Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cướp phi cơ quân sự tại Việt Nam sau 1975

Collapse
X

Cướp phi cơ quân sự tại Việt Nam sau 1975

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cướp phi cơ quân sự tại Việt Nam sau 1975

    Cướp phi cơ quân sự tại Việt Nam sau 1975

    Thiên Ân


    Lời nói đầu:
    Trong số các báo quốc doanh ở trong nước, tờ Tuổi Trẻ xuất bản ở Sài Gòn có tiếng là “chịu chơi” và “lắm chuyện” nhất.
    Vì chịu chơi, cách đây hơn 20 năm, Tuổi Trẻ đã xâm mình đăng tin Bác Hồ trong thời gian ở Pháp đã có vợ đầm (theo tài liệu của Mật vụ Pháp) đưa tới việc người đẹp Kim Hạnh bị mất chức Tổng Biên tập cho dù đã phải công khai xin lỗi Đảng, Nhà Nước, Nhân Dân cả nước vì đã xúc phạm tới “Bác Hồ muôn vàn kính yêu”.
    Còn hai chữ “lắm chuyện” thì chỉ mang nghĩa đen: đăng lắm chuyện hay hay, ngồ ngộ, hoặc giật gân để thu hút độc giả. Tới thời đại tin học (IT), Tuổi Trẻ là một trong những tờ báo đầu tiên ở trong nước có ấn bản điện tử (Tuổi Trẻ Online) với mục đích thu hút độc giả trẻ, hoặc không còn trẻ nhưng có chút đầu óc cấp tiến. Đã là báo điện tử thì không cần giấy mực, không hạn chế số trang, cho nên Tuổi Trẻ Online (TTO) càng... lắm chuyện.
    Một trong những chuyện mới nhất, ăn khách nhất của Tuổi Trẻ Online là loạt bài “Không tặc ở Việt Nam”, khởi đăng vào ngày 27/10/2017, cho tới khi chúng tôi viết bài này (cuối tháng 11) đã được 8 kỳ, và được nhiều báo điện tử khác của người trong nước đăng lại.
    Loạt bài “Không tặc ở Việt Nam” kể về tất cả mọi vụ đánh cướp phi cơ, dân sự cũng như quân sự, xảy ra tại Việt Nam từ năm 1975 tới nay, trong đó có cả vụ Lý Tống cưỡng chế phi hành đoàn Vietnam Airlines để thả truyền đơn chống cộng trên không phận Sài Gòn. Tuy nhiên vì khuôn khổ hạn hẹp của đặc san Lý Tưởng – Úc Châu, chúng tôi chỉ xin điểm qua ba vụ đánh cướp phi cơ quân sự ly kỳ nhất, và chưa từng được phổ biến. Cả ba chiếc phi cơ bị cướp đều là phi cơ của KQVNCH bị bỏ lại.


    1- Cướp C-47 giữa ban ngày

    Vụ cướp phi cơ quân sự đầu tiên được Tuổi Trẻ Online (TTO) tường thuật là vụ cướp chiếc vận tải cơ C-47 (của Không Quân VNCH bỏ lại) tại Trung Đoàn 918 (nay đổi thành Lữ Đoàn 918) của quân chủng Phòng Không Không Quân (PKKQ) vào ngày 22/3/1978.

    Theo lời kể của cựu Thượng tá Nguyễn Chí Cự, 79 tuổi, nguyên là Trung đoàn phó Trung Đoàn 918, “thủ phạm” vụ cướp phi cơ này là chính là Thượng úy Đinh Công Giểng, phi công của Trung Đoàn 918, người Quảng Ninh, và cựu Trung tá phi công VNCH Lại Đắc Ngọc.

    Ông Nguyễn Chí Cự kể nguyên văn:

    “Anh Ngọc là phi công của lực lượng không lực VNCH, là trưởng phòng huấn luyện của không lực VNCH. Sau giải phóng, mình trưng dụng ảnh làm giáo viên huấn luyện lái C-47. Số nhân viên trưng dụng từ chế độ cũ ở Trung Đoàn 918 chỉ có 10 người, là phi công và cơ giới. Riêng ở phi đội C-47 chỉ có một mình anh Ngọc. Còn anh Giểng trước khi bay C-47 là phi công bay An-2.

    [Antonow An-2 là một loại phi cơ liên lạc do Nga chế tạo, tương tự chiếc U-6A Beaver của KLVNCH, nhưng có hai tầng cánh – chú thích của Thiên Ân]

    Anh Giểng cùng lập kế hoạch với anh Ngọc cướp máy bay đi nước ngoài.

    Sáng 22/3/1978, chiếc máy bay C-47 cất cánh từ căn cứ Tân Sơn Nhất đi sân bay Quản Long (Cà Mau) để bay huấn luyện theo kế hoạch. Máy bay đã được nạp đầy xăng vì chuyến bay đó sẽ huấn luyện bay vòng kín.

    Khi đến sân bay Quản Long, nhân lúc cơ giới chính tên Mận và cơ giới phụ tên Nghị đang đi chợ thì Thượng úy Giểng, phi công lái phụ của Trung tá Ngọc, thông báo động cơ máy bay bị trục trặc, đề nghị giám đốc sân bay Cà Mau cho bay thử lại.

    Theo nguyên tắc, phải có cơ giới trên không đi cùng thì mới được phép bay. Nhưng lúc đó cả hai anh cơ giới đều đang đi chợ (“cơ giới trên không”: VNCH gọi là “cơ phi”)

    Chắc cũng không ngờ đến chuyện cướp máy bay nên giám đốc sân bay Cà Mau đồng ý, nhưng rồi họ bay mất luôn. Hôm đó tôi đang trực chỉ huy bay ở căn cứ Tân Sơn Nhất, nghe anh em ở Cà Mau báo về là C-47 bị mất tích, tôi bàng hoàng, nghĩ ngay đến chuyện hai người ấy cướp máy bay ra nước ngoài vì từ Cà Mau bay ra biển, chỉ cần 3 phút là tách khỏi đất liền.

    Chiếc C-47 đã bay qua Thái Lan rồi sau đó sang Singapore. Vụ này đã gây tác hại trực tiếp tới sức chiến đấu và tâm lý của đội ngũ phi công, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình Trung Đoàn 918 lúc đó.” (ngưng trích)

    2- Vụ Tiêu Khánh Nha cướp C-130


    Hơn một năm sau ngày Thượng úy CSVN Đinh Công Giểng và cựu Trung tá phi công VNCH Lại Đắc Ngọc đào thoát bằng C-47, quân chủng Phòng Không Không Quân của CSVN lại bị “sốc” mạnh với một vụ đào thoát khác, lần này trên một chiếc vận tải cơ C-130, cũng từ căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, vào ngày 24/11/1979.

    Vụ cướp C-130 này đã được ông Trương Văn Ẩm, một chuyên viên kỹ thuật của Không Quân VNCH được giữ lại làm việc cho Cục Kỹ thuật Không quân (CSVN), và cũng là người chủ mưu, kể lại trên đài Á Châu Tự Do và đài BBC một cách chi tiết; trong bài này chúng tôi chỉ chú trọng tới nhân vật đã được ông Trương Văn Ẩm móc nối để lái chiếc C-130 vượt thoát khỏi Việt Nam: Thượng úy Tiêu Khánh Nha của CSVN.



    Ông Trương Văn Ẩm

    Theo lời kể của những đồng đội cùng thời, Thượng úy Tiêu Khánh Nha là một phi công tài giỏi và gan dạ. Sau khi miền Nam lọt vào tay cộng sản Bắc Việt, bỏ lại nhiều phi cơ trong đó có vận tải cơ khổng lồ C-130 Hercules, ông đã mau chóng học hỏi kỹ thuật bay và trở thành một trong những phi công đầu tiên của CSVN lái C-130, được giữ chức Phi đội trưởng Phi Đội C-130.

    Trong thời gian CSVN mở cuộc xâm lược Căm-bốt vào năm 1978, Tiêu Khánh Nha đã bay tuyến đường Sài Gòn – Nam Vang (Phnom Penh), chở chiến cụ, đạn dược sang phục vụ chiến trường và chở thương bệnh binh về nước. Có ngày Tiêu Khánh Nha bay đến gần một chục chuyến, ròng rã suốt mấy tháng trời.

    Thành tích của ông được đơn vị báo cáo về Bộ tư lệnh Phòng Không Không Quân và đề nghị phong danh hiệu “Anh Hùng Quân Đội”. Bộ tư lệnh chấp thuận, Tiêu Khánh Nha làm báo cáo thành tích gửi về trung ương. Sau khi hồ sơ khen thưởng được Bộ tư lệnh phê chuẩn, đơn vị chuẩn bị cử hành lễ phong tặng danh hiệu anh hùng.

    Thế nhưng chỉ vài tuần trước buổi lễ dự trù, vấn đề họ “Tiêu” của Tiêu Khánh Nha đã được đặt ra. Họ Tiêu không phải là họ của người Việt mà là họ của người Hoa, như vậy tổ tiên của Tiêu Khánh Nha phải là người Hoa!

    Thời gian này Trung Cộng đã cho CSVN “bài học thứ nhất” (vượt biên giới đánh phá sáu tỉnh phía Bắc) và đang hăm he cho “bài học thứ hai”, quan hệ giữa hai nước cộng sản “anh em” trở nên cực kỳ căng thẳng, việc phân biệt kỳ thị người Việt gốc Hoa – mà trong nước gọi là “sự kiện nạn kiều” - diễn ra khắp nơi, ở mọi cấp...

    Hậu quả chỉ trong vòng một tuần lễ, một mật lệnh từ trên đưa xuống: hủy bỏ việc phong tặng danh hiệu anh hùng cho Tiêu Khánh Nha, và trong thời hạn 10 ngày, Thượng úy phi công Tiêu Khánh Nha phải xuất ngũ, gia đình phải chuyển ra khỏi khu gia binh của Bộ tư lệnh (đơn vị phía Nam, trong căn cứ Tân Sơn Nhất).

    May mắn cho Tiêu Khánh Nha, đúng vào thời gian này ông Trương Văn Ẩm đang tìm cách móc nối với một phi công C-130 để tổ chức cuộc vượt thoát, và ông đã gặp được họ Tiêu.

    Theo đúng kế hoạch dự trù, trong đêm 23/11/1979, một đoạn hàng rào kẽm gai tiếp giáp khu gia binh với khu hangar (nơi để máy bay) đã được bí mật cắt đứt.

    Mờ sáng hôm sau, Tiêu Khánh Nha lén dắt vợ con, dỡ hàng rào vào khu hangar và ngồi chờ ở một gian nhà bỏ hoang gần nơi chiếc C130 đậu.

    7 giờ 30 sáng, như thường lệ, một sĩ quan cơ khí trong ca trực và một bộ đội lái xe điện vào nạp điện, nổ máy. Khi nghe thấy tiếng động cơ nổ, Tiêu Khánh Nha liền dắt vợ con chạy lên máy bay, rút súng ngắn uy hiếp viên sĩ quan cơ khí rời khỏi máy bay.

    Mọi việc diễn ra rất nhanh. Chiếc C130 rời mặt đất, bay ra Vũng Tàu rồi sang Singapore.

    Tiêu Khánh Nha không chỉ là một phi công tài giỏi, kinh nghiệm mà còn mưu trí. Lúc đầu ông bay ở cao độ thấp để tránh mạng lưới ra-đa phòng không và các phản lực F-5 từ phi trường Biên Hòa có thể bay lên truy nã. Thay vì bay theo hướng nam hoặc tây nam, ông bay theo hướng đông để sớm ra khỏi không phận VN, sau đó mới bay đi Singapore mà không hề có bản đồ hay bất cứ một sự hướng dẫn nào của không lưu.

    Sau khoảng 1 giờ 45 phút, chiếc C-130 với 1 phi công và 12 “hành khách” đáp xuống Singapore, trong khi mấy chiếc phản lực F-5 của Bộ tư lệnh Phòng Không Không Quân bay lên săn đuổi vẫn còn truy tìm ở hướng nam và tây nam!

    Sau khi tới Singapore, trừ anh bộ đội tên Tạo (bị đánh ngất xỉu khi nhóm Tiêu Khánh Nha cướp phi cơ), tất cả mọi người đã xin định cư ở Hoa Kỳ và được chấp thuận. Chiếc C-130 sau đó được trao trả cho CSVN.

    * “Anh hùng” bị án tử hình khiếm diện

    Với tội danh không tặc, trong phiên tòa xử khiếm diện tại Việt Nam, cựu Thượng úy phi công Tiêu Khánh Nha bị tuyên án tử hình, ông Trương Văn Ẩm và những người còn lại bị tuyên án từ 20 đến 35 năm tù.

    Thế nhưng gần 40 năm sau, khi báo Tuổi Trẻ Online làm phóng sự về vụ cướp phi cơ này, nhiều cựu đồng đội của Tiêu Khánh Nha không chỉ thông cảm với quyết định của ông mà còn không tiếc lời ca tụng tài bay bổng của viên cựu Thượng úy phi công.

    Một trong những cựu đồng đội đó là ông T.M.Q., sau trở thành một trưởng phi cơ của Vietnam Airlines nay đã về hưu, kể với báo Tuổi Trẻ Online:

    “Chiếc máy bay C-130 mà Tiêu Khánh Nha lấy đi đang được sửa chữa, nằm ở đường băng Nam - Bắc, gần xưởng sửa chữa A41.

    Hôm đó, ở phía trước C-130 còn có một máy bay loại C-119 rất lớn đi ngang đường di chuyển nội bộ trong khu vực sân bay, dừng lại ngay giữa đường, vô tình chắn luôn đường ra vô của chiếc C-130.

    “Chúng tôi không biết làm cách nào mà anh Nha có thể lái chiếc C-130 thoát ra trong khi chiếc C-119 to đùng chắn đường.”

    “Với người yêu bầu trời, đam mê nghề bay mà bị cắt bay, xin việc gì cũng không được, bị dồn vào bước đường cùng là điều vô cùng khủng khiếp. Đó là lý do anh Nha rời bỏ đất nước mà đi.”

    “Với phi công Tiêu Khánh Nha, trong tâm thức của nhiều đồng đội, vẫn luôn dành cho anh sự trân trọng vì tài năng, bản lĩnh của anh. Ai cũng thấu hiểu uẩn khúc khi anh phải rời bỏ đất nước. Do hoàn cảnh đưa đẩy, từ một phi công chuẩn bị được phong anh hùng, anh ấy trở thành kẻ đánh cắp may bay và phản bội Tổ Quốc.”

    “Anh Nha giờ đã lớn tuổi, rất muốn quay về VN thăm quê hương một lần trước khi chết, nhưng bản án tử hình khiếm diện trước kia vẫn còn đó.”

    * * *

    Về anh bộ đội tên Tạo, người duy nhất trong số 13 người trên chiếc C-130 đòi trở về VN, chúng tôi xin trích nguyên văn trên báo Tuổi Trẻ Online (TTO):

    * Chuyện về người chiến sĩ tên Tạo

    Có một chi tiết khá thú vị được ông Ẩm kể lại: “Trong khi mọi người háo hức chuẩn bị lên đường qua Mỹ trong vòng một tuần nữa thì anh Tạo (anh bộ đội bị đánh ngất khi nhóm Tiêu Khánh Nha lấy cắp máy bay C-130) nằng nặc xin được quay về Việt Nam. Dù mọi người khuyên can thế nào anh vẫn không thay đổi quyết định”.

    Anh Tạo là tân binh người Nam Định. Khi phát hiện chiếc C-130 nổ máy, lẽ ra phải gọi thêm đồng đội hay báo cáo ngay cho cấp trên, anh Tạo lại chạy đến ngay trước mũi máy bay chất vấn, ngăn cản... nên bị đánh ngất rồi đưa lên máy bay...

    Khi tỉnh lại, biết chuyện gì đã xảy ra, anh Tạo chửi mắng, thóa mạ những kẻ cướp máy bay là “bọn phản quốc”. Khi máy bay hạ cánh ở Singapore, đích thân hai vợ chồng Tiêu Khánh Nha đến xin lỗi Tạo vì buộc phải làm liên lụy đến anh rồi khuyên anh đi cùng.

    Tạo kiên quyết đòi quay lại Việt Nam. Ông Nha đành nhờ Đại sứ quán Hoa Kỳ bảo vệ Tạo, khi nào Việt Nam cử người sang nhận lại máy bay thì thu xếp cho Tạo về cùng. Sau đó ông cùng vợ móc hết số tiền, vàng mà mình mang theo để gửi tặng anh Tạo.

    Ít lâu sau, Việt Nam cử người sang đưa máy bay về. Với người chiến sĩ trẻ tên Tạo, việc đòi quay về Việt Nam của anh khiến người ta không thể tin được vì trong khi không ít người tìm cách vượt biên để được đến Mỹ thì anh lại từ chối. Đã gần 40 năm trôi qua, chưa ai nghe gì về số phận người chiến sĩ ấy. (ngưng trích Tuổi Trẻ Online)

    * * *

    Nhưng trên thực tế, người ta không chỉ “nghe” mà còn “thấy” số phận người bộ đội ấy, nhưng có lẽ báo Tuổi Trẻ Online đã cố tình né tránh. Trong một bài tường thuật vào ngày 4/2/2005 trên đài Á Châu Tự Do (RFA), phóng viên Trương Thành Tâm kể lại:

    ...Ít lâu sau phái đoàn VN sang đưa máy bay về. Tạo đặt chân tới TSN bị câu lưu ngay, giống như ông Nguyễn Tài ( thứ trưởng bộ CA) bị đối phương bắt, được trao trả về phải “ngồi chơi xơi nước” phục vụ hầu tra gần chục năm, còn tân binh Tạo với tuổi này, lời khai của anh người ta không tin, họ nghi ngờ anh được CIA tuyển dụng ở lại nằm vùng. Trước mắt mọi người, hành động của Tạo không thể nào tin được vì trong khi gần triệu người Việt tìm mọi cách ra đi, sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro (kể cả cái chết) để được đi Mỹ, tại sao Tạo lại có thể từ chối cơ hội “ngàn năm có một”’!
    Tất nhiên anh bị thải hồi khỏi quân đội và tiếp tục bị theo dõi…

    Bẵng đi nhiều năm không ai biết gì về số phận của vệ binh Tạo!

    Gần chục năm sau, trong số phi công mắc bệnh đến bệnh viện Phòng Không Không Quân Thanh Nhàn (Hà Nội) chữa trị, những người biết chuyện đều hỏi thăm xem “cậu Tạo là ai”, vì nghe nói cậu ta được phân công về làm bảo vệ cho bệnh viện? Ông lao công già trong tổ lao công cười bảo: Bảo vệ gì? Cậu ấy làm trong tổ quét rác…

    Vừa nói, ông nhớn nhác nhìn về phía xa, nói to: Kia, Tạo kia!

    Theo tay chỉ, tôi tiến đến nhìn xem anh bạn trẻ “nổi tiếng” trong giới bay và cả bên ngoài xã hội. Trước mặt tôi, bây giờ là một ông trung niên ăn mặc nhếch nhác, khoảng trên dưới 50 (trong khi tuổi thực chỉ chừng 30), gầy gò, hốc hác, mặt buồn rười rượi. Tạo đang chăm chỉ cần mẫn đổ những xô rác lên xe… anh không nhìn, không nói với những người xung quanh, có lẽ anh bị nhắc nhở và mặc cảm với quá khứ của mình chăng?...

    * Lời bàn của Thiên Ân:

    Đồng ý rằng anh Tạo là một người yêu nước, nhưng nếu thay vì yêu nước bằng cách đòi được trở về VN vào năm 1979 để rồi mang họa vào thân, gây đau khổ cho cả gia đình, anh lại đi định cư ở Mỹ như 12 người kia thì giờ này anh đã có một cuộc sống đầy đủ, gia đình được nhờ vả, mà khi trở về thăm quê hương vẫn được gọi là “Việt kiều yêu nước”, như một trong số 12 người kia (đi Mỹ) đã trở về và được trân trọng gọi là “Việt kiều yêu nước”!

    3- Vụ Kiều Thanh Lục cướp UH-1



    Đây là vụ cướp chiếc UH-1 từ phi trường Bạch Mai, Hà Nội, ngày 30/9/1981 do ông Dương Văn Lợi, nguyên kỹ sư công chánh của miền Nam, đứng ra tổ chức.

    Tiểu sử của ông Dương Văn Lợi cũng như chi tiết vụ cướp phi cơ này được nhiều trang mạng ghi lại có những điểm khác nhau. Muốn biết chính xác phải đọc bài “Tù nhân Cổng Trời trở về cướp máy bay vượt biên” của nữ phóng viên Thanh Trúc, đài Á Châu Tự Do, phổ biến ngày 12/3/2015, dựa theo lời kể của chính ông Dương Văn Lợi trong cuốn sách Hà Nội Báo Động Đỏ mà ông là tác giả.

    Qua đó, người ta được biết ông Dương Văn Lợi đi khóa 12 Thủ Đức, giải ngũ năm 1964, từ đó tới năm 1975 là kỹ sư công chánh, làm về xây cất. Năm 1975, dù đang làm việc cho người Mỹ có sẵn phương tiện ra đi, ông quyết định ở lại đất nước. Sau khi nhận ra bộ mặt thật của cộng sản, ngay trong tháng 7/1975 ông cùng khoảng 30 cựu quân nhân, công chức VNCH vượt biên bằng đường bộ qua vùng Tam Biên nhưng thất bại.

    Tới tháng 11 năm đó, ông bị bắt đi “học tập cải tạo”, đưa ra Bắc ở trại Nam Hà rồi trại Cổng Trời, nơi ông từng ở tù chung với Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, Đại tá Trịnh Tiếu...

    Mãi tới khi cộng sản biết... ăn hối lộ, ông Dương Văn Lợi được thả vào tháng Tư năm 1981 sau khi gia đình “chạy” 10 cây vàng!

    Về Sài Gòn, ông trốn trình diện công an để tìm cách vượt biên. Qua trung gian người em ruột Dương Văn Báu là một sĩ quan công an, ông Lợi làm quen với một số phi công trực thăng (CSVN) bị treo giò, đang chờ ra tòa về lội buôn lậu bên Căm-bốt, cũng muốn cướp máy bay bỏ trốn.

    Tuy nhiên sau khi nghiên cứu tình hình, ông Dương Văn Lợi cho rằng cướp trực thăng trốn từ Sài Gòn rất khó, chưa kể những chiếc UH-1 ở Tân Sơn Nhất đều thiếu an toàn, bởi những chiếc còn tốt đã được dưa ra Bắc cho các “đồng chí” trong Bộ Chính Trị sử dụng!

    Cuối cùng, ông, người em trai, và Thiếu úy phi công Kiều Thanh Lục (người được móc nối) quyết định cướp trực thăng ở phi trường Bạch Mai (Hà Nội).

    Ngày 30/10/1981, chiếc trực thăng UH-1 số hiệu 576, với 10 người trên tàu, đã đào thoát thành công, đáp xuống một vùng ở tỉnh Quảng Tây của Trung Cộng.

    Mười người gồm có: ông Lợi, người em ruột (Dương Văn Báu), hai người con trai và một đứa cháu, Thiếu úy phi công Kiều Thanh Lục, Chuẩn úy cơ phi (CSVN) Hoàng Xuân Đoàn, cựu Chuẩn úy kỹ thuật Lê Ngọc Sơn của Không Quân VNCH, người yêu của Kiều Thanh Lục và một cô bạn của cô.

    * * *

    Sau đây, với mục đích đã nêu ra trong Lời Nói Đầu, chúng tôi trích đăng nguyên văn bài tường thuật của báo Tuổi Trẻ Online, cộng thêm bài viết của một tác giả trong nước đã được phổ biến trên Internet.

    Vụ án Kiều Thanh Lục (TTO)
    (Những đoạn in nghiêng và bỏ trong ngoặc đơn là chú thích của Thiên Ân)

    Ngày 30-9-1981, ở sân bay Bạch Mai (Hà Nội) đã xảy ra vụ cướp trực thăng UH-1 số hiệu 576. Người thực hiện vụ cướp này là thiếu úy không quân Việt Nam Kiều Thanh Lục.

    “Kiều Thanh Lục là phi công của trung đoàn 917, bị cắt bay do vi phạm kỷ luật nên bất mãn, lập mưu cướp trực thăng đi nước ngoài xin tị nạn” - đại tá Trần Văn Tuyên, cựu giảng viên Học viện Phòng Không Không Quân, nguyên chủ nhiệm bay trung đoàn 918, cho biết.

    Trên chuyến bay đó còn có chuẩn úy cơ giới hàng không Hoàng Xuân Đoàn, chuẩn úy cơ giới hàng không của chế độ cũ Lê Ngọc Sơn, kỹ sư hàng không Dương Văn Lợi cùng 10 người khác. (đoạn này TTO viết sai, ông Lợi không phải kỹ sư hàng không, và tổng cộng chỉ có 10 người)

    Với kế hoạch được chuẩn bị rất kỹ từ trước, rạng sáng 30-9-1981, nhóm của Kiều Thanh Lục đã đánh ngất cảnh vệ, cướp trực thăng UH1.

    Sau khi cất cánh khỏi sân bay Bạch Mai, Kiều Thanh Lục còn đáp xuống sân bóng đá Long Biên đón người yêu và bạn gái của người yêu.

    Chiếc trực thăng này dự kiến bay đi Hong Kong nhưng cuối cùng lại đáp xuống một khoảnh ruộng tại huyện Đại Tân thuộc Quảng Tây do... cạn xăng!



    Mười người đào thoát đứng trước chiếc UH-1: ông Lợi (sơ-mi trắng) đứng giữa, rồi tới Chuẩn úy Đoàn, Thiếu úy Lục, người yêu của Lục và một cô bạn

    Vụ một chiếc trực thăng quân sự với đầy đủ vũ khí và cơ số xăng dầu bị cướp ngay giữa ban ngày tại trụ sở chỉ huy của Quân chủng Phòng Không Không Quân đã gây chấn động toàn quân. Tình trạng báo động khẩn cấp được ban ra.
    Máy bay Mig được lệnh xuất phát truy đuổi chiếc UH1 nhưng không còn kịp. “Hai phi công trực ngày hôm đó phải đi tù. Nó là cú sốc gây chấn động với tất cả phi công chúng tôi chứ không chỉ riêng trung đoàn 917” - đại tá Trần Văn Tuyên nhớ lại.

    * Trốn chạy khỏi Trung Quốc:

    Theo lời kể của ông Dương Văn Lợi - một sĩ quan không quân chế độ cũ (TTO lại viết sai), một trong 10 thành viên bỏ trốn trên chiếc trực thăng, thì họ nhắm hướng Hong Kong như đã tính toán nhưng run rủi thế nào nó lại đáp xuống một nơi ở... Quảng Tây.

    “Đó là thời kỳ mà mối quan hệ Việt - Trung không còn mặn nồng. Vì thế Bắc Kinh muốn lợi dụng sự kiện chiếc UH1 và 10 người trốn từ Việt Nam để tuyên truyền chống Hà Nội. Đó cũng là lý do chúng tôi được đưa về Bắc Kinh và được tiếp đãi trọng thể như khách quý.

    “Họ tưởng chúng tôi đến Trung Quốc để tị nạn nhưng sau khi nghe chúng tôi trình bày ý muốn gặp đại diện của Liên Hiệp Quốc ở Bắc Kinh để xin đi tị nạn tại một quốc gia khác, sự tiếp đón nhạt nhẽo hẳn.

    “Tôi ở Bắc Kinh trên 6 tháng, lúc Liên Hiệp Quốc liên lạc với bên Mỹ thì bên Mỹ viết cho tôi thư trả lời.

    “Tôi gửi một đơn nữa thì Mỹ cho người qua, nói với chúng tôi là Mỹ sẵn sàng nhận cả 10 người chúng tôi nhưng Trung Quốc không cho chúng tôi đi” - ông Dương Văn Lợi kể trong một cuộc phỏng vấn ở nước ngoài.

    Hai năm rưỡi sau, từ Bắc Kinh, gia đình ông Dương Văn Lợi được đưa về Liễu Châu với khuyến cáo nếu không muốn ở lại Trung Quốc thì phải vào sống trong trại tị nạn!

    “Tại Liễu Châu, tôi làm quen với một số người Việt từ Hà Nội hoặc Hải Phòng trốn qua Hong Kong rồi bị bắt trả về Trung Quốc, tôi đưa tiền nhờ họ mua một chiếc thuyền cũ với quyết tâm thoát khỏi Hoa Lục bằng đường biển” - ông Lợi kể.

    Năm 1983, tức sau gần 3 năm bị mắc kẹt ở Trung Quốc, gia đình ông Lợi mới có cơ hội thoát khỏi Trung Quốc.

    Ông Lợi cho biết: “Đó là chuyến vượt biển đầy trắc trở. Tàu cũ nên hết hư cái này đến hỏng cái khác. Trên đường đi, lần lượt có 40 thuyền lớn nhỏ đi ngang, chúng tôi vẫy gọi nhưng không chiếc nào dừng lại cho đến khi gặp được một tàu Liên Xô trong cơn bão.

    Họ cho hai thợ máy sửa giúp máy tàu để chúng tôi tiếp tục hành trình. Cuối cùng, tàu cập vào một đảo nhỏ của Philippines là Dalupiri”.

    Từ đảo Dalupiri, nhóm người được đưa về Manila rồi vào trại tị nạn. Năm 1985, gia đình ông Lợi được đi Pháp định cư.

    Trong khi đó ở Việt Nam, một phiên tòa xử khiếm diện đã tuyên án tử hình 5 người trong nhóm cướp trực thăng gồm Kiều Thanh Lục, Dương Văn Lợi, Dương Văn Báu, Lê Ngọc Sơn (phi công phụ) và Hoàng Xuân Đoàn (cơ giới trên không).



    5 người bị án tử hình khiếm diện

    Sau khi gia đình ông Lợi đến Pháp, mấy năm sau, em trai ông Lợi (sĩ quan công an Dương Văn Báu) cũng trốn khỏi Bắc Kinh bằng đường biển và tị nạn ở Nhật Bản. Cơ giới trên không Hoàng Xuân Đoàn cũng trốn khỏi Bắc Kinh qua tị nạn ở Canada.

    Riêng 3 người là Kiều Thanh Lục, vợ sắp cưới của Lục và Lê Ngọc Sơn ở lại Bắc Kinh lập nghiệp.

    Vụ cướp trực thăng tại sân bay Bạch Mai trốn đi Trung Quốc
    (tác giả Cầu Nhật Tân, phổ biến trên Internet ngày 12/7/2014)

    Trong khi chiến sự vẫn rất căng thẳng trên toàn tuyến biên giới Việt – Trung, dịp Quốc khánh Trung Quốc 1/10/1981, Việt Nam bàng hoàng bởi vụ cướp máy bay trực thăng chiến đấu biên chế ngay tại Sở chỉ huy của quân chủng Không quân ở sân bay Bạch Mai.

    Rạng sáng 30/9/1981, 2 chiến sỹ gác sân bay Bạch Mai (Trụ sở Bộ tư lệnh quân chủng Không quân) tại Hà Nội bị hạ sát bằng lưỡi lê đâm vào cổ họng. Chiếc máy bay trực thăng UH-1H với đầy đủ vũ khí và cơ số xăng dầu đã bị cướp mất. Ít ngày sau, qua Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc, Việt Nam mới hay tin những người trên máy bay đã được Trung Quốc biệt đãi, được gặp “lãnh tụ” Hoàng Văn Hoan, được Triệu Tử Dương tiếp đón.

    Sáng sớm ngày 30/9/1981, lực lượng bảo vệ sân bay Bạch Mai phát hiện 2 bộ đội gác sân bay bị hạ sát, ngay sau đó họ đã không thấy chiếc máy bay trực thăng UH-1H số hiệu 576. Táo tợn hơn, sau khi cất cánh khỏi sân bay Bạch Mai, chiếc máy bay này còn đàng hoàng hạ cánh xuống phường Phúc Xá thuộc địa bàn quận Ba Đình đón thêm người rồi mới bay thẳng đi Trung Quốc trước sự bất lực hoàn toàn của lưới lửa phòng không dày đặc thời chiến.

    Tác giả chính của vụ cướp máy bay này là Thiếu úy Kiều Thanh Lục, ngoài ra còn có sự trợ giúp của một số sỹ quan, cán bộ quân chủng Không Quân (cùng trốn theo sang Trung Quốc) trong đó đáng chú ý có một người là cựu sỹ quan không lực Việt Nam cộng hòa được thu dung phục vụ tạm thời trong quân chủng. Dựa vào chi tiết này, phán đoán ban đầu là chiếc máy bay đã bay ra hạm đội 7 của Hoa Kỳ (lúc đó Việt Nam vẫn coi Hoa Kỳ là kẻ thù nguy hiểm nhất).

    Ngay lập tức, toàn bộ các đồng chí diện “thu dung” bị đặt dưới chế độ giám sát đặc biệt, kể cả đồng chí từng lái máy bay ném bom dinh Độc Lập. (tức Nguyễn Thành Trung, lúc đó mang cấp bậc Đại tá Không Quân CSVN, đã bị cấm bay và bị giam lỏng)

    Chỉ sau khi Nhân Dân Nhật Báo (của Trung Cộng) đăng chi tiết về vụ cướp máy bay và Bắc Kinh tổ chức họp báo quốc tế rầm rộ với Kiều Thanh Lục, Dương Văn Lợi, Hoàng Xuân Đoàn và Lê Ngọc Sơn (phi hành đoàn) thì Việt Nam mới ngã ngửa ra rằng chiếc máy bay đang ở trong tay Trung Quốc. Sau thất bại quân sự năm 79, Trung Quốc cố thổi phồng vụ này lên, nâng tầm quan trọng ngang vụ “lão thành cách mạng Đảng Cộng sản VN” Hoàng Văn Hoan bỏ trốn, đặc biệt lại đúng dịp 32 năm Quốc khánh Trung Quốc (1/10/1981). Bắc Kinh gọi đây là máy bay đặc dụng biên chế riêng phục vụ Bộ Chính trị của “tập đoàn Lê Duẩn”. Những ngày sau, không những “lãnh tụ” Hoàng Văn Hoan mà ngay cả Triệu Tử Dương (Chủ tịch TQ) cũng đích thân tiếp 10 người đi trên máy bay. Thậm chí còn có tin, nếu Trung Quốc thành lập “chính phủ” Hoàng Văn Hoan lưu vong thì những người trên sẽ được Bắc Kinh cơ cấu vào các chức vụ quan trọng như bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh Không quân …

    Vụ giết bộ đội, cướp máy bay ngay tại sân của quân chủng Không quân đã trôi qua 33 năm nhưng nhiều câu hỏi lớn vẫn chưa tìm được câu trả lời thấu đáo. Có hay không bàn tay của tình báo Hoa Nam đạo diễn vụ này? Ai đã cố tình nạp sẵn nhiên liệu vào máy bay và chuẩn bị các điều kiện cất cánh khác trong khi quy trình để máy bay cất cánh phải qua nhiều khâu, nhiều người? Tại sao chiếc máy bay bị cướp có thể lọt qua hàng loạt các trận địa phòng không bảo vệ Thủ đô và nhiều căn cứ không quân, quân sự trọng yếu trên đường đi trong khi từ lúc cất cánh đến lúc bị phát hiện chỉ vẻn vẹn chưa đầy 5 phút, đặc biệt trong bối cảnh lực lượng phòng không VN đã được huấn luyện kỹ chiến thuật chống trực thăng tầm thấp sau vụ Sơn Tây 1970. Nếu không có mật lệnh từ trước, hẳn chiếc máy bay đã bị chính lưới lửa phòng không của Trung Quốc bắn hạ chứ không thể bay sâu vào nội địa TQ để hạ cánh xuống huyện Đại Tân (lúc đó Bắc Kinh vẫn duy trì một lực lượng quân sự khổng lồ trên biên giới Trung – Việt nhằm xâm lược Việt Nam). Ngoài ra, không thể không nhắc tới việc một vị lãnh đạo quân chủng Không quân VN năm ấy, không những không bị kỷ luật mà qua hơn 10 năm, sau khi thăng lên nhiều cấp của Bộ Quốc phòng, thì bị “biếm” (bị giáng chức) bởi một quyết định phê duyệt được cho là có “yếu tố Trung Quốc”.

    * Lời bàn của Thiên Ân:
    Tương tự nhiều người dưới chế độ CSVN lúc nào cũng xem “ông Liên Xô”, “ông Trung Quốc” như thần thánh, tác giả Cầu Nhật Tân đã cho rằng phải có bàn tay của bá quyền phương Bắc nhúng vào thì vụ cướp phi cơ UH-1 của Kiều Thanh Lục mới diễn ra được. Tuy nhiên, những ai đã đọc bài “Tù nhân Cổng Trời trở về cướp máy bay vượt biên” của Thanh Trúc, sẽ đồng ý với chúng tôi rằng: cũng giống như trong vụ Thượng úy Tiêu Khánh Nha cướp C-130 bay sang Singapore, hai yếu tố chính đưa tới thành công của Kiều Thanh Lục là (1) đầu óc, sự điều nghiên kỹ lưỡng, sự chuẩn bị chu đáo, và kế hoạch tài tình của những người chủ mưu, và (2) phản ứng chậm chạp của lực lượng phòng không CSVN.

    Tình báo của CSVN có thể dở hơn Trung Cộng thật đấy, nhưng nghi vấn cho rằng “bàn tay của tình báo Hoa Nam” đã đạo diễn vụ cướp một chiếc máy bay UH-1 ngay tại phi trường Bạch Mai, nơi đặt Bộ tư lệnh Phòng Không Không Quân của CSVN, chỉ là sản phẩm của óc tưởng tượng!

    Thiên Ân
    Melbourne, tháng 12/2017

    (Trích Lý Tưởng - Úc Châu, xuân Mậu Tuất 2018)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X