Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Anh Quân Tôi

Collapse
X

Anh Quân Tôi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Anh Quân Tôi

    Anh Quân Tôi
    Lý Văn Quý


    Trung úy Lý Văn Quân tại đồi 31, một tháng trước khi anh tử trận

    Cha mẹ tôi có chín người con, tám trai và chỉ có một gái. Do tình hình chiến cuộc, cha mẹ tôi phải dời chỗ ở nhiều lần, vì vậy mà chúng tôi được sinh ra ba người tại miền Bắc, ba người tại miền Trung và ba người còn lại tại miền Nam. Điểm thú vị là chúng tôi không phải liên tục được sinh ra từng “lứa” ba người một tại một miền mà chia ra theo một thứ tự địa dư đảo lộn nhau.

    Ông anh cả (nói theo người Bắc) sinh năm 1941 tại Hà Nội, đến năm 1944 thì ông anh thứ hai ra đời cũng tại Hà Nội. Vào năm 1947 thì gia đình dời vào Nam nên ông anh thứ ba (Lý Văn Quân) được sinh ra tại Sài Gòn. Năm 1950 cha mẹ tôi sinh hạ ông anh thứ tư tại Huế vì lúc đó cha tôi mãn khoá 6 Võ Bị Đà Lạt và gia nhập vào Vệ Binh Đoàn dưới quyền chỉ huy của Đại úy Nguyễn Ngọc Lễ.

    Tôi là con thứ năm trong gia đình, cũng sinh ra tại Huế năm 1951. Nhưng đứa em trai thứ sáu lại được sinh ra tại Sài Gòn năm 1952. Sau đó thì gia đình dọn ngược về Hà Nội nên đứa em gái (thứ bẩy trong gia đình) của tôi được vinh dự mang danh là “con gái Hà Thành.” Vào năm 1954 di cư cha tôi theo đơn vị Nhẩy dù vào Nha Trang nên đứa em trai thứ tám sinh ra tại đó. Gia đình chúng tôi dọn về Sài Gòn lần cuối cùng và đứa út sinh ra năm 1961.

    Kể đến đây chắc quý vị nhức đầu lắm vì chính bản thân tôi đôi khi cũng lúng túng không theo dõi nổi ai sinh ra tại đâu. Nhưng mà thôi, câu chuyện tôi muốn kẻ đây xoay quanh ông anh thứ ba tên là Lý Văn Quân.

    Lúc mới 17 tuổi khi chiến sự bắt đầu lan rộng, anh Quân tôi đang là học sinh Petrus Ký nhưng nằng nặc đòi cha tôi cho đi lính. Mẹ tôi buồn vô cùng và cha tôi phải tìm cách hoãn binh khuyên anh đậu Tú tài 1 đi thì cho đi lính vì có tú tài 1 thì được đi Thủ Đức, ra sĩ quan có cơ hội chỉ huy binh lính tốt hơn là đi học hạ sĩ quan. Tuy nhiên toan tính của cha tôi không thành công vì vừa đậu Tú tài 1 xong là anh gia nhập trường Sĩ quan Thủ Đức và tốt nghiệp khóa 21 với cấp bậc chuẩn úy. Anh lập tức xung phong đi Nhẩy Dù, đòi ra Tiểu đoàn tác chiến.

    Mẹ tôi lại nước mắt ngắn nước mắt dài và cuối cùng thì cha tôi vận động cho anh Quân gia nhập… Pháo binh Dù để chiều lòng mẹ tôi vì theo bà nghĩ, pháo binh thì dù sao cũng từ phía sau bắn tới nên chắc đỡ nguy hiểm hơn là trực diện với kẻ thù.

    Từ khi ra đơn vị, chiến sự bùng nổ lớn và anh tôi theo chân đồng đội tham dự các trận đánh khốc liệt của cuộc chiến Viêt Nam cần đến đơn vị Tổng trừ bị lừng danh là Sư đoàn Nhẩy Dù, đặc biệt là trận Tết Mậu Thân và sau đó là cuộc Hành quân Lam Sơn 719 tại mà anh Quân tôi đã bỏ mạng tại đó dưới chân đồi 31… Lúc đó anh mới 23 tuổi và mang cấp bậc Trung úy, pháo đội phó thuộc Tiểu đoàn 3 Pháo Binh Dù.

    Khỏi cần nói nhiều quý vị cũng hiểu là tôi khâm phục anh Quân đến cực độ. Mỗi lần anh đi phép về là quẳng đồ chiến trận trong phòng tôi, trong đó tôi thấy dễ nể nhất là cây dao găm dài hai tấc, phía sống lưng là lưỡi cưa mà anh hay đeo ở bắp chân bên phải lận trong ống quần. Thỉnh thoảng tôi lén lúc anh đi nhậu mang ra vườn sau nhà để thử độ bén bằng cách băm vào cây chuối. Còn cây “côn đui” của anh thì khỏi nó, sờ vào nó lạnh tanh, tôi vẫn thường cầm thử nhắm vào kẻ thù vô hình trước mặt và ước ao một ngày nào đó sẽ có một khẩu như vậy.

    Thông lệ mỗi khi anh về nhà là xoa đầu tôi và hỏi học hành tới đâu rồi? Thời đó tôi khá ngoan nên gần như lần nào anh cũng thấy tôi đang ngồi bàn học. Tôi vội khoe bài vở điểm cao và sung sướng được anh khen “thằng này giỏi, ráng học nghe chưa, đừng bắt chước tao đi lính khổ lắm!”

    Tôi còn nhớ bạn thân của anh tôi là nhà văn Phan Nhật Nam, vài năm sau đó nổi tiếng với tác phẩm “Mùa Hè Đỏ Lửa.” Ông Phan Nhật Nam hay theo anh Quân ghé chơi với gia đình và thăm hỏi cha tôi lúc đó là Chỉ huy trưởng căn cứ Sư Đoàn Dù tại Bà Quẹo. Dĩ nhiên là tôi kính nể ông Phan Nhật Nam không kém gì anh tôi và vẫn thầm nghĩ phe ta có những “chiến tướng” như vầy thì làm sao mà không thắng Cộng Sản được? Sau này tại Hoa Kỳ tôi có dịp được gặp lại nhà văn Phan Nhật Nam nhiều lần và lúc nào cũng vậy, cảm giác trong lòng vẫn luôn luôn là niềm kính trọng đối với một con người quả thật đã sống hết lòng với đất nước và quê hương. Được biết trong lao tù Cộng Sản ông Phan Nhật Nam vẫn giữ khí phách của một sĩ quan QL/VNCH mặc dù bị chúng hành hạ đến tận cùng.

    Đầu tháng 2, 1971 chiến dịch Lam Sơn 719 được tiến hành nhằm cắt đứt đường tiếp vận của quân Bắc Việt qua ngả Hạ Lào. Lữ Đoàn 3 Dù cùng với Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Dù được trực thăng vận xuống trấn giữ căn cứ hỏa lực đồi 31. Anh Quân tôi đã có mặt tại đó.

    Theo lời các nhân chứng kể lại thì trong trận đánh cuối cùng, hầm chỉ huy của Lữ Đoàn 3 và Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh bị quân Bắc Việt tràn ngập và kẻ địch đứng trên miệng hầm hô “hàng sống chống chết…” Trong hầm lúc đó còn Đại tá Thọ, Lữ đoàn trưởng, Trung tá Châu, Tiểu đoàn trưởng Pháo Binh đồng thời là thượng cấp của anh Quân và một số sĩ quan bộ chỉ huy khác. Anh Quân móc khẩu súng lục tùy thân ra nói: “để tôi đổi mạng vài đứa…” Một vị sĩ quan vội nắm tay anh cản: “Quân, quân tử thức thời, cứ tùy cơ ứng biến, không cần làm vậy…”

    Bị bắt bỏ trên chiếc xe tăng T.54 tháo chạy ra khỏi đồi 31 để tránh phi pháo, anh Quân đã dùng con dao găm giấu trong ống quần đâm chết một tên lính canh Bắc Việt và chạy trốn vào rừng. Địch rượt theo bắn anh bị thương và hành quyết anh ngay tại chân đồi. Anh được ghi nhận là mất tích ngoài mặt trận và trong một thời gian dài gia đình bặt tin anh.

    Câu chuyện chưa dừng tại đây.

    Nhiều năm sau ngày 30/4/1975 Đại tá Thọ và Trung tá Châu được trả tự do từ trong lao tù Cộng sản có đến thăm cha tôi và xác nhận cái chết của anh Quân.

    Sau đó đột nhiên vào khoảng năm 1989, lúc này cha tôi đã qua đời rồi, Trung tá Châu đến thăm mẹ tôi và cho biết là trước khi ra ngoài mặt trận lần cuối cùng, anh Quân đã chung sống với một phụ nữ và chị ấy đã mang thai. Chị tên là Hải. Hai người đã dự tính sau cuộc hành quân Hạ Lào thì sẽ chính thức xin cha mẹ hai bên cho làm lễ cưới với nhau. Tuy nhiên sau khi anh Quân bị mất tích thì chị Hải giấu nỗi đau buồn và ở vậy nuôi đứa con gái cho đến nay thì cháu đã 18 tuổi rồi. Lúc này gia đình chị Hải được người chị sinh sống tại Pháp bảo lãnh và đã được phỏng vấn chấp thuận ra đi rồi. Do đó chị muốn bên họ nội biết toàn bộ sự việc dù đã muộn màng trước khi lên đường, có thể là vĩnh viễn không bao giờ trở lại quê hương nữa.

    Chính tôi là người đã đèo mẹ tôi trên chiếc xe gắn máy Honda lần mò các ngõ hẻm vùng Khánh Hội để tìm gặp chị Hải theo địa chỉ Trung tá Châu cho biết. Lần đầu tiên gặp cháu nội, mẹ tôi thốt lên “Đúng là ruột thịt nhà họ Lý rồi” vì quả thật, đứa cháu nội của bà giống như đúc với đứa con gái đầu lòng của tôi, lúc đó tuy chỉ mới 12 tuổi… Qua cơn nghẹn ngào, chị Hải đưa ra một tấm hình cũ mèm khổ 4x6 của anh Quân, tấm hình duy nhất mà chị còn giữ trong suốt 18 năm qua. Đến đây thì tôi không thể nào cầm nước mắt nổi. Chị Hải còn kể là anh Quân đã cứu mạng anh ruột của chị tên là Thỏa vì trong chuyến trực thăng tiếp vận cuối cùng rời đồi 31, anh đã ra lệnh buộc anh Thỏa, lúc đó là hạ sĩ quan dưới quyền anh phải trèo lên mặc dù anh Thỏa không muốn xa rời đồng đội trong lúc hiểm nguy.

    Mẹ tôi tổ chức một bữa tiệc gia đình để chính thức nhận chị Hải là con dâu và bé Thảo là cháu nội của bà. Do một sự tình cờ, hay sắp xếp nào đó của đấng trên cao, ông anh thứ hai của tôi được thả khỏi nhà tù vượt biên sau gần một năm bị giam cầm về kịp thời, đồng thời đứa em kế tôi cũng vừa toan tính vượt biên bất thành trở về lại thành phố nên buổi hội ngộ có mặt đông đủ tất cả anh em chúng tôi.

    Tôi còn “mắc nợ” quý vị và nhất là anh bạn thân BS Phạm Anh Dũng một lời giải đáp từ hơn 10 năm trước về cái thắc mắc là tại sao trên chuyến ghe 13 người ngoài cửa Cần Giờ ngày 30/4/1975, tôi lại là người duy nhất quay đầu trở về để lọt vào cái rọ Cộng sản và trả giá bằng gần ba năm tù “cải tạo.” Những lý do tôi vẫn thường nêu lên như vì nhớ nhà, nhớ người yêu tuy không sai nhưng không phải hoàn toàn là sự thật. Bây giờ tôi xin khẳng định đó là vì linh hồn anh Quân không cho tôi đi, cũng như không cho bất kỳ ai trong gia đình được rời khỏi nước trước khi gặp chị Hải…

    Ngay từ ngày 30/4/1975, gia dình anh em chúng tôi đã có biết bao nhiêu cơ hội để vượt thoát, thậm chí một số anh em tôi đã ra được tới Phú Quốc nhưng cuối cùng vì lý do này lý do kia cũng phải quay đầu về lại. Sau đó thì biết bao nhiêu lần vượt biên đều thất bại, mấy anh em tôi thay phiên nhau nằm trong tù vượt biên, có hai đứa em đi đường bộ xuyên qua Miên tới gần biên giới Thái Lan rồi cũng bị tóm về lại nhốt ở Chí Hòa. Tôi trở thành “chuyên viên” đi lãnh tù, làm thân với nhóm Công an bộ Nội Vụ Việt Cộng đến nỗi cứ mỗi lần gặp họ là “kỳ này là anh Quế hay anh Quỳnh đây?” Giá cả rất ư là “hữu nghị,” cứ một cây một đầu người và một lần, nhiều quá rồi tôi cũng chẳng nhớ nổi nữa…

    Vậy mà sau buổi tiệc gia đình nhận họ với mẹ con chị Hải, đầu tiên là ông anh lớn của tôi vượt biên và chuyến tàu đã bị hải tặc nhảy lên sửa soạn cướp và hiếp đáp. Anh tôi nhận thấy tên đầu sỏ có đeo tượng Phật nên đứng ra nói bằng tiếng Anh dùng Phật pháp khuyên nhủ. Trúng thằng cướp hiểu tiếng Anh nên hắn ngần ngại vuốt mặt nhiều lần và sau cùng ra lệnh đồng bọn trở về ghe. Trong lúc bọn chúng chần chừ chưa chịu buông tha thì anh tôi nói tài công dùng búa chặt đứt dây nối hai tàu lại với nhau. Hai chiếc ghe tách rời ra khiến bọn hải tặc còn trên ghe vượt biên phải vội vàng nhảy xuống biển bơi về lại với đồng bọn. Sau đó thì ghe thoát nạn qua được đến bờ Thái Lan! Tôi tin là sự việc có bàn tay vô hình can thiệp vào…

    Sau đó là gia đình đứa em kế tôi gồm hai vợ chồng và ba đứa con thơ cuối cùng cũng vượt biên qua được đến Thái Lan bình yên vô sự, sau gần 20 lần thất bại. Hiện đứa em kế tôi sinh sống ở Dallas thuộc tiểu bang Texas.

    Năm 1991, gia đình tôi được định cư qua Hoa Kỳ theo diện HO 5, phải công nhận là nhờ công của ông bố vợ ngày xưa là Thiếu tá quân nhu đã từng đi tù cải tạo hơn 5 năm, lại cộng thêm cô em vợ đã làm giấy bảo lãnh theo diện ODP nữa. Bản thân tôi tù chưa đủ 3 năm nên cũng khó được nhận. Hồi đó thì tôi đã cam phận chẳng thiết tha gì chuyện đi Mỹ nữa vì dù sao Việt Cộng cũng để yên cho làm phòng mạch “chui” sống cũng tương đối dễ thở, lại nghe bạn bè kể lại qua Mỹ khổ thua con… chó. Ông bố vợ suốt ngày đi nghe ngóng tin tức rồi mang đơn từ về đưa tận tay cho thằng rể ký vào. Thế thì ký thôi, chẳng lẽ chịu mất vợ hay sao?

    Ông anh thứ hai sau gần một năm tù vượt biên thì nhận được giấy báo vợ bảo lãnh mặc dù chị ta đã lập gia đình với người khác rồi sau nhiều năm mòn mõi đợi chờ. Chuyện khó tin nhưng có thật là chị vẫn còn nhớ tình xưa nghĩa cũ nên lén chồng mới, tiếp tục tiến hành giấy tờ cho đến khi anh tôi đặt chân được lên Hoa Kỳ thì hai người mới chính thức từ giã nhau.

    Hai đứa em còn lại thì cuối cùng cũng định cư được Hoa Kỳ 15 năm sau do tôi đứng đơn bảo lãnh. Sau khi vào quốc tịch rồi thì tôi đã bảo lãnh mẹ tôi qua được Mỹ. Tuy nhiên vì không thích hợp với cuộc sống bên này nên mẹ tôi đã trở về Việt Nam và qua đời vào lúc bà 86 tuổi…

    Phần cuối câu chuyện là sau khi mẹ tôi qua đời, chúng tôi quyết định chia khu đất căn nhà của cha mẹ để lại tại Bà Quẹo, trong đó có dành phần cho chị Hải tuy theo luật pháp thì do anh Quân đã qua đời trước cha mẹ nên không hưởng quyền thừa kế. Ai lấy đất thì giữ lại phần mình, ai lấy tiền thì bán phần mình đi. Ngặt mỗi nỗi là sau hơn chục năm ra đi, anh em chúng tôi mất liên lạc với chị Hải và vô phương báo tin cho chị biết mặc dù đã tìm đủ mọi cách. Vậy mà một ngày đẹp trời, trong lần đầu tiên về thăm quê hương có lẽ do linh hồn anh Quân thôi thúc, chị lần mò đến căn nhà cũ của gia đình, trong lòng chỉ muốn nhìn lại cảnh cũ mà thôi. Cô em dâu tôi lúc đó còn ở Việt Nam trông thấy vội vàng chạy ra nắm tay mừng mừng tủi tủi…

    Chị kể lại là đã từng có lần gặp một bà mợ ở Paris để hỏi thăm về gia đình thì bà này hơi “ác” nên khuyên chị là thôi quên đi, họ bây giờ khá rồi không màng tới chị nữa đâu. Với bản tính khí khái sẵn có nên chị thôi không tìm cách liên lạc lại nữa. Chúng tôi vui mừng với nỗi vui của chị, vừa nhận lại được họ hàng thân thương, lại còn vừa nhận được món quà đáng kể của anh Quân tôi để lại nữa.

    Hiện nay chúng tôi còn lại năm anh em trai, ngoài đứa kế ở Dallas thì bốn người chúng tôi ở gần nhau trong vùng Little Saigon và có thông lệ ăn trưa với nhau tại nhà hàng Song Long để trao đổi tin tức và đôi khi… cãi nhau về chính trị chính em! Thỉnh thoảng thì có những vị khách mời đặc biệt tham dự như lần gần đây nhất chúng tôi được hân hạnh đón tiếp một vị sĩ quan Tiểu đoàn 3 Pháo Binh Dù đã từng quen biết anh Quân tôi. Một chi tiết ông kể lại là cả đơn vị rất kính nể tài uống rượu vô địch của anh Quân. Anh có khả năng uống nạp từng ly rượu lớn một cho đến khi người đối diện gục trước mới thôi! Càng uống mặt anh càng tái ra! Đúng là lính Dù có khác!

    Tôi còn nhớ hồi còn trong tù, có lần được chỉ định đi dọn hầm rác của cán bộ quản giáo Việt Cộng. Ngày hôm đó có hai tên lính vệ binh CS trong căn “lán” cãi nhau. Một thằng chửi thằng kia rằng “Đị…t mẹ mày, hôm đó trong hầm có 7 thằng, thằng ngụy dù đi ngang đéo thằng nào dám bắn bị nó đôi cho một quả lựu đạn chết hết 5, anh hùng cái chó gì…?”

    Cảm giác của tôi đối với vị sĩ quan Dù ngày hôm đó cũng giống như những lần tôi được hầu chuyện với các sĩ quan Nhẩy Dù khác là thái độ của họ rất ung dung, hiền từ tương phản với những gì chúng ta có thể nghĩ rằng các “thiên thần mũ đỏ” chắc phải dữ dằn, hung tợn lắm mới khiến kẻ thù khiếp sợ như vậy.

    Một nét đặc thù chung tôi thường thấy khi tiếp chuyện với các vị sĩ quan QLVNCH cũ là hầu hết đều hiền hòa. Chức vụ, cấp bậc họ càng cao và càng ra tác chiến nhiều bao nhiêu thì họ lại càng tỏ ra điềm đạm và khiêm nhường bấy nhiêu; chẳng hạn như các danh tướng Lê Quang Lưỡng, Lý Tòng Bá, Lê Minh Đảo v.v… mà tôi được hân hạnh gặp mặt. Trung tá TQLC Lê Bá Bình cũng là một người mà tôi rất kính trọng ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên.

    Họ không tự mãn nhưng tôi tin chắc là trong lòng họ luôn mang niềm tự hào là đã hoàn thành lệnh cấp trên giao cho đến hơi sức cuối cùng và thành bại không thể luận anh hùng được. Họ đã sống đáng đời trai thời chiến, đã trọn đời chiến đấu và hy sinh cho quê hương. Có người ra đi sớm, có người ra đi trễ nhưng tất cả đều là những vị anh hùng của dân tộc và Tổ Quốc mãi mãi ghi ơn họ…

    22-5-2018


    Cha gắn bằng Dù cho con


    Lên đường hành quân

    Source:http://svqy.org/2018/5-2018/anhquan/anhquan.html


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X