Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Dương Hùng Cường và nụ cười vụt tắt của định mệnh

Collapse
X

Dương Hùng Cường và nụ cười vụt tắt của định mệnh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Dương Hùng Cường và nụ cười vụt tắt của định mệnh

    Dương Hùng Cường và nụ cười vụt tắt của định mệnh
    Du Tử Lê


    Cuốn “Vĩnh Biệt Phượng” của nhà văn Dương Hùng Cường. (Hình: Du Tử Lê cung cấp)

    Đầu thập niên 1970, định mệnh đã mỉm cười với nhà văn Dương Hùng Cường. Dù nụ cười ấy nhanh chóng tắt ngúm; ném trả cuộc đời tác giả “Vĩnh Biệt Phượng” vào những bất hạnh, lao tù mới!

    Đó là thời gian cho thấy dường như hoạn lộ của ông bắt đầu sáng sủa hơn. Ông được thăng cấp thượng sĩ, rồi chuẩn úy, thiếu úy và chuẩn bị theo học một khóa chuyên môn, để điều chỉnh cấp bậc và sẽ lên trung úy…

    Người thân cận nhất với tác giả “Buồn Vui Phi Trường” ở giai đoạn này là nhà văn Trần Ngọc Tự, thư ký tòa soạn cuối cùng của nguyệt san Lý Tưởng, tiếng nói chính thức của binh chủng Không Quân VNCH, tính đến Tháng Tư, 1975. Sau Nguyễn Thụy Long, có lẽ Trần Ngọc Tự là người thứ hai, nói về đời thường của Dương Hùng Cường, thời gian mặc áo lính chi tiết nhất.

    Nhà văn Trần Ngọc Tự kể rằng, ngay khi mới được bổ nhiệm về khối Chiến Tranh Chính Trị, Bộ Tư Lệnh Không Quân ở Tân Sơn Nhất, ông đã gặp nhà văn Dương Hùng Cường nhiều lần. Nhưng phải một thời gian sau, khoảng cách xa lạ, ngập ngừng giữa hai người mới được xóa nhòa.

    Đó là thời gian Trần Ngọc Tự biết Dương Hùng Cường chính là Dê Húc Càn, người phụ trách mục “Cà Kê Dê Ngỗng” của tuần báo trào phúng Con Ong mà ông từng theo dõi, thích thú. Ngoài bút hiệu Dê Húc Càn, ông Cường còn có một bút hiệu khác là Lão Dương. Và, người thượng sĩ thâm niên này, đã không che giấu thiện cảm của ông, dành cho chuẩn úy trẻ, mới ra trường Trần Ngọc Tự.

    Vẫn theo nhà văn Tự thì sự ưu ái mà nhà văn Dương Hùng Cường đặc biệt dành cho ông, vì trước sau không thay đổi thói quen tôn trọng đàn anh đi trước, ông còn: “…Hay đi chung với mấy anh em trong nhóm các cây bút của tập san Lý Tưởng Không Quân như Khải Triều, Kiêm Thêm, Phan Lạc Giang Đông, Minh Triệu-Ngô Văn Đắc, Trần Kim Nho, Thanh Chương, Hoàng Bá Thủy… mà anh cũng có thân tình từ trước nên tự nhiên tôi được ăn theo chút gì đó chăng? Phần khác, có thể vì khi chuyện trò buổi sơ giao, tôi đã nhắc tới mấy chi tiết về nhân vật Pi lốt Thái Bình trong quyển ‘Buồn Vui Phi Trường’ của anh, từ đó dễ lấy được cảm tình của ông nhà văn nhà báo, có tiếng lừng khừng và kén chọn trong việc giao tiếp với những người cùng đơn vị…” (Nguồn: Nguyệt San Việt Nam)

    Từ tình thân này, Trần Ngọc Tự được biết nhà văn Dương Hùng Cường gia nhập binh chủng Không Quân từ năm 1953, ở miền Bắc. Ông được qua Pháp học ngành hoa tiêu, nhưng cuối cùng lại chuyển ngành học về chuyên môn kiểm soát không lưu. Trước khi được thuyên chuyển về Bộ Tư Lệnh Không Quân ở Sài Gòn năm 1965, Dương Hùng Cường phục vụ trên “Lầu Gương” tức Đài Kiểm Soát Không Lưu ở phi trường Biên Hòa khá lâu, trước khi được đổi về Bộ Tư Lệnh Không Quân ở Sài Gòn.

    Chính thời gian làm việc tại phi trường Biên Hòa, đã đem lại cho Dương Hùng Cường bút ký “Buồn Vui Phi Trường,” mà có người từng ngạc nhiên, không hiểu từ đâu mà Dương Hùng Cường biết rõ phi trường Biên Hòa, vì những người này cho rằng ông không hề làm việc tại phi trường Biên Hòa.

    Vẫn theo ghi nhận của nhà văn Trần Ngọc Tự, thì Dương Hùng Cường là người căn bản có tính bất cần đời… Vì thế ông đã gặp khá nhiều rắc rối trong binh nghiệp cũng như ngoài dân sự.

    Để dẫn chứng cho ghi nhận của mình, Trần Ngọc Tự cho biết, ông từng được chính Thiếu Tá Bùi Hoàng Khải, sếp lớn của ông là bạn học cùng khóa với Dương Hùng Cường ở Pháp. Người nằm giường trên, người giường dưới; đã có không ít lần suýt xảy ra chuyện đánh nhau… Nếu ông Khải không nhẫn nhịn trước tính ngang bướng của bạn.

    Trần Ngọc Tự cũng thêm rằng, sự chậm trễ lên lon của ông Cường, một phần còn vì ông không chịu tham dự những khóa tu nghiệp, để điều chỉnh cấp bậc, theo yêu cầu.

    Giữa lúc những người bạn của nhà văn Dương Hùng Cường đinh ninh, con đường binh nghiệp của ông bắt đầu sáng sủa hơn, khi ông chịu lên trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt, theo học khóa sĩ quan căn bản chiến tranh chính trị để điều chỉnh cấp bậc thiếu úy rồi sẽ lên trung úy sau đấy, thì một hôm, đang làm việc, bỗng Dương Hùng Cường bị khối An Ninh Quân Đội Không Quân đưa giấy, gọi trình diện…

    Trước sự kiện bất ngờ này, nhà văn Trần Ngọc Tự kể, nhờ Thiếu Tá Trần Tam Tiệp làm việc tại khối An Ninh, mới biết rằng, trước đó ít ngày, trong một cuộc nhậu ở nhà hàng Thanh Thế, đã xảy ra một vụ lớn tiếng, qua lại, giữa một bên là Dương Hùng Cường, nhà văn Nguyên Vũ, và một bên là mấy dân biểu thân chính… Kết quả nhóm dân biểu này đã có thư tố cáo hai nhà văn vừa kể, về tội mạt sát đại diện dân cử, gửi tới nhiều cơ quan thẩm quyền khác nhau. Trong số đó, có cả văn phòng phủ tổng thống. Và, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã bút phê trong phiếu trình là: “Sĩ quan chiến tranh chính trị tuyên bố láo lếu, thuyên chuyển khỏi Quân Khu.” (Nguồn: Nguyệt San Việt Nam)

    Trần Ngọc Tự đọc được công văn này, khi một bản sao được chuyển cho khối Chiến Tranh Chính Trị Không Quân để thi hành. Thế rồi cả Dương Hùng Cường lẫn Nguyên Vũ bị thuyên chuyển về Sư Đoàn 3 Bộ Binh, ở Đà Nẵng.

    Nhờ sự vận động tích cực của Thiếu Tá Trần Tam Tiệp (khóa 2 Nam Định, từng tu nghiệp ở Pháp), nên khoảng một năm sau, Dương Hùng Cường được về lại Không Quân. Nhưng ông không còn ở ngành chiến tranh chính trị nữa mà bị đổi về Cần Thơ, phụ trách ngành hành chánh, sau khi tham dự một khóa học chuyên môn về ngành này, do nhà văn Trần Ngọc Tự phụ trách.

    Lần gặp gỡ cuối với nhà văn Dương Hùng Cường, được nhà văn Trần Ngọc Tự ghi lại nguyên văn như sau: “…Lần sau cùng tôi gặp anh (Dương Hùng Cường) trước ngày 30 Tháng Tư, 1975, là vào khoảng Tháng Mười Hai, 1974. Anh đi phép và ghé vào Tân Sơn Nhất thăm bạn hữu anh em. Xuống khu gia binh uống cà phê, anh nói với tôi rằng đang bắt đầu chuẩn bị việc in ấn quyển ‘Vĩnh Biệt Phượng’ là tác phẩm thứ hai sau ‘Buồn Vui Phi Trường.’ (1) Buổi sáng hôm ấy, tôi nhớ cũng có cả anh Nguyễn Đình Thiều, ở tờ Lý Tưởng phòng Tâm Lý Chiến cùng thời với anh Dương Hùng Cường dạo trước và đã thuyên chuyển đi căn cứ Không Quân Phan Rang mấy năm rồi. Thời gian đó, Thiếu Tá Sĩ Phú (2) là trưởng khối Chiến Tranh Chính Trị ở đơn vị này. Anh Nguyễn Đình Thiều từ Phan Rang về và ghé qua Sài Gòn trên đường ra trình diện trại cai nghiện ma túy của quân đội ngoài Phú Quốc. Tôi được tin anh từ trần tại đây vào cuối Tháng Giêng, 1975.” (Nguồn: Nguyệt San Việt Nam)

    Sau đấy, cũng như tất cả những sĩ quan bị kẹt lại, nhà văn Dương Hùng Cường bị tù cải tạo lần thứ nhất… (Du Tử Lê)

    Chú thích:

    (1) Theo nhà văn Trần Ngọc Tự thì tiểu thuyết “Vĩnh Biệt Phượng” của Dương Hùng Cường in xong cùng lúc với biến cố 30 Tháng Tư. Vì thế, tác phẩm đã không được phát hành! (Nguồn: Nguyệt San Việt Nam)

    (2) Thiếu Tá Sĩ Phú chính là ca sĩ nổi tiếng Sĩ Phú, sinh năm 1942 tại Bắc phần. Ông mất năm 2000 tại miền Nam California. (Nguồn Wikipedia-Mở)


    Source:https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-n...cua-dinh-menh/

  • #2
    “Nhà văn TRẦN NGỌC TỰ” mà Du Tử Lê nhắc tới trong bài viết này là Trung úy Trần Ngọc Tự (TNT), bạn thân của tôi từ thời sinh viên, đi Thủ Đức cùng khóa, cùng về ngành Chiến Tranh Chính Trị (CTCT) của Không Quân, sau 1975 cùng trình diện “học tập cải tạo” tại Văn Khoa, ở tù chung cho tới khi bị đưa ra Phú Quốc. Chức vụ sau cùng của TNT là Thư ký tòa soạn nguyệt san Lý Tưởng của BTL/KQ. Mặc dù có viết tạp văn, mọi người thường gọi TNT là nhà báo, và nhà thơ (bút hiệu Ngọc Tự) hơn là nhà văn.

    Ngày ấy qua TNT, tôi được quen biết (hoặc chỉ “biết”) nhiều tài danh của KQ như các nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, Nguyễn Trung Cang, các ca sĩ Sĩ Phú, Duy Quang, các nhà văn Nguyễn Đình Thiều, Khải Triều, Dương Hùng Cường (DHC), Kiêm Thêm, nhà thơ Phan Lạc Giang Đông (PLGĐ)...



    Dương Hùng Cường (di ảnh trên bàn thờ)

    Giữa năm 1970, tôi, TNT, PLGĐ, DHC cùng có tên trong danh sách theo học Khóa 8 Căn Bản Sĩ Quan CTCT tại Đại Học CTCT Đà Lạt. Với ba chàng Chuẩn úy xuất thân Thủ Đức (tôi, TNT, PLGĐ) thì học “định nghiệp” sớm hay muộn cũng không quan trọng cho lắm, nhưng với một ông Chuẩn úy “bò” từ hàng hạ sĩ quan lên như DHC thì ngày nào chưa học “định nghiệp” ngày ấy còn phải tiếp tục mang lon Chuẩn úy!

    Vậy mà vào giờ phút chót, DHC lại không chịu đi để ở nhà “tập tành làm tài tử xi-nê” (nguyên văn lời anh), thủ một vai trong cuốn phim “Người tình không chân dung”. Vì vậy mà mãi tới cuối năm 1971, sau khi lên Đà Lạt học CTCT trở về, DHC mới được lên Thiếu úy...

    Sau khi vượt biên rồi định cư tại Úc, liên lạc được với anh em văn nghệ sĩ KQ còn bị kẹt lại, năm 1984, tôi (lúc ấy còn thất nghiệp) đứng ra vận động anh em KQ ở Victoria gửi cho DHC chút đỉnh để anh em uống cà-phê với nhau. Rất tiếc, chưa kịp thực hiện thì TNT, DHC đã bị bắt lại cùng với Doãn Quốc Sĩ, Hoàng Hải Thủy, Duy Trác, Lý Thụy Ý..., nhóm văn nghệ sĩ mà truyền thông của CS gọi là “Những tên biệt kích cầm bút”.

    DHC chết trong tù. Theo suy nghĩ của tôi, và của nhiều người khác, nếu trong số những bài viết mỉa mai châm biếm chế độ CSVN của DHC được lén lút gửi ra hải ngoại không có bài “Nếu chàng Trương Chi đẹp trai”, anh đã không đến nỗi chết trong nhà tù. (*)

    Nhưng nếu không viết thì không phải... Dê Húc Càn!

    Tạm dẹp quân phong quân kỷ sang một bên, DHC phải được xem là một người cầm bút đầy tư cách.

    (*) Bài viết "Nếu chàng Trương Chi đẹp trai" được gửi bí mật từ trong nước ra ngoại quốc, đăng trên báo Nhất Việt ở Paris số tháng 4-1982, viết về mối tình Trương Chi - cộng sản miền Bắc - và Mỵ Nương - tư sản Miền Nam. Mỵ Nương nghe tiếng sáo của Trương Chi, chưa gặp mặt đã thầm yêu trộm nhớ, đến khi gặp mặt ngày 30 tháng Tư 1975, thì là một sự thật phũ phàng, thất vọng đau đớn ê chề của Mỵ Nương.




    rượu ngày giỗ bạn

    chén âm dương vỡ giữa đời
    thoảng quanh men rượu ngỡ người bên mâm
    cuồng say thôi cũng âm thầm
    nhắp môi uống nốt mê lầm phù sinh

    Sàigòn tháng 01/1989
    ngọctự
    (ngày giỗ đầu anh Dương Hùng Cường)
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 04-02-2018, 10:11 PM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X