Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tri Ân, Vinh Danh, Tưởng Niệm Đại Tá Nguyễn Hữu Thông

Collapse
X

Tri Ân, Vinh Danh, Tưởng Niệm Đại Tá Nguyễn Hữu Thông

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tri Ân, Vinh Danh, Tưởng Niệm Đại Tá Nguyễn Hữu Thông

    Tri Ân, Vinh Danh, Tưởng Niệm Đại Tá Nguyễn Hữu Thông
    Tuyết Mai


    Lời tác giả: Tuyết Mai vô cùng xúc động khi đọc bài "Một Đại Tá VNCH đuợc an táng dưới cột cờ" TRONG WEBSITE hon-viet.co.uk viết về Đại Tá Nguyễn Hữu Thông, Trung Đoàn Trưởng 42 BB - SĐ 22 BB, tự sát ngày 2 Tháng 4, 1975 . Xác ông được chôn cùng với 47 xác các quân nhân khác dưới chân cột cờ ở Quân Y Viện Qui Nhơn. Điều đáng khâm phục là Ông không xuống tàu chạy loạn, mà tự ý chọn ở lại, chờ một tiểu đoàn thuộc quyền của ông chưa đến bờ biển để được di tản.
    Tuyết Mai gởi điện thư tới vài sĩ quan Võ Bị trong vùng Hoa Thịnh Đốn, hy vọng sẽ có nhiều người quen biết Đại Tá Thông, cho thêm tin tức về sự hy sinh vô cùng cao quý của ông, mà chưa đuợc nhiều nguời biết đến.

    Rất may mắn CSVSQ Nguyễn Đức Thu (Khóa 16 TVBQGVN( là bạn thân của Đại Tá Thông), có được thư của Tuyết Mai. Cả hai CSVSQVB Thu và Đại tá Thông đã tốt nghiệp khóa 16 Võ Bị QGVN. Nguyễn Đức Thu cho biết hằng năm vào ngày 2 Tháng 4, ông không quên tuởng niệm bạn.

    Kính mong quý chiến hữu Võ Bị QGVN và trong Trung Đoàn 22 BB- Sư Đoàn 22 BB nếu có thêm tin tức hay hình ảnh của Đại tá Thông, xin gởi cho PVTuyết Mai bodetam11@gmail.com để bổ túc cho đầy đủ trang sử oai hùng của Đại Tá Nguyễn Hữu Thông, người đã thể hiện tinh thần anh dũng của Chiến sĩ VNCH : "Tổ Quốc - Trách nhiệm - Danh Dự".
    Kính mong đồng bào Người Việt Quốc Gia trong cũng như ngoài nước tri ân, vinh danh, tuởng niệm Đại Tá Thông cùng với những vị sĩ quan đã tuẩn tiết, trong Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư hằng năm.
    Dưới đây là bài viết của CSVSQVB Khóa 16 Nguyễn Đức Thu gởi cho PV Tuyết Mai và các bạn đồng môn Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

    Ngày 2 tháng Tư , năm 1975, một vị chỉ huy đã hiên ngang từ chối lên tàu Hải Quân để di tản với 3 tiểu đoàn của ông trên bờ biển Qui Nhơn. Người đó chính là Đại Tá Nguyễn Hữu Thông, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 42BB , một trung đòan thiện chiến nhất của Sư Đoàn 22 Bộ binh.

    SVSQ Nguyễn Hữu Thông Trường VBQGVN ( 1959-1962 )

    Đại Tá Nguyễn Hữu Thông sinh năm 1937, nguyên quán tại Thạch Hãn, Quảng Trị, tốt nghiệp khóa 16 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Ông được thăng cấp Đại tá thực thụ năm 1972 .
    Vào cuối tháng 3 năm 1975, theo lời của Y sĩ Trung úy Phan ngọc Hà, Tiểu đoàn 22 Quân Y, " thì tình thế biến chuyển thật nhanh chóng. Quyết định sai lầm trong việc triệt thoái Quân đoàn 2 ra khỏi Cao nguyên chẳng những đã không duy trì được lực lượng tác chiến mà còn làm rối loạn hậu phương và cũng chẳng có một lợi ích chính trị nào hết nếu không muốn nói đến sự phá sản của mọi mặt khi quân bài Domino bắt đầu đổ vỡ.

    Trung đoàn 42 BB đang cầm cự một cách anh dũng với Sư đoàn 3 Sao vàng của Bắc Việt ở mặt trận Bình-khê thì được lệnh phải di tản về Nha trang để yểm trợ cho Lữ đoàn 3 Nhảy Dù đang cầm chân Cộng quân ở Khánh-dương.

    Lui binh bao giờ cũng là vấn đề khó khăn của các nhà quân sự từ Đông Tây kim cổ. Tài ba và mưu lược như Gia-cát Lượng mấy lần vào Kỳ sơn như chỗ không người; oai dũng kiêu hùng như Napoléon cùng đoàn quân viễn chinh dưới chân Kim Tự tháp tự hào rằng lịch sử đang chiêm ngưỡng tài danh, vẫn không khỏi khốn đốn khi phải rút lui khi trận địa không còn ưu đãi.

    Trung đoàn 42BB nói riêng và Sư đoàn 22BB nói chung đã chiến đấu kiên cường biết bao với Cộng quân nhưng khi phải rút lui họ lại bị tơi tả dường ấy. Mọi kế hoạch không diễn tiến đúng như những bàn thảo ban đầu.Thành phố Qui-nhơn hỗn loạn sớm hơn dự tính vì đã có sự trà trộn của các đặc công và sự quấy phá của các Việt cộng nằm vùng".

    Trong ngày 1 tháng tư năm 1975, khi Qui Nhơn hoàn toàn thất thủ và có lệnh di tản từ Bô Tổng tham Mưu, Đại tá Nguyễn Hữu Thông và Đại Tá Nguyễn Thiều ( cũng cùng khóa 16/TVBQGVN ), Trung đoàn trưởng Trung Đòan 43BB đã điều động 5 Tiểu Đòan thuộc quyền di tản lên tàu Hải Quân đậu gần bờ, dưới những lằn đạn pháo kich nghiệt ngã của Bắc quân .

    Nhưng vẫn còn môt Tiểu Đoàn của Đại Tá Thông chưa đến. Hai ông quyết định một người phải ở lại chờ đợi, một người phải lên tàu để chỉ huy đoàn quân. Đại Tá Thông và vài người đã chọn ở lại, quyết chờ đợi.

    Vì chiến hạm phải cứu nguy hàng ngàn người di tản khác khi địch quân hàng hàng lớp lớp đang truy kích quân ta sát bờ , nên tàu phải ra khơi.

    Theo lời của Nhà văn HQ Điệp Mỹ Linh, " Từ trong bờ, Việt-Cộng bắn ra chiến hạm dữ dội khiến HQ 400 không thể nào ủi bãi được. Cuối cùng, một số các quân nhân của Sư-Đoàn 22 phải bơi ra tàu. Trong số những quân nhân lên tàu có Thiếu Tướng Phan Đình Niệm, Tư-Lệnh Sư-Đoàn 22 Bộ-Binh.

    Trong khi đó, từ thành phố Qui-Nhơn, Trung-Đoàn-Trưởng Trung-Đoàn 42 Bộ-Binh, Đại-Tá Nguyễn Hữu Thông tiếp tục trấn an Chỉ-Huy-Trưởng Hải-Đội III Tuần-Dương, Hải-Quân Trung-Tá Lê Thành Uyển .Ông cho biết rằng trong thành phố Qui-Nhơn không có một tên Việt-Cộng nào cả. Trung-Tá Uyển hỏi tại sao có nhiều tiếng súng thì Đại-Tá Thông trả lời, đó là của Nhân-Dân Tự-Vệ bắn vu vơ, để ông ấy cho dẹp ngay. Vì đã biết tình hình thật sự trên bờ, Trung-Tá Uyển yêu cầu Đại-Tá Thông nên ra tàu sớm . Đại-Tá Thông bảo Trung-Tá Uyển cho tàu đón lính của Ông ra trước đi....

    Sau cùng, Trung-Tá Uyển lại liên lạc với Đại-Tá Nguyễn-Hữu-Thông lần chót, hỏi tại sao chưa thấy ông lên tàu? Đại-Tá Thông đáp:“Tôi không thể ra với anh được. Lính của tôi ra cũng gần hết rồi. Cảm ơn anh. Tôi đi về đây ! Nhưng không ai biết vị anh hùng ấy đi về đâu ???!!! ".
    Theo lời của Đại tá Nguyễn Thiều, Đại Tá Thông cùng với vài binh sĩ đã đi ngược lại về phía Những Ngọn Đồi Vô Danh tức cao điểm 82-174 phía Tây Tây Nam Quận Hoài Nhơn tỉnh Bình Định , có lẽ ông đã cùng chết với những binh sĩ sau cùng của ông vừa mới tử trận. Đó là ngày 2/4/1975.

    Để thay lời cuối :

    CSVSQ Lê Đình Thọ Khóa 28/TVBQGVN đã vinh danh người Niên trưởng của ông như sau:
    "Sinh thời còn là Trung Đoàn trưởng Trung đòan 42, Đại tá Thông luôn luôn sống gần gũi, sát với chiến hữu thuộc cấp. Đại tá Thông lo chu đáo cho đời sống của từng người lính và gia đình. Ông đi sát từng tiểu đội để lo về sức khoẻ cho họ. Hỏi về các tiêu chuẩn quân trang, quân dụng như giày trận, poncho. Ai đã lãnh, ai chưa đuợc lãnh? Ai đã đi phép, ai chưa có phép? Lương hướng của từng chiến binh lãnh ra chi tiêu bao nhiêu, còn gởi về cho vợ con được bao nhiêu? Ông buộc lính phải tiêu hạn chế, và gởi lương về cho vợ con từng tháng trông chờ.

    Có lẽ đây là một cách an dân của cấp chỉ huy để người lính thuộc quyền yên tâm mà đánh giặc. Có lẽ vì cách sống có nghĩa có tình với thuộc cấp của ông đã khiến những người lính suốt đời thương mến ông.

    Sau nhiều năm từ khi mất nước, 1975, lòng thương mến ấy đã khiến lính và thuộc cấp, dù ở trong nước hay lưu lạc tại Hoa kỳ, hàng năm họ ngồi lại với nhau cúng giỗ và tưởng nhớ Đại tá Nguyễn Hữu Thông như một người anh, hay như cha mẹ.

    Sự thương mến kính trọng thể hiện qua việc thờ phượng, cúng giỗ hàng năm như là một bổn phận của những người chiễn hữu thuộc quyền đối với cố Đại tá Nguyễn Hữu Thông, cựu SVSQ K16 trường VBQG, quả thật là hiếm có ".

    CSVSQVBVN K 16 Nguyễn Đức Thu cũng cho biết: " Hằng năm, vào ngày 2 tháng 4, tôi không bao giờ quên tưởng niệm Đại tá Nguyễn Hữu Thông, người bạn rất thân của tôi, cùng học chung lớp đệ nhất tại Huế năm 1959, cùng bay chuyến bay lên Đà lạt, nhập học Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam Khóa 16 ngày 23 tháng 11 năm 1959 ( chương trình đầu tiên 4 năm đào tạo Sĩ quan Hải Lục Không quân hiện dịch ). Cả hai cùng ở chung Trung/Đại đội SVSQ, dưới quyền chỉ huy của Trung úy Lê Minh Đảo ( sau này là Thiếu Tướng, Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ binh ). Sau ngày mãn khóa, chúng tôi ít có dịp gặp nhau, ông được thuyên chuyển lên Trường sơn, miệt mài đánh giặc, tôi tiếp tục theo học Trường Sĩ Quan Hải quân Nha trang, rồi sau đó, hải hồ ngang dọc.....

    Khi tôi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Hải Quân Nha Trang với cấp bực Hải quân Trung uý cuối năm 1964, thì ông, chỉ một thời gian ngắn sau, đã được thăng cấp Đại úy thực thụ tại Cao nguyên và chỉ không đầy 7 năm sau, ông đã được Tổng thống VNCH thăng lên Đại tá thực thụ tại chiến trường.

    Tôi thân chuyển bài tưởng niệm Đại tá Nguyễn Hữu Thông hằng năm để xin qúy Huynh Đệ dành một phút tưởng nhớ ông trong ngày 2 tháng 4 sắp đến, ngày mà ông đã từ chối di tản, đã nằm xuống vào giờ phút chót bên cạnh những chiến hữu thuộc quyền của ông tại Qui Nhơn. Ngày 2 tháng Tư, 1975, ngày mà một đồng môn, một chiến hữu của chúng ta đã hiên ngang từ chối lên tàu Hải Quân để di tản với 3 tiểu đoàn của ông trên bờ biển Qui Nhơn. Người đó chính là Đại Tá Nguyễn Hữu Thông , Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 42 BB, Sư Đoàn 22 Bô binh.

    Đại Tá Thông cùng các quân nhân thuộc quyền còn lại đã đi ngược lại về phía Những Ngọn Đồi Vô Danh tức cao điểm 82-174 phía Tây, Tây Nam Quận Hoài Nhơn tỉnh Bình Định để cùng chết với những binh sĩ đã tử trận. Đó là ngày 2 tháng Tư năm 1975.

    NGUYỆN CẦU LINH HỒN BẠN ĐƯỢC MIÊN VIỄN BÌNH AN TRÊN THIÊN ĐÀNG

    Nguyễn Đức Thu ( Hoa Thịnh Đốn )
    CSVSQ K16 / Trường VBQGVN
    Xem trong http://hon-viet.co.uk/HV_QLVNCH_DaiT...gDuoiCotCo.htm viết về Đại Tá Nguyễn Hữu Thông.Hoặc tìm ở đây.

    https://vietbao.com/p112a279043/tri-...uyen-huu-thong


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X