Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Huyền Sử Ca Một loài Chim Quý! - Trần Ngọc Nguyên Vũ

Collapse
X

Huyền Sử Ca Một loài Chim Quý! - Trần Ngọc Nguyên Vũ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Huyền Sử Ca Một loài Chim Quý! - Trần Ngọc Nguyên Vũ

    Huyền Sử Ca Một loài Chim Quý!
    (Để nhớ về những người Lính năm xưa đã hy sinh cho lý tưởng tự do của dân tộc)

    Trần Ngọc Nguyên Vũ

    *****


    Phảng phất đâu đây mảnh phi bào
    Của những người trai một thời ngang dọc.


    *****

    "Vùng trời nào đó anh đã bay qua"
    "Chỉ còn lại đây những sáng bao la"
    "Người tình rồi quên"
    "Bạn bè rồi xa"
    "Ôi tháng năm những dấu chân người cũng bụi mờ..." (**)


    Âm điệu của khúc nhạc vừa tấu lên đã bay vút vào khoảng không gian như một ngọn âm phong thổi xoáy vào tim người nghe, rồi thì một tấm màn tang buông xuống, bàng bạc mênh mang phú kín cả bầu trời để tiếc thương cho một loài chim vừa gẫy cánh...

    Khi Thiếu Úy Đoàn Phương Hải dẫn một toán quân Dù truy dồn đám đặc công VC về phía nghĩa trang trong căn cứ Tân Sơn Nhất vừa tới nơi thì chỉ còn kịp vuốt mắt cho vị tư lệnh Không Đoàn 33 Chiến Thuật, một "phi công huyền thoại" của thế hệ "mầu tím hoa sim" đã hiến dâng thân mình cho đại cuộc...


    Cố Chuẩn Tướng Lưu Kim Cương
    Tư lệnh Không đoàn 33 chiến thuật
    kiêm Chỉ huy trưởng Yếu khu Tân Sơn Nhất

    Chuẩn Tướng Lưu Kim Cương nguyên "Chỉ Huy Trưởng đời thứ hai" của Biệt Đoàn 83, người đã từng cùng vị Chỉ Huy tiền nhiệm và những tên tuổi đã đi vào huyền thoại như Nguyễn Ngọc Khoa, Phan Thanh Vân đi lại nhiều lần trên quãng đường sinh tử theo với chiều dài của một thời ly loạn...Từ những địa danh ngút ngàn lửa đạn bên kia dòng Bến Hải như Vĩnh Linh, Đồng Hới, Hà Tĩnh, đến vùng núi rừng u uất dầy đặc phía Tây Bắc dẫy Trường Sơn dọc theo biên giới Lào Việt, hay trên vùng trời đầy cạm bẫy xuôi theo dòng "sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc" (*) vào những đêm trăng mờ huyền hoặc để thi hành những phi vụ cực kỳ khó khăn và nguy hiẻm mà tưởng chừng như chỉ được nghe kể trong những câu chuyện cổ tích...

    Lưu Kim Cương, cái tên long lanh lấp lánh như một viên đá qúy ngoài đời nhưng lại được che phủ bởi một tấm màn nhung bao quanh cuôc sống đầy bí ẩn của "Người Phi Công Huyền Thoại". Người ta được nghe nói nhiều về ông nhưng ít ai có dịp gặp mặt để cùng ông hàn huyên tâm sự. Ông kết giao với Trịnh Công Sơn, một nhạc sỹ thuộc loại phản chiến ở miền Nam, chính quyền hồi đó theo dõi những hoạt động âm nhạc của họ Trịnh. Nhiều người thích nhạc của TCS vì nó hợp với tính chống đối và nổi loạn của tuổi trẻ, nhưng cũng có nhiều người nhìn anh bằng cặp mắt e ngại...Riêng đối với Lưu Kim Cương thì ông đã cảm nhận được hồn nhạc của Sơn qua thân phận u uẩn của con người trong thời chiến...Ông đãi Sơn bằng tấm chân tình của một tri kỷ chẳng khác nào như Bá Nha đối với Chung Tử Kỳ ngày trước, và chắc hẳn Sơn cũng đáp lại ông bằng một tấm lòng trung hậu như Tử Kỳ đối với Bá Nha vậy. Ông thường hay đưa Sơn vào căn cứ KQ TSN và tổ chức những buổi văn nghệ bỏ túi cạnh câu lạc bộ Mùa Hoa Phượng để cho anh say sưa ngồi nghe những giọng hát thăng hoa cuộc đời mình qua những bản nhạc như Hạ Trắng, Diễm Xưa, Mưa Hồng, Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng...Ngày ông nằm xuống, Sơn quằn quại co mình vào trong chiếc tổ kén để nhả ra những sợi tơ lòng khóc bạn tri âm...Bản nhạc vừa được tung ra đã vụt thoát khỏi chiếc lồng son của nhạc sỹ, bay vút vào khoảng trời vô tận, bỏ lại cho đời những day giứt xót xa...và người ta đón nhận nó không phải chỉ qua giọng ca tiếng nhạc mà còn bằng cả những tiếng thổn thức của con tim...

    "Anh nằm xuống như một lần đã đến đây"
    "Đã vui chơi trong cuộc đời này"
    "Đã bay cao trên vòm trời này"...
    "Rồi nằm xuống không bạn bè không có ai"
    "Không có ai từng ngày"
    "Không có ai đời đời ru anh ngủ"
    "Mùa mưa tới trong nghĩa trang này có loài chim thôi..."

    "Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên"
    "Tiễn đưa anh trong một ngày buồn"
    "Đất ôm anh đưa về cội nguồn"
    "Rồ từ đó trong trời rộng đã vắng anh"
    "Như cánh chim bỏ rừng"
    "Như trái tim bỏ tình"
    "Nới đây một lần nhìn anh đến"
    "Những xót xa đành nói cùng hư không" (**)...


    Vâng anh đã nằm xuống như một sự hy sinh cao đẹp nhất của những người Lính chiến, cho dù là bên dòng sông Đáy vào một đêm trăng mờ huyền hoặc, hay những giây phút quay cuồng vật lộn với Tử Thần trong những đường bay nghẹt thở trên bầu trời mịt mù khói lửa qua những địa danh như Vĩnh Linh, Hà Tĩnh, Hòn Cọp...thì thân xác anh cũng đã được ấp ủ ngàn đời trong vòng tay êm ấm của Mẹ Việt Nam yêu dấu...

    "Anh nằm xuống như một lần vào viễn du"
    "Đứa con xưa đã tìm về nhà"
    "Đất hoang vu khép lại hẹn hò"
    "Người thành phố trong một ngày đã nhắc tên"
    "Như sớm mai lửa đạn, như máu xương chập chùng"
    "Xin cho một người vừa nằm xuống...Thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang.... (**)


    Thật đúng như vậy, bởi vì còn có lời cầu xin nào chân thành và tha thiết hơn cho một người Lính đầy tính nhân bản, với cuộc sống hào hùng và lãng mạn đã hy sinh cho Tổ Quốc được thênh thang nơi cõi Vĩnh Hằng cao diệu vợi...Ông ra đi để lại cho người thân biết bao luyến tiếc nhớ thương và để lại cho đời một điệp khúc còn dang giở trong bản "Trường Thiên Anh Hùng Ca" bất hủ của dân tộc.

    Thôi nhé xin được một lần đứng nghiêm giơ tay chào vĩnh biệt người "Phi Công Huyền Thoại" của KLVNCH... Từ nay con Đại Bàng sẽ mãi mãi tung cánh thênh thang bay lượn cùng với mây trời gió núi, rồi về đậu trên những trang quân sử bi hùng ngàn đời của dân tộc.

    Trần Ngọc Nguyên Vũ
    (Những điệp khúc còn dang giở...)

    Chú thích:

    (*) Thơ Quang Dũng
    (**) Xin cho một người vừa nằm xuống. Nhạc Trịnh Công Sơn


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X