Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chuyện Nam Vang...

Collapse
X

Chuyện Nam Vang...

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chuyện Nam Vang...

    Chuyện Nam Vang ...


    Buu Nguyen


    Như đã nói trước đây... lúc mới 6 -7 tuổi thì Má tôi cho đi học tiếng Việt 1 năm tại một trường làng gần nhà. Trường này chỉ có 2 lớp : lớp 1 là lớp tôi học, chỉ học đọc và viết tiếng Việt từ a, b, c ... Lớp 2 tập viết chính tả, cô đọc 1 bài ngăn ngắn, học sinh viết lại và học làm văn như kể những truyện ngắn về những gì học sinh thấy hàng ngày.

    Cô giáo là một người Bắc, đã hơn 30 tuổi mà vẫn còn độc thân nên ... khó tánh vô cùng. Học sinh lạng quạng một chút là bị phạt, thường là xòe tay cho cô đánh bằng cây roi mây dài cả thước. Tôi chỉ học trường đó 1 năm, năm sau vô trường Institution Khmer (IK) học chương trình Pháp từ những năm cuối thập niên 50 cho đến năm 1963 thi Brevet.

    Trường IK nằm trên đường Jayavarman VII, lúc tôi học Tiểu học thì bên kia đường là lô đất trống rất rộng.

    Chúng tôi thường đá banh trên lô đất này. Sau này chính phủ Cao miên cất một Quân y viện trên lô đất đó. Lâu lâu có lính Miên qua đời, đám tang kéo dài cả tiếng, chúng tôi đứng bên đường nhìn qua ... nghe ớn ớn.

    Khu phố trường IK có hai tầng, tầng trệt và tầng lầu. Các lớp học của chúng tôi đều ở trên lầu. Dảy phố tầng trệt có 1 tiệm giặt ủi, một tiệm tạp hóa ... ngoài ra là cho mướn. Gần đó là nhà bác ... (quên tên rồi) cho mướn xe Cyclo và mướn bàn bi-da.

    Giờ ra chơi, tôi hay đứng coi ông thợ giặc ủi làm việc. Cái bàn ủi là một cục sắt có dáng dấp như một cái bàn ủi dẹp có quai cầm, được nung nóng trên một lò than. Khi ủi đồ, ông thợ dùng một xấp vải kaki dầy cầm quai bàn ủi, đẩy vài cái lên xấp lá chuối nghe xèo xèo, miệng phun nước phèo phèo lên áo quần sắp ủi. Nhờ vậy mà sau này, tôi có thể ủi đồ cho tôi và cho cô Tiên, những lúc em ể mình.

    Vì nhà tôi cách trường khoảng 7cs, học buổi sáng xong về nhà, trở lại học buổi chiều mất nhiều thì giờ, nên sau giờ học buổi sáng, tôi gặm khúc bánh mì, ngồi trong lớp học bài hay nằm trên bàn học nghỉ trưa, chiều học tiếp. Ông giám đốc trường IK (mà chúng tôi gọi là Ông Đốc) tên Đinh Tấn Lực, cũng là thầy dạy toán của chúng tôi, thấy vậy thương tình nên chở tôi về nhà ông ăn trưa. Tôi không bao giờ quên ân tình này.

    Thi đậu Brevet năm 63, tôi qua Seminaire học Seconde, rồi lên Première, chuẩn bị thi BacI thì Ba tôi bất ngờ qua đời. Tôi phải nghỉ học, làm ngày làm đêm, kiếm tiền phụ Má tôi nuôi 6 đứa em còn nhỏ. Cuối tuần rảnh, tôi xin phép Má đi chơi với bạn bè ... bắt đầu thời kỳ mà chúng tôi gọi là “đi bụi đời” dù thật tình, tất cả chúng tôi đều có nhà cửa, gia đình, cha mẹ đàng hoàng, không ai đi hoang cả. Chúng tôi chỉ “đi bụi đời” hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Thứ Hai trở về cuộc sống bình thường là một học sinh, hay một cô gái giúp cha mẹ bán buôn gì đó, v.v...

    Chúng tôi là những thanh thiếu niên nam nữ mới lớn ... ham vui, ham ca hát, thích rong chơi ... nên tụ tập trên sân thượng nhà bạn bè những đêm cuối tuần, ca hát có, nhậu nhẹt có, đánh cờ người ... cũng có luôn.

    Ở Nam vang thời đó, dù là xứ nóng, nhưng nhiều người xây nhà lầu 2-3 tầng ... tầng cao nhất thường có cái sân thượng. Ban ngày, cái tầng cuối này nóng như lò lửa nhưng ban đêm thì mọi người có thể lên sân thượng hóng mát.

    Chúng tôi đã nhiều lần được mướn đàn ball-bùm trên những cái sân thượng này. Đàn xong lãnh cát-sê, thường được khoảng trên dưới 100 riels (tiền Cao miên) mỗi đứa. Rủ nhau đi ăn hủ tiếu, uống cà phê tại Chợ Lớn, hay mua chai rượu về lai rai tại một cái sân thượng hay cái bao ngạn nào đó.

    Trong thời gian này, nhiều người khá giả, trong đó có Ba Má mấy thằng bạn tôi, mua một miếng đất 1-2 mẫu tây, đào bao ngạn lập vườn vùng ngoại ô Nam vang. Trên bao ngạn, họ trồng dừa, đu đủ hay chuối ... tùy sở thích. Dưới bao ngạn thường là thả cá trà vinh (hay cá mè vinh). Khi cá lớn vớt lên bán hay kho, nấu canh chua, hoặc chiên xù ăn rất ngon. Trên bao ngạn, họ cất một cái chòi lá rất rộng, chỉ có mái không có vách, và thường có 1 hay 2 cái giường tre rộng rãi, đủ cho gia đình họ đến nghỉ ngơi cuối tuần.
    Mấy đứa bạn tôi, có đứa có bạn gái, có đứa không. Nhưng sau những đêm đàn ball-bùm hay tiệc cưới, thường có cô nào đó ... thấy hạp nhãn là nghéo tay nhau đi chơi một đêm, sáng hôm sau ai về nhà nấy.

    Tôi không phải thần thánh gì, lại biết đàn biết hát, có nhiều cơ hội cặp kè ai đó, tuy nhiên, tôi luôn nhớ lời Má dặn “con lớn rồi ... Má không cấm con đi chơi với bạn bè, nhưng nếu con làm nhỏ nào có bầu là con phải nuôi nó suốt đời !”. Nghe ớn quá ... thân tôi đi làm vất vả, được bao nhiêu tiền đưa Má bấy nhiêu, chỉ giữ lại chút ít để đổ xăng, ăn sáng. Tiền đâu nuôi thêm hai miệng ăn ... suốt đời ???

    Nên rất nhiều lần, sau khi đã lai rai trên sân thượng hay tại cái bao ngạn nào đó, mấy đứa có bạn gái bày cuộc cờ người. Không có gì khổ sở hơn cho một thằng con trai mới lớn khỏe mạnh như tôi lại ... phải nằm một mình, nhắm mắt gồng mình, cắn răng nín thở ... khi nghe tiếng cái giường tre nghiến kèn kẹt, tiếng thở hào hển của những người đang chạy đua nước rút, tiếng quần áo được kéo xuống rồi kéo lên khi đã bắn ... pháo bông.

    Chưa hết đâu ... nếu tụi nó đánh cờ tại cái bao ngạn, xong ván là nhảy ùm xuống nước tắm. Lúc này tôi mới ... thở được, liếc mắt nhìn những thân thể trắng ngần đang tung tăng dưới nước, hay từng cặp A dông-E và dựa vai nhau tâm sự dưới ánh trăng khi tỏ khi mờ trên bờ bao ngạn.

    Nhưng không cặp nào giống cặp nào. Cũng có những cặp thường đi chơi với chúng tôi, nhưng không thấy hai đứa nó nắm tay nhau, hay có những cử chỉ suồng sã nơi công cộng.

    Nên bạn bè đặt cho tôi cái biệt danh “cụ đồ”. Cái biệt danh này làm khổ tôi suốt mấy năm vì ... Ba Má của mấy nhỏ thường đi chơi với chúng tôi gạ gẩm ... muốn gả con gái cho tôi. Họ không biết rằng tôi sợ mấy cô này còn hơn sợ cọp. Để nó táp trúng một cái là ... trời gầm không nhả. Là nuôi suốt đời ! Và cũng nhờ cái biệt danh đó mà tôi mới lọt mắt xanh của cô Tiên sau này.

    Quen biết rồi thương cô Tiên, tôi bắt đầu làm thơ đăng báo.

    Khoảng đầu thập niên 60, có hai tờ báo Việt ngữ lần lượt ra mắt đọc giả. Một tờ tên “Độc Lập”, một tờ nữa tên gì ... quên rồi. Hai tờ báo này đều thân Cộng, đăng những bài ca ngợi miền Bắc XHCN, và chữi miền Nam bằng đủ thứ ngôn từ hạ cấp. Nên chỉ phát hành một thời gian ngắn là bị chính quyền Cao miên cúp giấy phép, phải đình bản. Tôi không đọc mấy tờ báo này, chỉ đọc Paris Match hay Salut les Copains.

    Khoảng năm 67- 68, tờ Kampuchea ra đời. Tên Kampuchea nhưng là tờ báo Việt ngữ duy nhất ở Nam vang lúc đó. Chủ bút là thiếu-tá Thạch Chanh. Những cây viết nồng cốt của báo Kampuchea là các anh chị người Kampuchea Krom, gốc ở Sóc trăng, có cảm tình với MNVN.

    Nội dung các bài viết của đọc giả được chọn đăng trên Kampuchea đa dạng. Khen CSBV cũng có, khen MNVN cũng có. Trăm hoa đua nở ... nên được đọc giả đón nhận nồng hậu đến độ có vài đọc giả đến tận nhà in, chờ báo vừa in xong là mua đọc liền.

    Cũng từ nhân duyên làm thơ, viết chuyện vui đăng báo, tôi quen biết qua lại với nhiều cây viết người Việt ở Cao miên lúc đó như các anh chị TN, LKQ, TKT, TVN, KLT, bác TT, bác LD, v.v... ở Nam vang, hai anh HN và TC ở Soài Riêng, vài anh chị ở Biển Hồ và các tỉnh khác.

    Trường hợp quen biết bác LD rất đặc biệt, xin ghi lại ... để tưởng nhớ một người đặc biệt.

    Khi những bài thơ đầu tiên của tôi được đăng báo, bác LD khen tôi làm thơ có hồn nên mời đến nhà ăn uống. Ngược lại, tôi phục tài làm thơ Đường thâm thúy của bác. Đọc thơ bác LD, phải suy nghĩ hồi lâu mới hiểu cái ẩn ý bên trong.

    Bác LD là đầu bếp cho gia đình đại sứ Pháp tại Nam vang nên được ở trong khuôn viên biệt thự của đại sứ Pháp, trong dảy nhà nhỏ ở phía sau.

    Bác có 2 vợ, là hai chị em ruột, cùng ở chung nhà. Bà chị có 1 đứa con trai, bà em có hai cô con gái. Bác uống rượu trắng như hủ chìm, uống từ sáng đến tối, nhưng không bao giờ thấy bác say. Khi chúng tôi ghé thăm thì bác rót rượu chát (rượu đỏ) ra mời, những chai rượu chỉ dành riêng cho gia đình ông đại sứ, trong khi bác uống rượu trắng.

    Chúng tôi nói chuyện văn thơ như những người bạn vong niên tâm đầu ý hợp. Hai bác gái cùng hai cô con gái ngồi gần bên, lo thay mấy dĩa mồi, thỉnh thoáng góp chuyện vui vẻ.

    Trong số những “thi nhân” thường đến thăm bác LD, có anh LKQ là người có “hậu ý”. LKQ để ý cô con gái kế của bác LD nhưng nhát, chưa bao giờ dám mở lời tán tỉnh vì sợ ... ông già LD. Chưa đến nhà bác LD thì líu lo là ... “tao sẽ, tao sẽ” nhưng khi đến nhà bác LD thì im thinh thích. Bác LD rót rượu bao nhiêu, anh ta uống bấy nhiêu và thường là người say trước nhất nên cái hậu ý của LKQ cuối cùng vẫn ở ngoài cửa nhà bác LD.

    Đôi khi chúng tôi lai rai tới sáng, lúc đó thường chỉ còn bác LD và tôi đối ẩm. Số còn lại nằm ngủ khò trên bộ ghế salon. Hừng sáng là bác LD kéo tôi đi uống cà-phê. Vào quán bác kêu 1 ly xây chừng, 1 ly rượu trắng, và xin 1 cái ly lớn. Bác rót cả 2 ly cà-phê đen và rượu trắng vào cái ly lớn rồi tà tà uống từng hớp một. Dễ nể thật.

    Sau năm 1970, gia đình bác LD lánh nạn về Sàigòn như bao người Việt khác... ở trong khu định cư Việt kiều hồi hương Pétrus Ký, Sàigòn. Tôi có đến thăm bác LD vài lần trong khu Pétrus Ký. Nghe nói bác vẫn nấu ăn cho gia đình ông đại sứ Pháp tại Sàigòn.

    Sau năm 1975, chúng tôi mới té ngữa khi biết bác có anh em theo CSBV từ hồi 54, đã chết. Đứa con trai duy nhất của bác cũng theo MTGPMN và đã chết. Chúng tôi thấy mấy cái bằng liệt-sĩ treo trên vách.

    Nhưng bác LD không còn vui vẻ như trước nữa. Bác vẫn uống rượu trắng nhưng giờ thì bác say, say đến mức gục ngay tại bàn rượu. Trong cơn say, bác nói lảm nhảm ... trách thân trách phận, trách sao bác có thể ngu đến độ để cho con mình đi vào đường chết, trách sao những người mà bác coi như lãnh đạo anh minh, lại hiện hình là những tên côn đồ cướp nước, dã man, tàn độc.
    Vài tháng sau, tôi nghe tin buồn ... bác LD say rượu, ban đêm đi lang thang và gục chết bên lề đường Hùng Vương, tay chân bị chuột cắn nát bấy. Thật tiếc cho một người tài hoa, yêu nước nhưng đã đặt tình yêu nước của mình sai chỗ.

    Cũng sau 1975, tôi gặp vài người có chung số phận tương tự như bác LD, nhưng tôn chỉ SLC là “không chính trị” nên thôi … không kể lại mấy chuyện này.

    Do có chung biên giới mấy trăm cây số, từ Hà Tiên đến các tỉnh phía Nam Trung phần, nên người Việt qua Cao miên sinh sống, lập nghiệp từ nhiều thế hệ trước. Tôi đã có dịp đến các tỉnh Kompong Cham, Kratié, Kompong Chhnang, Oudong, Biển Hồ (TonléSap), Svay Rieng, Kampot, Kép, v.v... đi đâu cũng gặp người Việt, không nhiều thì ít.

    Một lần được mời vô Biển Hồ đàn giúp vui tiệc cưới, tôi bàng hoàng trước khung cảnh mênh mông trên trời dưới nước ở đây. Như tên gọi, Biển Hồ là một cái hồ, nhưng rộng bao la như một cái biển. Từ một diện tích khoảng 2,500 cây số vuông vào mùa khô, nó phình ra gấp 5-6 lần vào mùa mưa.

    Nước tràn vào những khu rừng xung quanh, tạo một môi trường lý tưởng cho cá đẻ trứng, sinh con và khi nước rút, cá con lội về Biển hồ và sau đó theo sông Cửu Long và hai nhánh sông Tiền, sông Hậu, xuôi về miền Nam Việt Nam. Đây là mùa cá linh ở các tỉnh miền Tây Nam Việt. Nhiều người Việt mua cá linh làm nước mắm. Người Cao miên dùng cá linh làm mắm bò-hốc.

    Chính phủ Cao miên chia Biển hồ ra nhiều lô, cho đấu giá. Ai đấu giá thắng được đóng đáy, giăng lưới bắt cá, làm bè nuôi cá, và sinh sống trên lô đó. Trước năm 1970, chủ đáy ở Biển hồ hầu hết là người Việt nam.

    Mấy ông này sống như những ông hoàng trên một nhà bè rộng lớn, như một cái biệt thự trên đất liền, có máy điện và mọi thứ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Vài ông có 2-3 vợ, mấy bà vợ này ở trên những nhà bè nhỏ, cột xung quanh nhà bè lớn của mấy ổng. Những người làm thuê gọi là “bạn”, sống trên những ghe hay xuồng nhỏ xung quanh nhà bè của ông chủ đáy. Nhìn từ xa … như một xóm nhỏ trên mặt nước.

    Sau tiệc cưới, cha mẹ chú rễ, cũng là chủ đáy, mời chúng tôi ăn cơm. Không biết vô tình hay cố ý, ngồi cạnh tôi là một cô gái dạng tuổi tôi, da ngăm đen nhưng cười nói có duyên. Cô gái liên tục gắp thức ăn cho tôi. Sau vài lời thăm hỏi xã giao, cô cho biết … “em là con ông chủ đáy ở gần đây, ba em là bác của chú rễ nhưng hồi chiều em bận cho cá ăn, hổng có đi đám cưới … hồi nảy, nghe anh hát bản “Gõ cửa” hay quá … em chèo xuồng qua nghe…”

    Chưa hết, khi tàn tiệc … ông chủ đáy đã ngà ngà say, chỉ mặt tôi nói lớn “Ê ! chú em mầy mặt mày bảnh tỏn … đờn ca hay, nếu chịu thì ... tao gả nhỏ cháu tao cho mầy !”. Tôi không ngạc nhiên lắm về cái vụ gả con cháu này vì trước đó mấy tháng, Ba Má một nhỏ bạn ở Nam vang đã có một đề nghị tương tự, nhưng tôi ngượng cứng người với cách nói sống sượng của ông chủ đáy này.

    Thấy tôi ngồi làm thinh, ổng bồi thêm “Anh chị tao là chủ đáy gần đây. Ảnh chỉ giàu lắm … mầy lấy nó là lọt vô cái hủ vàng”. Lúc đó, tôi ham chơi hơn ham vàng, nhìn biển nước mênh mông trong đêm đen sì … buồn quá. Tôi không gật đầu, cũng không dám lắc đầu … sợ ông chủ đáy giận, quăng xuống nước là coi như … an toàn trong bụng cá. Từ đó về sau, ai mời đi đàn trong Biển Hồ là tôi lắt đầu.

    Trong mấy ngày ở Biển Hồ, chúng tôi được dẫn đi coi mấy cái đầm nuôi cá sấu của người Việt tại Biển Hồ. Thấy ớn chè đậu luôn. Không biết có phải đây là cái điềm báo trước hay không … sau này vượt biển qua Mã Lai, rồi định cư tại Darwin, thủ phủ Lãnh thổ Bắc Úc, là nơi có cá sấu nhiều nhất nước Úc.

    Hôm nào siêng siêng ... kể chuyện cá sấu ở Bắc Úc cho bà con nghe chơi. Chuyện không có gì vui nhưng nên biết để tránh bị cá sấu táp nếu bà con ... đến thăm Bắc Úc sau này.

    Trở lại chuyện Nam vang ...

    Báo Kampuchea được chính phủ Cao miên tài trợ nên trả nhuận bút hào phóng. Một bài thơ hay một chuyện vui được chọn đăng, không cần biết là dài hay ngắn, được trả 50 riels. Một bài viết khoảng một trang báo, nghe nói được trả 100 riels.

    Lúc đó, tô hủ tiếu trong nhà hàng bình dân ở Nam vang giá 3 riels, nhà hàng sang trọng giá 5 riels, nên 50 riels là đủ cho tôi và cô Tiên cuối tuần đi ăn nhà hàng Quốc Mểnh, thưởng thức hai món mà chúng tôi rất thích ở nhà hàng này là mì vịt tiềm và trứng vịt hầm thuốc bắc. Rồi coi ciné, ăn kem, v.v... vẫn còn dư chút ít để đổ xăng và ăn sáng mấy hôm sau.

    Sau này, dưới thời Lon Nol, nghe nói ông Thạch Chanh lên Đại-tá, nắm ngành mật vụ trong Chính phủ Cao miên, chúng tôi mới tá hỏa tam tinh khi biết mình đã tự nguyện đút đầu vô cái bẫy “báo Kampuchea”. Nhiều người Việt bị bắt vì tội “làm gián điệp cho Hà nội” với chứng cớ rõ ràng là những bài họ đã viết, gởi đăng trên báo Kampuchea lúc trước. Tài sản bị tịch thu, nhiều người đã chết trong tù.

    May cho tôi... lúc đó mới lớn, mới biết yêu nên... chỉ biết yêu thôi chả biết gì... An toàn trên xa lộ.

    Xin dừng bút ...


    Buu Nguyen


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X