Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hành Quân Biệt Động Rừng Núi Sình Lầy

Collapse
X

Hành Quân Biệt Động Rừng Núi Sình Lầy

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hành Quân Biệt Động Rừng Núi Sình Lầy

    Hành Quân Biệt Động Rừng Núi Sình Lầy
    NT2 Nguyễn Bá Thuận. / Đặc San Ức Trai 2017


    Bây giờ, đã bốn mươi hai năm kể từ khi miền Nam bị bức tử, những người lính miền Nam vẫn không quên được những đau đớn, nghẹn ngào của một ngày buông súng. Càng không thể quên được những kỷ niệm vui buồn trong tháng ngày làm lính trận bảo vệ quê hương. Một trong những kỷ niệm làm tôi luôn nhớ mãi: Đó là những tháng ngày trong khóa học Hành Quân Biệt Động Rừng Núi Sình Lầy.

    Nói đến khóa học Rừng Núi Sình Lầy thì không một người lính Biệt Động Quân, hay một cán bộ nào trong quân lực đã trải qua có thể quên được. Người đã vượt qua khóa học này đều có quyền ngẩng mặt cao hãnh diện với bạn bè. Đó là một khóa huấn luyện không chỉ dành riêng cho binh chủng Biệt Động Quân mà còn cho tất cả các hạ sĩ quan, sĩ quan từ Trung sĩ đến Trung tá của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Vì thế mà Rừng Núi Sình lầy nổi tiếng nhất trong quân đội. Nổi tiếng vì những gian khổ với kỷ luật sắt thép trong thời gian 42 ngày huấn luyện. Nó đòi hỏi các khóa sinh một sự chịu đựng bền bỉ và cố gắng liên tục từ ngày đầu tiên cho đến ngày cuối cùng. Từ lúc mặt trời mọc hôm nay cho đến lúc mặt trời mọc hôm sau. Nó huấn luyện khoá sinh 24 tiếng trong một ngày, kể cả thời gian được ngủ. Tên của khoá học được gọi đầy đủ trong văn bản là Hành Quân Biệt Động Rừng Núi Sình Lầy, nhưng các ngươi lính thường hay gọi tắt là Khóa Sình Lầy.

    Sau khi rời khỏi chiến trường Quân Khu I, rời khỏi một tiền đồn biên phòng heo hút ở Gia Vực, tôi nhận được lệnh về một Liên Đoàn BĐQ Tiếp Ứng ở Quân Khu III. Đó là một niềm vui lớn cho một người thanh niên còn trẻ, được chia tay những ngọn núi âm u, những cánh rừng bạt ngàn trên dãy Trường Sơn để về với đồng bằng phì nhiêu đầy hoa thơm cỏ lạ. Đối với tôi, miền xuôi - nhất là ở miền Nam - lúc ấy không khác thiên đường. Các bạn cứ nghĩ mà xem tôi nói có đúng không nào. Nơi đây tôi sẽ gặp các cô gái xinh tuơi tha thướt, những cánh đồng xanh mướt lụa là, thay vì những người con gái Thượng cà răng căng tai, rách rưới bẩn thỉu vì bom mìn. Những cánh rừng loang lổ cháy đen vì súng đạn chiến tranh đã in vào mắt tôi cả mấy năm rồi. Tôi đã chán ngấy muốn bỏ tất cả để trở về. Nếu không là một người lính hiện dịch, lấy binh nghiệp làm tương lai thì tôi đã đào ngũ từ lâu. Thế mà nay có lệnh thuyên chuyển về lại miền xuôi thì quả là sắp được bước tới thiên đường. Nhưng, trước khi vào được thiên đường, theo chỉ thị của Tướng Đỗ Kế Giai, Chỉ huy trưởng Biệt Động Quân, tôi phải theo học Khóa 57 Hành Quân Biệt Động Rừng Núi Sình Lầy.

    Đến trình diện Trung tâm BĐQ ở Dục Mỹ rất sớm, tôi phải chờ đợi hơn một tuần lễ sau khóa học mới bắt đầu. Khóa 57 RNSL ngày ấy có rất nhiều sĩ quan, hạ sĩ quan trong các binh chủng bạn. Một người bạn cùng khóa với tôi hồi còn theo học ở Đà Lạt là Thiếu úy Nguyễn Hoài Ngọc đang phục vụ ở SĐ 25BB cũng có mặt ở đây. Một người bạn cùng khóa khác, Trung úy Trần Văn Phước thuộc TĐ79BĐQ/BP cũng lầm lũi vác ba- lô trình diện. Sau hai hơn hai năm chinh chiến kể từ ngày xuống núi, bây giờ ba thằng mới gặp lại. Chúng tôi họp thành một tổ tam tam chế để dựa vào nhau ngay.

    Trước ngày khai giảng các khóa sinh đã được thông báo mọi tin tức đầy đủ để chuẩn bị. Hai bông hoa mai đen ngụy trang may vào cổ áo trước đây được gỡ ra, thay vào một vạch đỏ. Tất cả các sĩ quan từ Chuẩn úy tới Trung tá đều phải gỡ lon để đeo một vạch đỏ trên cổ áo. Tất cả các hạ sĩ quan từ Trung sĩ đến Thượng sĩ nhất cũng gỡ lon để đeo một vạch vàng. Súng ống và hai cấp số đạn được lãnh ngay và phải luôn luôn đeo vào trong người. Quần áo và lương khô cá nhân phải đầy đủ trong ba-lô mỗi khi xét hỏi. Nước trong bi-đông bắt buộc phải đầy tràn. Tóc phải hớt cao lên ở phía trước chỉ còn lại ba phân. Tôi rất đau đớn và thù ghét mục này vì đầu tôi vốn đầy sẹo. Những năm tháng ở Đà Lạt mấy cái sẹo này đã làm tôi đau khổ vì không một cô gái nào chấp nhận một thằng con trai đã mang “hoa văn” đầy mặt lại có những cái sẹo trên đầu. Hôm nay tóc phải hớt cao lòi mấy cái sẹo xấu xí đó ra làm tôi buồn muốn khóc. Nhưng không thể không thi hành quân lệnh.

    Mỗi cá nhân từ đó không còn tên gọi thuờng ngày. Không còn Trung sĩ này Trung tá nọ. Các danh xưng của các khóa sinh bây giờ là BĐQ và mang số. Tôi trình diện đầu tiên danh xưng là BĐQ 001, Nguyễn Hoài Ngọc thuộc SĐ25BB, danh xưng là BĐQ 033, Phước có danh xưng BĐQ 024. Người trình diện ngay sau tôi là một Đại úy Dù. Tên của ông là Tài mang danh xưng BĐQ 002. Người trình diện cuối cùng là một Trung úy TQLC mang danh xưng BĐQ 161. Như vậy khóa 57 RNSL có tất cả 161 khóa sinh.

    Ngày đầu tiên chúng tôi bắt đầu thức dậy từ 5 giờ sáng. Tiếng hò hét của các cán bộ bắt chạy đều, vang lên dội vào tai. Tôi được chỉ định làm khoá sinh đại đội trưởng, trình diện lớp học cho một Thượng sĩ, huấn luyện viên thể dục.

    Để bắt đầu, tôi cho cả đại đội khoá sinh nghiêm nghỉ, rồi nâng súng lên chào trình diện. Biết ông ta là một hạ sĩ quan, theo đúng sách vở hồi còn học ở Đà Lạt về môn cơ bản thao diễn, tôi chỉ nâng súng lên. Ông hạ sĩ quan huấn luyện không chịu thế. Ông cho là tôi khinh thị ông nên ra lệnh:

    - BĐQ 001 trình diện hàng quân không đúng cách, thi hành 50 hít đất.

    Tôi ngớ người, nuốt giận chống tay vào thế. Cái ba-lô và hai cấp số đạn kéo người tôi chùng xuống. Sau khi hít đủ năm mươi cái tôi lại cho so hàng, nghiêm nghỉ rồi bồng súng lên cho. Tôi bồng súng vì nghĩ rằng tuy ông ta là hạ sĩ quan nhưng với tư cách huấn luyện viên nên chắc mình phải cho như sĩ quan. Chẳng ngờ lần này ông ta cũng không chịu, sau khi giảng giải rằng ông ta chỉ là một hạ sĩ quan mà tôi đã chào như một sĩ quan là không đúng quân kỷ.

    - BĐQ 001 trình diện không đúng cơ bản thao diễn, thi hành 50 hít đất.

    Tôi nóng mặt quá, chỉ muốn chạy ngay ra đá cho tên Thượng sĩ già kia mấy đá nhưng nghĩ phải chờ đợi học lại mấy khóa sau cũng ơn ớn. Thôi đành thi hành cho qua chuyện. Làm xong 50 hít đất tôi chắc ăn hơn, hỏi thẳng ông huấn luyện viên muốn tôi trình diện như thế nào vì thật tình tôi không biết. Ông lại tưởng tôi diễu ông nên lạnh lùng ra lệnh:

    - BĐQ 001, năm mươi hít đất.

    Bây giờ tôi không còn giận nữa. Chỉ thấy đây là bài học nhẫn nhục mà quân đội đang dạy cho tôi. Không, người hạ sĩ quan đang phạt tôi kia không còn là một thuộc cấp sẽ dưới quyền chỉ huy của tôi. Bây giờ ông đang đại diện cho một quân lực hùng hậu, mà quân lực ấy đang gánh lên vai trách nhiệm gìn giữ nước non, đang dạy tôi chịu đựng.

    Tôi vui vẻ thi hành. Xong, ông huấn luyện viên bảo tôi rằng mang súng cầm tay trình diện nếu huấn luyện viên là hạ sĩ quan. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng không thắc mắc. Trước đây tôi biết thế súng cầm tay chỉ để đi hay chạy trong hàng quân chứ không để chào. Hay là cơ bản thao diễn của Trung tâm huấn luyện BĐQ Dục Mỹ khác hẳn các nơi khác. Nhưng không sao, vì tôi không có thì giờ để nghĩ loanh quanh. Chúng tôi được lênh giá súng, cởi áo trận để chạy bộ tập thể thao buổi sáng.

    Sau nửa tiếng vừa chạy vừa hô vừa đếm số trên con đường tráng nhựa dẫn ra Dục Mỹ, chúng tôi quay về doanh trại làm vệ sinh buổi sáng để chuẩn bị ra bãi tập. Vừa tan hàng xong là tiếng cán bộ đã vang lên:

    - Chạy, chạy lên đi. BĐQ lúc nào cũng phải chạy. Ngay cả trong giờ ăn.

    Cứ thế trong suốt khóa học, ở trong doanh trại hay ngoài bãi tập, trong giờ học hay lúc giải lao, các BĐQ của Rừng Núi Sình Lầy luôn luôn phải chạy. Còn muốn gọi nhau thì không dùng tên cũ mà là ba chữ Biệt Động Quân và những con số kèm theo trên ngực áo.

    Nửa tiếng sau là cả đại đội đã sẵn sàng ba lô súng đạn chạy ra bãi tập. Khổ nhất là vừa chạy vừa phải la đếm số trên những cánh đồng. Nắng như thiêu đốt trên lưng. Mồ hôi đổ thấm áo rằn ri, khô rồi lại ướt. Hết giờ của bãi tập này lại chạy qua bãi khác. Cơn buồn ngủ không thể nào tránh được. Sĩ quan cán bộ biết thừa điều đó nên chuyên môn rình rập những anh nào ngủ trong giờ học là lôi ra hít đất cho tỉnh táo. BĐQ chỉ có thể ngủ trong lúc chạy, may ra mới còn được chút an toàn.

    Chiều đã xuống rồi, ai cũng mong được trở về doanh trại để ngả lưng một chút. Nhưng còn khuya mới được ân huệ đó. Còn khuya đúng theo nghĩa đen của nó. Nghĩa là ngày nào cũng phải học chiến thuật đánh đêm đến tận nửa khuya. Quá mười hai giờ đêm các BĐQ khóa sinh mới được ngả lưng. Mắt vừa nhắm lại là tiếng kẻng báo thức đã vang lên. Một ngày mới lại bắt đầu.

    Tuần lễ đầu tiên chúng tôi được học về cách tấn công căn cứ Rừng, sau đó là căn cứ Núi rồi đến căn cứ Sình Lầy. Những bài học chiến thuật rải rác ở mỗi căn cứ huấn luyện cho các BĐQ thêm can đảm và gan dạ. Các bài học gian khổ đầy nguy hiểm như tuột dây trực thăng ở căn cứ Rừng, đu dây tử thần ở căn cứ Núi, mưu sinh thoát hiểm hay tấn công hải đảo ở căn cứ Sình Lầy tuy gian nguy nhưng đầy thú vị.

    Chính trong bài học tuột trực thăng bằng dây ở cao độ hằng trăm mét này cho chúng tôi một kỷ niệm không thể nào quên. Hôm ấy sau phần giảng xong về lý thuyết các BĐQ chạy ra bãi trực thăng để thực hành bài học. Tất cả các BĐQ từ A tới Z đều phải leo ra càng trực thăng tung người rơi xuống, không ai được miễn trừ. Chúng tôi được dạy cách thắng ở sau lưng khi mình rơi gần xuống đất để khỏi nát thây. Chúng tôi cũng được dạy trước khi tung người ra khỏi trực thăng phải cho thân hình nghiêng xuống thật thấp gần sát với càng trực thăng, kẻo khi nhảy xuống bị đập vào càng thì vỡ đầu ngay. Lần lượt từng BĐQ ra khỏi thân tàu, nghiêng người xuống sẵn sàng. Huấn luyện viên luôn mồm hô lớn: Go, Go. Tôi không chần chừ cho người nghiêng xuống rồi phóng ra ngay. Sợi dây tuột trên đôi găng tay bằng da nóng bỏng. Trong một vài giây mặt đất đã thật gần. Tôi thắng tay phía sau cho người treo lơ lửng trước khi từ từ cho thân mình xuống thấp.

    Ai cũng đã làm như thế. Khi xuống tới đất các BĐQ ngồi sắp hàng ngay ngắn chờ xem người kế tiếp. Việc thực hành đang đều đặn bỗng nhiên chúng tôi nghe tiếng huấn luyện viên quát vang lên:

    - Thấp xuống, anh cho thân nguời thấp xuống.

    Chúng tôi nhìn lên và nhận ra anh chàng khóa sinh đang run rẩy kia là Thiếu úy Lê Văn Út tức BĐQ 117. Ông Út là sĩ quan Phòng nhân viên Sư đoàn. Không hiểu vì lẽ gì mà ông đi học sình lầy. Tuy huấn luyện viên la to như thế nhưng Thiếu úy Út không dám nhích thêm dù chỉ một phân. Huấn luyện viên lại la to đe dọa:

    - Anh có nhảy xuống không hay để tôi đạp cho anh xuống.

    Chúng tôi ai nấy đều nhìn lên lo sợ cho anh ta. Bị đạp từ độ cao như thế, rơi tự do xuống đất thì chắc tan xương. Tôi nghĩ chắc là huấn luyện viên chỉ dọa chứ đời nào dám đạp cho người ta chết như thế. Nhưng không, ông huấn luyện viên vừa nói xong không đợi một giây là co chân lên đạp Út lao ngay xuống đất.

    Chúng tôi quá sức sửng sốt bàng hoàng. Thiếu úy Út chỉ kịp la toáng lên chết con má ơi là thân hình đã treo lơ lửng trên không. Thì ra ngoài sợi dây thắng an toàn do chính các BĐQ điều khiền còn một khóa an toàn khác do các huấn luyện viên nắm giữ. Chính ông đã thắng giùm cho Út sau khi đạp chàng ta xuống.

    Bị treo lơ lửng trên không Thiếu úy Út la như cha chết. Cuối cùng thì ông cũng được từ từ đưa xuống đất. Người ông run rẩy đi không muốn nổi. Khi cả đại đội thực hành xong, gặp lại huấn luyện viên ông sợ quá chào đi chào lại hai ba lần mà vẫn không hết sợ.

    Một bài học khó quên khác là đu dây tử thần ở căn cứ Núi, nếu tôi nhớ không lầm.

    Từ trên đỉnh cao của một ngọn núi người ta bắc một sợi dây cáp dài hằng nửa cây số xuống một đỉnh núi khác thấp hơn. Trên đỉnh cao đó có một đài quan sát và thực tập. Huấn luyện viên đã sẵn sàng chờ đợi. Khoá sinh BĐQ từng người một leo lên đỉnh núi, lần lượt lên đài quan sát để đu dây tuột xuống bằng một ròng rọc sắt. Để trấn an các BĐQ khóa sinh, huấn luyện viên cho một hạ sĩ quan cơ hữu tuột đầu tiên làm mẫu. Trên quãng dây dài hàng mấy trăm thước đó sẽ chạy qua một hồ nước sâu. Người nhảy phải hết sức chú ý đến lá cờ đỏ được một hạ sĩ quan đứng phất ở duới chỗ ngang qua hồ nước. Khi lá cờ được phất lên, BĐQ phải buông tay ra khỏi ròng rọc để rơi tự do xuống nước. Phải đúng lúc, không thể chậm hay sớm quá vì nếu sớm sẽ rơi trên những cánh rừng. Ở độ cao như thế rơi vào cây sẽ bị đâm lòi ruột. Nếu mà trễ quá thì thân hình sẽ đập vào vách đá vỡ đầu, tan thây mà chết. Phải nhớ trong đầu rằng sớm cũng chết, chậm cũng chết, chỉ đúng lúc mới an toàn.

    Tôi là người thứ ba mươi tuột xuống. Khi bước lên đài tôi bắt buộc phải hô lớn “Biệt Động Quân sát” trước khi co chân lên cho ròng rọc chạy. Gió bên tai thổi, gia tốc rơi xuống mỗi lúc một tăng dần cho đến khi tiếng ù của gió trở nên yên lặng. Đó là lúc tôi không còn nghe thấy gì chỉ chăm chăm nhìn vào lá cờ trước mặt. Khi huấn luyện viên phụ phất cờ, tôi buông tất cả cho thân hình rơi xuống nước. Mải lo cho mình, hôm ấy tôi quên hẳn Thiếu úy Út. Không biết ông ta xoay sở ra sao.

    Trong bài học mưu sinh thoát hiểm, chúng tôi được thả vào một cánh rừng ở suối Trầu. Nước suối ở đây rất độc. Nghe đồn rằng nếu nhúng chân xuống nước lông chân sẽ rụng ra ngay. Có thể đó là cách huấn luyện viên dọa để chúng tôi đừng uống nước khi chưa đun sôi, dù rất khát. Các BĐQ không được cấp phát gì và bị khám xét gắt gao không được mang theo bật lửa. Chúng tôi phải tự làm lấy lửa như trong bài học. Cách làm ra lửa thì đơn giản, nhưng thực hành không phải dễ. Chúng tôi kiếm bùi nhùi khô gom lại, rồi lấy một đoạn tre khô vót ra một ít lạt làm dây kéo quanh chính nó. Hết BĐQ này tới BĐQ khác ra sức kéo liên tục. Cuối cùng sợi dây bốc khói và đốm lửa xuất hiện. Chúng tôi cố gắng thổi cho ngọn lửa bùng lên. Sự ma sát giữa khúc tre khô và lạt sinh ra ngọn lửa. Đói quá chúng tôi đi kiếm trái cây và rau rừng. Bài học dạy rằng trái rừng nào mà chim ăn thì người cũng “xơi” được. Rau, trái cây rừng không đủ mà khỉ thì nhiều quá. Chúng tôi lén bắn khỉ. Lần đầu tiên trong đời tôi ăn thịt khỉ ở đây.

    Bài học tấn công hải đảo ban đêm không kém phần hiểm nguy và thú vị. Chúng tôi chuẩn bị buổi chiều, che dấu và ẩn nấp. Đang đói nên ai cũng mò cua bắt sò biển để ăn. Sau này lắm anh bị Tào Tháo đuổi. Chuẩn bị xong, chờ đêm xuống là chèo xuồng để bất ngờ tấn công đồn địch trên đảo. Chúng tôi phải bơi ra xa ngoài biển, gần hòn Chồng ở Nha Trang, là chỗ nguy hiểm nhất trong phần thực tập vì trước đó nhiều toán đã đi lạc luôn ra khơi, có nhiều toán bị gió và sóng đánh lật úp thuyền chết luôn cả toán.

    Đây là những bài học cuối cùng trong khóa huấn luyện. Chúng tôi sắp qua 42 ngày Hành Quân Biệt Động Rừng Núi Sình Lầy. Huấn luyện viên dễ dãi và vui vẻ hơn. Các cán bộ khóa 57 RNSL là Đại úy Bình và Trung úy Quốc cũng lơi tay không hung hăng như trước. Ngày mãn khóa chỉ có Thủ khoa Khóa là người thứ ba được biết rằng mình được trúng tuyển. Phần còn lại phải về đơn vị mới biết kết quả của mình. Các huấn luyện viên, nhất là các hạ sĩ quan trốn biệt sợ bị các quan khóa sinh hỏi thăm sức khoẻ. Nhưng nên nhớ một điều là nếu không trúng tuyển các BĐQ khóa sinh phải theo học khóa khác cho đến khi được chấm đậu mới thôi. Đó cũng là một điểm đặc biệt để các BĐQ dù ở binh chủng nào đơn vị nào cũng phải tuân theo kỷ luật.

    Ngày cuối cùng, trong đêm sinh hoạt, tôi được mời lên kể chuyên vui. Nguyễn Hoài Ngọc thúc tôi lên kể. Chiều bạn, tôi kể câu chuyện mà hắn thường cười ha hả:

    ...Có một ông nhà giàu kia lái một chiếc xe hơi từ Đà Lạt về Sàigòn, trên đường gặp cướp. Chúng lấy hết tất cả xe cộ bạc tiền lại còn lột hết quần áo ra để khám xét xem có dấu vòng vàng bạc gì không. Đến khi chắc không còn gì, chúng thả hai cha con xuống ven đường. Lần mò mãi, hai người cũng tìm được nhà dân và cô gái móc ra được một chiếc nhẫn để bán đi mua vật dụng cần thiết. Ông bố ngạc nhiên vì khám xét như thế mà cô con còn dấu được chiếc nhẫn. Ông hỏi con gái dấu ở đâu thì cô e thẹn chẳng trả lời. Cuối cùng thì ông bố cũng biết ở đâu. Ông bèn thở dài tiếc nuối:

    - Biết thế này thì tao cho mẹ mày đi, biết đâu chẳng dấu được cả chiếc xe hơi.

    Kể xong mà chẳng ai chịu cười. Mãi một lúc sau tiếng cuời mới bùng lên, cả cán bộ cũng cười vui. Cũng trong khóa học này tôi gặp lại Đại úy Hưng Khóa NT1, Đại đội trưởng đại đội Trinh sát LĐ5BĐQ, dẫn quân ra học Viễn Thám và nghe tin một người bạn của tôi, BĐQ Trung úy Đặng Tín Trung đã đỗ thủ khoa một khóa Rừng Núi Sình Lầy trước đây.

    Ba đứa chúng tôi sau đó chia tay mỗi người một ngả. Phước về TĐ74BĐQ/BP đâu trên Bù Gia Mập. Tôi về TĐ36BĐQ/BP trấn thủ An Lộc. Ngọc về lại SĐ25BB, hành quân đâu đó trong Quân Khu III. Chỉ ít lâu tôi được tin Nguyễn Hoài Ngọc đã tử trận. Tội nghiệp, tôi biết rõ con người Hoài Ngọc. Nó tốt bụng và thẳng thắn. Rất gan lì và hơi ba gai. Vì thế Ngọc vẫn đeo lon Thiếu úy từ ngày ra trường trong khi bạn bè có thằng đã mang lon Đại úy. Rồi sau đó tôi cũng được tin Đặng Tín Trung cũng đã hy sinh cho Tổ Quốc.

    Trong ba đứa có lẽ tôi là thằng may mắn nhất bởi vì Trần Văn Phước sau bảy năm cải tạo vợ đã sang bến khác. Ngày họp mặt vừa qua ở Cali, sau ba mươi năm xuống núi của các bạn cùng khoá, Phước dẫn con gái lên giới thiệu cùng bè bạn. Anh chàng khoe, con gái dù cha mẹ không còn chung bến nhưng vẫn cố gắng phấn đấu học xong đại học, có việc làm tốt, có nhà cửa đàng hoàng. Trong hôm ấy Phước hát như lên cơn say dù không uống rượu. Tôi thương bạn quá vì biết nó đang xúc động. Tôi thầm cám ơn trời đất, sau sáu năm trời tù tội và bao nhiêu chuân chuyên trên con đường trốn chạy, vợ chồng và các con tôi vẫn còn nguyên một mái nhà.

    Ngọc ơi, Trung ơi, các bạn đã nằm xuống của tôi ơi. Mùa Xuân năm nay viết những hàng chữ này tao vẫn nhớ đến chúng mày. Xin đốt một nén hương cho tất cả bè bạn ngày xưa và những người đã nằm xuống để bảo vệ chính nghĩa Quốc gia, cho Quê hương và đất nước Việt Nam.


    NT2 Nguyễn Bá Thuận.

  • #2
    Đọc bài này làm cho tui nhớ những ngày thụ huấn tạt TTHL Dục Mỹ, cả tháng trời lúc nào bộ quần áo trận cũng ướt nhẹp, vậy mà cũng qua được, nơi đây dù gian lao nhưng rất nhiều kỹ niệm thân thương với bạn bè cùng khóa

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X