Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Canada, mùa Xuân và con ngân thử

Collapse
X

Canada, mùa Xuân và con ngân thử

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Canada, mùa Xuân và con ngân thử

    Canada, mùa Xuân và con ngân thử
    ~~~





    Người ta thường nói Canada là nơi đất lạnh tình nồng. Tình có nồng ấm hay không, chưa biết, nhưng đất lạnh thì rất chính xác. Năm nay rất lạnh, nhất là vào dịp Lễ Giáng Sinh và năm mới 2018. Nhiệt độ nhiều khi xuống đến -40 độ C. Mùa Đông tại Canada có thể ví như một cái tủ lạnh khổng lồ. Mới đây, trên một diễn đàn của các lão ông, có người đem chuyện Canada ra nói, và quả quyết rằng nếu có người nào nổi hứng muốn tiểu tiện, nói nôm na ra là đi đái vào một ngày mùa Đông tại Canada, thì nước tiểu sau khi ra khỏi mình, sẽ đóng cứng ngay thành một sợi dây nước đá. Sợi dây này sẽ là đường thẳng hay đường cong, chỉ thiên hay chỉ địa, hoặc nằm ngang, là tùy theo tuổi tác và sức khỏe của quý ông. Chuyện lẩm cẩm như vậy nhưng đề tài cũng làm các cụ tán nhảm, và sảng khoái với những lời bàn Mao Tôn Cương được cả tuần lễ. Những câu chuyện bên lề này thực ra chỉ là huyền thoại, vì tuy sống tại đây gần 40 năm, chưa bao giờ tôi được chứng kiến một người Canadien nào đái đường, nghĩa là đi đái ngoài đường, tuy chuyện này tại quê hương cũ, nước Việt Nam, hình như hơi nhiều, và được coi như chuyện bình thường.

    Canada mùa Đông lạnh thực, nhưng tại đây, người ta có máy sưởi và năng lượng dầu, khí đốt hay điện rất dồi dào, nên sống trong nhà, hay làm việc, đi mua bán, đi ăn uống, vẫn thấy khỏe khoắn tuy ngoài trời lạnh cóng. Cho nên phải là người điên mới ra ngoài trời đái bậy. Cái phiền hà của mùa Đông là những cơn bão tuyết, khi tuyết rơi tới 50, 60 cen-ti-mét. Những lúc đó mệt bá thở mới đem được chiếc xe của mình ra khỏi đống tuyết, mà có khi cái xe đề mãi không chịu nổ, lại phải gọi cơ quan cấp cứu CAA cho người ta câu xe về ga-ra, vừa tốn tiền, vừa bực mình và vừa mất thì giờ, công chuyện, việc làm ăn bị trở ngại. Bởi thế cho nên những người cao niên, không còn hứng thú với những thú vui thể thao mùa Đông như trượt tuyết, xem khúc côn cầu, nhiều khi thấy mùa Đông hơi dài, nhất là vào khoảng tháng hai, tháng ba Dương Lịch.

    Tháng hai, trời lạnh lắm nên người ta mong sao mùa Đông sớm chấm dứt là mùa Xuân đến lẹ cho người cao niên đỡ khổ, nhưng làm sao biết được là mùa Đông năm đó dài hay ngắn? Câu hỏi xem ra rất tầm thường nhưng các chuyên gia về khí hậu xem ra chưa sáng chế ra được một dụng cụ nào chính xác để trả lời. Bởi các lý do đó nên người ta hay chế diễu các ông, các bà khí tượng, và cũng bởi lý do đó nên tại Bắc Mỹ, người ta vẫn cần tới một con vật rất tầm thường, để giúp chúng ta tiên đoán về thời tiết – Tôi muốn nói tới con marmotte.

    Tra tự điển thì thấy ông Đào Đăng Vỹ dịch tên con marmotte là con ngân thử, hay con cù lì. Thực ra con marmotte chỉ là một loại sóc, là một con vật thuộc về loại có vú, gậm nhấm. Khoa học hơn thì có bản tiểu sử sau đây: règne animalia, embranchement: chordata, classe: mammalia. Con ngân thử có bộ lông rất đẹp, mầu nâu hay mầu hạt dẻ, chân tay ngắn, đôi dài. Nó dài khoảng 50 phân, khi gặp nguy hiểm, thường báo động nhau bằng tiếng huýt gió nên người Pháp có khi gọi nó là con siffleux, rồi cùng nhau chạy trốn trong các hang đào dưới đất. Người Việt gọi nó là con sóc núi, hay sóc đất. Chúng ưa sống trên núi cao vì rất chịu khí hậu lạnh. Vì có bộ lông đẹp, lại phá hoại mùa màng, nên tại bên Âu Châu, loài marmotte bị người ta săn bắn, có nguy cơ tuyệt chủng. Thịt con marmotte cũng là một món ăn khoái khẩu và bổ dưỡng. Ngân Thử chẳng qua chỉ là một loại chuột vùng núi, nên những ai khoái chuột đồng vùng Nam Bộ, chắc là chuộng con vật này – Ngay như dân Ăng Lê cũng cho nó một cái tên là groundhog nghĩa là con heo con của đất. Bởi chưng hấp dẫn như vậy nên tại Pháp, vùng núi non Pyrénées, có lúc ngân thử bị săn sạch sẽ không còn một mống. Sau thế chiến thứ hai, người ta lại phải đem gây giống trở lại, và cấm tuyệt sự săn bắn ngân thử tại Pyrénées. Tại Bắc Mỹ, người ta còn cho tự do săn bắn marmotte. Áo lông bằng da ngân thử được gọi bằng murmel. Khi mua áo lông, thấy chữ này thì biết là nó làm bằng da con chuột núi đó. Tại vùng Alpes, nếu thấy kẹo bánh có chữ marmotte hay hình con marmotte, thì chớ nghĩ rằng kẹo bánh đó làm bằng thịt con marmotte, họ chỉ dùng biểu tượng marmotte để nói về một đặc sản miền cao nguyên mà thôi. Khách sạn cũng hay vẽ hình ngân thử trên bảng hiệu để ngụ ý rằng ai vào khách sạn này cũng sẽ êm đềm và được ngủ yên như con marcotte. Dormir comme une marmotte có nghĩa là ngủ ly bì. Nguyên ủy của thành ngữ này là vì trong mùa Đông, con marmotte ngủ say và chỉ thức dậy bốn tuần lễ một lần vì nhu cầu vệ sinh. Mùa Thu, con vật này ăn rất nhiều để tích trữ năng lượng. Mùa Đông, nó ngủ li bì. Trong khi ngủ, nhiệt độ cơ thể nó xuống thấp, nhịp tim đập cũng xuống chỉ còn 4 hay 5 nhịp trong một phút. Có thể nói đời sống của nó chậm lại đến tối đa. Nó thức dậy là khi nhiệt độ xuống quá thấp phải nhúc nhích cho thân thể ấm lên. Nói chuyên dông dài về con marmotte như vậy chỉ để kết luận là con vật tầm thường này coi vậy chứ nó rất tài tình trong việc tiên đoán thời tiết, hơn cả những nhà chuyên môn về Khí Tương, mà tài tiên đoán thời tiết thì có khi chỉ làm đề tài cho người ta đàm tiếu.

    Trước khi nói về tài nghệ của con marcotte, thiết tưởng nên nói một chút về Tháng Hai Dương Lịch và những chuyện liên quan tới tháng này. Việc đầu tiên là ngày lễ Chandeleur của những người theo đạo Chúa. Tên của ngày lễ này là do người Pháp đặt ra. Chandeleur là fête des chandelles, hay ngày lễ các cây đèn cầu (nến). Nguyên thủy là thế kỷ thứ XVI, ông Hồng y giáo chủ Cesare Baronto muốn có một ngày lễ để làm sạch tâm hồn các tín đồ. Trong ngày đó, người ta thắp lên tại các nhà thờ những ngọn nến mà lửa của nó có công dụng tiêu trừ cái xấu, cái ác (Le Mal). Ngọn lửa của nến cũng là lửa thiêng của đấng Christ. Sau buổi lễ, các tín đồ đem các ngọn nến này về nhà và mong rằng nến sẽ bảo vệ cho các căn nhà của họ. Trong vùng Pyrénées, dân chúng nhận thấy là vào dịp lễ Chandeleur, các con gấu thức dậy sau những ngày ngủ vùi trong mùa Đông. Dân Âu Châu thời trung cổ nhân đó có tục lệ lấy dịp đó để vui chơi trong mùa Đông tháng giá. Họ giả trang làm gấu và có tục lệ giả làm bắt cóc hay hãm hiếp các cô gái, chỉ để vui chơi thôi, vì họ cho rằng gấu thức dây, là mùa Đông sắp chấm dứt và mùa Xuân sắp tới. Khi những người Âu Châu rời bỏ quê hương đi lập nghiệp tại Châu Mỹ, thì không hiểu tại sao những người này thay con gấu bằng con ngân thử, có lẽ vì con ngân thử (marmotte) cũng là một con vật ngủ suốt mùa Đông. Dần dà, việc tiên đoán khi nào thì mùa Xuân tới trở thành một tập tục. Từ đó có ngày gọi là Jour de la marmotte, tiếng Pháp, hay Groundhog Day, tiếng Anh. Ngày này rơi vào 2 tháng 2 dương lịch, bốn tuần lễ sau ngày Tết DL. Ngày 2 tháng 2, người ta rình mò nơi cửa hang của các con ngân thử. Con vật thức giấc, mò ra của hang.

    1) Nếu trời âm u, nhiều mây, con ngân thử bình thản, thì có nghĩa là mùa Đông sắp chấm dứt và mùa Xuân sắp tới.

    2) Nếu trời sáng, quang đãng, con ngân thử sẽ nhìn thấy bóng của nó. Vì ngân thử rất dễ sợ sệt, nên khi thấy bóng mình, nó sẽ hoảng sợ quay vào trong hang, ngủ tiếp. Vì giấc ngủ của ngân thử kéo dài, nên 4 tuần lễ sau nó mới lại thức giấc, Như vậy có nghĩa là mùa Đông sẽ dài thêm 4 tuần.

    Tập tục dùng con ngân thử để tiên đoán mùa Đông dài ngắn ra sao đã ăn vào máu của người dân Bắc Mỹ. Bởi thế cho nên mỗi vùng, có một con ngân thử, như tại Pennsylvanie, có con Phil (Ngân Thử của người Mỹ), tại Nouvelle Ecosse, Canada, có con Sam, tại Toronto, Canada, có con Willie. Rồi Phil, Sam, Willie cũng cãi nhau như mổ bò, vì nhiều năm mỗi con tiên đoán một khác.

    Tôi là người đến từ Miền Nam nước Việt, nơi chẳng có mùa Đông, chẳng bao giờ thấy tuyết, chỉ có hai mùa Mưa, Nắng. Gần 40 năm nay, do thời cuộc, tôi phải bôn đào đến nơi này. Mỗi khi mùa Đông đến, thấy nhớ nhà và chán đời vô cùng. Kiếp lưu đầy!!!


    Trần Mộng Lâm

    nguồn


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X