Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chú hay... Cha ?

Collapse
X

Chú hay... Cha ?

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chú hay... Cha ?

    Chú hay... Cha ?


    Nguyên Bông.


    Vừa mới nhô đầu ra khỏi cửa hầm, Trẫm đã phải ngạc nhiên khi thấy mấy anh em thuộc Ban 4 đang vừa cười đùa vui vẻ với nhau vừa đi về hướng mình.

    Vừa đến nơi, Trung sĩ nhất Trừng lên tiếng trước:

    - Đi uống cà phê với tụi này đi Trung úy! Quán này… “ngon” lắm!

    Rồi cả bọn cùng nói hùa theo:

    - Đi, Trung úy!

    - Đi thì đi! Trẫm đáp bừa như vậy.

    Nhưng khi chợt nhớ lại cái văn thư từ trên đưa xuống ra lệnh cấm trại một trăm phần trăm quân số còn nằm trên bàn viết của mình, Trẫm xua hai bàn tay ra trước mặt kèm theo một lời hăm he:

    - Đừng có giỡn mặt! Cậu nào muốn lãnh phạt…”tám ngày trọng cấm” thì cứ đi đi!

    Nói thì nói vậy, nhưng Trẫm vừa khép lại cánh cửa của căn hầm nằm giữa một tuyến phòng thủ mà chàng có trách nhiệm chỉ huy khi hữu sự ở hậu cứ của Tiểu đoàn vừa hỏi lại Trừng…”Quán ở đâu mà…ngon vậy?”, rồi cả bọn cùng nhau tản bộ ra khỏi cổng trại…

    oOo

    Mấy đứa em gọi là quán cà phê cho thêm văn vẻ, chứ Trẫm có thấy trương lên bảng hiệu gì đâu! Đây chỉ là một căn hộ ở đầu của dãy Phố Mười Căn nằm xéo ở trước Ty Cảnh sát Tỉnh mà chàng có dịp đi ngang qua nơi đây nhiều lần. Ở mặt tiền căn phố được nối dài ra thêm vài…”li” tôn để tạo ra một mặt bằng ở bên dưới vừa đủ để kê vài bộ bàn ghế thấp đóng sơ sài bằng mấy miếng ván gỗ thông chứa đầu đạn pháo binh. Ở hai bên hông là hai hàng rào dựng đứng bởi những cọc sắt và các tấm lưới sắt chống đạn B40 cao chỉ quá đầu một chút. Sát vách nhà phía trong là một tủ thuốc lá để trên một đầu của một chiếc bàn dài, đầu kia bày biện đủ thứ cần thiết cho một chiếc quán mà người ta thường gọi là…”quán cà phê kho” thường thấy rải rác ở nhiều nơi trong vùng Thị trấn này.

    Một cô bé trẻ xinh như mộng vừa tiễn mấy chàng Cảnh sát ra cửa đã quay lại săn đón đám khách mới cũng vừa trám hết mấy chiếc ghế nhỏ nằm cạnh khung cửa sổ hẹp ở ngoài cùng:

    - Mấy…chú uống chi, hay có ăn…cháo lòng hoặc…hủ tiếu gì không để…con chạy ra ngoài kia kêu họ mang lại cho?

    Trung sĩ Thức, Hạ sĩ quan Ẩm thực “tấn công” trước:

    - Cho anh cà phê sữa như thường lệ, còn ăn sáng thì…em cho gì anh ăn nấy cũng được mà!

    Anh chàng Binh nhì Bình đã mấy lần trở thành…Bùi Kiệm trong các kỳ thi Trung học Đệ nhất cấp, cho rằng…”chữ nghĩa không có…duyên với tui”, bèn bỏ học nhảy vào quân trường ba tháng rồi nhờ có một chiếc…dù bao che nên mới được về đơn vị này giữ chức…Thủ kho. Cà phê lẫn thuốc lá đều là những món…ăn chơi rất cần thiết cho một học sinh đã trở thành…”học tài thi phận” như Bình, ngày ba lần chẳng sót cữ nào! Và có lẽ đây là một anh khách…thường xuyên nên được cô chủ trẻ kia…có cảm tình nhiều nhất trong bọn chăng?

    - Anh Bình thì…cà phê đen với hai điếu thuốc…”Ruby Quân Tiếp Vụ” phải không?

    Trừng trông có vẻ đứng đắn nhất trong bọn day qua kề miệng nói nhỏ vào tai Trẫm:

    - Lệ Chi, nữ sinh lớp Đệ tứ, con bà chủ quán…chết chồng đó Trung úy!

    Nghe vậy, Trẫm quay sang nhìn cô bé. Đôi mắt mộng bụp dưới đôi vòng mày rậm trông…quen quen đang nhìn Trẫm đăm đăm, khiến chàng nảy ra ý muốn ngồi ở đây hơi lâu một chút để tìm hiểu xem lai lịch của cô bé này ra sao.

    - Cho chú ly cà phê “phin” đi!

    Để mặc cho các thuộc cấp của mình đua nhau…quăng câu trước miệng con cá vàng mũm mĩm, Trẫm ngồi trầm ngâm nhìn từng giọt đắng rớt xuống đáy chiếc ly thủy tinh để lục lọi từ trong ngăn kéo ký ức mình xem một ánh mắt chan chứa một khung trời mơ mộng của ngày xưa đang lạc loài ở nơi đâu, mà lại có một…bản sao đang nhoẻn miệng cười tươi với đám lính loai choai hình như đang thèm khát một thứ gì đó chớ không phải là cái thứ chất màu đen sánh của một loại thức uống đặc biệt đã từng làm ấm lòng người chiến sĩ xa nhà là món…cà phê đen!

    Trẫm mất vài phút để cho tâm tư mình cố ý rượt đuổi theo những kỷ niệm êm đềm của một thời để nhớ đang rủ nhau quay lưng lại với người đã từng ôm ấp, nâng niu nó tự bấy lâu nay! Chàng đã hoài công!

    Chợt từ phía trong, một giọng nói thân thương sao lại giống y chang như từng giọt mật ngọt ngào đã từng rót vào tai Trẫm trong khoảng thời gian cách đây không xa lắm:

    - Lệ Chi, con trông quán cho mẹ đi chợ nhe!

    Trẫm quay nhìn lại phía sau. Bóng dáng thướt tha của một người đàn bà hãy còn trong độ thời xuân sắc ập vào mắt chàng. Nhìn mái tóc bung xõa không che hết khoảng cổ trắng ngần trên đôi bờ vai tròn mộng, Trẫm lại nhớ đến một mái tóc cũng giống y như vậy trên gương mặt kiều diễm của một người con gái mà chàng yêu say đắm thuở còn ngồi trên ghế nhà trường.

    Rồi, hình như Trẫm bất chợt nắm bắt được trong tay mình một kỷ vật quý báu đã bị đánh mất từ lâu giờ mới tìm lại được, chàng reo thầm ở trong miệng:

    - “Đúng rồi, Khanh, Lệ Khanh đây rồi!”.

    Trẫm muốn đứng bật dậy nhưng đôi chân thì lại chẳng tuân theo lịnh chàng!

    Người thiếu phụ thản nhiên đi ngang qua sau lưng Trẫm, rồi bằng một giọng nói thân quen như ở trong gia đình, của người trên nói với kẻ dưới, bởi nàng chưa nhìn kỹ mặt mũi của một quân nhân đang là…xếp của mấy anh em kia thì lấy chi để nể mặt:

    - Mấy chú ngồi chơi! Có đứa nào trưa ra ăn cơm không, để chị đi chợ mua thêm thức ăn một thể?

    Chẳng đợi ai trả lời, nàng thoát ngay ra cửa, để lại nhiều nỗi suy tư trong lòng người sĩ quan trẻ vừa mới đến nơi này lần đầu tiên trong buổi sáng hôm nay. Có tiếng một chiếc xe lôi máy dừng lại ở trước cửa quán. Người đàn bà bước lên xe, cũng là lúc Trẫm bắt đầu thả lỏng tâm hồn mình trở lại với khung trời kỷ niệm của ngày nào…

    oOo

    Khanh dẫn chiếc xe đạp của mình vòng qua hông một căn nhà tranh rồi dựng nó vào sát bên tấm vách đất như thường lệ. Thường khi thì con chó Vàng chạy ra mừng nàng trước cả Trẫm, người yêu của nàng. Nhưng hôm nay cả chủ và tớ hình như đi vắng hay ở đâu ngoài vườn trầu ở sau nhà.

    Khanh im lặng bước len lỏi qua mấy gốc trầu lá vàng óng leo chằng chịt trên những thân cau sai quằn những quả xanh mượt để đi tìm Trẫm nhằm tạo một sự bất ngờ cho chàng.

    Đến cuối vườn trầu, Khanh lặng người đi khi chợt thấy một tấm lưng trần nở nang đều đặn như một lực sĩ thẩm mỹ đang ngồi thừ ra bên miệng giếng nước với hai chiếc gàu ở kế bên, trông dáng như đang nghĩ ngợi về một điều gì đó.

    Nàng đứng lặng yên để nghe con tim mình đang rạo rực muốn trỗi lại điệp khúc yêu đương giống như lần nàng ngả mình vào vòng tay của người tình trong lần đầu tiên nàng đến đây, cũng ở nơi vườn trầu cau này.

    Nhưng Khanh cũng đã trấn áp được tiếng lòng của mình để chỉ buông ra một câu như mỗi khi nàng thấy người yêu thường hay thả tầm mắt lướt phiêu bồng về một khoảng không gian nào đó mà nàng đoán rằng chàng đang xây dựng một mái ấm chỉ vừa đủ che nắng che mưa cho hai quả tim vàng mà thôi, chớ không phải là một bóng hồng nào khác:

    - “Hoàng thượng” đang nhớ đến ai vậy?

    Trẫm giật mình quay lại, một bóng dáng…liêu trai hiện ra lờ mờ giữa ban ngày ban mặt. Đột nhiên chàng cảm thấy nhột nhạt khắp châu thân khi ngó xuống phía dưới thân mình, chỉ có độc mỗi một chiếc quần đùi. Cho dù vậy, dư âm của hai tiếng…”Hoàng thượng” như hãy còn lắng đọng ở trong lòng vừa đủ để cho chàng thoáng nhớ nhanh về một chút kỷ niệm của lúc còn thiếu thời. Mẹ chàng nói lại là lúc sanh ra, thằng Út, là Trẫm bây giờ rất…khó nuôi! Lúc khát sữa thì sa vào vú mẹ, khi no nê lại vòi vĩnh đòi cha bồng, giống như có…”ai đó” theo phá quấy nên cần có sự bảo vệ của người cha vậy! Chạy hết thầy, hết thuốc, cúng không biết bao nhiêu là…gà, vịt mà thằng Út vẫn chứng nào tật nấy! Một hôm, có một ông thầy đi qua ngõ và xin vào gặp thằng Út rồi nói…”Để tui…trị nó cho”! Ông lấy mấy sợi chỉ màu vàng, xanh, đỏ,…mà mấy cô gái dùng để thêu thùa, thắt thành một chuỗi những nút…”dây niệt” rồi đi ra đứng trước sân nhà, hai tay nâng sợi dây niệt lên ngang mày, nhắm mắt khấn mấy câu, đoạn đem vào đeo thành một vòng từ trên vai bên này chéo xuống nách bên kia cho thằng Út rồi nói…”Kể từ nay đừng gọi nó là…Út nữa mà là…”Trẫm”, là…vua đó, chẳng có…con ma nào dám…chọc ghẹo…đòi ăn gà ăn vịt nữa đâu!”. Chỉ có vậy mà…linh thật, Trẫm ăn rồi chơi, chóng lớn như thổi và ngày càng đẹp trai ra nữa!

    Rồi cái tên Út đã được cả nhà…khai tử, chẳng còn ai nhớ đến cái tên sẽ giữ vai trò quan trọng sau này…”giàu út ăn, khó út chịu”, và tự Út cũng đã mau chóng quên đi cái tên… “cúng cơm” đó và mang theo cái tên mới là…Trẫm vào lớp học. Lúc chuyện trò với chúng bạn, một điều nó xưng là…”Trẫm”, hai điều cũng xưng…”Trẫm”. Và lũ chúng bạn, chắc là sợ họa…”phạm thượng phải bị…tru di tam tộc” nên hè nhau gọi nó là…”Hoàng thượng” cũng là điều tất nhiên mà thôi!

    Ở phe con trai thì vậy, còn bên cánh con gái thì Thượng đế lại cho ra cùng thời điểm đó một nàng có một cái tên là…Khanh, Lệ Khanh rất dễ thương. Và trong những lúc mà đôi trai tài gái sắc này có dịp gặp gỡ nhau, một kẻ xưng mình là…Trẫm và gọi người kia là…Khanh, đôi khi có thêm chữ…Ái vào phía trước, nghe qua nó sặc mùi…”cung đình” làm sao ấy!…

    Chẳng là mấy ngày nay trời nóng hơn mọi hôm, nên chiều nào Trẫm cũng cởi trần trùng trục ra sau vườn xách nước giếng cần vọt lên tưới cho mấy gốc trầu đang trong mùa thu hoạch.

    Đang chẳng biết phải trả lời ra sao thì đã nghe Khanh tiếp, giọng nói hơi yếu đi một chút, giống như vừa mới trải qua một cơn xúc động khi cảm thông cho gia cảnh nghèo khó của người yêu:

    - Mình vào nhà nghỉ một chút đi…Hoàng thượng!

    Mấy lần trước, mỗi khi muốn đến chơi nhà Trẫm, lúc tan học, Khanh đều tìm cách chạy xe đạp nhanh lên để báo cho chàng hay trước. Lần này Khanh muốn tạo ra một bất ngờ cho người yêu, ai dè…khiến cho con tim nàng bỗng dưng trở nên xao xuyến, bồi hồi. Nàng quay lưng lại và đi vào trong vườn, cốt để cho Trẫm đỡ phải ngượng. Nhưng đôi chân thì cứ y như phải lê những bước đi hụt hẫng lòng vòng ở trong khu vườn trầu mãi mà chưa tìm được lối ra.
    Về phía chàng trai quê học trò hình như chỉ đợi có thế, liền phóng mình chạy len lỏi qua các gốc cau quen thuộc và chỉ trong thoáng chốc, chàng đã vọt nhanh vào trong nhà.

    Và cái chuyện…ái ân trong phút chốc để dài nhớ thương cho nhau đã xảy ra giữa đôi tình nhân trẻ trong khi buổi hoàng hôn đang xuống dần nơi một vùng ngoại ô của thị trấn.

    Họ ngồi lặng lẽ bên nhau thật lâu! Người con gái thỉnh thoảng lại đưa tay lên quẹt những giọt nước mắt từ cõi lòng cứ rịn ra không sao ngăn lại được! Trẫm chẳng đoán được bao dòng châu lệ rơi sa đó mang một nỗi niềm vui sướng hay là buồn tủi ở trong lòng nàng! Riêng Khanh, nàng đã có một quyết định từ lâu là một khi đã yêu ai, nàng chỉ trao cho người đó những gì mà người con gái trân quý bấy lâu nay. Chỉ còn vài ngày nữa nàng sẽ là vợ của người khác! Cho dù chuyện có như thế nào sau đêm tân hôn, nàng cũng đã chuẩn bị cho mình trong tư thế sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả tốt hay xấu. Về phần người học trò khó, chẳng biết chàng có nên mừng hay không với việc không cầu mà được, đã bước một bước…quá xa trên con đường đi xây dựng hạnh phúc lứa đôi, giống như ai…dọn cỗ thì cứ ăn, xong rồi mơ màng nhìn về phía trước mặt, thấy thấp thoáng có một túp lều tranh nằm ven bên bờ một con suối mộng, ong bướm bay lượn khắp nơi trong một khung cảnh rất hữu tình!

    Mộng thường hay khác với thực tế, cho nên điều mà Trẫm đang cảm nhận khó có thể thành tựu được, bởi vì chàng là một đứa con út mà ba má đã chọn lựa để sau này lo…hương khói cho họ trong căn nhà tranh vách đất mà từ nơi đó, các anh các chị của chàng cũng đã từng cập từng cập lần lượt khăn gói ra đi lập mái ấm gia đình cho riêng họ. Tuân theo ý cha mẹ ư? Trẫm xoay mình nhìn khắp bên trong căn nhà tranh ba gian qua một lượt. Gian giữa dùng làm nơi thờ cúng tổ tiên. Ở gian trái, bên trong là phòng ngủ của mẹ chàng và bên ngoài kê một bộ ván rộng là nơi ba chàng ngả lưng lúc đêm về. Chỉ còn lại gian phải với một phòng ngủ ở bên trong là nơi mà người chị cũng vừa mới rời nó để về với nhà bên chồng cách nay không lâu, chắc là chàng cũng sẽ chọn nơi đó để sống chung với người yêu mà thôi!

    Đang suy tới tính lui, Trẫm nghe Khanh thỏ thẻ bên tai:

    - Hoàng thượng có cảm nhận ra một điều gì có thể xảy ra trong tương lai không?

    Bấy lâu nay, hai đứa tuy gần gũi nhau, nhưng cái việc…ăn nằm với nhau, Trẫm chưa bao giờ dám nghĩ tới, bởi cách đây không lâu, Khanh cho chàng hay là mẹ nàng không tán đồng cuộc tình duyên…học trò này, lý do là…”gia cảnh của nó quá nghèo, thân nó còn tự lo chưa kham, lấy nhau rồi lấy gì để lo cho vợ, cho con”! Trẫm tự biết vậy, nên cố tình giữ sự trong trắng cho người yêu. Chàng chẳng biết làm gì hơn…buồn ở trong lòng khi hay cái cái tin sét đánh ngang mày đó! Chàng cũng chẳng hiểu tâm ý của nàng ra sao, giờ nghe nàng hỏi như vậy, càng thấy thêm xốn xang ở trong lòng! Cuộc diện xảy ra quá bất ngờ như một giấc mơ vàng, nhưng lòng chàng thì đang rối như tơ vò!

    Trẫm siết mạnh vòng tay khiến cho người tình giật mình co rúm người lại. Chàng cho rằng…”Chẳng lẽ Khanh…buông xuôi để cho mình và nàng làm cái chuyện…vợ chồng với nhau và một khi mà mẹ nàng hay biết được việc…đã rồi ấy, bà sẽ thuận tình để cho hai đứa ăn đời ở kiếp với nhau chăng? Như vậy thì căn phòng trống kia sẽ là tổ uyên ương của đôi ta rồi!”.

    Như tìm được lối thoát để giải tỏa cái vòng lẩn quẩn đang dần siết chặt tâm tư của mình, Trẫm vừa định đem những suy nghĩ vừa chợt lóe ra ở trong đầu nói ra với người yêu thì nàng đã nghẹn ngào trong nước mắt nhạt nhòa:

    - Má bảo nếu em cãi má, má sẽ…chết cho vừa lòng em!

    Trẫm thấy cả khung trời trước mặt mình như thấp dần xuống và trong thoáng chốc, tâm hồn chàng nát thành những mảnh vụn vặt và cùng với niềm mơ ước vừa mới thành tựu đã tan biến ngay thành mây khói! Khi bình tĩnh lại, Trẫm đưa tay ra vuốt mấy dòng châu đang lăn dài trên má người yêu rồi ôm chặt nàng vào lòng. Thời gian như ngừng trôi!

    Bất chợt, trong tâm tư Trẫm lại dấy lên một niềm hy vọng. Điều đó làm vơi bớt đi nỗi buồn đang giăng kín con tim chàng. Trẫm cho rằng Khanh dám cãi lại lời mẹ, chịu bỏ nhà ra đi đến với mình chiều nay và…cho không những gì mà nàng trân quý bấy lâu nay, hẳn nàng đã có một dụng ý riêng tư hợp với những điều suy diễn mà chàng đang có ở trong lòng.

    Chàng buông lời thăm dò:

    - Em an tâm đi, anh thương em suốt đời mà!

    Nghe Trẫm nói vậy, Khanh vội đẩy chàng ra rồi vừa quệt nước mắt vừa nói:

    - Anh nói cái gì lạ vậy? Bộ anh muốn cho má em…chết liền tức khắc phải không?

    Rồi như còn chưa hết cơn giận, Khanh nói thêm lời trách móc:

    - Em tưởng anh là người biết chuyện, nào dè…

    Quả tình, chỉ với một thời gian quá ngắn ngủi trôi qua, Trẫm đã không đè nén được lòng bồng bột của mình, đưa đến việc chỉ trong phút giây thôi, chàng đã biến người yêu của mình thành một người đàn bà, rồi bây giờ chàng chẳng biết nói năng ra sao để cho nàng hiểu lòng mình chỉ là một dạ yêu nàng, cho dù ở hoàn cảnh nào cũng muốn sống chung dưới một mái ấm gia đình với chỉ một mình nàng mà thôi! Quý Phi trách Hoàng Thượng với những lời lẽ…chua cay quả đã đáng đời cho cái…số nghèo của…nhà vua lắm! Không an phận lại đòi trèo cao! Chàng nghĩ, nếu mình là con nhà giàu thì đâu có bị người khác chê mình như vậy!

    Làm thinh cũng là một cách để nhận tội…làm ẩu! Trẫm thầm trách mình chỉ vì một phút đam mê thấp hèn mà ra nông nỗi này!
    Trẫm đâu còn cơ hội nào để tự bào chữa, nhưng chàng vẫn nói ra suy nghĩ của mình:

    - Phải chi…chuyện đó chưa xảy ra thì cho dù em có đi lấy chồng, anh cũng đành cam chấp nhận…thua cuộc bởi thân phận của mình, để chỉ lén đứng bên đường nhìn người yêu vui bước lên xe hoa…

    Khanh vội đứng lên rồi nói ra quyết định dứt khoát của mình:

    - Tuần sau em đã là…vợ của Thanh rồi!

    Bỗng đưng Trẫm cảm thấy con tim mình đau như bị…bò đá thẳng cẳng! Quyết định của mẹ Khanh đã biến thành sự thật một trăm phần trăm rồi sao? Chàng không còn chút hy vọng nào để lật được thế cờ trước sự kiện…”ván đã đóng thuyền”!

    Nhưng rồi Trẫm lại quên ngay điều mình vừa nghĩ, chàng đứng bật dậy thật nhanh rồi tiến đến lay đôi vai người yêu:

    - Không được! Tại sao lại nhanh như vậy?

    Vừa buông câu nói ra khỏi cửa miệng mình, Trẫm cũng đã chợt hiểu. Mấy ngày qua chàng có hay tin mẹ của Khanh trở bịnh nặng. Nhưng bởi chàng xem nặng cái mặc cảm mình nghèo nên chẳng dám đến thăm, chỉ sợ làm xốn con mắt của một bà mẹ góa luôn mang trong lòng nỗi lo cho đứa con gái cưng mất hạnh phúc khi lâm cảnh thiếu trước hụt sau khi sống bên nhà chồng. Mấy đứa bạn học cùng lớp cho Trẫm hay tin là gia đình của Khanh muốn tổ chức đám cưới cho nàng và Thanh gắp để…chạy tang, sợ rằng mẹ nàng không qua khỏi cơn bạo bịnh! Chàng chẳng tin việc đó sẽ xảy ra nhanh trong lúc này. Trước đây, chàng tin tưởng vào mối tình cảm sâu đậm, thiết tha mà Khanh đã dành cho mình, nàng sẽ tạo ra cơ hội để đến cùng chàng tìm ra kế hoãn binh. Chừng nào không có lối thoát, nàng sẽ bước lên xe hoa về nhà chồng cũng chẳng muộn màng gì!

    Bây giờ thì chuyện đó do chính Khanh nói ra, Trẫm cố không tin cũng không được.

    Chàng lặng lẽ tiễn chân người yêu đang khập khễnh bước thấp bước cao dẫn chiếc xe đạp về phía cổng mà lòng tái tê như sắp nát tan thành từng đoạn ruột!

    Vừa tới đầu ngõ, Khanh dừng lại rồi cố lấy giọng vui vẻ nói với Trẫm:

    - Em không phải là trách cứ gì anh đâu, bởi việc xảy ra hôm nay là do em tự nguyện mà! Chỉ có em hiểu lòng em thôi, và nếu như anh cũng hiểu được em trong hoàn cảnh này là điều đáng quý cho em lắm! Có một điều duy nhất mà em muốn nói với anh lúc này là anh hãy vui lên đi, hãy chia sẻ niềm vui với má em để hy vọng bà còn được giữ mãi nụ cười mãn nguyện cho đến khi bà ra đi theo ba em về nơi thế giới vĩnh hằng…

    oOo

    Trẫm còn đang lặn ngụp trong tâm tư với những kỷ niệm êm đềm của buổi ban đầu lưu luyến ấy thì trong bọn chàng có đứa đứng lên đòi trở về doanh trại. Bà chủ quán đi chợ về cũng vừa mới bước vào trong cửa.

    Cô con gái chạy đến đón hai giỏ thực phẩm nặng trĩu trên tay mẹ rồi vừa âu yếm nhìn mẹ rồi liếc sang Trẫm nói:

    - Hôm nay mẹ mua đồ ăn nhiều quá vậy ta, đãi khách…đặc biệt phải không mẹ?

    Khanh đáp tỉnh bơ, bởi mỗi khi mấy anh chàng Cảnh sát bị cấm trại, không…dù được về nhà ăn cơm với vợ con thì thông báo cho nàng nấu cơm cho họ ăn, có gì lạ đâu mà con nhỏ khéo ỡm ờ:

    - Đặc biệt cái gì? Cũng như thường lệ thôi con à!

    Rồi như chợt nhớ ra điều gì, Khanh dừng lại bên đám anh em binh sĩ thường hay đến đây uống cà phê sáng, đôi khi luôn cả cữ trưa và cữ tối nữa. Nàng mở to đôi mắt ra nhìn vào mặt người quân nhân lạ mà lúc ban sáng vì vội đi chợ, nàng chưa kịp chào hỏi, cho dù đó là một câu xã giao thông thường của một người buôn bán làm ăn. Nàng lờ mờ thấy lớp phong sương trên gương mặt người lính lớn tuổi nhất trong bọn kia hình như đang trở lại nguyên hình trạng của một chàng thư sinh của thuở nàng dâng trọn trái tim trong trắng của mình cho người mình yêu dấu. Rồi đôi môi với màu son hồng nhạt hình như run nhẹ lên từng hồi cùng nhịp với mấy đầu ngón tay của người đàn bà đang độ tuổi nửa chừng xuân cũng lay động nhẹ. Đôi vòng nguyệt khuyết trên đôi mắt mộng bụp ngày nào từng đón nhận không biết bao nhiêu là nụ hôn nồng cháy của chàng học trò nghèo khó mới chập chững bước vào ngưỡng cửa căn nhà yêu đương, hình như cũng hơi đâu gần lại nhau hơn.

    - “Hoàng thượng đây rồi!”, Khanh lí nhí trong miệng rồi vội vã khẻ cúi đầu chào người đàn ông trước mặt mình rồi bước vội vào bên trong.

    - “Đúng là Khanh của Trẫm đây rồi!”, Trẫm bất chợt cũng thốt lên rồi dõi trông theo mấy gót chân mềm quen thuộc của độ nào hình như ngượng nghịu trong những bước đi quá vội vàng.

    Chàng muốn chạy theo để được như ngày nào trân quý trong lòng một dáng ngọc mà chàng yêu tha thiết. Nhưng làm sao được, khi mà cô bé Lệ Chi, sau khi đem giỏ thức ăn vào nhà đã trở ra đang đứng dõi mắt dò xét người quân nhân mới đến với quán của hai mẹ con nàng chỉ với hơn vài tiếng đồng hồ trôi qua thôi. Không ai biết nàng đang nghĩ gì ở trong lòng, chỉ thấy mặt nàng tươi tỉnh ra hơn mọi khi mà nàng giúp mẹ buôn bán trong những ngày nghỉ học cuối tuần.

    Người Sĩ quan còn đang ngụp lặn trong vũng lầy tình ái của năm xưa mà chính tay chàng đã từng…khuấy động nên hồ, cô bé nói:

    - Chú, má con bảo nói với chú trở lại sau hai giờ trưa để…

    Trẫm đoán biết đoạn sau của câu nói đó sẽ là những lời lẽ gì và cuộc gặp mặt chiều nay sẽ xảy ra như thế nào nên chàng nhìn vào đôi mắt nhung đen như hai giọt sương được sao in từ bản chánh của chính mẹ nàng rồi dịu giọng nói:

    - Được rồi, nói với mẹ cháu rằng…chú sẽ trở lại!

    Trở về doanh trại, Trẫm cảm thấy mình…no ngang khi nhìn thấy bữa cơm Hỏa đầu vụ mà anh em đang bày ra trên hai chiếc bàn viết kê đâu lại ở giữa phòng làm việc. Mặc cho anh em vui với…cơm nhà binh như thường lệ, chàng ngồi xuống ghế, mở cái “sơ-mi” để ở trên bàn ra, “bút phê” vội mấy chữ vào bên lề trái các văn thư từ trên đưa xuống và “ký tắc” ở phía dưới mấy cái văn kiện trình lên đơn vị trưởng ký.

    Rồi vừa để tập hồ sơ lại vào chỗ cũ, Trẫm nói vói sang anh chàng Bình Thủ kho trước khi đứng lên trở về căn hầm riêng:

    - Bình ăn ít đi một chút, đến hai giờ chiều đến chở tôi đi ăn cơm khách!…

    Lệ Chi đang thu dẹp chén đũa cùng các thứ còn bừa bãi ở trên bàn, thấy thầy trò của Trẫm cùng bước vào, nàng ngưng tay rồi vừa liếc mắt ngó Bình vừa nói với Trẫm:

    - Con có thể nói chuyện riêng với chú vài câu không?

    Trẫm nói ngay:

    - Được chứ!

    Bình biết thân phận mình bèn bước ra trước sân, leo lên yên xe Honda vừa ngồi hóng gió dưới tàn cây bã đậu mát rượi, vừa xem dòng xe cộ ngược xuôi ở ngoài lộ. Buổi chiều Hè trôi đi chầm chậm trong tiết trời nóng oi ả.

    Trẫm ngồi xuống chiếc ghế ban sáng chàng đã ngồi, cũng bên cạnh khung cửa sổ mở rộng! Trẫm chỉ chiếc ghế đối diện với mình, bảo Lệ Chi ngồi xuống đó, nhưng nàng vẫn đứng nhìn Trẫm không hề chớp mắt.

    - Chú! Chú cho con biết…chú có phải…là…là…ba của con không?

    Trẫm giật người lên như có ai đó châm kim vào mông của mình! Chàng giương mắt ra nhìn vào đôi mắt cô bé đăm đăm, như cố moi ra từ trong đó câu chuyện của từ hơn mười sáu năm về trước xem có khoảng nào…ăn khớp với câu hỏi của cô bé đang đứng trước mặt mình không! Chẳng phải Trẫm muốn chối bỏ trách nhiệm trước kia của mình, nhưng việc Lệ Chi bây giờ có phải là…con của chàng hay không, điều đó còn phải hỏi lại chính người đã sinh ra nàng mới rõ nguồn cơn.

    Vài phút trôi qua, Lệ Chi lại nói:

    - Mời Chú vào bên trong, có bà ngoại của con lên chơi đang ngồi chờ chú ở phòng khách, còn mẹ của con thì bảo…nhức đầu, đang nằm ở trong phòng!

    Rồi Lệ Chi bỏ đi lo công việc của nàng. Trẫm gọi vói theo:

    - Chi!

    Người con gái đang độ tuổi tròn trăng chỉ quay mình liếc nhìn lại phía sau với đôi ánh mắt thân thiện rồi tiếp tục đi dọn dẹp nhà cửa. Vẫn là đôi ánh mắt giống như đúc rập khuôn với mẹ nàng ngày xưa đã từng gây sóng gió cho người học trò nghèo phải chết mê chết mệt vì nàng. Bây giờ, có khác chăng là đôi sóng thu ba kia vẫn còn vương mang một nỗi mong chờ một câu trả lời thỏa đáng nơi người đàn ông vừa mới đến quán này sáng hôm nay mà nàng lại linh cảm rằng đây chính là người mà mẹ nàng đã yêu tha thiết và bà đã dâng hiến tình mình trước ngày bước lên xe hoa về nhà chồng chỉ vỏn vẹn đúng một tuần lễ, như lời mẹ nàng đã kể ra điều đó cách nay không lâu, khi thấy nàng đã khôn lớn.

    Lệ Chi có quyền tìm hiểu sự thật về đấng sinh ra mình, bởi vì chính mẹ nàng cũng chẳng rõ đứa con gái của mình là con của ai, của người chồng giàu có do mẹ nàng định đoạt hay là của một chàng thư sinh nghèo đã ôm nỗi buồn riêng đi vào bên trong cổng trại nhập ngũ từ độ đó!

    Người đàn bà tưởng đã theo ông theo bà trong khi mang phải cơn bịnh tim nặng giờ là một bà lão trạc tuổi lục tuần nhưng trông hãy còn khỏe mạnh hiện ra trước mặt Trẫm. Lệ Chi đã chạy về rước bà ngoại ra chơi khi nàng linh cảm rằng chính Trẫm là cha của nàng.

    - Dạ, con chào bác!

    Trẫm chỉ nói có vậy rồi đưa mắt trông lên phía bàn thờ, trên đó có di ảnh của một quân nhân mặc quân phục đại lễ của Quân trường Thủ Đức.

    Trẫm tiến đến thắp cho người trong ảnh một nén hương rồi nhìn thẳng vào đôi mắt đang ngó mình đăm đăm mà khấn thầm:

    - Anh an tâm đi! Giữa tôi và Khanh chưa có chuyện gì xảy ra ngay lúc này đâu. Chuyện bây giờ là chúng ta nên lo cho Lệ Chi, đừng để cho đứa con gái đáng thương kia đánh mất niềm tin mà nàng đang có ở trong lòng. Còn chuyện của chúng ta thì…

    Chợt phía sau lưng Trẫm có giọng nghẹn ngào của bà cụ:

    - Thanh, và cả Trẫm nữa, các con hãy tha lỗi cho mẹ!

    Rồi bà cụ khóc sụt sùi như chưa từng được khóc bao giờ! Trẫm đến bên và đưa đôi bàn tay nắn nhẹ vào đôi bờ vai còn da bọc xương kia rồi nói:

    - Bác không có lỗi gì đâu! Chẳng qua đây là duyên kiếp trời định cho tụi con mà thôi!

    Nói xong, Trẫm cũng móc khăn tay ra mà tự lau nước mắt cho mình! Rồi như chợt nhớ ra điều gì, bà cụ cho tay vào túi áo móc ra một chiếc chìa khóa xe gắn máy mà Khanh vừa mới trao cho bà rồi nghẹn ngào nói:

    - Bác cũng sắp đi theo ba của con Khanh rồi! Con cầm vật này đi, coi như quà tặng của mẹ con của con Khanh dành cho con. Hãy giữ nó để có phương tiện mà đến đây thường hơn để cho mẹ con của con Khanh đỡ phải buồn lòng về việc làm của bác cách đây hơn mười sáu năm về trước…

    Trẫm bước đến cửa phòng ngủ mà chàng biết chắc chắn là người yêu cũ đang ngồi chờ chàng ở trong đó. Chàng đứng lặng nhìn tấm màn cửa giăng kín gian phòng lờ mờ chút ánh sáng tỏa xuống từ khung kính nhỏ trên trần nhà một chốc rồi tự nói với lòng mình…”Đừng vội, con bé Lệ Chi nó cười cho!” .

    Vừa định quay lui ra ngoài quán, bất chợt, ánh dạ quang từ bên trong phòng hắt ra khiến Trẫm thoáng giật mình, cùng lúc với giọng nói nghẹn ngào của một người đàn bà vọng ra từ bên trong:

    - Hoàng thượng hãy đứng lại đó và có năm phút để suy nghĩ rồi hãy chọn lựa! Một là…Ngài có thể vào đây với thiếp, hai là…Ngài đừng bao giờ đến đây nữa!

    Trẫm biết rõ là mình sẽ phải làm gì một khi đã có một sự chọn lựa vừa mới xảy ra nhanh chóng ở trong lòng rồi. Nếu không vậy thì chàng đâu có nhận chiếc chìa khóa xe từ tay của bà cụ, má của Khanh.

    Ở ngoài quán, tiếng của Bình nổ như…bắp rang cùng với giọng cười vui vẻ của Lệ Chi vọng vào khiến cho lòng Trẫm cũng cảm thấy vui lây. Bây giờ, cho dù Khanh có đuổi xô, chàng cũng không rời xa nơi này nửa bước. Người xưa đã chẳng có câu… “cha chết…níu chân chú…” đó hay sao! Ngày trước, Thanh cũng cùng học chung với Trẫm dưới một mái trường trung học và sau đó cũng là…đồng môn với Trẫm ở quân trường Thủ Đức. Rõ ràng là trước sau gì hai người họ cũng đã là…huynh đệ với nhau rồi thì cái việc Lệ Chi có gọi Trẫm là…Chú hay Cha cũng vậy thôi, hoặc là gì đi nữa đâu có gì quan trọng hơn việc hãy để cho niềm vui ở trong lòng nàng luôn được thăng hoa mãi mãi và ánh mắt già nua của bà cụ lóe sáng hơn một chút khi đang ở trong tuổi già xế bóng!

    Đối với Khanh bây giờ, Trẫm cho rằng chẳng nên xem nàng như là một người bạn thân như thuở hai người mới quen nhau, bởi vì tình yêu đã xảy ra sau đó giữa hai người, đâu dễ gì xóa mờ theo năm tháng, mà tình cũ thì không rủ cũng đến, làm sao trả lời câu hỏi của Lệ Chi còn đang văng vẳng ở bên tai đây? Và, hình như tình phụ tử thiêng liêng thôi thúc bước chân của chàng đến đây để rồi đoạn cuối của một cuộc tình sẽ được viết tiếp nối vào đoạn mở đầu. Đừng để cho duyên phận lỡ làng thêm một lần nữa!

    Tự nhiên Trẫm thấy đầu óc mình minh mẫn hơn đôi chút khi chợt nhớ lại là giây phút mà Khanh đã…ra lịnh cho mình hình như sắp trôi qua! Chẳng còn chần chờ gì nữa, Trẫm sửa lại bộ quân phục cho thêm ngay ngắn rồi chẳng cần ngó ngoái lại phía sau, chàng thản nhiên bước đến vén vội bức màn cửa qua một bên và…hiên ngang bước vào bên trong…


    Nguyên Bông


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X