Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chuyện Tháng Tư - Trần Lý

Collapse
X

Chuyện Tháng Tư - Trần Lý

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chuyện Tháng Tư - Trần Lý

    Ngày Quân Đoàn I "tan hàng"
    Trần Lý

    Tuyến đầu thất thủ'. Trọng Đạt; ' Cuộc lui binh của Quân Đoàn I'. Nguyễn Đức Phương; 'Da Nang' Fall. 'Malcom Brown'.

    Trên đây là những tựa đề của một số bài viết về sự tan rã của Quân Đoàn I trong những ngày cuối tháng Ba năm 1975.

    Phạm vi của bài này xin chỉ giới hạn trong những ngày cuối cùng của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I và bộ máy hành chánh VNCH tại Đà Nẵng qua những tài liệu trong các tập sách, các bài chuyên khảo, hồi ký Việt-Mỹ viết về chiến Tranh VN. Một số chi tiết được cung cấp qua các buổi mạn đàm của Tác giả và Trung Tá Nguyễn Phú Đức, Chánh Văn Phòng của Tướng Ngô Quang Trưởng.


    ***

    'Saigon, Nam Việt Nam, Chủ Nhật 30 tháng Ba: Một phát ngôn viên của Chính Phủ Sàigòn cho biết là ngày hôm nay, các liên lạc vô tuyến giữa Saigon và Đà Nẵng, đang bị bao vây, đã bị gián đoạn. và đây là dấu hiệu cho thấy Đà Nẵng đã thất thủ' (Malcolm Brown, The NewYork Times, March 30.1975)

    Ký giả Brown cho biết thêm: 'Một nguồn tin đáng tin cậy ở cấp cao hơn cho biết vẫn còn có liên lạc vô tuyến giữa Trung ương vả những quan sát viên VN từ một chiến hạm ngoài khơi Đà Nẵng ; tuy nhiên đây rõ rệt là Chính Phủ Saigon đã mất Đà Nẵng'.

    Đài BBC Luân Đôn, ngay tối 29 tháng 3 năm 1975 đã loan báo Đà Nẵng thất thủ với 100 ngàn quân bị bắt làm tù binh.

    Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, trong 'Can Trường Trong Chiến Bại' viết: ' Vào khoảng 10 giờ sáng ngày 29, Tướng Trưởng, khoác áo phao, cùng Đại Tá Trí, Phó TL TQLC bơi ra biển, được Chiến Hạm HQ 401 vớt. Khi khoác áo phao, Tướng Trưởng thốt ra một câu: 'Coi như đây là một cuộc tự thoát !'.

    Các vị chỉ huy cao cấp nhất tại Quân Đoàn I (khi rã hàng):

    Tư Lệnh Quân Đoàn I: Trung Tướng Ngô Quang Trưởng
    Tư Lệnh Phó / Hành Quân: Trung Tướng Lâm Quang Thi
    Tư Lệnh Phó/ Lãnh Thổ: Thiếu Tướng Huỳnh văn Lạc
    Tham Mưu Trưởng: Đại Tá Hoàng Mạnh Đáng
    Chỉ huy Trưởng Pháo Binh: Đại Tá Phạm Kim Chung
    Trưởng Phòng 2 Q/Đ: Đại Tá Nguyễn văn Phô
    Phòng 3: Đại Tá Lê Bá Khiếu

    Tư Lệnh và Phó Tư Lệnh các Sư Đoàn:
    - SĐ 1 BB: Chuẩn Tướng Nguyễn văn Điềm / Đ/Tá Trương Tấn Thục
    - SĐ 2 BB: Ch/Tướng Trần văn Nhựt / Đ/Tá Hoàng Tích Thông
    - SĐ 3 BB: Ch/Tướng Nguyễn Duy Hinh / Đ/Tá Ngô văn Lợi

    Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải: Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại / Tư Lệnh phó: HQ Đ/Tá Nguyễn Công Hội.

    Sư Đoàn 1 KQ: Chuẩn Tướng Nguyễn Đức Khánh
    Không đoàn 41: Đ/Tá Thái Bá Đệ
    Không đoàn 51: Đ/Tá Đặng Văn Phước
    Không đoàn 61: Đ/Tá Nguyễn Văn Vượng

    Các đơn vị khác tại Đà Nẵng:
    - SĐ Thủy Quân Lục Chiến: Tư Lệnh: Th/Tướng Bùi Thế Lân / Phó: Đ/Tá Nguyễn Thành Trí

    Các Tỉnh Trưởng và Thị Trưởng:
    - Quảng Trị: Đ/Tá Đỗ Kỳ
    - Thừa Thiên/ Huế: Đ/Tá Nguyễn Hữu Duệ
    - Quảng Nam: Đ/Tá Phạm Văn Chung
    (Thị Trưởng Đà Nẵng: Đ/Tá Đào Trọng Tường)
    - Quảng Tín: Đ/Tá Đào Mộng Xuân
    - Quảng Ngãi: Đ/Tá Lê Văn Ngọc

    Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát QG Vùng I: Đ/Tá CS Nguyễn Văn Lộc / Chỉ Huy Phó: Tr/Tá CS Hồ Quang Khâm

    Diễn biến của các sự kiện:

    Ngày 28 tháng Ba, năm 1975, tại phi trường Đà Nẵng (theo Song Chùy 213 - Một Thời Để Nhớ)

    Không Đoàn 41 CT với các phi cơ khu trục và vận tải đã được lệnh di tản từ trước, chỉ còn lại KĐ Yểm Cứ/ Kỹ Thuật Và Kiến Tạo cùng KĐ 51 CT với 6 Phi đoàn trực thăng 213, 233, 239,253, 257 và 247 cố thủ.

    Suốt ngày 28 tháng 3, cầu không vận từ SàiGòn đã chấm dứt nên không còn chuyến C130 nào ra đáp. Từ sáng đến chiều, HQ không yêu cầu một phi vụ nào nên phi trường vắng bóng phi cơ lên xuống. Một chuyến Boeing đặc biệt vào đáp chỉ để đón một mình gia đình Tr/Sĩ Phát (?), phi cơ chỉ taxi vào hậu trạm dân sự gần PĐ 257 rồi quay trở ra liền, vừa taxi chầm chậm trên phi đạo vừa mở cửa, có chiếc jeep chạy theo đưa người lên ( Song Chùy 213).

    8 giờ tối: Cộng quân bắt đầu pháo kích vào phi trường. Trận đại pháo khốc liệt với hàng loạt hỏa tiễn 130 ly liên tục rót vào phi trường Đà Nẵng. phi trường trở thành tê liệt hoàn toàn! Không cấp chỉ huy thẩm quyền nào dám trực tiếp ban hành lệnh rút lui nên khi pháo kích tới mọi người tự động coi đó là hiệu lệnh cuối cùng, mạnh ai nấy cất cánh mà đi. Sau đợt pháo đầu tiên vừa tạm ngưng, anh em tự động phóng ra khu bãi đậu, quay máy và các trực thăng bốc thẳng lên như bướm vỡ tổ, di tản sang phi trường Non Nước ở hướng Đông cạnh Ngũ Hành Sơn (Marble Mountains Airfield) và từ đây một số đã tự động bay đêm vào Phù Cát (một số phi cơ đã bị mất tích).

    Trong ngày 28 tháng 3, các nhân viên dân sự Hoa Kỳ cùng thân nhân và một số nhân viên VN làm việc cho CORDS (Civil Operations and Rural Development Service) đã được di tản bằng 4 chuyến bay của Air America dùng các C46 và C47 đáp xuống phi trường Non Nước. Cũng tại phi trường này 4 chuyến bay DC4 của Air Việt Nam đã được thực hiện.

    Tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I:

    Sáng 28 tháng 3, Trung Tướng Lê Nguyên Khang, phụ tá của Đại Tướng Viên bay ra Đà Nẵng để nghiên cứu tình hình tại chỗ (Máy bay riêng của Tướng Khang đáp tại phi trường Non Nước). Một buổi họp được triệu tập gồm Tư Lệnh các Sư đoàn, Tỉnh Trưởng, KQ và HQ để duyệt xét tình hình (Tướng Lạc vắng mặt, ở lại SàiGòn sau khi từ chối không đi cùng Tướng Khang trở ra Đà Nẵng). Sau cuộc họp, Tướng Khang bay trở về Saigon, ghi nhận tình trạng hỗn loạn đang diễn ra tại Đà Nẵng. Tướng Trưởng sau đó dùng trực thăng để bay đi xem xét tình hình.

    Khoảng 5 giờ chiều 28 tháng 3: Bộ Tham Mưu của Quân Đoàn I, với sự hướng dẫn của Đ/Tá Đáng, Tham Mưu Trưởng đã di chuyển sang Bộ chỉ huy 1 Tiếp Vận tại Mỹ Khê gặp Đ/Tá Ngô Minh Châu (Chỉ Huy Trưởng) để di tản. Sau đó toàn bộ đi về Sơn Chà và dùng tàu kéo do Trung Tá Trần Bá Tuấn, Chỉ Huy phó Sở Công Tác thuộc Nha Kỹ Thuật Bộ TTM chuẩn bị sẵn để di chuyển về Nam. Bộ Tham Mưu của Quân Đoàn 1 tan hàng! Đại Tá Hoàng Mạnh Đáng đã mô tả tình trạng của Bộ TL QĐI như sau: '.tại Bộ TL QĐ I, mọi người đều rã ngũ. Tài xế, nhân viên truyền tin, binh sĩ thuộc Đại đội Tổng hành dinh... đều bỏ chạy.'

    Tại Văn Phòng Tư Lệnh Quân Đoàn I, Trung Tá Đức, Chánh văn phòng của Tướng Trưởng vẫn chờ lệnh, và nhận được điện thoại của Tướng Trưởng gọi sang căn cứ HQ Non Nước, Ông ra ngoài. Bộ Tư Lệnh QĐ hầu như bỏ ngỏ. Các sĩ quan đã tự động rã hàng. Tr/Tá Đức chỉ kịp lấy chai 'rượu thuốc' của Tướng Trưởng cùng cặp sách trong có tấm chi phiếu 1 triệu đồng của QĐI chưa kịp lãnh và cùng một tài xế chạy sang Non Nước. Bộ Tư Lệnh QĐ I hoàn toàn bỏ ngỏ.

    Cũng khoảng 5 giờ chiều, Tướng Trưởng mời các Tướng Lân, Phó Đề đốc Thoại đến họp tại Bộ Tư Lệnh TQLC ở Non Nước. Tại đây có cả Ông Albert Francis, Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Đà Nẵng, bàn về việc rút các Lữ đoàn TQLC còn lại (458 và 369) cùng Bộ Chỉ Huy ra khỏi Đà Nẵng. Sau cuộc họp, Tướng Trưởng tiếp tục dùng trực thăng bay đi thị sát, Phó ĐĐ Thoại bay về căn cứ HQ có Ô Francis cùng đi theo.Tại căn cứ HQ, Ô Francis cùng 2 nhà báo Úc (?) đã dùng chiến đỉnh riêng của Phó ĐĐ Thoại để ra tàu HQ 5 ngoài khơi. (Nhà báo Alan Dawson, trong tập sách 55 days- The Fall of South Viet Nam, trang 175, đã viết theo óc 'tưởng tượng' là Ô Francis đã dìu Tướng Trưởng để bơi ra tàu!)

    Khoảng 8 giờ 30, Tướng Trưởng đáp trực thăng xuống căn cứ HQ và dùng hệ thống viễn thông của HQ để 'nói chuyện' trực tiếp với Tướng Viên và sau đó với TT Thiệu. Tướng Lân cùng đoàn tùy tùng cũng dùng trực thăng đến căn cứ HQ.

    9 giờ tối: Cộng quân bắt đầu pháo kích vào căn cứ HQ bằng đại bác 130 ly và hỏa tiễn từ phía Nam Ô và từ chân đèo Hải Vân. Dân tràn vào căn cứ HQ. Một cuộc họp khẩn cấp được triệu tập tại Hầm Chỉ huy trong căn cứ HQ Tiên Sa với sự có mặt của các Tướng Trưởng, Thi, Lân, Hinh, Thoại (thiếu các Tướng Điềm còn ở Đặc khu, Khánh mất liên lạc khi cộng quân pháo vào phi trường) và trong buổi họp này, Tướng Trưởng đã quyết định rút quân toàn diện khỏi Đà Nẵng. Buổi họp chấm dứt lúc 10 giờ 30.

    Tướng Thi đề nghị và được chấp thuận lập một bộ chỉ huy hành quân lưu động cho QĐ I từ tàu HQ ngoài khơi, nên dùng trực thăng cùng HQ Đ/Tá Nguyễn Xuân Sơn (Tư Lệnh Hạm Đội) bay ra tàu lúc 10 giờ 45. (Trực thăng này do Tr/Úy Tâm điều khiển. Lần đầu tiên bay đáp xuống một LST ban đêm,ngoài khơi). Sau đó Tướng Thi và Đ/Tá Sơn chuyển sang chiến hạm HQ 405. Bộ Tham Mưu của HQ Vùng 1 Duyên Hải, dưới quyền chỉ huy của HQ Đ/Tá Hội, Tư Lệnh phó di chuyển bộ về bãi biển Tiên Sa để ra Dương vận Hạm ngoài khơi, cùng trong đoàn di tản có Đ/Tá Quế, Tham Mưu Trưởng TQLC. Tại căn cứ, còn lại các Tướng Trưởng, Tướng Lân, Phó Đề Đốc Thoại.

    Trực thăng riêng của Tướng Trưởng đã bị hư hại do đạn pháo kích nên Ông gọi một trực thăng từ SĐ1 KQ đến thay thế. Trực thăng này do Đ/Tá Đặng văn Phước, Không đoàn Trưởng KĐ 51 lái, đáp xuống và đón Tướng Trưởng, đi theo có Đ/Úy Hòa, cận vệ. Trực thăng rời căn cứ lúc 11 giờ 15 tối, đích thân Phó Đề Đốc Thoại đưa tiễn Tướng Trưởng (Bài viết của tác giả Phiến Đan ghi lại một cách bi thảm nhưng 'kém chính xác' hơn: “các đơn vị đã di tản, không còn liên lạc để kêu chiếc trực thăng khác được. Đột nhiên trên trời xuất hiện một chiếc trực thăng không biết của đơn vị nào. Đ/Úy Hòa phải dùng đèn pin chiếu lên phi cơ rồi chiếu vào chiếc cặp samsonite ông đang cầm để cho phi công trực thăng biết là ở dưới có cấp chỉ huy cao cấp.' Trực thăng của Tướng Trưởng bay về Đài kiểm báo Sơn Chà và Ông gặp Tướng Khánh, Đ/Tá Vượng. Sau một phiên họp ngắn, tất cả bay trở lại Tiên Sa, nhưng căn cứ lúc này đã trống vắng, nên trực thăng bay về căn cứ Non Nước , nơi đặt Bộ TL TQLC (trong lúc này, Tướng Lân và Phó Đề Đốc Thoại cùng đoàn tùy tùng, sau khi biết là tất cả các trực thăng riêng đều đã bị hư hại do pháo kích, đã di chuyển khỏi hầm chỉ huy tại căn cứ HQ Tiên Sa ra một bờ biển nhỏ phía sau núi để tìm cách gọi chiến hạm vào đón).

    Tại căn cứ TQLC chỉ còn Đ/Tá Trí, Phó Tư Lệnh TQLC), và tại đây, Tướng Trưởng cho phép các SQ KQ, và BB tùy nghi di tản, dùng chiếc trực thăng sau cùng này để tìm đường tự thoát. Ông quyết định rút theo TQLC. Khoảng 10 giờ 30 sáng ngày 29 tháng 3, các chiến hạm HQ 401, 402 và 404 đã vào đón TQLC. Do tàu nhỏ không thể vào bãi nên Đ/Tá Trí, Đ/Úy Hòa đã giúp Tứớng Trưởng choàng áo phao để cùng bơi ra tàu nhỏ và sau đó được đưa lên HQ 401 và chuyển sang HQ 404. (Tác giả Phạm Bá Hoa, trong Đôi dòng ghi nhớ, ghi lại theo lởi kể của Đ/Tá Trí, có một chi tiết 'thiếu chính xác' là 'Tướng Lân đã rời SĐ TQLC và ra khơi lên chiến hạm của Hải quân từ chiều 28 tháng 3 (?), trên thực tế Tướng Lân và tùy tùng.vẫn còn ở căn cứ HQ cùng Phó Đề Đốc Thoại). Trên HQ 404 đã có mặt Đ/Tá Nguyễn Xuân Hường, Tư Lệnh Lữ đoàn 1 Kỵ Binh.

    Sau khi Tướng Trưởng quyết định ở lại với TQLC và cho phép các SQ thuộc cấp tự di tản, Tướng Khánh đã cùng những SQ tháp tùng bay trở về Sơn Chà, kiếm xăng, chuyển từng nón sắt từ các trực thăng khác bị bỏ lại đang còn tại bãi đáp và định bay ra ngoài khơi vùng Non Nước để tìm đáp xuống một chiến hạm, nhưng trời mù và các chiến hạm lớn lại tập trung ở Mỹ Khê. Ông đành quyết định trở lại bãi biển Non Nước và cùng tùy tùng bơi ra biển để sau cùng lên HQ 404 (trong đoàn còn có Đ/Tá Vượng, Phước KQ, Đ/Tá Duệ Tỉnh Trưởng Thừa Thiên). Trong khi đó, một toán khác (21 người) gồm Tướng Hinh, tùy tùng và một số SQ KQ đã được tiếp cứu sau khi gửi tín hiệu khẩn cấp và được HQ 802 đưa tàu nhỏ vào đón kịp. Tướng Lân và Phó Đề Đốc Thoại, sau những trục trặc về liên lạc viễn thông, cuối cùng nhờ may mắn đã liên lạc được với HQ 802 và được tàu nhỏ vào vớt trong đêm (khoảng 3 giờ rạng sáng ngày 29 tháng 3). Tướng Lân và Phó Đề Đốc Thoại được chuyển lên HQ 802 vào 8 giờ sáng 29 tháng 3.

    Đoàn chiến hạm HQ, chở đầy binh sĩ và dân di tản đã trực chỉ Quy Nhơn và Cam Ranh. HQ 2, HQ3 đi về Quy Nhơn, các chiến hạm chở quân đa số thuộc SĐ2 BB và SĐ TQLC như HQ5, HQ 401, HQ 402, HQ 404 và HQ 802 đi về Cam Ranh. Các chiến hạm còn lại di chuyển dọc bờ biển để tìm vớt những đơn vị còn lạc lại.

    (Kể từ trưa 31 tháng 3, 1975 tất cả các chiến hạm rời khỏi vùng I và Vùng I cùng QĐ I chính thức tan hàng).

    Thành phố Đà Nẵng:

    Đà Nẵng đã trở thành một thành phố vô trật tự và rối loạn. Người dân từ các nơi trong Vùng I chạy về tìm nơi tạm trú, người dân Đà Nẵng tìm đường chạy đi. Binh sĩ từ các đơn vị tan hàng với võ khí trong tay tự động cướp bóc. Lưu thông trong thành phố bị ứ đọng, mọi di chuyển đều bị trở ngại (Tổng Y viện Duy Tân đã không thể đưa được 340 thương bệnh binh ra phi trường). Hơn một triệu dân tị nạn chiếm ngụ các công thự và cao ốc và sinh hoạt tại bất cứ nơi nào còn chỗ trống. Bộ Chỉ Huy Quân Trấn Đà Nẵng được lệnh rõ ràng: Bất cứ kẻ nào dùng súng đạn cướp bóc, xâm phạm tính mạng và tài sản của dân chúng sẽ bị lực lượng an ninh, quân cảnh bắn hạ tại chỗ'. Tuy nhiên lệnh Thiết quân luật cũng không còn được thi hành. Với tình trạng này, Đà Nẵng sẽ tự sụp đổ, không cần Cộng quân tấn công. Tổ chức hành chánh của VNCH đã hoàn toàn tự tan rã, công chức, cán bộ các cấp từ Tỉnh xuống đến xã ấp đều tự động tìm đường thoát thân. Cảnh Sát và các cán bộ an ninh đã bị bỏ rơi một cách tàn nhẫn và vô lương tâm nhất.


    Tình trạng tại bến tàu Đà Nẵng: Đây là lối thoát duy nhất cho những người muốn rời Đà Nẵng. Sự hỗn loạn cũng không kém bên trong thành phố. Dân chạy loạn thuê mướn ghe thuyền nhỏ để tự di chuyển từ bờ ra ngoài khơi nơi một số sà lan và tàu chuyên chở của Hoa Kỳ thả neo chờ. Mỗi tàu sẽ nhổ neo về Cam Ranh khi số người lên đến chừng 10 ngàn. Ba chiếc tàu của Hoa Kỳ The Pioneer Commander, The Pioneer Contender và chiếc USNS Miller, một chiếc tàu vận tải của HQHK do một thủy thủ đoàn dân sự điều khiển đã được sử dụng trong chiến dịch di tản và di chuyển được hàng chục ngàn người vào Cam Ranh.

    Hoạt động của Cộng quân:

    Ngay từ rạng sáng 28 tháng 3, Bộ chỉ huy cộng quân tại Đà Nẵng đã công bố lệnh tổng tấn công và nổi dậy cho toàn bộ quân và cán bộ thuộc Quảng Đà. Đài phát thanh Hà Nội đã cho phát thanh những lệnh hành quân cho quân của họ, và xúi giục cuộc nổi dậy của dân chúng. Tuy nhiên trên thực tế Đà Nẵng đã hoàn toàn tê liệt và dân chúng đã biết chắc là thị xã sẽ lọt vào tay cộng quân, chỉ biết tìm đường tự thoát bằng mọi cách.

    Các lực lượng quân sự của CS tại Quảng Nam- Đà Nẵng trước tình hình 'tự tan rã' của chính quyền VNCH đã tổ chức 3 mũi tiến quân vào Đà Nẵng:

    - Mũi thứ 1: các Trung đoàn 96 và 97 CSBV từ hướng Đông Hòa Hải tấn công vào căn cứ Non Nước, phi trường Nước mặn và từ đó ra An Hải, Mỹ Khê, Sơn Chà.

    - Mũi thứ 2: Các Tiểu đoàn 1 (R20), 2, Đặc công 89 cùng SĐ 2 CSBV theo Quốc lộ 1 vào Cầu đỏ đễ tiến về Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 1 VNCH, Tòa Thị Chính Đà Nẵng.

    - Mủi thứ 3: SĐ 304 CSBV cùng các Tiểu đoàn 89, 35 và 575 từ Tây Bắc Hòa Vang tấn công từ hướng Sùng Mây, Phước Tường về phi trường Đà Nẵng. Liên tục trong suốt ngày/đêm 28 tháng 3, cộng quân dùng pháo binh của QK 5CSBV, và các Tiểu đoàn Pháo 575, 577 liên tục pháo kích vàc phi trường Đà Nẵng và căn cứ HQ Sơn Chà.

    Ngày 29 tháng 3, 1975 - Phi trường Non Nước:

    Sau khi phi trường Đà Nẵng bị pháo kích và trở thành không thể sử dụng, các trực thăng còn lại đều về đáp tại Non Nước và không còn nhận được lệnh từ các cấp chỉ huy! Các phi công tùy nghi hành động và tự quyết định.

    Phi công Song Chùy ghi lại: '…Cuối cùng mệt mỏi vì cả ngày chưa ăn uống gì, tôi đáp xuống Non Nước tắt máy, tìm giấc ngủ dưới bụng phi cơ trên bãi cỏ bên cạnh phi đạo. Sáng 29/3, sau giấc ngủ ngon lành, tôi thưc dậy khi trời mờ sáng thì bạn bè đã bỏ đi hết. Trên phi đạo Non Nước còn mấy chục trực thăng xếp hàng dài như sắp cất cánh hành quân mà không có pilot.' Phi công SC sau đó tìm mọi cách đổ thêm xăng, kể cả dùng ruột xe làm ống dẫn và cuối cùng cất cánh rời kho dầu Chợ Mới lúc 5 gìờ chiều. Có thể nói đây là chiếc trực thăng cuối cùng của SĐ 1 KQ, mang số 107, rời không phận Đà Nẵng.

    Tập Quân Sử Không Quân VNCH ghi lại (trang 193-194):

    ' Ngày 27/3, tình hình rối loạn tại Đà Nẵng càng trở nên nguy hiểm hơn khi VC bắt đầu pháo kích vào thành phố và phi trường. Ngay trong đêm đó, Thiếu Tướng Võ Xuân Lành, Tư Lệnh phó KQVN từ Tân Sơn Nhứt đã bay ra để lượng định tình hình' Tướng Lành nhận định KQ phải rút khỏi Đà Nẵng để bảo toàn lực lượng, nhưng không đủ thẩm quyền quyết định nên chỉ cho 8 chiếc C-130 từ Sàigon bay ra ngay trong đêm để bắt đầu di tản binh sĩ và gia đình, ưu tiên cho các chuyên viên kỹ thuật. Bước sang ngày 28/3, vì VC gia tăng pháo kích, Ch/Tướng Khánh, Sư Đoàn Trưởng SĐ 1 KQ đã ra lệnh cho tât cả mọi phi cơ còn có thể bay được, rời Đà Nẵng càng sớm càng tốt. Trong ngày 28 và sáng 29, các phi công đã đưa được 130 phi cơ về TSN, tuy nhiên SĐ 1 KQ đã mất đến 180 phi cơ (để lại hoặc bị rớt trong khi di tản) trong đó có trọn hai phi đoàn C-7 Caribou đang đình động và một số A-37.' (theo Phi Công Phạm văn Cầu, PĐ 427, thì một số Caribou khả dụng đã về được Sàigòn, trong đó có chiếc Caribou do chính ông điều khiển. Chiếc C-7 này bay được về TSN hoàn toàn không có vô tuyến liên lạc vì phi hành đoàn không ai mang theo headset, phòng lái không có điện, đồng hồ xăng bất khiển dụng. Một chiếc C-7 khác cũng không có vô tuyến nên đã phải lắc cánh khi bay xả qua trước trạm không lưu.)

    Tác giả Robert Mikesh trong 'Flying Dragons, The South Vietnamese Air Force' , trang 143-44 ghi rõ hơn là SĐ 1 KQ đã bỏ lại 33 chiếc A-37, các phi cơ Caribou C-7 (khoảng 40 chiếc-LTG) do thiếu cơ phận và bảo trì đang được đóng gói cẩn thận. Cũng trong tập sách này, Tr/Úy Phạm Quang Khiêm, hoa tiêu phụ cho Đ/Úy Nguyễn văn Chuân, cùng bay 1 chiếc C-130 từ Saigon ra giúp di tản cho biết chuyến phi cơ của ông đã chở đến 350 người (trong khi con số dự trù tối đa là 200 người). Đ/Úy Vĩnh Phổ, phi công của một AC-119, thuộc Biệt đội 831, đang biệt phái công tác tại Đà Nẵng, ghi lại là phi cơ của ông khi rời bãi đậu phải lăn bánh qua cả 100 xác người, chết vì pháo kích, để ra phi đạo.

    Trong lúc hỗn loạn, các phi công không thể cất cánh an toàn, phi cơ bị rơi trong khi bay thoát vì trục trặc kỹ thuật hoặc hết nhiên liệu. Trong khi di tản bằng trực thăng, một số sĩ quan cao cấp của SĐ1KQ đã bị mất tích do phi cơ rơi hay do bị bắn hạ như Đ/Tá Nguyễn Bình Trứ KĐ Trưởng KĐ 10 Bảo trì & Tiếp liệu. Trung Tá Hùng, Trung tâm Hành quân SĐ 1, tự bay 1 chiếc L-19 cùng 2 con nhỏ về Nam. Chiếc Chinook CH-47 do Đ/Úy Hoàng Bôi (PĐ 247) làm phi công chinh và Tr/Úy Nguyễn văn Tám phi công phụ, chở theo 17 người không gặp may đã bị bắn hạ khi bay qua không phận Sa Huỳnh, phi cơ phải đáp khẩn cấp xuống xã Vĩnh Tuy, Phú Thạnh. Cả hai đã tự sát vì không muốn bị bắt làm tù binh. Một chiếc Chinook khác do Đ/Úy Phạm văn Kiến làm phi công chính, Tr/Úy Nguyễn đình Hương phi công phụ, Đ/Úy Nguyễn Anh Dũng, hoa tiêu chở theo gần 60 người, do trọng tải quá nặng, phải bay ở cao độ thấp, cũng bị trúng đạn khi bay qua vùng Sa Huỳnh, tại Xã Phổ Châu, quận Đức Phổ. Phi công phụ bị thương nặng. Đ/Úy Kiến đã buộc phải hạ cánh. Đại Úy Dũng đã bắn Tr/Úy Hương theo yêu cầu của Hương và tự sát sau đó.

    Theo Malcolm Brown của NewYork Times thì trong buổi sáng sớm 29/ 3, 10 chiếc UH-1 cuối cùng của KQVN đã chở các nhân viên KQ còn kẹt lại bay khỏi Đà Nẵng, mỗi phi cơ chở ít nhất là 20 người bay về Non Nước để tìm xăng, nhưng đa số đã không gặp may: Một phi cơ hết xăng phải đáp xuống Cù lao Ré, một chiếc khác phải đáp xuống Chu Lai đã bị VC chiếm đóng từ 2 ngày trước,4 chiếc khác bị trúng đạn phòng không của cộng quân gần Chu Lai và chỉ 4 chiếc về được Sài Gòn (trực thăng của Tướng Điềm cũng hết xăng và rơi trong vùng Sa Huỳnh, tất cả mọi người trên phi cơ tử nạn ngoại trừ Phi Công Bình sống sót).

    Trưa ngày 29, một phi cơ dân sự Hoa Kỳ, chiếc Boeing 727 của Công ty World Airway do quyết định liều lĩnh của phi công và do may mắn đã bất ngờ đáp xuống phi trường Đà Nẵng, bốc được khoảng 268 người (trong đó có 150 binh sĩ thuộc ĐĐ Hắc báo SĐ1BB, đã dùng vũ khí để dành được chỗ trên phi cơ), trước sự ngỡ ngàng của cộng quân đang có mặt tại phi trường. Khi phi cơ cất cánh, súng bắn theo, cửa bánh đáp để mở vì có 4 người nằm bên trong, 1 đã chết khi phi cơ đáp tại Biên Hòa. Chiếc 727 thứ nhì, bay vòng trên không phận Đà Nẵng đã không dám đáp xuống và đành trở về Saigon.

    Ngay từ đêm 28, Đà Nẵng đã trở thành 'vô chánh quyền', dân chúng tiếp tục dùng đủ mọi phương tiện di chuyển về phía Tiên Sa và bến cảng. Sáng sớm ngày 29, Th/Tá Phan Đức Minh, Phó Ủy viên Chính Phủ Toà án Mặt trận Vùng1, do bất ngờ 'kẹt' tại Quân Lao Đà Nẵng, đã tự quyết định làm lệnh thả hết các quân phạm, độ 1000 người và giải tán các quân nhân cơ hữu của Quân Lao.

    8 giờ sáng ngày 29 tháng Ba, từ Chùa Pháp Lâm, đường Ông Ích Khiêm, tổ chức mệnh danh là 'Lực lượng Hòa-hợp Hòa giải Thị bộ Đà Nẵng' đã tổ chức hai đoàn xe do các tu sĩ Phật giáo ngồi trên xe, cắm cờ Phật giáo và cờ MTGP đi theo 2 ngã, một về phía Hòa Mỹ hướng ra đèo Hải Vân và một về phía Phước Tường phía Hòa Cầm để đi vào Quảng Nam, Tam Kỳ để đón quân CSBV vào thành phố.

    Đến 1 giờ trưa ngày 29 tháng 3, đoàn xe trở lại Đà Nẵng cùng với các xe thiết giáp và xe chở binh sĩ CSBV theo sau. (Hàn giang Trần Lệ Tuyền: 30 tháng 4-75 Máu và Nước Mắt).

    Theo thông báo chính thức của CSBV thì họ 'hoàn toàn giải phóng' Đà Nẵng vào lúc 11 giờ 30 ngày 29 tháng 3 năm 1975.



    - Những sự kiện, kết cuộc:

    Con số chính thức do CSBV công bố thì họ bắt được làm tù binh tại Đà Nẵng là 73 ngàn quân-cán chính VNCH trong đó 54 ngàn binh sĩ, 9,800 Điạ Phương Quân, 5,600 Nghĩa Quân và 3,100 Cảnh Sát. Số sĩ quan bị bắt gồm 10 Đại Tá, 70 Tr/Tá, 260 Th/Tá, 1300 Đ/Úy, 1,900 Tr/Úy, 2,000 Th/Úy và 2,300 Chuẩn Úy. (Tư liệu của Bộ Chỉ huy Quân sự QN-DN cũ)


    Ngay từ trưa 29 tháng 3, Lực lượng Hòa Giải (?) Phật Giáo đã hướng dẫn bộ đội CSBV đến tiếp quản các trụ sở hành chánh và căn cứ quân sự của VNCH, kêu gọi treo cờ Phật giáo. Đội 'An ninh Phật giáo' đi lùng bắt các nhân viên an ninh, cảnh sát VNCH và đã bắn chết tại chỗ một số nạn nhân.

    TĐ 9 TQLC, thuộc Lữ Đoàn 269, trú đóng tại Đại Lộc, Quảng Nam được lệnh rút quân vào 6 giờ chiều ngày 28 tháng 3 để về Non Nước. Gần 11 giờ trưa, ngày 29 đơn vị tiền phương của TĐ mới đến được Sông Hàn và quá trễ để được di tản, đành tan hàng vào trưa 30 trên bãi biển An Hải. Trong đêm 30, rạng 31 tháng 3 các chiến hạm HQ 7 và HQ 403 tuần tiễu trong vùng Sơn Chà và Bãi Bắc, vớt được 45 TQLC, 8 thuộc SĐ3, 18 BĐQ.

    - Tài liệu sử dụng và ghi chú:

    Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hòa (Cao Văn Viên, bản dịch của Nguyễn Kỳ Phong). Tập sách viết một cách tổng quát về một số dữ kiện khi QĐ I tan hàng. Tác giả Trọng Đạt đã viện dẫn nhiều chi tiết để dùng trong bài Tuyến Đầu Thất Thủ của ông.

    Can Trường Trong Chiến Bại (Hồ Căn Kỳ Thoại): Đây là tập sách có thể được xem như một tài liệu chính xác nhất về cuộc 'tan hàng' tại Vùng 1. Tướng HQ Hồ văn Kỳ Thoại đã ghi lại rất nhiều chi tiết về những giờ phút cuối cùng tại căn cứ Tiên Sa cùng các Tướng Chỉ huy khác của Quân Đoàn I. Những chi tiết do Tướng Thoại cung cấp đã giải thích được nhiều'khúc mắc', và giải đáp được một số 'câu hỏi' do các bài hồi ký khác đặt ra như Tướng Thoại đã xác nhận là không có lệnh di tản SĐ 3 BB.

    Các bài hồi ký của các chiến sĩ Hải Quân:

    - Cơ xưởng hạm Vĩnh Long HQ 802, Những ngày cuối trên biển Đông của Hạm Trưởng Vũ Quốc Công: Bài hồi ký có những chi tiết rất chính xác trong việc cứu vớt các toán KQ đi cùng Tướng Hinh, và việc đón Tướng Lân, Tướng Thoại và các tùy tùng đi theo khi rời hầm chỉ huy tại căn cứ HQ Tiên Sa, các chi tiết phù hợp với lời kể của Tướng Thoại.

    - Đà Nẵng, Di Tản Buồn của Hạm Trưởng HQ 402 Nguyễn Thiện Lực (trong Đặc San Đệ Nhứt Song Ngư Họp mặt 2000): Bài hồi ký có những chi tiết về việc đón TQLC ở bãi biển Sơn Chà, kể cả việc Tướng Trưởng khi được đón lên chiến hạm đã tu vài hớp Cognac do SQ tùy viên đưa cho ông.(?)

    -Những Ngày Cuối Tháng Tư của Tâm U (cũng trong Đặc San trên) có một đoạn (trang 212) ghi lại một số chi tiết kinh hoàng khi Chiến hạm HQ 402 đón quân dân rút chạy: '… Ngày 28 tháng 3, dân chúng và quân nhân các đơn vị BB và TQLC đông nghẹt trên bãi biển Tiên Sa, Đà Nẵng. Tàu được lệnh ủi bãi để cứu. Tàu chưa vào tới bãi, dòng người đã túa ra, bơi lội lõm bõm chung quanh tàu, giành giựt leo lên. Tàu vào sát hơn nữa, có thể đè chết một số người dưới lườn tàu mà trên tàu không hay. Cửa ramp vừa mở, dân chúng và binh lính bu đen đặc. Trên bãi một đoàn thiết giáp ầm ầm phóng xuống, cán bừa lên những người không kịp tránh dạt ra. Hạm Trưởng phải dùng loa, cho hay sẽ đón hết, trật tự mới tạm yên. Khi tàu đầy nhóc người từ trong lòng tàu đến các ổ súng và khắp các ngỏ ngách, Hạm Trưởng ra lệnh đóng cửa ramp và rút bãi. Nhiều người hốt hoảng bơi ra ngoài với hy vọng lên được tàu. Máy lùi mà tàu không nhúc nhích. Hạm Trưởng lo sợ tàu mắc cạn, cho lệnh tăng tốc độ máy tối đa. Nước cuồn cuộn sôi sục dưới sức quay của chân vịt, cuốn cả những người đang bơi lội quanh tầu trong lúc tuyệt vọng. Máu loang đỏ mặt nước. Súng nhỏ trên bờ bắn ào ào xuống tàu, khiến Hạm Trưởng ra lệnh tầu quay gấp để hướng ra khơi. Nhiều người nữa bị chân vịt hút vào và chém chết. Xác người nổi lềnh bềnh quanh thân tầu như rong biển.'

    Tập Hải Sử Tuyển Tập do Tổng Hội Hải Quân & Hàng Hải ấn hành, dành một Chương về 'Cuộc Rút quân tại Đà Nẵng ' do Điệp Mỹ Linh viết (trang 503 đến 509). Bài viết có nhiều chi tiết về vai trò của Hải Quân trong cuộc rút quân nhưng cũng có nhiều vấn đề cần phối kiểm nhất là về ngày giờ của các sự kiện như:

    Tác giả viết: ' Thời gian này, hai đơn vị TQLC và Nhẩy Dù đang ở trên các chiến hạm, sẵn sàng rời ĐN theo lệnh TT Thiệu. Không hiểu sự dằng co giữa Tưóng Trưởng và TT Thiệu như thế nào nhưng 2 SĐ Dù và TQLC đã lên các Dương vận Hạm HQ 504, 505 và 500 hai ngày rồi mà các chiến hạm vẫn chưa được lệnh tách bến. Quá khuya ngày 29 tháng 3, một Đại Tá từ QĐ 1 xuống chiến hạm, truyền lệnh TT cho Hạm Trưởng HQ 500 , HQ Trung Tá Lê Quang Lập rời bến, tiếp theo là HQ 504 và 505 cũng được lệnh rời bãi Quân vận Đà Nẵng' Sự kiện kể trên hoàn toàn do sự tưởng tượng của tác giả, vì SĐ Dù đã rút khỏi Vùng I từ giữa tháng 3,1975 và cuộc rút TQLC của Vùng I diễn ra trong 2 ngày 28 và 29 tháng 3.

    Tác giả viết về cuộc bơi ra chiến hạm của Tường Trưởng như sau:

    ' 12 giờ 30 khuya 29 rạng 30 tháng 3 Hạm Trưởng HQ 404 HQ Trung Tá Nguyễn Đại Nhân nhận được mật lệnh từ Sàigon: chỉ thị cho HQ 404, đúng 4 giờ sáng 30 tháng 3 , vào cách bờ 5 hải lý để đón Tướng Trưởng'. Tác giả cũng kể thêm nhiều chi tiết như HQ 404 chờ nhận lệnh trực tiếp từ Bộ TTM trong khi thả trôi chờ Tướng Trưởng. Các diễn tiến trên khác hẳn với những sự kiện do Phó Đề Đốc Thoại ghi lại, và không phù hợp với các bài hồi ký khác. Đà Nẵng thật sự thất thủ từ 11 giờ 30 trưa ngày 29 tháng 3 và theo Tướng Thoại thì Tướng Trưởng và Tư Lệnh phó TQLC, Đ/Tá Trí đã bơi ra tàu vào 10 giờ 30 sáng 29 tháng 3, lên HQ 401 rồi sau đó mới chuyển sang HQ 404. Tướng Thoại cũng không hề nói đến mật lệnh từ Sài Gòn.(?)

    Các chi tiết về cuộc 'di tản hỗn loạn' của SĐ 1 KQ được ghi chép qua các tài liệu như:

    -Flying Dragons The South Vietnamese Air Force của Robert Mikesh, trang 143. Tác giả đã ghi lại lời kể của Tr/Úy Phạm Quang Khiêm về chuyến bay C-130 từ Sàigòn ra Đà Nẵng đêm 27-28 tháng 3. Con số phi cơ bị bỏ lại được ghi là 130 chiếc.
    -Tập Quân Sử Không Quân VNCH, trang 193-194 ghi con số phi cơ bị mất lên đến 180 chiếc.

    Một Thời Để Nhớ (Song Chùy 213) Tháng 4-2009 trên website CanhThép. Tác giả đã kể lại tình trạng hỗn loạn, không còn chỉ huy, khi phi trường bị pháo kích vào đêm 28. Các phi công không hề nhận được lệnh di tản mà tự quyết định. Song Chùy 213 cũng ghi lại tình trạng bi thảm khi phải tự kiếm xăng để có thể tự thoát.

    Chuyến bay cuối cùng của Trần Ngọc Toàn, trên website CanhThép cùng những điện thư (e-mail) trao đổi giữa các cựu Ppi công của PĐ 247 Chinook ghi lại những trường hợp hy sinh, tự sát của 2 phi hành đoàn khác nhau tại vùng Sa Huỳnh, Quảng Ngãi.

    Phi Đoàn 427 Không Vận Chiến Thuật của Phạm văn Cần về các chuyến bay sau cùng của một số phi cơ C-7 Caribou khiển dụng khi di tản khỏi Đà Nẵng. Tuy nhiên trong bài Hồi ức Tháng Tư của Nguyễn Duy Ân, một phi công của PĐ 427 thì:' Ba giờ sáng đạn pháo kích mới thưa rồi ngưng hẳn, quá mệt mỏi tôi nằm chợp mắt trên chiếc bàn trước phi đoàn, chợt có người đánh thức tôi dậy, giọng hốt hoảng 'Tr/t C. dọt rồi', tôi chưa kịp hỏi thì T/u T nói 'Ông lấy chiếc N bay mất rồi'. Tôi cau mày bối rối. Cả phi đoàn chỉ có hai chiếc khả dụng, một chiếc về nằm ở Tân Sơn Nhất, còn chiếc này ưu tiên cho tất cả nhân viên của PĐ trong giờ cấp bách, anh em nằm chịu trận pháo suốt đêm, thế mà.' Phi công ND Ân sau đó cùng một số nhân viên cơ khí tìm cách chữa cấp tốc một C-7 khác nhưng không thành công. Ông cũng thử một AC 47 của Biệt đội Hỏa Long, bỏ lại trong hangar nhưng cũng không xong nên đành chạy sang Mỹ Khê bơi ra canô và được kéo lên để sau cùng lên được chiến hạm HQ.

    Những chi tiết quan trọng và đặc biệt về Tướng Khánh Sư Đoàn Trưởng SĐ 1 KQ trong những ngày Quân Đoàn 1 tan hang, lại do Tướng HQ Hồ văn Kỳ Thoại ghi chép lại trong tập Can Trường Trong Chiến Bại. Tướng Thoại ghi lại, trang 282-283:

    ' Về phần Không Quân: trong đêm 27 thì địch đã pháo kích lai rai vào phi trường. Việc phòng thủ và chống pháo của căn cứ thì có Chỉ huy Trưởng căn cứ lo. Các phi vụ oanh tạc lại do Trung tâm Hành quân của Quân Đoàn chỉ thị thẳng xuống Trung tâm HQ của SĐKQ. Tự ông, Tướng Khánh không thể ra lệnh tấn công các mục tiêu địch được. Các phi cơ vận tải thì đậu tại Sài Gòn và do Bộ TTM cùng Bộ TL KQ điều động. Sáng 28, Tướng Khánh được lệnh di tản các F-5 về Phù Cát. Các trực thăng thì được phân tán đi các doanh trại để tránh thiệt hại có thể xẩy ra do pháo kích. Theo ĐTá Vượng, KĐ Trưởng thì số phản lực A-37 khiển dụng còn đến ít nhất là 40 chiếc: Như thế mà Quân Đoàn không có điều động một phi vụ oanh kích nào để giải tỏa áp lực của địch. Có thể vì không có vị Tướng nào có mặt tại TTHQ Quân Đoàn, chỉ còn sĩ quan tham mưu không có thẩm quyền ra quyết định?!

    Khi Tướng Khánh rời phòng họp với các tướng lãnh khác, sáng ngày 28 và khi ông về họp ban tham mưu của ông thì chỉ thị vẫn là tử thủ. Tướng Khánh chỉ nghĩ là phi trường sẽ bị pháo kích nặng, có thể một số phi cơ sẽ bị thiệt hại, nhưng không bao giờ ông nghĩ đến việc phải di tản toàn bộ SĐ 1 KQ, vì việc bảo vệ phi trường đã có BB và Địa phương quân đảm trách. Cũng vì thế khi Tướng Trưởng đến gặp ông tại Đài Kiểm Báo Sơn Chà và nghe Tướng Trưởng ra lệnh rút hết và di tản khỏi phi trường: ai bay được thì bay, những người còn lại chạy về Nam Ô sẽ có HQ rước. Tướng Khánh đã phải hỏi lại lần thứ 2 vì quá bất ngờ: ' Xin Trung Tướng xác nhận lại, tất cả phải rời phi trường, ai bay được thì bay, ai không có phi cơ thì đi bộ về phía bờ biển Nam Ô, có phải vậy không?' Tướng Trưởng xác nhận là đúng như vậy. Tương Khánh định dùng điện thoại báo về Bộ TLKQ Sàigòn nhưng nhân viên đài Kiểm Báo đã phá hủy tổng đài, đành dùng hệ thông liên lạc nội bộ để gọi về Bộ Tư Lệnh SĐ 1 KQ cho lệnh tự động di tản. (Lúc này đã quá trễ vi các phi công đã tùy nghi di tản ngay trong đêm khi phi trường bị pháo kích- ghi chú của Tác giả). Sau đó Tướng Khanh cùng Tướng Trưởng và tùy tùng bay xuống căn cứ HQ đã trống, rồi xuống Bộ TL TQLC tại Non Nước. TQLC chỉ cho mình Tướng Trưởng và Tướng Khánh vào bên trong Bộ TL. Sau đó Tướng Trưởng quyết định ở lại với TQLC và cho Tướng Khánh cùng đoàn tùy tùng tùy nghi di tản'.

    - Đôi Dòng Ghi Nhớ của Phạm Bá Hoa. Tập sách ghi lại ở những trang 236-238, lời kể lại của Đ/Tá Nguyễn Thành Trí, Tư Lệnh phó SĐ TQLC (kể lại vào ngày 14 tháng 1 năm 1995) về những giờ phút chót của cuộc di tản Bộ Chỉ huy TQLC và cuộc chạy ra tàu của Tướng Trưởng. Những lời kể lại này có một số điểm mâu thuẫn và khó hiểu khi đối chiếu lại với một số tư liệu và hồi ký khác như 'Tướng Lân đã rời SĐ và ra khơi lên chiến hạm của HQ từ chiều 28 tháng 3; trên thực tế Tường Lân vẫn ở lại căn cứ HQ Tiên Sa cùng Phó Đề Đốc Thoại và chỉ được cứu thoát vào phút chót cùng Tướng Thoại! Đoạn viết khi ông hỏi Tướng Trưởng lúc chiến hạm vào đón (6 giờ sáng 29 tháng 3): Thưa Trung Tướng, tôi không biết do lệnh từ đâu mà chiến hạm chờ tôi và họ đang đón chúng tôi (?) Đối chiếu với những diễn biến do Phó Đề Đốc Thoại ghi lại trong 'Can trường trong Chiến bại' thì lệnh di tản TQLC do chính Tướng Trưởng quyết định và giao cho HQ thi hành (trang 241) Vị Tư Lệnh Phó TQLC có lẽ đã không liên lạc với Tướng Lân Tư Lệnh của Ông (?) để cũng bị bất ngờ khi được HQ vào di tản?

    Các bài hồi ký của các chiến sĩ TQLC:

    - 'Tháng Ba Buồn Hiu!' của Tiểu Cần (từ website nguoivietboston): Tiểu Cần là bút danh của người sĩ quan mang máy vô tuyến riêng của Tướng Lân. Bài ghi lại nhiều chi tiết diễn ra trong Hầm Chỉ Huy HQ ở Tiên Sa trong lúc bị pháo kích và cuộc di tản của Tướng Lân cùng Tướng HQ Thoại, kể cả việc Tướng Thoại phải dùng PRC 25 của TQLC để gọi tàu vào cứu! Mũ Xanh Tiểu Cần ghi lại: 'Đi vòng dưới chân núi Sơn Chà chừng 2 tiếng thì chúng tôi ngồi nghỉ. TL/HQ làm tín hiệu bằng đèn pin cho tàu vào rước, có lẽ đến hơn 30 phút sau mà cá lớn cá nhỏ vẫn lặn mất tiêu, không có tàu nào vào đón cả, nên TL/HQ nhờ tôi liên lạc bằng TT. Trời đất? Một giới chức đứng đầu vùng I duyên hải mà không có một âm thoại viên (ATV) hay hệ thống liên lạc TT đi theo?

    Cũng may là trưa nay, trong lúc rỗi rảnh chờ lệnh mới và qua nhiều năm tháng trong nghề đã dạy tôi những kinh nghiệm và lanh lợi nên tôi xin được tần số nội bộ của HQ nên bây giờ tôi vô tình lại kiêm nhiệm thêm vai trò một ATV của TL/HQ nữa, một ATV, hai TL. Chuyện hi hữu như các tướng lãnh họp hành quân mà không có Tướng KQ, như TL/HQ mà phải hành quân bộ trong đêm bên bờ biển! Sau khi liên lạc được với HQ, họ gửi vào 2 tàu chiến loại nhỏ và vì có nhiều đá ngầm và sóng biển nên tàu chỉ đậu cách xa bờ chừng 10m nên chúng tôi phải bơi ra tàu. Th/Tướng TL, Tr/Úy Hạnh và tôi ngồi trên boong, cuối đuôi tàu, bộ quân phục ướt sũng, gió thổi mạnh. Tiểu Cần cũng ghi thêm ' sự thật nó vậy mà. Điển hình là khi Phó Đề Đốc TL/HQ phải nói rõ tên thì 'tầu trưởng' mới tin và cho tàu vào đón. Điển hình là sau khi họp xong, tại sao Phó Đề Đốc không đi ra hướng cầu tàu ngay trong Bộ TL/HQ mà phải đi bộ, mò mẫm trong đêm dưới chân núi Sơn Chà? Vì cầu thì có, mà tàu thì không!’. Những sự kiện do Tiểu Cần ghi lại rất chính xác, khi đối chiếu lại với bài viết của Hạm Trưởng HQ 802 (trong việc gửi tàu nhỏ vào đón Tướng Thoại), và với những sự kiện do chính Tướng Thoại ghi lại trong 'Can trường trong Chiến bại', kể cả việc Tướng Thoại đã gửi chiến đỉnh riêng để đưa Lãnh sự Francis ra Soái hạm HQ 03 và không trở vào được đã mang theo một trong 2 đặc lệnh truyền tin HQ, đặc lệnh thứ 2 do Tr/Úy Ngọc, tùy viên giữ thì Tướng Thoại lại ra lệnh cho Tr/Úy Ngọc đi theo TL Phó HQ ra tàu trước.

    - 'Trận chiến sau cùng của T/Đ 9 TQLC' của Đoàn Văn Tịnh (Trưởng Ban 3 TĐ) ghi lại cuộc rút quân từ Đại Lộc, Quảng Nam về điểm hẹn Đà Nẵng để được di tản. Tuy TĐ 9 TQLC vẫn giữ được đội hình di chuyển và chạy theo sau TĐ còn có thêm đoàn xe của Trung đoàn 56 BB/ thuộc SĐ3BB đóng tại Duy Xuyên (Đ/Tá Trung Đoàn Trưởng cho biết đơn vị của ông bị bỏ rơi hoàn toàn: 'Cùng lúc đó, một cánh quân hỗn loạn vừa BB vừa PB từ Duy Xuyên chạy xuống. ĐĐ 4 chận lại ngoài tuyến, ĐĐT chỉ huy đưa vào gặp tôi là một vị Đại Tá, Trung Tá Khai Trung đoàn phó và một Th/Tá Tham Mưu. Tr/Tá Khai chào và hỏi:- anh là đơn vị Trưởng?- Không tôi là Trưởng ban 3. Tôi là Tr/Tá Khai, Tr/Đ phó, bây giờ các anh đi đâu, có thể cho chúng tôi đi tháp tùng được không? Tôi nhìn các anh gật đầu. Ông Đại Tá Trung Đoàn Trưởng tỏ vẻ giận dữ: 'Xin lỗi anh nghe. Đ. mẹ chúng nó bỏ hết chúng ta rồi.- Đ/Tá không nhận được lệnh gì sao? -Xin lỗi Đ/Úy, lũ khốn nạn chẳng có lệnh lạc gì cả?'. Đoàn xe sau nhiều trở ngại đã đến được điểm hẹn, nhưng quá trễ. 11 giờ trưa 29 cánh quân đầu mới tới bờ sông Hàn. 12 giờ trưa vượt sông và đến được Chủng Viện Sơn Chà để sau cùng tan hàng trong uất hận.

    (Quyết định lui binh SĐ 3 chỉ được Tướng Trưởng ra lệnh cho Tướng Hinh vào lúc 10 giờ 30 đêm ngày 28 tháng 3 trong buổi họp tại Hầm Chỉ Huy ở căn cứ HQ Tiên Sa. Tướng Hinh hoàn toàn bất ngờ, xin Tướng Trưởng cho thời gian chuẩn bị nhưng không còn nữa. Phó Đề Đốc Thoại ghi lại: Sau khi xin 72 giờ để chuẩn bị, rồi xuống 48 và cả đến 24 giờ cũng không được. Ông Thoại nói với Ông Hinh:' Th/Tướng hãy về sắp xếp công việc SĐ rồi cùng Bộ Tham Mưu bay ra bãi Bắc lúc 4 giờ sáng ngày mai, tôi sẽ cho tàu vô đón Thiếu Tướng'. Vị Tư Lệnh nhìn tôi sững sờ, biết là tình hình đã tuyệt vọng'. SĐ 3 BB được xem là bị bỏ rơi hoàn toàn. Tướng HQ nhiều lần xác nhận là không có lệnh di tản SĐ 3. Bộ Tư Lệnh SĐ chỉ có 6 giờ để bỏ chạy cho kịp Tướng Hinh tuy cố gắng nhưng chỉ liên lạc và đưa được gần 1000 binh sĩ tại Hòa Cầm ra khỏi Đà Nẵng. Phần ông và một số tùy tùng đã được HQ 802 vớt trong lúc kêu cứu tuyệt vọng từ bờ biển.

    - Bài 'Trung Tướng Ngô Quang Trưởng' qua lời thuật của Nguyễn Tường Tam' do Phiến Đan thực hiện, trích từ Nguoi-viet Online . Bài viết có đoạn ngắn ghi lại lời kể của Đ/Úy Hòa, tùy viên của Tướng Trưởng về những phút cuối cùng của Tướng Trưởng tại Đà Nẵng, kể cả việc phải dùng phao tự tạo để bơi ra tàu.
    Tình trạng hỗn loạn tại thành phố Đà Nẵng được ghi chép lại từ:

    - 'Giờ Phút Hấp Hối Của Thành Phố Đà Nẵng: Cuối tháng 3-1975' của Phan Đức Minh, Th/Tá Phó Công Tố Tòa Án Mặt Trận Vùng I Chiến Thuật.
    - '30-04-1975: Máu Và Nước mắt' của Hàn Giang Trần Lệ Tuyền, tập bút ký đăng trên hon-viet.co.uk . Tập bút ký mô tả tình trạng hỗn loạn tại Đà Nẵng cùng với vai trò và hoạt động của Lực lượng Hòa giải Phật giáo trong việc xúi giục dân chúng nổi dậy và những vụ thanh toán tìm giết các phần tử quốc gia ngay từ trước khi cộng quân vào Đà Nẵng. Tài liệu ghi rõ tên các nạn nhân và nơi bị giết hại.

    Các tài liệu từ sách, báo Mỹ:

    - 'Nước Mắt Trước Cơn Mưa' bản dịch của Nguyễn Bá Trạc từ 'Tears before the Rain ' của Larry Engelmann; Tập sách đã dành 3 bài của 3 người Mỹ khác nhau (trang 28 đến 46) viết về chuyến bay cuối cùng của chiếc Boeing 727 của Hãng World Airway đáp xuống phi trường Đà Nẵng vào trưa ngày 29-3 (lúc Cộng quân đã tiến chiếm phi trường) với những chi tiết bi thảm như binh sĩ bắn giết dân chúng để giành chỗ trên máy bay, máy bay gần hết xăng, không đóng được cửa sau, xác chết kẹt trong phòng chứa bánh đáp, một bên cánh bị toác vì lựu đạn và những nguy hiểm khi phi cơ hạ cánh. Tuy nhiên, theo Wolf Lehmann, Phó Đại Sứ Hoa Kỳ tại VN (trang 72) thì đây là một chuyến bay 'gây tai họa', tự ý cất cánh, không được chính quyền VN cho phép và Tòa ĐS Hoa Kỳ cho rằng đây là một hành động vô trách nhiệm, bốc đồng của Ed Daly gây ra nhiều phiền phức; tuy đưa được một số người ra khỏi Đà Nẵng nhưng cũng đã giết chết nhiều người trên phi đạo.

    - 55 Days The fall of South VietNam của Alan Dawson: Tập sách dành một số trang (từ 161 đến 188) để viết về tình trạng thành phố Đà Nẵng trong những ngày sau cùng. Một số chi tiết khá sống động về sự hoảng loạn trong thành phố, tình trạng hầu như 'vô chính phủ' và câu chuyện của những người Mỹ có vợ Việt bị kẹt lại cùng vai trò của Tổng Lãnh Sự Francis. Một số chi tiết quân sự, có lẽ do nghe kể lại nên không chính xác như đoạn viết về một sĩ quan tên Tâm, liên lạc bằng điện thoại về Sàigòn với cấp chỉ huy để xin tự đào ngũ (?) trong khi liên lạc vô tuyến giữa Saigon và Đà Nang đã gián đoạn, các liên lạc phải dùng hệ thống viễn liên của Hải Quân.

    - New York Times, March 30, 1975: Bài viết của Ký giả Malcom Brown về Sự 'thất thủ' của Đà Nẵng và tan rã của QĐ I VNCH.

    - The Fall of South Vietnam: Statements by Vietnamese Military and Civilian Leaders do tổ hợp Rand xuất bản. Tập sách tổng hợp nhiều ý kiến rất đa dạng, nhiều lời giải thích về trường hợp Đà Nẵng tan hàng (trang 218-228), ghi lại một số 'lời kể' của các giới chức 'có thẩm quyền' như của Tướng Trưởng, Tướng Hinh. Tác giả Nguyễn Đức Phương đã dùng một số chi tiết của tập sách này để viết trong chương ‘Cuộc Lui Binh Của Quân Đoàn’ 1 trong tập ‘Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập’ (tác giả đã dùng những lời kể lại của Đ/Tá Nguyễn Thành Trí với Đ/Tá Phạm Bá Hoa trong ‘Đôi dòng ghi nhớ’ nên không chính xác về trường hợp di tản của Tướng Lân).

    - The Twenty-Five year Century (Lam Quang Thi), tập sách viết bằng Anh Ngữ. Tập sách có một số chi tiết về buổi họp tại Hầm Chỉ Huy Tiên Sa, ghi lại chuyến bay trực thăng của Tướng Thi ra hạm đội trong đêm, để lập một bộ chỉ huy nhẹ lo việc di tản SĐ TQLC (?)


    Trần Lý
    Tháng Chín, 2010

  • #2
    Đại Bàng Bị ‘Buộc’ Cánh - Trần Lý

    Đại Bàng Bị ‘Buộc’ Cánh

    Trần Lý



    Bốn mươi năm qua từ khi ‘Bầy chim vỡ tổ‘ đem theo niềm đau viễn xứ, xin nhìn lại khoảng thời gian xưa để cùng suy nghĩ thân phận nhược tiểu..

    Sau ngày ngưng chiến 27 tháng Giêng 1973, KQ VNCH được xếp vào Không lực đứng hàng thứ 4 trên thế giới về số lượng phi cơ với 2075 chiếc, gồm 25 loại khác nhau. KQ VNCH có đến 65 phi đoàn , quân số lên đến 61, 147 người.

    Tháng 4 năm 1975..vai trò của KQ VNCH hầu như không còn hữu hiệu trong việc yểm trợ bộ binh chống đỡ các đợt tấn công của CSBV.

    Bài viết xin góp nhặt một số dữ kiện được ghi nhận trong:

    - Air War over South Vietnam 1968-1975 (Bernard C. Nalty)
    - Flying Dragons: The SouthVietnamese Air Force (Robert C. Mikesh)
    - Những ngày cuối của Việt Nam Cộng Hòa (Cao văn Viên)
    - Quân sử Không Quân Việt Nam Cộng Hòa (Lý Tưởng Úc Châu)
    - Vietnam from Cease-Fire to Capitulation (William Le Gro)
    - The Fall of South Vietnam : Statements by Vietnamese Military and Civilian Leaders
    (Rand Corporation)

    * Những vấn đề..từ phi cơ:

    Không Quân VNCH, trước ngày ’Ngưng bắn theo Hiệp định Paris’ đã được nhận (đúng hơn là bắt buộc phải nhận) một số lượng phi cơ và quân dụng vượt quá khả năng tiếp nhận qua các Chương trình chuyển giao quân cụ Enhance và Enhance plus. Những phi cơ ’ồ ạt’ bàn giao gồm các phi cơ vận tải C-130, phi cơ tuần tra ven biển RC-119G, phi cơ phản lực F-5, A-37, và những trực thăng UH-1 và CH-47 tử Lục quân HK và vài loại khác như các phi cơ quan sát O-2, huấn luyện T-37..

    Phi cơ thì nhiều nhưng nhân viên bảo trì và Phi công lại chưa đủ để sử dụng..Tướng Jimmy L. Jumper, Trưởng Toán Cố vấn KQ cho rằng..’ cứ có quân dụng sẵn đi , rồi tính sau..’
    Nhưng trên thực tế , việc bàn giao phi cơ và quân dụng khẩn cấp, ’thiếu tính toán (?)’ này đã đặt KQ VNCH vào một tình trạng bất ngờ và..rối rắm..

    - Các phi cơ C-130, đã cũ và hao mòn nhiều, đòi hỏi sự tu bổ và bảo trì của 199 nhân viên dân sự hoạt động theo hợp đồng giữa Chánh phủ HK và Công ty Lear Sigler, ngoài ra còn phải trả thêm chi phí thuê bao cho 2 nhân viên kỹ thuật đại diện của Công Ty Lockheed (mọi chi phi dĩ nhiên là tính hết vào ngân khoản viện trợ).
    - Chương trình RC-119G là chương trình..xài tiền viện trợ mà ..không hoạt động được, tuần thám ven biển không hiệu quả như uớc tính trên giấy tờ! Trên nguyên tắc các phi công đã từng bay C-119 và C-47 , sau khi xuyên huấn sẽ có thể điều khiển RC-119G dễ dàng, nhưng vấn đề là không có các nhân viên phi hành, và việc chuyển 13 chiếc AC-119G thành RC-119G lại quá tốn phí: mất hơn 4 triệu USD! Khi phi cơ được chuyển đổi xong, vấn đề hoạt động chiến thuật lại gặp trở ngại: các tàu, thuyền vận tải xâm nhập của CSBV, trang bị súng phòng không và hỏa tiễn SA-7 gây khó khăn cho các phi cơ bay chậm và hơn nữa, do được hoạt động gần như tự do trên đường mòn HCM, CSBV hầu như không ..cần đến việc tiếp tế bằng đường biển nữa!
    - Phi cơ khu trục yểm trợ bộ binh A-1, theo dự kiến sẽ được dùng thả các loại bom cải tiến thay cho bom napalm (xăng đặc) thành bom ‘chứa khí đốt hóa lỏng=propane bomb’ cũng đang ở vào thời gian cuối của ’tuổi thọ‘.Cấu trúc phi cơ đã vượt quá thời gian được phép xử dụng. Skyraider không thể chúi theo gốc độ hẹp hơn 30 độ, và không thể ‘kéo’ được quá 4 Gs (gấp 4 lần sức hút của trái đất).. Các giới hạn kỹ thuật này ảnh hưởng nhiều đến khả năng oanh kích của phi cơ, giới hạn sự hữu hiệu của các phi vụ yểm trợ hỏa lực.

    - C-47, loại phi cơ vận tải sản xuất từ thời 1930, tuy vẫn còn khá hữu hiệu trong các phi vụ thả hỏa châu soi sáng chiến trường và trợ giúp các tiền đồn khi bị CQ tấn công, lại được dự trù chuyển đổi thành các EC-47s để dùng trong các phi vụ không thám. Các trang thiết bị trên các EC-47 từ Hoa Kỳ chuyển giao sang cho VNCH đã bị hư hại và ‘hao mòn’ nhiều qua thời gian sử dụng liên tục, không được tu bổ, sửa chữa kịp thời..Nhân viên khai thác tin tức và không ảnh thiếu kinh nghiệm, không ước đoán nổi tình hình và không ảnh sau khi chụp, phải mất đến 5 ngày để đến tay nhân viên khai thác (?).
    - Trực thăng UH-1, thành phần chính trong Lực lượng trực thăng của KQVNCH: Số lượng phi cơ tiếp nhận vượt quá khả năng bảo trì..chưa kễ sự chậm trễ trong việc cung cấp các cơ phận thay thế..
    - Phi cơ Caribou C-7 hầu như ngưng hoạt động vì không còn cơ phận sữa chữa, phải dùng phương thức tháo bộ phận còn tốt của phi cơ nằm ụ để thay cho phi cơ khác khi cần..

    * Từ dự kiến đến thực tế:

    Vào mùa Hè 1974, Các Bộ Chỉ Huy Không quân HK tại Khu vực Thái bình dương và Bộ Chỉ Huy Tiếp vận KQHK đã xem xét lại cơ cấu tổ chức của KQ VNCH để đưa ra những khuyến cáo trong mục đích giúp VNCH tự chống trả những cuộc tổng tấn công kiểu Mùa Hè đỏ lửa (1972) của CSBV. Tuy đứng trước tình hình Quốc Hội HK và áp lực của công luận Mỹ đang dự trù cắt giảm viện trợ, bản khuyến cáo này vẫn dựa trên ’ giả thuyết Không lực HK sẽ can thiệp khi VNCH bị tấn công!

    Một số điểm được nêu ra:

    - Vấn đề thu thập tin tình báo: Nhóm nghiên cứu cho rằng với lực lượng không thám cơ hữu gồm 12 chiếc RC-47, 32 chiếc EC-47 và 7 chiếc RF-5, có thể tạm đủ nhưng đề nghị chia RF-5 thành 2 nhóm, đồn trú tại Đà Nẵng và Biên Hòa (thay vì tập trung hết tại Biên Hòa) để RF-5, vì tầm hoạt động tương đối hẹp, có thể bao vùng dễ dàng hơn và KQVN cần áp dụng thêm kỹ thuật chiến lược, hổ trợ cho RF-5 bằng cách dùng RC-47 hay EC-47 thả hỏa châu trên khu vực cần chụp không ảnh, để giúp RF-5 tránh hỏa tiễn SA-7.
    - Bản nghiên cứu cho rằng với 200 phi cơ quan sát hướng dẫn mục tiêu oanh kích, KQ VNCH có đủ lực lượng để hoạt động hữu hiệu. Phi cơ U-17 tuy được đánh giá là loại thích hợp nhất cho các phi vụ vận tải nhẹ và liên lạc, nhưng không thích hợp cho các quan sát viên. Sự đe dọa của SA-7 đưa đến đề nghị nên sử dụng các nhân viên điều khiển yểm trợ ở ngay tại chiến trường dưới đất và dùng F-5 như một phi cơ hướng dẫn mục tiêu ở những khu vực CSBV đặt hệ thống phòng không dầy đặc.
    - Sự thay đổi từ các F-5 A, B sang F-5E được xem là rất thích ứng để KQ VNCH có thể bảo vệ không phận chống trả các MiG-21 và một phi đoàn F-5E đặt tại Đà Nẵng là tốt nhất, để khi cần có thể ’tung’ ra được 20 phi xuất trong vòng 2 giờ.
    - Về phương diện vận chuyển, bản nghiên cứu ghi nhận số lượng phi cơ vận tải, dù hoạt động hết năng suất, cũng sẽ không đáp ứng nổi nhu cầu vận chuyển của Quân lực VNCH . Quản trị thật tốt cũng không thể tăng nổi năng xuất.
    - Lực lượng trực thăng, có vẻ như..tạm đủ (?). Số lượng trực thăng UH-1 sử dụng trong các cuộc hành quân không vận của Quân lực HK vào khoảng 842 chiếc, nhưng với QL VNCH con số 640 có thể vừa đủ vì VNCH không có đủ khả năng ’hành quân không vận’ trên các chiến trường rộng lớn, Con số CH-47 được xem là thích hợp để dùng trong các nhu cầu vận chuyển nặng và gần.
    - Con số phi cư khu trục và tấn kích, theo bản nghiên cứu, được xem là thiếu 127 chiếc , tuy nhiên có thể dùng các AC-47 và AC-119K để giúp tăng hỏa lực khi cần. Chỉ cần tu bổ và bảo trì tốt, các F-5s , A-37 và A-1s có thể giúp chống đỡ đuợc các đợt tấn công của CSBV.

    .. và.. thực tế..:

    Dự kiến trên có vẻ như KQ VNCH sẽ có thể yểm trợ hữu hiệu cho Bộ binh trên chiến trường nhưng ngay từ khi bản nghiên cứu được công bố, Tướng John Murray ( tháng 10-1974) đã cảnh cáo là ‘có rất nhiều điểm thiếu sót và khiếm khuyết , để giới hạn sự hữu hiệu (được bản nghiên cứu cho là) của KQ VNCH ‘ (Tuớng John Murray là Trưởng toán cố vấn DAO gồm 50 nguời, hoạt động phối hợp cạnh QL VNCH, kiểm soát các nhà thầu dân sự trong các hoạt động yểm trợ về bảo trì và tiếp liệu. DAO không trợ giúp VNCH về các vấn đề quân sự. DAO được đặt dưới quyền chỉ huy tổng quát của ĐS HK Graham Martin)

    Theo nhận xét của Murray:

    - Các phi công VNCH rất can đảm và liều lĩnh nhiều khi vượt quá mức cần thiết. Để tránh nguy cơ bị bắn hạ do SA-7 và các hệ thống phòng không điều khiển bằng radar của CSBV, họ ít khi liều lĩnh tấn công các mục tiêu dưới đát, từ cao độ dưới 10 ngàn feet. Các tai nạn do liều mạng và bất tuân luật lệ an phi, chở ‘thêm’ người trái phép (joyriding), đậu phi cơ bất kể nơi quy định.. có khi ’say xỉn’..đã làm KQ VNCH mất số lượng phi cơ..tương đương với một phi đoàn ?.
    - Trong khi các phi công tự làm hao hụt phi cơ thì phòng không CSBV gây thêm những tổn thất.. Cho đến tháng 6 năm 1964, CQ đã bắn 136 quả SA-7, trị giá khoảng 680 ngàn USD đễ bắn hạ 23 phi cơ VNCH trị giá đến 12 triệu USD . Vũ khí phòng không của CQ đã tỏ ra nguy hiểm đến mức VNCH không còn kiểm soát nổi những vùng không phận dọc biên giới Miên, Lào và như tại Vùng I, phi cơ của KQ VNCH hầu như chỉ hoạt động trên vùng ven biển. Tai nạn và hỏa lực của CQ đã làm KQ VNCH mất 237 phi cơ (trong khoảng thời gian 23 tháng sau ngày đình chiến
    - Chi phí cho KQ VNCH trong Tài khóa 1974 lên đến 382 triệu USD, chưa kể chi phí về bom đạn.

    Tốn kém hơn cả chi phí cộng chung của Lục quân và Hải quân! KQ còn đòi hỏi thêm sự cộng tác của 1540 chuyên viên yểm trợ từ Nhà thầu Quốc phòng Mỹ như Lear Sigler, trong khi dó Lục quân chỉ cần 723 nhân viên và Hải quân cần..61 người. Trong số 466 nhân viên dân sự do Chính Phủ HK gửi giúp Quân lực VNCH thì 202 nguời làm việc cho KQ.. Tướng Murray đã cho rằng KQ VNCH..quá tốn kém để hoạt động trong một không phận bị thu hẹp..

    * Cơ cấu tổ chức:

    Bernard Nalty ghi: Tuy các cố vấn HK đã cố gắng, qua trên 10 năm để tổ chức KQ VNCH theo kiểu’ KQ HK, nhưng không thành công. Mục tiêu để có một Sĩ quan KQ chỉ huy lực lượng KQ biệt lập trong QL VNCH đã không đạt được trong suốt thời gian cuộc chiến..

    Cách hoạt động của QL VNCH là các Tướng Vùng, toàn là Bộ binh, có toàn quyền trên các đơn vị , kể cả KQ, trong Vùng của họ. Nguời Sĩ quan KQ , chỉ huy Trung Tâm Hành quân Chiến cuộc KQ điều hành các phi vụ hành quân yểm trợ trong Vùng trách nhiệm, thường là một Đại tá hay Trung tá KQ phải báo cáo với Sĩ quan Chỉ huy hành quân của Vùng (là SQ BB), đồng thời liên lạc với các Tuớng Tu lệnh Su đoàn trực thuộc Quân đoàn. KQ VNCH không có những Bộ Chỉ huy theo kiểu ..HK và Bộ TTM QL VNCH hầu như gồm toàn SQ BB ..

    KQ VNCH thiếu khả năng hành quân ‘mềm dẻo‘ kiểu HK. Đa số các phi vụ đều đã được ’dự trù’ theo kế hoạch định trước; rất ít khi Trung tâm điều hành hành quân có thể thay đổi mục tiêu oanh kích phù hợp với nhu cầu chiến trường! Các quyết định ‘cứng ngắc’ trong các phi vụ oanh kính hoàn toàn tùy thuộc vào sĩ quan liên lạc không trợ, chỉ định đi theo đơn vị hành quân và quan sát viên chỉ điểm mục tiêu trên phi cơ quan sát. Sĩ quan liên lạc không trợ bên cạnh các Bộ tư lệnh cao hơn cấp tiểu đoàn thường là những sĩ quan KQ trung cấp, được huấn luyện cấp tốc và có nhiều khi không phải là phi công, và dù cho họ từng là phi công, họ cũng chỉ đóng những vai trò phụ thuộc trong các kế hoạch hành quân do các sĩ quan BB vạch ra .. Các sĩ quan Bộ binh sau khi được học một khóa cấp tốc 30 ngày về KQ, được đưa vế cấp Tiểu đoàn để phụ trách liên lạc không trợ.

    Khả năng yếu kém của Bộ Chỉ huy Tiếp vận KQ trong việc theo dõi chiến cụ tồn kho cũng gây thêm trở ngại cho vấn đề thiếu cơ phận bảo trì.Tính đến cuối tháng 10-1973, Bộ Chỉ huy Tiếp vận KQ có nhận số đáp ứng 92% cấp số dự trù nhưng thiếu kinh nghiệm và chỉ được huấn luyện cấp tốc về tiếp vận.. Máy điện toán tại các Bộ Chỉ huy, giữ các dữ kiện về hàng tiếp liệu tại các kho Vùng thường bị trở ngại trong các mùa Xuân và Hè (?) (Năm 1973, trong thờì gian kéo dài đến 30 ngày, hệ thống điện toán tiếp vận KQ tại Căn cứ Tân Son Nhứt.. hầu như ngưng hoạt động đến 65%, một hệ thống điện toán lưu động đặt tại Căn cứ Clark, ở Philippines đã phải can thiệp và trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 đã giúp chuyển vận, giải quyết đến 400 ngàn trường hợp).

    * Những con số viện trợ..và tiếp liệu:

    Vấn đề viện trợ của Hoa Kỳ được Tướng Cao văn Viên, Tổng Tham mưu Trưởng QLVNCH ghi nhận riêng về phần ngân khoản dành cho KQ như sau:

    Sau khi ngân khoản bổ túc 300 triệu bị Quốc Hội HK bác bỏ, Ngân khoản được cấp cho QL VNCH chỉ còn 700 triệu, ( nghĩa là chỉ đủ cho phân nửa nhu cầu tối thiểu của quân đội VNCH)
    Không Quân: cần 414 triệu, được nhận 183 triệu (44% ngân khoản yêu cầu)

    Vời số ngân khoản ít hơn, KQ VNCH phải:

    - Đinh động 200 phi cơ các loại gồm A-1, C-47, C-119 và O-2
    - Hủy bỏ chương trình thay thế phi cơ F-5A bằng F-5E. Tiền dự chi cho 36 chiếc F-5E được hoàn trả cho HK để chuyển sang các chương trình khác cần thiết hơn.
    - Hồi hương 400 Sinh viên sĩ quan đang theo học bay phản lực và trực thăng tại HK.
    - Trên 1000 chuyên viên KQ đang theo học Anh ngữ để chuẩn bị theo học các ngành về bảo trì hay các ngành không phi hành ở ngoại quốc bị đình chỉ và chuyển sang các đơn vị tác chiến.
    - Các cắt giảm và thuyên chuyển này gây một tác động tâm lý tiêu cực chung cho Quân chủng KQ.
    - Giảm giờ bay thực tập và giảm số phi suất yểm trợ: KQ VNCH chỉ cung ứng nổi 50% nhu cầu yểm trợ hỏa lực và 58% nhu cầu không thám, làm giảm rất nhiều khả năng theo dõi sự xâm nhập, tập trung quân và di chuyển của CSBV.
    - Sự vận chuyển bằng trực thăng bị giảm đến 70%, gây trở ngại nhiều cho các nhu cầu tản thương, tăng viện quân và tiếp tế..
    - Không vận bằng phi cơ vận tải bị cắt giảm đến 50%: Các C-130, phương tiện chuyển vận chính của KQ VNCH bị trưng dụng vào các phi vụ thả bom, do trở ngại về cơ khí, hư hỏng do thiếu cơ phận bảo trì ..đa số trở thành bất khiển dụng: mỗi ngày chỉ có 4 đến 8 chiếc khả dụng (trong tổng số 32 chiếc đang có)

    Quân sử Không quân (trang 190) ghi rõ hơn:

    - Số phi cơ bị đinh động là 224 chiếc gồm:
    - Toàn bộ các A-1 Skyraider: 61 chiếc, tồn trữ trong bọc, rải rác tại nhiều Căn cứ (ghi chú của TL: Các A-1 của Phi đoàn 530 Thái Dương tại PleiKu bị đinh động và ’đóng gói’ để trở thành ’chiến lợi phẩm’ cho CSBV khi VNCH rút khỏi Vùng 2.)
    - Vận tải Caribou C-7: 52 chiếc ( tại Pleiku, Phù Cát..)
    - Phi cơ quan sát O-2 Skymaster 31 chiếc
    - Vận tải võ trang AC-47, AC-119 : 34 chiếc
    - Một số trực thăng UH-1 (31 chiếc)
    (Theo The Flying Dragon: trong số phi cơ bị đinh động còn có cả các T-37 và T-41 của Trung Tâm Huấn luyện KQ Nha Trang).

    Đại Tá Le Gro: Số phi đoàn bị cắt giảm từ 66 xuống 56; không có phi cơ để thay thế cho 162 chiếc bị thiệt hại, giờ bay cằt giảm, bớt nhân viên dân sự HK yểm trợ..’

    Quân sử KQ cho biết thêm: ’Vì bom đạn và nhiên liệu dự trữ chỉ đủ dùng trong 2 tháng, các phi vụ bị hạn chế tối đa. Các phi cơ khu trục chỉ được trang bị phân nửa bom đạn và mỗi trái bom thả phải báo cáo về Bộ Tư lệnh QK!..Đây là khoảng thời gian duy nhất trong cuộc chiến ..KQVN thặng dư phi công!’. Hơn nữa cũng vì lý do ngân sách, KQVNCH đã phải cho đóng cửa các căn cứ phụ thuộc ở Cam Ranh, Tuy Hòa và Chu Lai. Các phi trường Phú Bài và Ban Mê Thuột cũng không còn các biệt đội thường xuyên trú đóng..

    * Tình hình tiếp liệu:

    Những ghi nhận từ Tổng Cục Tiếp vận còn có phần ’bi đát’ hơn:

    Đại Tá Phạm Kỳ Loan , Tổng cục phó Tổng cục Tiếp vận, cho biết (về phần liên hệ đến KQ):

    ‘ Trở ngại quan trọng nhất cho chúng tôi là ‘Cơ phận thay thế‘ nhất là của phi cơ. Một ví dụ là trường hợp của phi cơ vận tài: lực lượng chính là các C-130 A. Đây là loại phi cơ cũ, không còn dùng trong Không lực HK, do đó rất khó tìm được cơ phận thay thế, chúng tôi có 30 chiếc nhưng chỉ dùng được 5 chiếc mỗi ngày (tôi biết rất rõ, vì tôi là người cung cấp phương tiện chuyển vận này), Cơ phận tuy rồi cũng được gửi đến, nhưng phải chờ sản xuất mỗi khi yêu cầu, đặt hàng..vì không có sẵn, và phải chờ khá lâu. Do đó đa số các C-130 phải nằm ụ..Các yêu cầu phải chờ DAO duyệt xét, rồi chuyển sang Okinawa hay đâu đó để thực hiện..Nhu cầu tiếp liệu thường không được cung cấp kịp thời..

    Vấn đề đạn dược và xăng dầu là những trở ngại không kém quan trọng: Để tiết kiệm chúng tôi phải giới hạn nhu cầu về hỏa châu (!) và nhiều loại bom, đạn khác..Nhiên liệu quan trọng nhất là GP4 dùng cho trực thăng và phi cơ chiến đấu: Các trực thăng như UH-1 và Chinook đã phải cắt giảm giờ bay..Việc yểm trợ chiến trường do giới hạn của KQ đành phải chuyển sang Pháo binh.. Và Pháo binh cũng không cón đạn!

    * Ghi nhận của các Vị chỉ huy Không Quân:

    Nếu chỉ nhìn qua con số hơn 2000 phi cơ các loại vào ngày Ngưng bắn thì KQ VNCH sẽ là một lực lượng quan trọng để giữ cân bằng cán cân quân sự đối đầu với CSBV, nhưng trên thực tế..lại không xẩy ra như dự kiến. Đối với QL VNCH khi nói đến không yểm của KQ , các cấp Chi huy ( ngay cả TT Thiệu) đều nghĩ ngay đến B-52 cùng các phi cơ phản lực tân tiến nhu F-4.. kèm theo sự tin tưởng là HK sẽ tiếp tục can thiệp bằng B-52 (như năm 1972) khi CSBV vi phạm Hiệp ước Paris (!).

    Tuy nhiên sự mất hữu hiệu của KQ VNCH còn do một số yếu tố chiến thuật:

    Một sĩ quan cao cấp KQ VNCH (sau khi được huấn luyện như một sĩ quan pháo binh, rồi chuyển sang KQ) cho biết:

    ’ KQ bị giới hạn do việc chỉ huy các phi cơ được đặt dưới quyền các Tư lệnh Vùng và nhiệm vụ duy nhất của KQ là yểm trợ Bộ binh, điều đó trên căn bản có nghĩa là khi Bộ binh không ngăn chặn được địch quân thì sẽ phải dùng đến KQ. Tuy nhiên, trên chiến trường, việc tập trung hỏa lực không phải do KQ quyết định mà do Bộ TTM, vì Bộ TTM là nơi phân phối các phi vụ..bao gồm cả số phi xuất và loại bom cho phép thả. Bộ TTM làm điều này bằng quyết định con số phi cơ cấp cho mỗi Vùng; và KQ không có quyền chỉ định số phi xuất và loại bom đạn sử dụng mà phải do Tư lệnh Vùng quyết định và cho phép.’

    Về khả năng của phi cơ, Ông cho biết thêm:

    ‘ F-5 là một loại phi cơ rất tốt, các phi công rất thích bay loại này, nhưng F-5 không thích hợp cho chiến trường VN. Phi cơ tốt nhưng không đủ trọng tải và tầm hoạt động giới hạn..chỉ bay được trong 1 giờ 15 phút. Chúng tôi cần những phi cơ có thể thả bom trên những cao độ ngoài tầm sát hại của SA-7. Với sự cố vấn của KQ HK, chúng tôi tìm ra phương pháp thả bom từ cao độ trên 10 ngàn feet..Nhưng trên thực tế cách thả bom này đã làm đi mất sự chính xác khi oanh kích,,’

    (Anthony Tambini, một chuyên viên bảo trì F-5, cạnh KQ VNCH, cho biết ( trong F-5, Tigers over Vietnam): F5-A và B mang được tối đa 6200 lb bom đạn, khi mang trọng lượng tối đa này, kể cả 500 viên đạn đại bác 20 mm, tầm hoạt động là 220 miles; F-5E , tuy mang lượng bom đạn cao hơn: 8000 lb và 560 viên 20 mm nhưng tầm hoạt động chỉ còn 200 miles. Trong khi đó A-37 mang tối đa 5400 lb trong tầm 460 miles)

    Đại Tá Vũ văn Uớc, Chỉ huy Hành quân của KQ VNCH cho biết:

    Đa số các phi cơ của KQ VNCH được chế tạo từ 10, 15 và thậm chí từ 30 năm trước , ngoại trừ các A-37 (chế tạo mới dựa theo T-37) và các F-5E, Các phi cơ cũ rất chậm so với khả năng của phòng không CSBV, nhất là SA-7 và các đại bác cỡ lớn có thể bắn hạ phi cơ ở cao độ 18 ngàn feet.. Nói cách khác, phi cơ của KQ VNCH là mục tiêu khá dễ bắn hạ của CSBV trong những năm 1973-75 khi họ tập trung các lực luợng phòng không dày đặc tại các chiến trường mà họ đã chọn lựa sẵn..CSBV thay đổi chiến thuật, di chuyển rất nhanh khi tấn công vào các thị trấn chọn sẵn tại những nơi KQ VNCH gặp nhiều trở ngại khi yểm trợ quân trú phòng..

    Sự liên lạc giữa lực lượng dưới đất và không quân trên cao rất yếu kém, nên việc yểm trợ từ trên không mất đi sự hữu hiệu.. Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, Bộ binh VNCH không bảo vệ an toàn được cho các phi trường nên KQ không thể..hoạt động (!), Nếu các căn cứ KQ có được sự bảo vệ cần thiết thì KQ có thể hữu hiệu hơn. Chúng tôi mất khả năng tấn công địch quân vì các căn cứ bị pháo kích liên tục.. Trực thăng không phải là một phương tiện chuyển vận tốt trong chiến tranh du kích, và khi sử dụng C-130, mỗi khi đáp và cất cánh..phi trường đều bị pháo kích (!). Muốn được an toàn, Bộ binh cần giúp bảo vệ một khu vực ít nhất 20 miles quanh Căn cứ KQ.. Bộ binh không đủ sức bảo vệ Căn cứ..nên KQ không thể hoạt động!

    * Vài con số trong những ngày sau cùng:

    - Vào thời điểm đầu tháng Giêng 1975: Lực lượng khu trục của KQ VNCH được ước lượng là còn khoảng 390 phi cơ gồm các loại A-37 và F-5, trong số này 90% ở tình trạng hoạt động được, được ước tính thì là 273 phi cơ.
    - Sau khi ’mất’ Vùng 1 và Vùng 2, Bộ TTM bắt đầu, cung cấp các phi vụ yểm trợ cho các Vùng 3 và 4 theo kế hoạch từng ngày, và lầu đầu tiên trong cuộc chiến, Bộ Tư lệnh KQ Chiến thuật tại TSN được ’chia’ cho 20 phi suất mỗi ngày và được tự chọn mục tiêu oanh kích!
    - Trong khoảng thời gian từ 1 đến 19 tháng 4/1975, KQVN thực hiện được trung bình mỗi ngày 180 phi vụ chiến đấu trong đó Bộ TTM dành 100 cho Vùng 3 và 60 cho Vùng 4. Riêng trong trận Xuân lộc (Long Khánh), KQ VNCH đã yểm trợ trên 600 phi suất..
    - Vào thời điểm Xuân Lộc, KQ VNCH còn 1492 phi cơ, trong đó 976 chiếc hoạt động được, 135 chiếc hư hỏng và 381 chiếc bị bắn hạ và vứt bỏ. Lực lượng khu trục còn đuợc 169 chiếc A-37 và 109 chiếc F-5 các loại A,B và E/ trong đó 92 A-37 và 93 F-5..bay được (có thể kể thêm khoảng 10 chiếc A-1 đem ra dùng lại), ngoài ra còn một số AC-119 góp phần, chung sức với A-1 Skyraider trong những phi vụ cuối cùng trên không phận Sài Gòn.

    (Xin xem các bài : Ngày chim vỡ tổ; Những phi vụ cuối cùng của KQ VNCH)


    Trần Lý (Tháng 3/2015)

    Comment


    • #3
      Quân lực Việt Nam Cộng Hòa
      còn súng nhưng…hết đạn !



      ‘Quân lực VNCH đang đổi máu lấy đạn, và con số thương vong gia tăng khi cấp số đạn dược giảm xuống..’ (Tướng John Murray trong thơ gửi cho Bộ Tư lệnh HK tại Thái Bình Dương khi số đạn trị giá 22 triệu đô la đa trả tiền năm 1974, không được giao cho QL VNCH vì Nam VN đã vượt quá ngân sách của năm 1974 !)
      alt

      Súng còn đó, nhưng hết đạn thì làm sao mà đánh đây? Tháng Tư lại về, 40 năm đã qua nhưng niềm đau nhược tiểu, tin vào Bạn Đồng Minh đã làm dân Việt Miền Nam phải trả một giá quá đắt!

      Sau bài ‘Đại bàng bị buộc cánh’ về tình trạng bi đát của Không quân VNCH, bài này xin ghi lại những con số và diễn biến đã xẩy ra cho việc tiếp vận đạn dược của Quân lực VNCH vào thời điểm đầu năm 1975.

      Rất nhiều Tác giả, kể cả Tướng Cao văn Viên đã viết về tình trạng kiệt quệ tiếp liệu của QL VNCH vào đầu năm 1975, hậu quả của việc cắt giảm ngân sách viện trợ cho VN của Quốc Hội Hoa Kỳ, Những con số quân viện cũng đã được ghi nhận rất rõ ràng, tuy nhiên một số vần đề và hậu quả cũng cần phải do những người trong cuộc lên tiếng..

      Bài này xin giới hạn trong vấn đề đạn và vũ khí dành cho Lục quân VNCH, về KQ VNCH, xin đọc bài ‘Đại bàng bị buộc cánh’ và về HQ VNCH xin đọc ‘’Kình ngư..trong hồ‘

      Việc cắt giảm viện trợ của Hoa Kỳ cho VNCH và các con số liên hệ đã được ghi lại rất rõ ràng với nhiều chi tiết trong các tài liệu Việt-Mỹ:

      - Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa (Cao văn Viên)
      - Khi Đổng Minh tháo chạy (Nguyễn Tiến Hưng)
      - The Fall of South Vietnam : Statements by Vietnamse Military and Civilian Leaders
      (Stephen Hosmer & Konrad Kellen & Brian Jenkins [RAND Corporation]
      - Vietnam from Cease-Fire to Capitulation (William Le Gro)

      * Tình trạng quân cụ của VNCH ( phần Lục quân )

      Trong chương trình ‘Việt Nam Hóa’ chiến tranh, sửa soạn cho Hiệp định Paris, Hoa Kỳ đã chuyển giao cho VNCH:

      - Kế hoạch ENHANCE (từ thàng 5 đến tháng 10, 1972)

      - 100 Hệ thống chống chiến xa TOW
      - 32 giàn đôi (mỗi giàn 2 đại bác phòng không) 40 ly, gắn trên chiến xa
      - 96 giàn đại liên (mổi giàn 4 khẩu ) phòng không 30.cal

      - Kế hoạch ENHANCE PLUS (Tháng 10-11, 1972)

      - 72 Thiết giáp M-48A3
      - 117 Thiết vận xa M 113
      - 8 Xe M-706
      - 44 Đại bác 105 ly howitzer
      - 12 Đại bác 155 ly
      - 1302 xe vận tải 2 tấn ½
      - 425 xe vận tải nặng loại 5 tấn

      (Các con số trên dựa theo Báo cáo của Bộ QP HK gửi cho Dân biểu Paul Mc Closkey, hơi khác với tài liệu của ĐT LeGro)

      alt

      Nhìn trên văn bản và cứ theo báo chí HK thì số quân cụ (gồm thêm các phi cơ, chiến hạm, chiến thuyền..quân trang, quân dụng) thì trị giá tổn cộng được chuyển giao lên đến cả tỷ USD! Nhưng trên thực tế có những vấn đề.đặt ra cho QL VNCH trong việc tiếp nhận và sử dụng các quân cụ này (xem phần dưới).

      Đại Tuớng Cao văn Viên, Tổng Tham mưu truởng của QLVH đã ghi trong tập sách của Ông (trang 86-94) khá nhiều chi tiết về tình trạng khó khăn về tiếp liệu của QL VNCH:

      ‘ Vào cuối năm 1974, tổng số nhu cầu cần được thay thế lên đến 400 triệu mỹ kim. Những quân dụng cần thiết nhất như là vũ khí và đạn thì chỉ được thay thế khoảng 70 %. Một vài chương trình thay đổi quân dụng bị đình chỉ vì thiếu ngân quỹ..’
      ‘ Chỉ có 33 % (tương đương 24 triệu mỹ kim ) tổng số quân cụ/vũ khí cần thiết được thay thế. Thiếu phụ tùng thay thế càng tạo thêm trở ngại cho vấn đề bảo trì. Nhiều quân cụ/vũ khí tại các đơn vị tác chiến phải chờ từ 30 đến 45 ngày để được thay thế, sửa chữa’


      Tướng Viên đưa ra một bảng nhu cầu thay thế khá chi tiết về các chiến cụ bao gồm xe tăng, đại bác, quân xa.. Mà phần trăm cần thay thế lên đến từ 60 (cho đại bác 175) đến 95% (cho đại bác 155ly) chưa kể hơn 4000 quân xa..nằm ụ.

      Quan trọng nhất là số lượng đạn tồn kho (tháng 2 năm 1975), giảm đến mức nguy hiểm: so với mức dự trữ căn bản là 60 ngày chỉ còn cung ứng được 30-40 ngày!

      Đạn Số ngày tồn kho
      Đạn M-16 31
      Phóng lựu 40 ly 29
      Súng cối 60 27
      Súng cối 81 30
      Đại bác 105 34
      “ 155 31
      Lựu đạn 25

      ‘ Với thời gian là 45 ngày từ lúc đặt hàng và chuyên chở tới VN bằng tàu, thì thờì gian..quá lâu cho trường hợp khẩn cấp.. Sau tháng 3-1975, với tất cả các đơn vị di tản từ Vùng I và II về, tình trạng đạn tồn kho trở nên tuyệt vọng. Tháng 4-1975, đạn tồn kho ở 4 kho đạn dự trữ tuột xuống chỉ còn đủ dùng trong 14 đến 20 ngày.

      Tuớng Phillip Davidson (cựu Truởng Ban Tình báo MAC-V) nhìn việc cắt giảm viện trợ một cách bi đát hơn:

      ‘Từ 1974, QL VNCH đã phải đánh trận theo phong cách nhà giàu, mà túi tiền đang cạn. Tất cả mọi chương trình huấn luyện đều thu hẹp. Khả năng di động do phi cơ vận tải và trực thăng giảm hơn 50%. Thiếu cơ phận thay thế làm đủ mọi loại phi cơ, tàu thuyền, xe cộ phải ngưng hoạt động: cách giải quyết bằng tháo gỡ từ phương tiện này đễ tạm lắp vào phương tiện khác..chỉ làm hư hao và hủy hoại thêm quân cụ.. Thiếu thốn đạn đưa đến thêm những tổn thất nhân sự nơi chiến trường và người bị ảnh hưởng nhất là những thương binh: việc di tản cấp cứu bị chậm trễ, và nhiều khi phải dùng..xe Honda, thuyền chèo hay 4, 5 xe cứu thương, hết xăng, được kéo bằng một xe vận tải. Thương binh được đưa đến quân y viện nơi đang thiếu thuốc men, băng, dịch truyền và các phương tiện cấp cứu khác..’ ( VietNam at War, trang 671-675)

      Một bản báo cáo ‘mật’ với tựa đề ‘ Tình trạng đạn của Nam Việt Nam’ gửi cho Ủy Ban Quốc Hội Mỹ trong cuộc viếng thăm VN vào tháng 2,1975, ghi:

      ‘ Việt Nam tiêu thụ 131 ngàn tấn đạn trong khoảng thời gian từ 1 tháng 7, 1974 đến 31 tháng Giêng 1975, trung bình mỗi tháng khoảng 18 ngàn 700 tấn, con số tương tự như trong thời gian cuối 1973 nhưng cao hơn thời gian Tháng 4-Tháng 9, 1973.’

      Về số luợng đạn đại bác bắn mỗi tuần cũng được đưa ra với nhiều chi tiết:

      ‘Trong năm 1973, VNCH bắn đi 39 ngàn quả mỗi tuần (trong các tháng 4 và 5) , Tăng lên đến 63 ngàn mỗi tuần (trong các tháng 11 và 12. Năm 1974 PB VNCH bắn 76 ngàn quả/ tuần (trong các tháng 5 và 6) giảm xuống còn 63 ngàn/ tuần (trong các tháng 9, 10 và 11).


      Tổng số lượng đạn cần thiết để đủ dùng trong 2 tháng được ghi là 126 ngàn tấn; Với sự cắt giảm ngân sách từ Quốc hội HK: lượng đạn bị cắt 30 % và số đạn ở mức ’an toàn’ sẽ hết vào giữa năm 1975 (Defense Department Fact sheet:”GVN Ground Ammunition Situation” to Rep. Fenwich)

      Trước những thiệt hại của QL VNCH trong khi chống trả lại các cuộc tấn công của CSBV, và để tìm hiểu tình hình thực tế tại VN, Ngày 25 tháng 3, 1975 ,TT Ford đã gửi một phái đoàn đặc biệt do Tuớng Frederic Weygand hướng dẫn đến VN. Phái đoàn của Tướng Weygand đã đưa ra những nhu cầu tối thiểu và khẩn cấp của VNCH để có thể tồn tại: ‘744 đại bác, 446 tank và thiết vận xa, trên 100 ngàn súng trường, trên 5000 súng máy, 11 ngàn súng phóng lựu, khoảng 120 ngàn tấn bom/đạn, cùng khoảng 12 ngàn xe vận tải’ (Without Honor: Defeat on Vietnam and Cambodia của Arnold Isaacs trang 146)

      Bản báo cáo này không được Quốc Hội HK quan tâm vì lý do đơn giản: ‘No more VietNam’..

      * Những người..trong cuộc:

      Một số sự kiện được những người trực tiếp phụ trách về tiếp liệu cho QL VNCH như Đại Tá Phạm Kỳ Loan, Tổng cục Phó Tổng cục Tiếp vận ghi lại:

      ‘ Sau Hiệp định Paris, chúng tôi biết là viện trợ và tiếp liệu sẽ bị cắt giảm, Năm đầu tiên, tiền viện trợ còn 1.4 tỷ USD, nhưng qua năm thứ 2, chỉ còn phân nửa, Do đó tại Tổng Cục Tiếp Vận (TCTV), chúng tôi đã đưa ra khuyến cáo yêu cầu mọi ngành tiết kiệm, tìm cách để mọi người sử dụng kỹ hơn những gì đang có. Chúng tôi chú trọng nhất đến đạn vì đạn chiếm 70-80 % ngân sách được cấp.

      ’ Đạn càng ngày càng thiếu. Bắt đầu từ 1974, chiến sự gia tăng, những cuộc đụng độ xẩy ra thường xuyên hơn, nhất là tại Khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhu cầu đạn tăng thêm. Các tiền đồn khi bị tấn công rất cần sự yểm trợ của Pháo binh.

      ‘ Vấn đề thiếu thốn thứ nhì, sau đạn, là nhiên liệu: Nhiên liệu cho trực thăng, phi cơ chiến đấu, chiến hạm, chiến đỉnh và xe vận tải..Thời gian hoạt động của các phương tiện này bị cắt giảm bớt phân nửa. Sự kiện này không xẩy ra ngay khi HK rút quân, nhưng suy giảm từ từ , xuống còn ..phân nửa vào năm 1974..

      TCTV với sự cố vấn của DAO tìm đủ mọi cách để giữ cho QL VNCH ‘sống còn’: Những cuộc thuyết trình về tình trạng tiếp liệu đã được tổ chức tại các Vùng Chiến thuật với các Tư lệnh Vùng cùng các Sĩ quan cao cấp của Bộ Tham mưu Vùng liên hệ..Trên nguyên tác TCTV thường chỉ đáp ứng 50% yêu cầu của ‘lượng trung bình của nhu cầu‘ và để ‘có được lượng hơi đủ..các đơn vị thường..tăng thêm con số của lượng tiêu thụ chính thức. Riêng về đạn đại bác là một vấn đề gây khá nhiều ‘khó khăn’ cho các Bộ Tham mưu hành quân Vùng, vì không yểm bị giới hạn, chỉ còn trông cậy vào Pháo binh..

      Một thí dụ do một Tướng , Phó Tư lệnh Vùng nêu ra:

      Cỡ đại bác Tỷ lệ cung cấp trung bình

      1975 1972

      10 105 180

      5 155 150

      3 175 30

      Đại Tá Loan cho biết thêm:

      ‘ Sự kiện đáng lo ngại nhất là số lượng đạn cung cấp cho các đơn vị chiến đấu thường được xem là sẽ tiêu thụ hết vào ngày 25 mỗi tháng!’ CSBV biết điều này và họ khai thác..
      Một ví dụ điển hình là trường hợp đạn súng trường M-16. Quân nhân ra trận thường được cấp một cấp số là 400 viên, nay do thiếu đạn nên cấp số chỉ còn 200: khả năng và tinh thần chiến đấu đều suy giảm, nhất là khi binh sĩ đã được huấn luyện và quen đánh trận theo kiểu Mỹ..’

      (Cách hành quân kiểu Mỹ là khi đụng trận sẽ có không yểm và pháo binh, hỏa lực dồi dào yểm trợ mọi nhu cầu chiến trưởng kể cả tiếp liệu, tải thương..QL VNCH từ 1973 mất hẳn các ưu thế về hỏa lực yểm trợ và khả năng di động..).

      ‘ Để tiết kiệm đạn, trong tài khóa 1974, chúng tôi cắt giảm đủ mọi loại đạn, ngoại trừ đạn nổ sát thương HE, bỏ hỏa châu, đạn đại bác soi sáng..không còn tiền để mua hỏa châu cầm tay.. Thiếu nòng đại bác để thay thế hư hỏng, thiếu cơ phận cho Thiết vận xa M-113, thiếu nòng M-16

      Để chống chiến xa CSBV chúng tôi phải đem bazooka 3.5 (loại súng của thời Thế chiến 2), ra dùng lại vì M-72 trở thành khan hiếm..’

      Về thiết giáp và chiến xa, ĐT Loan ghi:

      .. Chúng tôi (Lục quân Công xưởng) không có khả năng tu bổ hay tái tạo lại các xe M-113 và xe tăng M-48 bị hư hỏng khi chiến đấu, Chúng tôi phải gừi các xe này về HK để tân trang. Nhưng Cơ xuởng sửa chữa HK đòi hỏi phải có BIIL (Basic Issues Items Lists=Danh sách các cơ phận chính yếu) đính kèm: Yêu cầu này có nghĩa là khi gửi ‘chiến xa hư hỏng’ đi chữa, phải gửi kèm theo tất cả các cơ phận phụ như thiết bị vô tuyến, giá gắn súng..Chúng tôi cố gắng đáp ứng yêu cầu BIILs, nhưng nhiều khi các thiết bị này đã bị phá hủy khi đụng trận.. Khi tân trang xong, Cơ xuởng HK thường ..quên gửi trả lại BIILs và chúng tôi nhận lại xe tăng, không có trang bị vô tuyến! Chưa kể mất rất nhiều thời gian (có khi hàng 2, 3 tháng) để gửi chiến cụ hư hỏng sang HK đến khi được nhận lại !

      .. Quân cụ do HK viện trợ có nhiều loại lỗi thời, nhưng cũng có loại quá tân tiến: Ví dụ như xe tăng M-48, Thiết bị bắn của xe rắc rối, số quân nhân có khả năng sửa chữa thiết bị này rất hiếm: có thể đếm trên đầu ngón tay. Đa số xe M-48 phải gửi đi tu bổ tại HK: chuyên viên Mỹ và Phi đến làm việc tại LQ Công xuởng (tính theo viện trợ) cũng không giúp được gì hơn. Ngay cả súng trường M-16..phải cần đến 3 loại dầu mỡ khác nhau để lau chùi súng! Còn có những quân cụ mà chúng tôi không..cần đến như Đại bác 175 (QL VNCH có 5 Tiểu đoàn Pháo 175), Súng có thể bắn xa 30km, nhưng chúng tôi..không bao giờ biết có bắn trúng mục tiêu hay không! Chỉ bắn ‘đại’ (?). Có lẽ người Mỹ chuyển giao vì không muốn mang các vũ khí quá nặng này về lại HK? Rồi hỏa tiễn chống chiến xa TOW..quá đắt 1 hỏa tiễn trị giá 3000 USD nhưng không hữu hiệu.. Chúng tôi chỉ cần M-72, đơn giản và phù hợp cho chiến trường VN..nhưng M-72 tồn kho..cũng cạn!

      * Tình trạnh Pháo binh:
      Pháo binh (PB) được xem là một lực lượng quan trọng của QL VNCH trong việc yểm trợ chiến trường. Vai trò của Pháo binh còn tối cần thiết hơn khi Không quân trở thành kém hữu hiệu.

      Sau Hiệp định Paris, PB QL VNCH bị giằng co giữa 2 tình trạng đối nghịch. Một bên là, QL VNCH phung phí hỏa lực kiểu Mỹ: yêu cấu bắn yểm trợ ngay khi chỉ bị vài tên bắn tỉa phá quấy và ngày nay không còn được bắn yểm trợ khi thật sự yêu cầu! Tình trạng đạn tồn trữ giảm xuống nhanh chóng và lệnh tiết kiệm được ban hành và áp dụng: Trên thực tế, tình trạng cấp số đã được định, TT Thiệu tuy ‘bực bội’ và trong các buổi họp tham mưu, đòi hỏi là nơi chiến trường quân đội phải được tiếp tế đạn theo nhu cầu, không thể theo cấp số được chia! Nhưng đạn ..ở đâu ra?. Một Tư lệnh cho biết: ‘ Năm 1972, chúng tôi (PB) được bắn..thoải mái, vô giới hạn, chỉ cần giữ nhịp bắn để đừng làm hư hại nòng pháo; đến 1975 mức độ tiếp liệu trung bình chỉ còn khoảng 10 % con số của 1972 ’

      Trung tướng Nguyễn Xuân Thịnh, Chỉ huy trưởng PB QL VNCH cho biết là các Tư lệnh chiến trường thường than phiền về sự cắt giảm các phi vụ không yểm.và kém hữu hiệu của các phi vụ này. Tướng Thịnh cho biết dù cho có đủ đạn, việc sử dụng Pháo binh là do Bộ TTM quyết định, hoàn toàn không do Binh chủng liên hệ. Một số đơn vị, không xin được pháo binh yểm trợ , đã nghĩ đến việc dùng lại súng cối..nhưng đạn cối cũng..không còn đủ.

      Pháo binh CSBV thường báo chí Mỹ cho là hữu hiệu hơn Pháo binh VNCH, nhưng trên thực tế CQ có loại đại bác 130, tầm xa 27km (VNCH có đại bác 175, tầm xa 32km), dễ sử dụng và CSBV có quá nhiều mục tiêu để bắn phá, trong khi mục tiêu của VNCH được xác định rõ rệt và giới hạn là những nơi tập trung quân của CQ..

      Việc tái tổ chức Pháo binh VNCH vào năm 1974 do lệnh của Bộ TTM làm mất thêm hiệu năng của PB.

      * Vấn đề số đạn CSBV lấy được sau khi QL VNCH tan hàng:

      Báo chí và các phương tiện truyền thông HK, dựa theo báo cáo của CSBV,đưa ra con số đạn, CS lấy được tại Nam VN là khoảng 130 ngàn tấn. Con số này được các tay phản chiến dùng để giải thích..QL VNCH..chưa hết đạn! Trên thực tế số đạn này là ’mức không được dùng đến’ khi còn phải tiếp tục chiến đấu. Những người phụ trách tiếp vận không thể giải quyết theo kiểu ‘ đánh bạc đến..cháy túi’ (xài xả láng..hết tính sau!).
      Một bản phúc trình của Ngũ giác đài ghi lại các chi tiết về võ khí bộ binh bỏ lại khi QL VNCH tan hàng:
      Loại võ khí Số lượng
      - Súng lục .45 M1911A1 90,000
      - Súng trường M16A1 (5.56 mm) 791, 000
      - Các loại súng trường khác 857,580
      (cũ như Garant, Carbin..)
      - Trung liên M 60 (7.62 mm) 15, 000
      - Súng phóng lựu M 79 47, 000

      Không có các con số về Đại liên 30 và 12 ly 7, các loại súng này thường được thiết trí trên các chiến xa.
      Ngoài ra còn có:
      - 63 ngàn khẩu M 72 (chống chiến xa)
      - 14, 900 súng cối (60 và 81)
      - 200 súng không giật M 67 (90 mm)
      - 1607 đại bác ( 105, 155 và 175)
      - 1381 Thiết vận xa M113
      - 550 xe tăng (M41 A3 và M 48 A3)
      - Khoảng trên 150 ngàn tấn đạn đủ loại.
      Số vũ khí này được CSVN bán trên thị trường vũ khí tại những nơi có các cuộc nổi dậy vũ trang theo kiểu CS như El Salvador, Phi châu
      (Theo Công ty Colt, nhà sản xuất M 16 thì tổng số lượng M 16 giao cho VNCH là 943,988 khẩu các loại M 16 và M 16 A 1)


      Trần Lý ( tháng 4-2015 )

      Comment


      • #4
        Những trận đánh cuối cùng :

        Trận Huấn khu Long Thành
        26-28 tháng 4 năm 1975



        Trường Bộ Binh là một quân trường chuyên đào tạo các sĩ quan trừ bị cho Quân lực VNCH. Trước 1974, Trường tọa lạc tại Thủ Đức, và từ đầu năm 1974 được dời về Long Thành, một cơ sở mơi nằm bên cạnh Quốc lộ 15 (Từ SàiGòn đi Vũng Tàu) cách Quận lỵ Long Thành khoảng 5 km. Tại đây, Trường BB kết hợp với Trường Thiết Giáp và Trung Tâm Huấn luyện Yên Thế của LLĐB (nơi huấn luyện Biệt Kích) để lập thành Huấn khu Long Thành. (Trường Thiết giáp đặt tại Căn cứ Bearcat cũ , nơi trú đóng của Lực lượng Thái Lan khi tham chiến tại VN)
        Chỉ huy trưởng Trường BB kiêm nhiệm chức vụ chỉ huy trưởng Huấn khu.Từ tháng 4/75 Đại tá Trần Đức Minh là chỉ huy trường Huấn Khu .
        Trường Võ Bị Đà Lạt, sau khi di tản (ngày 30 tháng 3 năm 1975) qua ngã Sông Pha, Phan Rang, Bình Tuy và được chuyển vận bằng C-130về SàiGòn , sau đó được tạm trú tại Trường BB Long Thành và đã cho ra trường tại đây 2 khóa 28 và 29, còn lại các SVSQ thuộc các khóa 30 và 31.

        Kế hoạch tấn công của CSBV :

        Hướng Tây-Nam của cuộc tấn công vào Sài Gòn của CSBV được giao cho Quân đoàn 2 BV. Lực lượng QĐ này gồm :
        Các SĐ BB CSBV 325 và 304
        Lữ đoàn Pháo binh 164
        Lữ đoàn xe tăng và thiết giáp 203
        Sư đoàn phòng không 673
        Lữ đoàn công binh 219
        Trung đoàn đặc công 116.
        Lực lượng này có khoảng 54 xe tăng, 35 thiết giáp, 223 xe kéo pháo; 87 khẩu 130 mm và 105 mm; 136 khẩu cao xạ..
        Tổng số quân lên đến 40 ngàn..do Tướng BV Nguyễn Hữu An chỉ huy và Tướng Lê Linh làm Chính Ủy.
        Kế hoạch dự trù tấn công trên mặt trận chính bề ngang khoảng 80 km. Các mục tiêu chính gồm Huấn khu Long Thành (BV gọi là Căn cứ Nước Trong), Chi khu Long Thành, Chi khu Nhơn Trạch để sau đó tiến 2 ngả một về Sài gòn và một về Vũng Tàu..

        Kế hoạch phòng thủ của QL VNCH :

        Để đối phó với hướng tấn công này (VNCH xem là Đông-Bắc của SàiGòn) , QL VNCH chỉ huy động được những lực lượng còn lại của SĐ 18 BB (còn 2 Chiến đoàn), Lực lượng Xung Kich QĐ 3, riêng Lữ đoàn 1 Dù được giao nhiệm vụ giữ Bà-Rîa-Vũng Tàu.. thay vào đó là LĐ 258 TQLC.Tư lệnh chiến trường là Tướng Nguyễn văn Toàn (Tư lệnh QĐ III VNCH) cùng các Tướng Lê minh Đảo (Tư lệnh SĐ 18), Tướng Trần Quang Khôi (Tư lệh Lực lượng Xung Kích)
        Các lực lượng cơ hữu của Huấn khu Long Thành, gồm quân số cơ hữu và các SVSQ đang thụ huấn tại các Trường Bộ Binh, Trường Thiết giáp và Trung Tâm Huấn luyện Biệt Kích Yên thế..
        Vào đầu tháng 4 năm 1975, Trường BB có khoảng 4000 Sinh viên Sĩ quan Trừ bị thuộc các khóa gối đầu nhau ; ngoài ra vào cuối năm 1974, Trường tiếp nhận khoảng 1000 quân nhân thuộc Quân chủng Không Quân đang theo học các ngành tại HK phải về nước do cắt giảm viện trợ. Ngoài ra còn có các lớp Sĩ quan Khóa sinh gồm chừng 500 người. Số SVSQ Võ Bị Đà Lạt và quân nhân cơ hữu của Trường Võ bị khoảng 500 người
        - Huấn khu Long Thành được đặt dưới quyền chỉ huy của Đại tá Trần Đức Minh (quyền Chỉ huy trưởng Trường Bộ binh thay thế Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi từ tháng 4-1975).
        - Trường Thiết giáp do Đại tá Huỳnh văn Tám chỉ huy..
        - Về quân số cơ hữu của Trường Bộ Binh :
        - Ngày 22 tháng 4, 1975, môt nửa quân số thuộc các đơn vị của Trường BB củng với những đơn vị thuộc các Trường Võ Bị QG Đà Lạt (từ Đà Lạt di tản về) , được lệnh rút về Huấn Khu Thủ Đức (Tfường BB Thủ Đức cũ). Một nửa quân số ỏ lại để phòng thủ Trường, lực lượng này do Đ/tá Lê văn Phú Tham mưu trưởng Huấn Khu chỉ huy. Trong lúc này, Tướng Nguyễn Bảo Trị, Tổng cục trưởng TC Quân Huấn chỉ định Đ/tá Lộ công Danh, Liên đoàn trưởng LĐ Sinh viên SQ Trường BB làm Quyền Chĩ huy trưởng Trường Võ Bị Đà Lạt thay thế Tướng Lâm Quang Thơ.
        Lực lượng Địa phương quân và Nghĩa Quân của Chi Khu Long Thành dưới quyền chỉ huy của Trung tá Hà văn Sáu, Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng.
        Những diễn biến tại Khu vực trong tháng 4/1974 :
        Từ đầu tháng 4/75, CQ đã mở những cuộc tấn công thăm dò vào Khu vực Huấn khu Long Thành, dùng đặc công xâm nhập vào các Trường Thiết giáp và Trung Tâm Huấn luyện Yên Thế nhưng bị đẩy lui sau khi chịu nhiều tổn thất.
        Ngày 8 tháng 4 năm 1975, QĐ III VNCH được tăng phái Lữ đoàn 468 TQLC, TĐ 8 TQLC được giao nhiệm vụ đóng tại Long Thành để ngăn chặc địch quân từ hướng Long Khánh, giữ an ninh ngoại vi cho các Căn cứ Long Bình và Bộ Tư lệnh QĐ (Biên Hòa).
        Ngày 10 tháng 4 : QĐ III được tăng phái thêm Lữ đoàn 4 Dù. LĐ này được giao trách nhiệm bảo vệ các khu vực Tam Hiệp-Biên Hòa-Long Thành..
        Ngày 21 tháng 4 : VNCH rút khỏi Long Khánh từ chiều 20/4 và về đến địa điểm tập trung tại Đức Thạnh (Phước Tuy) vào chiều 22/4. Liên tỉnh lộ 2 được chọn làm lộ trình rút quân, dài khoảng 40 km từ Tân Phong, qua Đức Thành, Long Lễ. Cuộc rút quân được xem là thành công, bảo toàn lực lượng. LĐ 1 Dù được giao nhiệm vụ bảo vệ Quốc lộ 15 , từ Long Thành đến Bà Rîa. SĐ 18 và các đơn vị tăng phái di chuyển vầ Căn cứ Long Bình.

        Diễn tiến trận đánh :

        7 giò sáng ngày 26 tháng 4, Cộng quân bắt đầu tấn công thăm dò bằng các đơn vị trinh sát của SĐ 304 CSBV. Những cuộc chạm súng nhỏ diễn ra vơi các đơn vị tiền đồn của Huấn khu Long Thành..
        Chiến đoàn 322 / LLXK QĐ III VNCH được lệnh di chuyển về Long Thành để tiếp cứu. Chiến đoàn 322 được tăng cường thêm một TĐ TQLC tiến theo QL 15 và đụng nặng với CQ trong khu vực rừng cao su, tại Dốc 47, bắn hạ 12 chiến xa BV (Tướng Trần Quang Khôi trong Danh Dự và Tổ Quốc)
        5 giờ chiều 26/4 , trận tấn công chinh thức bắt đầu bằng cuộc pháo kích dữ dội của Cộng quân..sau đó SĐ 325 CSBV dùng bộ binh cùng sự yểm trợ của xe tăng đồng loạt tấn công vào các cứ điểm phòng thủ của Huấn khu nhưng không vượt nổi hàng rào phòng ngự kiên cố của Trường Bộ Binh. Riêng Trường Thiết giáp và TT Huấn luyện Yên Thế bị mất liên lạc sau đó. Quận Long Thành cũng bị tấn công, nhưng giữ vững vị trí trong đêm. Đ/tá Huỳnh văn Tám, Chỉ huy trưởng Trường Thiết giáp bị mất tích từ chiều tối 26/4 sau khi lọt vào ổ phục kich của CQ trên đường trở về sau cuộc họp bên Trường BB. Tài liệu CSBV ghi lại : Trong trận tấn công vào Trường Thiết giáp , CQ chỉ hoàn toàn lảm chủ vào chiều 29/4 vơi sự thiệt hại gần 200 quân..

        Sáng 27 tháng 4 : CSBV dùng SĐ 325 tấn công vào sườn trái của vòng đai phòng thủ Huấn khu đồng thời SĐ 304 tấn công vào hướng chinh diện. Các mũi tấn công này đều có xe tăng và pháo yểm trợ.
        Cũng từ 5 giờ chiều CQ dùng Trung đoàn 101 (SĐ 325 CSBV) tấn công Quận lỵ Long Thành, dùng Tr/Đ 46/325 tiến vòng để chiếm Ngã ba Phước Thiền và Tr/Đ 18/325 bao vây Bỉm Sơn. Tất cả các cứ điểm trên đều do ĐPQ và Nghĩa quân Long Thành chống giữ.
        Một lực lượng khoảng 2 ĐĐ /TĐ 1-TQLC cũng hoạt động trong khu vực Ngã ba QL15 và Liên tỉnh lộ 10 (gần đầu dốc 47). Tại chốt phòng thủ này, LL TQLC có 2 M-48 yểm trợ đã chống trả cuộc tấn công của CQ cho đến chiều 28/4 mới bị tràn ngập..

        Theo Vũ Trọng Hóa, TM trưởng của Tr/Đ 18/ SĐ 325 CSBV thì CQ mở đầu cuộc tấn công bằng một cuộc pháo kích dữ dội gần 700 đạn pháo bắn vào Chi khu Long Thành trong vòng nửa giờ : Loạt đạn đầu bắn phá khu vực Cầu Xéo và loạt thứ nhì vào Quận đường và khu vực đặt 2 đại bác 105 ly của Quận. Bộ binh có xe tăng yểm trợ đồng loạt tấn công. Chi khu Long Thành phản ứng bằng pháo yểm trợ từ Bến Sắn và Phước Hòa..tuy nhiên sau đó CSBV đã tập trung pháo binh, bắn trên 2000 quả đạn vào các điểm đặt pháo của VNCH.. Sáu giờ chiều, xe tăng CSBV (thuộc Lữ đoàn 203/325) tiến vào đường Nguyễn An Ninh Long Thành nhưng bị chặn tại đây. Lực lượng địa phương VNCH, luồn theo các ngõ hẻm để tập kích. Trận đánh kéo dài đến 10 giờ đêm, CSBV tiến chiếm các tiền dồn quanh Thị xã như Cầu Quán thủ, Ngã ba Cầu xéo, Liên Kim sơn, các chốt Cầu đen, Bàu cá..Địa phương quân Long Thành bắn cháy nhiều xe tăng của CSBV (trong đó một chiếc ngay tại cổng chích dinh quận, một chiếc khác bên chi khu..)..Trung Tá Hà văn Sáu rút ra bên ngoài, xin chi viện từ Tiểu khu Biên Hòa nhưng không được đáp ứng và vẫn tiếp tục chiến đấu đơn độc chống trả lực lượng CQ. Mãi đến 4 giờ 30 chiều ngày 27, CSBV mới chiếm được khu vực Quận Long Thành.
        Lực lượng còn lại của Chi Khu rút về Ấp Thái Lạc và cố thủ tại đây đến chiều 28 tháng 4..(Vũ Trọng Hóa ghi lại cuộc kháng cự tại Ấp Thái lạc gậy thiệt hại nặng cho Tiểu đoàn 1/ Trung đoàn101 CQ, trong đó gần 100 cán binh bị hạ kể cả Tiểu đoàn trưởng CQ Nguyễn Ánh Dương )..
        Đêm 27 tháng 4 , Cộng quân tập trung lực lượng quyết thanh toán Trường BB. Sáng 28, trước tình hình nguy ngập do lực lượng quá đông của quân CSBV, Đ/tá Lê văn Phú quyết định rút quân và lực lượng còn lại lui về Huấn Khu Thủ Đức..
        Tài liệu của CSBV ghi lại : Trong ngày 27 tháng 4, SĐ 5 KQVNCH dùng 115 phi vụ để oanh kích vào đội hình của Cộng quân và bị hạ đến 2 F-5, 4 A-37, 3 Skyraider A-1 và 1 UH-1 A. Phôi kiểm vơi các phi công KQ VNCH thì không ai biết gì về con số phi vụ cũng như con số phi cơ bị hạ ?

        (Về phần Skyraider A-1. Đại úy Trần văn Phúc, người bay những phi vụ A-1 cuối cùng trên không phận Sài Gòn cho biết : 'Sau 6 tháng đình động 2 Phi đoàn A-1 được lệnh bay lại, trưa ngày 3 tháng 4, 1975 các phi công PĐ 518 bắt đầu bay 'quen tay' và đến 5 tháng 4 được biệt phái xuống Cần Thơ, sau đó 19 tháng 4 trờ lại Biên Hòa..Ông cho biết hầu như không còn sự phối hợp giữa KQ và BB như trước : trong nhiều phi vụ tuy bay bao vùng tại Long Khánh , Ông phải tự tìm 'mục tiêu' (?) và tùy nghi thả bom..vào những vùng khả nghi có tập trung quân của CSBV Trong ngày 27 tháng 4, các phi vụ của Đ/u Phúc và các phi công khác bay trên vùng trời Long Bình nhưng không được sử dụng ? Chiếc A-1 sau cùng bị bắn hạ là chiếc do Th/tá Trương Phùng bay ngày 29 tháng 4 trên không phận Sài Gòn)
        Các F-5 hầu như ..không còn hoạt động hành quân vảo giai đoạn cuối cùng này..Một số phi vụ A-37 được điều hành từ Cần Thơ. Một lý do được giải thich là 'BV đã sử dụng hỏa tiễn tầm nhiệt Strella và súng phòng có radar điều khiển nên F-5 và A-37 không thể cất cánh oanh tạc được' (Hà Mai Việt trong Thép và Máu , trang 204)
        Không có những ghi nhận chính thức về hoạt động của các trực thăng võ trang. Riêng trong bài Những ngày cuối trên đất Đồng Nai, Phó Tĩnh trưởng Biên Hòa Nguyễn Nhơn ghi lại :' Sáng 28/4 từ văn phòng nhìn về phía núi Châu Thới, chiếc trực thăng đang quần đảo, phóng rocket ì ầm, yểm trợ lực lượng dù (?) đánh dẹp chốt đặc công VC ở chân núi'
        Đ/u Nguyễn văn Việt TĐ 46 Pháo Binh (theo CĐ 322/LLXK) ghi lại trong trận đụng độ ỡ Dốc 47 : ' Gần trưa, một chiếc phản lực bay qua đầu chúng tôi, rồi nhào xuống thả một trái bom, rơi trúng phia bên kia đường cách bộ CH Chiến đoàn khoảng 200m..'
        (Nguyễn văn Việt trong Pháo thủ 46 kể chuyện cũ)

        Một sĩ quan thuộc TĐ 1/ TQLC kể lại : '..vì áp lực mạnh của cánh quân CSBV từ Bình Tuy băng qua, KQ ta yểm trợ bằng các phi tuần A-37 dội bom xuống mặt trận..Một trái bom đã rơi vào làn ranh của hai bên..' (Tháng 4 ra trường..)
        Trường hợp TĐ 82 BĐQ, được Th/tá Vương Mộng Long TĐT ghi lại trong Hồi Ký, Tháng Tư lại về :' Ngày 28 tháng 4, TĐ đang nghỉ dưỡng quân tại Long Bình thì được lệnh vào vùng hành quân tại phía sau Trường BB Long Thành..Quân số do đi phép và tập trung bất ngờ nên chỉ còn 161 người lên đường với nhiệm vụ ngăn chặn địch từ hướng Bắc tiến về. TĐ đóng quân tại một ngọn đòi nhỏ là 'một tiền đồn cũ, có 3 lô cốt nhỏ, không hầm hố địa đạo, không hàng rào..nên chỉ chất những viên đá tổ ong thành một chiến lũy cấp thời..' Ngay tối 28, CQ huy động lực lượng BB có xe tăng yểm trợ, dùng xe chiếu sáng chiến trường để tấn công.
        Sau 3 đợt tấn công dữ dội, và 6-7 tăng bị bắn cháy..CQ đã tràn ngập vị trí phòng thủ của TĐ 82 BĐQ. TĐ hết M-72, lựu đạn và chiên đãu đơn độc không có phi-pháo yễm trợ..Còn lại 107 người, tìm đường rút về Căn cứ Long Bình qua ngã Hố Nai (Biên Hòa) Cuộc rút lui bi thảm này, vượt các ổ phục kích và pháo của Cộng quân để cuối cùng chỉ còn lại 67 người. và tan hàng tại Cầu hang vào sáng 30 tháng 4..
        Tuyến phòng thủ Huấn Khu Long Thành được xem là bỏ ngỏ từ ngày 29/ 4. CQ tiến về SàiGòn..nhưng vẫn gặp sự kháng cự của những đơn vị còn lại của QL VNCH . Những trận đánh cuối cùng tiếp diễn dù không còn 'Đại bàng'...như các trận Cầu Rạch chiếc, trận Huấn khu Thủ Đức..
        Trần Lý (Tháng 5-2013)
        Ghi thêm :

        Đại úy Phúc (Phi Long 51) cho biết thêm một số chi tiết về A-1 trong bài như sau :
        'Sau khi trở về Biên Hòa ngày 19 tháng 4 năm 1975, Chúng tôi không còn bay yểm trợ tiếp cận (Close Air Support) cho quân bạn mà phải bay bao vùng hàng nhiều giờ rồi được các phi cơ quan sát (L-19) chỉ điểm oanh tạc những vùng nghi ngờ đóng quân của CSBV.
        Chỉ riêng ngày 27/4/1975 vào khoảng 2 giờ trưa, Tôi cùng Đ/úy Trần Công Quận bay bao vùng ở Long Khánh, vì không có phi cơ quan sát, tôi phải tự tìm mục tiêu và oanh tạc đoàn xe công voa đang di chuyển từ Bắc xuống Nam ở Trảng Bom.
        Bây giờ tôi mơi hiểu lý do tại sao chúng tôi bị bắn bởi hang rào phòng không dày đặc, chỉ cách phi cơ tôi vài mươi mét tại Long bình ở cao độ 5000 bộ..
        Chúng đặt hơn 30 khẩu phòng không (có radar hướng dẫn) từ 23 ly, 37 ly và 57 ly rải rác khắp vùng Long Khánh để bảo vệ các cánh quân BB tiến chiếm Huấn khu Long Thành. Rất tiếc chung tôi hoàn toàn không hay biết, thật quá phí số bom này và tôi xin thành thật xin lỗi Toàn thể Chiến hữu tại Huấn khu Long Thành..
        (Điện thư trao đổi giữa Đ/ú Phúc và Tác giả ngày 20/5/1975)


        Những trận đánh cuối cùng
        Huấn khu Thủ Đức
        30 tháng 4 năm 1975


        Bài 'Trận đánh không có đại bàng tại Huấn Khu Thủ Đức ngày 30/4/1975', trong tập sách 'Những trận đánh không tên trong Quân sử' (Tập 2), ở Chương 8 (trang105-119) đã được Nhà văn Hải Triều viết và dựng lại theo lời kể của các Đại úy Thảo của Trường Quân Báo và Đại úy Trần văn Trung của Trường Tổng Quản trị, được ghi là có mặt và tham dự trực tiếp vào trận đánh.. Tuy nhiên, do được'dựng lại' nên một số chi tiết chưa thật sự chinh xác Diễn tiến trận đánh xin được viết lại dưới đây , tổng hợp từ các bài phỏng vấn Đại tá Phạm đức Minh, Chĩ huy trưởng Huấn khu Long Thành, người đã ở lại cuối cùng và đã tủi hờn bàn giao Huấn khu cho CSBV ( bài ' Trường Mẹ, Bạn, Anh em, và..' của Tác giả Băng Đình phỏng vấn Đ/tá Minh phổ biên trên Tuần san Chính Luận, Seattle, 2005. Đại tá Minh mất tại Kirland. TB Washington tháng 11-2009)..Ngoài ra một số chi tiết được trich từ bài 'Những ngày cuối cùng của Trường Bộ binh' của Tác giả Nguyễn ngọc Thạch, Trưởng Phòng Kế hoạch của Trường BB lấy từ trang mạng Batkhuat.net
        Tình hình Huấn Khu Thủ Đức trong những ngày cuối cùng :

        Từ khi Trường BB chuyển ra Long Thành, Tổng cục Quân huấn đã tổ chức Huấn khu Thủ Đức gồm một số Trường như Trường Tổng Quản trị, Trường Hành Chánh tài chánh, Trường Quân Báo, Trường Quân Nhu, Trường Quân cụ, Trường Quân nhạc, Trường Vũ thuật Thể Dục..Trong những ngày cuối cùng Chỉ huy trưởng Huấn Khu Thủ Đức là Đại tá Trần văn Tự
        Sau ngày TT Thiệu từ chức (21 tháng 4), toàn thể Sinh viên sĩ quan Trường BB (Long Thành) và SVSQ Võ Bị Đà Lạt, dưới quyền Đ/tá Minh đã được di chuyển về Thủ Đức (Xem bài Trận Huấn Khu Long Thành). Khi về Thủ Đức, theo sự thỏa thuận giữa Đ/tá Minh và Đ/t Tự, lực lượng HK Long Thành chịu trách nhiệm phòng thủ, bảo vệ HK Thủ Đức, còn lực lượng cơ hữu của Thủ Đức phụ trách chống đặc công trong phạm vi Trường..
        Chiều tối 27 tháng 4, các lực lượng còn lại của Trường BB Long Thành, sau khi chống trả cuộc tấn công của SĐ 325 CSBV trong suốt 2 ngày 26 và 27, đã phải rút về Thủ Đức..
        Sau khi mọi thành phần của Trường BB từ Long Thành về đến Thủ Đức . Tổng cộng quân số tại Thủ Đức lên khoảng 6000 người gồm SVSQ và quân nhân cơ hữu (Một số bài viết, kể cả bài phỏng vấn Đ/t Minh ghi lại, cho rằng Trường ĐH Chiến Trị Đà Lạt sau khi di tản cũng về Huấn Khu Long thành và Thủ Đức, nhưng trên thực tế Trường ĐH CTCT được đưa về hậu cứ của TĐ 30 CTCT tại Biên Hòa và sau đó từ Biên Hòa rút về hậu cứ TĐ 50 CTCT) .
        Ngay từ hạ tuần tháng 4, khi nhận lệnh từ Tổng Cục Quân Huấn chuẩn bị làm nhiệm vụ phòng thủ Sài gòn, Trường BB đã cấp tốc tổ chức các đơn vị tác chiến : Các sĩ quan huấn luyện viên được đưa xuống các Tiểu đoàn SVSQ làm Trung đội trưởng, các ban Tham mưu TĐ và LĐ được thành lập. Nói chung có 2 Liên đoàn tác chiến, mỗi LĐ khoảng 2500 người.
        Trang bị không hoàn chỉnh, các võ khí cá nhân và cộng đồng như M-16, đại liên M-60, cối 81, do rút từ huấn luyện nên tạm đủ, phần M-79 và súng chống tăng M-72 tương đối it. Về Pháo binh có một Trung đội 105 rút từ Long Thành về, cùng với 4 khẩu 175 không rỏ của đơn vị nào từ Long Khánh chạy về Huấn khu Thủ Đức..(trong lực lượng rút về từ Long Thành còn có một số quân nhân di tản từ Trường Pháo binh Dục Mỹ, Nha Trang)

        Tại Thủ Đức, lực lượng của Trường BB được bố tri thành ba tuyến :
        Tuyến tiền đồn do Khối Yểm trợ công vụ của Trường trấn giữ các điểm ngoại vi.
        Tuyến ngoài hàng rào chung quanh Trường do một Liên đoàn SV phòng thủ.
        Tuyến trong do một LĐ SV khác trấn giữ.
        Trừ bị là một Tiểu đoàn SV, trích từ tuyến trong và ĐĐ 966 Địa phương Quân của Tiểu khu Gia Định biệt phái dài hạn cho Huấn khu Thủ Đức dể lo an ninh bãi tập. (SVSQ Võ Bị Đà lạt thuộc thành phần trừ bị này)

        Theo Đ/tá Minh, mối lo ngại nhất là thiếu võ khí chống tank và tập trung quân trú phòng trong một diện tích tương đối hẹp khó tránh thiệt hại khi bị CQ pháo kích..
        Đ/tá cũng cho biết :
        'Về phương diện quân sự, khi còn ở Long Thành, Trường BB nằm dưới sự yểm trợ trực tiếp của Bộ Tự Lệnh QĐ III. Khi di chuyển về Thủ Đức lại trực thuộc thuộc Biệt Khu Thủ Đô. Nhưng từ cuối tháng 4, hệ thống chỉ huy đã rất..lỏng lẻo..'
        'Những ngày cuói tháng 4, Trường BB hoàn toàn bị cô lập, không hề nhận được bất cứ lệnh lạc nào từ Quân Đoàn III cũng như từ Biệt Khu TĐ. Cho đến ngày 28/4 chỉ liên lạc độc nhất được với Tướng Nguyễn Bảo Trị, Tổng cục trưởng TC Quân Huấn để nhận những chỉ thị 'khich lệ' tinh thần..?'

        Sáng 29 tháng 4, Trường BB Thủ Đức hoàn toàn mất liên lạc vơi..bên ngoài (Đây là thời điểm..tự tan rã của Bộ TTM QL VNCH, xin xem bài SàiGòn ngày 29 của Trần Ly. Tư lệnh QĐ III, Tương Toàn sau khi ra lệnh cho Tường Khôi trụ lại, đã bay ra Hạm đội Mỹ. Bộ Tư lệnh QĐ III không còn..khả năng chiến đãu..chỉ còn LLXK của Tướng Khôi..Tư lệnh BKTĐ, Tướng Minh.cũng..di tản.)..

        Trận đánh cuối cùng : 30 tháng 4 năm 1975

        Sáng 30 tháng 4, CSBV từ Nhơn Trạch bắt đầu pháo kích lác đác vào Trường BB Thủ Đức..
        (Quân đoàn 2 CSBV sau khi thanh toán tuyến phòng thủ Long Thành chiều ngày 28/4 , tập trung lực lượng để tiến thẳng về SàiGòn qua hướng cầu Đồng Nai nhưng bị giữ chân tại đây trong suốt ngày 29, Trường BB Thủ Đức không còn là mục tiêu chiến luợc hay chiến thuật gì nữa..Phào CQ chỉ nhằm mục đích..bắn quấy rối)
        Khoảng 8 giờ 30 sáng, Đại úy Hiếu TĐT TĐ 5/SVSQ, phụ trách phòng thủ vòng đai Trường phía xa lộ báo cáo thấy đoàn xe CQ di chuyển trên xa lộ về hướng Sài Gòn. Trung tâm Hành quân của Trường điện thoại cấp báo về Biệt Khu Thủ Đô, nhưng..không còn ai bên Biệt Khu trả lời (?)..Đ/tá Minh quyết định dùng mọi cỡ pháo binh khả dụng của Trường (gồm các pháo đội từ các nơi tạm gửi tại đây) bắn chận về hướng Đông khoảng giữa cầu Đồng Nai và Nghĩa Trang Quân đội. Pháo binh CSBV cũng phản pháo và gửi một đơn vị Thiết giáp về tiến công Thủ Đức..
        Đài quan sát đặt trên tháp nước câp báo xe tăng CSBV xuất hiện tại khu Nhà máy lọc nước tại Ngã Tư Thủ Đức và tiến về Trường theo hướng Chợ Nhỏ .
        Một chiếc T-54 đơn độc chạy thẳng vào Cổng chính, ủi sập các chướng ngại vật, chạy thẳng vào trong nội vi trường, vừa chạy vừa bắn loạn xạ..Trong khi đó, một ổ đại liên của CQ bắn yểm trợ từ cầu Bến Nọc bao phủ khu vực Cổng số 9.
        Lực lượng trú phòng dùng đủ mọi loại súng bắn vào chiếc xe tăng CQ nhưng không chặn được..Chiếc tăng dùng đại bác bắn xập Trung tâm Hành quân (dễ nhận do nhiều cột ăng-ten). Thiếu tá Làu, thuộc Trường Tổng Quản tri, may mắn, thoát nạn..Bộ Chỉ huy nhẹ của Trường đang đóng tại Tư dinh CHT gần đó bên ngoải nên còn hoạt động được nhưng giới hạn. Liên lạc với các Trường khác kể như gián đoạn..
        Chiếc T-54 sau đó từ Vũ Đình Trường quay chạy về hướng Cổng số 9, nhưng gặp sức kháng cự của các SVSQ nên lại quay đầu và vẫn bắn loạn..tiếp tục gây một số thương vong trong đó có Th/tá Vương bá Thuận gẫy chân, Tr/tá Ông nguyễn Tuyền (thuộc Văn phòng Phụ tá Kiểm huấn Trường BB) bị tử thương.. Đủ loại súng nhỏ tập trung vào chiêc tăng..và hầu như vô hiệu. Sau cùng Đ/úy Ngữ ĐĐ trưởng ĐĐ 663 (?) ĐPQ đã dùng M-72 để bắn đứt xích chiếc tăng này nơi gần Miếu Tiên sư. Tuy nằm tại chỗ nhưng súng trên pháo tháp vẫn quay bắn lung tung. Liền đó một SVSQ thuộc Tiểu đoàn 1 SVSQ , TĐ cùa SVSQ Không Quân gởi sang học Quân sự, đang ở phòng tuyến gần đó đã bò ra, leo lên pháo tháp và thả một quả lựu đạn vào bên trong..Chiếc T-54 bị tiêu diệt hẳn..(Sau này phối kiểm lại được biết đây là một SVSQ thuộc ĐĐ 2 SVKQ). Lục soát trong xe, lực lượng trú phòng thu được 3 võ khí cá nhân..


        (Trận đánh diệt chiếc T-54 này được một SVSQ thuộc Tiểu đoàn Không quân ghi lại trong bài 'Cổng số 9 Trường BB Ngày 30 tháng 4 năm 1975' trên Diễn đàn Phi Dũng như sau :

        ' Đọc bài 'Trận đánh không có Đại bàng' cùng ký tên của ba người là Lê Nguyễn, Trần văn Trung và Hải Triều, đọc xong tôi nhận thấy cần phải bổ túc thêm cho chinh xác, vì khóa 73F của chúng ta và một số it SVSQ/KQ khóa khác là quân chủ lực của Trường Thủ Đức trong ngày 30 tháng 4, 1975..
        Tiểu đoàn Không Quân của Trườg BB Long Thành gồm những SVSQ từ khắp nơi quy tụ về : từ những người đang học bay bên Mỹ, những người đã đậu Anh ngữ đang chờ đi Mỹ, những người ở Nha Trang..đều chung số phận do cắt giảm ngân sách quân viện. TĐ KQ được thành lập tại Long thành vào đầu năm 1974.
        Giai đoạn thụ huấn của SVSQ Trừ bị Thủ Đức là 9 tháng, nên trong vài ngày cuối của cuộc chiến, các khóa khác đã ra Trường, còn lại KQ là khóa sinh kỳ cựu..tinh từ ngày nhập ngũ, các khóa sinh KQ..ai cũng gần hoặc hơn 3 tuổi linh..
        Di tản từ Long Thành về Thủ Đức ngày 28 tháng 4, SVSQ Không Quân được giao nhiệm vụ làm kháng tuyến chinh án ngữ 4 mặt của Quân trường, được trang bị hỏa lực tối đa ngoài cấp số..Tất cả các đơn vị khác, vì là khách nên được nằm bên trong, gọi là kháng tuyến phụ..
        ..Dưới quyền Đ/ú Thu, ĐĐT và Tr/ú Triều Tr/Đội trưởng, ĐĐ4 , mang khăn quàng màu vàng đóng quân ngay Cổng số 9 của Quân trường Thủ Đức..Tại cổng số 9, phía trước có những thùng phuy làm rào cản, dọc theo tuyến có hàng rào kẽm gai và ngoài lơp rào là một hệ thông giao thông hào rộng và sâu để cản chiến xa.. Hướng phải của Cổng số 9, khoảng 150 m có một lô cốt xây bằng xi măng lớn có nhiều lỗ châu mai..Tuần sự ĐĐ khăn vàng nằm tại đây, có máy truyền tin và súng ông, đạn dược dự trữ đủ loại
        ĐĐ 4 canh gác nghiêm ngặt và hầu như không ngủ được trong suốt đêm 29..
        Sáng 30..bỗng nhiên nhiều tiếng la hốt hoảng 'xe tăng, xe tăng', không thấy gì nhưng súng đạn nổ dòn tan dọc theo tuyến của Cổng số 9, một chiếc T-54 nòng súng phun ra lửa khói, tiếng đạn rít ngang đầu..Lửa đủ màu bay quanh chiếc tank mà nó cứ tiếp tục lăn bánh gần sát giao thông hào, những ngọn lửa của M-72 che khuất chiếc xe cùng theo những tiếng 'cháy rồi, cháy rồi' inh òi, lửa tắt, bánh xe vẫn còn lăn, nhiều ngọn lửa khác tiếp tục, nòng đại bác của tank vẫn tiếp tục bắn..
        Chiếc tank bị cản bởi giao thông hào nên sau đó thụt lùi và chạy về hường cổng số 1, để bị hạ tại đây..
        Khoảng 10 giờ 20 lệnh đầu hàng và bàn giao do TT Dương văn Minh tuyên bố đã chấm dứt cuộc kháng cự tại Huấn Khu Thủ Đức. Đ/tá Minh đã buộc bàn giao Huấn Khu Thủ Đức cho Đại diện Quân BV và sau đó bị tạm giữ trên lầu Tư dinh CHT.Các SVSQ và Quân nhân cơ hữu của Huấn Khu thay đồ dân sự và tự động tan hàng..

        Trong bài ' Trường Mẹ, Bạn, Anh em, Và..' theo Tác giả Băng Đình, Đại Tá Minh xin gửi những lời sau :
        'Tôi xin chân thành cảm ơn tất cả các quân nhân và Sinh viên sĩ quan của Trường Bộ binh cũng như các Quân trường, tái phối trí đã cùng tôi chiến đấu đến phút chót tại ngọn đòi Tăng Nhơn Phú vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 để bảo vệ Tổ Quốc cũng như thanh danh của Quân Trường.
        Tôi cũng xin kính cẩn tưởng niệm hương hồn các quân nhân của Trường BB đã hy sinh vào giờ phút sau cùng của cuộc chiến tranh chồng chất oan khiên suốt mấy chục năm trời.
        Đối với tất cả Quý vị từng là SVSQ Trừ bị Thủ Đức, tôi xin kính báo : Quý vị có thể tự hào về những khóa đàn em của Quý vị, vào ngày 30 tháng 4, 1975, không những đã hiên ngang dùng súng cá nhân nã vào xe tăng hung hãn của địch mà còn can trường nhẩy lên chiến xa liệng lựu đạn diệt thù nữa..'


        Trần Lý (Tháng 5-2013)

        Ghi chú HQPD:
        Tham khảo thêm các bài viết được trích dẫn tại:
        https://hoiquanphidung.com/showthread.php?7372
        https://hoiquanphidung.com/showthread.php?3693
        Last edited by Phòng Trực; 04-16-2018, 10:56 PM.

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X