Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những ngày cuối cùng của CCKQ Biên Hòa

Collapse
X

Những ngày cuối cùng của CCKQ Biên Hòa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những ngày cuối cùng của CCKQ Biên Hòa

    Những ngày cuối cùng của CCKQ Biên Hòa

    Thiên Ân



    ...Khoảng một tuần lễ trước ngày 30 tháng 4, vì khu gia binh bị VC pháo kích thường xuyên, tôi đưa vợ con về Sàigòn.

    Thứ Bảy 26/4, tôi ở lại Biên Hoà vì sáng ngày hôm sau, tôi sẽ trực Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận KQ. Dù bị pháo kích nhiều, tình hình ra vẻ vẫn chưa có gì đáng ngại. Buổi chiều Thứ Bảy, tôi vẫn còn thấy những chiếc Skyraider cất cánh từ Biên Hoà đi đánh VC ở Trảng Bom, Gầu Dây, hoặc diệt các ổ pháo 130 ly ở phía Bắc phi trường.

    Qua ngày Chủ Nhật 27/4, VC bỗng gia tăng tối đa cường độ pháo kích vào phi trường, phần lớn là đại bác 130 ly (sau này được biết từ sáng đến khuya Chủ Nhật, chúng đã pháo cả ngàn trái vào phi trường và Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn). Phi trường gần như bị tê liệt.

    Càng về khuya, VC càng pháo dữ dội. Khoảng hơn 10 giờ đêm, nghe tiếng trực thăng bên KÐ43CT bắt đầu cất cánh, tôi biết giờ này K., một thằng bạn thân của tôi từ ngày còn đi học, đang nôn nóng đợi tôi theo lời dặn dò khi hai thằng gặp nhau hôm Thứ Bảy. Nhưng nhìn những hạ sĩ quan và lính trực, nghĩ tới mấy chục khóa sinh (học định nghiệp) đang ứng chiến phía ngoài, nhớ tới những quân nhân trong đơn vị bị thương vì đạn pháo kích đang nằm hấp hối ở bệnh xá, tôi không đủ can đảm bỏ đi.

    Mười một giờ đêm, tiếng trực thăng xa dần...

    Sáng Thứ Hai 28/4, VC bớt pháo kích rồi ngưng hẳn. Có lẽ chúng biết các phi cơ đã bay đi hết, tức là phi trường không còn lực lượng tác chiến nữa, bắn chi cho phí đạn!

    Sĩ quan trực ngày Thứ Hai không đến đơn vị, tôi phải tiếp tục nhiệm vụ. Những quân nhân đã về Sài Gòn vào cuối tuần trước, giờ đây đều có lý do chính đáng để không trở lại Biên Hòa: du kích VC đã xuất hiện tại một số vị trí dọc theo xa lộ Ðại Hàn, đi ngang có thể bị phục kích bắn sẻ, cho nên tốt hơn hết là chạy thẳng vào Tân Sơn Nhất trình diện Bộ Tư Lệnh.

    Khoảng 10 giờ sáng, một vị tướng của Bộ Tư Lệnh KQ (Chuẩn tướng Ðặng Ðình Linh, nếu tôi nhớ không lầm) đáp xuống T.O.C. của SÐ3KQ họp với hai Tướng Huỳnh Bá Tính và Từ Văn Bê cùng các vị chỉ huy cao cấp. Sau buổi họp, Chuẩn tướng Từ Văn Bê trở về BCH/KT&TV/KQ cho triệu tập các đơn vị trưởng, trưởng phòng, trưởng khối và sĩ quan trực, ông cho biết Bộ Tư Lệnh ra lệnh di tản căn cứ Biên Hòa (bằng trực thăng Chinook) về Tân Sơn Nhất và có thể từ đó sẽ về Cần Thơ. Dĩ nhiên trước khi đi phải đốt phá bình địa, không để lại một thứ gì địch có thể sử dụng.

    (Sau này tôi được biết sở dĩ Biên Hoà về Sài gòn chỉ có 25 cây số mà không di tản bằng đường bộ, là vì lúc đó Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Quân Ðoàn III không cho phép Không Quân Biên Hòa di tản).

    Ðịa điểm Chinook đáp là sân đậu phi cơ trước hangar B (khu Tây). Sĩ quan cấp dưới, hạ sĩ quan và binh sĩ ra đó trước, sĩ quan cao cấp nhất ở lại phần sở, sau khi đốt mới được đi.

    Ðể Chinook có thể chở người tới mức tối đa, các quân nhân không được mang theo bất cứ thứ gì ngoài nón sắt, khẩu súng và hai cấp số đạn. Ưu tiên di tản như sau: Phòng An Ninh Quân Ðội, Phòng Tài Chánh, Phòng Tổng Quản Trị (vì hồ sơ cần mang đi trước); kế tiếp là lính kỹ thuật và sau cùng mới tới Liên Ðoàn Phòng Thủ.

    Vì nhiều sĩ quan cao cấp trong đó có ông Trung tá Trưởng Khối Chiến Tranh Chính Trị của tôi bị kẹt ở Tân Sơn Nhất nên tôi được trao trách nhiệm Khối CTCT và các Phòng, Sở Tham Mưu của Bộ Chỉ Huy KT&TV/KQ.

    Khoảng 3 giờ chiều, sau khi cho người xuống Ðoàn Quân Xa lấy một can xăng 20 lít, tôi nói Thiếu úy T. đưa anh em ra địa điểm di tản, còn tôi ở lại với Chuẩn tướng Từ Văn Bê.

    Khoảng 4 giờ chiều (hoặc 4 giờ rưỡi, tôi không nhớ chính xác), Ông Bê nói tôi chuẩn bị đốt building Bộ Chỉ Huy. Tôi lấy xăng rưới, bắt đầu từ phòng làm việc của ông ở trên lầu, dọc theo hàng lang rồi xuống cầu thang. Tôi và ông bước ra cửa. Người lính của Ðoàn Phòng Vệ có nhiệm vụ gác Bộ Chỉ Huy đưa tay chào lần cuối cùng!

    Chuẩn tướng Từ Văn Bê quay lại nhìn cái building to đẹp nhất căn cứ KQ Biên Hòa (do KQ Mỹ bàn giao lại) rồi chửi thề nho nhỏ (lần đầu tiên trong 3 năm ở Biên Hòa tôi nghe ông chửi thề):

    - ĐM mấy thằng Huê Kỳ, xây cho cố vào rồi bây giờ đốt!

    Rồi tôi được lệnh châm lửa. Ông Bê lái xe díp chở tôi chạy ngang Trung Tâm Quản Trị Vật Liệu ở gần đó, Trung tá Nguyễn Kim Cương, Chỉ huy trưởng, đang đợi sẵn, liền ra lệnh châm lửa đốt Phòng Ðiện Toán, kế tiếp là Ðoàn Ðộng Cơ Phản Lực, Liên Ðoàn Vũ Khí & Ðiện Tử và tất cả các cơ sở của Không Đoàn Tân Trang & Chế Tạo ở khu Đông, chỉ trừ giàn thử động cơ phản lực (Test Cell) ở tận cuối phi đạo, gần sát hàng rào phòng thủ (sau này các quân nhân KQ bị VC bắt vào dọn dẹp phi trường đã cho tôi biết Test Cell vẫn còn nguyên vẹn).

    Ðốt xong khu Ðông, tôi và Chuẩn tướng Bê sang khu Tây. Tới chỗ tập họp của binh sĩ, tôi xuống xe. Thú thực tôi xuống xe mà đầu óc không suy nghĩ gì cả. Tôi không một thoáng phân vân giữa việc xin đi theo ông Bê (ông và Chuẩn Tướng Huỳnh Bá Tính có trực thăng chờ sẵn) và việc ở lại với anh em binh sĩ. Tôi coi việc ở lại là một cái gì đương nhiên, thế thôi!

    Sau khi Chinook đáp được vài đợt, thì đùng một cái... ai đó cho nổ kho bom!

    Thế là những tiếng nổ long trời lở đất nối tiếp nhau, miểng bom chài (như cây đinh có đuôi năm cánh) văng rào rào xuống phi đạo, rớt lộp cộp trên nón sắt của mọi người. Các quân nhân trách nhiệm các hangar thấy thế cũng vội vã đốt cơ sở, khói lửa càng thêm mịt mù. Trước tình thế đó, Chinook đáp rất khó khăn, từng chiếc, từng chiếc... và cuối cùng, khi màn đêm chuẩn bị buông xuống, chỉ còn lại đoàn người tuyệt vọng ngồi chờ trên phi đạo!

    Tới đây, vì là người đầu tiên châm lửa đốt Căn Cứ KQ Biên Hòa, tôi nhận thấy cần có đôi lời phân bày trước dư luận trong KQ Biên Hòa cho rằng: ngày ấy Chuẩn tướng Huỳnh Bá Tính đã quy lỗi cho Chuẩn tướng Từ Văn Bê ra lệnh đốt quá sớm khiến binh sĩ bị rối loạn tinh thần, đưa đến tình trạng hỗn loạn và vì thế cuộc di tản bằng trực thăng Chinook đã bị bỏ dở, khiến cả ngàn quân nhân thuộc 2 đơn vị (SÐ3KQ và BCH/KT&TV/KQ) bị kẹt lại!

    Tôi hoàn toàn không đồng ý (với dư luận đó).

    Thứ nhất, "cơ sở" của BCH/KT&TV/KQ là hàng trăm kho vật liệu, là các trung tâm điện toán, trung tâm quy chuẩn, là các hangar tổng kiểm, bảo trì phi cơ, với biết bao thiết bị điện tử... ở rải rác từ khu Ðông sang khu Tây, không đốt sớm thì không thể đốt hết. Chuẩn tướng Bê đốt sớm có lẽ vì muốn đích thân chứng kiến tất cả đã được đốt, trước khi mọi người rời bỏ căn cứ (tôi gần gũi, biết tính ông Bê kỹ lưỡng nên suy đoán vậy thôi, chứ từ sau 30/4/75, tôi chưa hề được gặp lại ông).

    Thứ hai, lúc ban đầu bên BCH đốt cơ sở khu Ðông, tức là cách xa địa điểm di tản (khu Tây) cả mấy cây số, binh sĩ cùng lắm cũng chỉ nhìn thấy chút khói thôi. Nếu họ mất tinh thần thì mất vì thiếu vắng cấp chỉ huy trực tiếp nhiều hơn là vì thấy căn cứ bị đốt. (Riêng binh sĩ của BCH/KT&TV/KQ, tôi nhận thấy họ bình tĩnh và tuyệt đối nghe lệnh các sĩ quan cho tới giờ phút chót).

    Cho nên, nếu có trách thì phải trách người đã ra lệnh cho nổ kho bom quá sớm (hoặc ra chỉ thị không rõ ràng), cũng như trách Bộ Tư Lệnh Không Quân đã không có đủ Chinook để di tản binh sĩ. Bởi vì theo nhận xét của tôi, dù kho bom không nổ sớm, với nhịp độ đáp thưa thớt của Chinook, tới tối cũng không thể nào di tản hết cả ngàn quân nhân còn kẹt lại.

    Cuối cùng, không thể không quy trách một phần cho tên phi công phản bội Nguyễn Thành Trung, kẻ đã hướng dẫn A-37 về oanh tạc phi trường Tân Sơn Nhất vào buổi chiều hôm đó. Bởi vì nếu Tân Sơn Nhất không bị ăn bom của y và đồng bọn, rất có thể Chinook vẫn tiếp tục bay xuống Biên Hòa để di tản binh sĩ.

    Phần tôi, sau này cứ tự an ủi: "bị kẹt" có khi lại là may mắn, về TSN biết đâu lại chết vì bom của tên phản bội ấy, hoặc vì đạn pháo kích của Việt cộng!

    Khoảng 7 giờ tối căn cứ Biên Hòa hoàn toàn mất liên lạc với Bộ Tư Lệnh Không Quân, phi trường chìm trong bóng tối vì nhà máy điện đã bị đốt. Phía SÐ3KQ, Trung tá Lý Thành Ba, Liên đoàn trưởng Liên Đoàn Phòng Thủ, quyết định dẫn lính về Sài Gòn bằng đường bộ, phía BCH/KT&TV/KQ, sĩ quan cao cấp nhất còn lại là Thiếu tá Nhữ Văn Phúc, Liên Ðoàn Trưởng Vũ Khí & Ðiện Tử (có thời làm quyền Trưởng Khối CTCT), ông nói với tôi:

    - Vợ con moa còn kẹt lại bên Cù Lao, không biết giờ này ra sao; moa phải về, thôi, toa ở lại nhé!

    Lúc đó, tình hình đã hỗn loạn. Lớp thì Cảnh Sát Dã Chiến vào giữ phi trường theo lệnh của Quân Ðoàn, lớp thì đám người thừa nước đục thả câu vào "hôi của" trong khu gia binh, lớp thì binh sĩ tự động tan hàng... Tôi quyết định đưa số anh em bên BCH/KT&TV/KQ còn ở lại với tôi về Sài Gòn bằng đường bộ. Nhưng vì quân số ít, lại không có khả năng "tác chiến" như lính phòng thủ, tôi đi ra ngã ba Tam Hiệp rồi theo xa lộ cũ chứ không dám sử dụng xa lộ Ðại Hàn vì sợ bị VC tấn công.

    Tới cầu Ðồng Nai thì bị lính Dù chặn lại: lệnh Trung tướng Tư Lệnh Quân Ðoàn III, không một quân nhân nào được phép qua cầu (hướng về Sàigòn). Tôi liền dẫn anh em vào khuôn viên Công Ty Ðường Việt Nam trong khu kỹ nghệ Biên Hòa để ngủ đỡ. Nhưng nào có ngủ được, 130 ly của địch từ Trảng Bom bắn tới suốt đêm.

    Sáng ra mới biết mình may mắn, nhiều quân nhân của các đơn vị khác chạy về trú gần đó, cũng như đồng bào ngủ dọc theo xa lộ bị chết, bị thương khá nhiều.

    Tôi còn đang phân vân chưa biết đi đâu thì một số anh em Không Quân từ Biên Hòa chạy lên cho biết "Không Quân đã trở lại phi trường"! Lính Dù đã cương quyết không cho qua cầu thì dù trong lòng bán tín bán nghi tôi cũng đành trở lại Biên Hòa xem sao. Về đến nơi, quả thật có thấy lính Không Quân đang chạy tới chạy lui trong phi trường, nhưng toàn là lính..."phòng thủ"!

    Thì ra đêm qua, Trung tá Lý Thành Ba đã không đưa đoàn người về Sài Gòn (có lẽ sợ không an toàn) mà cho ngủ lại ở sân vận động của tỉnh. Tôi hỏi ông bây giờ mình tính sao, ổng nói chờ lệnh bên Quân Ðoàn di tản, mình đi theo.

    (Sau này, qua phối kiểm mọi nguồn tin, tôi được biết tối Thứ Hai 28/4, cùng với Trung tá Lý Thành Ba, Trung tá Nguyễn Kim Cương, Chỉ huy trưởng Trung Tâm Quản Trị Vật Liệu thuộc BCH/KT&TV/KQ, cũng dẫn một số anh em binh sĩ ra ngủ tại sân vận động của tỉnh)

    Trong lúc chờ đợi, tôi nói anh em xuống Đoàn Quân Xa đổ xăng cho đầy xe và các bình can sơ-cua (phước đức ông bà, chiều hôm qua người ta quên đốt cây xăng!) rồi đi vòng vòng xem những chỗ đã đốt chiều hôm trước.

    Với tư cách là tư lệnh, là chỉ huy trưởng, chắc hẳn Chuẩn tướng Huỳnh Bá Tính, Chuẩn tướng Từ Văn Bê đã vô cùng đau lòng khi ra lệnh đốt phi trường vào chiều ngày hôm trước, nhưng dù sao hai ông cũng không bị quay trở lại để nhìn "đống tro tàn". Chỉ có tôi và những người trở lại căn cứ vào sáng 29/4/1975 mới trải qua những giây phút trống vắng lạ kỳ, với tâm trạng bi ai khôn tả trước cảnh điêu tàn ấy!

    Khoảng gần trưa, bên Quân Ðoàn cho lệnh di tản. Trên đường về Sài Gòn theo xa lộ cũ, đoàn quân xa màu xanh của Không Quân tản mác dần trong rừng xe của các quân binh chủng. Tới Ngã Tư Hàng Xanh, hầu hết xe Không Quân đều quẹo về hướng Bà Chiểu để vào TSN, riêng tôi vì muốn gặp lại vợ con, gia đình trước khi có quyết định nên chạy thẳng vào cầu Phan Thanh Giản. Chàng Thiếu úy trẻ và các binh sĩ dưới quyền tôi cũng có cùng tâm trạng nên đều đồng ý theo tôi. Trước khi chia tay nhau ở ngã tư Phan Thanh Giản - Pasteur, chàng Thiếu úy hỏi:

    -Trung úy, rồi ngày mai mình đi đâu?

    Lúc đó, trong lòng tôi vẫn còn hy vọng những gì Không Quân bàn tán trong mấy ngày qua có thể trở thành sự thật: Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ sẽ lãnh đạo tử thủ Vùng 4, tôi đáp:

    -Ðừng vào TSN nữa, về thẳng Cần Thơ!

    Tôi về tới nhà, mừng rỡ gặp lại vợ con, rồi quá mệt vì mấy đêm liên tiếp không ngủ, tôi đánh một giấc cho tới sáng.

    Sáng hôm sau, vợ tôi đánh thức tôi dậy để nghe ông Dương Văn Minh kêu gọi đầu hàng.

    Ngày hôm sau, Cần Thơ mất...

    (trích “Nghe tiếng hát PHÙNG VĂN CHIÊU, nhớ những ngày cuối cùng của BIÊN HÒA”, Lý Tưởng Úc Châu, 2001)



    CCKQ Biên Hòa, tháng 6/1967 - lễ bàn giao phản lực cơ F-5 cho KQVN. Từ phải: Trung tá Từ Văn Bê, Tư lệnh Không Đoàn Kỹ Thuật & Tiếp Vận, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương kiêm Tư lệnh Không Quân, Trung tá Võ Xuân Lành, Tư lệnh Không Đoàn 23 Chiến Thuật. Đi phía sau là Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker (tay cầm mũ)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X