Thông báo

Collapse
No announcement yet.

KQVNCH và Tinh Long 7

Collapse
X

KQVNCH và Tinh Long 7

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • KQVNCH và Tinh Long 7

    Lời người đăng: Bài viết có sai trật một số tiểu tiết về Tinh Long 07; tuy nhiên, để giữ sự ngưỡng mộ đối với tác giả và dịch giả, xin đăng nguyên văn.
    TNT


    Anh Tien Anh và các anh Không quân VNCH cũ:
    THỜI BÁO tuần nầy có đăng một bài dịch của anh Đỗ Quân (cựu chủ bút TB đã nghỉ hưu) về những nỗ lực cuối cùng của Không Quân VNCH trong đó có sự hy sinh của TINH LONG. Anh nhớ báo tin cho các bạn KQ biết, đề tìm đọc.
    Vì báo chưa phát hành, tôi chỉ đăng trang đầu của bài viết, để bảo vệ bản quyền của người dịch.
    NgyThanh
    1/05/2018
    __________
    Ngày 2/05/2018, tôi đã đăng thêm trang 2.
    Ngày 3/05/2018, tôi đã đăng thêm trang 3.
    Ngày 4/05/2018, tôi đã đăng thêm trang 4.
    Ngày 5/05/2018, tôi đã đăng thêm trang cuối.
    __________


    BẢN DỊCH ĐẦY ĐỦ CỦA ANH ĐỖ QUÂN:
    +

    THOÁT ĐẾN UTAPAO

    Henry Le nhớ tất cả mọi thứ về buổi sáng cuối cùng của mình tại Việt Nam. Ngày hôm trước đó, viên trung úy 22 tuổi của Không quân Việt Nam Cộng Hòa này đã hạ cánh xuống Căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt bên ngoài Sài Gòn vì không đủ nhiên liệu để trở về căn cứ tại Cần Thơ. Vào lúc 4 giờ sáng ngày 29 tháng 4, ông bị đánh thức bởi chấn động của những quả rocket nổ. Ông hồi tưởng, "Tôi đang nằm trên giường ở tầng hai của doanh trại, tôi ngồi dậy và phải mất vài giây mới nhớ ra mình đang ở đâu.”

    Ngày nay, Lê là một thiếu tá trong lực lượng Trừ bị của Hải quân Hoa kỳ, ông đã từng bay những chiếc S-3 Viking trong các phi vụ tuần tra săn tàu ngầm ở Subic Bay và những chiếc A-6 Intruder ở Vịnh Ba Tư. Buổi sáng hôm đó, cách đây 21 năm, ông là phi công A-37 mới vừa được huấn luyện và mới chỉ bay được một vài phi vụ chiến đấu. Cessna A-37 Dragonfly là một loại nhỏ nhưng có khả năng oanh tạc tấn công, được trang bị súng 7,62 mm và có thể mang được tới sáu quả bom 500 pound dưới cánh. Lê và các phi công A-37 của ông ta đã yểm trợ bộ binh và đã cố gắng, hầu hết không thành công, để làm chậm lại cuộc tấn công của miền Bắc mà ngày đó những chiến xa và pháo binh của họ đang di chuyển thành một cột đen đặc xuống Quốc lộ 1 về phía thủ đô. Nhưng không phải đợi cho đến khi trận mưa rocket bắt đầu rơi xuống vùng ngoại ô Sài Gòn sáng hôm đó Lê mới biết cuộc chiến đã thua.

    Hầu hết những người Mỹ đã tham gia vào cuộc xung đột đó nhớ lại rằng họ đã trông thấy kết cuộc từ lâu trước khi Sài Gòn sụp đổ. Một trong số những người đó, Chuẩn tướng Không Quân Harry “Heinie” Aderholt, chỉ huy các hoạt động viện trợ và cố vấn quân sự của Hoa Kỳ tại Thái Lan (MACTHAI). Aderholt đã bắt đầu sự nghiệp của mình ở Đông Nam Á vào năm 1960 - với tư cách là sĩ quan không quân cao cấp trong các hoạt động bí mật ở Lào – và đã dành hầu hết 15 năm tiếp theo ở đó. Ông đã huấn luyện các đơn vị du kích Hmong Lào cho những cuộc xâm nhập vào Tây Tạng và ngày nay là một nhà lãnh đạo của một tổ chức tình nguyện giúp định cư những người tị nạn Hmong ở Hoa Kỳ. Trong những câu chuyện chiến tranh ông kể, Aderholt là một anh chàng ranh mãnh đã lên tới lon tướng, và trong mắt ông nay vẫn còn thấy tia ranh mãnh. Ông không giấu diếm sự ghê tởm của mình đối với chính sách của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á ngày đó. Nói về thời kỳ đó, Aderholt đã cay đắng: “Nó sẽ cho bạn thấy chúng ta là loại khốn nạn nào. Thấy cái cách mà chúng ta luôn luôn bỏ rơi các đồng minh.”

    Aderholt từng là cố vấn trưởng cho Không quân Hoàng gia Thái Lan trước khi chuyển qua MACTHAI vào năm 1973. Đến năm 1974 ông đã bắt đầu lo lắng về các láng giềng của Việt Nam - Thái Lan, Lào, Cam bốt - tất cả các nước nhỏ, nghèo và yếu thế trước một lực lượng không quân khổng lồ hùng mạnh sắp sửa xuất hiện. Trước khi giảm lực lượng của họ ở miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ đã tăng cường kho vũ khí của quốc gia đó. Vào cuối tháng 3 năm 1973, theo thỏa thuận đã ký kết vào tháng 1 ở Paris, chỉ có 50 sĩ quan quân đội Hoa Kỳ và 159 lính gác Thủy quân lục chiến ở lại Việt Nam. Nhưng Không quân Cộng hòa Việt Nam đã phát triển và trở thành lực lượng không quân lớn hàng thứ tư trên thế giới, từ 482 máy bay vào năm 1969 lên đến 2.276 vào năm 1973. Aderholt thấy rằng kẻ sau cùng sẽ được hưởng lợi từ đợt của viện trợ quân sự này sẽ là Bắc Việt, và ông muốn lấy lại được càng nhiều máy bay càng tốt cho Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ.

    Aderholt đặc biệt lo cho 150 chiếc khu trục phản lực Northrop F-5 Freedom Fighter, 40 trong số đó là các kiểu E và F vừa mới xuất xưởng và 78 chiếc A-37. F-5 là máy bay chiến đấu đánh chặn có tốc độ siêu thanh Mach-1.6, mang được đến 6,200 pound rocket, bom, hoặc phi đạn, các máy bay này còn có thể trở thành máy bay tấn công; chúng sẽ đặc biệt tạo ra một mối đe dọa lớn cho Thái Lan, một quốc gia có lực lượng không quân lạc hậu và nhỏ hơn rất nhiều. Vào đầu năm 1975, Aderholt đã xin phép Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn để bắt đầu đưa các máy bay ra khỏi Việt Nam. Ông không có thẩm quyền để lấy đi các tài sản đã được cho mượn theo Chương trình Quân viện. Sau khi các lực lượng Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam năm 1973, các quyết định quân sự đã thuộc thẩm quyền của bộ ngoại giao.

    Aderholt nói: “Tôi đã trình cho [Graham A. Martin, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam] một kế hoạch về việc di tản tất cả các máy bay Mỹ đã cung cấp” trong những tháng đầu năm 1975. “Nhưng kế hoạch đã bị quăng vào sọt rác. Martin nói ông ta sẽ không xem xét một "thái độ chào thua nào".

    Ngày 10 tháng 3 năm 1975, Tướng Văn Tiến Dũng, Tư Lệnh quân đội Bắc Việt Nam, tấn công Ban Mê Thuột, một thành phố chiến lược ở vùng cao nguyên miền Nam Việt Nam, mở đầu đợt tấn công cuối cùng của cuộc chiến. Bảy tuần sau, đạo quân chiến thắng của ông ta đã bước qua cổng của dinh tổng thống ở Sài Gòn. Trong khoảng thời gian đó, 933 chiếc phi cơ của Không quân Việt Nam rơi vào tay kẻ thù, toàn vẹn. Nhưng không có chiếc A-37 của Henry Lê.

    Khi loạt rocket thứ hai đốt sáng màn đêm, Lê nhảy ra khỏi giường, tròng vội bộ đồ bay và lấy xe gắn máy của mình phóng vào cổng chính của căn cứ không quân. Ông nói, “Tôi vơ vội một gói giấy tờ, trong đó có các chứng chỉ huấn luyện bay - những thứ quan trọng để bắt đầu lại ở một đất nước mới”, ông nói.

    Các lính gác ở căn cứ đã ra lệnh không cho ai vào căn cứ cho đến khi cuộc tấn công kết thúc. Thất vọng, Lê lắng nghe những chi tiết của trận chiến đang diễn ra qua một máy truyền tin chiến thuật trong chòi gác. Anh nghe một phi công gọi tháp không lưu.

    Người phi công đó đang lượn quanh căn cứ ở độ cao 7000 feet trên một chiếc gunship AC-119, cố gắng một cách tuyệt vọng để xác định vị trí nơi những quả rocket được phóng ra. Anh xin phép xuống thấp đến 4.000 feet để có thấy dễ hơn vị trí của quân thù. Lê có thể nghe được tiếng gầm rú của chiếc AC-119 nhưng không thể nhìn thấy chiếc máy bay vì phi công đang bay không đèn. Lê nhớ lại rằng khi bình minh bắt đầu hửng xám bầu trời, chiếc AC-119, một chiếc vận tải cơ màu đen cục mịch được trang bị súng ở bên trái của thân máy bay, hiện ra trong tầm nhìn và xả một loạt đạn 7,62 mm vào vị trí địch. Ông ngậm ngùi, "Đó là hành động dũng cảm cuối cùng tôi thấy trong trận chiến để cứu nước tôi."(*)

    Khi Lê đang theo dõi chiếc phi cơ, một hỏa tiễn vác vai SA-7 bay vọt lên, nhưng trượt xa chiếc gunship đang tấn công. Sau đó, một hỏa tiễn thứ hai xuất hiện, luồng hơi ở đuôi nó vẽ một đường quanh co khi chiếc SA-7 điều chỉnh đường bay để đuổi theo mục tiêu. Nó đâm vào động cơ bên phải của chiếc máy bay. Chiếc máy bay chúi xuống, cánh phải bắt lửa. Một nhân viên phi hành nhảy ra ngoài nhưng chiếc dù của anh ta bị vướng rối vào đuôi chiếc A-119 trong lúc chiếc máy bay bắt đầu vỡ ra. Lửa phực ra ở phía sau chiếc gunship. Nó lộn ngược và xoay ba phần tư vòng trước khi đâm xuống đất.

    Các lính gác, những người cũng chứng kiến chiếc gunship rơi, đã để cho Lê vào sân bay. Bên trong cổng, các phi công của đủ loại máy bay đang tìm loại phi cơ mà họ có thể bay. Không có họp briefing, cũng chẳng có hay kế hoạch rút quân. Chỉ hai tuần trước đó trong một diễn văn gửi dân chúng toàn quốc trên đài phát thanh, Tướng Nguyễn Cao Kỳ, cựu thủ tướng miền Nam Việt Nam, đã kêu gọi các lực lượng của ông ở lại và chiến đấu, ông ta thề sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Sáng hôm đó ở căn cứ, Lê nhìn thấy Kỳ bước lên một chiếc trực thăng bay về hướng đông, về phía hạm đội Mỹ.

    Các phi công tụ tập để thảo luận về các lựa chọn của họ. Cuộc trò chuyện căng thẳng và hỗn loạn, nhưng sự lựa chọn rất đơn giản: Di tản hoặc cho nổ sạch tất cả các máy bay còn bay được.

    Trong hai tuần trước, Lê và bạn bè của anh đã bàn với nhau về những điểm họ có thể đến nếu điều tệ hại nhất xảy ra và Sài Gòn thất thủ. Họ có thể cố bay đến Căn cứ Không quân U Tapao ở Thái Lan, khoảng 350 dặm về phía tây bắc, hoặc, nếu đủ nhiên liệu, đến Singapore, 580 dặm về phía tây nam. Một lựa chọn khác là tiến ra hạm đội hàng không mẫu hạm của Hải quân Hoa Kỳ ngoài khơi bờ biển để hạ cánh trên tàu hoặc nhảy dù. Các phi cơ tầm xa, như C-130 hoặc C-123, có thể cố ráng bay đến Vịnh Subic ở Philippines, 785 dặm về phía đông. Một lựa chọn cuối cùng là, cứ cất cánh và hết nhiên liệu thì nhảy dù ra.

    Lúc 9:45 sáng, đơn vị quân báo của căn cứ phát đi cảnh báo rằng một cuộc tấn công lớn bằng rocket sắp sửa bắt đầu. Phi công và phi hành đoàn chạy ra máy bay của họ khi các nhân vật VIP hốt hoảng nhảy lên các xe riêng để thoát thân. Lúc 10 giờ sáng, những loạt rocket bắt đầu rơi xuống khắp căn cứ.

    "Bạn bè tụ tập lại với nhau", Lê nhớ lại. “Tất cả chúng tôi đều chạy, kiểm tra máy bay để xem chúng tôi có thể tìm được một chiếc máy bay có thể bay được không.” Lê tìm thấy một chiếc A-37 có nhiên liệu, ông và một người bạn, cũng là phi công, cùng một nhân viên cơ phi nhồi cả ba người vào hai chỗ ngồi của chiếc phi cơ. Ngồi như thế, người bạn của Lê và nhân viên cơ phi không thể được phóng ra khi phải bỏ máy bay. "Tôi đã hứa với họ rằng nếu cần tôi sẽ lao máy bay xuống đất cùng với họ."

    Lê khởi động động cơ và bắt đầu taxi. “Loạn cào cào,” ông nói. “Trên tháp không lưu chẳng có ai chỉ huy. Các máy bay chạy đua để tìm vị trí, cố gắng để ra được phi đạo để bay lên trước khi bị trúng rocket.” Có một phi đạn Aim-9 nằm ở giữa đường của Lê. Các thùng nhiên liệu vương vãi khắp khu vực.

    Bên trong chiếc A-37, Lê nghe thấy trên tần số của tháp không lưu tràn ngập những cuộc gọi rối mù và hoảng hốt khi các phi công xin các hướng dẫn không bao giờ đến. Khi anh chờ cơ hội cất cánh, Lê quan sát sự hỗn loạn xung quanh anh.

    “Ở đằng xa, một chiếc C-7 [Caribou] hai động cơ lăn xuống phi đạo. Phi công đã quên tháo các khóa kiểm soát, ”Lê nhớ lại. “Chiếc máy bay không cất cánh được. Thay vào đó, nó cày chúi xuống đoạn đường đất cuối phi đạo và bốc cháy. Từ chiếc phi cơ bị nạn, người ta bò ra. Một số chạy, số khác khập khiễng trở lại đoạn đường ramp để tìm các máy bay khác mà leo lên.”

    Cuối cùng, cũng đến lượt Lê đã ra phi đạo. Ở phía bắc, những đám lửa cháy bừng bừng và những cột khói cao đánh dấu những bãi đạn dược đang bị tiêu hủy trước khi các lực lượng Cộng sản xuất hiện. Lê tăng ga, cất cánh, và bay về hướng tây.

    Đại tá Harold R. Austin, chỉ huy Liên đoàn 635 Không yểm của Không quân Hoa Kỳ tại U Tapao, đã chuẩn bị sẵn sàng cho những vấn đề mà ông phải đương đầu vào sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975. Trong thời gian Mỹ tham gia cuộc chiến, những chiếc B52 của Bộ Chỉ huy Không quân Chiến lược (SAC) đã được đặt tại U Tapao cho các cuộc tấn công nhắm vào Bắc Việt Nam. Khoảng 20 trong số các phóng pháo cơ lớn này vẫn đang chờ sẵn ở đó, được bảo vệ trong ụ kè ba mặt. Để hỗ trợ các hoạt động B-52, SAC đã kiến thiết một phi đạo dài 12.000 foot và các đường taxi, con đường này là một điểm may mắn cho các phi công hiện đang hạ cánh máy bay của họ trên cả hai đầu của phi đạo mà không cần phải dọn sạch.
    Nhưng đến lúc 9 giờ sáng thì khu vực đậu máy bay đã không còn kiểm soát được nữa. Các trực thăng đậu trên bãi cỏ giữa phi đạo và đường taxi. Một chiếc đậu giữa các ụ. Một càng máy của một chiếc C-47 đã gãy khuỵu xuống khi tiếp đất. Chiếc máy bay, một phiên bản quân sự của loại DC-3 được làm ra để chứa 30 binh sĩ, đã chở đến 100 hành khách ra khỏi Việt Nam. Tai nạn này đã chặn phi đạo, nhưng các phi công tiếp tục cố hạ cánh.

    "Chúng tôi đã ngưng tất cả chuyến bay của SAC ngay sau khi nhận ra những gì đang xảy ra", Austin kể lại. “Tôi cho tháp không lưu liên lạc với [các máy bay đang đến] trên tất cả các tần số có được để phóng có những chiếc không có radio."

    "Bạn phải biết rằng lúc chúng tôi không đang chiến đấu trong một cuộc chiến lớn", Austin nói. “Chúng tôi chỉ đang sẵn sàng chiến đấu. Vì vậy, tôi có 6.000 người chẳng có bao nhiêu việc phải làm. Thế là tất cả mọi người được đổ vào cuộc - những nhân viên của SAC, nhân viên của MAC. Tôi đã có được sự hợp tác tuyệt vời. ”

    Các binh sĩ Mỹ dùng mọi loại xe có được để kéo những chiếc A-1, C-47, O-1 Bird Dog, và tất cả các máy bay nhỏ vào sân cỏ, tạo chỗ cho máy bay phản lực và các vận tải cơ lớn hơn đang đến. Những người khác sơn đè lên các huy hiệu của Không quân Việt Nam. Trong những trường hợp không còn cách này khác, máy bay được cho đậu mà không có cục chock chặn bánh, nắp canopy phòng lái còn mở. Các đội bảo trì tháo vũ khí của các máy bay chiến đấu, xếp đạn dược thành từng đống dọc theo dốc đậu máy bay.

    Đến cuối ngày hôm đó, 165 chiếc máy bay của Không quân Việt Nam đến U Tapao, bao gồm 31 chiếc F-5, 27 chiếc A-37 Dragonfly, 9 chiếc C-130A Hercules, 45 trực thăng UH-1 Bell, 16 chiếc C-47, 11 chiếc A-1E và H Skyraider, sáu chiếc vận tải cơ C-7A Caribou, ba gunship AC-119, 14 Cessna U-17 Skywagon, ba chiếc O-1 Bird Dog, và năm ba chiếc phi cơ dân sự. Các máy bay này đã đậu chung, chật cứng, với 97 chiếc máy bay của Cam bốt đã đến từ hôm 12 tháng 4, khi Phnom Penh thất thủ.

    Ngoài việc cố gắng giữ cho phi đạo được trống trải và bảo vệ máy bay và vũ khí, Austin còn phải lo cho cơn lũ người tị nạn. “Hầu hết họ đều rất xúc động, đói và mất nước”, Austin nhớ lại. "Họ quá sợ hãi." Nhiều người đã phải chịu những mất mát khủng khiếp ngoài việc mất quê hương. Austin đặc biệt nhớ đến một nhóm đã bay trên một chiếc C-130. Hành khách đã lên máy bay tại căn cứ Tân Sơn Nhứt khi rocket bắt đầu rơi. Các động cơ đã quay đều, và phi công bắt đầu ra taxiway. Người vợ của viên phi công phụ đã nghiêng người ra ngoài để giúp kéo các hành khách ở cửa vào phía đầu máy bay. Khi máy bay lao về phía trước, bà ngã xuống. Bánh xe càng bên trái của chiếc máy bay cán qua, nghiền nát người phụ nữ. Cho đến khi máy bay hạ cánh xuống Thái Lan người ta mới dám báo tin này cho viên phi công phụ.

    Austin phải lo cho những người tị nạn ăn uống và cố giúp cho họ được thoải mái. Ông ta giữ cho các gia đình khỏi bị chia xẻ, và thiết lập các chỗ sinh hoạt tạm thời cho họ trong khu vực chứa máy bay và khu nhà phụ của không quân. Ông đưa các đàn ông độc thân đến các cơ sở bảo trì của Hải quân Hoa Kỳ, nơi những căn lều đã được dựng lên để có thêm chỗ tạm trú.

    Henry Lê là một trong những người tị nạn đã qua đêm trong một căn lều tại U Tapao. Ông đã hạ cánh với hai hành khách của mình vào khoảng giữa trưa, khi đường ramp đang quá đông, và đã sửng sốt khi thấy số lượng máy bay đã có trên mặt đất. Một số binh sĩ Mỹ đã chặn lại chiếc A-37 của Lê trong lúc còn đang lăn bánh trên đường taxi để sơn đè lên huy hiệu trên chiếc A-37, rồi vẫy cho đi.

    Trong lúc Austin đang lo chuyện ăn ở cho những người tị nạn, ông ta cũng trao đổi với các nhân viên ngoai giao của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Thái Lan. Austin nói, "Người Thái đã nói rõ rằng họ muốn các công dân Việt Nam phải ra khỏi đất nước họ trong thời gian nhanh nhất."

    Aderholt nói: “Người Thái sợ rằng người Việt Nam sẽ trút thù hận lên họ.Thêm nữa, ngưởi Việt đã từng đến Thái lan. Trong cuộc di cư năm 1954, đã có nhiều người Việt xâm nhập vùng đông bắc Thái Lan và trở thành những người định cư. Họ vẫn còn ở đó. Cho nên người Thái chẳng yêu thương gì người Việt. ”

    Austin thông báo tình trạng khó xử của mình đến bộ chỉ huy Không quân Thái Bình Dương của ông ở Hawaii. Hai mươi chiếc C-141 được lệnh đến U Tapao vào ngày hôm sau để không vận người Việt Nam, trong đó có Henry Le, đến Guam, nơi một thành phố lều đã được dựng lên để đón họ. Nhưng khi những chiếc máy bay vận tải đầu tiên đến, Austin đã phải đương đầu với một vấn đề mới.

    Sáu mươi lăm người Việt Nam, tất cả đều đến Thái lan trên cùng một chiếc C-130, muốn trở về Việt Nam. Nhóm 27 người này, do viên Trung úy 27 tuổi Cao Văn Li cầm đầu, gồm các nhân viên của Không quân Việt Nam đã không biết rằng họ đã rời khỏi đất nước khi máy bay cất cánh từ Sài Gòn. Họ đã bỏ lại gia đình ở Việt Nam, và bây giờ họ đe dọa tự sát nếu yêu cầu được trở lại của họ bị từ chối. “Tất cả bọn họ đều là những người trẻ,” Austin nói. “Chúng tôi bảo họ rằng chúng tôi sẽ đưa họ đến Guam. Họ chưa bao giờ nghe đến Guam. ”

    Austin cầu cứu sự giúp đỡ của một đại tá Không quân Việt Nam, ông này bảo với các thanh niên đòi về rằng gần như chắc chắn họ sẽ bị bắn nếu trở về. Một tuyên úy người Mỹ cũng đã giúp vào các cuộc thương thuyết. Theo Austin, “Ông ta nói đến gãy lưỡi.” Những chuyến C-141 đến và đi, tất cả, trừ 13 người Việt Nam đã đồng ý đi sang Guam. Với 3.900 người tị nạn đã được không vận, Austin tiếp tục cố gắng dỗ dành nhóm cuối cùng lên tàu. “Các thông dịch viên của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ và Không quân Mỹ thông báo cho những người tị nạn biết rằng theo luật pháp Thái Lan, họ có thể bị xếp vào loại di dân bất hợp pháp và như thế sẽ bị bỏ tù và bị bắn, ”Austin kể, nhưng nhóm người Việt này vẫn cương quyết.
    Nhân viên y tế của Austin đề nghị tiêm thuốc an thần cho 13 người còn lại, một biện pháp họ đã từng sử dụng trước đây khi trong những lần tản thương mà gặp những người quá lo lắng hoặc cần phải làm cho bất động trong suốt chuyến đi. Với chiếc C-141 duy nhất đang nằm trên đường ramp chờ khởi hành và người Thái đang đe dọa sẽ áp dụng vũ lực với những kẻ nổi loạn, Austin đã chấp thuận việc dùng thuốc an thần.

    Người Việt Nam đầu tiên được tiêm thuốc an thần được đưa vào chiếc xe y tế. Mười hai người còn lại do dự nhưng không kháng cự. Austin ra lệnh cho bốn quân cảnh không quân và một nam y tá đi cùng máy bay.

    Khi máy bay hạ cánh xuống Guam, Trung Úy Cao Văn Li phản đối cách họ đã bị đối xử với các giới chức ở đó. Anh này nói, “Tôi không phải là người cộng sản, nhưng tôi muốn về nhà. Gia đình tôi ở đó. Họ cần tôi.” Báo chí đã biết được câu chuyện. Đột nhiên, Austin thấy mình trở thành trung tâm của một vụ rắc rối ở tầm vóc quốc tế, sự việc này cuối cùng đưa đến việc ông bị mất chức chỉ huy Liên đoàn 635 Không yểm. Nhưng ông khẳng định, “Nếu là hôm nay, tôi cũng sẽ quyết định tương tự như thế.”

    Một vài ngày trước cuộc di tản khổng lồ từ Sài Gòn, Aderholt đã phái Đại úy Không quân Roger L. Youngblood đến Trat Field ở biên giới Thái Lan - Cambốt. Bay trên một chiếc AU-23 (một dạng của loại Pilatus PC-6 Turbo-Porter có thể lên xuống các đường băng ngắn ở Trat) của Không quân Hoàng gia Thái Lan, Youngblood cùng với một phi công phụ người Việt quần quanh khu vực. Viên phi công phụ lo việc dùng radio để cung cấp tần số của tháp không lưu ở U Tapao và cố gắng để hướng dẫn các phi công hạ cánh ở đó. Không phải tất cả các phi công đã đến được U Tapao.

    Đêm 29 tháng 4, Aderholt, người có cố vấn ở khắp Thái Lan, bắt đầu nhận được tin về những chiếc máy bay hạ cánh trên đồng ruộng, trên đường, ở bất cứ khoảng trống nào các phi công có thể tìm thấy. Một chiếc A-37 đã hạ cánh trên xa lộ gần căn cứ không quân Korat, phía bắc Bangkok, đang nằm gần một trường học. Viên phi công đã lái chiếc máy bay chạy khỏi xa lộ vào một sân trường trước khi tắt máy. Bên dưới cánh của chiếc oanh tạc cơ vẫn còn những quả bom. Aderholt phái một đại úy Không quân từ Udorn đến để bay chiếc A-37 về căn cứ đó.

    Các báo cáo tiếp tục đổ về, và ngày 1 tháng 5 Aderholt ra lệnh cho trực thăng quân đội Hoa Kỳ được điều động cho MACTHAI để chở các phi công và các thùng 55 gallon nhiên liệu máy bay tới các địa điểm ở Thái Lan và Cam bốt, nơi các máy bay và trực thăng hạ cánh. Youngblood bay trở lại Trat với Briggs Dogood, trước là một tiền sát viên không quân, để thực hiện một trong những màn thu hồi phức tạp hơn.

    "Chúng tôi đi bằng xe jeep đến một cánh đồng lúa gần đó, nơi một chiếc O-1 bị mắc kẹt trên một con đường đất, chỉ có một khoảng trống chừng 30 phân ở mỗi bên càng", Youngblood nhớ lại. “Dogood chạy theo hết con đường đất, đổ một ít xăng từ một chiếc xe tải chở dầu vào chiếc máy bay. Sau đó, anh ta leo lên chiếc O-1 và rồi chiếc O-1 bay lên khỏi con đường đất trong một đám bụi mù.”

    Tới lúc Aderholt biết rõ ràng rằng Bắc Việt sẽ đòi các máy bay và trực thăng đã thoát sang Thái Lan, thì Youngblood đã đưa được nhiều máy bay ra khỏi U Taphao. Aderholt biết được rằng hành động đầu tiên của chính quyền Hà Nội sẽ là gửi một phái đoàn đến Thái Lan để kiểm kê số máy bay của Không quân Việt Nam. Chính quyền Thái, bị Hà Nội đe dọa, đã ra lệnh giữ các máy bay này lại. Aderholt nói: “Máy bay là tài sản của Chương trình Quân viện và vẫn thuộc về chính phủ Hoa Kỳ", nhưng ông không chắc chắn rằng mình có thể mong đợi người Thái cũng nghĩ như thế. Ông quyết định đưa được thật nhanh càng nhiều máy bay về Mỹ càng tốt.

    Trước tiên, Aderholt biếu năm chiếc F-5A cho Thống chế Không quân của Không quân Hoàng gia Thái Lan để kéo quân đội Thái về phe với mình. Ông không có quyền làm như vậy; Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, trong cuộc đàm phán với người Thái và Bắc Việt Nam, chịu trách nhiệm cuối cùng về việc phân phối những phi cơ đó. Nhưng, Aderholt biết, bộ ngoại giao rất khó mà lấy lại món quà tặng này.

    Aderholt đã biết được từ Bộ Chỉ huy Thái bình dương ở Hawaii rằng chiếc hàng không mẫu hạm USS Midway đang trên đường tới một căn cứ Hải quân Hoàng gia Thái Lan gần U Tapao để đổ xuống những chiếc trực thăng HH-53 của Hoa Kỳ đã tham gia vào cuộc di tản ở Sài Gòn.
    Aderholt kể lại, “Midway được giao nhiệm vụ mới: Tải về những chiếc máy bay Không quân Việt Nam có giá trị nhất hiện có mặt ở U Tapao.”

    Ngày 5 tháng 5, hàng không mẫu hạm USS Midway được đưa vào cảng, và Austin bắt đầu nhanh chóng dùng trực thăng đưa các máy bay phản lực lên boong tàu. Trong khi vận chuyển, hai chiếc F-5 bị tuột khỏi võng của trực thăng: một chiếc rơi từ độ cao 25 feet xuống bến tàu, chiếc kia rơi xuống nước. Những phi cơ còn lại sau đó được đưa bằng xe tải đến cảng tại Sattahip, không mất thêm chiếc nào nữa.

    Chỉ đưa những chiếc máy bay có giá trị nhất lên tàu Midway tất nhiên có nghĩa là những khu trực cơ cũ hơn, như những chiếc A-1 Skyraider, sẽ bị bỏ lại. Những phi cơ cánh quạt này đã từng tự chứng minh là có hiệu quả trong các hoạt động yểm trợ và cứu hộ tầm gần, Aderholt quyết định sẽ không để chúng rơi vào tay Bắc Việt. Với sự nhắm mắt của quân đội Thái Lan, Aderholt ra lệnh cho Youngblood và Thiếu tá Jack W. Drummond, hai phi công đã từng lái Skyraider nhiều năm trước đó, đến U Tapao để bay những chiếc A-l đến một "vị trí ít lộ liễu hơn."

    Trong một bản tin của Hội Ái hữu A-1 Skyraider gần đây, Drummond kể lại: "Khi nổ máy, taxi, và kiểm tra đồng hồ đã xong, sự hào hứng của việc được ngồi sau một động cơ (Pratt&Whitney) 3350 duy nhất đã bùng trở lại. Việc cất cánh không khó. Cả hai chúng tôi đều cảm thấy rằng chúng tôi có thể đã thực hiện những cuộc hạ cánh toàn hảo trong sự nghiệp A-1 của mình!”

    Họ đã đưa các máy bay này đến Căn cứ Không quân Ta Khli ở miền trung Thái Lan và đậu trong một hangar, khuất mắt dòm ngó. (Aderholt đã quen thuộc với căn cứ vì ông đã làm việc với CIA ở đó để đưa các chiếc U-2 đi làm các sứ mạng trên không phận Trung cộng.) Hai phi công trở về U Tapao và mang một cặp A-l khác đến Ta Khli. Khi Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Thái Lan phát giác ra những chiếc F-5 đã được trao cho lực lượng không quân Thái Lan và màn vận chuyển các chiếc A-l, Drummond và Youngblood được trả về các nhiệm vụ thường lệ của họ, và những chiếc A-1 còn lại nằm ở U Tapao.

    Trong khi Mỹ, Hà Nội, và chính phủ Thái giành nhau, Midway và một số tàu khác của Đệ Thất Hạm đội chất lên boong 142 máy bay Không quân VN rồi lách ra khỏi cảng, hướng về Guam. Có ít nhất một chiếc C-123K cũng đã ra khỏi Thái Lan. Ngày nay, chiếc phi cơ mang số hiệu 54-00592 ở đuôi đang nằm tại sân bay Avra Valley ở Marana, Arizona. Chẳng ai biết làm cách nào nó lại có mặt ở đó.

    Aderholt đã rời Không quân về hưu từ năm 1976, nhưng ông ở lại Thái Lan thêm bốn năm nữa - đủ lâu để sắp xếp việc chuyển vận về nhà bốn chiếc A-1 mà ông đã gửi ở Ta Khli. Ngày nay, Aderholt nói ông biết những chiếc máy bay này đã trở nên hiếm hoi ở Hoa Kỳ và ông muốn chắc chắn một vài chiếc được bảo tồn.

    Aderholt thuê máy kéo để kéo các phi cơ A-1 từ Ta Khli đến sông Chao Prya. Ông đã đưa chúng lên bốn xà lan mang từ Bangkok lên, nhưng các xà lan này ngay lập tức bị mắc cạn ở chỗ nước nông. Aderholt đã hối lộ cho người giữ Đập Chainat 20.000 baht (1.000 đô la vào thời điểm đó) để mở các cửa xả lũ. Những chiếc xà lan trôi theo sông đến cảng, và các máy bay được xếp lên một con tàu. Sau đó, nhà sưu tập các phi cơ thời chiến Dave Tallichet đã đưa chúng đến Los Angeles và cất giữ tại phi trường của Orange County cho đến năm 1986. Tallichet vẫn bay một trong những chiếc Skyraider đó từ sân bay Chino ở California. Một chiếc khác được trưng bày tại bảo tàng Santa Monica Museum of Flight ở California.

    Không có một phi cơ nào được người Thái không giao cho Việt Nam. USS Midway đã đưa 101 máy bay của Không quân Việt Nam đến Guam, giúp cho 21 chiếc F-5E trở về Hoa Kỳ đến Căn cứ Không quân McClellan ở California. Đồng hồ bay của mỗi chiếc chỉ mới ghi được từ 64 đến 115 giờ bay. Hầu hết các máy bay này được đưa đến Căn cứ Không quân Williams ở Arizona, nơi chúng được sử dụng để huấn luyện phi công ngoại quốc. Trong số đó, có năm chiếc được chuyển từ Williams đến Căn cứ Không quân Nellis ở Nevada vào năm 1977. Trong 12 năm tiếp theo, các chiếc F-5E được sử dụng trong Không đoàn Aggressor 57 để biểu diễn các chiến thuật của Khối Xô viết cho các phi công Mỹ.

    Năm 1988 và 1989, những chiếc F-5 được bán cho Brazil và Honduras; một số đã ở lại ít lâu với Hải quân Hoa Kỳ. Nhưng trên bầu trời Baghdad vào năm 1991, các phi công Mỹ được các phi cơ này huấn luyện đã lập được thành tích hạ máy bay do phi công Iraq được Nga đào tạo với tỷ lệ 41: 0. Trong chiến thắng đó, các nỗ lực của những phi công Không quân Việt Nam có thể đã góp vào một phần không nhỏ. Nhiều phi cơ mà phi công Việt Nam đã bay ra khỏi Việt Nam hiện vẫn đang thi hành những phi vụ trên khắp thế giới. Lực lượng không quân của Việt Nam Cộng Hòa đã không còn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Lịch sử chính thức của không quân của Việt Nam trải dài trong 20 năm, trong suốt thời gian đó, các phi công không được hưởng đến một khoảnh khắc hòa bình.

    Đỗ Quân
    (Dịch từ Escaped to Taphao của Ralph Wetterhahn, Air & Space Magazin, số tháng 1 năm 1997 với sự cho phép của tác giả)
    +
    _
    ___
    (*) Chiếc gunship AC-119 bị SA7 bắn rơi được kể trong bài này là một chiếc vận tải võ trang của Phi đoàn Tinh Long 821 bay trong phi vụ hành quân Tinh long 7 đêm 28 rạng ngày 29 tháng 4, 1975 với trưởng phi cơ Trung úy Trang Văn Thành (biệt danh Cambốt) và hoa tiêu phó là Trung úy Tào Thuận. (Có tài liệu ghi lầm hoa tiêu phó là Trung úy Trần Văn Hiển.)
    Sĩ quan Hành quân của Phi đoàn, Trung tá Chung đã yêu cầu phi hành đoàn chiếc Tinh long này không bay vì Tr/U Thành đã vừa thi hành xong phi vụ Tinh Long 1 từ đầu hôm, nhưng anh tình nguyện. Khi bị trúng phi đạn SA 7 trên cao độ 3000 feet, chỉ có một pháo thủ của phi vụ Tinh Long 7 nhảy dù được, tuy nhiên nóc dù của anh bị vướng vào đuôi chiếc AC -110K, anh hy sinh cùng các đồng đội.
    Image may contain: 4 people, people smiling, text
    Image may contain: outdoor
    Mời bạn ghé thăm nhà:
    http://thovanyenson.com

  • #2
    Trong đêm Đại Hội Air Commando 11/11/1975 tại câu lạc bộ sĩ quan của Hurlburt Field, Mary Either, Florida, Đại Uý Youngblood, người mang chiếc A-1 Skyraider bay về Mỹ than phiên rằng:
    " Tất cả các phi cơ A-1 của các anh mang qua Utapao đều không an toàn để bay, đèn phi cụ không một chiếc nào dầy đủ, nhất là ADF, TACAN không chiếc nào còn hoạt động. Vậy mà các anh bay được à ?
    Tôi trả lời anh:
    "Thường khi chúng tôi bay VFR nên ít khi dùng TACAN hay ADF, còn đèn của các phi cụ nếu không cháy sáng chúng tôi dùng pocket light mà mọi người ai cũng mang theo và giắt trên cánh tay trái. Đây chỉ là 1 chuyện nhỏ mà. Chúng tôi không thể đòi hỏi đúng theo tiêu chuẩn an phi của các anh. Anh có biết không? Nhiều khi đèn Chip light nổi lên chúng tôi gỡ ra, bỏ vào túi, tiếp tục bay hành quân và gắn lại khi rời khỏi phi cơ. Dương nhiên chúng tôi ghi vào form để các cơ trưởng kiểm soát lại. Anh cũng biết đa phần những mạc sắt của động cơ thường làm Chip light nổi lên"
    Anh ta lắc đầu quầy quậy:
    "Chuyện không tưởng (unbelieble)"

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X