Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những ngày cuối cùng của thành phố Quảng Trị

Collapse
X

Những ngày cuối cùng của thành phố Quảng Trị

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những ngày cuối cùng của thành phố Quảng Trị

    Những ngày cuối cùng của thành phố Quảng Trị (3/1975)
    Đổ Rô

    Sau cả năm dài miệt mài hành quân theo đơn vị, hồi đầu tháng 3/1975, tôi về hậu cứ của TĐ 120 ĐPQ nằm trong khuôn viên TK/QT để nhận giấy đi phép. Khỏang 5 -6 giờ chiều hôm ấy, tôi nóng lòng đi ra đi vô và thầm nghĩ sao giờ nầy mà 72 (danh số biệt hoá của TĐT) chưa ký. Như mọi khi ông đã ký sẵn trước đó một hai hôm, nay linh tính như có chuyện gì không ổn…..

    Tuy vậy tôi vẫn cứ loay hoay suy nghĩ với phương tiện gì vào Huế cho kịp trong chiều nay thì Tr/si nhất Tiềm kêu giật:

    - Th/uy vào gặp 72!

    - Kính 72 tôi đang nghe đây.

    - Ngày mai anh đại diện đơn vị vào QĐ1- Đà Nẵng họp .

    - Tôi nhận 5/5 (72).

    Như vậy là mấy ngày phép chồn tha rồi. Tôi lầm thầm trong bụng: Đây là công việc của ông Th/uy trưởng ban năm chứ đâu phải của tôi. Như qúy vị biết, quân đội lệnh là thi hành. Thời gian sau tôi hiểu ra là ông TĐT hỏi ở hậu cứ có ông SQ nào không thì Tiềm trả lời có thấy tôi loáng thoáng đâu đây thành thử coi như bị bắt cóc bỏ dĩa vậy.

    Quãng Trị sao mấy ngày này thời tiết ảm đạm dù đang mùa Xuân. Chắc có linh tính báo trước cho chuyện gì bất lành chăng?? Lòng tôi cũng nặng trịch lo âu! Dân lành ở đây họ cực khổ thiếu thốn đủ điều chỉ mong hai chén cơm mỗi ngày bên cánh đồng chơ vơ, khô cằn trơ trụi kia mà!? Người dân ở đây chân thật mộc mạc, đồng đội tôi đa số là dân địa phương nơi đây và như có cái gì chôn chặt níu kéo tôi với họ một cách thật thật tuyệt vời.

    Đúng 10 giờ sáng ngày hôm sau, một chiếc xe Doge chở tám vị Sĩ Quan trực chỉ Đà Nẵng và dĩ nhiên có tôi trong đó. Phải ngủ lại thành phố ĐN một đêm. Lợi dụng lúc này vì xa ĐN hơi lâu nên bây giờ thả bộ về đêm xuống dọc sông Bạch Đằng một hồi để tìm lại không khí cũ. Khói thuốc càfe với những bản nhạc tình bất hủ trong một đêm buồn xa nhà với nhiều tâm trạng bang khuâng... Ôi thật lãng mạn ấm áp so với QuảngTrị thành phố không đèn. .

    Ngày hôm sau xe đưa chúng tôi vào phòng khánh tiết trong phi trường ĐN của KQ. Buổi họp bắt đầu với chủ đề: Tại sao thành phố Buôn Mê Thuộc di tản và phổ biến Kế Hoạch Chân Trời Mới (tôi sẽ trình bày vấn đề này ngắn gọn kế sau). Trên khán đài trang hoàng sơ sài, tôi nhìn thấy hai vị Tr/Tá đứng hai bên thuyết trình và Tr/Tư Ngô Quang Trưởng chủ trì. Vị Tr/Tá cho hay mọi diễn biến quân sự giữa QĐ/VNCH và QĐ/Bắc Việt: Chúng ta đang bị áp lực nặng nề của quân BV hiện có rất nhiều SĐ quân chính quy gần như bao vây và có mặt khắp mọi nơi, từ QT cho đến QN Đà Nẵng. Trong hội trường tôi nhìn thấy mọi người có vẽ lo âu nhưng bình tỉnh. Nhiều đơn vị trưởng phát biểu là vấn đề thứ nhất phải chiếm lại BMT. Có người đứng dậy dõng dạc phát biểu:

    - Kính Tr/Tư nếu có lệnh tái chiếm BMT xin Tr/Tư cho đơn vị tôi làm nổ lực chính tiên phong đi đầu!!

    Cạnh bên tôi có một Trung Uý Không Quân, bên vai trái anh có mang huy hiệu chiếc máy bay A 37:

    - Tôi xin được làm phi vụ đầu tiên.

    Xen kẻ phần nghỉ gỉai lao có chương trình văn nghệ. Nhiều ca sĩ của ban CTCT Quân Khu I thật tuyệt vời trong những bản hùng ca quen thuộc và hấp dẫn hơn cả là các cô ăn mặc đồ ba ba màu đà trình diễn những màn ngoạn mục như ca múa, vũ diệu nhảy qua nhảy về với nhiều đoạn tre gõ dập dưới đất thật nhịp nhàng. Trong lúc họ nhảy họ khéo léo không vướng vào chân làm mọi người bừng tỉnh vui lây và được chấm dứt bằng những tràng vỗ tay hoan hô khen ngợi!-

    Kế hoạch Chân Trời Mới cũng xuất phát từ buổi thảo luận hôm nay mà từ trước tới nay tôi chưa hề đọc hoặc nghe ai nói do Tr/Tư đề ra đơn giản những vấn đề như sau nếu tôi không quên: Từ nay trong các binh chủng phải tiết kiệm tối đa về súng đạn, xăng dầu và lương thực. Nếu là những đơn vị hậu cứ hoặc đóng chốt yên một vị trí nào đó thì phải trồng thêm hoa màu như rau cải vv.. Trong suốt thời gian hội họp bàn thảo xuất hiên nhiều nét chán chường mệt mỏi trên gương mặt ông. Trước lúc tuyên bố bế mạc trông ông ta thật uể oải nhưng khoan thai:

    - Tôi sẽ trình lên Tổng Thống vấn đề chiếm lại Ban Mê Thuột. Và theo tôi thì đây là vấn đề chính trị!

    Thật đơn giản! Chỉ vỏn vẹn có hai câu!!

    Tan buổi họp, tôi trở lại đơn vị mà lòng cứ lo nghĩ viễn vông. Mặc dầu là một thằng Th/uy vô thưởng vô phạt không hơn không kém một anh binh nhì chẳng có quyền có hạng chi, chỉ trách nhiệm trong vòng hai hay ba chục người lính là cùng. Thế nhưng một người có chút mảy may trách nhiệm ít ra cũng còn nằm trong tôi và cho đến bây giờ đã 37 năm, tôi còn ngây thơ tưởng rằng QL/VNCH sẽ lấy lại BMT như năm 1972 đã từng lấy lại cổ thành Đinh Công Tráng thành phố Quãng Trị.

    Trở về đơn vị thì một vài ngày sau TĐ vào học bổ túc tại TT/HL Đống Đa gần Phủ Bài - Huế. Một bữa nọ tôi nhận lệnh dẫn ĐĐ về lại trung tâm lúc đang học dỡ ngoài bãi tập. Vừa vào khỏi cổng thì một đoàn xe GMC đang chờ sẵn để mang TĐ tôi trở ra QT đánh chiếm lại những làng mạc đã mất vào tay CS cách đây một ngày. Dịp này lại được nghe lại những bản nhạc hùng ca rền vang trên nhiều đường tiến ra QT. Lúc xe ngang qua Cầu Mới, tự nhiên tôi nghe sâu kín trong lòng một nỗi niềm khắc khỏai …. Tôi nghiêng đầu nhìn về phía ngôi nhà tôi mà lòng buồn vô tả ở đó có Mẹ già em gái tôi đang mỏi mắt trông tôi cuối tuần này sẽ trở về. Đoàn xe ngang qua đâu xa lắm thế mà không có một lời tạm biệt mẹ già. Thôi thì cũng đành tạm xa Huế, hẹn ngày trở lại và ai ngờ rằng kể từ hôm đó, sau hơn ba năm tù tội, tôi mới nhìn lại được mẹ và em mình.

    Chiếc GMC chở Tr /đ tôi vừa cụng đầu bên này cầu Mỹ Chánh thì đã thấy Tr/Ta Nhiễm TK phó đảo tới đảo lui trên chiếc jeep có hai cần câu truyền tin:

    - Tất cả các SQ lẹ lên!

    Chúng tôi đứa đứng đứa qùy vội vàng trên mảng cỏ bên lề đừơng và trãi tấm chiếu ra (Bản đồ). Ông chỉ đây là mục tiêu của các anh, chỉ cách các anh khỏang 300 mét. Thoáng nhìn trên tấm chiếu tôi cũng nhận ra ít lắm là năm hột vịt đỏ lòm (vòng khoanh mục tiêu bằng viết chỉ mở màu đỏ) và cũng biết mục tiêu không xa chỗ tôi đang đứng là bao. Ông ĐĐ/Tr nhanh chóng phân công:

    - Bên kia sông Mỹ Chánh, di chuyển hướng Đông: Tr/đ tôi 04 kèm theo Tr/đ 02 Ch/uy: P. Bên này sông Mỹ Chánh Tr/uy: H, kèm bên: Tr/đ 01: Th/uy: T.

    Trời lọang chọang hoàng hôn. Nhìn xa xa vài căn nhà tranh vách đất bao bọc một vài dãy tre thưa thớt…Mục tiêu ở đây chăng? Chúng tôi đội hình tác chiến, hàng ngang từ từ đến gần; một vài tràng AK xé trời vèo vèo trên đầu. Không khí căng thẳng bắt đầu từ đây. Tiếp theo, tiếng súng loạn xạ hai bên thi nhau phát nổ: AK, AR 15, M 79, Cối 81 ly, B 40. Thấp thoáng trong lũy tre xanh ngôi làng nhỏ, năm mươi người dân, gánh gồng, bồng bế, nao núng hoãng sợ chạy về phiá chúng tôi. Não nùng chơ vơ trước cảnh tượng, lòng tự hỏi: Họ tự nhiên tìm đến chốn tạm gọi là yên bình, còn mình thì lao vào nơi chết choc máu đổ. Nơi đây thật là khổ sở, tội nghiệp… Thật làm gì có tiếng giả gạo dưới đêm trăng, cậu bé chăn trâu ê, a nơi cánh đồng dắt trâu về chuồng mỗi khi chiều xuống, làm gì có tiếng đánh vần của trẻ thơ, bên ngọn đèn dầu, đủ chiếu sáng khỏang chừng hai gang tay!!


    Cầu Mỹ Chánh

    - Tránh nổ súng bừa bãi lạc vào người dân nghe tụi bây !

    Nghe tiếng hỏi bên kia Tr/s Phú: có VC trong không Bác? một người đàn ông tuổi độ 60

    - Lính Cụ Hồ ở trong đó en ơi!

    - Thôi Bác đi về hướng ni (nầy), mau lên nghe Bác. Vẫn nghe tiếng truyền lệnh dõng dạc của Tr/uy ĐĐT:

    - Làm gì giờ này con cái anh còn đó ? tôi lo tải thương, có ba rách áo rồi (bị thương). Khổ thật! cứ mỗi người bị thương là mất đi ba người khác. Nếu bị thương nhẹ để đó toán đi sau họ lo.,

    - Anh bám bìa làng lẹ đi. Thằng Trung Đội 1 đã đến được rồi anh không thấy sao??

    - 5/5 nghe rõ, không khó khăn lắm.

    Sau khi băng qua khúc đồng và bãi tha ma nhỏ, Trung Đội tôi không gặp trở ngại lắm và đã vào được để kiểm soát nửa ngôi làng bên trong. Trời bắt đầu buông tối. Nếu không có chiến tranh giống như những làng quê khác thì nơi đây có luỹ tre bao quanh, dựa lưng vào con sông êm ả uốn khúc, dòng nước trong vắt lờ lững. Với cảnh tượng nơi đây, nếu là một thi sĩ, tay súng tay đàn cũng không khó khăn lắm để có thể sáng tác hoặc gẩy lên một bản Tình Anh Lính Chiến (Lam Phương) dễ dàng như chơi. Đêm xuống, tôi nhanh chóng, cẩn thận chọn một căn nhà nhỏ, có mảnh vườn vuông vắn, hàng rào tre nhỏ bao quanh, dựa lưng bên dòng sông. Còn bên kia là cánh đồng trống trải, địa thế này thật lý tưởng cho việc phòng thủ qua đêm: Cây P 57, đại liên M 60 do toán Hạ/sĩ Don, đặt dọc theo con đường dẫn vô làng phía còn lại mà chúng tôi chưa kịp kiểm soát được. Phần tôi đóng tại căn nhà mà tôi nói ở trên. Sau buổi chiều tiến quân mệt mỏi, mọi người ai nấy đều cố lo cho xong cái hố cá nhân an toàn cho việc phòng thủ qua đêm. Ăn vội một miếng lương khô của VC và là lần đầu tiên trong cuộc đời quân ngũ mà anh em binh sĩ gom nhặt được hồi chiều.

    - Tau ngại lắm - tau không dám ăn mô!

    - Cứ ăn đi! trời ơi, tụi tôi đã ăn khi chiều đến giờ rồi.

    - Vậy thì đưa tau một cục.

    Ăn xong, hớp ngụm nước lạnh trong bi đông, tôi nhẹ nhàng tụt xuống hầm mà Lạc mới đào xong. Vừa đội cái nón sắt lên đầu, hai thầy trò chưa kịp cầm cây súng thì một tia chớp lóe lên trước mặt, không xa lắm, khoảng bảy tám mét và liền tức thì kéo thêm một tiếng nỗ chát chuá. Bụi đất phủ ngập hai thầy trò tôi cùng lúc tiếng ngiến răng (chết chết.)..của Tr/si Phú.

    - Mầy sờ trên cổ và sau lưng tau thử có chi không Lạc??

    Tôi cảm thấy hơi lạnh lạnh. Dòng máu từ bên trong chảy ra trên mu bàn tay trái. Tôi dùng tay còn lại lần theo vết máu. Rất may, tôi đụng phải mãnh đạn ghim vào nơi đây đang nửa trong nửa ngoài. Nói nhỏ vừa đủ Lạc nghe:

    - Tau bị thương rồi Lạc ơi! còn mi có can chi không??

    Thật may mắn, Lạc không mệnh hệ gì, chỉ bị đất cát phủ đầy người. Chiếc ba lô trên miệng hầm tan hoang như xơ mướp. Có lẽ thượng đế thương và che chở cho hai thầy trò tôi! Vết thương tuy nhẹ nhưng bắt đầu hơi nhức nhối khó chịu. Tôi bò ra chổ Tr/si Phú:

    - Cái gì mà mi vừa bắn vừa la chết chết.?

    - Thôi đừng nói nữa ôn ơi, nó (VC), nó đi ngờ ngờ trước mặt tôi đây nè, tui níu áo nó cũng được nữa đây nầy bởi vậy tôi mới bắn (M79).

    Phú đang ngồi gác với cây súng loại nầy, có lẽ vì vậy mà tôi và Lạc ăn nguyên trái đạn B40 vừa rồi. Càng gần sáng cánh tay càng đau vì có lẻ đã bị nhiễm trùng, Lạc nói:

    - Tui báo lên TĐ để ôn lui nghe!

    - Thôi để ngày mai tính.

    Có lẽ vừa bên sông Thạch Hãn mới xâm nhập vào nên họ mất liên lạc với du kích địa phương thành ra đi đứng lọan xạ nơi đây.. Đêm nay nếu có lệnh di chuyển thì người đi sau phải nhìn người đi trước để coi thử đội nón sắt hay nón cối, chẳng khác đậu đen trộn đậu đỏ. Đến trưa ngày hôm sau đơn vị tôi đã kiểm sóat hoàn toàn phần còn lại của ngôi làng này. Có một vài gia đình về lại nhà họ khi đã tạm rời xa một vài ngày trước đó. Đại đội tôi cũng bắt đầu rời khỏi nơi đây. Có không ít người dân đứng hai bên lối vào làng quê, tỏ vẽ lo âu và luyến tiếc.

    Trực chỉ hướng đi ra Quảng Trị, ngang qua Bến Đá, quẹo phải vào hơi xa một chút, nơi đây thì trận giáp chiến ác liệt, qui mô hơn, đại đội dang hàng ngang nằm lại giữa cánh đồng, pha lẫn bên bãi tha ma, ngỗn ngang không thứ tự, trong tư thế căng thẳng sẵn sàng tác chiến. Sau khi hai chiếc trực thăng (Cobra) đảo vòng bắn rocket, tiếng súng đạn vang rền cả góc trời. Đại đội tùng thiếc xe tank M113, ép hông từ từ áp sát mục tiêu, không trở ngại nhiều lắm. Đại đội đã làm chủ được nơi đây. Phút chốc mà chẳng thấy thiệt hại tính mạng, kể cả hai bên. Chỉ có người dân là hứng chịu nhiều tai ương, chết chóc, ly loạn. Những nét lo âu âu, sợ sệt, bi đát bên làng quê tiêu điều xơ xác. Tội nghiệp người dân ở đây! vốn tính tình chân thật, chất phác, hiền hoà mà tai ương thời tiết đổ ập đến hầu như mỗi năm. Với mơ ước nhỏ nhoi, họ chỉ mong sao ngày hai bữa cơm dưa muối… Chưa đủ, thế rồi chiến tranh lại ùn ùn kéo về nơi đây, gây bao cảnh tang tóc, chia lià… Chán chường, bất công thật!. Đại đội lần lượt ngang qua: Diên Sanh, Trà Trì, Trà Lộc, Bích La v.v.. Nút đừng chân cuối cùng là: Cổ Thành Quãng Trị. Nơi đây Tr/đ tôi có nhiệm vụ tạm thời làm an ninh cho phái đoàn kiểm soát đình chiến viết tắt là (ICCS). Họ đã có doanh trại ở đây từ bao giờ (??). Có một T/đ, chốt không xa lắm nơi cửa ra vào. Lúc nầy thời tiếc u ám, mưa lất phớt nhỏ hạt suốt ngày. Sao ngày đã qua mà nơi đây vắng hoe, thỉnh thoảng chiếc trực thăng lên xuống rời rạc. Phiá bên kia là sông Thạch Hãn, vùng mà quân đội Bắc Việt đã đánh chiếm năm 1972, từ lúc Hiệp Định Paris 27/01/1973 ra đời. Mấy ngày nay không thấy sinh hoạt cấy cày cuả người dân. Cờ của MTGP củng không thấy họ treo như mọi ngày. Trung Đội thì đóng trong căn nhà sập nát, loang lỗ, bỏ hoang từ lâu. Khoảng sáng ngày 15/3/1975, nhận lệnh vào Tiểu Khu, làm lễ chào cờ đồng gắn huy chương cho một số anh em binh sĩ.


    Cầu Thạch Hãn

    Sáng ngày hôm sau có một người lính thuộc tiểu đoàn gác cổng ICCS lật đật chạy vào báo cho tôi hay:

    - Ủy Hội KSĐC (ICCS) rút, họ đang kéo cờ xuống, dọn dẹp tất cả những cây anten, tủ lạnh, drap nệm. Họ đang thu xếp gọn gàng để rời khỏi nơi nầy v.v ..

    Đích thân tôi ra tại chổ quan sát thì đó là sự thật. Tôi cấp tốc báo lên ĐĐ rồi ĐĐ báo cho TĐ. Chẳng mấy chốc tôi được lệnh nhanh chóng rời khỏi chổ này, trở ngược lại hướng thành phố Huế, trên QL 1. Sau đó nhận được lệnh, một lần nưã trấn phía bên kia sông Mỹ Chánh, địa phận tỉnh Thiên Huế để làm nút chận và làm tuyến phòng thủ. Lạ lùng thật, mới cách đây mấy ngày, nơi đây đơn vị tôi làm tuyến xuất phát. Và cũng trong ngày nầy tôi nhận thấy lai rai một vài đơn vị dùng QL1 làm trục lộ chính rời khỏi QTrị rồi càng lúc càng tấp nập đông đúc và sau đó là người dân, hoà đồng với binh lính, bằng mọi phương tiện cá nhân xe đạp, đi bộ, xe cày thoát chạy về phía Nam và không khác lắm cuộc di tản khỏi QT năm 1972. Chỉ duy nhất một điều là hầu như không nghe tiếng súng nỗ cuả hai bên. Khi đơn vị vừa đến được bên này cầu Mỹ Chánh thì trời sập tối: Quãng Trị một lần nưã rơi vào vùng kiểm soát của QĐ Bắc Việt. Hình như hai ngày sau tức là ngày 18/03/1975 thì họ kiểm soát hoàn toàn vùng đất nầy. Chào Tạm Biệt thành phố Quãng Trị!

    Chưa kịp lấy lại sức thì được lệnh di chuyển đến cây số 23 làm nút chặn tại căn cứ Đồng Lâm. Vưà đặt chân đến thì đơn vị được chào đón ngay vài trái sơn pháo 75 ly. Cũng may nơi đây hầm hố giao thông hào đã có sẵn của anh em binh chủng Nhảy Dù để lại nên chẳng hề hấn gì! Lúc im tiếng súng và ngồi dưới giao thông hào tôi ngoái đầu về phiá QT mà ngậm ngùi, luyến tiếc, rồi bâng quơ nghĩ về số phận của thành phố Huế, nơi mà giờ này cha mẹ anh em đang mỏi cổ chờ mong tôi về. Khi biết được lực lượng tổng trừ bị cuả QLVNCH là Nhảy Dù và TQLC đã rút bỏ nơi đây thì Huế sẽ ra sao??

    Kính thưa qúy vị và các anh em trong khóa 9B/72! Thành thật cám ơn, bạn bè: Công, Vinh, Tuấn, Tùng, anh Danh, anh Cường đã nhiều lần khuyến khích, tôi mới mạnh dạn ghi chép lại,câu chuyện này, bằng trí nhớ.

    Mặt dầu chiến tranh đã chấm dứt sau 38 năm rồi mà dư âm vẫn còn vang vọng đâu đây! Với trí nhớ để nhắc lại một sự việc qúa lâu của một thằng Th/uy còn non choẹt mà tầm hiểu biết chỉ đóng khung trong phạm vi của TĐ 120 ĐPQ /TK/Quảng Trị. Chắc rằng có nhiều điều thiếu sót, nhất là về thời gian. Nếu có vậy, xin Quý Vị thông cảm mà bỏ qua.

    Tác gỉa bài viết không có tham vọng gì hơn ngoài việc để lại một kỷ niệm cho bạn bè và con cháu hầu biết được sự thật của cha, ông đã gánh chịu những thiệt thòi, gian khổ và nguy hiểm tuy chỉ là một phần nhỏ nhắn trong cuộc chiến bảo vệ quê hương Việt Nam dấu yêu ....

    Paris - Pháp 8/2011
    Đổ Rô


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X