyển, xe cộ, dân chúng, quân nhân các cấp đang hỗn loạn chen lấn. Một cảnh hỗn loạn chưa từng có. Tuy vậy, SVSQ trường Võ Bị vẫn di chuyển trật tự, súng đặt cầm tay sẵn sàng chiến đấu. Nhìn nét mặt cương nghị của họ, dân chúng an tâm, tin tưởng, di tản theo SVSQ. Nhiều bà cụ còn nhờ họ mang dùm xách tay, va li nhỏ chứa đựng đồ quý mà không sợ bị mất mát. Điều này chứng tỏ, trong tình cảnh hỗn độn nhất, SVSQ trường Võ Bị vẫn được tin tưởng và SVSQ luôn sẵn sàng phục vụ và bảo vệ dân chúng. Đang di chuyển, tôi gặp xe jeep của Đại Tá Nguyễn Thúc Hùng, QSV Trưởng. Đại Tá Hùng ra lệnh:
    - “Anh cho SVSQ về Bình Tuy!”
    Chiếc xe Jeep tiếp tục lao về phía trước. Tôi nghẹn ngào không nói được, nhìn theo.
    2.Quá giang về Bình Tuy:
    Từ địa điểm mà tôi gặp Đại Tá Hùng cho đến ngã ba vào Bình Tuy còn rất xa. Tuy SVSQ vẫn cố gắng giữ chặt kỷ luật và di chuyển, nhưng thật sự họ rất mệt, đói, và khát. Tôi quyết định cho họ quá giang trên tất cả các loại xe có thể tìm được: xe đò, xe chở đồ đạc, xe chở súc vật, quân xa; cố gắng “đeo theo”, “bám theo”. Miễn sao, họ ráng giữ an toàn về đến ngã ba Bình Tuy, nhưng không được về Sài Gòn vì VC đã nằm đầy, phục kích ở Rừng Lá.
    3. Ủi chốt VC gần Cầu Sắt - Ngã ba vào Bình Tuy:
    Trước khi rẽ trái vào Bình Tuy, bên phải quốc lộ có một chiếc cầu sắt. Trên cầu một chiếc thám xa V100 bị cháy đen nằm bất động. Bên phải cầu có một ngọn đồi khá cao. VC đang đóng chốt ở đây để ngăn cản mọi di chuyển trên quốc lộ và ngã rẽ vào Bình Tuy. Toán SVSQ di chuyển đầu gặp một đơn vị Biệt Động Quân, thuộc Tiểu Đoàn 35 BĐQ do Thiếu Tá Trịnh Trân - K20 làm TĐT. Gặp niên trưởng, họ đã hăng hái nhập cuộc, cùng BĐQ “ủi” bay chốt của VC, giữ an ninh cho tất cả các đơn vị rẽ trái vào Bình Tuy, một cách an toàn. Nếu không “ủi” chốt này, con đường chính vào Bình Tuy sẽ bị VC chế ngự hoàn toàn.
    4. Tạm giao nộp vũ khí trước khi vào Bình Tuy.
    Được lệnh của Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt, K10, Tư Lệnh Chiến Trường Bình Tuy:
    - “Tất cả các đơn vị vào Bình Tuy phải giao nộp vũ khí. Không ai được mang bất cứ một loại vũ khí nào vào thị trấn.” Lệnh này được đưa ra để đề phòng các quân nhân vô kỷ luật, làm loạn, mất an ninh trong thành phố.
    Lúc đó, tôi gặp Trung Tá Ngô Văn Xuân, cùng Khoá 17 với tôi, đang chỉ huy cuộc hành quân ở đây. Tôi nói với Trung Tá Xuân rằng SVSQ/ TVBQGVN giữ đúng kỷ luật, không làm loạn, không cần giao nộp vũ khí. Trung Tá Xuân nói với tôi:
    - “SVSQ Võ Bị phải làm gương cho các đơn vị khác noi theo.”
    Vũ khí của SVSQ được đưa lên một chiếc GMC riêng, và được trả lại cho họ khi xe đến Trung Tâm Chiêu Hồi. Riêng các sĩ quan cán bộ của Trung Đoàn SVSQ vẫn được mang súng vào Bình Tuy.
    5. Tạm nghỉ đêm tại Trung Tâm Chiêu Hồi Bình Tuy:
    Bốn khoá SVSQ và một số quân nhân cơ hữu của trường nghỉ đêm tại trung tâm này, sau khi được Chuẩn Tướng Nhựt cung cấp lương khô và nước uống. Các SVSQ ăn uống no nê và bắt đầu ngủ, nghỉ ngơi. Trong khi đó, Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt và Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ đã liên lạc về Phòng 3, Bộ Tổng Tham Mưu, xin phương tiện trực thăng, vận tải để di chuyển SVSQ và quân nhân cơ hữu của trường về Long Thành.
    G. Di tản về Long Thành:
    Đến khuya hôm đó, trong thinh lặng, các SVSQ và quân nhân cơ hữu được GMC của tiểu khu di chuyển ra phi trường Bình Tuy. Sáng sớm, trực thăng đến. Theo lệnh của phi hành đoàn, các SVSQ, chia thành từng toán đúng với trọng tải cho phép của máy bay trực thăng, tuần từ lên máy bay một cách gọn gàng, nhanh chóng. Đó là một cuộc di tản trong trật tự, kỷ luật. Các phi công, tỏ lòng khâm phục, đã nhận xét:
    - “Chúng tôi chuyên chở rất nhiều đơn vị, nhưng chưa có đơn vị nào có kỷ luật như các anh. Chúng tôi cố gắng “bốc” hết trong ngày hôm nay.”
    Điều này khiến chúng ta phải hãnh diện và tự hào là những SVSQ của trường VBQGVN.Dù trong hoàn cảnh bi đát, nghiệt ngã nào đi nữa, các SVSQ của bốn Khóa 28, 29, 30, và 31 vẫn duy trì kỷ luật thép của Trường Mẹ.
    Gần đến chiều trong ngày, tất cả các SVSQ và quân nhân đều đã được di chuyển đến trường Bộ Binh Long Thành, nhận doanh trại, nhận khu vực canh gác, phòng thủ. Tất cả mọi việc từ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày đều nhờ Trường Bộ Binh Long Thành. Trung Đoàn SVSQ/ TVBQGVN được bổ xung súng đạn và các quân trang, quân dụng cần thiết.
    Đà Lạt - Trường mẹ đã xa rồi!
    H. Mãn Khóa 28 và 29 tại Vũ Đình Trường Trường Bộ Binh Long Thành:
    Cuộc chiến tự vệ càng ngày càng khẩn cấp trước đà tiến quân của CS Bắc Việt, đã càng ngày càng đè nặng lên quân đội VNCH. Bộ TTM đã quyết định cho hai Khóa 28 và 29 tốt nghiệp sớm để bổ xung sĩ quan chỉ huy cho các đơn vị tác chiến.
    Trưa ngày 24-4-1975, lễ mãn khóa cho hai Khóa 28 và 29 được tổ chức tại Vũ Đình Trường Trường Bộ Binh Long Thành. Một buổi lễ mãn khoá thật đơn giản, trong bộ chiến phục, không kèn không trống. Chỉ có hai lá Quốc Kỳ và Quân Kỳ TVBQGVN mà nhà sản xuất Phước Hùng đưa lên từ hôm trước. Một lễ mãn khóa quá đơn giản như vậy chưa từng xảy ra trong lịch sử của Trường Mẹ. Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Quân Huấn, đại diện Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, gắn các cấp bậc thiếu úy cho hai SVSQ Thủ Khoa. Sau đó, các tân sĩ quan tự động gắn cấp bậc
    cho mình.
    Trong khi đó, các xe GMC của các đơn vị tiếp nhận đã đợi sẵn để đưa các tân thiếu úy của hai Khoá 28 và 29 ra mặt trận. Tôi bước lên khán đài để nói mấy lời tạm biệt với hai khóa đàn em, đã rời khỏi vòng tay yêu thương của cùi đàn anh này; nhưng nghẹn ngào, nước mắt lưng tròng, không thốt nên lời.
    Các tân sĩ quan không có được vài phút chia tay bố mẹ, người thân, người yêu,... trước khi lâm trận. Nhưng hai Khoá 28 và 29 phải hãnh diện và tự hào vì đã xung trận đúng vào lúc Tổ Quốc nguy nan và chế độ tự do đang bị đe dọa. Đó là ước nguyện của các SVSQ Khóa 28 và 29 từ ngày đầu tiên gia nhập TVBQGVN.
    I. Di tản về Huấn Khu Thủ Đức:
    Sau khi Trường Bộ Binh Thủ Đức rời về Long Thành, trường cũ được giao lại cho các trường Quân Cụ, Quân Nhu, Truyền Tin, Quân Vận,... và được gọi là Huấn Khu Thủ Đức. Sau khi hai Khoá 28 và 29 tốt nghiệp, TVBQGVN còn lại hai Khoá 30 và 31, nên thu hẹp khu vực phòng thủ. Một đêm, VC tấn công vào trường Thiết Giáp bên cạnh Trường Bộ Binh Long Thành. Trong trận này, Thiếu Úy Hoàng Văn Nhuận, Thủ Khoa Khóa 27, đã hy sinh đền nợ nước. Sáng hôm sau, SVSQ của Trường Bộ Binh và Trường VB được lệnh di tản về Huấn Khu Thủ Đức. Khoá 30 và 31 được ở các doanh trại từ cổng chính đi vào đến Cổng Số 9, cạnh trại gia binh của Thiết Giáp ở bên phải. Các SVSQ Võ Bị được phân chia khu vực phòng thủ cạnh SVSQ Thủ Đức.
    Được lệnh của Tổng Cục Quân Huấn, TVBQGVN được đặt dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Lộ Công Danh, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn SVSQ của Trường Bộ Binh.
    Trong thời gian ở Huấn Khu Thủ Đức, các sĩ quan đã sống với tôi, gồm có: Thiếu Tá Đinh Thành Linh, Đại Úy Nguyễn Hữu Thức - K22; cùng các sĩ quan cán bộ đại đội trưởng: Đại Úy Nguyễn Đình Thọ, Khoá 22; các sĩ quan của Khoá 23:Phạm Ngọc Hiền, Huỳnh Văn Hoa, Huỳnh Hương, Tô Tài, Đào Mạnh Thường, Nguyễn Ngọc Tiên; và Thiếu Úy Phạm Minh Tâm, K25, sĩ quan cán bộ đại đội trưởng. (Người SVSQ duy nhất của trường VBQGVN tốt nghiệp từ Trường Võ Bị West Point, Hoa Kỳ (USMA, class 1974).) Ngoài ra, Trung Sĩ Nhất Bình, Khoa Vũ Khí, đã phụ giúp tôi việc ăn uống.
    Trong số này chưa kể đến các sĩ quan VHV, được biệt phái cho Trung Đoàn SVSQ, thuộc khoá 23: Bùi Nguyên Hy, Nguyễn Xuân Nghị, Trần Xuân Phước, Dương Công Thơ, Trần Vĩnh Thuấn; và các sĩ quan khác còn ở lại cho đến những ngày cuối cùng.
    Gia tài của Mẹ tôi giữ vào những giờ phút chót là hai lá cờ Quốc Kỳ VNCH và Quân Kỳ TVBQGVN, một xấp sự vụ lệnh, và con dấu của VBQGVN do Phòng Tổng Quản Trị giao cho tôi.
    J. Bắn hạ chiến xa T54 của VC:
    Sáng 30-4 1975, SVSQ Khóa 30 báo cáo là T54 của Việt Cộng đã di chuyển đến gần cổng chính của Trường Bộ Binh cũ. Hai chiếc T54 vào Huấn Khu từ cổng chính, chạy đến cổng số 9, bắn sập cổng này, chạy loanh quanh bắn phá một lúc, rồi lại chạy ra cổng chính. SVSQ của 2 Trường Bộ Binh và Võ Bị ra vị trí phòng thủ với M16 nên không thể bắn hạ các chiến xa này. Thấy xe T54 của Việt Cộng nguy hiểm quá, tôi cùng với mấy SVSQ Khóa 30 chạy đến kho vũ khí của trường Quân Cụ để tìm vũ khí.
    May thay, còn tám khẩu M72 chống chiến xa nên SVSQ K30 mang về vị trí phòng thủ. 4 VB giữ, 4 giao cho SVSQ Thủ Đức. Các xe T54 của VC lại một lần nữa chạy qua cổng chính vào bắn phá các doanh trại gần đó. Trung Tá Ông Nguyên Tuyền của Trường Bộ Binh tử nạn. Một SVSQ Khoá 30, là cựu Thiếu Sinh Quân, đã bắn cháy một chiếc T54.SVSQ Trường Bộ Binh Long Thành cũng bắn hạ một T54 nữa.
    Vào khoảng 10 giờ sáng, lúc hai chiến xa của địch còn đang bùng cháy thì chiếc radio xách tay loan báo tin động trời: Tổng Thống Dương Văn Minh, Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ra lệnh đầu hàng và giải tán chính quyền, bàn giao cho Việt Cộng. Tim mọi người người lúc đó thắt lại. Họ nhìn nhau ngơ ngác, nước mắt chảy dài trên má... Thôi hết rồi! Đang chết lặng thì một SVSQ Khóa 30 mang máy đến bảo là lệnh của Đại Tá Lộ Công Danh, Chỉ Huy Trưởng:
    - “Thiếu Tá hãy tập hợp tất cả SVSQ để chuẩn bị bàn giao...”
    Tôi trả lời rằng tôi không bàn giao, không thi hành.
    K. Chia tay:
    Tôi vội vàng moi đất cát gần một ụ súng cối và chôn hai lá cờ và con dấu. Tập họp SVSQ lại, tôi nghẹn ngào tâm sự với hai khoá đàn em thân yêu trong giây phút nước mất, nhà tan này:
    - “Thôi hết rồi. Tất cả đã ngoài tầm tay của tôi. Chia tay với các chú, mong các chú an toàn trở về với gia đình. Tôi không ngờ và rất ân hận vì việc xảy đến một cách nhanh chóng như thế này?!! Nếu biết vậy, tôi đã để các chú tự động rời trường sớm, để khỏi thấy cảnh đau xót này! Các chú ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định tạm đưa các chú ở cao nguyên, miền Trung... về nhà tá túc một vài ngày, để họ tìm phương tiện trở về quê. Tạm biệt! Tạm biệt!
    Nước mắt của tôi tự nhiên trào ra ướt má... Ngoài cổng chính, Việt Cộng đã và đang phân loại... Tôi, ra khu tiếp tân cạnh Niệm Phật Đường, dừng chân vài phút, cùng niệm Phật với một SVSQ Khoá 30. Tôi hỏi một quân nhân của trường là khu tiếp tân này có gài mìn hay không? Anh ta bảo không có. Tôi và chú SVSQ Khoá 30 cùng chui hàng rào ra khu nhà dân chúng. Một trung sĩ an ninh của trường cho tôi một bộ áo quần dân sự, bảo tôi thay để tránh nguy hiểm trong lúc đi đường.
    Hai thày trò thất thểu băng đồng, song song với xa lộ Biên Hòa, hướng về Sài Gòn. Trên lộ trình, tôi gặp một thanh niên mang trên mình hơn chục cái ruột bánh xe hơi. Tôi chặn lại xin hai cái. Chú K30 ngơ ngác hỏi tôi:
    - “Ông thầy lấy ruột bánh xe làm gì?” Tôi cười và đáp: - “Từ đây về Sài Gòn phải qua cầu Xa Lộ, cầu Phan Thanh Giản. Nếu cầu bị phá xập, mình thổi ruột xe, vượt sông...”
    Tuy vậy, hai thầy trò về tới đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, rồi rẽ sang đường Tự Đức an toàn, vì cầu vẫn còn nguyên vẹn. Tôi ghé nhà người của bạn thân, Trung Úy Liên, mà vợ con tôi đang tá túc. Vợ tôi nấu cơm, mở hộp cá mòi. Hai thầy trò ăn uống qua loa cho qua cơn đói.
    Chú SVSQ Khóa 30 xin từ giã để đi qua Gia Định, vì có người bà con ở bên đó. Tôi hỏi:
    - “Em có tiền không?” Chú lôi ra một cọc tiền và bộ đồ đại lễ mà chú vẫn còn ôm làm kỷ niệm. Chú nói:
    - “Em, qua Gia Định, xem tình hình thế nào rồi về quê.” Tôi nghẹn ngào chia tay với người đàn em đã theo tôi và sống với tôi đến phút cuối cùng của vận nước điêu linh.
    (Tới bây giờ, tôi vẫn không nhớ nổi chú sinh viên khóa 30 này tên gì? Đi về đâu và hiện ở đâu? Nhờ các chú Khóa 30 giúp tôi tìm lại và tin cho tôi biết. Cám ơn các chú.)
    *Những ngày cuối tháng 3 và 2013- Để nhớ lại những ngày qua, cách đây 38 năm, ngày mất nước.

    Source:http://tvbqgvn.org/dahieu5/noidungda...ieu%201132.pdf
    (Page 36-50)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X