Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ánh Mắt Trông Lên

Collapse
X

Ánh Mắt Trông Lên

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ánh Mắt Trông Lên

    Kính gởi các bác/các chú của Diễn Đàn Hội Quán Phi Dũng,
    Cháu là con gái của Cố Thiếu Tá Không Quân Nguyễn Tiến Đức, xuất thân từ Trường Võ Bị Đà Lạt Khoá 17 cùng với Cậu Bắc Đẩu Võ Ý.
    Nhờ một sự hữu duyên, cháu được thưởng thức những tác phẩm của cậu Võ Ý gần đây và có viết đôi dòng cảm nhận của cháu.
    Cháu rất muốn gửi đăng bài viết của cháu lên diễn đàn như một món quà của thế hệ hậu duệ chúng cháu gởi đến cậu Võ Ý nói riêng và các bậc bác-chú của mình nói chung nhân dịp Lễ Cha (Father's Day) June 17th sắp đến
    ...
    Cháu xin thành thật cảm ơn. Kính chúc các bác/các chú sức khoẻ dồi dào, an nhiên trong cuộc sống.
    Kính bút,
    Nguyễn Diễm Nga
    (KQ Nguyễn Tiến Đức CSVSQ-VBĐL K17/2)



    Hình ảnh: Chân dung KQ Võ Ý qua nét tốc họa của Họa sĩ Mõ/2013

    Tôi đến với cõi văn bút của Bắc Đẩu Võ Ý khá tình cờ và muộn màng!
    Cậu Võ Ý vốn là một đồng môn Khoá 17 Võ Bị của bố tôi. Cậu nguyên là Trung tá Phi đoàn trưởng Phi Đoàn Bắc Đẩu Pleiku, một cánh chim hào hùng của Không Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
    Mặc dầu chọn binh nghiệp làm lý tưởng cống hiến cuộc đời mình,cậu đã viết như một nghiệp dĩ, cầm bút từ thời hoa niên khi còn là một học sinh trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng mãi cho đến ngày hôm nay khi mái đầu ngả trắng ở ngưỡng cửa bát tuần. Cậu đã viết như ...”thân tằm nhả tơ”, những sợi tơ óng ánh sắc màu đầy ý nghĩa cho đời sống. May mắn thay cho những ai “vương tơ”, trong đó có tôi!

    Sau khi bố tôi mất vào đầu tháng 10/2012, mẹ tôi đã chuyển giao cho tôi phần "gia tài của bố" là rất nhiều sách báo, trong đó có cả một bộ Tập San Đa Hiệu của Gia đình Võ Bị. Nhờ vậy, tôi mới có cơ hội đọc những bài viết mà trước đây phần vì ở xa gia đình, phần vì trở lại cánh cổng Đại Học khá muộn màng rồi bận rộn vừa học vừa làm, tôi không có thời gian để thưởng thức văn thơ vốn là điều tôi yêu thích từ nhỏ.
    Hầu như trong mỗi số Đa Hiệu đều có bài của cậu Võ Ý. Tôi đọc và rất yêu thích văn phong “Không Quân” sâu sắc, tình cảm nhưng đồng thời lại ý nhị, hóm hỉnh, duyên dáng của người bạn đồng môn rất đặc biệt này của bố tôi. Thế rồi một hôm tôi có cơ hội đưa mẹ tôi đi tham dự Lễ Tưởng Niệm 55 ngày bố tôi tốt nghiệp Trường Võ Bị, tôi đã được hân hạnh diện kiến cậu.
    Ngập tràn trong cảm xúc vì buổi lễ chứa chan tình nghĩa, sau khi về, một điều gì đó đã thôi thúc tôi viết lời cảm tạ dưới dạng một bức thư ngắn kể lại với bố tôi mang tựa đề "Tình Võ Bị" và gửi đến cậu, người mang trọng trách tổ chức buổi lễ tốt đẹp ấy.
    Có lẽ sự chân thành của tôi đã chạm đến trái tim bao dung của cậu, nên cậu "Võ Ý" đã mở cửa cho tôi bước vào cõi "Văn Ý" - nơi cậu đã trút tâm huyết vào hai tác phẩm “Lý Lịch Dọc Ngang của Thảo" (2003), “Tổ Ấm Bay Về" (2013) cùng vô số những bài viết rất giá trị góp mặt trên các trang báo, trong các tập san văn nghệ hải ngoại.
    ....
    Đó là một khoảng rừng "Văn" mang tên "Võ Ý" bao la và đầy “kỳ hoa dị thảo” trên đỉnh Lâm Viên của Trường Võ Bị…đối với riêng tôi!
    Khi tôi còn đang thắc mắc vì sao những người Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị lại gọi nhau bằng "Cùi" thì tôi đọc được bài viết của cậu với tựa đề "Thầy Cùi Có Linh Thiêng..." (Tập San Đa Hiệu số 112, trang 13), cậu đã giải thích vô cùng tường tận về nguồn gốc, những "đặc tính", nguyên tắc, và lý lẽ của sự biệt lập khiêm nhượng nhưng đầy lòng tự trọng và kiêu hãnh, yêu quý lẽ phải, dám làm dám chịu của "Giống Cùi Võ Bị".
    Khi tôi vốn đã yêu mến những bài thơ được phổ nhạc của thi sĩ Cung Trầm Tưởng, thì các bài viết của cậu Võ ý đã đưa tôi đến với chân dung "Nhà thơ Không Quân" Cung Trầm Tưởng lung linh hơn, rõ ràng hơn, trọn vẹn hơn qua những năm tháng cùng nhau trong nhà tù cải tạo của Cộng Sản. Nơi đó, Cung thi sĩ đã viết nên những bài "Nộ Thi" để giữ vững tinh thần cho chiến hữu của mình, một điều mà giới thưởng ngoạn văn thơ trong đó có tôi, trước đây chưa hề biết đến! (Chào Mừng Cung Tiên Sinh Đổi Thay Lá Mới/Lý Lịch Dọc Ngang của Thảo, trang 35; Cung Trầm Tưởng, Một Hành Trình Thơ/ Tổ Ấm Bay Về, trang 111)

    Khi tôi xưa nay chỉ biết ngân nga giai điệu "Nếu Có Yêu Tôi" do nhạc sĩ Trần Duy Đức phổ thơ Ngô Tịnh Yên một cách vô tư, thì cậu Võ Ý đã giới thiệu thêm cho tôi về người "Nhạc sĩ Không Quân" trong đời thật - qua những dòng văn của cậu - người nhạc sĩ sở hữu một gia tài thơ phổ nhạc đáng kể, nhiều thể loại, đầy đủ tiết tấu bi-hùng, từ "Khúc Mưa Sầu", đến "Sư Đoàn 6 Không Quân Hành Khúc" (Trần Duy Đức - Hạt thơ nẩy chồi nốt nhạc/ Tổ Ấm Bay Về, trang 196).
    Tôi vui biết bao khi "gặp lại" bác Trần Dật, một người bạn của bố mà thời gia đình chúng tôi sống ở khu gia binh Pleiku, bố mẹ thường dùng bác ấy để làm "Ông Kẹ" doạ chúng tôi mỗi khi chị em chúng tôi "dở chứng". "Ông Dật Dờ", qua ngòi bút của cậu Võ Ý, có trái tim nhân ái và tinh thần yêu thương đùm bọc đồng đội còn kẹt lại ở quê nhà biết là bao! (Ông Dật Dờ/Lý Lịch Dọc Ngang của Thảo, trang 21).

    Vui hơn nữa khi bỗng dưng được "lọt" vào "không phận" của quân chủng Không Quân qua những bài viết như "Bay Bổng"(Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo, trang 288), "Bảy Điều Cấm Kỵ"(Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo, trang 295), "Cacu với Pleiku" (Tổ Ấm Bay về, trang 130), "Khi người KQ ba chấm" (Tổ Ấm Bay Về, trang 138)
    Nếu như phần "Không Quân Ngoại Truyện" gây nhạc nhiên thích thú đưa người đọc khám phá những "bí mật hoang đàng" trong giới "CaCu" (cách gọi dí dỏm của cậu Võ Ý về hai chữ viết tắt "KQ" dành cho "Không Quân") bao nhiêu, thì phần "Võ Ý Nội Truyện" lại càng cảm động và tha thiết bấy nhiêu!
    Cậu viết về mẹ, "Kính Dâng Mạ"- Cụ Bà Tâm Thí hưởng thọ 101 tuổi - bằng tất cả tâm tình hiếu thảo của một cánh chim xa luôn ngóng bay về tổ, hướng về "Kỳ Quan Mẹ" (Tổ Ấm Bay Về, trang 259) bằng những lời thống thiết

    Lòng con tấc cỏ phương xa
    Chén cơm hiếu tử sao qua Thái Bình
    Ngực con thắm thiết hồng xinh
    Mà dòng lệ Mục Kiền Liên dâng trào
    (Đêm Vu Lan Chờ Xe Buýt - 1992/Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo, trang 251)


    Cậu viết về người vợ tên Ngọc thuỷ chung và son sắt, đảm đang, chịu thương chịu khó qua biết bao năm tháng đợi chờ và vun vén gia đình trong cùng cực: "Gởi Hiền Nội", "Là Em”. Tôi đặc biệt xúc động và yêu quý bài thơ “Sáng tim ta Ngọc này":

    Khi thân tàn sức kiệt
    Ta gối đất nhìn mây
    Mây một màu đen kịt
    Sáng tim ta Ngọc nầy.
    (Sáng Tim Ta Ngọc Nầy/Tổ Ấm Bay Về, trang 251)


    Cậu chân thành mở lòng với cô em gái "Cám Ơn Em Vô Cùng Phúc Vĩnh". Cậu viết cho các con bằng tâm tình tha thiết của một người cha. Cậu thủ thỉ với các cháu nội ngoại, nhất là cô cháu ngoại nhỏ nhất Leianna bằng một giọng văn hết sức dễ thương, ngượng nghịu nhận thức những..."lỗi lầm" của ông ngoại mà tôi tin chắc ai đọc bài viết ấy cũng đều phải phì cười! (Nhận thức của Ông Ngoại/ Tổ Ấm Bay Về, trang 252).
    Có một bài viết khiến tôi thích thú và cứ phải mỉm cười mãi khi khám phá ra rằng sự lãng mạn và mơ mộng “không bao giờ có tuổi”, đó là bài "Đi Tìm Nàng Thơ" (Tổ Ấm Bay Về, trang 304). Có lẽ phần lớn là do tôi được thoả lòng "soi mói" một "nhân chứng sống" rất thú vị mà mình quen biết để minh chứng cho một điều vẫn hằng nghe nói đến: "Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy - Ngàn năm chưa dễ mấy ai quên!" (Thơ Thế Lữ)
    Người cậu văn bút của tôi không những chỉ "chưa dễ mấy ai quên" những bóng hồng trong ký ức xa xưa, mà trong sinh hoạt cộng đồng, mỗi gương mặt đi qua đều để lại trong lòng cậu niềm tri ân sâu sắc ẩn hiện trong những bài viết như “Chị Tường Mực” (Tổ Ấm Bay Về, trang 80), như "Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn” (Tổ Ấm Bay Về, trang 87)...Cậu Võ Ý quả là đã sống đúng với tinh thần Không Quân: "Hào hoa dưới đất - Hào hùng trên không".
    Mỗi bài viết, mỗi bài thơ của cậu đều có một sắc thái riêng dàn trải tâm tình, ghi dấu kỷ niệm, nhắn gửi những thông điệp chân thành, yêu thương, bảo vệ chính nghĩa tự do và độc lập. Thế hệ con cháu mới “võ vẽ mài mực bút nghiên” như tôi, sao có thể viết đầy đủ về cậu? Điều này e là quá khó!
    Chỉ biết rằng tôi đã “vô cùng may mắn” khi được cậu gởi tặng những ấn bản hiếm hoi còn lại của "Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo" và "Tổ Ấm Bay Về"
    Bằng sự thân tình, cậu đã nhắc cho tôi nhớ rằng "Lý Lịch Trích Ngang" là một "công cụ tra tấn" tim óc thường xuyên và định kỳ mà VC dành cho những người tù cải tạo.
    Xin mở ngoặc rằng điều này tôi cũng từng được nghe bố tôi kể, rằng ông phải viết hết những gì đã khai vào một mảnh giấy nhỏ chi chít chữ rồi gấp thật nhỏ, giấu thật kỹ, như một thứ "vật bất ly thân" trong những năm tháng tù đày. Bởi vì, chỉ cần một khác biệt tí ti thôi, cũng đủ là nguyên nhân cho những cuộc hỏi cung, tra khảo vô cùng khổ sở!
    Trong khi đó, "Lý Lịch Dọc Ngang" là một sự bứt phá giữa bầu trời "Tự Do", vì thế, đầy tính đối lập!
    "Lý Lịch Dọc Ngang của Thảo", hiểu theo nghĩa đen, cũng chính là "Lý Lịch của... Diễm" - vì chúng tôi được sinh ra và lớn lên cùng một thế hệ, vì thế, đã được chứng kiến và cảm nhận những đổi thay thăng trầm của đất nước và vận mệnh của những người cha, của gia đình ,và của cả chính mình...y như nhau!
    Nếu hiểu theo nghĩa bóng thì đó là hành trình xuyên suốt cuộc đời của bố Thảo (hay của bố Diễm). Đó là những dòng hoài niệm, những ký ức vô cùng hào hùng và đẹp đẽ về những đường bay "dọc ngang" một thời bảo vệ bầu trời quê mẹ của một người cựu phi công Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
    Đôi cánh chim đó, sau những thăng trầm của cuộc đời "vẫn đang bay" - bằng những nhịp cánh thanh thản và bình an - đang hướng về niềm hạnh phúc trong tâm hồn: "Tổ Ấm Bay Về".
    Chính vì lẽ đó, tôi cảm thấy mình bé nhỏ biết bao, chỉ biết làm người hậu sinh cung kính đứng ngước nhìn với....ánh mắt trông lên!


    Bắc Đẩu - Một thời tung cánh bay
    Vẫn bừng lấp lánh giữa trời mây
    Đêm khuya soi ý cho con cháu
    "Vũ Khí Mềm" đây bút mực này!
    "Lý Lịch" của "con" là của "bố"
    "Trích Ngang" - đày đoạ vẫn chẳng mờ
    "Dọc Ngang" - dẫn lối Đàn Chim Việt
    "Tổ Ấm Bay Về" cõi ước mơ


    Nguyễn Diễm Nga
    (KQ Nguyễn Tiến Đức CSVSQ-VBĐL K17/2)
    Ý Kính tặng cậu Bắc Đẩu Võ Ý

  • #2
    Cháu xin chân thành cảm ơn các bác/các chú ở Phòng Trực đã giúp cho cháu cơ hội góp mặt trên diễn đàn lần đầu tiên.
    Kính chúc sức khoẻ các bác, các chú, và cậu Võ Ý. Thế hệ chúng cháu xin Cung Kính Tri Ân!
    Happy Father's Day!
    Kính bút,
    Nguyễn Diễm Nga
    Last edited by NguyenDiemNga; 06-12-2018, 01:36 AM.

    Comment


    • #3
      Đã chịu khó đọc lại còn ghi cảm nhận sau khi đọc là một điều hiếm...có!
      Chúc mừng HQPD có thêm một cây viết trẻ đầy tài năng (và cũng là một thành viên mới!)
      Đa tạ và chào mừng tác giả Nguyễn Diễm Nga
      KQ Võ Ý

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X