Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Di Tản

Collapse
X

Di Tản

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Di Tản

    Di Tản

    Chung Dao


    Những ngày đầu theo chồng về thành phố Đà Nẵng, cô buồn đến tê tái cả lòng. Ai bảo đi theo chồng là sướng chứ đối với cô đó là những ngày nhớ cha mẹ anh chị em đến da diết, nhớ mái nhà mình đã ở bao nhiêu năm, nơi có bố mẹ luôn chăm sóc chiều chuộng.

    Các anh em chia xẻ bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, dù đôi lúc cũng bất đồng quan điểm và cãi nhau nhưng khi xa rồi mới thấy nhớ và quý cái khung cảnh gia đình đầm ấm ấy.

    Ở nơi đó, trừ những ngày phải dậy sớm đi học, còn thì muốn ngủ tới giờ nào thì ngủ. Cũng nơi đó, mẹ luôn gánh vác làm đủ thứ việc cho các con có thì giờ học hành.

    Về nhà chồng làm dâu, việc gì cũng phải giữ ý tứ, ngồi đàn hát chơi với ông anh chồng, lỡ đùa một câu “anh làm cái mặt giống táo bón quá!” thế là đã bị mẹ chồng lôi vào giảng “moral” như thế là hỗn, là không được.

    Cấn thai đứa con so, lúc nào cũng buồn ngủ mê mệt, nhưng đến sáng khi bà mẹ chồng xách giỏ đi chợ là cũng phải dậy làm bộ sờ cái này mó cái kia, dù nhà có đến 3 người làm, đợi khi bà đi rồi lại nhào vào phòng làm thêm một giấc nhè nhẹ.

    Có mang lúc nào cũng thèm ăn vặt, mà ăn ngọt chứ không phải ăn chua, sai người làm đi mua đồ ăn vặt hộ nhưng phải dấu vào cái nón đội về cho bà mẹ chồng không thấy kẻo lại bị chê là đàn bà ăn hàng. Thế đấy có xa gia đình mới biết quý những gì bố mẹ và anh chị em dành cho mình.

    Ông chồng đóng quân ở Quảng Tín cách xa Đà Nẵng khoảng trăm cây số, thỉnh thoảng mới được ghé về nhà thăm vợ.

    Ngày ngày đi ra đi vào, khép nép giữ gìn ý tứ với cả đại gia đình chồng, từ cô em út rất khắt khe tới ông anh chồng, bố mẹ chồng và sau cùng là cậu mợ chồng.

    Đến ngay cả những người giúp việc trong nhà, cũng biết làm dâu là yếu thế, cũng tìm cách ăn hiếp cô, đổ thừa cho mợ (tiếng người làm gọi cô) làm những điều không có.

    Người giúp việc làm cá không làm ngoài sàn nước mà mang vào nhà tắm làm, khi bà mẹ chồng phát hiện ra máu cá, thì chúng đổ thừa là do mợ út vào nhà tắm và dây bẩn ra đó, cũng may là mợ Út đang có mang nên chuyện vô lý đó đã được chứng minh và nhờ đó mà mợ Út thoát nạn.

    Những giây phút hạnh phúc nhất là lúc ông chồng được về phép, ở nhà mấy ngày, chở vợ đi ăn những món ăn vặt như bánh khoái, bánh bèo, bánh bột lọc, bún cá.. những đặc sản của người miền Trung đường Lê Đình Dương.

    Hình như những lúc ông chồng về phép thì cô cũng được mọi người trong gia đình chồng đối xử tốt hơn, có lẽ để làm vui lòng con và anh trai họ.

    Cuộc sống cứ thế mà “êm đềm” trôi, thoắt cái đã tới tháng thứ 7 của thai kỳ.

    Bà mẹ ruột cứ gọi điện thoại mãi để hỏi thăm sức khỏe con gái, báo đã mua một nôi cho em bé và chuẩn bị gởi xe đò mang ra cho cháu ngoại.

    Ông bố thì viết một bức thư tâm tình dài thòng “con ơi, từ nay con đã là người có gia đình, có chồng và sắp có con. Con phải biết kính trên nhường dưới, sống sao cho phải đạo làm người. Bố mong nhận được toàn các tin tốt về con”.

    Bố ơi, bố khỏi dạy con thì con cũng phải nhịn nhục dù không khí nghiêm ngặt trong gia đình chồng con đôi lúc làm con tủi thân và khá là khó thở so với những ngày còn ở bên bố mẹ và các anh em, bố đừng lo, con chẳng làm gì để bố mẹ bị mắng vốn vì con biết con là một đứa con gái sinh trưởng trong một gia đình có giáo dục. Chưa bao giờ con thương bố mẹ như lúc này, bố mẹ ơi! cô tự nhủ.

    Từ lúc ông chồng vào lính, cô mới bắt đầu để ý đến tình hình chiến sự chứ lúc trước cô hầu như hoàn toàn được cô lập với những gì diễn tiến trong cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc.

    Những ngày tháng 3 ở Đà Nẵng là thời gian tuyệt vời, trời còn hơi se se lạnh thật dễ chịu, tin tức chiến sự khắp nơi đổ về, ngày càng sôi động, ông chồng, chắc do tình hình căng thẳng nên cũng chẳng về nhà được nhiều như trước.

    Vào giữa tháng ba, khắp nơi tiếp nhận tin tức đầu hàng của quân đội Cộng Hòa khắp nơi, từng tốp lính bỏ súng đầu hàng vô điều kiện dưới lời kêu gọi của ông Dương Văn Minh,Tổng Thống lâm thời lúc bấy giờ.

    Cô bắt đầu chứng kiến những đoàn người lũ lượt kéo nhau chạy loạn ngang qua Đà Nẵng, còn chồng mình thì chẳng thấy tăm hơi đâu.

    Dân thường có, lính buông súng đầu hàng có, họ lũ lượt lếch thếch kéo nhau đi ngang thành phố. Nghe đâu cũng có vài nơi tử thủ, nhưng làm gì thì làm vấn đề bây giờ, cô nghĩ, là con mình phải có cha và mình phải có chồng, đơn giản thế thôi.

    Một tuần trôi qua, ruột gan Cô như lửa đốt, tin tức chiến sự mỗi ngày một sôi động. Người ta tìm cách vào Saigon bằng máy bay, tầu thuyền, xe lửa, xe hơi… trong khi cô vẫn ngồi đây ngóng tin chồng. Không còn bình tĩnh được nữa, cứ nghĩ tới đứa bé trong bụng sinh ra không có cha mà cô thảng thốt, chẳng lẽ số phận nghiệt ngã với cô như vậy sao.

    Mỗi khi ngồi một mình ban đêm trong căn phòng của hai vợ chồng, cô vẫn sụt sùi khóc cho phận mình, mỗi khi chồng về phép cô vẫn bắt phải để lại một cái áo “trellis” đầy mùi mồ hôi chồng để khi anh đi cô còn ôm lấy mà ngửi hơi chồng tưởng như anh còn đâu đây quanh cô, lấy chồng thời chinh chiến cô luôn linh cảm chuyện chẳng lành sẽ xảy ra, chẳng lẽ bây giờ điều cô lo nghĩ bấy lâu đã thành sự thật, đúng là cuộc đời vợ lính lênh đênh chẳng biết về đâu ngày mai.

    Người nhà khuyên can, bà mẹ chồng chưa bao giờ hiền dịu như thế, những anh em chồng nhìn cô ái ngại, cả hàng xóm cũng sang thăm nhìn cô bằng cặp mắt thương cảm.

    Quảng Tín đã mất về tay Cộng sản mà bóng chồng cô vẫn bặt vô âm tín, anh đã mất hay bị thương tật nằm đâu đó trong cánh rừng nào mà cô không được biết, sao chiến tranh gây ra nhiều khổ đau như vậy!

    Nhưng trời còn thương, không nỡ bắt người đàn bà mới có 24 tuổi phải chịu cảnh góa bụa. Một buổi sáng khi trời mới tờ mờ, cô nghe có tiếng gọi cửa, đúng là tiếng anh, tim cô như thót ra ngoài.

    Gọi người làm mở cửa, cô thấy anh xuất hiện, râu tóc mọc lung tung như một người thời tiền sử, hóa ra anh đã trốn trong rừng hai tuần lễ, chỉ ăn lá cây và uống nước suối, rồi tìm đường trốn về Đà Nẵng vì Quảng Tín đã mất.

    Cô ôm chầm lấy anh, chẳng để ý gì đến cả gia đình chồng cũng đang muốn ôm con và anh họ vào lòng. Cô bật khóc nức nở, những giọt nước mắt hạnh phúc vì biết con mình còn có cha, cô còn có chồng, anh đã về đây cho mẹ con cô khỏi trở thành góa bụa côi cút.

    Những ngày tiếp theo, dân Đà Nẵng lục tục kéo nhau di tản vào Saigon. Cô cũng cùng chồng và đứa con trong bụng, thêm một ông anh chồng lên tầu kiếm đường vượt biển để trở về nơi có cha mẹ anh em cô đang chờ đợi.

    Ra đi mà chẳng kịp mang chút đồ ăn, ông chồng cô chỉ kịp quơ vội vài hộp sữa đặc mang theo phòng khi đói khát. Khi đi từ ghe nhỏ sang tàu lớn, vẫn có những phát đạn lẻ tẻ bắn theo những người tìm cách trốn đi, đến bây giờ cô vẫn không hiểu đó là những tiếng súng bắn sẻ của phe Quốc gia hay phe Cộng sản.

    Cuối cùng thì hai vợ chồng cô và người anh chồng cũng lên được chiếc tầu lớn đúng lúc chiếc tầu chuẩn bị nhổ neo. Trên tầu lúc nhúc đầy người, lúc đó cái hạnh phúc khi lên được chiếc tàu đi tìm tự do đã lấn át đi cái mệt mỏi và đói khát đang dâng trào trong người, nhất là đối với người đang mang thai như cô.

    Chỉ đến khi chiếc tàu đã rời xa cảng Đà Nẵng được nửa buổi, khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống thì cô mới cảm thấy đói một cách cồn cào. Mọi người khác hình như cũng hối hả nên chỉ mang được chút ít đồ ăn cho bản thân mình, cô lờ đờ nhìn ra xa xa phía bên đầu kia của con tầu, thấy một nhóm người trong trang phục tu hành đang ngồi ăn.

    Lúc đó cô chỉ mong mỏi, mọi người hoặc nhóm các vị tu hành kia sẽ thấy cô bụng mang dạ chửa, mà thương tình cho cô một chút gì đỡ dạ chăng? nhưng đáp lại ánh mắt vô vọng của cô là con số không, chẳng ai buồn cho cô thứ gì lót dạ.

    Cô lã người đi, vừa đói vừa khát tưởng chừng có thể chết ngay lúc ấy vì đứa con trong bụng có lẽ cũng đói quá nên quẫy đạp lung tung.

    Thế mới biết trong ranh giới sinh tồn của cái chết và sự sống, cái bản năng cơ bản khiến ai cũng phải nghĩ đến bản thân mình trước.

    Ông chồng sau cùng chỉ còn cách lấy cái lon sữa bò cột vào một sợi dây thòng xuống biển lấy nước, ông bảo “thôi thì có sữa đặc đây em cứ húp lấy, xong uống chút nước biển vào, có còn hơn không…..”

    Cô nghe theo lời chồng cũng cố nhấp tí sữa đặc ông Thọ, sau đó nhấp thêm tí nước biển, cơn đói dịu đi nhưng cơn khát hình như còn bùng phát dữ dội hơn, cô lã đi chẳng còn biết gì nữa.

    Khi cô tỉnh dậy, thấy cổ họng đỡ khô rát, hình như mọi người đã giúp cho cô chút nước ngọt để uống có lẽ vì sợ cô đuối sức mà chết.

    Cứ thế con tàu lênh đênh trên biển đúng ba ngày hai đêm thì cập bến Khánh Hội, cô đã tồn tại chỉ nhờ vài lon sữa đặc và chút nước ngọt bố thí của bà con.

    Khi còn tàu lớn cập bờ, vẫn còn một khoảng trống khá lớn giữa tàu và bờ cảng, cô lập cập vui mừng bước lên, cái vui sướng vì đã được đến bến bờ tự do (dù sau đó bến bờ này chỉ là tạm thời), được gặp lại cha mẹ anh chị em, đã át đi cái sức cùn lực kiệt của chuyến tàu đầy đói khát này, át cả cái đau của chiếc đầu gối bị thương đang nhầy nhụa bám chặt vào chiếc quần cô đang mặc, cô đã ngã trong lúc chen lấn lên tàu, may mà đứa bé được ơn trên che chở chẳng hề gì.

    Ông anh chồng khi chuyển chiếc “valise” của mình lên bờ đã tuột tay làm nó rơi tỏm xuống dòng sông lạnh giá, tiếc ngẩn tiếc ngơ nhưng cũng phải cất bước đi vì đoàn người đang thúc giục phía sau lưng.

    Kìa trên bờ bao nhiêu là người thân đang vẫy gọi người nhà của họ, cô được ông chồng dìu bước đi, bỗng cô nghe tiếng người gọi tên cô ríu rít, cô hạnh phúc không ngờ khi thấy bố mẹ, anh em mình đang đứng kia vẫy gọi.

    Thì ra trong khi chiếc tàu đang ục ịch di chuyển vào Saigon thì radio đã thông báo có một chiếc tàu lớn chở theo bao nhiêu thuyền nhân xuất phát từ Đà Nẵng đang tiến về cảng Khánh Hội. Cha mẹ cô vẫn nuôi hy vọng là sẽ có con gái mình trên ấy nên ông bố đã bỏ cả nhà vào xe hơi và chở ra Khánh Hội đón cô.

    Trên đường về, ba người anh em cô đã được yêu cầu đón taxi đi vì xe phải chở 3 người vừa di tản về. Chưa bao giờ căn nhà cô không khí lại ấm cúng như thế, bố mẹ và các anh em cô quây quần bên những người vừa trở về từ “cõi chết”, đúng lúc radio thông tin thành phố Đả Nẵng đã hoàn toàn thất thủ về tay Cộng sản.

    Cha mẹ cô thở dài nhẹ nhõm, con gái và con rể đã ở đây an toàn, mẹ vội lên bàn thờ Phật và ông bà đốt vài nén nhang khấn vái tạ ơn che chở.

    Cô nhìn vào góc phòng, cái nôi em bé xinh xinh mà mẹ chuẩn bị gởi ra Đà Nẵng đang nằm trong góc, xinh xắn và dễ thương. Những ngày sau đó mẹ làm hết món này món nọ để chiêu đãi con gái và con rể đến nỗi bố cô phải nói “bà đừng có mà tẩm bổ cho con quá, mai mốt cháu trong bụng nó to quá khó sinh..” thế là mẹ lại bớt được một hôm sau đó đâu lại hoàn đấy, hình như mẹ cố bù đắp cho con gái những thiếu thốn khi xa nhà.

    Những ngày sau đó, tình hình chiến sự ngày càng sôi động, thông tin báo các tỉnh đã mất lần lượt về tay Cộng sản. Nhà cô ở gần tòa đại sứ Mỹ, mọi người rầm rộ kéo đến tìm đường thoát thân.

    Các building cho người Mỹ thuê cũng thưa vắng dần vì chính phủ Mỹ bắt đầu di tản công dân của họ về nước để bảo đảm an toàn. Những dân lao động chẳng biết ở đâu kéo vào những tòa nhà này để “hôi của”, họ khiêng ra ngoài bất cứ thứ gì có thể, từ những chiếc ghế đẩu đến các tủ đựng quần áo to đùng.

    Có hai người đã bị tủ đè chết khi đang cố hôi của, gia đình cô chỉ dám đứng xa xa nhìn vì bọn họ toàn là dân anh chị giành giật cùng nhau. Có một chiếc bàn salon bằng gỗ gõ rất đẹp được khiêng ngang nhà cô, mẹ cô thấy đẹp nên đã ngã giá mua lại để thay cho chiếc bàn salon đã cũ.

    Cuối cùng thì cũng đến ngày 30/4, dù xung quanh bao nhiêu người đi lọt vào tòa Đại Sứ để lên trực thăng ra Đệ Thất Hạm Đội nhưng chồng cô không nỡ bỏ đi khi bụng cô đã quá to vượt mặt.

    Chỉ còn đúng một tháng nữa là đến ngày sinh, trong tình hình dầu sôi lửa bỏng này chỉ có những người thật quyết đoán mới dám bỏ xứ sở, bỏ lại gia đình, làng xóm, bè bạn mà ra đi. Từ đây bắt đầu một chương mới trong lịch sử của đất nước mà cô và gia đình, những người ở lại, đã chịu bao nhiêu đắng cay khổ sở.



    Chung Dao
    Saigon March 8th 2012


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X