Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Imagines

Collapse
X

Imagines

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Imagines

    Imagines


    “Imagine all the people living life in peace”
    – John Lennon


    Chim Hoà Bình xuất hiện trên sân vận động Bình Xương trong bài hát “Imagine”

    Thế vận hội Mùa Ðông 2018 đã mở màn tại thành phố Bình Xương, Nam Hàn với một buổi lễ khai mạc đầy màu sắc, âm thanh và những màn vũ múa dân tộc vô cùng ấn tượng. “Arirang”, bài dân ca cổ trên 600 năm của người Hàn, đã được một nghệ sĩ cao tuổi hát mở đầu buổi lễ. Lồng trong chương trình là phần âm nhạc đi kèm với các hình ảnh về đất nước và con người Hàn quốc, sử dụng các kỹ thuật ánh sáng và video hiện đại nhất.

    Ngoài các làn điệu dân ca và những bài K-pop thịnh hành, chương trình năm nay còn có một màn bất ngờ, đó là bài “Imagine” của John Lennon, được bốn ca sĩ Hàn thể hiện vô cùng xuất sắc. Nhiều người Hàn cho rằng lẽ ra chỉ cần chơi nhạc Hàn trong chương trình là quá đủ, nhưng có lẽ ban tổ chức muốn dùng “Imagine” để chuyển tải một ý tưởng bao quát hơn, nhắm tới một mục tiêu cao cả hơn—đó là hoà bình cho đất nước của họ nói riêng, và cho thế giới nói chung. Ðiều này cũng dễ hiểu, vì chủ đề của Olympics năm nay là “Peace in Motion”, tạm dịch là “cuộc vận hành cho hoà bình”.


    Hai lực sĩ, một của Nam Hàn (trái) một của Bắc Hàn cùng cầm cờ “Đại Hàn” dẫn phái đoàn vào sân

    Từ khi hai miền Nam-Bắc phân chia sau khi chiến tranh Hàn Quốc chấm dứt, đây là lần đầu tiên lực sĩ hai miền sẽ cùng đồng hành vào vận động trường dưới sự chứng kiến của lãnh đạo hai miền—Tổng thống Nam-Hàn Moon Jae-in và em gái chủ tịch Kim Jong-Un của Bắc-Hàn, bà Kim Yo-jong. Ðây cũng là lần đầu tiên cửa biên giới giữa hai miền được tạm thời mở ra cho phái đoàn Bắc-Hàn sang viếng Nam-Hàn. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên Ðại Hàn có một đội hockey gồm lực sĩ của cả hai miền—và nếu họ vô địch thì bài “Arirang” sẽ được dùng làm quốc thiều khi trao huy chương.

    “Imagine there’s no country”, John Lennon viết. “Thử tưởng tượng không có quốc gia”, đó là một trong những thông điệp chính của bài “Imagine”. Hiểu theo nghĩa đen thì có lẽ không một ai trong thời đại này có thể tưởng tượng ra một thế giới như vậy. Nhưng nếu ta nhìn suốt chiều dài lịch sử nhân loại, thì khái niệm quốc gia và quốc kỳ thật ra khá mới mẻ trong lịch sử “cận đại”, chưa kể mấy chục ngàn năm tiến hoá của loài Homo Sapiens trước đó. Và biết đâu sau vài trăm hoặc vài ngàn năm nữa xã hội Homo Sapiens này sẽ tiến hoá đến một tầng cấp cao hơn. Nơi đó những biên cương nhân tạo sẽ biến mất và trần thế sẽ biến thành một—“and the world will be as one!”


    Đoàn lực sĩ “Đại Hàn Thống Nhất” với lá cờ trắng xanh đầy hy vọng

    Nghe cứ như chuyện giả tưởng hoặc thần thoại, nhưng chính vì vậy mà bài “Imagine” được xem như một bài “quốc ca” (anthem) cho một thế giới “không quốc gia”. Nhớ lại buổi lễ bế mạc Thế Vận Hội 2012 ở Luân Ðôn, bài “Imagine” cũng đã được chơi với hình ảnh John Lennon được phóng đại và chiếu trên màn hình. Nhưng vì Lennon là người Anh nên điều đó không có gì để thiên hạ thắc mắc. Ngược lại, các nhà đạo diễn của Bình Xương 2018 chắc chắn đã suy tính kỹ lưỡng khi quyết định sử dụng một bài nhạc ngọai quốc trong một chương trình chủ yếu để giới thiệu văn hoá nước nhà đến thế giới. Họ muốn nói lên điều gì?

    Như ngài chủ tịch Uỷ ban Thế Vận Hội Nam Hàn phát biểu, sự hiện diện chung của hai phái đoàn lực sĩ Nam-Bắc Hàn dưới một lá cờ là chứng cứ hùng hồn cho niềm tin của con người vào hoà hợp, hoà giải, hoà bình. Còn đạo diễn Song Seung-whan thì cho biết thông điệp cốt lõi trong chương trình của ông là “Hy Vọng” (Hope). Và đó cũng là thông điệp tiềm ẩn trong lời nhạc của John Lennon:

    “I hope someday you’ll join us, and the world will live as one.”

    Tôi hy vọng một ngày không xa, bạn cùng với tôi chúng ta sẽ sống trong một thế giới… đại đồng?!

    Có lẽ vì ý đó mà nhiều người chỉ trích “Imagine” mang hơi hướm cộng sản. Khi được hỏi về ý kiến này, John Lennon trả lời: “Mặc dù nhiều ý tưởng trong bài giống một số điều trong chủ nghĩa cộng sản, nhưng có lẽ đó chỉ là sự trùng hợp. Bản thân tôi không là cộng sản mà cũng chẳng tham gia bất cứ phong trào nào cả.” Còn Ringo Starr trong một bài phỏng vấn thì giải thích đơn giản hơn: “John chỉ kêu gọi chúng ta hãy tưởng tượng. Thế thôi, imagine!”


    Đoàn cổ động viên nữ đến từ Bắc Hàn cũng tham gia cuộc vui

    Sự thật là khi John Lennon soạn bài nhạc này vào năm 1972, anh đã dựa trên một số ý từ tập thơ “Grapefruits” (Bưởi) của vợ anh, Yoko Ono. Thí dụ như câu: “Imagine the clouds dripping, dig a hole in your garden to put them in.” (Tưởng tượng mây đang từ trên trời nhểu xuống, bạn hãy ra sau vườn, đào một cái hố và bỏ nó vào đó cho đầy.) Ngoài ra, Lennon cũng mượn một số ý từ một quyển Kinh Nguyện Ki Tô Giáo mà một người bạn tên Dick Gregory đã tặng hai vợ chồng. Trong đó có một đoạn nói là “nếu bạn có thể tưởng tượng được một thế giới không còn các dị biệt về tôn giáo, thì điều đó sẽ biến thành sự thật.” Từ đó John mới có câu “and no religions too.” Nhưng cũng chính vì câu đó mà một số cơ sở tôn giáo đã tẩy chay bài “Imagine” hồi mới đầu.

    Tuy lúc bản nhạc được phát hành John không hề nhắc đến công lao của Yoko, nhưng trong một cuộc phỏng vấn trên tạp chí Playboy vài tháng trước khi mất, Lennon đã thú nhận rằng hồi đó mình còn hơi ích kỷ nên đã không đề tên Yoko là người đồng sáng tác. Mãi đến giữa năm ngoái (2017) Yoko mới được các hiệp hội Thu Thanh và Âm Nhạc Hoa Kỳ công nhận là bà có đóng góp cho bài nhạc, từ đó tên Yoko Ono mới được để cùng với John Lennon như đồng tác giả.

    Về mặt thương mại thì “Imagine” tương đối thành công khi được phát hành năm 1972, tuy chỉ lên được tới hạng #3 ở Mỹ. Phải đợi sau khi Lennon bị ám sát vào cuối năm 1980 thì bài này mới lên được #1 và trở thành bản nhạc bán chạy nhất trong sự nghiệp của John Lennon thời hậu-Beatles. Nhưng đáng kể hơn thành công trên thị trường dĩa hát là ảnh hưởng của bài “Imagine” đến cái gọi là văn hoá thịnh hành (popular culture). Không ai có thể ngờ rằng hơn ba thập niên sau khi Lennon mất, bao nhiêu thế hệ nối tiếp vẫn tiếp tục nghe, hát, và chơi bài này.

    Có thể nói “Imagine” là một bản nhạc “vô biên giới”, với những khái niệm tuy trừu tượng và khó đạt tới nhưng đánh động được vào tiềm thức con người mọi nơi, mọi thành phần và chủng tộc. Có một cái gì đó thật khó diễn tả về nó, nhưng đồng thời lại rất dễ hiểu. Giai điệu của “Imagine” không phức tạp. Hoà âm thì cực kỳ đơn sơ—chỉ có piano, bass, trống và vài cây violon. Nhà sản xuất Phil Spector kể lại rằng họ chỉ thâu bài này có ba lần, và chọn phiên bản thứ nhì để làm dĩa. Vậy mà từ đó đến nay có hàng trăm nghệ sĩ khắp trên thế giới đã chơi lại bài này. Chứng tỏ “Imagine” có một sức sống vô cùng mãnh liệt và thu hút được người nghe qua nhiều thời đại, chính vì nó không quá cầu kỳ nhưng vẫn có một chiều sâu nhất định.


    Cú bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in (trái) và bà Kim Yo-jong, em chủ tịch Kim Jong-un

    Trong buổi lễ khai mạc tại Bình Xương, bốn ca sĩ kỳ cựu Jeon In Kwon, An Ji Yeong, Ha Hyun Woo và Lee Eun Mii đã thay phiên nhau hát bài “Imagine”, giữa một đám đông gần cả ngàn người xếp thành hình hai con chim bồ câu rồi từ từ di chuyển để nhập lại thành một con chim. Thiết tưởng đây là một thông điệp quá sức rõ ràng, không ai có thể hiểu lầm dụng ý của nhà đạo diễn, nhất là khi đại diện của hai chính quyền Nam Bắc đang có mặt trong khán giả.

    Xem màn trình diễn này, và nhìn cảnh các lực sĩ hai miền sát vai đi vào sân với lá cờ mới màu trắng xanh đầy hy vọng, người viết không khỏi ngậm ngùi nghĩ đến Việt Nam và cuộc nội chiến bi thảm để “giải phóng đất nước” bằng máu và nước mắt. Nếu như ngày ấy Nam và Bắc Việt Nam mạnh ai nấy sống, miền Bắc đừng cưỡng chiếm miền Nam, thì biết đâu VNCH cũng sẽ trở thành một cường quốc như Nam Hàn ngày nay? Cũng sẽ giàu mạnh đủ để đăng cai các giải thể thao tầm quốc tế mà không cần tự hào đến phát điên khi về nhì một giải đá banh nhỏ trong khu vực? Và rồi biết đâu qua đường thể thao người dân hai miền sẽ có cơ hội đoàn kết, để dần dần đi đến thống nhất mà không phải tốn biết bao xương máu.

    Bạn có thể cho đấy chỉ là một giấc mơ không tưởng nhưng, như John Lennon nói, ta có quyền tưởng tượng mà phải không? Hôm nay nhân dịp 50 năm Tết Mậu Thân, xin gởi đến các bạn phiên bản tiếng Việt cho bài “Imagine”—như nén hương tưởng niệm các nạn nhân, và lời cầu nguyện cho một tương lai tươi sáng hơn trên quê hương nói riêng và nhân loại nói chung.


    Ý Mộng

    Này bạn hiền với ước mơ
    Tìm về bầu trời thuở ấu thơ
    Này người ngồi hát vu vơ
    Cười vì loài người quá ngu ngơ
    Nhìn lên trời cao chẳng thấy thiên đàng
    Ðịa-ngục là trần thế!

    Này bạn hiền, dù thắng hay thua
    Cuộc cờ chỉ là bán với mua
    Kẻ vì lợi quyền hám ganh đua
    Người vì bạc tiền gánh âu lo
    Ðừng mơ rằng thượng đế sẽ u sầu
    Cho cơn đau nhân thế!

    Người nhớ cho ý mộng tuy xa xôi
    Nhưng chúng ta phải nuôi hy vọng
    Cùng với tôi, nào ta ra khơi
    Dùng tình thương đoàn kết loài người.

    Này bạn hiền khắp bốn phương
    Ðịa cầu làm gì có biên cương
    Này người còn ngồi đếm vết thương
    Này người vừa nằm xuống quê hương
    Cùng bao thịt xương với những oan cừu
    Trên khăn sô dương thế!

    Người nhớ cho ý mộng tuy xa xôi
    Nhưng chúng ta vẫn nuôi hy vọng
    Hận thù sẽ qua, thái bình về nơi nơi
    Vì tình thương cảm hóa lòng người.

    Người nhớ cho ý mộng tuy xa xôi
    Nhưng chúng ta cứ nuôi hy vọng
    Ngục tù đã qua, mời em theo tôi
    Vì tình yêu sẽ cứu loài người.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X