Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chủ Nhật và Bạn Cũ Bên Đường Sách

Collapse
X

Chủ Nhật và Bạn Cũ Bên Đường Sách

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chủ Nhật và Bạn Cũ Bên Đường Sách

    CHỦ NHẬT VÀ BẠN CŨ BÊN ĐƯỜNG SÁCH

    Vũ Phan



    Sáng chủ nhật của mùa hè tháng tư thật oi bức. Mới độ 9 giờ nhưng mặt trời đã lên thật rực rỡ từ hướng đông. Gửi chiếc gắn máy vào một bãi xe khuất trên một con đường nhỏ ở quận 1, tôi lội bộ lang thang ra trung tâm Saigon tìm hương vị của ngày cuối tuần. Phố xá buổi sáng vào ngày nghỉ nên chưa đông đúc lắm, vài đoạn đường còn vắng lặng lưa thưa bóng người.

    Trên con đường một chiều chạy từ phía trước Nhà Thờ Đức Bà thẳng ra bờ sông Saigon, vài nhóm du khách nước ngoài với áo thun, quần sọc, kính râm đi sát hàng hiên tránh cái nắng vàng óng đang giăng ra khắp nơi. Các cửa tiệm dọc hai bên vỉa hè sáng đèn trưng bày các món hàng hiệu từ những nước Nhật, Mỹ, Châu âu … sau những tấm kính trong suốt. Đông nhất vẩn là người ngồi trong các quán cà phê đưa ánh mắt nhìn ngắm xe cộ, khách bộ hành bên ngoài. Một nhóm thanh niên trẻ có lẻ là dân Saigon ngồi tụ lại bên những bàn thấp sát vỉa hè của một quán nước, tiếng cười nói sôi nổi của họ pha lẩn vào âm thanh ồn ào dội lại từ bốn góc đường. Nhìn họ, tôi chợt nhớ lại những ngày tuổi trẻ xa xưa của mình và đám bạn vào những sáng chủ nhật cách đây chừng vài chục năm trước. Hồi đó chúng tôi có thú vui là hay rủ nhau ra trung tâm quận 1, quận 3 uống cà phê tán chuyện thời cuộc ở các quán cốc mọc lên bên đường. Thời buổi khó khăn đó chỉ có đen chứ không có gì khác, mải về sau này mới có thêm vài cục đá lạnh để có cà phê đá. Ấy vậy mà cả nhóm cũng mài đũng quần hàng giờ trên những cái ghế nhỏ xíu bàn thời sự đông tây rồi kim cổ.

    Thưở khốn khó đó sau năm 75, có những người chạy xe đạp bán bánh, bắp, khoai … rong khắp các con đường ở Saigon. Trong số họ tôi nhớ nhất có một anh người bắc độ 25 – 30 tuổi có giọng rao hàng rất hay. Anh ta bán bánh giò, nhưng biết ngâm thơ mua vui cho khách kèm theo nụ cười cởi mở. Cho đến tận bây giờ sau mấy chục năm, tôi hay mỉm cười một mình khi nhớ lại những câu thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương mà anh ta hay ngâm khi đứng cạnh chiếc xe có cái giỏ tre sau yên. Người bán rong đầy phong cách thơ văn đó làm tất cả chúng tôi và mọi người trong quán bật ra những tiếng cười thật vui vẻ thoải mái. Không biết nhà thơ bán bánh giò với chiếc xe đạp cọc cạch đó bây giờ có còn rong rểu trên các con đường đông đúc và khói bụi của Saigon.

    Rảo chân qua đường Nguyễn Huệ ghé vào một nhà sách xem vài cuốn mới xuất bản để giảm bớt cái nóng đang bao trùm bên ngoài, tôi đi bộ về trước Bưu điện Trung tâm rồi rẽ vào con đường sách mới gần đó. Nơi đây các nhà sách và quán café san sát nhau hai bên đường Nguyễn Văn Bình dài hơn 100 mét rợp bóng cây. Trên quãng đường ngắn đó có độ 20 gian hàng sách và vài quán café cho mọi người vào ăn uống thư giãn và đọc sách báo. Tôi bước vào một gian hàng nằm gần đầu đường trưng bày nhiều cuốn xem còn rất mới, trên các kệ hầu như có đủ các loại sách từ văn chương, kinh tế, luật, âm nhạc … với bìa ngoài trình bày khá đẹp của các tác giả đương đại Âu, Mỹ, VN …. . Tất cả được sắp xếp ngay ngắn cho khách hàng dể nhận ra món mình muốn tìm. Ở đây cũng có những cuốn sách thuộc dòng văn học “đỏ”, một thời từng được các tay cán bộ văn hóa cộng sản ca ngợi, nhưng nay thì có lẻ biết thân phận mình trong nền kinh tế thị trường, nên khiêm nhường tìm chổ nương náu ở một góc khuất trên kệ.Tôi đi lần lượt qua các gian hàng bên cạnh, tuy các đề tài của từng gian có khác nhau đôi chút, nhưng không gian và cách trưng bầy đều khá giống nhau. Ngày chủ nhật đẹp trời, lượng người qua lại khá đông gồm nhiều lứa tuổi. Nhưng đông đảo nhất là những người trẻ trong độ tuổi sinh viên – học sinh chăm chú với quyển sách trên tay hoặc tươi cười chụp ảnh cho nhau làm kỷ niệm. Tất cả gợi lại bầu không khí văn chương, trí thức của một Saigon xa xưa.

    Đi nốt đến ngã ba cuối đường, nơi có vài quán bán những cuốn sách cũ nằm phía bên hông bưu điện. Tôi ghé vào đứng xem những cuốn sách mà bìa, gáy đã “trổ đồi mồi” vì thời gian. Tất cả đều được người bán sắp xếp gon gàng trên kệ hoặc trên bàn. Tôi nhìn lướt qua, nhận ra có những cuốn sách cách đây chừng 30 – 40 chục năm, tôi và đám bạn âm thầm chuyền tay nhau đọc một cách thích thú. Phần nhiều là các tác phẩm của các tác giả Âu Mỹ, VNCH trước 75 và cả Tự lực Văn đoàn.

    Ai ở lại Saigon sau ngày 30/4 đều chứng kiến một kế hoạch rộng lớn nhằm truy diệt nền văn chương, nghệ thuật miền nam. Các cán bộ đi vào từng xóm kêu gọi mọi người giao nộp sách báo “phản động, đồi trụy” để tiêu hủy, ai không chấp hành sẽ bị chính quyền bắt đi học tập cải tạo. Ở nhiều khu phố, hàng đống sách, báo, tranh ảnh … bị mấy tay thanh niên đeo băng đỏ châm lửa đốt cháy mịt mù. Những năm tháng sau đó, sự tận diệt lên đến cực độ không chỉ với sách mà cả con người. Cả miền nam sống trong những thời khắc đầy sợ hải và đen tối. Mọi người gần như tuyệt vọng vì nhận ra cửa địa ngục lâu nay người miền nam nghe nói đã mở toang …

    Nhưng sáng hôm chủ nhật đó, tôi như gặp lại những người bạn cũ đã rất lâu năm. Không có những cú bắt tay thật chặt hay nụ cười rộng mở kèm những câu hỏi thăm vồn vã. Những cuốn sách cũ nằm im lặng trên các kệ, bàn … như một sự trở lại của những chứng nhân lịch sữ.

    Khi người ta đọc được câu nói này của nhà văn Ray Bradbury, thì mới hiểu thêm tại sao ngày đó có cuộc săn lùng và tàn sát sách vở kinh khủng đến như vậy:

    "Không Cần Phải Đốt Sách để phá huỷ một nền văn hoá, Chỉ Cần Buộc Người Ta Ngừng Đọc mà thôi."

    Câu này của ông từng được trưng bày ở một đầu của con đường sách này trên một tấm pa-nô có họa tiết đẹp, nhưng dưới tên của vĩ nhân Ấn độ M. Gandhi, người chủ trương tranh đầu bất bạo động.

    Nhưng rốt cuộc thì những gì tốt đẹp sẽ tồn tại vĩnh cửu như một định luật bất di, bất dịch đã có từ ngàn xưa.

    Khủng bố có thể làm cho con người sợ hải, nhưng không thể làm cho họ sợ những cuốn sách hay.

    Còn tôi thât sự biết ơn những cái cây đứng chờ dãi dầu vài chục năm trên rừng núi để loài người có những cuốn sách làm thế giới này văn minh và tự do hơn. Nhưng cũng có những con người từ rừng về sau ngày 30/4 đó đã thực hiện cuộc đốt sách có một không hai trong lịch sữ. Họ biết sức mạnh của chữ nghĩa, sách vở nên ra sức tận diệt sách và cả những người cầm bút viết ra những tác phẩm đó.

    Nhìn những quyển sách ngày trước mình từng đọc, tôi cười tự nhủ là những người bạn ngày xưa bây giờ có lẻ yên tâm phần nào vì đã lấy lại được vị trí xứng đáng bị mất đi sau gần nửa thế kỷ. Nhất là kẻ truy đuổi tìm diệt mình ngày trước bây giờ đã phải xuôi tay.


    Vũ Phan


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X