Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Bèo giạt (23) – “Dũng tự tử” - hoànglonghải

Collapse
X

Bèo giạt (23) – “Dũng tự tử” - hoànglonghải

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bèo giạt (23) – “Dũng tự tử” - hoànglonghải

    Bèo giạt (23) – “Dũng tự tử”

    hoànglonghải


    <img src="https://hoiquanphidung.com/uploadpics/hqpd1017/1522822595-vb.jpg" width= "400" hight = "200"; style= "float: left; margin-right: 20px; border: solid black; padding: 2px"/>
    Hỡi ơi!
    Ngươi vẫn can trường như bại tướng
    Lấy máu xương mà rửa hận núi sông!


    Dũng thường nói những người tham gia tranh đấu, những người đã từng tự lấy dao đâm vào bụng, máu chảy tèm lem mà vẫn không chịu cho băng bó, cho đưa đi bệnh viện, mà chỉ cho khiêng lên văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn, nằm vạ tại đó suốt ngày, là chưa quyết liệt. Với những người ở chung một nhà, Dũng bảo “Tôi sẽ chơi một trận, Cao Ủy, Mã Lai đều kinh hoảng!” Mã Lai tức là Lực Lượng Task Force của chính phủ Mã Lai.

    Thông thường, hơn hai mươi tuổi như Dũng, ở trại, người ta bồ bịch tùm lum, thường bị người ta phê phán về cái phẩm chất, tư cách. Dũng không thế. Ở đảo, anh ta chẳng có bồ bịch gì, chỉ lo học tiếng Anh. Hơn một năm sau, anh ta được chọn làm giáo viên, dạy Anh Văn cho người mới tới. Vậy là giỏi lắm đấy!

    Khi phong trào đấu tranh đòi hủy bỏ thanh lọc nổ ra, anh ta không tham gia, nhưng có nói với vài bạn bè, phải quyết liệt hơn nữa, cho bọn họ biết mặt. Bọn họ là Cao Ủy và Mã Lai.

    Dũng vượt biên với đứa em trai, thua Dũng hai ba tuổi gì đó. Mọi sinh hoạt Dũng lo lắng hết, từ áo quần, tắm giặt, ăn uống, xách nước, học hành… Em Dũng lủi thủi theo anh, như một cái bóng, mọi việc đều dựa vào người anh.

    Hình như đó là nếp sinh hoạt mà người ta thường nói một cách nôm na “Chị lấy hết duyên em”. Người chị, người anh càng khôn ngoan, lanh lợi bao nhiêu thì người em ngù ngờ, bấy nhiêu, thiếu sự độc lập.

    Nói cho đúng, hoàn cảnh gia đình, hay như thường nói: “back ground” của Dũng cũng dễ “đậu thanh lọc” lắm.

    Bố Dũng là thiếu tá chế độ cũ. Ngày Đà Nẵng sắp mất, ông “đẩy” vợ con lên một chiếc ghe lớn, ghe chở hàng, chạy đường Saigon – Đà Nẵng. Còn ông thì ở lại, theo đơn vị, không thể bỏ đơn vị được. Ông bảo vậy. Mẹ và anh em Dũng vô tới Saigon, tạm trú tại nhà bà con, “chờ ba về”, như mẹ Dũng nói.

    Nhưng ba Dũng có về đâu!

    Đà Nẵng mất rồi, không thấy tin tức gì. Mẹ và anh em Dũng hy vọng ba sẽ đi bộ dần về Nam. Thế rồi Nha Trang mất, Cam Ranh mất, Phan Rang, Phan Thiết, Xuân Lộc mất… Mối hy vọng càng ngày càng mong manh! Mãi đến khi ông Minh đầu hàng, gia đình Dũng cũng không thấy tin tức gì của ba Dũng cả.

    Mãi năm năm sau, khi có một ông trung úy nguyên là thuộc cấp của ba Dũng, tù cải tạo ở ngoài Trung được tha, về Saigon tìm được nhà, báo tin cho mẹ Dũng biết. Đơn vị chưa đánh đã tan tác, ba Dũng chỉ huy một số binh lính còn lại, từ Quảng Nam rút về Đà Nẵng, đi dọc theo bờ biển. Cứ đi một đoạn lại đụng địch. Hai bên nổ súng thật căng. Đơn vị của ba Dũng vượt qua được nhiều chỗ bị đánh chặn. Khi về gần tới núi Non Nước, hao hụt gần hết, chỉ còn hơn mười người. Ba Dũng đánh một trận nữa, hy vọng về tới Sơn Chà sẽ gặp cấp chỉ huy, sẽ được yên. Nhưng đó không phải là “một trận nữa” mà là “trận chót”. Đơn vị bị tiêu diệt hoàn toàn ở đó. Ba Dũng chết ngay bên bờ biển, sau một cái mô cát, còn ông trung úy thì bị bắt, bị đưa đi tù cải tạo.

    Rõ rồi, mẹ và anh em Dũng không trông chờ gì nữa!

    Ba Dũng đi lính cũng gần 10 năm, lên tới loon thiếu tá, nhưng không vì thế mà gia đình Dũng giàu có. Dũng biết ba má Dũng có ngôi nhà ở Đà Nẵng, nhà cũng đẹp, nhưng tới 30 tháng 4 / 75 là coi như mất. Tài sản chỉ có chừng đó.

    Chạy về tới Saigon, thời gian đầu, mẹ Dũng chưa làm gì cả, ngồi chờ chồng. Được ít lâu, phải buôn bán nuôi con. Dũng và các em còn nhỏ tuổi cả.

    Những năm vượt biên nhiều, gia đình Dũng không đi được. Không có tiền! Nội ngoại đều trung trung, không ai có thừa để giúp đỡ mẹ Dũng. Mãi đến năm 85, 86, khi Dũng đã học xong trung học, không hy vọng gì vô được đại học. Mấy năm sau, Việt Cộng cũng lỏng cửa cho đi, mẹ Dũng cho Dũng và đứa em trai vượt biên, hy vọng qua Mỹ, Úc… Dũng và đứa em có cơ hội học hành, sẽ thánh tài.

    Khi chuẩn bị hồ sơ thanh lọc, soát xét lại những giấy tờ cần thiết như chứng chỉ ở trong quân đội Cộng Hòa, hình ảnh sĩ quan chế độ cũ của ba Dũng, Dũng không có gì hết. Dũng gởi thư về Việt Nam, nhờ mẹ tìm lại giúp; mẹ cũng chịu. Dắt con chạy giặc từ Đà Nẵng vào Saigon, mẹ Dũng chỉ có thể đem theo một ít quần áo, sợ con lạnh, một ít gạo sấy, sợ con đói, vài thứ nữ trang không cao giá. Chỉ có vậy. Dũng cũng biết mẹ chỉ có chừng đó. Dũng chỉ còn một hy vọng, trình bày rõ ràng, mạch lạc cho phái đoàn thanh lọc rõ. Đậu thì tốt, còn như hỏng, Dũng có cách làm cho họ phải kinh hoảng lên, để họ biết người Việt Nam là như thế nào, không phải ai cũng tầm thường như ai!

    Sau khi được phỏng vấn thanh lọc ở trại Marang xong, Dũng và em được đưa về trại Sungei Beshi, gần Kuala Lumpur.

    Tình hình kết quả thanh lọc bây giờ bết lắm, “rụng như sung”, không dễ thở như lúc ban đầu.

    Khởi thủy, mặc dù người chủ tọa Ủy ban Thanh lọc là sĩ quan Mã Lai, nhưng người ta hiểu, đậu hay hỏng là do ở luật sư Cao Ủy. Luật sư Cao Ủy hồi đó là người Châu Âu: Hòa Lan, Thụy Sĩ, Đan Mạch hoặc Ấn Độ, Tích Lan. Họ không tha thiết với công việc của họ vì họ làm thiện nguyện, một năm hoặc hai năm, mãn giao kèo thì về nước.

    Bây giờ người làm thiện nguyện ít đi, Cao Ủy phải thuê luật sư Mã Lai, phần đông là người Mã gốc Tầu, lương mỗi tháng hai ngàn đô, ngày chỉ làm việc một buổi. Lương lậu như thế, đối với tình hình kinh tế của Mã Lai lúc ấy, là cao lắm. Cho nên các luật sư Mã Lai cố giữ cái “job” của mình. Giữ cái “job” có nghĩa là đánh hỏng càng nhiều càng tốt. Đậu nhiều là thêm khó khăn cho Cao Ủy: Nuôi ăn, chờ các nước đến nhận cho định cư. Các nước bây giờ thì cũng nản, ít khi tới nhận người định cư, có cũng nhận ít đi, so với trước.

    Để cho “boss” khỏi phiền, để “boss” vui lòng, để giữ quyền lợi hai ngàn đô mỗi tháng, cho hỏng nhiều càng tốt. Hỏng bao nhiêu, hồi hương bấy nhiêu! Đối với các luật sư Cao Ủy gốc Tầu-Mã, làm như thế là bớt trách nhiệm. Họ không cần biết khi hồi hương, những thuyền nhân đó sẽ gặp khó khăn gì!? Những người như hạng luật sư nầy, làm sao được định cư ở Mỹ, ở Úc. Còn như người tỵ nạn, từ trước tới giờ, ưu tiên định cư nơi họ muốn. Các ông luật sư, dù có học hành, có văn hóa, cũng có ít nhiều ganh tị với người tỵ nạn đấy chứ!

    Hơn thế nữa, quyền lợi là trên hết. “Sống chét mặc bây, tiền thầy bỏ túi.” Sự tàn nhẫn đó, đâu phải chỉ có ở Việt Nam, trong tiểu thuyết của nhà văn Phạm Duy Tốn.

    Dũng chuẩn bị đón kết quả thanh lọc thật kỹ.

    Anh ta lên trường dạy nghề, gặp thầy Lê Vĩnh Tường, xin một khúc thép nhỏ và cứng. Tường lấy một đoạn ống thép trong máy chiếc xe hơi hư mà ông dùng để dạy học viên, cưa dọc, đưa cho Dũng. Ông Tường nói: “Thép Mỹ, cứng lắm”.

    Dũng mượn dụng cụ ở chỗ ông Tường dạy, đập dẹp miếng thép, cắt thành hình một lưỡi dao, như lá lúa. Xong, Dũng tìm phía hàng rào, một cục đá mài. Nhẫn nại, cần cù, Dũng ra ngồi phía ngoài nhà tắm, mài một cạnh thật sắc, mũi dao thật nhọn. Công việc kéo dài hàng tuần. Mài xong, Dũng đem dấu, sợ lính Mã Lai xét đồ, bắt gặp, tịch thu. Lâu lâu, Dũng đem ra xem lại, lại mài thêm một lần nữa, sợ dao không được bén.

    Dược sĩ Phạm Hồng Hóa chế độ cũ, ở chung một nhà với Dũng cho biết, hai anh em Dũng có chỗ nằm kế bên ông dược sĩ. Dũng yêu thích và kính trọng những người có trình độ hiểu biết để Dũng hỏi han, tìm hiểu về những gì thuộc chế độ cũ. Ba mươi tháng Tư, Dũng chưa tới 15 tuổi, Dũng có biết gì đâu về một chế độ mà ba Dũng đã phục vụ và hy sinh. Cứ nghe thầy cô giáo, cán bộ công an, gọi những người ba Dũng là Ngụy. “Ngụy là cái gì?” Dũng hỏi dược sĩ Phạm Hồng Hóa về ý nghĩa của chữ đó.

    – “Ngụy là tà” – dược sĩ Phạm Hồng Hóa nói. “Tà thì nghịch với chánh. Việt Cộng họ coi họ là chánh, là có chánh nghĩa. Dân chúng miền Nam, quân đội miền Nam, chính phủ miền Nam là ngụy, là không có chính nghĩa, là tay sai đế quốc Mỹ. Bài bản người ta giáo dục kỹ lắm, bộ Dũng không học sao?”

    – “Không học cũng phải học, không nghe cũng phải nghe. Nghe riết thì cũng thành quen, cho là phải, nhưng trong lòng lại tức anh ách. Cháu không tin ba cháu là tà, là tay sai, là Ngụy, nên cứ thắc mắc hoài!” Dũng nói.

    – “Việt Cộng chơi trò lưu manh “Tăng Sâm giết người đấy” (1). Thật ra, người miền Nam có chính nghĩa đấy. Chính nghĩa của họ là Tự Do. Nói rõ ra là họ chiến đấu bảo vệ Tự Do cho dân chúng miền Nam, cho Tự Do, cho Thế giới Tự do. Không có họ thì ngày nay “Làn Sóng Đỏ” đã lan tới Singapore. Nam Dương cũng rét run, Úc châu cũng rung rinh. Thấy được như thế mới biết công trạng của họ to lắm.” Dược sĩ Hóa giải thích.

    – “Vậy tại sao họ thua?” Dũng hỏi.

    – “Chịu! Không thể hiểu được. Đó là vấn đề chính trị của các cường quốc, đại cường quốc. Sau nầy, khi Dũng định cư rồi, học hành, tìm tòi tài liệu, Dũng sẽ gặp những giải đáp rất hay đấy.” Dược sĩ Hóa giải bày.

    Dũng mang cái hoài bảo đó: Định cư. Dũng sẽ học, sẽ tìm hiểu, nghiên cứu, để trả lại cho ba Dũng, cho quân đội Cộng Hòa, cho dân chúng miền Nam, cái danh dự họ đã có, cái trách nhiệm ba Dũng đã hoàn thành. Ông nằm xuống, có nghĩa là ông đã hoàn thành trách nhiệm của ông. “Người như ba mình mà là tà, là ngụy sao được.” Dũng không tin, không thể tin được. Dũng thường nói ý nghĩ ấy với dược sĩ Hóa.

    Và Dũng lại chăm chỉ mài con dao lá lúa cho thật bén trong khi chờ đợi ngày nhận kết quả thanh lọc.

    Có lần Dũng tâm sự với dược sĩ Phạm Hồng Hóa:

    – “Tại sao khi mài dao, cháu thấy nước mài dao có màu đỏ máu?”

    – “Chắc hòn đá mài dao là hòn đá đỏ chớ gì?” Dược sĩ Hóa nói.

    – “Không! Không chú à. Hòn đá màu xám, như người ta thường gọi là màu gan gà. Cháu chọn đá kỹ lắm mà!” Dũng trả lời.

    – “Kỳ thiệt hè?” Dược sĩ Hóa nói. “Hay cháu bị ảo giác. Cái ảo giác làm cho mình tưởng ra như thế!”

    – “Cháu cũng có nghĩ như chú. Thấy nước màu máu, cháu nghĩ như thế. Cháu lắc đầu mấy cái cho tỉnh ra. Nhìn lại, cháu vẫn thấy màu đỏ máu.” Dũng nói, không vui!

    Thế rồi, Dũng có tên trong danh sách những người sẽ được nhận kết quả thanh lọc ngày hôm sau.

    Dũng dậy sớm, ra phòng tắm dội mấy gàu nước cho sạch sẽ, tỉnh ngủ. Xong, Dũng vào nhà lấy bộ quần áo Dũng đã để dành sẵn cho ngày hôm nay. Cái áo “sơ-mi” trắng tinh, mới may, để chờ ngày đi định cư thì mặc. Nghĩ gì đó, Dũng nói thầm: “Hôm nay cũng là ngày trọng đại của mình vậy.”

    Xong, Dũng nấu mì gói ăn. Hai tô, một tô cho Dũng và một tô cho em mình. Ăn xong, Dũng lấy gói càphê của học trò biếu Dũng. Dũng pha càphe sữa cho anh em Dũng và cho duợc sĩ Hóa.

    Thấy anh sửa soạn đi, người em của Dũng hỏi:

    – “Em có đi theo anh không?”

    – “Khỏi!”

    Thấy cách nói của mình hơi cộc lốc, Dũng lại dịu dọng với em:

    – “Một mình anh đi được rồi. Anh đứng đầu “blue-card”. Hễ anh đậu thì em cũng đậu.”

    Khi Dũng rời nhà, dược sĩ Hóa nói to, với theo:

    – “Chúc may mắn nghe Dũng.”

    Dũng quay lại, nói “cám ơn”. Rồi cười, mạnh dạn ra đi.

    Khoảng một giờ đồng hồ sau, những người có tên trong danh sách được cô Mai, thư ký của Cao Ủy, yêu cầu sắp hàng trước của văn phòng Task Force.

    Đây cũng là một cách “đổi tuồng”.

    Ban đầu thì Cao Ủy phát kết quả thanh lọc.

    Sau khi có biểu tình đấu tranh đòi bải bỏ thanh lọc diễn ra trước văn phòng Cao Ủy thì Cao Ủy đẩy việc phát kết quả thanh lọc qua cho Mã Lai. Do đó, cũng như mấy lần trước, Task Force bữa nay trao kết quả thanh lọc cho thuyền nhân.

    Lần lượt, từng người được gọi vào văn phòng. Cứ nhìn thái độ của người nhận kết quả rồi, bước ra khỏi cửa, người ta biết người ấy đậu hay hỏng.

    Người thì cười toe toét, đưa tờ giấy ghi kết quả đưa lên cao, hoa hoa, ấy là “đậu”. Không mấy người đậu. Phần đông thì vừa đi ra vừa khóc, có người khóc òa, nức nở…

    Tới phiên Dũng đi ra, người ta không biết anh ta đậu hay hỏng. Anh không cười, không khóc.

    Những người đứng chờ phía trưóc, nôn nóng hỏi: “Đậu không? đậu không?”

    Không thấy anh ta trả lời.

    Anh bình tĩnh đứng lại trước cửa, sau khi vừa bước ra xong. Đưa mắt nhìn mọi người, nhìn chung quanh, nhìn lên trời.

    Anh đưa hai tay lên ngực, không biết làm gì đó. Rồi bỗng anh gục xuống, té dài xuống đất. Mọi người lấy làm lạ chạy tới.

    Một dòng máu chảy ra ở ngực anh, thắm đỏ chiếc áo trắng.

    Thế rồi có người la lên: “Tự tử! Tự tử.” Có tiếng người là tiếp theo “Anh Dũng tự tử. Anh Dũng tự tử bà con ơi!”

    Tiếng khóc, tiếng la chen lẫn. Thấy lộn xộn, lính Mã Lai chạy tới, xua những người đang xúm quanh Dũng ra xa.

    Dân chúng nghe tin, tụ họp càng lúc càng đông, bàn tán, xôn xao, giao động. Lại có tiếng khóc, tiếng than. Có mấy nhân viên khối An Ninh chạy ra. Cũng có hai người ở bệnh viện xách băng-ca chạy tới, đặt Dũng lên đó. Anh ta còn thoi thóp thở. Dũng liền được đưa vào bệnh xá. Bác sĩ thuyền nhân Hồng Khắc Xuân Vinh mở nút áo ngực, đặt ống nghe vào đó. Một lúc, bác sĩ Vinh lấy ống nghe, đứa mắt nhìn mọi người chung quanh, lắc đầu. Mũi dao đã thấu tin.

    Té ra Dũng chuẩn bị khá kỹ. Nếu hỏng thanh lọc, anh sẽ tự tử ngay tại trước văn phòng Task Force.

    Khi mặc áo quần xong để đi nhận kết quả, Dũng lén dấu lưỡi dao lá lúa vào túi quần, không ai hay cả. Đến khi nhận phong bì có tờ giấy kết quả ở trong, đọc tới hai chữ “từ chối”, Dũng từ từ bỏ tờ giấy vào giữa bì thư, xếp đôi lại, đút vào túi quần, quay ra.

    Trên quãng đường ngắn từ bàn giấy của người phát kết quả ra tới cửa, vừa đi, Dũng vừa rút lưỡi dao trong túi quần ra. Các nhân viên Mã Lai đang làm việc, không ai để ý.

    Ra khỏi cửa, nhìn mọi người đang chờ, Dũng mím miệng, không cười, không khóc, và như đã có chủ định từ trước, anh ta từ từ đưa mũi dao nhọn lên ngực, chỗ có quả tim. Có lẽ đã nghiên cứu rồi, Dũng canh mũi dao sao cho nằm giữa hai cái xương sườn. Rồi tay kia, tay mặt, Dũng ngữa bàn tay ra, để cán dao lọt giữa lòng bàn tay, ấn thật mạnh một cái. Mũi dao sắc, chỉ gặp thịt mềm, đi rất “ngọt”, qua lớp da và thịt mỏng, thẳng vào tim. Tới lúc đó thì có thể Dũng cảm thấy đau nhói ở ngực, và gục xuống… bất tỉnh.

    Theo cách hiểu của bác sĩ thuyền nhân Hồng Khắc Xuân Vinh, Dũng đã làm như thế.

    Nghe tin Dũng tự tử, thầy Nguyên Đạt, đang mặc sẵn chiếc áo nâu sồng liền chạy ra ngay Task Force. Tới nơi lại nghe Dũng đã được đưa vào bệnh viện, Thầy vội vàng tới ngay bệnh viện.

    Bệnh viện đang chuẩn bị đưa Dũng đi Kuala Lumpur, may ra còn cứu được. Trạm y tế của trại tỵ nạn không đủ phương tiện. Thầy Nguyên Đạt nhờ người về tìm người em của Dũng lên. Một chốc thì anh ta tới nơi, mặt mày nhợt nhạt, kinh hãi đến nỗi như người vô cảm, không còn khóc được.

    Thầy bảo:

    – “Chút nữa con đi với Thầy ra bệnh viện.”

    Anh ta chỉ biết dạ.

    Thầy Nguyên Đạt xin với nhân viên y tế Mã Lai cho Thầy và người em của Dũng đi theo xe cứu thương.

    Chiếc xe vội vàng ra cổng, ga lên mạnh, để lại phía sau một đám khói đen.

    Cũng phía sau, hàng trăm người chen chúc trông theo chiếc xe, có kẻ khóc thầm, có kẻ khóc nức nở, tinh thần hổn loạn, hoang mang, hy vọng trong tuyệt vọng. Người cúi đầu, kẻ cầu nguyện…

    &

    Dũng tắt thở khi đang trên đường xe cứu thương đưa Dũng ra bệnh viện Kuala Lampur. Người y tá ngồi trong xe, bên kia cái “băng-ca”, đưa tay báo tin cho Thầy Nguyên Đạt cùng người em của Dũng ngồi bên nầy “băng-ca” biết.

    Thầy cảm thấy có hai dòng nước mắt chảy trên má Thầy. Hai mắt thầy mờ đi vì những giọt nước mắt cứ tiếp tục tuôn ra.

    Thầy đưa cánh tay áo nâu của Thầy quẹt lau những giọt nước mắt ấy. Là một người tu hành chân chính theo đạo Phật, Thầy hiểu rất rõ sự phù du của cuộc sống trần ai, nhưng những đau thương của đồng bào tỵ nạn diễn ra hằng ngày trước mắt thầy, và đỉnh cao của nỗi đau thương ấy là cái chết của Dũng ngày hôm nay, không thể không làm cho Thầy thấy đau xót cho kiếp người tỵ nạn.

    Phật tổ vì sinh lão bệnh tử của người đời mà đi tu. Hôm nay, cũng vì cái sinh lão bệnh tử của người tỵ nạn mà Thầy khóc.

    Thầy không khóc cho Thầy. Thầy có cái ham muốn gì đâu mà phải khóc. Chiếc áo nâu sồng đã cũ Thầy mặc mỗi ngày là biểu tượng cho cuộc sống chân chất của Thầy, của dân tộc, của Việt Nam. Cái mầu nâu sồng ấy, là tượng trưng cho mầu dân tộc, của ruộng rẫy, cày bừa. Nó không phải là mầu kiêu sa, mầu huy hoàng, mầu được thần tượng hóa, thánh hóa. Có khi nó sờn rách, bạc mầu, vá víu, nhưng nó không phải là cái mầu ngững cao đầu, tự hào, tự tôn, kiêu hảnh mà chính là cái mầu cúi xuống, chăm chỉ học hành, nghiên cứu, tìm hiểu trên những trang kinh sờn rách, chữ viết đã mờ phai…

    Và hôm nay Thầy dùng cái áo nâu ấy để lau những giọt nước mắt mà Thầy đã khóc cho Dũng, khóc cho đồng bào tỵ nạn của Thầy, những người đang bị vây khổn trong bốn phía hàng rào kẽm gai. Đồng bào của Thầy như những con cá mắc trong lưới, dính vào lưỡi câu, càng vùng vẫy, nỗi đau càng lớn, càng sâu.

    Khi trời chiều tắt đã lâu, đèn đường đã sáng, Thầy mới ra khỏi bệnh viện. Thầy phải chờ bác sĩ làm xong những thủ tục cần thiết, xác nhận Dũng đã chết vì vết thương, vì mũi dao lá lúa đâm thấu trái tim, máu từ trong đó trào ra dần dần đến kiệt hết, đến khi trái tim ngừng đập. Vậy là một đời người qua đi, trong ngắn ngủi, trong vây khốn, tức tưởi.

    Thầy lại phải chờ. Khi nhân viện bệnh viện đưa thi hài Dũng xuống nhà xác, đưa vào phòng lạnh, và họ báo cho Thầy vậy là xong. Chờ sáng mai, khi Thầy và người em của Dũng ra lại bệnh viện, họ đem xác Dũng đi thiêu, như lời yêu cầu của người em Dũng.

    Lại chờ hơn nửa tiếng, sau khi Thầy nhờ bệnh viện liên lạc với trại tỵ nạn cho xe ra đón Thầy về.

    Thầy đứng ở cửa xe chờ người tài xế đi đâu đó. Nhìn quanh, thấy trời đã tối, lòng Thầy bỗng chùng lại.

    Cái chết của Dũng, một biến cố quan trọng xảy ra quá đột ngột, cộng với sự xôn xao, dao động của đồng bào tỵ nạn còn đè nặng lên lòng Thầy, cộng thêm với ánh đèn vàng vọt đổ xuống trong sân bệnh viện, cộng thêm một thoáng hơi lạnh trong gió biển đang thổi tới, làm tăng nỗi quạnh vắng, lạ lẫm nơi xứ lạ quê người.

    Từ bao lâu, chưa bao Thầy cảm thấy xúc động vì đồng bào của Thầy, vì cuộc đời, quay quắt đến như vậy. Nghĩ tới ngày mai, nghĩ khi ôm bình tro cốt của Dũng về lại trại tỵ nạn, trước trăm ngàn cặp mắt đẫm lệ, thương xót của đồng bào Thầy, có lẽ Thầy sẽ không nói được một lời nào để an ủi họ, để trấn an họ như Thầy đã từng làm trước kia, khi những người hỏng thanh lọc đến khóc than cùng Thầy.

    Dũng, một thanh niên tráng kiện như thế, đẹp đẽ như thế, nay chỉ còn là bình tro cốt. Thầy thấy ngại khi chỉ vào bình tro cốt mà nói với đồng bào của Thầy rằng cuộc đời nầy chỉ là “sắc không”.

    Cuộc đời là hư vô (2), như Thầy đã học, Thầy đã suy gẫm về nó và cũng từng nghe một câu hát như thế, nhưng bên cạnh cái “hư vô” đó, những đau xót, những uất ức, những nhớ thương, cũng là hư vô đấy, nhưng liệu có mau phai tàn như người ta thường nghĩ.

    Mai đây, khi người em của Dũng ôm bình tro cốt làm “Việt kiều hồi hương” từ trại tỵ nạn, đem về cho mẹ. Mẹ sẽ nghĩ gì về đứa con thân yêu của mẹ đã bỏ mình trong trại tỵ nạn, đã tự làm cho mình một con dao oan nghiệt, và cũng đã kết thúc cuộc đời mình bằng mũi dao oan nghiệt ấy.

    Ở trại tỵ nạn, người ta thương Dũng, tiếc nuối cho Dũng. Nhưng riêng Thầy, Thầy nghĩ đến người Mẹ, người đã sinh ra Dũng, đã làm lụng vất vã nuôi Dũng đến ngày khôn lớn, lo cho Dũng vượt biên để ra ngoại quốc, Dũng có cơ hội học hành. Than ôi, nỗi đau đớn của Mẹ to lớn quá!

    Tất cả đã vỡ tan, và nay, chỉ là bình tro cốt của người con yêu được mang về cho Mẹ. Lòng mẹ thật vĩ đại, nhưng trong hoàn cảnh nầy, nỗi đau của mẹ lại vô cùng to lớn, mênh mông, vô bờ vô bến…

    hoànglonghải

    (1) “Tăng Sâm giết người” là một truyện trong “Cổ Học Tinh Hoa” của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân:

    “Tăng Sâm là đại môn đệ của Đức Khổng tử, quê ở đất Phi, ở đấy có kẻ trùng tên với ông, giết chết người.

    Một người hớt hải chạy đến báo mẹ ông Tăng Sâm rằng:

    “Tăng Sâm giết người.”

    Bà mẹ không tin, nghĩ rằng, chẳng khi nào con bà giết người. Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt cửi.

    Một lúc lại có người đến bảo:

    “Tăng Sâm giết người.”

    Bà mẹ hơi nghi ngại, nhưng không nói gì, cứ điềm nhiên dệt cửi.

    Một lúc lại có người thứ ba đến bảo: “Tăng Sâm giết người.”

    Bấy giờ bà mẹ sợ cuống, quăng thoi, trèo qua cửa sổ, chạy trốn.

    Không tin, nhưng cứ nói mãi, người ta sẽ tin. Đó là phương cách tuyên truyền của Việt Cộng. Mẹ không tin nỗi con, huống gì người thường. Cứ tuyên truyền mãi, dân chúng sẽ tin “Cái láo thành cái thật.”

    (2) “Cuộc đời là hư vô”: mấy câu cuối trong bài “Xin Thời Gian Qua Mau” của Lam Phương

    “Dù rằng sau mưa bão
    Gió hiền hòa lại về
    Vẫn thấy lòng hoang vu
    Cuộc đời là hư vô
    Bôn ba chi xứ người
    Khi mình còn đôi tay.”


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X