Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nói thêm về "Tháng Ba gãy súng, tác giả Cao Xuân Huy" - ducquany

Collapse
X

Nói thêm về "Tháng Ba gãy súng, tác giả Cao Xuân Huy" - ducquany

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nói thêm về "Tháng Ba gãy súng, tác giả Cao Xuân Huy" - ducquany

    Viết về cuộc di tản khỏi Huế cuối tháng 3/1975

    ducquany



    Tôi cũng là một trong những kẻ bại trận, bị bắt trên bãi biển Thuận An của những ngày tháng nghiệt ngả đó, con người có số phận và bao nhiêu lần cố quên đi những cảnh bi thảm, những đau đớn tủi hờn để sống bình lặng, và hôm nay khi nhìn lại dòng chữi trên cuốn sách của anh Cao Xuân Huy "Tháng ba gãy súng"!!.. chợt thấy mình cũng là nhân chứng trong giờ phút kinh hoàng đó, phải góp phần nhỏ của mình để ghi thêm những hình ảnh đã trải qua với cái nhìn từ góc độ của một cá nhân.

    Ngày 20 tháng 03 /75 tôi vừa từ Sài gòn trở ra lại đơn vị cũ là Tiểu đoàn 2 trung đoàn 3 của SĐ 1 BB -QLVNCH. Trước đó tôi nhận được quyết định thăng cấp trung úy ký trong tháng 12/74, mãi đến tháng 03/75 mới ra tới cùng với sự vụ lệnh thuyên chuyển về QYV Nguyễn Tri Phương nên chuẩn bị bàn giao đơn vị cùng giấy tờ sổ sách kho thuốc ở hậu cứ của Trung đội 2 ĐĐ 14 QY, đồng thời được đi phép thường niên 15 ngày từ 18/03 đến đầu tháng 04/75, và cũng để thu xếp mọi việc khi trở ra sẽ bàn giao. Nhưng vừa về Sài gòn 1 đêm thì nghe tin từ các anh bạn pilot cho biết tình hình vùng 1, Quảng Trị, Huế rất nghiêm trọng, Đà Nẵng cho tổng kết bom đạn trong SĐ1KQ. Hôm sau nhờ mấy anh quen đưa vào cổng Phi Long rồi theo chuyến bay ra Phú Bài, có lẽ đó là chuyến bay cuối cùng chở tiếp tế vật dụng cho TQLC. Tôi trở lại đơn vị trước là cho anh em lính tráng biết kỳ này thày trò chia tay sau bao năm lặn lội chia xẻ vui buồn hiểm nguy với nhau, rồi gọi 2 anh HS1 Lê Lự có vợ 4 con, Hs1 Mịch có vợ 5 con nhà ở vùng Duy Xuyên Quảng Nam, ký phép 15 ngày về thu xếp gia đình phòng hờ chiến sự bùng nổ như năm 1972, anh Hs1 Mịch nán lại sợ không ai lo cơm nước cho tôi những ngày cuối trước khi thuyên chuyển.

    Ngày 23 có lịnh rút về Huế, bỏ các căn cứ, không có một trận đánh nào cả, qua cầu phao tạm ở Tuần nhìn căn cứ Hải Cát là nơi đặt Bộ chỉ huy nhẹ Tr/đoàn 3 BB bị đốt bỏ mà đau, năm 72 thế tiến công của VC rất mạnh từ vùng biên giới Lào đổ về với bao binh lính, pháo binh, chiến xa T54 những trận đánh kinh hồn mà cũng chỉ với tới căn cứ Bagstone là khựng lại còn cách Tuần và Birmingham, Hải Cát cả chụt cây số, sao bây giờ tự nhiên đốt bỏ mà chạy!! Đang đêm dân thức giấc nghe lính di chuyển hỏi mới biết chúng tôi rút đi, họ gom vật dụng, bồng bế khóc lóc chạy theo các anh lính VNCH, trên đường rút quân có chạm súng lẻ tẻ, khi nghe tin HS.1 Lê Mịch tử thương, bàng hoàng thương xót, nếu anh về lo gia đình khi tôi ký phép thì đâu phải hy sinh tức tưởi như vậy.

    Sáng sớm ngày 24/03 về tới Huế, một cảnh tượng hoang tàn trên đường phố chính Trần Hưng Đạo, các cửa tiệm bị đập phá, bị hôi của. Tần số liên lạc trên các máy PRC 25 vẫn hoạt động, rồi có lịnh di chuyển về Thuận An. Dân chúng cũng theo đoàn quân nhưng trong vòng trật tự, ngang qua Đập Đá, lính ghé vào vựa bán hột vịt lộn, mua một ít ăn sáng. Liền đó một đoàn quân xa TQLC về tới, nhưng lại quẹo đi hướng khác, đoàn người và lính đi tiếp gần tới Thuận An đám đông càng dày đặc, náo nhiệt, không biết họ đã ở đây hồi nào, hai bên đường quá nhiều xe quân sự, Jeep, GMC, M.113 cả Tank M.41. Thuân An là một vùng đất bao bọc bởi sông Hương chia 2 nhánh đổ ra biển. Chúng tôi dừng lại bên này bờ ngay kế kho xăng dầu để chờ phương tiện chở qua sông, nhưng chiếc phà ngang sông đi từ sáng sớm không thấy trở lại, cuối cùng đành phải tự tìm cách qua sông, tôi cùng vài người lính y tá lội xuống hầm chứa của kho xăng, để tìm lấy vài thùng phuy làm bè vượt sông, dân và lính đã vào trườc đụt mở nắp đổ xăng ra lấy thùng không, khi tôi xuống hầm mênh mông, xăng đổ ra sàn ngập tới mắt cá chân, nóng rát da chân, lấy được 3 thùng phuy đã đổ hết xăng đem lên trên tìm cây và dây nẹp lại, chất đồ đạc thuốc men, súng ống lên trên rồi cởi trần lội sông đẩy bè, vài anh y tá không biết bơi thì ngồi trên giữ súng ống, có cả một anh trung úy đơn vị khác xin quá giang. Lên đến bờ bên kia thì VC bắt đầu pháo kích bừa bãi, chúng tôi tập trung lính tráng nằm thủ dọc theo các luống rau, khoai của dân trong vạt dương, êm tiếng súng mới rút ra hướng biển, ngoài khơi đoàn tàu hải quân uy nghi đếm được 27 chiếc chiến hạm nằm chờ, có lịnh tập trung đơn vị, đứng theo hàng lối ngay ngắn, râm ran các tin đồn tập trung chờ bổ sung súng đạn chuẩn bị đổ bộ ra ngoài Bắc, tinh thần lính tráng lên cao lắm, đợi mãi đêm xuống đơn vị lập tuyến phòng thủ, lệnh lạc mật khẩu rỏ ràng để tránh nổ súng nhầm quân bạn, tuyệt đối không cho dân chúng trà trộn vào hoặc nằm gần tuyến vì vấn đề an ninh.

    Rạng sáng ngày 25 VC pháo dồn dập, dân bỏ chạy tránh xa nơi đóng quân, đơn vị vẫn án binh bất động, lo củng cố hầm hố cá nhân sẳn sàng chiến đấu, gần trưa có một chiếc LCU loại tàu đổ bộ cập vào bờ, vì sóng to và số người tràn xuống quá đông nên hổn loạn, đạp nhau mà chết chìm rất nhiều khi tranh nhau lên tàu. Cuối cùng tàu bị trúng một trái đạn đại bác và nằm lại, (Th/úy hải quân tên Tấn của chiếc LCU này đành bỏ tàu lên bờ cũng bị bắt tù binh tại đây và bỏ mạng giữa rùng già vùng biên giới Lào -Việt chôn ngoài hàng rào trại giam giữ tù binh Lao Bảo,Tà Cơn của Đoàn 76 giam giữ tù binh!)

    Tôi từ dưới nước trở lên bờ là cho lịnh anh em lính tráng lượm lại vũ khí đạn dược, chùi cát sạch sẽ chuẩn bị chiến đấu, lập phòng tuyến dọc theo các hàng cây dương bãi biển, một số VC từ trong làng vừa bắn vừa kêu gọi đầu hàng chạy ra liền bị đốn ngã, đám này có lẽ là du kích nên đánh đấm không có bài bản. Một lúc sau VC được tăng cường đông đúc và nổ súng liên tục, anh em y tá có vẻ nao núng, tôi quay lại cho lính rút ra bãi biến, chỉ còn lại 2 sĩ quan là tôi cùng th/úy Cân Tiền sát viên 14 Pháo binh bắn chận không cho VC tràn ra, sau đó êm bớt tiếng súng lần lược Th/úy Cân chạy trước, tới tôi cũng rời bỏ phòng tuyến rút ra biển hướng về bên anh em TQLC hy vọng cuối cùng. Trên đường rút đi, nhìn thấy xa xa lính tráng hết đạn đã dơ tay đầu hàng bị giải đi vào trong làng, chợt có 1 tên mặc đồ dân sự ôm AK hét to, giờ này chúng mày còn ham bắn giết lắm à, bỏ súng xuống giơ tay lên!! Điên tiết tôi đẩy nguyên một băng M16 cho tên nhóc VC té nhào, lính tráng y tá hối thúc tôi lột cặp lon trung úy vất bỏ (mới lên lon nên còn mang tạm lon thiếc mạ vàng, chưa kịp may lon vải), chạy được vài bước tự nghiĩ xấu hổ, hơn nữa cặp lon tr/úy này là quyết định từ trong Bộ TTM mà mình ước mơ bao lâu nay, tôi quay lại tìm trong cát, chỉ còn 1 chiếc nên mang giữa ngực.

    Khi chạy được qua tuyến của anh em TQLC thì cũng đã tan hàng vì hết đạn, vũ khí vất xuống nước. Tôi xin kể lại những sự thật đau lòng mà tôi tận mắt nhìn và cảm nhận, cảnh tự sát cá nhân có như một vị Tr/úy quỳ trên bãi cát cách tôi khoãng 2 mét, kê cây súng colt bên phải đầu rồi bóp cò, thân xác anh bật ngược lên, máu và óc văng tung tóe, xa hơn một chút từng tốp lính đủ các sắc phục Bộ binh có, Biệt động có, nhiều nhất là TQLC ngồi chụm đầu nhau 4 -5 người rồi bung chốt lựu đạn, cũng có một số anh lính đi dọc theo bãi cát, gặp ai cũng rủ rê: Ê, tự vận không? Cứ đủ 4 -6 người là chụm nhau cho lựu đạn nổ!!.. Không khí bi hùng này bao trùm khắp nơi, tự nhiên lúc đó tôi chảy nước mắt nhớ về gia đình cha mẹ anh em ở trong Sài gòn, lặng lẽ bắn vở máy PRC 25, tháo cơ bẩm các súng M.16 vất cả xuống biển, cởi trần quấn chiếc vỏng đỏ theo tôi bao lâu nay hành quân, nhắn lại anh em y tá đứng quanh: Anh em sau này nếu có ai vào được Sài gòn, xin đến nhà gia đình tôi ở số 670 Phan đình Phùng, Bàn cờ, quận 3, nói với gia đình tôi là đã tử trận ngày hôm nay tại bãi biển Thuận An này. Thôi bây giờ anh em tránh ra xa. Tôi rút chốt trái lựu đạn mini lúc nào cũng mang theo bên mình, những người lính y tá khóc và năn nỉ tôi đừng làm vậy, Th/úy Cân PB 14 theo tôi từ lúc bắt đầu di tản cũng nói: anh Đức hãy ráng sống chờ ngày trao trả tù binh mà về với gia đình. Chính câu nói này đã kéo tôi ra khỏi ý tưởng tự sát lúc bấy giờ, Th/úy Cân hiện đang sống ở OC,Santa Ana và hằng năm vẫn họp mặt cùng anh em cựu tù Cồn Tiên Ái Tử Bình Điền.

    Gần chiều thì các tù binh đủ sắc lính có lẽ trên 1 ngàn người tập trung dọc theo bãi biển, chưa phân loại sĩ quan binh sĩ. Bọn VC hỏi có ai trong chúng mày là y tế không, tôi nhìn quanh nhận ra một số bác sĩ, y tá của Tiểu đoàn 1 QY, nhưng không ai lên tiếng, hỏi mãi VC mới nói, chúng mày có ai là y tế bước ra mà cấp cứu cho lính ngụy bọn mày nằm tràn lan đằng kia. Tôi bước ra khỏi hàng với bộ dao kéo cấp cứu dã chiến còn bên nách áo, số y tá của tôi cũng theo ra gần mười mấy mạng, dùng bông băng, vải áo buộc tạm, một ít thuốc men còn trong các túi quân y hành quân làm cho đến khi tối mịt. Sau đó cho anh em y tá trở lại hàng, còn tôi thì chúng bảo: Mày nà sĩ quan ngụy, nhốt riêng rồi áp giải đi nơi khác, đưa lên chùa của làng gần đó, trói lại vất vào trong. Gần khuya tôi đã cởi dây trói ngồi dậy, chúng lại đạp vào một người nữa, anh này to con, đầu tóc hớt cao như trọc, râu hàm nhìn rất ngầu, ở trần không áo, mặc chiếc quân TQLC thân thể bầm dập có lẽ cũng lãnh nhiều báng súng AK. Khi thấy tôi anh hỏi cụ mi sao cũng bị bắt nhốt riêng? Tôi nói sơ cho anh nghe tôi là quân y, vì là sĩ quan nên nhốt riêng, dưới kia cả đống các sếp lớn mà không ai khai ra nên còn tập trung dưới bãi biển, còn anh thì sao? Anh nói tao là Th/tá TQLC đánh nhau hết đạn nên tụi nó rượt bắt được.

    Sáng sớm ngày kế tiếp 03/26 chúng cho đoàn tù di chuyển về phía cửa Tư Hiền, lộn xộn là đoạn đường này, đám du kích đứng chận lột hết đồng hồ, tiền bạc, giấy tờ và nhất là giày, vì đi chân không khó mà chạy trốn, riêng tôi và anh bạn TQLC bị trói tréo cánh tay ra sau bằng... giây kẻm gai đến rướm máu, cứ thế mà chạy lúp xúp theo. Một số VC và đám du kích ra nhìn bảng tên, phù hiệu TQLC, thấy ghét là bắn bỏ vô tội vạ, một số từ xa cứ bắn vào hàng tù binh như bắn bia, tiếng súng nổ vang từng đoạn, ai ngã cứ ngã, ai chạy được cứ chạy, qua cửa Tư Hiền bằng ghe của làng chài đến tối tập trung trên đồi cát xa làng mạc, dân chúng. Cứ như thế ngày hôm sau 03/27 đoàn tù chạy về đến căn cứ La Sơn nằm gần QL1 vùng Nông Truồi, Huế. Căn cứ này trước là bộ chỉ huy nhẹ Trung Đoàn 51 BB, SĐ1 Huế. Sau khi ổn định chỗ nằm, anh em y tá tìm tôi cởi dây trói, lấy thức ăn và băng bó cho tôi. Ngoài hàng rào căn cứ lố nhố dân đi tìm thân nhân người nhà huyên náo, có lịnh gọi tôi lên gặp đám VC coi tù, chúng phân công cho tôi là trưởng toán y tế, giao cho kho thuốc còn lại của Tr/Đ 54 để trong căn cứ, lấy đó mà dùng cho công tác trị bệnh, cứu chửa các thương binh chúng ta, lúc này tôi và nhóm y tế được quyền ra ngoài vòng rào, đến lấy nước, tắm rửa ở cái giếng kế bên nhưng hạn chế tiếp xúc người dân bên ngoài. Thấy thế một số bác sĩ xin gia nhập tổ y tế mà tôi là trưởng toán, công việc chạy đều nhưng khó xử vô cùng, tôi làm sao ra lịnh cho các bác sĩ cấp trên được. Tình hình trong căn cứ lúc đó rộ lên tin đồn là sẽ bị đưa đi Nam Đông - Khê Tre, một vùng rừng núi hiểm độc vô cùng mà xưa kia thực dân Pháp lưu đày các tù chính trị chống Pháp, chết bỏ mạng vì nước độc rất nhiều nhất là sốt rét!!.. Không biết do đâu mà có người đã lợi dụng vào kho thuốc lấy một số thuốc ngừa sốt rét Chloroquine -Primaquine ra bán, vì còn rất nhiều anh em trong trại còn giấu được tiền mặt nên mới có chuyện mua bán $500 /1viên CP, vì không muốn anh em quân y mang tiếng xấu, khi biết chuyện xảy ra, tôi bảo các y tá thuộc quyền vào kho mang hết thuốc phòng chống sốt rét ra phát không cho tất cả mọi người trong căn cứ để phòng thân. Sau vụ này tôi bị cất chức trưởng toán vì tự ý làm thế. Coi như trút được gánh nặng của một trợ y mà dám trên quyền các xếp của mình rất khó làm việc, bù lại các anh cấp tá của TQLC kêu tôi đến chỗ mấy anh nằm, rồi bảo: Mày nhỏ nhưng chơi được, kể từ bây giờ mày được mấy anh bảo vệ không ai ăn hiếp, và cần gì thì mấy anh lo cho.

    Tại nơi đây có một thương binh quá nặng, anh là Đại úy TQLC bị thương vùng bụng, nằm mê man, biết bao nhiêu băng bó, thuốc men vẫn không thấy hồi phục, nản quá nên anh em quân y cũng ráng làm hết sức, còn số mạng do trời. Năm 1985 khi tôi ghé ăn một nhà hàng đường Nguyễn Trải Chợ Lớn với bà xã (tôi được tha ra tù năm 81), do bạn bè bên TQLC cho biết, tôi đến bên sạp thuốc lá ngoài nhà hàng, mua một bao thuốc rồi nói với anh chủ sạp: Anh kéo áo lên cho tôi xem vết thương ở bụng, anh chủ sạp trợn mắt hỏi: Sao anh là ai mà biết vết thương của tôi? Mẹ họ, tôi cấp cứu cho ông từ lúc còn nằm trên bãi biển năm 75 chớ ai xin lỗi khi ở căn cứ La Sơn tôi nản lắm, cứ nghĩ ông qua không khỏi vậy mà ông vẫn sống tài thật.

    Vài ngày sau toàn bộ tù binh có lịnh di chuyễn chạy bộ ngược ra hướng Bắc ngang qua thành phố Huế, lúc này anh em binh sĩ có gia đình ra nhận thì được thả về vì quá đông VC không quản lý hết được, dân chúng tập trung 2 bên đường chạy theo đưa quần áo củ, thực phảm... cho anh em tù binh, không còn cảnh bắn giết như mấy ngày đầu từ bãi biển Thuận An về La Sơn. Đoàn tù chạy mãi, rơi rớt và một số anh em trốn thoát nhờ có người quen, đại đa số cứ theo đoàn, theo đơn vị củ không dám tách rời, hôm sau chạy đến một trại định cư cũ ở cây số 23 trên quốc lộ 1 đường ra Quảng Trị. Lúc chạy ngang qua vùng An Lổ cây số 17, nhìn căn cứ Hòa Khánh hậu cứ của Tr/đoàn 3 BB chúng tôi, xa xa trên đỉnh núi Teapoint là căn cứ Hiệp Khánh mà nước mắt cứ tuôn chảy. Tại khu định cư cây số 23 này thì thân nhân rất đông, mỗi ngày đến tìm tin tức người nhà, quen biết... vì rất đông đã bỏ mạng ngoài biển Thuận An. Tù binh chia thành các đội trong cùng một nhà, đặt ra nhà trưởng để điều hành, lãnh phát thực phảm cho đội. Đang nằm lim dim thì nghe bạn bè nói: Ê Đức, mày có quen mấy cô này không, dòm ra tôi nhận biết có mấy cô là ca sĩ cũ của Tiểu đoàn Chiến tranh chính trị và Tâm lý chiến, có một cô quen thân đang dáo dác tìm ai đó, tôi kêu tên và cô mừng rỡ chạy vào (cô là bạn gái của anh pilot Đổ xuân Thắng PĐ 253, chết khi bay trên chiếc trực thăng định mệnh chở cố Chuẩn tướng Điềm Tư lịnh SĐ 1BB rớt vùng Quảng Ngãi trên đường di tản vào Nam khi thành phố Đà Năng mất ngày 03/29/75).

    Cô ca sĩ này đang đi tìm ông bố cũng là quân nhân, nhưng chủ yếu là tìm và hỏi thăm tin tức anh Thắng mà khi đó tôi cũng không biết gì, trước khi chia tay, cô vét túi lấy ra $1.200 đưa cho tôi xài tạm, tôi cám ơn và đưa lại $500 cho cô đi xe về. Cầm $700 trong tay việc đầu tiên là tìm mua bao thuốc là lúc đó giá $500, chưa kịp mua thì gặp một sỉ quan trẻ TQLC Th/úy Thụy bị thương nơi sống mũi, vết thương làm độc sưng lên con mắt. Mặc dù không bạn bè chi nhưng thà nhịn hút thuốc, tôi đưa số tiền này và nói anh đi tìm mua thuốc trụ sinh mà uống đi. Sau này gặp lại trên trại tù vùng Tà cơn Lao Bảo, anh chàng bị hư và phải móc bỏ bên mắt nhiểm trùng, tôi nói với hắn: Mẹ biết như thế này hồi đó tao mua bao thuốc lá hút cho sướng, từ đó hắn có tên là Thụy đui.

    Thời gian đầu ở trại tạm cư này, đám bộ đội coi tù tác oai tác quái, ngày nào cũng kêu vài anh tù lên đánh đập, dợt võ, có anh chảy máu 2 lỗ tai rồi bị điếc, nhiều anh lê lết thương tích. Cảnh tang thương này chỉ chấm dứt sau khi có một xác của bộ đội bị giết và chôn trong vồng khoai sau trại. Tôi biết có một nhóm sĩ quan trẻ còn mang theo súng ngắn, không nộp cho bộ đội VC, còn cả địa bàn đi rừng, cùng căn cước dân sự. Theo lời kể nhóm này hoạt động gần giống lực lượng viễn thám còn sót lại của vùng 1 CT. Qua tuần sau thì VC cho phát giày bố đen, phát lương khô chuẩn bị di chuyển đường bô ra phía Bắc hướng Quảng Trị. Trên đường đi nhìn từng đoàn quân xa VC, đại bác 130, hỏa tiễn Sam 6 dài ngoằng ào ạt đưa vào Nam, chúng tôi chán nản. Gần đến Quảng Trị thì theo đường số 9 đi về phía Lào, gần biên giới có cắm bảng chi dẫn mới dựng: mũi tên chỉ quẹo phải đi A (về Bắc), quẹo trái là đi B (vào Nam) ai cũng bàn là kỳ này chắc đi A quá, nào ngờ đoàn tù đi thẳng (đi C) qua Lào rồi theo đường rừng lội 1 ngày tới trại tù Tà Cơn thuộc hê thống trại giam giữ tù binh Đoàn 76 trong chiến tranh. Nằm dưới thung lũng, dưới những tàn lá cây rậm rạp mà nếu bay phía trên khó nhìn thấy, bên ngoài trại là dãy mộ dày đặc chôn lấp đất sơ sài của những tù binh chết ở đây, Th/úy hải quân Tấn bị bệnh và chết chôn tại đây là người đầu tiên trong anh em tù bị bắt dưới Thuận An. Tại đây anh em khai lý lịch, cấp bậc, chức vụ mà hầu như không ai dấu diếm vì hy vọng còn trao trả tù binh như năm 1973, tất cả được cấp phát loại áo tù sọc đỏ đậm, vả giày rất tốt, đó là loại dành cho tù binh ngoại quốc như đồng minh Hoa Kỳ hay Úc... và cho cấp sĩ quan QLVNCH, cấp HSQ và binh sĩ thì bộ đồ tù xanh dương sọc trắng vả nội địa mỏng hơn. Tiêu chuẩn tù sĩ quan vẫn còn, thuốc lá điếu Tam Đảo, đường viên trong hộp trắng tinh của Trung quốc. Đại tá Thọ Lữ đoàn trưởng Dù bị bắt trong trận Hạ Lào cũng giam ở đây trước khi đưa ra Bắc, cho đến tháng 09/75 mới chuyển trại về lại nội địa vùng Cồn Tiên.

    Sau này ai hỏi: hồi 30 tháng 04 /1975 mày ở đâu? Tôi trả lời là lúc đó tôi còn ở nước ngoài, đến tháng 9/75 mới về nước. Họ ngạc nhiên và nói: Mẹ mày, sao ngu vậy sập tiệm rồi còn về làm chi? Xin thưa lúc đó tôi còn là tù binh bị nhốt bên Lào (nước ngoài), tháng 9/75 giải về trong nước, không về nó bắn bỏ mẹ!!


    ducquany

  • #2
    Những người tự sát vì thua trận như thế chưa thể thành thần được nhưng các tướng trận mạc đánh trận mà có thể như thế thì sẽ được phong thần ngay đấy nhé, nhưng có lẽ nào lại đi tự giết lấy chính mình mà không đợi bọn chúng nó đến dẫn giải để đổi mạng? Có thể làm được như thế thì sẽ được sánh bằng các vị tướng mà người đời thường hay nói là cái gì "Sinh Vi Tướng Tử Vi Thần" đấy nhé

    Comment


    • #3

      Rất cám ơn bạn đã nêu lên ý tưởng đó. Ngay bản thân tôi dù chỉ là một sĩ quan trợ y ở một đơn vị tác chiến, khi bị bắt tại bãi biển Thuận An ngày 25/03/1975, có lẽ vì trong quá trình sống và chiến đấu tại đơn vị, tôi được anh em lính tráng tin tưởng và cũng nghĩ là một người không đến nỗi hèn, cũng có những lúc bốc đồng liều mạng (tuổi trẻ là điếc không sợ súng) nên giờ chót trước khi tan hàng, anh em chạy theo tôi cả y tá và lính bộ binh của đơn vị cũng hơn 2 trung đội trên 60 mạng, có cả anh Th/úy TSV pháo binh. Sau ngày bị bắt vào tù, nhất là sau 5 năm thì tôi bị ám ảnh về một ý tưởng có vẻ điên điên là: nếu tôi có chết thì cũng sẽ ráng kéo theo tên VC nào đó, và mỗi khi ra lao động, cầm cái dao rựa đi rừng là tôi cứ nhìn chằm chằm vào cần cổ tên cán bộ hay vệ binh đi trước mà nghĩ sẽ có một lúc nào đó nổi khùng là chơi luôn ngay đó một phát. Cái ý nghĩ này mãi cho đến khi trở về nhà, lấy vợ rồi sống bình thường một thời gian dài mới hết. Có lẽ tôi bị ám ảnh như thế khi thấy một người bạn tù của tôi bị bắn chết trong rừng, mặc dù lúc đó bạn quỳ xuống xin tha mạng bởi tay vệ binh đi theo. Chuyện dài lắm có dịp tôi sẽ kể lại. Cám ơn bạn.
      Last edited by chieutim; 05-08-2018, 10:10 PM.

      Comment


      • #4
        Nhà người kia là vị SQ thanh liêm cũng không muốn sống nữa nhưng không nên vì phẫn uất nhất thời mà hành động như thế nhưng có người còn muốn làm gì thì cứ để mạng sống đó để mà làm cái việc như thế sau này thì tức giận cũng nên lắm đấy nhé nhưng kể lại để nung chí phẫn uất thì đừng nên mà nung cái gì để bẻ gãy đập tan bè lũ gì thì đang có người đi như thế nữa rồi đấy nhé nhưng là người kia muốn nói thôi chứ đừng nên nói nhiều về hiện trạng như thế để người còn lại bị gì thì bị gì là tức giận nhiều lên rồi thua nữa thì không còn gì để mà thương tiếc vì đã bị như thế thì sẽ như thế nữa thôi đấy nhé nhưng có người đã và đang làm gì thì cứ nung cái gì thì cái gì là chí khí thì hay lắm. Thôi nhé, hết chưa thì là chưa hết nhưng cũng nên nói gì thì cứ nói như thế để hiểu nhau thôi chứ đừng để cho bọn chúng nó tìm được người kia thì chẳng còn gì nữa. Thôi thì thôi đi đấy nhé. Chúc người trợ y sĩ tiền tuyến được sống những ngày vui vẻ yên bình mà chờ những người nào đi nữa làm cho việc kia thì lại đoàn viên với nhau sau này đấy nhé.

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X