Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Công Tác Dở Dang

Collapse
X

Công Tác Dở Dang

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Công Tác Dở Dang

    Công Tác Dở Dang


    Trần Thị Bích Nga


    LTS : Để tưởng niệm tháng Tư Đen gẫy súng. Bài viết của cựu Thiếu Tá Trần Thị Bích Nga, Chỉ Huy Trưởng Trường Xã Hội Quân Đội, gợi cho chúng ta, nhớ lại những ngày tháng nghiệt ngã, đau buồn 30.4.1975 - đánh dấu khúc quanh lịch sử, Cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm toàn lãnh thổ Miền Nam Việt Nam, nhận chìm Nhân dân miền Nam trong đói khổ cùng cực cùng sự trả thù hèn hạ những người thua cuộc.

    Các khóa sinh khóa học cuối cùng của Trường Xã Hội Quân Đội do Thiếu Tá Bích Nga chỉ huy - ở trong khuôn viên Trại Lê Văn Duyệt của Biệt Khu Thủ Đô - đang có công tác khẩn cấp tại Vũng Tàu và Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, các khóa sinh này cùng chung số phận bi đát tan hàng rã ngũ sáng ngày 30.4.1975 như toàn thể các chiến sĩ QLVNCH khác.

    Cựu Thiếu Tá Trần Thị Bích Nga ghi lại trung thực suy nghĩ và diễn tiến công tác lúc đất nước đang lâm nguy mà Thiếu Tá chỉ thị phân bổ các Khóa sinh thi hành nhiệm vụ trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nguy hiểm và sau đó tan tác mỗi người mỗi nơi. Tất cả các khóa sinh cũng như Cán bộ Trường Xã Hội từ ngày đó đến nay, 40 năm, ít có cơ hội gặp lại nhau, Cựu Thiếu Tá Trần Thị Bích Nga mượn bài viết này như nhắn gởi đến các chiến hữu cùng màu áo xanh với phù hiệu chữ thập của ngành Xã Hội Quân Đội nhằm kêu gọi mọi chị em Chiến hữu NQN hãy đến với nhau, giúp đỡ tương trợ nhau trong lúc tuổi xế chiều của cuộc đời.

    ***


    Trong nhiều năm làm việc tại Trường Xã Hội Quân Đội (T/XHQĐ), kỷ niệm sâu sắc làm tôi nhớ mãi đó là công tác Xã Hội vào khỏang tháng 3 năm 1975 trước ngày miền Nam bị sụp đổ. Khi đó Trường XHQĐ có khóa 1/75 Hạ Sĩ Quan Nữ Quân Nhân Xã Hội, 30 Khóa sinh.

    Cộng Sản miền Bắc, thời gian đó, càng ngày càng leo thang chiến tranh. Từ tháng 2 năm 1975 nhiều đơn vị Quân Đội, gia đình Binh sĩ phải di tản. Cao điểm là tháng 4 năm 1975 nên Cục Xã Hội (CXH) điều động các NQN/XH vùng Sài gòn và phụ cận thành lập Trung Tâm Tiếp Nhận người tị nạn tại Sàigòn.

    Trung tuần tháng 4 năm 1975 đoàn người di tản ồ ạt đổ về Vũng Tàu, Cục XH chỉ thị T/XHQĐ tạm đóng cửa, gửi các khóa sinh đến Trung Tâm tiếp đón gia đình quân nhân di tản từ miền Trung vào, tại Sàigòn, Vũng Tàu, và công tác đặc biệt tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa (NT/QĐBH) để giúp đỡ gia đình Binh sĩ, đây cũng được xem như giai đoạn thực tập của khóa học. Công tác bắt đầu ngày 20 tháng 4 năm 1975.

    Các Sĩ quan của T/XHQĐ cùng đến các Trung Tâm với các khóa sinh để hướng dẫn, theo dõi. Các em khóa sinh được xe đưa rước mỗi ngày. Riêng ở Vũng Tàu, các em làm việc với NQN/XH tại địa phương. Còn các em làm việc tại NT/QĐBH ngày nào cũng khóc trước khi lên xe đi công tác. Các em khóc vì quá xúc động, sợ hãi trước cảnh chết chóc, tang thương. Cộng thêm mùi hôi thối từ các tử thi. Các cán bộ huấn luyện tiếp cận gần gũi các em hơn để an ủi, dỗ dành, và động viên tinh thần. Một công tác thật nhiều khó khăn cho tất cả mọi người.

    Tại khu ướp xác của NT/QĐBH, công việc càng nặng nhọc, khó khăn hơn nhiều. Hàng trăm ngăn kéo lạnh đựng xác chết đang chờ thân nhân đến nhận đem về quê mai táng hay chôn cất tại nghĩa trang. Mặt trước mỗi ngăn kéo có ghi Họ, Tên, Số Quân, Đơn Vị người quá cố. Mỗi ngày, nhà quàn tiếp nhận xác chết nhiều hơn, các ngăn ướp lạnh không còn chỗ, phải dùng bao nylon có dây kéo bỏ xác chết vào, xếp lớp dưới sàn nhà. Xác chết để trong ngăn ướp lạnh đã có mùi hôi thối, huống chi các xác không được ướp lạnh, bao bọc trong bao nylon. Lúc này xác chết la liệt, mùi hôi bay khắp vùng !

    Các em giúp thân nhân đến từng ngăn ướp lạnh đọc lý lịch tên tuổi người qua đời để nhận xác. Nếu không tìm thấy từ các ngăn ướp lạnh, các em cùng thân nhân mở từng bao nylon để nhận diện. Mặt người chết do bị thương đầy máu khô, bùn sình đất, thêm mùi hôi thối làm cho công việc nhận diện càng thêm khó khăn. Tử sĩ nằm trong các ngăn ướp lạnh đã được Trung Đội Chung Sự và Mai Táng lau rửa, thay quần áo sạch sẽ, trông rất bình yên.

    Cảnh tượng gia đình tìm xác người thân vừa khóc kể vừa khấn vái, mùi nhang khói nghi ngút càng làm không khí ảm đảm sầu não! Có nhiều người ngất xỉu, phát bệnh, các em lại phải chia ra chăm sóc. Ban Xã Hội NT/QĐBH có tủ thuốc chữa trị các bệnh thông thường. Trung đội Chung Sự và Mai Táng còn nấu nhiều chảo cháo nóng để giúp đỡ gia đình trong suốt thời gian nhận xác và chôn cất. Có nhiều người không tìm được xác thân nhân, họ khóc gào vật vã, thảm thiết. Họ không biết phải chờ các chuyến trực thăng tải xác từ các trận đánh bao lâu nữa ? Mỗi khi có trực thăng đáp, họ ào ra bãi tìm kiếm. Họ còn tìm xác cả ban đêm. Họ sợ không đủ thời gian vì tiếng súng mỗi ngày một gần hơn. Có nhiều xác được tẩm liệm nhưng chưa chôn cất kịp vì số lượng quá tải! Nhiều gia đình muốn đem xác về quê nhưng không có tiền. Họ đành phải chờ đợi trong tuyệt vọng, đau khổ. Phải chi có máy quay phim trong lúc đó để ghi lại những cảnh thương tâm, bi đát cùng chia sẻ suy ngẫm.

    Đến sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau khi Đại Tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, công tác tại NT/QĐBH bắt đầu rời rạc, dở dang. Quân nhân trong Trung Đội Chung Sự và Mai Táng, các em khóa sinh, các NQN/XH lần lượt đi về. Chỉ còn lại thân nhân và tử sĩ ! Người sống và người chết đã bị bỏ rơi ! Họ bơ vơ lạc lõng giữa nghĩa trang hoang lạnh. Xin quý vị tìm xem cuốn sách “15 Ngàn Tử Sĩ Còn Ở Lại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa” của nhà văn Giao Chỉ để hiểu rõ hơn tình cảnh bị bỏ rơi này.

    Còn các em khóa sinh ở Vũng Tàu ra sao ? Từ ngày 28 tháng 4 năm 1975 các em khóa sinh từ Vũng Tàu điện thoại về Trường XHQĐ xin cấp xe rước các em về Sàigòn. Các em cho biết người di tản quá đông, phức tạp, mất an ninh, thực phẩm, nước uống không đủ phân phát. Trại tị nạn như cái chợ, Ban Tổ Chức hoàn toàn không làm việc được ! Thời gian này giao thông Sàigòn - Vũng Tàu rất khó khăn. Cầu Cỏ May đã bị Việt Cộng giựt sập một đầu, vận chuyển đầy nguy hiểm, Trường XHQĐ phải đành báo các em tự tìm cách trở về. Thời gian ngắn sau đó, điện thoại mất liên lạc. Thật đau lòng khi Trường XHQĐ đã “Đem Con Bỏ Chợ !”

    Lúc đó các em khóa sinh còn rất trẻ, chưa được trang bị kinh nghiệm, kiến thức. Vì thời cuộc đất nước, các em đã bị đưa ra xã hội quá sớm, làm sao các em có đủ bản lãnh đối phó hoàn cảnh nguy biến của đất nước! Cùng với lịch sử trước và sau khi Cộng Sản miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam, toàn dân cùng gánh chịu nhiều mất mát, đau khổ, nhọc nhằn, chết chóc, thương tật… Các khóa sinh khóa 1/75 NQN/XH nói riêng, NQN/QLVNCH nói chung cùng chung số phận nghiệt ngã của đất nước. Họ rất đáng được nhắc nhở.



    Trần Thị Bích Nga

    Chị Bích Nga cũng là thầy và đàn chị cả mà Sue Phan rất mến mộ và sẽ tiếp tục con đường đi của chị…


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X