Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Súng Đạn Nào Giải Quyết Được Khổ Đau - Phỏng vấn nhà văn PHAN NHẬT NAM

Collapse
X

Súng Đạn Nào Giải Quyết Được Khổ Đau - Phỏng vấn nhà văn PHAN NHẬT NAM

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Súng Đạn Nào Giải Quyết Được Khổ Đau - Phỏng vấn nhà văn PHAN NHẬT NAM

    Kính chuyển đến Quý Bằng Hữu xem bài phỏng vấn ĐT PNN trong tập tin đính kèm.


    2018-04-10 22:31 GMT-07:00 Nam Phan Nhat <phannhatnam9943@gmail.com>:

    THÂN GỞI CÔ LƯU DIỆU VÂN,
    Cám ơn cháu đã cho cậu (quen gọi cậu với các cháu) được một lần nói những điều muốn nói mà có lẻ không có lần nào nữa. Chỉ cần nhờ cháu sửa lại một chi tiết lý lịch: Chánh quán: Nại Cửu, Triệu Phong, Quảng Trị. Sinh quán mới là: Phú Cát, Hương Trà, Thừa Thiên, Huế. Ngày sinh trong khai sinh: 28/12/42; Ngày sinh thật: 9/9/43. Các lời quotes cháu nên convert sang Italic để người đọc theo dễ dõi. HÌnh ảnh cháu ghi note là: Thiếu Úy PNN, Tiểu Đoàn 7 Nhẩy Dù, KBC 4919 (Biên Hòa- 1963-1965) . Cám ơn cháu Lưu diệu Vân đã khó nhọc với những lời tường trình không mấy vui nầy.

    ps: Gởi quý Niên Trưởng, Bằng Hữu, ACE xa gần.. Sau 43 năm nước mất nhà tan, cuối đời không có gì gỏi quý bạn xa gần tôi gởi lời thành thực nầy làm tin, xin gắng đọc vì hơi..dài. Sẽ không làm phiền nữa đâu. Xin bảo đảm vậy. pnnam

    Subject: gởi chú bản interview đã edit

    Gởi chú PNN,
    Cháu gởi kèm bản đã edit, và cháu đã cắt ra hai phần, 1 và 2.
    Cháu không cắt bỏ gì, cháu chỉ format thôi. Chú xem qua, và cho cháu okay, sau đó, cháu sẽ gởi file cho tạp chí để họ layout cho kịp.
    Riêng về hình cháu gởi kèm, chú caption cho cháu biết năm nào nhé?
    Cảm ơn chú PNN. Thật sự, cháu cảm nhận ra được sự dốc lòng trong những câu trả lời, và cháu xin hết sức trân trọng và cảm kích.
    Hy vọng, đây là tài liệu tốt cho thế hệ về sau...
    LDV

    Lưu Diệu Vân
    www.luudieuvan.com




    NHÀ VĂN PHAN NHẬT NAM
    Súng Đạn Nào Giải Quyết Được Khổ Đau
    LƯU DIỆU VÂN thực hiện



    Phần 1


    Nhà văn Phan Nhật Nam có tên đầu tiên, Phan Ngọc Khuê, sinh ngày 9 tháng 9, 1943. Chánh quán Huế, Thừa Thiên, Năm 1963, ông tốt nghiệp khóa 18, Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt cấp bậc Thiếu Uý, tình nguyện chọn đơn vị Binh Chủng Nhảy Dù. Sau 1975, ông bị Cộng Sản bắt giam vào các trại tập trung cải tạo Nam-Bắc suốt 14 năm, phần lớn nơi những hầm cấm cố, tử hình, hệ thống trại giam Miền Bắc, với hai đợt kiên giam. Ông sang Mỹ định cư cuối năm 1993.

    Viết đã hơn 50 năm, chữ viết & lời nói trung trực với các tác phẩm đã xuất bản:

    Dấu Binh Lửa - 1969, Dọc Đường Số I - 1970, Ải Trần Gian – 1970, Dựa Lưng Nỗi Chết – 1971, Mùa Hè Đỏ Lửa - 1972, Tù Binh & Hòa Bình – 1974, Những Chuyện Cần Được Kể Lại – 1995, Đường Trường Xa Xăm, 1995, Đêm Tận Thất Thanh - 1997, Những Cột Trụ Chống Giữ Quê Hương, Mùa Đông Giữ Lửa – 1997, Peace and Prisoner of War – 1987, The Stories Must Be Told, 2002, Chuyện Dọc Đường - 2007 (Phần I), A VietNam War Epilogue – 2013, Phận Người, Vận Nước – 2013, Stigmates de Guerre – 2015, L'été Embrasé – 2018.

    Đang cố gắng hoàn tất các tác phẩm:

    Tội Ác & Tội Lỗi - Tiểu thuyết cố gắng tìm tới ngọn nguồn Sự Ác và Mối Tội.

    Những Chuyện Không Thật - Chuyện hằng ngày hiện thực những việc không thực với mỗi phận con người. Thơ Viết Trong Lửa - Thơ viết & sống hằng ngày. Đá Nát Vàng Phai - Trường thiên tiểu thuyết về mỗi phận mệnh của tất cả chúng ta hằng dự phần cùng vận nước: 1954, 1963, 1968, 1972, 1975, 2000… và tiếp tục, nếu còn sống…

    Luôn "Học-Đọc-Viết" từ tuổi 20 cho đến nay đã ngoài 70, nhưng ông luôn giữ tâm chất, tính cách là một Người Lính Viết Văn chứ không là một văn gia chuyên nghiệp sáng tạo nên chữ nghĩa, văn chương, thơ ca.

    Sau đây là nội dung chi tiết cuộc nói chuyện với Lưu Diệu Vân về những điểm liên hệ đến người, và việc của bản thân Người Lính Viết Văn.


    Lưu Diệu Vân (LDV): Trách nhiệm chính của một chiến sĩ là với tổ quốc, và trách nhiệm chính của một người cầm bút là với xã hội. Vậy thì “Người Lính Viết Văn” Phan Nhật Nam cảm thấy mình có trách nhiệm với những gì sau ngày mất nước, khi cây súng không còn là một phương cách đáp trả?

    Phan Nhật Nam (PHN): Tôi xin được sử dụng lại những ý, lời từ lần cầm bút đầu tiên vào năm 1968, mà thiết nghĩ, vẫn còn nguyên giá trị để giải thích việc cầm viết trước, sau 1975. Đến cái tuổi này lẽ tất nhiên tôi chẳng hy vọng gì nơi văn chương nữa, cũng không hề ước mơ nhờ cái ngõ văn chương để kiếm một chút danh vị. Hơn nữa, danh vọng của một người viết văn ở Việt Nam cũng chẳng lấy gì làm sáng sủa. Nhưng (tôi) vẫn muốn viết, viết như một "nhu cầu", nói cho có vẻ thiết tha… Sau tám năm ở lính (1961-1968), thời gian thoải mái thật hiếm hoi, trong khi những phiền toái có duyên cớ hay không, chính danh hay ẩn giấu hình như chực sẵn ở trong người, có cơ hội sẽ dấy lên như giông bão…

    …Chính vì những cảnh đời đa đoan này mà tôi phải viết. Không viết thì phí đi, bạn bè bảo tôi như vậy. Thế là tôi viết, và đến bây giờ coi như xong, nhưng chắc rằng chưa đủ. Xem lại chợt thấy bùi ngùi và thương thân. Bao năm tháng tột cùng của cực khổ và gian nan, đầy dẫy tủi nhục để viết được chừng này? Tám năm, thời gian gần bằng đoạn đời của gã nông phu Johann Moritz lang thang qua các trại tù của giai đoạn u Châu máu lửa, nhưng trước và sau tám năm đó, anh bạn người Lỗ còn có những ngày vui hy vọng. Tôi có gì vui trước tám năm này và hy vọng nào về một Việt Nam hậu chiến!

    Qua Mỹ năm 1993, sau lần mất miền Nam, đi tù về, nay tôi tiếp tục viết (chỉ khác ngày trước viết với cây bút, nay viết với computer), tuy nhiên tâm cảnh cũng chẳng khác gì với anh thanh niên vừa qua tuổi 20 của ba mươi năm trước, chỉ khác chăng là tuổi lớn hơn, thấm đau hơn. Tâm trạng của lần viết Chuyện Dọc Dường (2005).

    …Hóa ra tôi đã sử dụng chữ nghĩa tận chân thật mà xét ra cũng không đi đến đâu! Chỉ nghĩ thế thôi đã thấy rã rời kiệt sức… Chế độ xã hội (gọi là cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) lại tiếp sức định chế hóa, chính trị hóa, hợp lý hóa sự ác độc của đời sống nên thành chính sách - Một điển hình văn minh tiên tiến “xã hội xã hội chủ nghĩa”. Làm sao cứu được cho Người? Bắt đầu từ nơi đâu ở Việt Nam? Hơn thế nữa, tình thế hôm nay xem ra còn “đáng sợ” hơn những tháng năm xa xưa kia gấp bội. Vì chỉ một chớp mắt, nay đã trở thành một lão nhân với độ tuổi sáu mươi - Một người già sa cơ thất thế, nước mất nhà tan…

    Ngày trước Đỗ Phủ viết câu thơ hàm xúc: "Quốc phá sơn hà tại. Thành xuân thảo mộc thâm." Tạm dịch: "Nước mất sông núi vẫn còn. Vào xuân cây cỏ trổ mầm thắm tươi."

    Nhưng đấy chỉ là chữ nghĩa, lời thơ để an ủi, vì trên quê hương hôm nay, hơn bốn mươi năm sau 1975, cây cỏ, con người đồng khô kiệt tang thương đến độ xót xa.

    Súng đạn nào giải quyết được khổ đau hơn nửa thế kỷ qua mà tôi đã chứng kiến, sống cùng nếu không muốn nói chính súng đạn (tự thân nó là vật dụng chiến tranh) cũng đã dự phần, phần lớn, vào sự tan vỡ toàn diện của người và quê hương cũng như cả thế giới này. Thế nên, viết cần thiết cho đời sống bản thân (vật chất lẫn tinh thần) một cách cụ thể: không viết biết sống làm sao? như thế nào? Cho dù rằng bản thân cũng hiểu rất rõ: Chữ nghĩa rồi ra cũng chẳng đi đến đâu!!


    LDV: Chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến mang đầy sự hoài nghi và trăn trở cho nhiều người, lúc nào là lúc ông cảm thấy tin tưởng tuyệt đối vào sự lựa chọn cầm súng chiến đấu của mình?


    PNN: Để trả lời câu hỏi nầy, tôi lại nại đến một tình cảnh mà chính bản thân đã có mặt vào một ngày tháng 6, năm 1972, khi đại quân miền Nam dưới quyền chỉ huy của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng khai diễn chiến dịch Lôi Phong mở đầu kế hoạch tái chiếm Quảng Trị.

    Bấy giờ, bắt đầu Mùa Hè 1972, tháng thứ ba kể từ ngày Bắc quân mở cuộc đại tấn công Miền Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên là hai nơi hứng chịu tai ương tàn khốc của bom đạn nặng nề trước nhất, và người dân của chốn đau thương này lại thêm một lần tay bế con, lưng cõng cha mẹ già xuôi theo Đường Số I dưới che chở độc nhất, cũng là nguồn tin cậy cuối cùng - Lính cộng hòa ơi, cứu bà con, lính cộng hòa ơi! Trên đoạn đường máu đóng khô vương vãi thây người. Thị Xã Quảng Trị, Quận Hải Lăng, Cầu Mỹ Chánh, không phải chỉ một vài một người, nhưng toàn khối dân bi thương nguy biến cùng gọi lên như thế một lần khi thở hơi cuối, mồm há hốc, tròng mắt thất thần dựng đứng. Họ gọi Người Lính khi nằm xuống nhìn máu chảy từ xác thân bị cắt xé, cứa dập, tay lần chuỗi Thánh Giá, hạt Bồ Đề, trên đầu, chung quanh đại pháo Bắc quân nổ liên hồi. Nổ tàn nhẫn. Đạn nổ không bỏ sót một phần đất, chụp xuống đủ lên thân thể con người. Trong tình cảnh cùng khốn nguy nan ấy, người dân chỉ còn "một lực giải cứu hy vọng duy nhất" để gọi tới sau khi những che chở cầu xin tôn giáo đã bị đám giặc phương Bắc ngụy danh "giải phóng" kia chà đạp thậm tệ, tàn nhẫn khinh miệt.. Lính Cộng Hòa ơi! Người dân thêm một lần kêu lên như thế. Người hằng nhiều lần kêu lên như thế khi đối mặt cùng cái chết, khi lâm tử.

    Người Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế nhất định trở về, sống lại cùng làng xưa, chốn cũ bởi: Ông Trưởng đã ra Huế! ÔngTrưởng đã ra ngoài Huế rồi bà con ơi! Người dân hăm hở, tin tưởng mạnh mẽ nói cùng nhau, và những chuyến hàng Đà Nẵng - Huế bắt đầu trở lại với hành khách chen chúc đầy ngập. Trên đoạn đường lây lất, ươn ướt thị da người phía nam La Vang, lối "về ngoài mền/về ngoài mình…" thấp thoáng từng toán người gồng gánh chạy theo đoàn quân. Mền (mình) về Quảng Trị thôi bà con ơi, ông Trưởng đã vô ở trung (trong) Mang Cá giư (như) kỳ Tết Mậu Thân với mền (mình) rồi bà con nè…(Trích đoạn Mùa Hè Đỏ Lửa).

    Vâng, tôi đã nghe đồng bào kêu lên như thế trong Mậu Thân ở Huế, 1968; đồng bào đã kêu lên "Lính Cộng Hòa ơi cứu dân!" khi chạy loạn ở An Lộc, 1972. Đồng bào kêu cầu cứu với Lính Cộng Hòa khi di tản từ Cao Nguyên về Tuy Hòa, Bình Định, Nha Trang, tháng 3, 1975. Và sau 1975, trên Biển Đông, trên đường vượt biên ra khỏi nước, toàn dân Việt (không phân biệt Bắc/Nam) đã trở thành một loại tiện dân đọa đày khắp các trại tỵ nạn vùng Đông Nam Á, ở Hồng Kông, trước đám hải tặc, lính Khmer Đỏ… Và hôm nay trên biển Đông, trước "tàu lạ," dân tộc Việt bị khinh biệt, bị đọa đày bởi một điều giản dị: Dân Tộc Việt không còn Người Lính bảo vệ - Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã tan vỡ chung lần cùng Hy Vọng Việt Nam. Tôi luôn tin chắc Lý Chính Nghĩa của Người Lính Miền Nam cho dù có cuộc thất trận ngày 30 Tháng 4, 1975, tai họa từ phận nghiệp đen tối cho toàn Dân Tộc Việt không bởi từ Người Lính QLVNCH.


    LDV: Khi nghĩ đến nhà văn Phan Nhật Nam, tôi thấy thấp thoáng nhà văn Mỹ Tim O’Brien: Cả hai đã tham gia chiến đấu tại Việt Nam, cả hai viết nhiều về đề tài chiến tranh và quân đội, cả hai có những tác phẩm nổi tiếng tiêu biểu về cuộc chiến, Phan Nhật Nam với Dựa Lưng Nỗi Chết, Mùa Hè Đỏ Lửa và Tim O’Brien với The Things They Carried, Going After Cacciato. Nếu ông có dịp trò chuyện với Tim O’Brien, ông muốn nói với ông ấy những gì? Ông nghĩ ông ấy sẽ hỏi ông những điều gì?


    PNN: Khác hẳn nhau xa vì hoàn toàn không giống nhau giữa người (PNN/Tim O'Brien) và việc (mô tả chiến tranh). Sự khác biệt như sau:

    Tim O'Brien viết truyện lấy (chuyện) chiến tranh làm chất liệu. Cụ thể trong tập truyện ngắn "Good Form," Tim phân biệt giữa "Chuyện Thật/Story Truth" và Sự Thật xảy ra/Happening Truth," để từ đó dùng kỹ thuật, có tính cách khách quan để viết nên câu chuyện thực về chiến tranh.

    PNN viết về chiến tranh là nguyên trạng của chiến tranh, Người Ở Lại Charlie là chuyện thực về trận đánh của Tiểu Đoàn 11 Nhẩy Dù trên cao điểm Charlie ở Kontum từ 12 đến 16 tháng 4, 1972. Sợ rằng viết không đủ 100% về những chi tiết về người, việc của chiến trận. Giọt Nước Mắt Khô Của Hòa Bình Miền Nam là câu chuyện bi hùng của Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân do Trung Tá Lê Văn Ngôn chỉ huy (Khóa 21 Đà Lạt, ra trường năm 1966, có nghĩa lúc chỉ huy Trại Tống Lê Chân, 1973, anh mang cấp bậc trung tá sau 7 năm kể từ ngày ra trường). Tiểu đoàn 92 Biệt Động bị vây từ 1972 mãi đến 11/4/1974, quân cộng sản dùng một lực lượng cấp trung đoàn (Trung Đoàn 271) có chiến xa và pháo binh yểm trợ mới chiếm được căn cứ. Có nghĩa phía cộng sản dùng một quân số 4 tiểu đoàn (khoảng 2000 người) để tấn công tiểu đoàn của Ngôn chỉ còn 259 người còn khá năng chiến đấu, hết đạn, không còn lương thực. Chuyện của PNN không thể thực hơn được. Bởi Sự Thật Lớn Nhất là Sự Chết. PNN viết về Sự Chết-Nỗi Đau, không viết chuyện về chiến tranh như Tim.

    Tuy nhiên cũng xin có lời cám ơn Tim, do anh đã không viết những chữ nghĩa rơm rác như Fire In The Lake của Frances FitzGerald; hay cuốn A Bright Shining Lie: John Paul Vann and America in Vietnam của Neil Sheehan, cựu phóng viên New York Times ở Việt Nam trước 1975. Sách của Neil đoạt giải National Book Award năm 1988 của Mỹ dành cho loại sách Không Hư Cấu. Gọi là sách không "hư cấu" nhưng nội dung A Bright Shining Lie thuần túy là một tập tường trình ngụy tạo về chiến tranh Việt Nam mà người có liêm sỉ, trí năng, lương năng không bao giờ viết nên. Sau 25 năm ở Mỹ, tôi có thể nói chắc điều này với tất những người gọi là trí thức, nhà báo, nhà văn thiên tả Mỹ.


    LDV: Đôi khi, nhân vật hư cấu phát biểu hộ nhà văn những ưu tư trăn trở ngoài đời thật, vậy thì khi Minh (nhân vật của ông trong Dựa Lưng Nỗi Chết) nói: “Hình như suốt đời tao phải cố gắng làm những việc mà lòng không muốn…” Minh có nói hộ thay cho nhà văn trong suốt những năm tháng chinh chiến và sau này, trong phận người tha hương, nước mất, nhà tan?


    PNN: Trong Dựa Lưng Nỗi Chết, những nhân vật lính nhảy dù không phải chỉ có Minh, mà còn có Thuấn, Lạc và những nhân vật lính phụ khác như Chuẩn Úy Ánh, Trung sĩ Tròn, Hạ sĩ Thiên… Thành thử bảo rằng Minh nói thay cho (cá nhân) PNN về nỗi bất bình... “Hình như suốt đời tao phải cố gắng làm những việc mà lòng không muốn,” thì chỉ đúng một nửa - mà một nửa sự thật thì không phải là toàn thể sự thật! Ivan Karamazov có thể "thay mặt" Dostoievsky nghi ngờ một khía cạnh nào đó về năng lực siêu nhiên Thiên Chúa, nhưng bảo rằng Ivan đại diện cho toàn thể "ý hướng vô thần" mà quả tình Dostoievsky (thật sự) không có. Ngay cả Friedrich Nietzche dẫu ngang nhiên cho Zarathoustra tuyên bố: "Tôi chẳng thể nào tin vào một đấng Thượng Đế cứ mãi bắt tôi luôn kính cầu", cũng chẳng có thể bảo rằng nhân vật vô đạo kia là đại diện toàn phần cho tác giả. Thế nên, nhân vật nầy, nhân vật nọ chỉ thay mặt một phần, phần khác là của người viết do hắn ta tạo dựng ra. Nhưng sáng tạo ra thế nào thì cũng phải từ/bởi hiện thực đời sống. Xuân Tóc Đỏ hoàn toàn không là Vũ Trọng Phụng, nhưng thật đến độ ngày nay, qua thế kỷ 21 vẫn thấy ra anh chàng tinh quái này ở ngay giữa chúng ta.


    LDV: Thi sĩ, nhạc sĩ hay (bị) được hỏi: Ai khơi nguồn sáng tạo của họ. Riêng cho một nhà văn chuyên viết về chiến tranh gai góc, thì “nàng thơ” của ông chắc hẳn khác với các nghệ sĩ khác?


    PNN: Xin trả lời câu hỏi này mau chóng và chính xác: Tôi không có một "nàng" nào để khởi động công việc viết xuống những giòng chữ. Năm 1968 đã vậy, năm 2018 cũng không khác. Nếu có một "nàng" nào đó là của riêng người viết - cũng như muôn triệu "nàng" của muôn triệu chàng khác. Vậy có điều gì để viết nên về các nàng/chàng đó? Tự nhiên đưa một "chàng/nàng" nào đó vào âm nhạc, thi ca, văn chương (trừ hội họa) và bắt "chàng/nàng" ấy đóng một vai trò quá khổ, vượt quá khả năng của bản thân họ để trở thành "người tình muôn thưở/người tình trong mộng/người tình tuyệt vời, v.v., thì chàng/nàng chết ngay từ trang sách sách đầu tiên! Thúy Kiều, Anna Karénine… sống mãi là vì đau đủ cái đau nhân sinh. "Nàng" của tôi hoàn toàn không có vì sống không ra dạng người/Người Việt Nam!

    Và nếu muốn trả lời đủ thì đây là tình cảnh (thật) về một "nàng" của tôi. "Hãy nghĩ đến tình cảnh người đàn bà đi thăm nuôi ngàn dặm từ Miền Nam bị dồn ép, đè bẹp, xô đẩy, chửi mắng, đe dọa… trong những chuyến tàu xuyên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tiếp chuyến xe trâu giữa hai sườn núi đá sôi bỏng cỏ cây, vào trại tù với bàn tay che nắng hè vùng Thanh, Nghệ, Tĩnh, tay dắt đứa con còn tuổi thiếu, ấu. Đêm đến, hai mẹ con ngồi ngủ dưới trời mưa trên sân đất lạnh vì dân chúng trong vùng dẫu đã nhận tiền “cho thuê mái hiên” cũng chỉ cho họ được phép ngồi ngủ ngoài sân, nhận chịu đòn trừng phạt (của nhân dân/nhân dân miền Bắc xã hội chủ nghĩa) vì tội “gia đình bọn Ngụy phản động Miền Nam” - Kiểu đấu tố của bần cố nông đối với đứa trẻ con địa chủ theo lệnh của đội cải cách ruộng đất những năm đầu thập niên 50 ở đồng bằng Bắc Bộ. Sáng mai sau một đêm ngủ ngồi, hai mẹ con vào trại để nói với chồng, cha lời “động viên học tập tốt ” qua năm, mười phút thăm nuôi ngắn ngủi. Đường vạn dặm trở về thấm đủ lượng nước mắt thương tâm trên mỗi cột mốc cây số với ý tưởng không dám nghĩ hết: Lần thăm nuôi cũng là lần vĩnh biệt - Chỉ nghĩ thôi. Nghĩ cũng đủ thấy đau. Nhưng không chết người cha, người chồng nơi chốn lao tù mà là người đàn bà (sau lần thăm nuôi) bị xe hỏa cán nát thân đâu đó khi tuông củi, buôn than theo đường giây “hoạt động kinh tế phá hoại mậu dịch nhà nước xã hội chủ nghĩa.” Long Khánh, Dầu Giây. Cầu Bình Triệu, Sàigòn."

    Viết nào đủ được về những "Nàng/Người Nữ Việt Nam" này không?


    Phan Nhật Nam, Tháng Hai, 2018, đúng 50 năm Mậu Thân Huế, (1968-2018).





    NHÀ VĂN PHAN NHẬT NAM
    Cuộc Chiến Dài Hơn Trí Nhớ
    LƯU DIỆU VÂN thực hiện



    Phần 2


    Vào tháng 9, 2017, nhà văn Phan Nhật Nam được Chủ Tịch Hội Nhà Văn Hà Nội đích thân gởi thư mời về nước tham dự đại hội văn học, theo tiêu chí “Hòa Hợp Hòa Giải”, và ông đã đáp thư từ chối thẳng thừng, chính xác, dứt khoát: “Tôi xin được hoàn toàn từ chối sự mời gọi vì những lẽ...” qua những lập luận sắc bén và vững vàng, đúng với phong cách của một sĩ quan và một người con đất Việt. Trong thư đáp, ông khéo léo nhắc nhở về sai lầm quá khứ, cũng như những đàn áp, những thái độ đạo đức giả hiện tại của nhà cầm quyền VN.

    Mời quý độc giả theo dõi phần hai của buổi mạn đàm với nhà văn chiến sĩ Phan Nhật Nam và Lưu Diệu Vân.


    LDV: Tình tự dân tộc (nationalism) và lòng yêu văn hóa (culture), ông thấy có sự khác biệt giữa hai ý niệm này không? Nếu một ngày, Việt Nam bị đổi tên và sát nhập thành một phần của Trung Quốc, ông nghĩ rằng, chúng ta sẽ (hoặc nên) hồi hương về đất nước mình như thế nào?


    PNN: Tôi không phân biệt giữa hai tâm thức này, vì giữ gìn, quý trọng văn hóa (quốc gia mình) thì văn hóa ấy có một nội dung rất cụ thể bao gồm vật chất, tinh thần của đất nước mình. Không thể nào quý trọng văn hóa di sản quốc gia mà lại đem bán rẻ tổ quốc như đảng cộng sản VN đã, đang làm… Làm lễ tưởng niệm 1000 Năm Thăng Long với hình tượng Vua Lý Thái Tổ mặc trang phục vua quan triều đình Hán tộc, toàn bộ thành phố Hà Nội tràn ngập một màu "hồng phấn" riêng biệt của người Hoa! Văn hóa Việt Nam nào tồn tại trong tinh thần "xã hội chủ nghĩa" theo mô hình của Bắc Kinh?

    Đề cương Văn Hóa Việt Nam được đảng Cộng Sản/mặt trận Việt Minh đề ra từ 1943 là một thứ loại (văn hóa) rất phản bác, đối nghịch với Văn Hóa (thật) của dân tộc Việt, vì được xây dựng trên chủ nghĩa Marx-Lenin. Đấy là một hệ thống tư tưởng chỉ có giá trị nhất thời trong tình cảnh chính trị, xã hội đầu thế kỷ 20 khi Việt Nam đang trong tình trạng một xứ thuộc địa Pháp. Chủ nghĩa này đã hoàn toàn bị vứt bỏ ngay chính nơi khai sinh nó với lần sụp đổ bức tường Bá Linh, hệ thống nhà nước cộng sản Đông Âu, Liên Bang Sô Viết năm 1989, 1990! Làm sao có thể gọi những thủ lãnh Đệ Tam Quốc Tế CS/Chi Bộ Đông Dương như Hồ Chí Minh, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trần Phú, Trường Chinh… trước kia, hoặc những kẻ cầm quyền ở Hà Nội hiện nay (sau 1975) là những "Nhà Văn Hóa/Người Yêu Nước" được? Cũng không thể gọi là "giới lãnh đạo đảng cộng sản nơi Hà Nội, mà thực tế chỉ là tập đoàn tư bản đỏ, thuộc phường, hội, băng, đảng, phe phái tộc họ, thuộc các địa phương Hà Nam Ninh, Thanh Nghệ Tĩnh… miền Bắc Việt Nam cầm quyền bất hợp hiến, bất hợp pháp! Một bí thư, chủ tịch nhà nước của Hà Tĩnh cho tư bản người Hoa thuê đất hơn 100 năm với giá rẻ! Lòng Yêu Nước/Tính Văn Hóa nào có được trong những con người mà mục tiêu trước sau chỉ kiếm được một số Mỹ Kim để mua tài sản ở Mỹ, gởi con đi du học trước để chuẩn bị cho lần xuống chức. Đám người từ nhỏ đã thuộc lòng câu khẩu hiệu: "Đế quốc Mỹ là kẻ thù của nhân dân ta!" dẫu chưa hề thấy được một người Mỹ, đế quốc Mỹ là gì!

    Yêu quê hương Việt Nam thì đồng thời cũng yêu đất nước của dân tộc khác. Tôn trọng văn hóa Việt thì càng phải tôn trọng di sản của toàn nhân loại. Chỉ những kẻ man rợ như nhóm Taliban mới phá hủy những tượng Phật xưa cũ ngàn năm. Chỉ những kẻ cầm thú mới nhân danh "xã hội chủ nghĩa" nhằm tàn sát 100 triệu con người như phong trào cộng sản quốc tế đã thực hiện. Giết hơn 5000 người Huế chỉ để áp dụng lời "thơ:" Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ. Tiến lên toàn thắng ắt về ta, của Hồ Chí Minh đọc từ Hà Nội đêm Giao Thừa Mậu Thân, 1968. Làm sao có thể gọi là "về Việt Nam" khi đất nước này trở nên một quận, huyện của Bắc Kinh như cảnh Hà Nội đón Tập Cận Bình với cờ đỏ 6 ngôi sao?! Và âm tiếng người Việt được cải biên thành một ngôn ngữ phát âm theo cách người Hoa mà Viện Ngữ Học Hà Nội đã gióng trước qua kế hoạch của viên phó tiến sĩ, giáo sư ngữ học họ Bùi. Tôi chấp nhận ngay cái chết không do dự nếu buộc phải bước chân xuống một nơi gọi là "thủ đô Hà Nội" của một xứ sở được "Hán Hóa" theo danh sách Mãn, Hồi, Mông, Tạng... Việt!


    LDV: Không thể chối bỏ, đóng góp của giới trẻ trong việc gìn giữ văn hóa và đấu tranh cho tự do tại quê hương là cần thiết. Nhưng xã hội Việt Nam vẫn còn giữ tư tưởng: Áo mặc sao qua khỏi đầu, phải kính trên nhường dưới, và vì vậy, sự cộng tác giữa các bậc tiền bối và giới trẻ vẫn chưa đạt được hiệu quả. Ông có những lời khuyên nào để khắc phục điều này?


    PNN: Quả thật tôi không mấy lưu ý vấn đề này vì quá trình tranh đấu của người Việt vì Độc Lập Dân Tộc-Dân Chủ-Dân Quyền từ đầu thế kỷ 20 với các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Trung Kỳ Dân Biến… đến cách mạng vũ trang Quốc Dân Đảng với Nguyễn Thái Học, tiếp theo các phong trào cách mạng quốc gia chống Việt Minh/Cộng Sản trước, sau 1945… như một làn sóng liên tục, lớp sau dồn lớp trước. Điều tôi lưu tâm và thấy ra là không phải sự không đồng thuận giữa các thế hệ già/trẻ mà là sự thất bại liên tục của các thế hệ kẻ sĩ người Việt kéo dài từ thế kỷ 18, 19, 20, tiếp hiện thực tại hôm nay! Dẫu hàng ngũ tranh đấu không thiếu kẻ có khả năng, tấm lòng. Sự thất bại thấy rõ tại các thời điểm trước, sau 1945; sau 1954; 1960, 1975... và tiếp tục hiện nay đối với người Việt hải ngoại, tổ chức Cộng Sản trong nước mà thực tế lịch sử đã chứng minh chỉ là một tập đoàn tay em của phong trào Cộng Sản đệ tam quốc tế, lính đánh thuê cho Mạc Tư Khoa trước khi Liên Xô sụp đổ (1990), cụ thể là công cụ của Bắc Kinh nối dài xuống Đông Nam Á. Lực lượng cộng sản VN không phải do cơ may mà đoạt thắng nhưng vấn đề chính phải ở từ chúng ta - lực lượng Người Việt không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản. Tôi không có khả năng lập thuyết và tổ chức một lực lượng chính trị, chỉ là một người Người Lính làm công việc Viết Văn. Mà cuối đời, nói rất thành thật cũng chẳng đi đến đâu!


    LDV: Có luồng tư tưởng cho rằng, tiền gởi về cho từ thiện, cho thân nhân, du lịch về Việt Nam, giao thương với Việt Nam tức là đang gián tiếp nuôi dưỡng một chế độ tàn ác, trì hoãn và ngăn cản sự sụp đổ của nó. Theo ông, nếu người Việt hải ngoại - mà nhà cầm quyền trong nước gọi là “khúc ruột ngàn dặm” - hoàn toàn tuyệt giao với quê nhà một khoảng thời gian, có giúp ích gì trong cuộc đấu tranh hiện nay không?


    PNN: Tôi suy nghĩ vấn đề này qua những thực tế khác. Đấy là trong chiến tranh Pháp -Việt Minh (1946-1954) quân đội Pháp chẳng nên mở những chiến dịch lớn như Hành Quân Castor, chiếm đóng cứ điểm Điện Biên Phủ mà chỉ cần tập trung đánh vào vùng an toàn Khu 4, tức căn cứ hậu cần, vựa thóc Thanh Hóa thì chiến cuộc ắt sẽ có một hình thái khác và kết thúc khác chứ không phải Hiệp Định Genève 1954, chia cắt đất nước Việt Nam. Cũng thế, trong chiến tranh 1960-1975, chính quyền, và quân lực VNCH chỉ cần hoàn tất (rất có khả năng) không cho gạo, xăng dầu, thuốc men, dụng cụ y khoa, tiền VNCH vào mật khu Cộng Sản thì cái gọi là "lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam," các binh doàn cộng sản Bắc Việt chỉ trong một thời gian rất ngắn khoảng một tuần lễ sẽ thấy ngay hậu quả! Với 2 tỷ quân-kinh viện trong năm 1972, quân lực VNCH đã lập nên kỳ tích lẫy lừng, đánh tan cuộc tiến công của Cộng Sản miền Bắc (Chiến Dịch Nguyễn Huệ). Năm 1975, quân viện thặng dư vài trăm triệu đô-la cũng không có, miền Nam phải sụp vỡ trước sức tấn công của 16 sư đoàn cộng sản miền Bắc (được cả khối cộng sản quốc tế tăng cường chi viện) như là một sự kiện tất nhiên. Từ 2000 đến 2012, ngoại hối gởi về trong nước đến 100 tỷ đô-la. Trả lời như thế này hy vọng cũng đi sát với vấn đề đặt ra.


    LDV: Một người nên làm gì trong lúc “Dựa Lưng Nỗi Chết”? Còn riêng ông, ông đã làm gì lúc ấy? Gần gũi Nỗi Chết đã dạy cho ông những bài học nào?


    PNN: Tôi không bao giờ lên mặt khôn ngoan dạy dỗ, chỉ bảo ai dù là điều giản dị, cụ thể đối với thế hệ người ngang tuổi con, cháu… Không bao giờ. Bởi một điều tôi cũng chưa hề nhận một "chỉ dạy" từ bất kỳ ai về bất cứ vấn đề trong suốt cuộc sống mà nay đang đi vào thời đoạn cuối cùng. Thế nên, nếu phải lâm vào hoàn cảnh "Dựa Lưng Nỗi Chết" thì mỗi người phải tìm cách tự cứu chứ không thể ai bày vẽ cho ai được.

    Ngày 7 tháng 9, 1981 tôi bắt đầu đợt kiên giam thứ hai, bước chân vào căn phòng cấm cố dài hai thước, cao ba thước, rộng một thước. Sự sống chỉ có được ở ô thông hơi hình chữ nhật 30x20 chận lưới sắt ở trên cao. Căn phòng nóng 40 độ vào mùa hè, mờ mờ hơi lạnh vào mùa đông do khu trại giam thiết trí trong vùng núi đá vôi tỉnh Thanh Hóa. Ruồi, muỗi bay vào thì đậu im vì áp suất căn phòng quá cao, người tù ngồi bất động trên một tấm đanh, cổ chân kẹp vào chiếc cùm sắt hình chữ U. Đại, tiểu tiện trong một ống tre; ngày hai chén bắp (đá), loại thực phẩm dành cho gia súc, và hai chén nước lạnh. Ngồi miết trong bóng tối mất dần tất cả mọi giác quan, ý niệm vào những năm 83, 84. Chiếc đầu có lúc tưởng như bốc khói, sôi lửa do buồn phiền, âu lo… Làm sao có thể sống sót?! Làm sao có thể qua từng giây? Phải, từng giây chứ không được từng phút, từng giờ! Thế nhưng tôi cũng dần hồi đi qua như lời gọi là THƠ viết trên đầu ngón tay. Quả thật sức tôi không sống nổi. Một giờ không nói, tính chỉ năm... Không phải một năm mà một chục. Tận cùng khổ nhục với đau thương… Nhưng người Sống được bởi có Trời! Vâng, có Người do có Trời! Tùy theo mỗi cảm ứng mà con người gọi nên bằng danh xưng tôn giáo của mình. Tôi sống sót được cho đến 29 tháng 5, 1988, cho ra khỏi hầm giam để đưa về Nam với bảy vị như các tướng Lê Minh Đảo, Đỗ Kế Giai, Lê Văn Thân… Sau này, tôi được xác chứng thêm, có những người khác lâm vào hoàn cảnh tương tự nhưng khó khăn gấp bội đấy là các ông Nguyễn Hữu Luyện hơn 21 năm tù, Nguyễn Chí Thiện 27 năm; sau 1975 qua thế kỷ 21 có các ông như Nguyễn Hữu Cầu 35 năm và Linh Mục Nguyễn Văn Lý vượt quá số 30 năm tù tội... Những kẻ ở hải ngoại "tố cáo" Nguyễn Chí Thiện giả, đạo thơ văn; Linh Mục Nguyễn Văn Lý là "ngôn sứ đô-la" theo tôi nghĩ là những kẻ mất tính người, những loại cầm thú hân hoan trên nỗi khổ đau của đồng loại, những kẻ không hề biết sức nặng của chiếc cùm, mỗi giây khắc tưởng như không chuyển dịch trong hầm tối... Nói được với ai từng giờ, phút trên biên giới chết trong khi sống này của một đoạn thời gian 7, 8, 10, 20… năm?!


    LDV: Như đoạn mở đầu quen thuộc của Charles Dickens, “Đó là giai đoạn tuyệt vời nhất, đó là giai đoạn tồi tệ nhất,” nói đến chiến tranh, ai cũng nghĩ đến những khốc liệt, chết chóc. Vậy trong giai đoạn đã trải qua, ông có thấy thấp thoáng những hạnh phúc, hy vọng, những gì tuyệt vời trong cái đen tối ấy không?


    PNN: Tôi xin nhắc lại một đoạn trong Dấu Binh Lửa, viết cách đây 50 năm lúc vừa qua tuổi 20. Cuốn sách có những nội dung mà bản thân cũng như bạn đọc hằng tin tưởng hơn nửa thế kỷ qua là những dòng chữ trong sáng và chân thật:

    Tôi cũng chấp nhận cho sự góp mặt ở chiến cuộc, góp mặt để chấm dứt chiến tranh. Thắng bại không kể, nhưng cốt yếu là không ở ngoài, không chạy trốn trong khi bạn bè những người cùng trang lứa đang tham dự, đang ngã chết. Dù chết bên này hay bên kia, chết trong thù hận hay chết tình cờ.

    Những người đi tìm cái chết để biện giải cho đời sống. Tôi tham dự vào cuộc hành trình khốn nạn này. Giải thích này làm tôi yên ổn. Cũng trong những tháng năm đằng đẵng gian khổ ấy, tôi khám phá ra được hạnh phúc của đời người. Hạnh phúc thật sự không có, chỉ có những hạnh phúc tương đối và giản dị. Hạnh phúc là bếp lửa thật nóng, bữa cơm có canh, một mái lều tranh không dột, căng được chiếc võng, uống ly cà phê, đọc tờ báo, sau năm ngày vượt ba mươi cây số đường rừng, rừng thật dầy không thấy trời, trong rét cóng của miền Trung vào những ngày cuối năm. Hạnh phúc nồng nhiệt khi trở về nhà trong đêm khuya gõ cửa, vợ ra đón với con nhỏ ba tháng, kể từ ngày sinh chưa được nhìn bố. Hạnh phúc là cái gì chắc chắn, nắm được ở trong tay khi cánh cửa chiếc phi cơ đóng lại và thân thể được nhấc lên trong độ cao, nhìn lại thành phố Huế đang âm ỉ cháy. Đấy - đời lính - đã dạy cho tôi biết được giá trị của những sung sướng tầm thường đó. Chỉ có thế mà tôi phải trả giá trong tám năm thật dài với tận cùng của khổ cực và căng thẳng. Nhưng đến những tháng ngày hôm nay, (1968) thì quả thực tôi bất lực. Bất lực để giải thích cho chính bản thân, sự có mặt tham dự trong dòng đời hỗn loạn và mệt nhọc này...

    …Tám năm lính, tôi hai mươi sáu tuổi, số tuổi gần ba mươi, không bạn bè, xa bằng hữu, số tuổi của nỗi cô đơn kinh khiếp biến con người hững hờ, tàn ác như một lát dao...

    …Sau tám năm ở lính, tôi hết còn là vùng đất để nghiệm và chịu ảnh hưởng. Tám năm ở lính để biết mình là một cánh chim tự do nhưng đã bị chặt cánh. Chính thương tích này làm sáng tỏ khả năng tự do bi đát của đời người.

    Tôi ghi đủ những dòng chữ (không thể thành thật hơn) đã viết nên từ 50 năm trước. Năm ấy, hai mươi sáu tuổi, chưa xảy ra Mùa Hè Đỏ Lửa 1972; chưa sụp vỡ miền Nam 30 tháng 4, 1975; chưa có vượt biên; chưa thấm đủ hầm tối trại tập trung; 25 lần dọn nhà sau 24 năm nơi đất Mỹ. Bây giờ tôi có thể nói thêm được điều gì về "hạnh phúc" và "hy vọng"?


    LDV: Vẫn biết “nếu như” chỉ dành cho những kẻ mơ mộng, nhưng chúng ta cũng hãy thử chơi trò điền vào chỗ trống:

    Nếu Ngô Đình Diệm ………., thì ………………….
    Nếu Trump không là tổng thống Mỹ, thì …………………
    Nếu Phan Nhật Nam không cầm súng, thì………………


    PNN: Vâng, tôi cũng xin dự vào "trò chơi" mà có lẽ cũng khá nguy nan này vì chạm vào những điều "cấm kỵ" hình như số đông không muốn nói ra.

    Nếu Tổng Thống Ngô Đình Diệm không bị sát hại (kể cả biến cố TT Kennedy bị giết sau 20 ngày, 22/11/1963) thì chắc chắc (với trách nhiệm riêng của bản thân) sẽ không có sự kiện bộ chiến Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng (3/1965) và liên tục trong thời gian của những năm 1965, 1966. NẾU TT Ngô không bị sát hại thì CHẮC không có hình thái chiến tranh của 1964-1973, không có Hiệp Định Ba Lê (27/1/1973) và lẽ tất nhiên không có Ngày 30 Tháng 4, 1975. Hình thái nào sẽ xảy ra bản thân tôi không thể hình dung được vì chỉ là một sĩ quan cấp úy binh chủng nhẩy dù, mà cho dẫu là một tướng lãnh cũng không thể nào trả lời được. Âm mưu sát hại TT Kennedy đến nay vẫn chưa được giải mật kia mà. Cũng bởi, TT Kennedy là người nhận được lời dặn: Đừng đưa quân vào Châu Á/Đông Dương từ TT Eisenhower khi nhận chức tổng thống đời thứ 35 năm 1960.

    Trước khi trả lời vấn đề: "Nếu Ông Donald Trump không là Tổng Thống Mỹ…," tôi xin xác nhận: Bản thân không thuộc về Cộng Hòa hay Dân Chủ; cũng không hề tham dự vào sinh hoạt của một tổ chức đảng phái nào trước đến nay. Thế nên chỉ nhận định sự kiện "Nếu ông Trump không là…" qua các khía cạnh văn hóa, xã hội của nước Mỹ. Nếu ông Donald Trump không là tổng thống Mỹ thì...

    Cá nhân Tổng Thống Mỹ tiếp tục bị coi thường (một cách công khai ) từ Pháp, Đức, Anh, Ý, nhất là Trung cộng, đến ngay các quốc gia hạng nhì, như Cuba, Việt Nam…

    Hình ảnh nước Mỹ bị phỉ báng, xem khinh trên toàn thế giới, cụ thể ở các quốc gia theo chế độ Hồi Giáo quá khích; thành phần Hồi Giáo quá khích sẽ phát động những hoạt động phản kháng tương tự xảy ra ở Pháp, Anh, Bỉ, Tây Ban Nha…

    Báo chí, các phong trào phản đối chiến tranh (bất kỳ cuộc chiến nào); các phong trào xã hội đòi quyền bình đẵng, hôn nhân đồng tính, phụ nữ phá thai, di dân bất hợp pháp… trở thành quy mô lớn, hiện thực những "mẫu mực đạo đức, tính tiến bộ" của xã hội mới…

    Những điều trên không phải mới xảy ra từ một tổng thống Dân Chủ (Obama), hay Cộng Hòa (Bush con), nhưng là hậu quả và hệ quả từ thập niên 60, 70 qua phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam, mà đến hôm nay, điển hình Viet Nam War của Ken Burn, Lynn Novick, vẫn không hiểu được chiến tranh Việt Nam là gì? như thế nào? Để hành vi trốn lính/đốt thẻ trưng binh/đốt cờ Mỹ là một hành vi có tính đạo đức được tu chính án số 1 bảo hành. Người Mỹ đã tự làm xấu/làm nhục/hạ giá trị bản thân trước thế giới.

    Tổng thống Trump có làm được Make America Great Again hay không thì thực tế sẽ cho thấy. Nhưng nếu ông Trump không là tổng thống Mỹ thì tình trạng tệ hai của nước Mỹ sẽ được hiến định hóa/chính trị hóa/hợp thức hóa cùng khắp!! Tôi có thể nói chắc như vậy.

    Không bi quan, hay lạc quan với Tổng Thống Trump, tôi chỉ nhận định một cách khách quan đối với câu hỏi trên.

    Còn vấn đề "NẾU" thứ ba, không cần đặt ra vì trước sau bản thân PNN chỉ là và luôn là một Người Lính. Nếu phải trở lại một lần tuổi trẻ thì tôi vẫn chỉ là một Người Lính làm thêm một công việc Viết Văn. Tôi không là một ai khác như đã tự xác định từ một thưở rất lâu năm mươi năm trước.


    LDV: Xin trân trọng cảm ơn Người Lính Viết Văn đã dành cho những lời tâm tình tràn trề đến thế.


    PNN: Lời cuối cùng, xin cám ơn Lưu Diệu Vân người chủ biên cuộc nói chuyện này, bởi quả thật chưa bao giờ tôi phải nói về bản thân một cách đầy đủ đến như thế cho dù chưa lần gặp mặt giao tiếp như Lệ Hằng, Trần Vũ, Lê Quỳnh Mai… là những bằng hữu thân quen. Đọc lại có cảm giác "kinh hãi" với câu hỏi: Sao con người khổ đến đến thế? Sao con người đau đến thế? Con người đây là tất cả những đơn vị người gọi là người Việt Nam. Trong tổng số đau thương kia, Người Lính phải chịu phần nặng nhất. Nhưng người lính còn rất trẻ không cần phải dạn dày "trăm trận" chỉ cần một trận máu xương kể từ ngày mãn khóa quân sự, học bài học đầu tiên "Baptême de feu" (nói theo cách của nhà binh Pháp) là tiêu vong ngay tuổi thanh xuân. Hóa ra lời nói ngày trước.. "Tôi là kẻ sống sót sau một cuộc chiến tranh dài hơn trí nhớ" sao mà đúng đến như thế?!

    ./.

  • #2
    Quý Vị Nghĩ Sao Về Ông Phan Nhật Nam?

    Thưa quý Niên Trưởng, quý độc giả cùng các bạn,

    Tình cờ tôi đọc bài phỏng vấn nầy, nhưng tôi không thể nào tôi đọc hết bài phỏng vấn nầy . Tại sao? Thưa rằng ngày 1/7/2008 tôi gởi 1 bản tâm thư cho ông Phan Nhật Nam:

    TÂM THƯ GỞI ĐẾN NHÀ VĂN PHAN NHẬT NAM

    Cựu KQ Trần Văn Phúc


    Kính thưa ông Phan Nhật Nam,

    Trong bài viết "Ky là Ky" (Qui est Ky?) của ông trên mạng http://phanchautrinhdanạngcom30thang4/Kyniem304.htm, tôi xin trích đoạn sau:

    "…Sáng 29 tháng 4, Thiếu Tướng Không Quân Ky dùng trực thăng cá nhân bay lên trời Sàigòn, nhận ra pháo cộng sản đang bắn dồn dập từng phút một. Qua tầng số máy liên lạc, y bắt được tín hiệu của một phi đội khu trục Skyraider A1 từ Cần Thơ:

    - Đây Nguyễn Cao Kỳ. Phải phá mấy ổ pháo dưới kia.

    - Nhận rõ, nhưng chúng tôi chỉ còn mỗi quả bom. Viên phi đội trưởng (khinh mạng) trả lời.

    Giờ hỗn quân, hỗn quan bắt đầu. "
    (hết trích)

    Thưa ông Phan Nhật Nam,

    Vì những chi tiết trong bài viết trên đây hoàn toàn không đúng với sự thật, tôi, một trong những chiến sĩ Không Quân, từng là đọc giả của ông, từng là người đã ngưỡng mộ văn chương của ông, xin tóm tắt để đóng góp sự thật về phi vụ chống pháo kích sáng sớm ngày 29/4/75:

    Ngay sau khi phi trường Tân Sơn Nhứt bị pháo kích, tôi được chỉ định đi bay. Vì thiếu "wingman" nên Th/tá Trương Phùng tình nguyện cùng tôi đi bay trong mưa pháo. Vì bình điện phi cơ của Th/tá Phùng bị hư và đạn pháo kích rơi gần đó, không quá 100 thước (bải đậu A37) nên sau khi quay máy xong, tôi quyết định cất cánh một mình lúc 4 giờ 25 phút sáng tại phi trường TSN.

    Khi lên tới Phú Lâm, tôi được Tr/Uý Trần Văn Bảo, Trưởng Phi Cơ của chiếc AC 119-danh hiệu Tinh Long 06 hướng dẩn oanh kích,mục tiêu là 2 dàn pháo 122 ly cách đài Radar Phú Lâm khoảng 500 mét về hướng Tây Bắc. Sau khi thả trái bom thứ 2 xuống mục tiêu thứ nhì, tôi ngưng lại và chờ đợi. Trong thời gian nầy, tôi nghe giọng Tướng Kỳ trong vô tuyến:

    - Phi Long 51, anh cứ trút hết bom đạn xuống mục tiêu và mời anh ghé nhà tôi nhậu tối nay.

    Mặc dù tôi đã biết người ra lịnh cho tôi là ai nhưng tôi vẫn hỏi lại:

    - Giới chức vừa ra lịnh cho Phi Long 51, xin cho biết danh hiệu.

    - Tôi Thần Phong 01, Th/Tướng Kỳ đây!

    Vừa bay lượn,vừa quan sát mục tiêu,tôi vừa trả lời:

    - Tôi bay lên đây một mình với 10 trái bom MK81 (250 cân Anh) Với kinh nghiệm chống pháo, tôi nghĩ nên chờ khi nào thấy rỏ mục tiêu hãy thả bom. Tôi có thể ở đây ít nhất 3 giờ nữa. Xin Thần Phong 01 an tâm!

    Ngoài chúng tôi ra, còn có các PHĐ (Phi Hành Đoàn) của năm ba chiếc trực thăng đang quây quần ở phía Đông Bắc Phú Lâm, các nhân viên của đài kiểm báo Paris (có thu âm) nghe được trên tần số. Tôi nghĩ họ là những nhân chứng hùng hồn với một sự thật, sáng như ánh mặt trời mà không có bóng đen nào có thể che khuất được hay làm lệch lạc đi đươc.

    Tôi tự hào là một trong những người chiến sĩ đã bám sát lấy chiến trường cho đến giờ phút chót. Tôi, Trần Văn Phúc, chính là người đã lái chiếc A1 Skyraider mà bài viết gọi là viên phi đội trưởng với lời lẻ "KHINH MẠNG trả lời" (không biết ngôn từ kỳ lạ nầy đã được viết sai chính tả? hay có một hàm ý nào mà tôi và những người đọc không thể tìm được trong Tự Điển Việt Nam)

    Khoảng 15 hay 20 phút sau, có lẻ bọn chúng (VC) nghĩ tôi hết bom nên bắt đầu pháo trở lại, nhìn rỏ nhiều dàn pháo 122 ly, liên tục phóng lên và nhờ vậy rất dễ dàng cho chúng tôi thanh toán những mục tiêu nầy. Lúc bấy giờ Th/Tá Phùng đã bay đến nơi, mặc dù vô tuyến bị hư (không nói được) nhưng Th/Tá Phùng vẫn cất cánh bay lên và cùng với tôi sát cánh chiến đấu bên nhau (vậy gọi là hỗn quan, hỗn quân?).

    Sau khi dập tắt các dàn pháo ở Phú Lâm, chúng tôi đã trở về để bảo vệ phi trường TSN và Thủ Đô Sàigòn lúc 5 giờ 25 phút và sau đó, chúng tôi cùng với PHĐ của chiếc AC 119 vừa cất cánh với danh hiệu Tinh Long 07 do Tr/uý Trang Văn Thành (Thành Cambốt) trưởng phi cơ, bảo vệ Thủ Đô Saigòn. Sau đó 1 phi tuần 2 chiếc A-1 của PĐ 514 do Th/Tá Hồ Ngọc Ấn và Đ/Uý Nguyễn Tiến Thuỵ từ Cần Thơ bay lên nên tôi đã đáp xuống lúc 6 giờ 50 phút sáng ngày 29/4/75, riêng Th/Tá Phùng chưa chịu đáp xuống và không may, anh bị bắn rơi sau khi chiếcTinh Long 07 trúng hoả tiển tầm nhiệt SA-7 không lâu.

    Vì đây là những dữ kiện mang tính chất lịch sử có liên quan đến Tổ Quốc và nhất là danh dự cúa Quân Chủng Không Quân, nên tôi đã nhiều lần cố gắng liên lạc với ông Phan Nhật Nam (qua emailnn943@aol.com) với thành ý đóng góp những tin tức hoàn toàn xác thật, được chứng minh bởi những chiến sĩ đồng đội đã có mặt trên chiến trường VN cho đến giờ phút cuối cùng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không nhận được hồi âm, nên tôi xin phép quý NT, các bạn KQ, đọc giả CT và ADMIN cùng BĐH CT mượn diển dàn nầy để một lần nữa, với hoàn toàn thành ý xin đóng góp cùng người viết dưới tên của ông Phan Nhật Nam.

    Vì Tổ Quốc VN, vì danh dự của Quân Chủng Không Quân cũng như của toàn thể chiến sĩ VNCH, nhất là những đứa con đã ở lại với Mẹ VN cho đến giờ phút chót, sau cùng là vì đại danh và uy tín của nhà văn Phan Nhật Nam, chúng tôi mong được một sư hồi âm, và hơn nữa cùng nhau đóng góp để lưu lại những trang sử đẹp và thật cho hậu thế của chúng ta.

    Chào ông Phan Nhật Nam.

    Cựu KQ Trần Văn Phúc PĐ 518 và các chiến hửu July 01 2008.

    Đặc biệt cám ơn sự giúp đở của ADMIN và Ban Điều Hành phanchautrnhdanangcom đã giúp đở và cùng tôi gởi email cho ông Phan Nhật Nam.
    Cựu KQ Trần Văn Phúc PĐ 518 và các chiến hửu July 01 2008.

    Ông Phan Nhật Nam (PNN) trả lời tôi bằng cách bịt miêng tôi, cấu kết với Webside Cánh Thép delete bức thư của tôi 4 ngày sau là ngày 5/7/2008.

    Thưa quý vị,

    Ông PNN đạ bẽ cong ngòi bút, coi thường sự thật của lịch sử, nhục mạ những người đã liều chết để bảo vệ hàng ngàn người trong Tân Sơn Nhứt trong đó có ông. Xin quý vị nghĩ sao về ông Phan Nhật Nam? Nhục mã Không Lực VNCH? QLVNCH?

    Comment


    • #3
      Hôm nay vào đọc bài anh ducquany và NT khongquan2, nhớ lại buổi chiều trước cổng Phi Long, thấy 1 chiếc trực thăng đâu trên sân thượng, bên kia đường 3 chiếc T-54 còn bốc khói, trong phi trường thì nhìn muốn khóc. Đã đọc nhiều lần những bài viết về Tinh Long 7, Th/t Trương Phùng, hôm nay đọc bài phỏng vấn, quả thật lời lẽ của ông PNN viết chi kỳ quái, khó hiểu, tự ông nghĩ ra, hay tưởng tượng làm buồn lòng không ít quân chủng KQVNCH.

      Comment


      • #4
        Lời nói và việc làm của đại nhà văn Phan Nhật Nam

        Với tinh thần huynh đệ tri binh của anh VT, tôi được số phone và gọi đại nhà văn, Đ/U Nhảy Dù Phan Nhật Nam mục đích để giải bày lúc 1 giờ trưa ngày 5/7/2008 nhưng tôi "Chới Với" sau cuộc điện đàm ngắn ngủi :
        "Tao có ghi tên của mầy đâu mà mầy lộn xộn.
        Tao muốn viết gì tao viết, thằng nào làm gì tao"
        Ngay sau đó bức thư của tôi trên Cánh Thép được biến mất mà không 1 lời giải thích. Thì ra ông PNN đã cấu kết với BBT của Cánh Thép bịt miệng tôi để bẽ cong Lịch Sử.
        Một thời gian ngắn sau trên mạng phanchautrinhdanang.com bức tâm thư của tôi cũng biến mất.

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X